Lâu lắm rồi tôi mới nhận được phone của Vũ, em trai của cô bạn thân hồi tiểu học của tôi trong Bộ Tổng Tham Mưu. Vũ hỏi tôi “chị còn nhớ em không?” Tôi trả lời: “Nhớ chứ Vũ. Vũ Nhâm Dần mà”.


Đúng là tôi không bao giờ quên những lúc hai chị em nói chuyện với nhau lúc còn ở Việt Nam. Vũ thường than thở “Em sinh năm Nhâm, nhưng sao khổ quá chị?”. Lúc ấy tôi không biết trả lời sao? Vì những ngày sau 1975, gần như cả miền Nam đều khốn khổ! Có người có mạng đế vương còn không sống nổi nữa thì nói gì “Nhâm” với “Quý”!


Tôi đã không trả lời được câu hỏi ấy của năm nào. Chỉ biết thương cho những đứa em, mười hai, mười ba tuổi, chưa hưởng được những huy hoàng của Sài Gòn, thì đã phải gánh trên vai những khốn khó nhọc nhằn mà cứ tưởng mình đang đóng kịch hoặc đang nằm mơ. Một giấc mơ hãi hùng mà trong trí nhớ, chúng tôi đã không bao giờ quên được.


Gia đình Vũ, cũng như những gia đình khác trong trại Tổng Tham Mưu, trong một sớm một chiều đã mất tất cả. Đã bỏ lại căn nhà thân thương do chính phủ cấp để chạy ra ngoài vòng đai Sài Gòn tránh nạn. Ngày rời nhà, chỉ kịp quơ mấy bộ quần áo và chạy cho thật nhanh, như chạy cho kịp ra khỏi căn nhà đang bị cháy, mà không có được ngày quay trở lại để nhìn căn nhà thân yêu ấy, dù chỉ là đống tro tàn.


Và dòng đời cứ thế trôi. Hết mùa Xuân này tới mùa Xuân kia. Lay lất sống từ Sài Gòn đến vùng đèo heo gió núi. Vũ cũng như anh chị em trong nhà phải vật lộn với miếng cơm manh áo. Tả tơi và tơi tả trên chính mảnh đất quê hương của mình. Phải cuốc cày dưới ánh nắng thiêu đốt trên vùng đất mà người ta gọi là “vùng kinh tế mới”. Vùng đất có ánh nắng thiêu đốt nhưng không một ngọn đèn ngoài một màn đen che phủ cả tương lai.


Nhưng rồi ... có một ngày, có ánh sáng ở cuối đường hầm. Gia đình Vũ đã được đến Mỹ theo diện HO, chương trình “ra đi trật tự” do chính phủ Hoa Kỳ cho phép người Việt tị nạn được nhập cảnh vào nước Mỹ.


Vở kịch đã được kéo màn. Cũng giống như đa số người Việt tha hương, với hai bàn tay trắng, lo chăm chỉ làm việc, để có được ngày hôm nay, một cuộc sống thoải mái trên mảnh đất của xứ Hoa kỳ tự do.


Và tôi cũng đã có câu trả lời. Con trai sinh năm Nhâm tốt thật! Đúng như ông bà mình tin tưởng. Không tiền thì hậu vận đều sẽ được tốt. Miễn sao mà hơn nửa cuộc đời còn lại không phải lo cơm áo gạo tiền cho từng ngày một là tốt. Nhất là được sống và làm việc ở nước ngoài. Cho dù có cực đến đâu, nhưng việc làm của mình được bù đắp xứng đáng. Được hít thở bầu không khí tự do là hạnh phúc rồi.


Tôi đã tin vào chuyện “Nam Nhâm Nữ Quý” gần như tuyệt đối vì thấy những người chung quanh và những người trong gia đình. Gần như ai sinh năm Nhâm cho nam và Quý cho Nữ đều tốt cả.


Tuy nhiên, khi nghĩ đến những người sinh ra năm Nhâm Dần, là con gái thì thương quá! Vì cái quan niệm cổ hủ của ông bà, sợ rước “cọp cái” vào nhà, sợ con trai mình sẽ gặp điều xấu trong tương lai. Cho nên biết bao nhiêu cô gái phải sống đời độc thân, vì sinh ra vào cái năm mà mình không chọn lựa được.


Thật tiếc thay, những dị đoan kỳ lạ của người Việt mình vô tình đã làm biết bao nhiêu cuộc đời những cô gái sinh năm Nhâm Dần 1962 không có được hạnh phúc.


Năm Nhâm Dần 2022 năm nay, tôi hy vọng những quan niệm cổ xưa này được xóa bỏ hoàn toàn trong thời đại mới. Cái gì vui nên tin như “Nam Nhâm Nữ Quý” thì tin, nhưng xin đừng ác cảm với những người phụ nữ tuổi Dần.



LêChi