Nhà chàng trước mặt nhà tôi

Cách nhau một bức tường vôi trắng ngần.

Tôi lớn lên trong một khu phố nhỏ, chung quanh hàng xóm đều là những gia đình công chức, thân quen nhau như người trong họ.

Nhà tôi có 5 anh chị em, bên chàng cũng thế. Chàng thân với ông anh lớn của tôi, còn tôi thì luôn quấn quít với em gái chàng, cùng tuổi, học chung bậc tiểu học ở trường Aurore gần nhà.

Sau giờ tan học hoặc cuối tuẩn, những đứa trẻ con không rời nhau, lúc thì chơi nấu cơm, nấu chè, (bằng đèn cầy, soong chảo bằng nhôm bé xíu ...), lúc thì nhảy dây, chơi U.

Tôi nhớ một lần chơi U, tôi vì dài hơi nên được đại diện phe ta sang tấn công phe địch ... Mới sang ranh giới của anh em chàng, tôi bị chàng chụp và ôm tôi gọn lỏn trong tay, vừa bị thua và bị mắc cỡ, tôi vùng vẫy chạy về nhà ... ấm ức. Kể từ hôm chơi U bị chụp lần ấy, mỗi khi ra cửa gặp chàng, tôi lại bẽn lẽn quay vào trong nhà.

Cuối tuần, nhỏ P., em chảng, rủ tôi sang nhả để chơi nấu cơm, chàng đang tử trên lầu đi xuống, cũng ghé vảo chỗ chúng tôi đang bày trò chơi:

- Cho Anh ăn cơm mí nhé ....

- Xí ..........

Tôi chu mỏ nguýt một cái thật dài, chạy về nhà, nhỏ P. không biết tại sao tôi lại “kỳ thị” chàng như thế?

Tháng ngày trôi qua, tôi đậu Đệ Thất trường Nữ Trung Học gần bên sở thú. Đi học bằng xe đưa đón của trường. Mỗi khi xuống xe trước cửa nhà, tôi lại thấy bản mặt dễ ghét của chàng, tôi bẽn lẽn cúi mặt xuống và đi thẳng vào nhà ... Có hôm đi học về đến nhà, đã thấy cái bản mặt khó ưa của chàng lù lù trong nhà tôi, đang ngồi chơi cờ tướng với ông anh ... Chàng chào hỏi thăm:

- Cô bé đi học về à? có mệt không?

- Dạ ...... Không!

Tôi lại chạy trốn vào phòng trong. Lên lớp Đệ Tứ, Gia đình chàng mời bố mẹ và anh chị em tôi sang ăn tiệc cuối tuần để mừng chàng mới đậu Y Khoa.

Hôm ấy cái bản mặt chàng thật kênh kênh, cười nói huyên thuyên với mọi người ... Chàng cầm ly rượu champagne trao cho tôi:

- Cô bé không chúc mừng anh hả?

Tôi lí nhí:

- Dạ ... mừng anh sớm thành Quan Đốc!

Chàng cười vang, ôm lấy bờ vai tôi, không quên đặt lên trán tôi một cái mi thật nhẹ:

- Cám ơn bé, không phụng phịu với anh nữa nhé ...

Trong một phút, tôi lại nhớ đến cái ngày “hắn” chụp tôi và ôm trọn vòng tay trong lúc chơi U, nhưng hôm nay, cái khoác vai nhẹ nhàng cho tôi cảm giác dễ chịu hơn, tôi khẽ cúi mặt, cười tủm tỉm …

Một hôm đang ngồi học bài trong phòng, thấy me chàng sang chơi, các cụ to nhỏ điều gì tôi không biết, chỉ nghe lóm:

- Con bé càng nhớn càng duyên dáng lạ thường, chúng mình làm sui gia nhé ... Ta về ta tắm ao ta ...

Tôi không cần biết các cụ ám chỉ ai, nhà tôi có 4 chị em gái, đứa nào cũng xinh, chị tôi bảo tôi là đứa xấu nhất, nhưng biết lễ phép, hay chào hỏi, xã giao với các cụ ... nên hay được các bà già ... thương...

Mấy hôm nay chẳng thấy Người

Phải chi được thấy nụ cười của … Ai?

Tan học về, xuống xe trường lúc nào tôi cũng thấy chàng trên balcony cười mỉm, tôi giả bộ không thấy, nhìn bâng quơ chậm bước về nhà ... Mấy hôm nay không thấy bóng chàng, tự nhiên thoáng một chút bâng khuâng, thắc mắc ...

Ô lạ nhỉ, có “mắc mớ” gì đâu mà thắc mắc …?

Ngày qua ngày vẫn không thấy đâu, tôi hơi lo ... có thể chàng bận học thi, cũng có thể chàng ghét tôi không chừng (?). Cho đến một hôm nghe lóm hai bà cụ chuyện trò, mới biết chàng bị ốm nặng, phải dùng trụ sinh ...

Tôi sang mượn P. quyển sách toán giải phương trình (P. học Nguyễn Bá Tòng, không chung trường nên hai đứa ít gần gũi nhau như hồi bé ...).

Chàng vừa đi học về, mặt hốc hác thấy rõ, tôi đánh bạo:

- Anh H. khỏe chưa ạ?

Chàng cười thật tươi trên khuôn mặt xanh xao:

- Cóc mở miệng thì anh phải khỏe thôi ...

Càng lớn lên, con cái hai bên gia đình đều bận rộn, nên ít thân nhau hơn.

Phần tôi ngoài việc học hành, cuối tuần phải sinh hoạt trong Hướng Đạo, văn nghệ, các bạn trai bạn gái đến nhà đều được mẹ tôi quan tâm rất kỹ.

Mùa hè đỏ lửa, anh tôi phải xếp bút nghiên để vào Không Quân, chàng hàng xóm phải miệt mài kinh sử để thoát được lệnh tổng động viên. P. em gái chàng mới bị ngã, hơi chạm dây thần kinh trên não, lúc tỉnh lúc mê, hai bên gia đình đều bận rộn và có những niềm riêng nên chúng tôi ít gặp nhau qua lại như xưa. Riêng tôi thì bù đầu ở hai kỳ thi Tú Tài 1 & Tú Tài 2, học thêm luyện thi Toán Lý Hóa, trau giồi sinh ngữ ở Hội Việt Mỹ, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, ... tôi ở Thư Viện Lê Thánh Tôn nhiều hơn ở nhà, những hẹn hò từ đây khép lại, ngay cả anh hàng xóm bên kia nhà không biết có còn nhớ đến tôi?

Tiệc mừng Sinh Nhật 17 và thi đậu Tú Tài năm ấy tôi mời đầy đủ các bạn thân thương của tôi, nam nữ đề huề 50 người, dĩ nhiên là không quên anh hàng xóm ... Kém vui, chàng phải theo gia đình đi đổi gió trên Đà Lạt tuần lễ ấy ...

Tôi đang hân hoan trong dạ tiệc tưng bừng, bỗng ngạc nhiên có người khách lạ đem đến cho tôi một bó hồng nhung 17 bông đỏ thẫm, kèm theo một hộp nữ trang be bé xinh xinh, ông khách lạ nói rằng quà từ Đà Lạt gửi về, chưa mở quà tôi cũng đoán là của ai rồi ... Chiếc lắc vàng 18, vảy cá (thời trang ngày ấy) tôi rất thích, nhưng chưa bao giờ dám đeo vì hơi nặng so với cổ tay gầy guộc của tôi.

Tôi vào đại học, đáng lẽ phải chọn Văn Khoa mới đúng (tôi thích sinh ngữ và văn chương, mặc dầu không thích ban C), một lần gặp gỡ, chàng khuyến khích tôi vào Nha, chàng tình nguyện làm “kèm trẻ tư gia” miễn phí và tôi không ngần ngại ghi danh vào Khoa Học, ít ra cũng như ý của bố mẹ và thuận ý anh hàng xóm ...

Học năm dự bị trên Thủ Đức sáng đi tối về, tôi ít có cơ hội thấy anh hàng xóm.

Chiến tranh khốc liệt, không ai biết ngày mai ra sao, tôi nhận lời cẩu hôn của một người chỉ để trả một món nợ ân tình.

Cuộc đời của tôi sang một bước rẽ hoàn toàn xa lạ. Ngày đưa dâu, tôi thấy anh hàng xóm trên balcony nhà chàng đứng ngẩn ngơ nhìn vu vơ. Bác me của chàng sang tiễn dâu, trao cho tôi một phong bì và nói:

- Mừng cô dâu hụt của tôi về nhà chồng.

Sau biến cố 1975, gia đình chàng xuống thuyền vượt biển, tôi về “bên ấy” thỉnh thoảng ngân nga bài hát “Bướm trắng” mà lòng man mác ...

Gia đình chúng tôi sang Úc sau đó, cuộc sống vất vả trong cuộc đời mới, tôi không còn thời gian để mơ mộng, hồn nhiên như xưa.

Dòng đời trôi nghiệt ngã, tôi bỗng dưng được lấy lại quyền công dân và sống đời độc thân vui tính. Hai đứa con tôi đã thành nhân và khuyên tôi bước thêm bước nữa. Tôi nhận được hai lần cầu hôn của hai người xa lạ, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy trống vắng và quyết định thu mình vào con ốc nhỏ, vẫn cố lê lên đỉnh cành đào mong ngày hội lớn ... để lỡ một lần gặp được ánh mắt, nụ cười … tự nhủ lòng mình rằng ... có phải?

Life is not measured by the number of breaths we take, but by the moments that take our breath away ... indeed!

[***Cuộc sống không đo lường hơi thở của ta hàng ngày, nhưng trong một khoảnh khắc nào đó, nó khiến ta ngưng thở (chỉ vì ai?)]

Có con chim nhỏ mang tin nhắn

Thu này em dệt áo vu quy

Người từ phương trời xa khuất ấy

Dệt áo vu quy giạt bến nào?

Sáng nay trời hiu hiu trở lạnh, cái lạnh dễ chịu của mùa thu. Trong sở làm, được một chút rảnh rỗi, tôi chuyển sang hộp thư riêng để xóa những emails không cần thiết.

Một email xa lạ đến từ RHN_pathology@yahoo.com làm tôi chú ý (?), có lẽ nào thư đòi nợ chăng? Mình đâu có nợ ai bao giờ ...vì tôi thường đi khám nghiệm và thử máu định kỳ.

Vừa thưởng thức tách cà phê cappuccino thơm ngát, vừa đọc thư lạ ...

Tôi bỗng ngưng thở trong khoảnh khắc khi thấy nét tô đậm:

Cô bé hàng xóm của anh

.........................................................................

.........................................................................

Ôi chao! Chả nhẽ chàng đấy sao? Chàng viết khá vắn tắt nhưng chi tiết, Chàng xin số điện thoại của tôi và mong chờ một cuộc điện đàm sau giờ tôi tan sở.

Nhớ em không nhớ mắt nai

Quen em từ thuở áo dài nữ sinh

Tình như trang giấy trắng tinh

Để tôi mơ dáng em xinh năm nào ...

Lòng tôi bỗng đổ mưa rào ...

Như nắng hạn gặp mưa tuôn, chúng tôi kể cho nhau nghe những thăng trầm của cuộc sống. Chàng bây giờ là một Trung Tá Quân Y đang phục vụ cho Quân Đội Mỹ (mặc dầu chưa bao giờ phải ra chiến trận), nhưng suýt chết một lần vì lý do lảng xẹc, tôi cũng kể sơ tôi cũng xém lên thiên đàng vì đốc tờ Tây cho thuốc sai. Tôi nằm bệnh viện hai tháng năm 2007, phải nói đây là một khoảng thời gian hạnh phúc vì được săn sóc như một bébé ...

Chàng cười đùa:

- Cửa thiên đàng chưa đón chúng mình bởi vì ... ta còn nợ nhau phải không em?

Tôi cười giòn:

- Công tử trói gà không chặt, sao anh lại vào Quân Đội? Giọng chàng se lại:

- Ừ, tại anh ghét VC quá, vì họ mà anh bị lỡ mất “mộng ban đầu”… Bao nhiêu lần định ngỏ lời với em mà anh phải vùi đầu vào sách vở, sợ thi rớt phải vào lính … đâu biết tương lai ra sao? Vả lại em hay bẽn lẽn mỗi khi gặp anh, phải chi líu lo được như bây giờ thì đỡ khổ phải không em?

Tôi không hỏi tại sao phu nhân của chàng lại nương nhờ cửa Phật, chàng cũng không cần biết tại sao tôi lại lẻ bóng mồ côi.

Chúng tôi trao đổi với nhau về Đạo Lý và nhân quả, cùng một lý tưởng luôn làm điều lành để đầu tư cho kiếp sau ... Mấy chục năm rồi chàng vẫn nhớ ngày rước dâu tôi khóc như mưa, chỉ vì sự tranh chấp về tôn giáo của hai bên cha mẹ.

Đang chuyện trò huyên thuyên, giọng chàng thấp hẳn:

- Anh đã sang Úc Châu hai lần, lái xe từ Bắc xuống Nam nhưng vô vọng … Nếu còn “Duyên” mình sẽ gặp lại em nhé.

Tinh khôi anh dệt thiên tình sử

Chết cả hồn đây em biết không?

Em đi theo gió không về nữa

Chinh chiến cắt rời mộng Yến - Oanh

Tôi không chờ Duyên mà cũng không mong nợ nần ai nữa ... Tôi chỉ muốn giữ lại hình ảnh trong sáng của anh hàng xóm ngày xưa đã từng cho tôi cái cảm giác bối rối của một cô bé chớm dậy thì ...

Anh hàng xóm của tôi ơi ... Anh có hiểu?