Thời Xuân Thu (771-403 BC), các vua nhà Chu bị mất quyền lực và trở thành bù nhìn, những nước chư hầu gây chiến tranh thường xuyên để làm bá chủ và chiếm những nước nhỏ để mở rộng bờ cõi. Tới thời Chiến Quốc (403-256 BC) thì chỉ còn 7 nước lớn là Tần, Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên – mạnh nhất là hai nước Tần và Sở. Những người có tài và có danh tiếng thường được các vua kính nể hoặc trọng dụng, vì đa số vua chư hầu rất sợ những người có tài bỏ họ để giúp những kẻ thù của họ.

Nhờ sự tôn trọng của giới cầm quyền, giới trí thức phát triển mạnh và chia thành nhiều trường phái. Lão gia chủ trương “vô vi” với sự cai trị theo lẽ tự nhiên, Mặc Tử chủ trương “kiêm ái” đem tình thương xóa bỏ hận thù, Dương Tử chủ trương rút lui để tránh ràng buộc. Hai phái nhiều ảnh hưởng nhất là Nho gia và Pháp gia có quan điểm trái ngược nhau. Nho gia cho rằng “nhân chi sơ tính bổn thiện”, quốc gia cần trọng dụng những người có tài đức gọi là “quân tử” để tạo nên cảnh thái bình như thời Nghiêu Thuấn. Nho gia chủ trương thuyết “chính danh”, vua phải cư xử như một vị vua chân chính, thần dân phải cư xử đúng như bổn phận thần dân, đồng thời dùng “lễ nhạc” để giáo huấn và duy trì trật tự xã hội. Còn Pháp gia cho rằng con người bẩm sinh ích kỷ chỉ nghĩ đến tư lợi, cho nên cần áp dụng luật lệ nghiêm khắc để kiềm chế dân và phát triển quốc gia.

Thực ra, cả Nho gia và Pháp gia đều thiếu sót, chỉ quan tâm đến một khía cạnh của loài người. Bản chất con người là sự pha trộn của thiện và ác, của thiên thần và ác quỷ, của những lý tưởng phục vụ đại chúng cùng với những quan tâm ích kỷ, của những đam mê hưởng thụ vật chất cùng với những khao khát tâm linh... Tuy nhiên, nếu áp dụng vào chính trị thì Pháp gia thực tế hơn Nho gia, vì luật pháp luôn luôn cần thiết trong việc ổn định xã hội và phát triển đất nước. Trong khi đó, Nho giáo chỉ là những quan điểm suông về luân lý và thiếu hẳn những biện pháp thực tế để tạo nên một giai cấp “quân tử” trị quốc theo như lý tưởng của họ.

Người phát triển Nho giáo là Khổng Tử, một chuyên gia về lễ nhạc thời nhà Chu. Ông say mê nhạc Thiều là một loại nhạc cúng tế hiện nay đã thất truyền, nhưng chắc là một loại nhạc nghe rất buồn ngủ. Khi ông được vua Lỗ tin dùng làm Đại Tư Khấu (tương đương Bộ Trưởng Tư Pháp), việc đầu tiên ông làm là chém đầu Thiếu Chính Mão là người không có tội gì cả, chỉ là người có tài biện luận đã nhiều lần làm ông không vui. Sự khủng bố này làm cho dân sợ và phải tuân theo những phép tắc lễ nghi của ông, nhưng quan điểm “lễ nhạc” của ông quá gò bó làm dân chúng sống không có một niềm vui. Theo Đông Chu Liệt Quốc, có lần theo vua Lỗ đến một hội nghị gặp vua Tề, Khổng Tử rút gươm chém mấy người nhạc công nước Tề vì đã chơi nhạc “mọi rợ”. Giả sử Khổng Tử sống thời nay và làm ‘Đại Tư Khấu’ nước Cờ Hoa, chắc ông sẽ ra lệnh xử tử tất cả các luật sư vì họ nói ngược nói xuôi còn hơn Thiếu Chính Mão. Và chắc ông cũng ra lệnh chém đầu Madonna, Miley Cyrus, Ariana Grande... vì tội hát nhạc kích dục khiêu dâm.

Vì vua Tề không muốn chính sách khủng bố của Khổng Tử làm cho nước Lỗ có kỷ luật và mạnh về quân sự, cho nên ông gởi tặng vua Lỗ một nhóm nhạc công gồm những ca nữ xinh đẹp. Dân nước Lỗ sống quá nhàm chán với những “lễ nhạc” rất “boring” của Nho gia cho nên họ đổ xô đi xem các ca nữ nước Tề múa hát, vua Lỗ cũng say mê nữ nhạc và không quan tâm đến Khổng Tử nữa. Khổng Tử chán nản bỏ đi chu du các nước mong tìm được một vua chư hầu biết dùng ông, nhưng không có vua nào muốn dùng một người gàn dở không hiểu biết thực tế về chính trị quân sự. Khi về già, Khổng Tử quay về nước Lỗ để dạy học và viết sách. Mặc dù Khổng Tử thất bại về chính trị, ông khá thành công trong việc dạy học, nhiều đệ tử của ông trở nên nổi tiếng và trở thành cố vấn hoặc làm quan phục vụ một số vua chư hầu.

Bộ sách duy nhất Khổng Tử thu thập tài liệu và viết thêm một phần là Kinh Xuân Thu thuật lại một số sự kiện lịch sử nước Lỗ, viết rất lủng củng không có mạch lạc (sau này, nhờ có bộ Tả Truyện giải thích thêm nên đọc Kinh Xuân Thu dễ hiểu hơn). Kich Dịch nguyên thủy do Chu Văn Vương và Chu Công viết, còn phần Thập Dực giải thích Kinh Dịch theo quan điểm Nho giáo là do một số Nho gia đời nhà Hán viết ra rồi gán ghép cho Khổng Tử để tạo uy tín, thực ra không có liên quan đến Khổng Tử. Kinh Thư là những ghi chép lịch sử cổ đại không phải do Khổng Tử viết, còn Kinh ThiKinh Lễ cũng là do Khổng Tử sao chép những bài thơ cổ và những phép tắc từ xưa. Chính Khổng Tử cũng nhận mình là “thuật nhi bất tác” (chỉ tường thuật chứ không sáng tác). Tuy nhiên, các nhà Nho đời sau đã tôn sùng Khổng Tử như thánh nhân, nhiều nhà Nho coi Khổng Tử như là tác giả chính của toàn bộ Ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu).

Khổng Tử chết trong buồn bã năm 479 trước Công Nguyên. Khoảng 200 năm sau, một nhà Nho nổi danh là Mạnh Tử nhờ có tài hùng biện nên được nhiều vua chư hầu kính nể, nhưng cũng không có vua nào dám dùng Mạnh Tử trong việc trị quốc. Trong khi các Nho gia (Confucians) thất bại trong việc đấu tranh quyền lực, các Pháp gia (Legalists) lại rất thành công. Những Pháp gia tài năng nhất là Thương Uởng, Hàn Phi và Lý Tư đều phục vụ nước Tần, giúp nước Tần trở thành bá chủ và sau cùng thống nhất thiên hạ. Sau khi Tần Vương trở thành Tần Thủy Hoàng, ông và Thừa Tướng Lý Tư áp dụng các nguyên tắc Pháp gia để cai trị một đế quốc rộng lớn bao gồm cả thất hùng thời Chiến Quốc.

Tần Thủy Hoàng và Lý Tư chia Trung Hoa làm 36 tỉnh cai trị bởi những Thái Thú, nhưng quân đội các tỉnh là do những viên tướng chỉ huy và những viên tướng này trực thuộc sự điều động của Hoàng Đế. Tất cả những quý tộc và dòng dõi vua chúa của 6 nước bị Tần tiêu diệt đều bị mất hết quyền lợi, cho nên họ rất oán hận nhà Tần. Dân chúng phải nộp hết vũ khí và phải tuân theo những luật lệ nghiêm khắc của triều đình. Tất cả các kinh sách đều bị đốt, ngoại trừ ba loại: sách thuốc, sách dạy trồng cây và sách bói (Kinh Dịch không bị đốt vì được coi là sách bói). Các trí thức không được phép phê bình chính quyền, khoảng 460 Nho sĩ bị chôn sống ở Hàm Dương vì bị buộc tội phê phán nhà Tần. Sau khi áp dụng Pháp gia để trị quốc, Tần Thủy Hoàng tin chắc nhà Tần sẽ tồn tại đến muôn đời, và ông cho người đi tìm thuốc trường sinh để vĩnh viễn tận hưởng những thành công của ông.

Tần Thủy Hoàng nghĩ rằng chỉ có rợ Hồ là có thể trở thành mối de dọa cho nhà Tần, nên ông ra lệnh bắt dân công đi xây những bức thành lớn (sau này phát triển thêm thành Vạn Lý Trường Thành) để ngăn chặn những kẻ thù phương Bắc. Hàng triệu người phải lao động như nô lệ, hàng trăm ngàn dân công bị chết vì kiệt sức và đói khát. Dân chúng đã bất mãn vì những luật lệ hà khắc và sưu cao thuế nặng, nay lại bị bắt đi xây thành và xây nhiều cung điện cho nên sự căm thù của họ đối với triều đình lên đến cực điểm. Lúc Tần Thủy Hoàng còn sống, uy danh của ông khiến các tướng không ai dám làm phản, dân không dám nổi loạn, còn các cựu quý tộc và dòng dõi vua 6 nước phải nuốt hận chờ thời.

Khi Tần Thủy Hoàng bị bệnh chết ở ngoài kinh đô và để lại di chúc lập Thái Tử Phù Tô kế vị, Thừa Tướng Lý Tư và một viên quan tên Triệu Cao (có tài liệu cho rằng Triệu Cao là một thái giám) tạm thời giấu cái chết của Tần Thủy Hoàng, rồi lấy ấn tín của Hoàng Đế ra lệnh bắt Phù Tô phải tự tử, vì họ sợ rằng nếu Phù Tô lên ngôi sẽ trọng dụng tướng Mông Điềm và sẽ loại bỏ họ. Cả Lý Tư và Triệu Cao đều muốn trở thành người nắm quyền lực tối cao đằng sau một ông vua bù nhìn, cho nên họ lập di chúc giả đưa một hoàng tử ngớ ngẩn tên Hồ Hợi lên ngôi làm Tần Nhị Thế, sau đó họ xúi dục Hồ Hợi giết chết nhiều hoàng tử và phi tần để loại bỏ sự cạnh tranh và giữ vững ngai vàng. Triệu Cao nhiều thủ đoạn hơn Lý Tư, nên đã thắng trong cuộc đấu tranh quyền lực – cả gia tộc Lý Tư bị bắt và bị chém ở giữa chợ. Triệu Cao trở thành lãnh tụ tối cao ở Hàm Dương, còn tướng lãnh ở các tỉnh và các giới quý tộc cũ đều biết nhà Tần có nội loạn nên đa số âm thầm chuẩn bị chờ cơ hội làm phản.

Cuộc nổi loạn của một người lính tên Trần Thắng đã trở thành một mồi lửa làm bùng nổ những khởi nghĩa chống Tần. Trần Thắng tự lập làm Trần Vương, nhiều người dòng dõi các vua cũ cũng được dân quân nổi loạn tôn làm vua. Tuy nhiên, nhà Tần còn một tướng giỏi và trung thành là Chương Hàm để trấn áp loạn quân. Mặc dù Chương Hàm thắng nhiều trận nhưng các cuộc nổi loạn càng ngày càng nhiều, dù Chương Hàm có ba đầu sáu tay cũng không thể dẹp hết. Triệu Cao vì sợ bị quy trách nhiệm nên giết Tần Nhị Thế (Hồ Hợi) rồi lập một hoàng tử tên Tử Anh lên ngôi là Tần Tam Thế. Tử Anh bèn lập mưu đâm chết Triệu Cao, nhưng lúc đó Chương Hàm thấy tình thế tuyệt vọng nên đầu hàng Hạng Vũ là tướng nước Sở. Khi quân của Lưu Bang (lúc đó còn dưới quyền Hạng Vũ) tiến vào Hàm Dương, Tử Anh phải đầu hàng Lưu Bang. Sau đó, Hạng Vũ tiếp quản Hàm Dương và ra lệnh giết Tử Anh và tàn sát toàn bộ nhà Tần. Hy vọng cai trị muôn đời của Tần Thủy Hoàng đã hoàn toàn tan vỡ - nhà Tần mới đến đời thứ ba đã bị diệt vong.

Sau khi nhà Tần bị diệt, Hạng Vũ tự phong làm Tây Sở Bá Vương làm lãnh tụ các nước chư hầu. Lưu Bang được phong làm Hán Vương cai quản đất Thục, nhưng vẫn nuôi tham vọng lật đổ Hạng Vũ. Cuộc chiến giữa Hạng Vũ và Lưu Bang được gọi là Hán Sở Tranh Hùng – lúc đầu Lưu Bang gần như không có hy vọng chiến thắng, nhưng chỉ sau 5 năm Hạng Vũ đã phải tự sát bên bờ sông và Lưu Bang trở thành Hoàng Đế lập nên triều đại nhà Hán.

Là người thực dụng, Hán Cao Tổ Lưu Bang rất khinh thường những quan điểm luân lý Nho giáo. Nhưng ông sớm nhận ra những quan điểm gàn dở này có thể dùng cho mục đích chính trị. Khi Hạng Vũ giết vua bù nhìn nước Sở là Nghĩa Đế, Lưu Bang đã dùng luân lý Nho giáo để công kích Hạng Vũ và thu phục được nhiều người theo ông. Nhưng ông vẫn coi thường giới trí thức, nhất là những nhà Nho chỉ biết nói chuyện lý thuyết suông. Có chuyện kể rằng Lưu Bang đã giựt mũ của một nhà Nho, ném xuống đất rồi đái vào mũ, nói rằng ông đã lấy được thiên hạ là nhờ ngồi trên lưng ngựa chứ không phải nhờ sự giúp đỡ của Nho gia. Tuy nhiên, Lưu Bang đủ thông minh để hiểu rằng ông có thể ngồi trên lưng ngựa để đánh thành chiếm đất, nhưng muốn cai trị một đế quốc thì cần làm thêm nhiều chuyện khác chứ không phải chỉ dùng vũ lực. Sau khi nói chuyện với một nhà Nho có khí phách là Thúc Tôn Thông, ông bắt đầu dùng các Nho gia để thiết lập những quy tắc lễ nghĩa cho triều đình.

Rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của nhà Tần, Lưu Bang biết rằng nếu chỉ dùng Pháp gia thì không đủ để cai trị một đế quốc rộng lớn. Ngoài ra, Pháp gia mặc dù vẫn có ích nhưng bị đa số dân chúng oán ghét vì gắn liền với sự tàn bạo của nhà Tần. Trong khi đó, những quan điểm Nho gia được trí thức ủng hộ và được dân chúng tán thành, nhưng các quan điểm này đều không thực tế và không thể áp dụng vào việc trị quốc. Như vậy, làm sao tìm được một ý thức hệ làm nền tảng cho việc cai trị có hiệu quả?

May mắn cho Lưu Bang là ông có một cố vấn khôn ngoan tên Lục Giả, người đã đưa ra một công thức cai trị gọi là Dương Nho Âm Pháp: Hình thức bên ngoài là Nho gia, quy luật bên trong là Pháp gia. Nho giáo cần được tôn vinh nhưng không được áp dụng, trong khi các quy tắc Pháp gia cần được kín đáo áp dụng nhưng không được tôn vinh. Tóm lại, cần phối hợp Nho và Pháp trong nghệ thuật trị quốc, Nho giáo dùng để bọc đường (sugarcoat) cho Pháp gia. Nho gia có ích trong việc tạo lễ nghi triều chính, thu phục giới trí thức, giữ trật tự trong hoàng gia, và tạo nên sự chính thống cho một triều đại. Các quy tắc Pháp gia là để kiềm chế các quan và các tướng lãnh đồng thời cai trị dân chúng theo những luật pháp cần thiết.

XXX

Thuật cai trị Dương Nho Âm Pháp bắt đầu từ thời Lưu Bang, nhưng phải đến đời cháu của Lưu Bang là Hán Vũ Đế mới được hoàn chỉnh. Hán Vũ Đế là người tàn ác và thích gây chiến tranh, nhưng ông giả bộ trọng dụng một nhà Nho nổi tiếng là Đổng Trọng Thư để làm ra vẻ mình là một minh quân biết dùng người hiền đức. Hán Vũ Đế là Hoàng Đế đầu tiên cho tổ chức những cuộc thi để tuyển người làm quan phục vụ triều đình. Khi những người có tài thấy triều đình mở cho mình một con đường tiến thân, đại đa số sẽ không nghĩ đến chuyện nổi loạn và sẽ cố gắng học để thi đậu làm quan. Họ phải học kinh điển của Nho giáo để đi thi, nhưng sau khi thi đậu thì những người thực dụng (pragmatists) sẽ dẹp bỏ những chuyện luân lý Nho giáo để đấu tranh quyền lực và được thăng quan tiến chức. Còn những học giả thích lý tưởng Nho giáo (idealists) thì chỉ có thể làm quan nhỏ mà thôi.

Những người cai trị Trung Hoa thành công nhất (kể cả các hoàng đế, các hoàng thân và các quan) là những người giỏi áp dụng Dương Nho Âm Pháp: bề ngoài họ đề cao lý tưởng Nho giáo và nói chuyện nhân nghĩa như là quân tử chân chính, nhưng luôn luôn lợi dụng quyền thế để bóc lột dân và dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ đối thủ. Sách Hán Sử của Ban Cố kể rằng Hán Nguyên Đế khi nghe Thái Tử Lưu Ngao góp ý “nên trọng dụng các nhà Nho để thiên hạ thái bình” ông đã biến sắc vì biết con mình bất tài không hiểu thuật Dương Nho Âm Pháp, và do đó không đủ khả năng làm hoàng đế. Từ đó ông nghĩ đến chuyện bỏ Lưu Ngao để tìm hoàng tử khác kế vị, nhưng thế lực của Hoàng Hậu mẹ Lưu Ngao quá mạnh nên ông không thể thay đổi Thái Tử. Sự lo lắng của Hán Nguyên Đế đã thành sự thực. Sau khi ông mất, Lưu Ngao nối ngôi là Hán Thành Đế, trở thành một ông vua nhu nhược sủng ái hai chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hiệp Đức, làm loạn triều chính và tạo cơ hội cho Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán.

Thời nhà Tống Thế Kỷ thứ 12, có danh sĩ Trình Di phát triển học thuyết Khổng giáo và chú giải thêm về Ngũ Kinh. Là học giả không thực tế, Trình Di không chấp nhận thuật Dương Nho Âm Pháp và chống đối các chính sách của chính quyền, cho nên ông bị cấm dạy học và các sách của ông bị cấm lưu hành. Tuy nhiên, ông vẫn có nhiều uy tín trong giới trí thức. Một đệ tử xuất sắc của ông là Chu Hi chú giải kỹ lưỡng bốn cuốn sách Đại Học, Luận Ngữ, Trung DungMạnh Tử. Cùng với Trình Di, ông phát triển một học thuyết Khổng giáo mới dựa trên Lý và Khí (Tây phương gọi là neo-Confucianism) để giải thích sự vận hành của xã hội đồng thời đề cao các khái niệm Nho giáo như là những giá trị căn bản đã có sẵn từ thời khai thiên lập địa. Học thuyết của Trình - Chu đã biến Nho giáo nguyên thủy thành một tôn giáo cố chấp hẹp hòi và phản tiến bộ, chỉ quan tâm đến những triết lý không tưởng mà lại tự cho mình là hiểu biết những nguyên lý căn bản của vũ trụ và thế giới loài người.

Khi Chu Hi còn sống, học thuyết và những chú giải của Trình Di và Chu Hi không được công nhận, nhưng sau khi ông mất thì giới cầm quyền nhận ra neo-Confucianism còn thích hợp hơn Khổng giáo nguyên thủy để áp dụng Dương Nho Âm Pháp. Từ đó, bốn cuốn sách được Chu Hi chú giải trở thành Tứ Thư và những lập luận của Trình - Chu được coi là chính thống, các sĩ tử bắt buộc phải học cả Tứ ThưNgũ Kinh để đi thi. Sau đời nhà Tống, các triều đại Nguyên (1279-1368), Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1912) đều dùng neo-Confucianism cho việc thi cử tuyển người phục vụ triều đình. Nho giáo càng ngày càng xa rời thực tế, giới trí thức cố gắng học theo kiểu học vẹt chỉ cốt để thi đậu làm quan.

Vì giới trí thức không quan tâm đến khoa học kỹ thuật mà chỉ lo học thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh để tìm danh lợi, cho nên Trung Quốc mặc dù văn minh sớm hơn Tây phương nhưng càng ngày càng tụt hậu. Thuật Dương Nho Âm Pháp có lợi cho triều đình để tạo một giai cấp “trí thức nô bộc” giúp cai trị một đế quốc rộng lớn, nhưng có cái hại là bóp nghẹt sự sáng tạo và tiến hóa của giới trí thức. Hậu quả là Trung Quốc gần như ngưng tiến bộ từ Thế Kỷ thứ 15, dân số tăng nhanh trong lúc nông nghiệp không được cải tiến kịp thời cho nên đời sống dân quê càng ngày càng khốn khổ. Những năm thiên tai thì dân chết đói đầy đường, muốn sống sót phải trở thành kẻ cướp hoặc ăn thịt người để sống qua ngày. Giai cấp cai trị vẫn giả bộ mình là những “quân tử” và “cha mẹ dân” theo quan điểm Tống Nho, nhưng thực tế là họ đã không lo cho dân mà còn tham lam vơ vét nhiều hơn trước, sống xa hoa hưởng thụ mặc kệ những lầm than của dân chúng (cung điện của vua Việt Nam ở Huế không bằng một góc nhỏ Tử Cấm Thành, và có lẽ không sang trọng bằng một dinh thự của một viên quan nhỏ ở Trung Hoa).

Truyền thống Dương Nho Âm Pháp vẫn tiếp tục sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng biến đổi thành “Dương Marxism, Âm Độc Tài Đảng Trị”. Học thuyết Marx được tôn vinh nhưng không áp dụng, còn những bóc lột tàn bạo và đàn áp dã man của đảng cầm quyền vẫn tiến hành giống như những biện pháp của Pháp gia thời trước, nhưng được ngụy trang dưới chiêu bài phục vụ giai cấp vô sản và phát triển quốc gia. Phong trào Đại Nhẩy Vọt (The Great Leap Forward) của Mao đã làm mấy chục triệu nông dân chết đói, nhưng Mao vẫn muốn tiếp tục giết dân làm Lưu Thiếu Kỳ và nhiều đảng viên cao cấp phải chống lại chính sách của Mao. Họ Mao bị bắt buộc phải nhượng bộ, nhưng âm thầm chuẩn bị kế hoạch phục thù. Cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao có mục đích chính là triệt hạ Lưu Thiếu Kỳ và giết chết những đảng viên cao cấp không phục Mao, nhưng đã kéo theo mấy chục triệu người bị đấu tố, xử tử hoặc bị hành hạ đến chết trong những trại tập trung.

Sau khi Mao qua đời, Trung Hoa mới bắt đầu tiến bộ nhờ những cải cách của Đặng Tiểu Bình, nhưng thuật “Dương Marxism, Âm Độc Tài” (nói một đằng làm một nẻo) vẫn tiếp tục đến ngày nay. Tập Cận Bình rất thành thạo việc áp dụng Dương Nho Âm Pháp: ông ta thản nhiên tuyên bố người Hoa không có máu xâm lược – một điều hoàn toàn trái ngược với những gì người Hoa đã làm trong suốt mấy ngàn năm, đồng thời ông ta tiếp tục tiến hành chính sách xâm lược biển Đông bất chấp công pháp quốc tế. Gần đây họ Tập cho phi cơ liên tục xâm phạm không phận Đài Loan nhưng lại cam kết thống nhất Đài Loan trong hòa bình, chưa biết ý đồ của ông ta ra sao.

XXX

Tôi đã đọc chuyện Lục Giả cố vấn cho Lưu Bang về Dương Nho Âm Pháp trong một cuốn sách miền Nam trước 1975. Tới năm 2021, tôi thử tìm “Dương Nho Âm Pháp” trong Google thì không thấy có bài tiếng Việt nào viết về thuật này nữa. Điều này làm tôi ngạc nhiên. Khi tham khảo các sách Anh Pháp Mỹ viết về Trung Hoa, tôi chưa bao giờ thấy một học giả Tây Phương nào hiểu biết về Dương Nho Âm Pháp. Chuyện này bình thường vì đa số người Tây Phương không hiểu tâm lý người Hoa, và lối suy nghĩ của họ khác với người Đông Phương. Nhưng Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm, cũng dùng sách Tống Nho cho các sĩ tử học để đi thi, ngay cả một nhà Nho cấp tiến như Cao Bá Quát cũng nhận mình là học trò “ông Trình ông Chu”. Các vua quan Việt Nam thời trước và giới cầm quyền Hà Nội thời nay cũng có nhiều người áp dụng Dương Nho Âm Pháp, ngoài miệng thì nói “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” nhưng thực tế luôn luôn tham nhũng để làm giàu. Tại sao không thấy người Việt nào bình luận về thuật cai trị này của cả người Hoa và người Việt?

Khi tôi tìm trong Google bằng tiếng Hoa truyền thống 陽儒陰法 hoc tiếng Hoa gin th 阳儒阴法 thì thấy có nhiều websites tiếng Hoa có đề cập đến Dương Nho Âm Pháp. Tôi chỉ trích dẫn hai lời giải thích rõ ràng nhất:

(1) app.fortunechina.com › mobile › article:

自西汉时期开始,阳儒阴法”逐渐成为统治者治世之策,进而成为中国政治传统的精髓,有人称之为“中国政治最重要的隐蔽结构和潜规则”。

何以叫做“隐蔽结构和潜规则”?因为奉行这一政治路线的统治者,对法家的一套,是只做不说;对儒家的理论,则是只说不做。也就是说,外面是儒家的,内在的逻辑和手段却是法家的。这种“外儒内法”的一明一暗两条线,从汉武帝以来一直延续了两千多年”。

Ghi chú: Những câu trên đây viết bằng tiếng Hoa giản thể, vì tôi chỉ biết đọc tiếng Hoa truyền thống nên đoán chữ rất khó khăn. May nhờ có Google Translate khá tiện lợi, chỉ cần copy và paste vào ô Chinese (simplified) sau đó nhờ Google chuyển sang Chinese (traditional). Tuy nhiên, nếu dịch tiếng Hoa sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt, thì Google Translate chỉ có khả năng dịch từng chữ chứ không thể dịch đúng những câu phức tạp. Tôi đã thử copy đoạn này cho Google dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh, kết quả là cả hai bản dịch đều ngây ngô và sai lạc những nghĩa chính. Có thể khoảng 5-10 năm nữa Google sẽ có những softwares mạnh hơn và dịch chính xác, nhưng hiện nay thì không thể dùng Google để dịch tiếng Hoa. Tôi phải đọc theo tiếng Hán Việt, rồi mới giải thích nghĩa theo Việt văn. Sau đây là đoạn Hoa văn ở trên đã được chuyển sang tiếng Hoa truyền thống:

自西漢時期開始,“陽儒陰法”逐漸成為統治者治世之策,進而成為中國政治傳統的精髓,有人稱之為“中國政治最重要的隱蔽結構和潛規則”。

何以叫做“隱蔽結構和潛規則”?因為奉行這一政治路線的統治者,對法家的一套,是只做不說;對儒家的理論,則是只說不做。也就是說,外面是儒家的,內在的邏輯和手段卻是法家的。這種“外儒內法”的一明一暗兩條線,從漢武帝以來一直延續了兩千多年”

Tự Tây Hán thời kỳ khai thủy, “Dương Nho âm pháp” trục tiệm thành vi thống trị giả trị thế chi sách, tiến nhi thành vi Trung Quốc chính trị chuyên chế thống đích tinh túy. Hữu nhân xưng chi vi “Trung Quốc chính trị tối trọng yếu đích ẩn tế kết cấu hòa tiềm qui tắc.”

Hà dĩ khiếu tố “ẩn tế kết cấu hòa tiềm qui tắc”? Nhân vi phụng hành giá nhất chính trị lộ tuyến đích thống trị giả, đối pháp gia đích nhất sáo, thị chỉ tố bất thuyết; đối Nho gia đích lý luận, tắc thị chỉ thuyết bất tố. Dã tựu thị thuyết, ngoại diện thị Nho gia đích, nội tại đích la tập hòa thủ đoạn khước thị pháp gia đích. Giá chủng “ngoại Nho nội pháp” đích nhất minh nhất ám lưỡng điều tuyến, tòng Hán Vũ Đế dĩ lai nhất trực duyên tục liễu lưỡng thiên đa niên.

(Bắt đầu từ thời Tây Hán, “Dương Nho âm Pháp” ngầm trở thành chính sách thống trị để trị quốc, tiến hóa thành tinh túy của nền chính trị chuyên chế Trung Hoa. Có người giải thích đó là “cơ cấu được che giấu và quy tắc ngầm rất quan trọng của chính trị Trung Quốc”.

Tại sao nói là “cơ cấu được che giấu và quy tắc ngầm”? Bởi vì những người cai trị theo đường lối chính trị này che giấu Pháp gia và họ chỉ làm mà không nói, còn đối với những lý luận của Nho gia thì họ chỉ nói mà không làm. Như vậy có thể nói rằng mặt ngoài thì là Nho gia, nhưng luận lý bên trong và những thủ đoạn là của Pháp gia. Loại “ngoại Nho nội Pháp” này có hai đường lối, một sáng và một tối, từ Hán Vũ Đế đến nay đã liên tục được dùng trong hơn hai ngàn năm.)

(2) www.easyatm.com.tw › wiki › 陽儒陰法

“陽儒陰法”是從西漢漢武帝時期實行的大一統思想制度,這是一種外松內緊的統治策略,表面仁政,實際法治。“陽儒陰法”是專制主義中央集權制度一種成熟的治國策略,它代表了一種兼容並蓄的政治心態,既避免了儒家的柔弱,也避免了法家的嚴酷。

“Dương Nho Âm Pháp” thị tòng Tây Hán Hán Vũ Đế thời kỳ thực hành đích đại nhất thống tư tưởng chế độ, giá thị nhất chủng ngoại tông nội khẩn đích thống trị sách lược, biểu diện nhân chính, thực tế pháp trị. “Dương Nho Âm Pháp” thị chuyên chế chủ nghĩa trung ương tập quyền chế độ nhất chủng thành thục đích trị quốc sách lược, tha đại biểu liễu nhất chủng kiêm dung tịnh súc đích chính trị tâm thái, ký tị miễn liễu Nho gia đích nhu nhược, dã tị miễn liễu pháp gia đích nghiêm khốc.

(“Dương Nho Âm Pháp” là chế độ tư tưởng nhất thống được thực hành từ thời Hán Vũ Đế nhà Tây Hán, đây là loại sách lược thống trị “ngoài lỏng lẻo trong căng thẳng”, mặt ngoài là chính sách nhân từ, thực tế là cai trị bằng luật lệ. “Dương Nho Âm Pháp” là chủ nghĩa chuyên chế, chế độ trung ương tập quyền, một loại sách lược trị quốc quen thuộc được biểu hiện với tâm thái chính trị bao gồm hai khuynh hướng, như vậy tránh được sự nhu nhược của Nho gia và đồng thời tránh được sự nghiêm khắc của Pháp gia.)

XXX

Qua những lời giải thích khá chính xác bằng tiếng Hoa về Dương Nho Âm Pháp, chúng ta có thể thấy giới trí thức người Hoa tương đối thành thực với nhau, nhưng đối với người ngoại quốc thì họ luôn luôn che giấu những điểm không đẹp của văn hóa Trung Hoa – đây là khuynh hướng khá phổ biến “đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại”. Đó là lý do chính khiến các học giả Tây Phương không ai có nhận thức về thuật Dương Nho Âm Pháp, đa số tưởng lầm giới cai trị Trung Hoa thực sự tôn trọng những quan điểm chính trị gàn dở của Khổng Tử và Tống Nho.

Chính trị Tây phương cũng có nhiều gian dối, nói một đằng làm một nẻo giống như Dương Nho Âm Pháp. Nhiều chính trị gia phải kín đáo áp dụng những thủ đoạn trình bày trong cuốn The Prince của Machiavelli, nhưng không ai dám ca ngợi Machiavelli. Họ phải che đậy những mục đích thực tế của họ bằng những lời lẽ tốt đẹp theo lý tưởng tự do dân chủ, gần giống như các nhà cai trị Trung Hoa đã che giấu những thủ đoạn của họ bằng cách viện dẫn những lý tưởng Nho giáo như “chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tuy nhiên đa số các chính trị gia Tây Phương, mặc dù phải thường xuyên nói dối hoặc tránh né những “sự thực mất lòng” vì nhu cầu chính trị, không đến nỗi quá vô liêm sỉ và đạo đức giả như những nhà cai trị Trung Hoa. Nếu muốn so sánh những đặc điểm của “Western statecraft” và “Chinese statecraft” thì phải viết cả một cuốn sách với những tham khảo rất công phu. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập những khái niệm căn bản về Dương Nho Âm Pháp mà thôi.