Cách giúp bao bì chắc hơn

Kháng thủng bao bì là một trong những yếu tố từng không được chú ý đến nhiều trong quá khứ. Tuy nhiên, ngày nay nếu bạn không chú ý đến tính năng này khi phát triển bao bì của mình, tôi tin sẽ có lúc bạn cảm thấy thất vọng.

Hãy để tôi giải thích.

Hãy ngược dòng lịch sử về quá khứ, các sản phẩm thời điểm đó chủ yếu mang các hình dạng đơn giản. Do đó, bao bì cũng không cần quá chú trọng vào yếu tố kháng thủng. Yêu cầu chủ yếu của bao bì là bảo quản được chất lượng sản phẩm bên trong.

Ngày nay, bạn dễ dàng tìm thấy đủ loại sản phẩm với hình dạng, kích thước, đặc tính khác nhau. Có được điều này là do sự phát triển của nền công nghiệp và kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, để đáp ứng được những nhu cầu mới này của sản phẩm, bao bì cần phải cải tiến. Đó là lý do tính kháng thủng của bao bì được chú trọng ngày nay.

Các sản phẩm nào cần dùng bao bì kháng thủng?

Thật ra bất kỳ sản phẩm nào cũng cần quan tâm đến khả năng kháng thủng của bao bì. Tuy vậy bạn cần đặc biệt lưu ý khi sản phẩm của bạn có những đặc điểm sau:

    1. Sản phẩm có hình dạng sắc nhọn.

    2. Quy trình đóng gói có rủi ro khiến bao bì bị trầy.

    3. Quá trình vận chuyển, bảo quản có rủi ro khiến bao bì bị ma sát.

Sản phẩm có hình dạng sắc nhọn

Tôi tin bạn đang nghĩ đến các vật thật sự sắc nhọn như một chiếc đinh, cây bút hay lưỡi dao cạo khi tôi nhắc đến sản phẩm sắc nhọn?

Tuy nhiên, điều tôi tiết lộ sau đây có thể khiến bạn ngạc nhiên.

Hình dạng sắc nhọn tôi đề cập ở đây, có thể chỉ là vảy cá đông lạnh, cạnh của một lát khoai tây chiên, hoặc thậm chí là hai đầu của một hạt gạo. Bạn có thấy ngạc nhiên về điều tôi vừa đề cập không?

Những sản phẩm trên có điểm chung là đều có những cạnh sắc nhọn. Chúng không thật sự gây nguy hiểm cho con người khi sử dụng. Tuy nhiên, sau khi được đóng gói, nếu bao bì không có tính kháng thủng, các sản phẩm này đều có khả năng làm trầy xước và xé rách lớp bao bì bên ngoài.

Các sản phẩm nào có những khía, cạnh, hình dạng có khả năng làm trầy bề mặt bao bì đều thuộc nhóm này. Do đó, đừng chủ quan bạn nhé!

Quy trình đóng gói có rủi ro khiến bao bì bị trầy

Tương tự như điều tôi vừa đề cập bên trên. Tuy nhiên thay vì bị trầy vì sản phẩm bên trong, bao bì có khả năng bị trầy xước từ khâu đóng gói.

Một số dòng sản phẩm yêu cầu bao bì phải tiếp xúc trực tiếp với máy đóng gói. Trong quá trình bao bì bị kéo, trượt qua phễu đóng gói trên máy, khả năng bao bì có thể bị xước nếu không được bổ sung tính năng kháng thủng.

Quá trình vận chuyển, bảo quản có rủi ro khiến bao bì bị ma sát

Một số sản phẩm không có bề mặt sắc nhọn, cũng không có rủi ro trong quá trình đóng gói. Tuy nhiên vẫn tồn tại rủi ro bị thủng. Nghe có vẻ kỳ lạ đúng không? Nhưng đây lại là một thực tế tôi đã gặp.

Tôi sẽ kể bạn nghe một ví dụ.

Một trong những khách hàng của tôi là nhà sản xuất các loại tương. Bạn thấy đấy, tương cà hay tương ớt thì không thể có cạnh sắc nhọn đúng không? Ngoài ra máy đóng gói của họ cũng rất hiện đại, hoàn toàn không thể làm trầy xước bao bì được.

Nhưng có một vấn đề phát sinh. Đó là gói tương sau khi đóng gói, được xếp chồng lên nhau trong một thùng carton. Sau đó, nhiều thùng carton như vậy lại được xếp chồng lên nhau. Hãy tưởng tượng, với cách bảo quản như vậy, những gói tương nằm dưới cùng sẽ chịu áp lực lớn như thế nào?

Ma sát giữa các gói tương gây ra cho nhau trong quá trình vận chuyển là cực lớn do áp lực. Và đó chính là rủi ro gây thủng bao bì. Trường hợp này bạn nghĩ tính kháng thủng có cần được xem xét không?

Tôi sẽ để bạn tự trả lời câu hỏi này.

Làm thế nào để tăng tính kháng thủng bao bì?

Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn 3 cách.

Điều chỉnh chất liệu màng bao bì

Như đề cập ở trên, nguyên nhân chính gây thủng là các yếu tố có thể làm trầy bao bì (ví dụ: vật sắc nhọn). Do đó để giảm rủi ro từ các yếu tố này, các dạng màng mềm và dai sẽ được sử dụng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tính kháng thủng của các loại màng được xếp hạng từ lớn đến nhỏ như sau:

PA 15μm > OPP 20μm > PET 12μm

Ngoài ra, độ dày càng lớn thì lực kháng xuyên thủng càng lớn. Hiện nay trên thị trường, lớp màng bao bì có lực kháng xuyên thủng tốt nhất là PA 25μm.

Tính kháng xuyên thủng của OPP cũng không tệ. Trong nhiệt độ phòng, lực kháng vật nhọn của OPP có thể cao hơn PA 12μm. Tuy nhiên, lực kháng vật nhọn của OPP giảm nhanh ở nhiệt độ thấp. Đây là một yếu tố bạn cần xem xét nếu sản phẩm của bạn là thuỷ sản đông lạnh.

Điều chỉnh độ dày lớp PE hàn dán

Trong một số trường hợp, cấu trúc bao bì của bạn có sử dụng PE hàn dán. Khi lớp PE này được đùn rất mỏng thì có rủi ro bao bì bị xuyên thủng. Để giảm rủi ro này, bạn cần giảm nhiệt độ keo trong suốt quá trình đùn. Đồng thời tăng độ dày lớp PE để tăng khă năng kháng thủng.

Thay đổi phương pháp ghép

Tôi đã đề cập các phương pháp ghép màng trong các bài viết trước đây. Nói chung có 2 dạng ghép cơ bản: Ghép khô và Ghép đùn.

Ghép khô có lực kết dính lớn, Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này là khiến bao bì bị cứng, giòn hơn phương pháp ghép đùn. Do đó bao bì cũng dễ bị trầy hơn.

Ghép đùn, ngược lại, giúp bao bì có độ dẻo dai cần thiết để hạn chế tình trạng bị trầy xước hoặc gẫy nếp.

Do đó, bạn hãy cân nhắc trong quá trình xem xét bao bì của mình để xem nên ghép dạng này là phù hợp nhất nhé.