Nhãn bao bì bền vững là gì

Trong bài viết giới thiệu về bao bì bền vững trước đây, tôi đã giới thiệu đến bạn về khái niệm, cũng như một số phương pháp để giúp bao bì và nhãn dán của bạn trở nên ‘bền vững’ hơn.

Bạn có thể tham khảo bài viết trước của tôi theo link bên dưới:

BAO BÌ BỀN VỮNG-XU HƯỚNG CỦA TƯƠNG LAI

Trong bài viết này, tôi sẽ đi chi tiết hơn vào một mảng của bao bì bền vững, cụ thể là về nhãn dán. Tôi sẽ tạm đặt tên nhân vật chính của bài viết này là “nhãn dán bền vững”.

Vậy loại nhãn dán này là gì? Đặc điểm của chúng ra sao? Và bạn có thể tận dụng loại nhãn này như thế nào?

Chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu nhé!

Nhãn dán bền vững là gì?

Nếu bạn vẫn chưa đọc bài viết của tôi về bao bì bền vững, tôi khuyên bạn nên tìm đọc trong link ở đầu bài viết này. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại về khái niệm “bền vững” trong bao bì mà bạn cần lưu ý:

Khi người ta gắn một loại bao bì với khái niệm “bền vững”, ý họ không phải để chỉ khả năng khó bị phá huỷ của nó. Mà điều họ muốn thể hiện là, loại bao bì này thân thiện với môi trường. Từ “bền vững” ở đây ám chỉ “môi trường bền vững”, chứ không phải nói về bao bì.

(Trích bài viết: Bao bì bền vững – xu hướng của tương lai)

Khi bạn gắn khái niệm này với các loại nhãn dán, đặc điểm tương tự cũng được áp dụng.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang sử dụng loại nhãn nào có đặc tính:

    • Có thể tái chế

    • Thân thiện môi trường

    • Có thể tái sử dụng nhiều lần

Thì đó là một trong những dấu hiệu, bạn đang sử dụng nhãn dán bền vững.

Các phương pháp tạo ra nhãn dán bền vững

Nếu như loại nhãn bạn đang dùng không có các đặc điểm bền vững nêu trên, thì khả năng là bạn thuộc một trong những nhóm đối tượng sau:

    1. Bạn đang dùng loại nhãn bền vững nhưng chưa nhận ra mình đang dùng chúng.

    2. Bạn đang dùng nhãn không thân thiện môi trường, cũng không thể tái sử dụng, nên chúng không thật sự bền vững.

Nếu bạn thuộc nhóm 1, xin chúc mừng! Và cảm ơn bạn đã hành động vì môi trường bền vững (dù bạn không thật sự cố ý làm vậy). Việc của bạn là rà soát lại những cách để tái chế/tái sử dụng/giảm thiểu nhãn dán của mình. Và sau đó hãy quảng bá sự cam kết bền vững của doanh nghiệp đến các khách hàng của bạn.

Đó là một cam kết thật tuyệt, đúng chứ? Chúng giúp bạn ghi điểm trong tâm trí khách hàng theo một cách nào đó.

Nếu bạn thuộc nhóm 2, đừng quá thất vọng! Bài viết này thật sự dành cho bạn. Phần bên dưới tôi sẽ tiếp tục trình bày về cách bạn có thể áp dụng cho nhãn dán của mình. Và khiến chúng trở nên “bền vững” hơn.

Phương pháp tái chế nhãn dán (Recycle)

Liệu tất cả các loại nhãn dán đều có thể được tái chế? Đáng tiếc câu trả lời là không.

Một trong những nguyên nhân là do nhãn dán của bạn được cấu tạo từ nhiều thành phần khác nhau. Cụ thể, một loại nhãn dán thông dụng được cấu tạo từ các thành phần: Lớp bề mặt, lớp keo, lớp chống dính, lớp đế.

Mỗi thành phần nhãn sẽ cần những công nghệ và thiết bị khác nhau để phục vụ mục tiêu tái chế. Do đó, việc này khiến mục đích tái chế gặp một số khó khăn nhất định.

Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một số giải pháp tái chế đơn giản mà bạn có thể xem xét cho trường hợp cụ thể của doanh nghiệp mình.

Tái chế nhãn dán giấy

Nhãn dán giấy khi được dán vào các chất liệu giấy khác (hộp, túi, giấy gói…), bạn có thể yên tâm là chúng sẽ dễ dàng được tái chế.

Trường hợp nhãn giấy được dán vào các vật liệu nhựa hoặc thuỷ tinh là một câu chuyện khác. Tôi khuyên bạn có thể xem xét chuyển sang dùng loại keo wash-off. Đây là loại keo có thể rửa trôi dễ dàng bằng nước. Do đó khách hàng hoặc doanh nghiệp của bạn có thể tái sử dụng bao bì của mình.

Có một ngoại lệ là nhãn giấy dán lên màng film nhựa. Đây là loại kết hợp thường không được tái chế do không có nhiều lợi ích tái chế. Thông thường chúng sẽ được xử lý nhiệt để phân huỷ.

Tái chế nhãn dán nhựa

Tin tốt là hầu hết các loại nhựa đều có thể tái chế.

Bạn có thể giúp cho quá trình tái chế trở nên dễ dàng hơn bằng cách dùng nhãn dán nhựa cùng loại với chai/hũ nhựa của bạn. Ví dụ: nhãn dán bằng nhựa PP, được dán lên hũ PP sẽ dễ dàng được tái chế hơn nhãn PP dán lên hũ PE.

Tái chế nhãn cán màng

Có thể bạn đang thắc mắc, liệu nhãn cán màng có thể tái chế không?

Câu trả lời là còn tuỳ vào loại nhãn và loại màng cán.

Như tôi đã đề cập bên trên, nếu nhãn nhựa được cán màng nhựa cùng loại, việc tái chế có thể sẽ dễ dàng hơn.

Trường hợp nhãn giấy được cán màng nhựa, hầu như việc tái chế là không khả thi.

Tái chế phần đế nhãn

Đế nhãn về nguyên tắc vẫn có khả năng tái chế. Tuy nhiên, theo tôi được biết hiện không nhiều đơn vị mặn mà trong việc tái chế loại vật liệu này.

Ngoài ra, việc dùng giấy tái chế cho đế nhãn không được ưa chuộng. Do đế nhãn cần có sự bền, dai. Đây là các đặc điểm mà giấy tái chế thường không đáp ứng tốt.

Trên bề mặt đế còn có một lớp silicon. Đây cũng là một trong những trở ngại khiến việc tái chế đế nhãn trở nên khó khăn.

Phương pháp giảm thiểu số lượng bao bì và nhãn (Reduce)

Trường hợp bạn không chắc nhãn dán của mình có thể tái chế. Hoặc vì lý do khách quan là không có đơn vị tái chế nào tại địa phương. Bạn có thể nghĩ đến cách giảm thiểu số lượng nhãn mình cần sử dụng.

Dùng ít nhãn = ít tác động xấu đến môi trường.

Ý tưởng thật đơn giản, đúng chứ?

Liệu có những nhãn nào đang dán trên sản phẩm mà bạn có thể không cần đến không? Hoặc bạn có thể kết hợp 2 nhãn thành 1 nhãn duy nhất?

Thế còn phương pháp giảm kích thước nhãn của bạn lại?

Ngoài ra, bạn đã thử giảm độ dày của nhãn nhựa, hoặc màng ghép nhựa chưa?

Phương pháp cắt giảm (reduce) này thật sự mang đến lợi ích kép cho doanh nghiệp của bạn. Một là bạn đang góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Hai là chúng giúp giảm chi phí bao bì, nhãn dán cho doanh nghiệp của bạn.

Phương pháp tái sử dụng nhãn (Reuse)

Một loại nhãn dán có thể tái sử dụng. Bạn đã từng có ý nghĩ tìm kiếm loại nhãn này chưa?

Tin vui là hiện nay tại thị trường Việt Nam đã tương đối phổ biến loại chất liệu này. Chúng có thể là nhãn dán niêm phong miệng túi cà phê hoặc nhãn dán túi khăn giấy ướt…

Bạn có thể suy nghĩ ứng dụng của loại nhãn mà khách hàng có thể gỡ ra và dán lại nhiều lần. Chúng cũng giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí đấy. Nhờ việc tái sử dụng và hạn chế số lần phải sản xuất mới.