BẮT ĐẦU THIẾT KẾ? DỪNG LẠI KHI CHƯA TRẢ LỜI 3 CÂU HỎI

Bao bì hiển nhiên là một phần rất quan trọng đối với sản phẩm. Ngoài tác dụng bảo vệ sản phẩm bên trong, chúng là công cụ hiệu quả để giúp sản phẩm của bạn tự bán được hàng. Nhưng để làm được như vậy, có điều gì bạn cần lưu ý khi bắt đầu thiết kế bao bì?

Để tạo ra một bao bì với thiết kế đẹp không phải là chuyện đơn giản. Sẽ có đôi lúc bạn có ý tưởng hay ho. Bạn tạo ra những thiết kế đẹp đẽ trên phần mềm thiết kế, nhưng công nghệ bao bì lại không đủ để truyền tải hết những ý tưởng tuyệt vời đó trên bao bì.

Khi đó thì thật là đáng tiếc, đúng chứ?

Vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn 3 điều cần lưu ý trước khi bạn bắt đầu một thiết kế cụ thể.

Cùng bắt đầu nhé!

Câu hỏi bắt đầu thiết kế #1: Công nghệ bạn dùng để in bao bì là gì?

Với kinh nghiệm nhiều năm xử lý thiết kế cho các nhãn hàng, tôi tin đây là một trong những yếu tố mà các khách hàng của tôi hay bỏ qua nhất khi thiết kế bao bì. Do đó, tôi muốn đề cập đến câu hỏi này đầu tiên.

Có thể bạn đang tự hỏi, tại sao lại cần lưu tâm đến công nghệ in bao bì? Trong khi bạn lại không có thời gian hoặc nhu cầu tìm hiểu về chúng?

Bạn thân mến, trong vai trò một nhà cung cấp bao bì, tôi tin rằng công nghệ in là thứ bạn cần cân nhắc mỗi khi bắt đầu một thiết kế.

Và trong vai trò một nhà thiết kế, tôi thấy mừng vì các kiến thức về công nghệ in đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc.

Hãy để tôi giải thích.

Lợi ích của việc tìm hiểu về công nghệ in?

Tôi có nhiều khách hàng (công ty Việt Nam và cả nước ngoài) đã gửi cho tôi file thiết kế và yêu cầu in bao bì theo file. Nhiều file trong số đó là những thiết kế rất, rất đẹp. Khi mở ra thì chúng như những tuyệt tác trên màn hình máy tính vậy.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là công nghệ in bao bì hiện tại lại chưa thể đáp ứng được những “tuyệt tác” như vậy.

Đó là lý do vì sao, công việc của tôi, với tư cách là nhà cung cấp bao bì, sẽ cắt xén một vài chi tiết, thay đổi một số màu sắc, xê dịch một số nội dung, để những “tuyệt tác” này trở thành những tác phẩm ‘có thể in được’.

Thử nghĩ xem, nếu đã nắm vững về công nghệ in, bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian cho dự ăn?

Ngoài ra, bạn sẽ hình dung được khi thiết kế của mình được in với công nghệ A/B/C nào đó thì thành phẩm thật tế sẽ như thế nào? Có chấp nhận được không?

Rốt cuộc thì, bạn thiết kế ra bao bì là để bán được hàng, chứ không phải để làm hình nền máy tính. Nếu thiết kế nhìn trên máy tính rất đẹp, nhưng thật tế in ra không giống trên máy tính, thì chỉ tốn thời gian thiết kế ban đầu của bạn.

Bạn đồng ý với tôi chứ?

Một số công nghệ in phổ biến

Vậy để giải quyết vấn đề trên, tôi sẽ cung cấp trong bài viết này sơ lược về một số công nghệ chính bạn cần tìm hiểu.

Công nghệ in ống đồng

Sử dụng trục ống đồng để in, công nghệ này phù hợp cho các loại bao bì nhựa, bao bì ghép phức hợp.

Đây là công nghệ tách màu theo hệ CMYK. 1 màu sẽ tương đương 1 trục ống đồng.

Điều bạn cần lưu ý là, thông thường mảng màu nền hoặc màu logo sẽ được tách riêng ra dùng 1 trục màu riêng. Nếu cộng với 4 màu CMYK để in hình ảnh, và 1 màu trắng để làm nền, thì trung bình 1 thiết kế sẽ tốn 6-7 trục ống đồng.

Hiện nay trên thị trường, máy in ống đồng thường đáp ứng thiết kế thông thường từ 7-8 màu (tương đương 7-8 trục in).

Trường hợp bạn nhẩm tính thiết kế của mình có 9 hoặc 10 trục. Bạn biết mình cần làm gì rồi chứ?

Một số bài viết của tôi có liên quan thiết kế mà bạn có thể tham khảo:

TRAPPING LÀ GÌ? SỰ THẬT “HỌ” KHÔNG TIẾT LỘ

BAO BÌ NHỰA MỀM: 3 ĐIỀU NGƯỜI MUA HÀNG CẦN BIẾT

Công nghệ in flexo

Flexo cũng tương tự như công nghệ ống đồng. Chỉ khác là thay vì dùng ống đồng, công nghệ này dùng các bản in cao su.

Công nghệ này có thể áp dụng cho bao bì nhựa, hoặc decal nhãn dán.

Công nghệ in offset

Offset có thể cung cấp khả năng in khá tốt để chuyển thiết kế trên máy tính lên bao bì. Với 4 bản in CMYK là đủ để thể hiện hơn 90% thiết kế của bạn rồi. Nếu muốn tách nền ra, bạn chỉ cần thêm 1 bản là ổn.

Công nghệ này phù hợp để in các loại hộp/bao bì giấy, giấy rời, decal giấy.

Công nghệ in kỹ thuật số (digital)

Không cần nói nhiều về công nghệ này. Bạn có thể thiết kế mọi thứ, và máy in kỹ thuật số sẽ in tất cả lên bao bì.

Bạn thậm chí có thể in nhiều thiết kế cùng lúc.

Một nhược điểm là công nghệ này sẽ không thể hiện màu nền tốt như các công nghệ mà tôi đã đề cập bên trên.

Câu hỏi bắt đầu thiết kế #2: Đặc tính chất liệu bao bì của bạn là gì?

Câu hỏi này khá đơn giản. Đặc tính tôi đang muốn đề cập ở đây bao gồm: Loại chất liệu gì? Kích thước bao bì? Kiểu dáng bao bì? và các câu hỏi liên quan.

Một gợi ý nhỏ là bạn cần lưu ý nếu chọn một số chất liệu đặc thù như:

Nhựa trong suốt

Dạng nguyên liệu này bao gồm: PPclear, PEclear, BOPP, PET, CPP, PVC clear…

Khi thiết kế dạng chất liệu này, bạn cần lưu tâm làm phần lót trắng thật kỹ. Nguyên nhân vì nếu không sử dụng màu trắng khi in, hình ảnh sẽ không thể hiện hết 100% chất lượng được.

Nguyên liệu mạ metalize

Dạng nguyên liệu này bao gồm: AL, màng MPET, màng MCPP, giấy metalize…

Khi thiết kế dạng chất liệu này, bạn có thể tận dụng lót trắng để làm lộ phần ánh metalize. Điều này sẽ giúp tăng cấp thiết kế của bạn.

Chỉ cần lưu ý vị trí nào trên thiết kế có lót trắng, vị trí đó sẽ không có ánh metalize. Tuy nhiên lót trắng ít hơn 50% vẫn có thể có ánh metalize. Bạn có thể tuỳ chỉnh theo mong muốn của mình nhé.

Câu hỏi bắt đầu thiết kế #3: Cách trưng bày sản phẩm của bạn

Sản phẩm của bạn sẽ được trưng bày trên kệ siêu thị? Sản phẩm sẽ được bán trên TV? Hay sản phẩm sẽ bán qua kênh online?

Mỗi kênh bán hàng sẽ có một yêu cầu nhất định về bao bì. Một số gợi ý của tôi như sau:

Trưng bày trên kệ siêu thị

Trường hợp trưng bày trực tiếp, bao bì của bạn cần thật hấp dẫn khi được xếp kế bên nhau. Lý tưởng nhất là tạo được hiệu ứng trưng bày đẹp để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Hãy tưởng tượng nếu sản phẩm của bạn được trưng bày cạnh các nhãn hàng đối thủ, liệu bao bì của bạn có đủ hấp dẫn sự chú ý của người tiêu dùng hay không?

Bán hàng qua kênh TV

Trong kênh bán hàng qua TV, các sản phẩm thường được trưng bày dưới ánh đèn (rất nhiều ánh đèn).

Bạn cần lưu ý vấn đề này khi thiết kế bao bì. Liệu rằng bao bì của bạn có bị chói khi đặt dưới ánh đèn không?