Bao bì bền vững là gì

Bao bì bền vững hiện không còn là một khái niệm đến từ tương lai.

Trở về giai đoạn cách đây 7-10 năm, ‘thân thiện môi trường’ là một khái niệm không thật sự quan trọng trong tâm trí người tiêu dùng.

Nhưng ngày nay, bạn có thể đếm được có bao nhiêu thương hiện đang dùng mác ‘thân thiện môi trường’ trong chiến dịch quảng cáo của mình? Chắc chắn bạn không thể đếm hết được, đúng chứ?

Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn người tiêu dùng không thật sự quan tâm một sản phẩm có thật sự thân thiện với môi trường không.

Thứ họ thật sự quan tâm là giá và chất lượng sản phẩm.

Tuy vậy, công việc của bạn là phải nắm bắt xu hướng thị trường, đúng chứ? Nếu vậy, bài viết này là dành cho bạn.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu những khái niệm cơ bản về bao bì bền vững. Ngoài ra, tôi sẽ giải thích rõ hơn về mối liên hệ giữa loại bao bì này với việc bảo vệ môi trường.

Cùng bắt đầu nhé.

Bao bì bền vững là gì?

Khi nghe đến cụm từ “bền vững”, tôi dám chắc rằng điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí bạn là những thứ thật bền chắc, hoặc những thứ không thể bị phá huỷ.

Suy luận như vậy cũng khá hợp lý, đúng chứ?

Nhưng trong trường hợp đó, có một vấn đề phát sinh là…làm sao mà bao bì bền vững có thể giúp bảo vệ môi trường?

Hãy để tôi giải thích.

Khi người ta gắn một loại bao bì với khái niệm “bền vững”, ý họ không phải để chỉ khả năng khó bị phá huỷ của nó. Mà điều họ muốn thể hiện là, loại bao bì này thân thiện với môi trường.

Từ “bền vững” ở đây ám chỉ “môi trường bền vững”, chứ không phải nói về bao bì, bạn nhé!

Các loại bao bì này có thể giảm thiểu các khâu/hoặc thời gian xử lý chúng.

Bên dưới là một vài ví dụ cho bạn

Ví dụ 1: Một nhà máy bia thu hồi các chai rỗng đã qua sử dụng. Khi họ muốn tái sử dụng chai, họ cần đưa chai bia qua các dây chuyền sục rửa đặc biệt.

Các dây chuyền này có nhiệm vụ làm sạch chai. Đồng thời các chai được xử lý hoá chất/nhiệt độ để nhãn bia tách ra hoàn toàn. Một khi chai bia cũ đã hoàn toàn sạch sẽ, chúng mới sẵn sàng được đem đi tái sử dụng.

Bạn có thể hình dung toàn bộ dây chuyền này sẽ thải ra bao nhiêu chất thải? Và chất thải sẽ gây hại đến môi trường, đúng chứ?

Vậy, giả sử có một loại nhãn bia có khả năng tách ra khỏi chai dễ dàng mà không cần xử lý hoá chất. Đồng nghĩa với việc không có chất thải hoá chất nguy hại. Chẳng phải đó sẽ là một giải pháp bền vững cho môi trường sao?

Ví dụ 2: Một công ty thực phẩm đang dùng bao bì nhựa với độ dày 120 micron. Để tiết kiệm chi phí, cũng như giảm thiểu khối lượng nhựa thải ra môi trường, họ quyết định giảm độ dày bao bì xuống còn 100 micron.

Chỉ nhờ chuyển đổi nhỏ này, bạn có thể thấy nhiều lợi ích. Đầu tiên là, công ty này đã giảm được chi phí bao bì. Lợi ích thứ hai là vì bao bì mỏng hơn, nên cần dùng ít nguyên liệu nhựa thô hơn. Từ đó giảm năng lượng cần để sản xuất nguyên liệu, hệ quả là giảm năng lượng ô nhiễm thải ra môi trường.

Làm sao để tìm ra giải pháp “bao bì bền vững”?

Qua hai ví dụ trên, tôi tin rằng bạn đã hình dung được cách bao bì góp phần vào sự bền vững của môi trường.

Vậy làm sao để bạn cũng tạo ra được giải pháp tương tự?

Rất đơn giản, hình bên dưới đã trình bày theo cách dễ hiểu nhất cho bạn.

Hãy để tôi giải thích.

Reuse / Tái sử dụng

Tương tự ví dụ 1, bạn có thể tìm giải pháp để tái sử dụng bao bì của mình. Khi làm vậy, bạn đã góp phần giảm thiểu rác thải bao bì. Nhìn xa hơn, bạn đã giảm được một khâu sản xuất bao bì mới, đồng nghĩa năng lượng ô nhiễm cũng không được sinh ra.

Reduce / Giảm thiểu

Giống như ví dụ 2, khi giảm một vài thành phần trong bao bì của mình, bạn đã góp phần giảm rác thải bao bì ra môi trường.

Recycle / Tái chế

Khái niệm này tôi nghĩ không quá xa lạ với bạn. Khi bạn có thể tái chế bao bì của mình, nghĩa là bạn góp phần giúp môi trường bền vững hơn.

Cách ứng dụng cụ thể “bao bì bền vững”

Như tôi đã trình bày ở trên, bạn chỉ việc bám sát một trong ba tiêu chí: Reduce – Reuse – Recycle.

Việc ứng dụng cụ thể như thế nào còn tuỳ thuộc vào loại bao bì mà bạn đang sử dụng. Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể để lại comment bên dưới, tôi sẽ rất hân hạnh được giúp bạn.

Trong phần này, tôi sẽ gợi ý một số giải pháp cụ thể mà tôi đã triển khai cho khách hàng của mình.

Reduce

Nếu bạn đang dùng bao bì nhựa, giải pháp thiết thực nhất là giảm độ dày của lớp màng nhựa.

Tuỳ vào cấu trúc bao bì và yêu cầu bảo quản của sản phẩm, bạn có thể giảm độ dày của lớp màng in, cụ thể là lớp OPP hoặc PA. Lớp màng in PET độ dày mỏng thì hiện không phổ biến tại thị trường Việt Nam. Nên tôi không nghĩ sẽ khả thi trong trường hợp này.

Nếu chưa rõ về cấu trúc bao bì nhựa, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết BAO BÌ NHỰA MỀM: 3 ĐIỀU NGƯỜI MUA HÀNG CẦN BIẾT

Ngoài ra, bạn có thể xem xét giảm độ dày lớp keo ghép đùn, cũng như lớp hàn dán. Tại thời điểm tôi viết bài này, lớp keo ghép đùn mỏng nhất có thể cung cấp trên thị trường là 9 micron.

Lớp hàn dán phổ biến nhất bạn có thể giảm độ dày là LLDPE và CPP. Nếu bạn băn khoăn về sự liên quan giữa độ dày và khả năng hàn dán, xin bạn cứ yên tâm. Lớp hàn dán đủ tốt vẫn sẽ đảm bảo đúng chức năng hàn dán của nó bất kể độ dày. Độ dày chỉ nhằm đảm bảo bao bì không bị thủng do các lực tác động mà thôi.

Riêng lớp màng bảo vệ (Barrier), tôi khuyên bạn nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi giảm độ dày. Vì độ dày màng cũng tác động đến tính năng bảo vệ của loại màng này.

Trường hợp dùng nhãn dán hoặc bao bì giấy, bạn cũng có thể yêu cầu nhà cung cấp xem xét các nguyên liệu khác mỏng hơn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Đây đồng thời là một giải pháp tiết kiệm chi phí bao bì rất tốt. Bạn có thể tham khảo chủ đề này tại bài viết của tôi: 5 CÁCH GIẢM CHI PHÍ BAO BÌ VÀ TĂNG LỢI NHUẬN

Reuse

Hãy tái sử dụng các chai, hũ, lọ của bạn nếu có thể. Hãy tái sử dụng các túi nhựa, túi giấy. Chúng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho bạn, và trái đất cũng sẽ cảm ơn bạn vì hành động đó.

Tôi chỉ có một lưu ý nhỏ. Bạn hãy lưu ý đến chất liệu của bao bì mà bạn có ý định tái sử dụng nhé.

Một số bao bì như chai nước nhựa, hũ nhựa… chỉ có thể tái sử dụng một số lần nhất định. Thường các sản phẩm này sẽ có ký hiệu đặc biệt để thể hiện thông tin này. Đừng bỏ qua các khuyến cáo này. Bởi bạn có thể vô tình nạp chất độc vào cơ thể khi sử dụng các sản phẩm này để đựng thực phẩm hoặc nước uống đấy.

Recycle

Tin tốt là hiện nay có rất nhiều dạng bao bì đang được tái chế. Túi xách nhựa là một ví dụ điển hình. Người ta sẽ thu gom các túi nhựa đã được vứt đi, rửa sạch, nấu chảy, sau đó tái sản xuất thành túi nhựa để tái sử dụng.

Còn nhiều hình thức tái chế khác nhưng viết ra hết thì bài viết sẽ khá dài và lan man. Nên tôi sẽ dành chủ đề này cho một bài viết khác.

Tôi hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về chủ đề “bao bì bền vững”. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin gì về chủ đề này, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết. Tôi ở đây là để giúp bạn.