Sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

Sự phát triển của trẻ

18 tháng tuổi là giai đoạn trẻ vẫn tiếp tục quá trình học đi của mình. Quá trình này đã được cải thiện rất nhiều qua thời gian. Lúc này trẻ đã có thể vung vẩy tay theo từng bước chân khi di chuyển. Trẻ có thể vừa đi vừa cầm một món đồ chơi.

Có trẻ đã có thể chạy vững và không còn bị ngã nữa do đã giữ được trọng tâm cơ thể và trẻ có thể tự đi được trên mặt phẳng dốc. Trẻ cũng có thể đứng lên, ngồi xuống theo ý muốn và bắt đầu thích trèo lên mọi thứ đồ đạc trong nhà.

Khả năng đi bộ theo mẹ của trẻ rơi vào khoảng 10-20 phút một lần. Mặc dù vẫn chưa thể tự mình leo lên được cầu thang nhưng trẻ tỏ ra rất hứng thú với việc này, bé thích được trượt từ trên cao xuống như thềm nhà, ván trượt…

Bé vẫn muốn được giúp mẹ một vài việc lặt vặt như cầm hộ mẹ lọ muối, cầm hộ ông quyển báo…Ngoài ra, tính độc lập của trẻ cũng cao khi trẻ muốn được tự mình làm những gì mà trẻ thích như tự xúc thức ăn bằng thìa nhựa, tự đi giầy dép, tất…

Trẻ rất thích được bắt chước mọi người đặc biệt là ngôn ngữ của cha mẹ chẳng hạn khi tới giờ cơm trẻ có thể reo lên “cơm cơm”. Mặc dù những tiếng này vẫn chưa rõ, thường ngọng hoặc mất phụ âm đầu nhưng nghe rất đáng yêu.

Ngoài ra khả năng hiểu ngôn ngữ của trẻ cũng rất tốt. Trẻ có thể hiểu được khi bố mẹ nói “dang tay ra để thay đồ nào con”, hay “bánh của con ở trên bàn”…

Chế độ dinh dưỡng cần thiết

Trẻ 18 tháng tuổi vận động rất nhiều do đó bạn cần bổ sung thêm năng lượng để bù đắp cho năng lượng đã mất đi do các hoạt động bên ngoài và cung cấp thêm cho quá trình phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ của trẻ.

Điều này giải thích tại sao ngoài việc duy trì cho trẻ uống ít nhất 500 ml sữa hàng ngày (cả sữa mẹ và sữa công thức) bạn cần nên cho trẻ ăn 3-4 bữa chính mỗi ngày. Các bữa chính này tất nhiên phải đầy đủ các loại chất dinh dưỡng chủ yếu cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.

Bạn nhớ cho trẻ uống thêm nước. Ngoài ra bạn có thể bổ sung thêm năng lượng cho những hoạt động vui chơi trong ngày của trẻ bằng 1-2 bữa phụ với snack hoa quả, rau củ hay bánh bích quy…

Nên cho trẻ làm quen dần với bữa ăn của gia đình để trẻ làm quen với thời gian sinh hoạt của gia đình cũng như làm sâu sắc thêm sợi dây liên kết giữa trẻ và các thành viên trong gia đình.

Những bệnh thường gặp ở trẻ và cách phòng tránh

Trẻ trong giai đoạn này thường có một số biểu hiện như khóc thét về đêm. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp là do sợ hãi điều gì đó. Biểu hiện của bệnh khóc đêm ở trẻ là: đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.

Cách tốt nhất để phòng chứng bệnh này cho trẻ là tập cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ, khi trẻ khóc đừng quên vỗ về, vuốt ve giúp trẻ trấn an tinh thần. Không nên nói chuyện nhiều với trẻ, không bế trẻ dậy hoặc bật đèn sáng…Nếu trường hợp trẻ khóc dai, khóc mãi không thôi hoặc tình trạng khóc về đêm diễn ra lâu dài nên đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế vì rất có thể trẻ mắc chứng còi xương hoặc suy dinh dưỡng.

Cha mẹ cần làm

sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

18 tháng tuổi là giai đoạn thích hợp để ưu tiên dạy trẻ tập nói. Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, khuyến khích trẻ nói nhiều nhất có thể. Thời điểm này trẻ nên được nghe kể chuyện, được đọc thơ và tập hát nhiều , do đó bạn có thể sưu tầm thêm một số sách hoặc truyện tranh cho trẻ xem hoặc đọc cho trẻ nghe. Có thể cùng nhau bàn luận và chia sẻ về những cảm nghĩ của mình về câu truyện, ví dụ nàng bạch tuyết thật xinh đẹp còn bà mẹ kế thì độc ác và gian xảo...

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cùng chơi với con để giúp trẻ phát triển trí tuệ như nhận biết đồ vật, con vật, màu sắc, các bộ phận trên cơ thể... Điều này đòi hỏi cha mẹ phải sáng tạo, luôn căn cứ trên phản ứng của trẻ để điều chỉnh cách chơi và thay đổi cách chơi.

Hãy cố gắng hết sức mình để nuôi dạy con thật tốt!