TÔN CHỈ CAO ĐÀI

BÀI THUYẾT TRÌNH

ĐỀ TÀI: TÔN CHỈ VÀ CHỦ NGHĨA CAO ĐÀI

Tại Thánh Thất Quận Ba

ooOoo

Kính thưa chư hiền huynh, hiền tỷ.

Bài thuyết trình hôm nay sẽ theo trình tự sau đây:

1. Định nghĩa hai từ tôn chỉ và chủ nghĩa

2. Tôn chỉ Cao Đài

3. Chủ nghĩa Cao Đài

4. Đi vào thực tế

1. Định nghĩa hai từ tôn chỉ và chủ nghĩa

Trước hết, tôn chỉ là gì? Tôn nghĩa là cao quí. Chỉ nghĩa là ý nghĩa của một hành động nào đó. Tôn chỉ nghĩa là ý nghĩa chính yếu, cao quí của một hoạt động. Ví dụ như muốn phát hành một tờ báo, thì chúng ta phải định trước tờ báo ấy để làm gì? Để thông tin cho kịp thời, để nâng cao dân trí, để thu lợi nhuận từ những quảng cáo vân vân … Nếu mục đích ấy cao thượng, đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội nhân quần thì chúng ta có một tôn chỉ vậy.

Chủ nghĩa là gì? Chủ nghĩa là quan trọng, chính yếu. Nghĩa nghĩa là đường lối, cách thức mà mọi người nên theo ngõ hầu đạt được một mục đích nào đó. Xin lấy lại ví dụ nêu trên. Giả sử như chúng ta định xuất bản một tờ báo có tôn chỉ là nâng cao dân trí, vậy thì đường lối chúng ta phải theo là chọn lựa những bài vở nào có tính giáo dục, giúp cho mọi người hiểu rõ các vấn đề cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của họ. Ngoài ra, những bài báo quảng cáo hay truyện để giải trí chúng ta sẽ không cho đăng tải.

Nói tóm lại, tôn chỉ là mục đích của một hành động nhằm đem lại những điều tốt đẹp. Còn chủ nghĩa là cách thức phải theo để thực hiện hành động đó. Trên ý nghĩa cơ bản này, xin mời quí vị cùng chúng tôi tìm hiểu tôn chỉ và chủ nghĩa của Cao Đài.

2.Tôn chỉ Cao Đài

Chúng ta đều biết, ĐỨC CHÍ TÔN dùng huyền diệu cơ bút mở đạo và đã nêu rõ tôn chỉ qua giáo huấn của Ngài. Đó là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Có thể diễn dịch ra như thế này: Một nền tôn giáo lớn mở ra lần thứ ba để cứu giúp loài người. Vậy thì tôn chỉ của Cao Đài nằm trong hai chữ phổ độ. Tìm hiểu ý nghĩa hai từ này chính xác sẽ giúp hiểu được tôn chỉ của Cao Đài. Vậy phổ độ là gì? Phổ nghĩa là rộng khắp. Độ nghĩa là đi qua (bên kia bờ). Từ này có nguồn gốc Phật Giáo. Phật Giáo ví cuộc đời là biển khổ, và đi qua bờ bên kia biển khổ là giải thoát. Chúng ta còn nhớ chuyện Ngũ Tổ, sau khi truyền y bát cho Đức Huệ Năng – tức là Lục Tổ - bèn dùng thuyền đưa Đức Huệ Năng đi khỏi chùa để trốn chúng đệ tử vốn muốn tranh lấy y bát. Lúc đó, Lục Tổ Huệ Năng nói với Ngũ Tổ “Để đệ tử chèo thuyền độ (tức là đưa) Tổ Sư mới phải”. Đức Huệ Năng nói như vậy là vì theo truyền thống Á Đông thì đệ tử phải làm những công việc nặng nhọc thay cho thầy. Nhưng Ngũ Tổ trả lời: “Để ta độ (cũng là đưa) ngươi mới phải.” Lần này Ngũ Tổ ngụ ý “Thầy dùng thuyền (tức là pháp) để đưa đệ tử qua bên kia bờ biển khổ.” Câu truyện chơi chữ đầy ẩn ý này giúp chúng ta hiểu rõ thêm ý nghĩa chữ “độ” trong Phật Giáo. Đến đây chúng ta có thể an toàn định nghĩa chữ Phổ Độ trong Cao Đài. Phổ Độ nghĩa là giúp tất cả loài người qua khỏi biển khổ. Đó cũng chính là tôn chỉ của Cao Đài.

Sở dĩ có tôn chỉ ấy là vì trong kỳ ba này, theo đúng chu kỳ của vũ trụ thì mọi thứ đều tiến đến chỗ phải chuyển qua một giai đoạn mới. Theo cơ bút thì kỳ ba này Thầy mở hội Long Hoa, tuyển chọn những người có đạo đức để chuyển sang thời kỳ Thượng Ngươn Thánh Đức. Hội Long Hoa ví như một kỳ thi tuyển cực kỳ khó khăn. Tất cả những điều gì mà thế gian xem là đau khổ đều thể hiện rõ nét trong thời kỳ này. Tất cả những điều ấy như là những thử thách. Những ai chịu đựng nổi những thử thách này mà vẫn bền lòng gìn giữ đạo đức thì được chuyển qua thời kỳ thánh đức.

Chính vì thời kỳ thử thách khắc nghiệt như thế nên mới cần có sự giúp đỡ. ĐỨC CHÍ TÔN lập đạo Cao Đài tức là lập ra một đoàn thể. Đoàn thể này – tức là chúng ta đây – sẽ theo lời dạy của ĐCT mà trợ giúp nhân loại trong kỳ đại hội Long Hoa.

3. Chủ nghĩa Cao Đài

Chúng ta đã biết được tôn chỉ Cao Đài là giúp đỡ nhân loại trong kỳ đại hội Long Hoa , vậy Chủ nghĩa Cao Đài là gì? Đó chính là đường lối, cách thức mà chúng ta tiến hành để giúp nhân loại. Nói rõ hơn, chúng ta phải làm những điều gì để giúp đỡ loài người thoát khỏi biển khổ?

Muốn giúp một người, ắt là chúng ta phải biết rõ người đó cần điều gì hoặc thiếu thốn điều gì thì giúp mới có hiệu quả. Ví dụ như muốn giúp một người sắp chết khát, thì chúng ta cần mang nước uống đến cho người đó chứ không phải mang cho ông ta một chiếc áo đẹp. Vậy muốn Phổ Độ - nghĩa là giúp toàn thể nhân loại này vượt qua bể khổ - thì đầu tiên chúng ta phải biết rõ loài người cần điều gì để thoát khổ?

Loài người có cần thức ăn không? Dĩ nhiên là cần. Nhưng rõ ràng là có hai điểm quan trọng chúng ta cần xét kỹ ở đây. Một là, thức ăn trên thế giới này không hề thiếu mà chỉ có cách phân chia thức ăn không công bằng mà thôi. Có những nơi người ta thừa ăn thừa uống đến độ bị béo phì hoặc phải đổ bớt đi; nhưng cũng có những nơi ngày nào cũng có hàng trăm người chết đói. Hai là, nếu chúng ta cung cấp đủ thức ăn cho mọi người thì mọi người có hết khổ hay không? Dám thưa chư vị là không. Bởi vì trên thực tế những người giàu có nhất trên hành tinh này cũng chưa chắc dám nhận là mình thoát khỏi đau khổ. Vậy thì loài người có cần khoa học kỹ thuật không? Cũng có cần đấy. Nhưng khoa học kỹ thuật ngày nay tiến như vũ bão; trong thời đại vi tính ngày nay con người đã thực hiện được những điều mà trước đây chúng ta vẫn nghĩ là không tưởng. Ví dụ như liên lạc toàn cầu được thực hiện trong nháy mắt, hay là thay tim thay thận, thậm chí người ta còn tính chuyện bỏ quả địa cầu 68 này đi tìm một hành tinh khác để sinh sống! Có lẽ chúng ta không cần giúp; hay nói rõ hơn là không thể giúp gì cho nhân loại trong lãnh vực này cả. Thật là không may, khi con người đã nắm vững khoa học kỹ thuật rồi thì mặt trái của khoa học kỹ thuật cũng gây ra khốn khổ không kém gì những lợi ích. Ví dụ như con người có thể chế tạo ra thuốc trừ sâu rầy để bảo vệ mùa màng; nhưng chúng ta có lẽ cũng nhiều lần nghe nói dư lượng thuốc trừ sâu trên thức ăn cũng đã và đang gây hại cho sức khỏe. Hoặc năng lượng hạt nhân đem lại lợi ích, nhưng chất thải hạt nhân hay những tai nạn nhà máy hạt nhân cũng khủng khiếp khôn cùng.

Nếu suy đi nghĩ lại thì có một điều mà nhân loại vẫn chưa đạt được dù có biết bao nhiêu người đã mong muốn, kêu gọi từ bao năm qua. Đó là tình thương – tình thương giữa người và người. Về khoa học kỹ thuật thì con người đã tiến bộ rất nhiều, nhưng trong lãnh vực tình thương, kể từ khi con người hiện diện trên quả đất đến nay, không thấy có một tiến bộ nào đáng kể. Những tranh chấp hận thù vẫn giữ nguyên mức độ khốc liệt như lúc con người còn ăn lông ở lỗ. Cách tàn hại lẫn nhau của loài người vẫn không giảm mức độ tàn nhẫn. Người ta vẫn còn sẳn sàng hại nhau vì những lý do không đâu. Trái ý nhau cũng đưa đến chỗ hại nhau; tranh giành miếng ăn cũng có thể đưa đến cảnh chết chóc. Nguyên nhân chủ yếu của sự tranh giành giết chóc này là sự phân hóa chia rẽ. Vì có tôianh; có bỉ thử;bạn thù, nên mới có phân biệt chia rẽ. Có của tôi không phải là của anh nên mới có giành giựt. Rõ ràng nhân loại cần tránh sự chia rẽ này. Tránh được sự phân hóa chia rẽ thì con người mới biết thương yêu nhau. Biết thương yêu nhau thì con người sẽ biết chia nhau những quyền lợi. Và từ đó cuộc sống trên hành tinh này sẽ an toàn hơn, hạnh phúc hơn. Vậy, phân hóa chính là điều mà nhân loại cần phải loại bỏ nếu muốn cùng sống chung với nhau trên quả đất này. Suy cho cùng thì nhân loại thật sự cần tình thương; nghĩa là cần tiến bộ về mặt tinh thần.

Cũng vì thế nên muốn giúp đỡ nhân loại, Đức Chí Tôn dạy chúng ta “Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhất”. Đây chính là chủ nghĩa của Cao Đài.

Xin mời quí vị cùng nghiên cứu chủ nghĩa Cao Đài “Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhất”. Có lẽ tín đồ Cao Đài chúng ta đều biết Tam Giáo là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo. Ngũ Chi là Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo. Qui nguyên nghĩa là quay trở về với nguồn gốc. Phục nhất nghĩa là trở lại số một, tức là nguyên thủy. Thế nhưng hiểu hai vế đối trên theo nghĩa đen thì có một vài điểm không ổn. Một là, trên thế giới hiện nay có rất nhiều tôn giáo, tại sao Thầy dạy chúng ta chỉ qui nguyên chỉ có Phật, Lão và Khổng? Vậy những tôn giáo khác như Hồi Giáo, An Độ Giáo, Do Thái Giáo vân vân … thì không cần phải qui nguyên sao? Nếu chỉ cần qui nguyên Ba Tôn Giáo lớn thì e rằng chúng ta lại tạo ra một sự phân biệt, chia rẽ mới và như thế thì chúng ta đi ngược lại nguyên tắc công bằng và tình thương của Đức Chí Tôn. Hai là, trong hai vế đối trên, khi thì Đạo Phật được gọi là Giáo; khi thì được gọi là Chi. Vậy rõ ràng là hiểu theo nghĩa đen sẽ có một sự trùng lập không cần thiết ở đây.

Theo ý của chúng tôi, phải hiểu hai vế đối trên theo tinh thần một câu đối mà chúng ta thường bắt gặp trong cách viết văn của người xưa. Nghĩa là phải xét từ đối với từ, ngữ đối với ngữ và câu đối với câu để có được một ý nghĩa hoàn chỉnh cuối cùng. Vậy thì xét hai câu trên chúng ta thấy Tam Giáo đối với Ngũ Chi và qui nguyên đối với phục nhất. Người phương Đông nói chung và người Trung Hoa nói riêng thường dùng những con số đăc biệt biểu đạt một ý nghĩa nào đó. Ví dụ như khi nói “chín phương Trời, mười phương Phật” thì không có nghĩa là Trời ngự trị ở chín nơi; Phật ngự trị ở mười nơi. Toàn bộ từ ngữ ấy dùng để ám chỉ một cõi giới khác ngoài cõi phàm trần của chúng ta mà thôi. Suy theo lẽ ấy thì Tam Giáo Đối với Ngũ Chi dùng để chỉ tất cả những tư tưởng tôn giáo hiện có ở quả địa cầu 68 này. Qui nguyên và phục nhất trong ngữ cảnh này là đồng nghĩa. Vậy toàn bộ hai câu đối trên có nghĩa là “Hãy quay trở lại cội nguồn của những tư tưởng tôn giáo hiện có trên thế giới này” và như đã giới thiệu ở trên thì đây chính là chủ nghĩa của Cao Đài; đây chính là điều mà chúng ta- con cái của Đức Chí Tôn- phải thực hiện và kêu gọi mọi người cùng thực hiện để có được một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Thưa quí vị, chúng tôi xin được tạm rút gọn lại phần trình bày vừa qua. Tôn chỉ Cao Đài là giúp đỡ toàn nhân loại tránh những nổi thống khổ về tinh thần. Chủ nghĩa Cao Đài là giúp mọi người quay trở về nguồn cội của những tư tưởng tôn giáo; từ đó con người biết yêu thương nhau hơn, biết giúp đỡ nhau dắt dìu nhau cùng thoát khổ.

4. Đi vào thực tế

Với định nghĩa nêu trên, mời quí vị cùng chúng tôi đi vào phần thứ tư: đó là chúng ta áp dụng chủ nghĩa Cao Đài trong đời sống như thế nào? Theo giáo huấn của Đức Chí Tôn, nếu chúng ta qui nguyên hay phục nhất – nghĩa là trở lại cội nguồn của tôn giáo thì chúng ta sẽ thấu hiểu mọi tư tưởng tôn giáo, kể cả tư tưởng“không tôn giáo” trên địa cầu này vốn là một. Vậy thì trước hết ngay ở chính bản thân mỗi người trong chúng ta đây có ý thức được quan niệm này hay chưa? Chúng tôi nghĩ rằng chính mình phải thông suốt điều này trước thì mới có thể kêu gọi người khác cùng làm như thế.

Thưa quí vị, “xem mọi tôn giáo là một” là một khái niệm cực kỳ khó dẫn giải; cũng vì lý do đó mà chúng ta rất dễ hiểu sai ý nghĩa để rồi thực hiện không đúng lời dạy của Đức Chí Tôn. Có người đọc Thánh Ngôn, Thánh Kinh đến câu “Thâu các Đạo hữu hình làm một” thì có ý nghĩ như thế này: Đạo Cao Đài bao trùm tất cả các tôn giáo khác và họ nghĩ trong tương lai khi chỉ còn một Đạo Cao Đài thôi thì mới đúng lời dạy của Đức Chí Tôn. Chúng tôi e rằng nghĩ như vậy là không ổn. Bởi như thế, chúng ta gián tiếp cho rằng tư tưởng của mình là đúng; còn của người khác là sai. Đây là một tư tưởng có tính chất độc chiếm. Tư tưởng như vậy chỉ đưa đến chỗ chia rẽ manh mún thêm nữa toàn cảnh xã hội loài người vốn đã chia rẽ trầm trọng từ lâu. Chia rẽ không bao giờ mang lại tình thương. Chia rẽ chỉ tăng thêm lòng thù hận mà thôi. Càng sinh thù hận thì chúng ta càng xa rời tôn chỉ của Cao Đài là giúp loài người thoát khổ.

Theo thiển ý, quan điểm xem mọi tôn giáo là một có thể được diễn giải qua hai cách. Cách thứ nhất đơn giản là: chúng ta hãy đối xử với mọi người không phân biệt về bất cứ lãnh vực nào. Dù người ấy có nguồn gốc là một sắc dân nhỏ bé nghèo hèn nào; chúng ta cũng không vì thế mà coi thường. Hay người ấy có quyền uy giàu sang đến đâu đi nữa thì chúng ta cũng không vì thế mà có lòng ưu ái hơn kẻ khác. Dù người ấy có ý nghĩ khác với chúng ta; thậm chí chê bai chỉ trích chúng ta thì chúng ta cũng không vì thế mà đem lòng ghét bỏ. Hãy dặn lòng lời giáo huấn của Thầy “Không thương được thì chớ ghét”. Người nào thực hiện được điều này sẽ trở thành một người vô cùng dễ mến. Càng có nhiều người thực hiện được điều này thì xã hội càng tiến bộ về mặt tinh thần. Mọi người biết nhường nhịn thương yêu nhau, giúp đỡ nhau. Trong một xã hội như thế, mọi thống khổ về mặt vật chất sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều. Và nếu toàn thế giới cùng làm như thế thì mọi tranh dành chém giết sẽ tự kết thúc.

Kính thưa quí vị, điều này nói ra thì dễ nhưng thực hành mới là khó. Và theo chúng tôi thì có lẽ chúng ta ráng thực hiện một điều ấy thôi suốt cuộc đời cũng là đáng ngợi khen lắm rồi.

Cũng có người sẽ đặt vấn đề: thế giới này quá nhiều người, một mình tôi làm như thế có xoay chuyển được hay không? Hơn nữa, trong khi tôi ráng tu hiền mà những người khác chung quanh tôi đều dữ thì e rằng thiệt thòi cho tôi. Thưa quí vị, xin trả lời thế này: Thầy dạy chúng ta ký hòa ước với Thầy qua hai điều khoản THƯƠNG YÊU và CÔNG BÌNH. Khi chúng ta vào cửa đạo Cao Đài là đương nhiên công nhận điều này. Vậy thì chúng ta cứ thực thi hai điều khoản này đi, mọi chuyện khác do quyền Thầy. Kiên nhẫn thực hiện suốt cuộc đời ta mà không đòi hỏi một điều gì đáp lại đó cũng là một hạnh đáng quí của người tu vậy.

Cách diễn giải thứ hai có liên quan đến Bí Pháp của Cao Đài. Xem mọi tư tưởng là một là một động tác cực kỳ khó khăn nhưng đó cũng chính là con đường duy nhất giúp chúng ta giải phóng năng lượng nội tại vô tận. Năng lượng ấy sẽ giúp bản thân chúng ta đạt một sự thấu hiểu thông suốt vượt mọi giới hạn không gian cũng như thời gian. Sự thấu hiểu sâu xa này sẽ đưa chúng ta hiệp một cùng Thầy. Nhưng MỘT là gì? Và làm sao để đạt được yêu cầu xem mọi tư tưởng là MỘT? Chúng ta vẫn thường đọc trong thánh ngôn trong thánh kinh từ MỘT này rất nhiều lần. Nào là “hiệp MỘT cùng Thầy”; nào là “Thâu các Đạo hữu hình làm MỘT” ; nào là “Ngũ chi phục NHẤT”; và nhất là Thánh tượng Thiên Nhãn có dạng MỘT con mắt. MỘT là khái niệm triết học phương Đông rất độc đáo. Đây không phải là số đếm mà là một trạng thái đồng nhất với một đối tượng nào khác ngoài bản ngã. Ví dụ như thế này: khi chúng ta gặp một người bạn, thì trong đầu chúng ta liền có ý nghĩ người bạn này khác với mình. Nghĩa là có hai thực thể mìnhngười đó ; chủ thể và khách thể; bỉ và thử; và từ đó về sau chúng ta đối xử với người đó dựa trên cơ bản này. Tức là dực trên HAI chứ không phải MỘT. Một thí dụ nữa là: khi chúng ta khởi sự suy nghĩ, thì chúng ta cũng xem mình và những suy nghĩ của mình là hai sự thể tách rời nhau. Nếu có một cách nào đó để chúng ta xóa bỏ sự tách biệt này thì chúng ta đạt được trạng thái MỘT mà người xưa gọi là ĐẮC NHẤT. Trạng thái này có nhiều tên gọi; nhưng nói cho cùng thì đó là trạng thái trí huệ nghĩa là đắc đạo. Tuy nhiên đây là một quá trình hết sức khó khăn vượt khỏi mọi suy nghĩ luận lý. Trong đạo Cao Đài thì quá trình này chỉ được thực hiện ở tịnh thất hay dành riêng cho những chơn linh cao trọng mà thôi. Trong giới hạn của bài thuyết trình này, chúng tôi xin được phép trình bày sơ lược; nếu muốn bàn sâu hơn xin được để vào một dịp khác.

Để kết luận, xin được tóm tắt ý chính như sau: tôn chỉ Cao Đài là giúp toàn nhân loại thoát khổ. Chủ nghĩa Cao Đài là xem mọi tư tưởng tôn giáo là một hay nói cụ thể hơn là thương yêu tất cả vạn linh. Cuối cùng chúng ta, những tín đồ Cao Đài phải thực hiện điều này hàng ngày và kiên trì thực hiện cho hết kiếp sanh này.

Trân trọng cám ơn quí vị.

TỪ CHƠN