Tiểu sử

Hiền Tài Nguyễn văn Mới

Hiền Tài Nguyễn văn Mới

Tốc ký viên của Đức Hộ Pháp

Đạo hiệu: TỪ HUỆ

TUỔI THƠ TỪ HUỆ

Có lẽ nên bắt đầu từ một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời của Từ Huệ: ấy là khi Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng trong một đàn cơ phổ độ vào khoảng năm 1926. Trong giai đoạn lập đạo, Đức Chí Tôn dạy các đệ tử lập ra các cặp phò loan, đi về các tỉnh để tiếp nhận thêm đệ tử mới. Lúc ấy ông Nguyễn văn Lai, một Hương Cả ở làng Hiệp Phước, Nhà Bè, Gia Định có đến dự một đàn cơ tại chùa Gò Kén vì tò mò là chính. Trong lúc mọi người đang quì hầu đàn thì cơ giáng gọi Nguyễn văn Lai vào dạy việc. Ông Lai rất ngạc nhiên vì cả những vị phò loan lẫn những người trong đàn đều không biết ông. Khi ông Lai vào hầu, thì cơ giáng cho bài thơ sau:

Lai châu tiếng hạc gáy reo vang

Sao chẳng tỉnh mê giấc ngỡ ngàng

Năm lụn ngày qua thêm chất tuổi

Những là lỡ lính với lừa quan

(ngày 14-Bính Dần – chùa Gò Kén – Tây Ninh)

Trích Đạo Sử quyển I – trang 67

Kể từ ấy con người của ông Lai đổi khác. Ông bắt đầu sắp xếp chuyện làm ăn để dành nhiều thì giờ hơn cho việc học đạo. Ông đọc các sách vở có sẵn về tôn giáo, lo làm phước, giúp người nghèo. Nói chung, ông làm tất cả những gì mà người đời gọi là “tu”. Cuối cùng ông làm một việc quan trọng nhất cuộc đời mình: quyết định từ bỏ nhà cửa ruộng đất đang có để dời về thánh địa Tây Ninh. Ông nghĩ rằng về thánh địa sẽ có nhiều cơ hội hơn để học đạo và hành đạo.

Lúc bấy giờ, ông nuôi dưỡng hai người cháu mồ côi là Nguyễn văn Thới và Nguyễn văn Mới. Hai anh em Thới và Mới ăn cơm chay trong đền thánh, đi học Đạo Đức Học Đường. Nói tóm lại, Thới và Mới là những con người hoàn toàn do đạo nuôi dưỡng và dạy dỗ trong khi ông Lai dành trọn cuộc đời mình cho đạo.

Trong số hai đứa cháu nội của ông, cháu Mới đặc biệt học hành có nhiều triển vọng. Nhưng rồi bỗng đâu đất bằng nổi sóng! Một hôm, đến trước cổng trường, Mới ngỡ ngàng khi thấy trường đã bị người Pháp chiếm đóng. Lúc đó, người Pháp đã bắt Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và một số chức sắc cao cấp đày sang đảo Réunion. Toàn bộ cơ sở của đạo, kể cả Đền Thánh – lúc này đang xây dựng dở dang – đều bị chiếm giữ. Người Pháp quyết tâm dẹp bỏ những lực lượng yêu nước lúc bấy giờ đang nổi lên khắp nơi trong nước. Và dưới con mắt của họ, Đạo Cao Đài chỉ là một lực lượng nổi loạn chống lại Chính Quyền Bảo Hộ Pháp. Thậm chí họ còn gán cho đạo là theo Đức Quốc Xã bởi vì trên nóc Đền Thánh có chữ Vạn giống huy hiệu của Phát Xít Đức!

Từ Huệ lúc còn trẻ

THUỞ THIẾU THỜI TRÔI NỔI

Đến năm 17 tuổi, anh thanh niên Mới, cũng như những thanh niên Việt Nam khác lòng đầy nhiệt huyết, quyết chí tìm cách chống lại người Pháp. Lúc bấy giờ nghe nói phong trào Đông Du đang tuyển thanh niên đưa sang Nhật để học tập, nên Mới quyết định lên Sài Gòn để tìm cách gia nhập tổ chức này.

Trước khi ra đi, Mới xin phép ông nội và dĩ nhiên là không được ông cho phép. Đối với ông Lai, việc thế gian không còn quan trọng nữa, chỉ có hành đạo để trở về với Đức Chí Tôn là quan trọng mà thôi. Vì thế, Mới lén từ giả người anh của mình và trốn ông nội ra đi.

Trước khi ra đi, Mới đã lên núi Bà Đen xin xăm để đoán trước vận mệnh của mình. Mới xin được quẻ thượng như sau:

Đường ngang ngõ tắt tựa bàn cờ

Lạc lối cho nên đứng ngẩn ngơ

May gặp quới nhơn nhờ giúp đỡ

Thân này chắc sống tự bây giờ

Quẻ xăm làm cho Mới nức lòng và thế là anh lên đường với vài bộ đồ nhà quê và mấy đồng bạc trong túi.

Đến thành phố Sài Gòn, “Hòn Ngọc Viễn Đông” lúc đó, Mới chọn bến xe đò làm chỗ ngủ hằng đêm, ban ngày anh đi khắp nơi để xin việc làm. Nhưng hỡi ơi! Bộ dạng thanh niên tỉnh lẻ của anh chỉ đem lại những cái lắc đầu khinh bỉ. Rồi mười ngày trôi qua. Số tiền ít oi đem theo đã cạn dần, thậm chí không còn đủ tiền đi xe đò trở về Tây Ninh nữa.

Buổi chiều hôm ấy, anh không biết làm gì hơn là ra ngồi trên băng đá bùng binh trước chợ Bến Thành, trong lòng vẫn chưa biết tính sao cho buổi sáng ngày hôm sau. Bỗng có một người đàn ông trung niên tiến đến gần anh và hỏi:

- Nè chú em. Tui thấy chú em hình như ở dưới tỉnh mới lên. Chú có bà con gì hông? Lên đây tính làm gì?

Mới liều mạng trả lời:

- Lên kiếm người rủ đi đánh Tây!

- Ý, chú nói nhỏ nhỏ chớ. Mã tà nó bắt bây giờ. Mà chú thiệt muốn đánh Tây hông?

- Thiệt!

- Vậy chú em theo tui về nhà rồi nói chuyện.

Tới đây thì rõ ràng quẻ xăm đã ứng nghiệm: quới nhơn đã xuất hiện để cứu người. Người đàn ông này thuộc tổ chức cách mạng của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, hiện đang tuyển mộ thanh niên đưa sang Nhật du học. Kể từ đó, Mới tạm thời làm bồi bàn trong nhà hàng của ông chờ ngày xuất dương. Trong thời gian chờ đợi, Mới học tiếng Nhật qua những quyển sách tự học vốn bán đầy dẫy trên đường phố Sài Gòn.

Nhưng khúc quanh định mệnh đã đến trước khi Mới kịp ra nước ngoài. Một hôm có hai viên sĩ quan Nhật vào nhà hàng ăn uống. Dĩ nhiên đây là cơ hội để tập nói tiếng Nhật. Mới tiến lại chào hỏi vài câu. Thình lình, viên sĩ quan hỏi Mới:

- Cậu muốn làm sĩ quan như tôi không?

- Muốn chứ. Mà sĩ quan gì?

- Phi công. Nếu muốn thì theo tụi tôi liền bây giờ.

Mới suy nghĩ, mục đích của mình là sang Nhật học để đánh Tây, bây giờ làm sĩ quan Nhật đánh Tây liền thì thỏa chí rồi. Thế là, không do dự, Mới đi theo hai sĩ quan Nhật, thậm chí không kịp chào ân nhân của mình. Sau này mới biết, hai sĩ quan này áp tải những thanh niên Việt Nam đầu quân cho Nhật từ Hà Nội vào Sài Gòn. Khi đến nơi, kiểm tra lại thì thiếu hai người nên họ đang tìm người lấp vào chỗ trống để tránh bị kỷ luật.

Mới bắt đầu cuộc sống trong hàng ngũ quân đội Nhật Bản với một cái tên Nhật (quân đội Nhật đặt cho). Đóng quân ở phi trường Tân Sơn Nhất, mỗi ngày Mới học tiếng Nhật và làm thợ máy học việc. Theo lời các sĩ quan Nhật thì muốn làm phi công quân đội Thiên Hoàng trước hết phải biết rõ mọi tính năng của chiếc máy bay. Thực tình mà nói thì Nhật lúc bấy giờ sắp thua Thế Chiến Thứ Hai và đang định tuyển nhiều phi công Thần Phong (Kamikaze) cho nhiệm vụ quyết tử “đâm đầu xuống tàu chiến Mỹ”. Nói cho rõ là họ đang tìm người hi sinh cho đất nước Phù Tang!

Sau một thời gian, họ chọn một số thanh niên, trong đó có Mới, chuẩn bị lên đường sang Nhật để học lái máy bay trong chiến dịch Thần Phong. Nhưng một khúc quanh nữa lại xuất hiện trong cuộc đời khúc khuỷu của Mới: người Nhật ký văn bản đầu hàng vô điều kiện sau hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Quân đội Nhật lục tục rút lui về Nhật Bản. Trước khi rút về, họ cho mời những thanh niên Việt Nam trong hàng ngũ Nhật đến và bảo rằng: Các bạn được chọn một trong hai điều. Một là theo chúng tôi về Nhật, chúng tôi sẽ xem các bạn như những công dân Nhật thực thụ. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng nước Nhật. Hai là các bạn ở lại Việt Nam để làm công dân Việt Nam.

Khúc quanh lần này, Mới chọn ở lại Việt Nam. Anh nghĩ rằng, mình đi theo Nhật là để đánh Tây, chứ đâu muốn làm người Nhật. Nay Nhật thua, Tây lại rục rịch trở lại Việt Nam, mình phải ở lại đây để tiếp tục đánh Tây chứ.

Trong thời gian Mới ở trong quân đội Nhật, người Nhật cũng giúp thành lập quân đội Cao Đài với mục đích lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Nay người Nhật thua, quân đội Cao Đài đang có kế hoạch rút lui về Tây Ninh để lập chiến khu. Anh Mới trở lại gia nhập quân đội Cao Đài với cấp bậc Thiếu Úy.

Rồi người Pháp trở lại Việt Nam, quân đội Cao Đài phải chọn giải pháp hợp tác với Pháp để đổi lại hai việc: Thứ nhất, Pháp trả tự do cho Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Thứ hai, tín đồ Cao Đài được tự do hành đạo. Tuy nhiên, cuộc hợp tác bất đắc dĩ này không tồn tại lâu dài, bởi người Pháp thua trận Điện Biên Phủ năm 1954 và phải ký hiệp định Geneve. Nước Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17. Miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản dưới quyền lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, miền Nam theo thể chế tự do do ông Ngô Đình Diệm cầm quyền.

Từ Huệ lúc Tòa Thánh mới hoàn thành

THAM GIA QUÂN ĐỘI QUỐC GIA

Ở miền Nam Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm lập tức bắt tay vào việc xây dựng lại chính quyền do người Pháp để lại bằng việc triệt phá các đảng phái chính trị hùng cứ khắp miền Nam bấy giờ như tướng Bảy Viễn, Ba Cụt vân vân. Riêng về phía đạo Cao Đài, đức Hộ Pháp là Chưởng Quản cả Hiệp Thiên Đài lẫn Cửu Trùng Đài chủ trương chuyển giao quân đội Cao Đài sang quân đội quốc gia để Cao Đài trở lại là một tôn giáo thuần túy.

Lúc đó, Mới phân vân đứng trước ngã ba đường: theo quân đội quốc gia tiếp tục cuộc đời người lính hoặc trở về dân sự. Suy nghĩ không ra, Mới xin vào diện kiến Đức Hộ Pháp để nghe chỉ dạy. Sau khi nghe trình bày xong Đức Hộ Pháp không nói lời nào mà dùng tay chỉ về hướng Sài Gòn. Thế là Mới quyết định phải nhập thế để trả cho xong cái nợ nhân quần xã hội. Anh làm đơn xin chuyển qua quân đội quốc gia và được chấp thuận.

Lúc bấy giờ chính quyền miền Nam rất cần một lực lượng quân đội để bảo vệ thể chế còn non trẻ của mình. Tuy nhiên, ông Ngô Đình Diệm luôn nghi ngờ những người từng tham gia quân đội các đảng phái như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Thế nên, dù sử dụng lại nhưng ông áp dụng hai biện pháp sau: Thứ nhất, buộc những người lính Cao Đài phải tham gia một khóa học quân sự và văn hóa. Ai vượt qua được sẽ giữ nguyên cấp bậc, những người còn lại phải chịu giáng cấp tùy theo số điểm cuối khóa. Thứ hai, bổ nhiệm những người này đến những nơi xa xôi hiểm trở nhằm phân tán không cho liên hệ với nhau.

Về thử thách thứ nhất, Mới đã vượt qua một cách dễ dàng nhờ ý chí phấn đấu và trí thông minh. Vì thế trong khi rất nhiều người bị giáng cấp xuống Hạ Sĩ Quan, thậm chí đến hàng binh sĩ, thì Mới vẫn giữ được cấp bậc Thiếu Úy. Về thử thách thứ hai, Mới phải chịu thuyên chuyển đến nhiều nơi khỉ ho cò gáy và sau cùng thì ổn định lại tại tỉnh lỵ Pleiku thuộc miền Trung Việt Nam.

Kể từ đây, cuộc đời đã tạm lắng sóng gió, anh sống yên lành cùng vợ và người con trai đầu lòng. Nhưng rồi sau sáu năm sống hạnh phúc ở Pleiku, cuộc đời của Mới lại đến một khúc quanh nữa.

Từ Huệ lúc còn trẻ

TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG

Vào khoảng năm 1965, người ta tổ chức tuyển những người có năng khiếu ngoại ngữ trong quân đội về học tiếng Anh ở Sài Gòn. Anh Mới trúng tuyển nên được về Sài Gòn học. Anh đem vợ và hai con lúc bấy giờ là Nguyễn văn Dũng và Nguyễn thị Thu Nguyệt cùng đi. Gia đình thuê một ngôi nhà ở Cổng xe lửa số 7, Phú Nhuận cho gần trường Sinh Ngữ nơi anh theo học. Vào những năm này, đời sống kinh tế của đất nước rất thoải mái. Đồng lương viên chức nhà nước khá cao, nên hầu như gia đình không phải lo lắng gì về vấn đề cơm áo. Anh Mới đi học ngày hai buổi, đến cuối tháng lãnh lương. Ngày ngày lần lượt trôi qua trong hạnh phúc. Và cũng chính trong khoảng thời gian này một sự kiện trọng đại đã xảy ra với gia đình anh.

Phía sau nhà anh thuê là một nghĩa trang đã lâu đời. Nghĩa trang hiu quạnh không ai thăm viếng, xung quanh là xóm nhà lao động nghèo. Trẻ em chơi đùa trong các con hẻm rồng rắn, và lúc nào cũng có một nhóm các em chơi ở sân cement nhỏ trước cửa nhà anh bởi vì chị vợ và hai con ở nhà rất ít giao tiếp với lối xóm, thường cửa đóng then cài suốt ngày.

Một hôm, ở nghĩa trang có bốc mộ, và các em nhỏ đã tìm cách lấy được mấy miếng ván hòm. Ngày trước người ta tin rằng nếu dùng ván hòm đã chôn từ lâu làm cơ, thì có thể cầu cơ liên lạc với người đã khuất. Cách làm theo dân gian như sau: người ta đẽo gọt miếng ván hòm thành hình quả tim. Sau đó lấy một tờ giấy cứng khổ to, viết lên 24 chữ cái, các dấu thanh tiếng Việt, và các số đếm từ 0 đến 9. Khi cầu cơ, hai người ngồi trước tờ giấy cứng, cơ được đặt nằm giữa tờ giấy, mỗi người chạm một ngón trỏ vào cơ. Sau đó người ta cùng đọc to lên một chịi thơ lục bát “cầu hồn” có nội dung là xin được giao tiếp với thế giới bên kia. (Không biết tác giả bài thơ cầu hồn này là ai và đến nay lâu quá người viết truyện cũng không nhớ nỗi bài thơ này). Đọc xong bài thơ là cơ chạy, thường là theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Những người khác ngồi xung quanh và nêu những câu hỏi, cơ sẽ lần lượt chỉ vào các mẫu tự để ghép lại thành từ ngữ và câu để trả lời. Khi nào cơ chỉ vào chữ “Thăng” là hết một phiên.

Rồi phong trào cầu cơ rộ lên trong xóm. Trẻ em, người lớn tụm năm tụm ba cầu cơ. Người ta cầu lúc nửa đêm, rồi đến ban ngày. Thậm chí không đủ ván hòm làm cơ, người ta dùng cả nắp chai nước ngọt lật ngửa lên thay cho cơ. Các chơn hồn giáng cơ thường xưng là ma, quỉ, hoặc thần, và trả lời tất cả những câu hỏi nêu ra. Thường người ta hỏi về chuyện nhà cửa, tình duyên, công danh. Chị vợ anh Mới, cũng giống như phần đông các phụ nữ, rất dễ cảm đối với các hiện tượng tâm linh, và cũng một phần do tò mò, đã tham gia vào việc này mà không hề có ý thức. Chúng ta cũng biết, đạo Cao Đài vốn mở ra do các đấng thiêng liêng giáng cơ thông qua các đồng tử. Nhưng trong đạo Cao Đài, chỉ có chức sắc cao cấp do thiêng liêng chỉ định mới được cầu cơ mà thôi. Những tín đồ thông thường như vợ chồng anh Mới không được phép cầu cơ. Và nếu có ai thử cầu cơ thì cũng sẽ thấy rằng không phải ai cũng cầu cơ giao tiếp với thế giới bên kia được. Tuy thế, có một điều lạ là, lúc bấy giờ, trong xóm nhà của anh hầu như ai cầu cơ cũng được. Các em nhỏ thường khi chơi đùa trước sân nhà cũng tổ chức cầu cơ vào ban ngày và vẫn tiếp xúc được với thế giới bên kia. Vì thế, chị vợ của anh lén đợi lúc anh đi học, lập một nhóm gồm có mấy người hàng xóm và cầu cơ trong nhà mình.

Một điểm đặc biệt lôi cuốn chị là: nếu có chị chạm tay vào thì cơ chạy nhanh hơn và những câu trả lời cũng có phần thú vị hơn. Thường khi những người khác cầm cơ, chỉ có các chơn hồn xưng là ma hay quỉ nhập vào và cơ chạy rất chậm; nhưng nếu có chị cầm cơ thì thường là thần hoặc thánh, nhất là Địa Tiên (Ông Địa) giáng cơ.

Một thời gian sau, anh Mới cũng biết được chuyện này. Là một người con của đạo, lại từng làm tốc ký viên cho Đức Hộ Pháp nên anh cương quyết giữ những nguyên tắc của đạo, mà một trong số đó là tín đồ không được phép cầu cơ. Nhưng anh cũng biết không thể dùng lời thuyết phục một người say mê các vấn đề về tâm linh được. Anh chủ tâm dùng một cách khác: anh cũng sẽ tham gia với chị, nhưng anh sẽ dùng sức đẩy cơ nhằm tạo ra những câu trả lời kỳ quặc. Anh nghĩ như thế sẽ làm cho chị chán nản bỏ cuộc.

Nữ Chánh trị Sự Trương Hoa Đê

Đạo Hiệu: Diệu Minh

Bạn đời của Từ Huệ

Một bữa nọ, anh được nghỉ học về sớm. Khi về đến nhà anh rủ chị cùng cầu cơ. Lúc này trong nhà chỉ còn có gia đình của anh chị. Anh và chị ngồi vào bàn cơ, người con lớn – lúc đó đang học lớp đệ Thất – cũng theo ngồi cạnh. Nhưng khi đọc xong bài thơ “gọi hồn” thì ý định dùng sức đẩy cơ của anh tan biến bởi anh cảm nhận được một luồng điện phi thường chạy vào đầu ngón tay của mình, đẩy cơ chạy với một tốc độ nhanh chưa từng có. Cơ giáng:

Ta là Địa Tiên.

Mời ông bà chỉnh trang y phục để tiếp đón một vị Tiên Nương.

Thăng.

Đọc xong mấy câu này cả gia đình kinh hoảng, bởi cách nói nghiêm nghị khác thường. Mặc dù Địa Tiên và các vị thần thánh thường giáng, nhưng chưa bao giờ cách nói lại đầy uy lực như vậy.

Thế là cả gia đình vội vàng thay đồ cho tươm tất. Vì đã lâu theo đời kiếm sống, nên trong gia đình cũng không có đạo phục (áo dài trắng) và mọi người đành chọn bộ đồ thích hợp nhất. Sau đó cả gia đình lên gác và cầu lại. Lần này cơ giáng:

Bát Nương Diêu Trì Cung mừng các con.

Các con là người có căn duyên, sao không lo chuyện tu tâm mà cứ chạy theo giàu sang quyền tước? Kể từ đây các con phải ăn chay mỗi tháng mười ngày và mỗi ngày rằm và ba mươi phải cầu Bát Nương về học đạo.

Thăng.

Kể từ đó trở đi, cả gia đình làm đúng theo lời Bát Nương dạy. Bát Nương đã dạy từ những khái niệm đơn giản nhất về đạo đức cho đến những ý nghĩa phức tạp trong tôn giáo bằng những bài giảng hết sức dễ hiểu và dễ nhớ. Sau gần một năm, Bát Nương lần đầu tiên ban đại ân cho gia đình anh Mới.

Bát Nương giáng:

Từ nay, Bát Nương cho các con một đạo hiệu để sau này theo đó mà tu chơn. Con Mới là Từ Huệ, con Đê là Diệu Minh, cháu Dũng là Từ Chơn, cháu Thu Nguyệt là Diệu Lý.…

(Từ đoạn này trở đi, xin được dùng đạo hiệu thay cho tên riêng để phù hợp với tựa đề của truyện. TG)

Trong khoảng thời gian này tâm đạo của Từ Huệ và Diệu Minh phát triển đến nỗi, theo đề nghị của Diệu Minh, cả nhà quyết định ăn chay trường. Thế nhưng, ngay sau đó Bát Nương giáng cơ dạy:

Các con muốn ăn chay trường là điều rất tốt. Nhưng trong cửa đạo Cao Đài, ăn chay trường thì phải phế đời hành đạo. Sau đó là đi vào con đường thứ ba của Đại Đạo- tức là luyện đạo. Các con chưa thể phế đời hành đạo, lại càng không thể luyện đạo, vậy nên chỉ cần thập trai là đủ. Hơn nữa tu hành không thể dục tốc. Bát Nương cho các con biết một điều: ăn chay trường mà không luyện đạo cũng như nấu cơm mà không đổ nước!

Riêng về phần Từ Huệ, đi tu là ước mơ từ thuở bé của anh, chỉ vì thời cuộc biến đổi mà anh phải đi làm việc kiếm tiền, nay được học đạo nơi Bát Nương anh càng thấy nung nấu ý muốn phế đời hành đạo. Một hôm, anh thưa với Bát Nương, xin người giúp cho được giải ngũ để trở về làm đạo. Bát Nương dạy rằng:

Từ Huệ còn phải trả nợ nhân quần xã hội, nên chưa thể phế đời hành đạo được. Nhưng con đừng lo, cứ an tâm học đạo, rồi đây Bát Nương sẽ cho con một cơ hội lớn để giúp đạo.

Lời dạy này cũng là lời tiên tri cho những năm tiếp theo sau trong cuộc đời của Từ Huệ.

TRỞ LẠI TÂY NINH

Sau khi học tiếng Anh xong, gia đình Từ Huệ trở về Pleiku, tức là đơn vị gốc của anh. Trong lúc này người con thứ tư của anh cũng ra đời. Đó là Nguyễn văn Quang, được Bát Nương ban cho đạo hiệu là Từ Tâm.

Nhưng rồi một biến cố bất hạnh đã xảy ra cho gia đình, người con thứ ba, Diệu Lý mắc phải bệnh sốt tê liệt. Vào thời bấy giờ, dịch vụ y tế ở Việt Nam chưa phát triển lắm, nhất là ở các tỉnh thành xa xôi như Pleiku. Để điều trị cho Diệu Lý, cả gia đình phải vào Sài Gòn tìm bác sĩ chuyên khoa. Chứng bệnh không giết chết Diệu Lý, nhưng làm cho em liệt toàn bộ cơ thể, cần điều trị bằng vật lý liệu pháp lâu dài. Trước tình cảnh khó khăn ấy, cấp trên của Từ Huệ đồng ý cho anh được chuyển công tác vào Sài Gòn để trị bệnh cho con. Căn bệnh của Diệu Lý đã vắt kiệt sức lực và tài lực của gia đình. Tuy nhiên nhờ bạn bè, họ hàng ra sức an ủi, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần nên rồi những đau khổ cũng nguôi ngoai dần. Riêng về phần Diệu Lý, Bát Nương cho biết em có một trí óc minh mẫn trong một thân thể tàn tật. Và đúng như thế, dưới sự dạy dỗ của Diệu Minh, em có thể học đọc, học viết không thua gì một em bé bình thường cùng độ tuổi. Rồi người con thứ năm ra đời, được đặt tên là Nguyễn thị Thu Hồng. Bát Nương cũng ban cho đạo hiệu là Diệu Hương.

Thời gian trôi đi, tuy không dám hỏi nhưng Từ Huệ vẫn công cánh bên lòng câu tiên tri của Bát Nương là mình sẽ có một cơ hội lớn để giúp đạo. Gia đình Từ Huệ vẫn tiếp tục học đạo với Bát Nương. Trong thời gian này, Từ Huệ làm công quả bằng cách giúp đỡ về tài chính hoặc tặng vật liệu xây dựng cho các Thánh Thất còn nghèo ở Sài Gòn, nhiều nhất là Thánh Thất Sài Gòn ở đường Trần Hưng Đạo.

Một hôm, do quá nóng lòng không thể chờ đợi cơ hội giúp đạo mà Bát Nương hứa, cũng không dám hỏi Bát Nương, nên Từ Huệ nghĩ ra một cách để giúp đạo. Đó là vận động các chi phái Cao Đài qui về một mối (theo đạo sử thì có khoảng 12 chi phái Cao Đài trên đất nước Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây). Trong một lần cầu cơ, Từ Huệ trình Bát Nương ý kiến này và được Bát Nương chấp thuận. Kể từ đó, có được giờ rảnh là Từ Huệ đến các Thánh Thất của các chi phái ở Sài Gòn để trò chuyện, nhằm tìm ra tâm tư nguyện vọng của những vị chức sắc ở các chi phái. Thường thường, khi bàn đến việc thống nhất, các vị này đều tỏ ra nhiệt tình, có ý ủng hộ rất cao. Tuy nhiên, khi bàn đến cách làm cụ thể, lại có rất nhiều trở ngại. Trở ngại lớn lao nhất vẫn là: khi thống nhất rồi, ai sẽ là người nắm giữ chức vụ cao nhất để điều hành toàn đạo? Các vị thuộc các chi phái Cao Đài hiện đang giữ những chức vụ cao trong chi phái của họ. Thậm chí họ đang là Giáo Tông, Hộ Pháp vân vân … Có người đề nghị tất cả mọi chức vụ đều hủy bỏ, sau đó cầu cơ để các đấng thiêng liêng phong lại các chức vụ. Ý kiến này thoạt đầu nghe rất hay, nhưng đến chỗ ai là đồng tử thì lại rối loạn, vì không ai chịu để đồng tử của các phe phái khác hầu cơ. Đến lúc đó, Bát Nương mới giáng cơ bảo với Từ Huệ:

Bát Nương khiến Từ Huệ gặp gỡ tất cả những người đó để cho con hiểu rõ “lòng người”; ai thật lòng vì đạo vì Thầy; ai chỉ vì áo mão chức vụ. Thôi, đó thật sự không phải sứ mạng của con đâu. Bát Nương đã hứa cho con một cơ hội lớn để giúp đạo. Cơ hội sắp đến rồi đó.

Và cơ hội ấy đến như một phép màu. Một hôm có lệnh Từ Huệ phải đến trình diện Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị – Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ở Biên Hòa. Từ Huệ vô cùng ngạc nhiên. Trong hệ thống quân giai lúc bấy giờ, có một khoảng cách rất xa giữa một sĩ quan cấp thấp như Từ Huệ với một tướng lãnh quân đội. Có thể nói, chuyện một sĩ quan cấp thấp muốn gặp một tướng lãnh là không tưởng. Theo quân luật thời đó, nếu Từ Huệ có làm điều gì đáng khen thưởng hoặc trái điều lệnh quân đội, thì cấp chỉ huy trực tiếp của Từ Huệ đã có đủ quyền hạn khen thưởng hoặc trừng phạt rồi.

Khi đến trình diện Tướng Trị, ông ta hỏi Từ Huệ:

- Anh theo đạo Cao Đài?

- Đúng, thưa Trung Tướng.

- Đạo Cao Đài thờ Con Mắt thấy ghê!

Nghe đến đây, lòng tự ái của một tín đồ Cao Đài nổi lên khiến Từ Huệ quên mất sự cách biệt về cấp bậc. Anh không còn sợ hãi, say sưa trình bày những nét đại cương về một nền tân tôn giáo do chính Đức Cao Đài Thượng Đế mở tại Việt Nam. Cuối cùng Tướng Trị bảo Từ Huệ:

- Anh nói nghe rất thú vị. Có lẽ anh còn muốn nói nhiều hơn. Nhưng chúng ta không thể ngồi đây nói suốt buổi. Vậy anh hãy về viết thành một quyển sách. Vào giờ nghỉ, tôi sẽ đọc.

- Nhưng thưa Trung Tướng, tôi còn phải thi hành công vụ, sợ không hoàn thành cả hai nhiệm vụ cùng một lúc.

- Anh cần bao lâu?

- Khoảng một tháng.

- Được. Tôi sẽ ký giấy cho anh nghỉ phép một tháng để hoàn toàn lo việc viết sách cho tôi.

Thế là Từ Huệ bắt tay vào việc dù vẫn chưa hiểu được cái cơ hội lớn để giúp đạo sẽ như thế nào. Từ Huệ nghiên cứu lại các quyển sách đã có từ trước của các bậc tiền bối và nhận thấy rằng công việc tưởng đơn giản hóa ra lại vô cùng phức tạp! Triết lý đạo mênh mông không bờ bến, làm sao cô đọng trong một quyển sách mỏng để thuyết phục được một người ngoại đạo? Nếu viết quá chi tiết, sợ người đọc không đủ kiên nhẫn; trái lại, nếu viết quá đơn sơ, thì lập luận e có nhiều mâu thuẫn, khiến người đọc hiểu lầm! Nhưng đã trót phóng lao, Từ Huệ chỉ còn biết cầu nguyện các đấng thiêng liêng thêm sức để hoàn thành quyển sách theo yêu cầu.

Đúng một tháng sau, Từ Huệ đem trình quyển sách “Sơ Lược Về Đạo Cao Đài” cho Tướng Trị rồi trở về công việc cũ, hồi hộp chờ đợi. Khoảng một tuần sau, Tướng Trị lại cho mời Từ Huệ. Lần này thái độ của vị Tướng đã đổi khác. Với thái độ niềm nở và chân tình, ông nói:

- Lúc đầu tôi khích tướng anh để xem anh đối phó ra sao. Nhờ vậy, bây giờ tôi đã hiểu tương đối nhiều về đạo Cao Đài. Tôi sẽ cho anh biết tại sao tôi muốn tìm hiểu về đạo Cao Đài. Ngày xưa, lúc còn là một Sĩ Quan cấp thấp, tôi đã có duyên gặp Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trong một lần Ngài thuyết giảng về đạo pháp. Lúc đó tôi đã có ấn tượng sâu sắc về lý thuyết mới mẽ của nền tôn giáo này. Khi Ngài thuyết giảng xong, tôi có vài câu hỏi đại khái là muốn tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài. Lúc ấy, Ngài có trả lời: “Bần Đạo không có thì giờ nhiều để nói cho em nghe. Sau này có cơ hội về Đền Thánh Tây Ninh, nhìn Đền Thánh, em sẽ hiểu tất cả. Mọi bí mật về Cao Đài đều được tượng hình tại đó.” Thế rồi thời gian trôi qua, tôi cũng quên mất chuyện cũ. Nhưng cách đây vài tháng, tôi được lệnh về trấn nhậm ở đây và chợt nhớ ra chuyện này, bởi vì Đền Thánh Tây Ninh nằm trong khu vực trách nhiệm của tôi. Thú thật với anh, tôi đã về Đền Thánh và xem xét mọi nơi theo lời khuyên của Đức Hộ Pháp ngày xưa. (Lúc này, Đức Hộ Pháp đã qui thiên- TG) Nhưng tôi vẫn không hiểu thêm được chút gì. Cuối cùng tôi có yêu cầu thuộc cấp tìm cho tôi một sĩ quan theo đạo Cao Đài. Vì anh mới đổi về, nên bộ phận phụ trách quân số còn nhớ lý lịch của anh ghi là Cao Đài ở phần tôn giáo, và họ giới thiệu anh với tôi.

Trong lúc câu chuyện càng lúc càng cởi mở thì bỗng Tướng Trị trầm ngâm:

- Tôi tâm sự với anh một điều. Tự nhiên, tôi có cảm giác là tôi có duyên với đạo Cao Đài. Một ngày kia, khi về hưu có lẽ tôi sẽ xin làm tín đồ đại đạo. Hiện giờ, tôi muốn làm điều gì đó giúp đạo để gọi là “lập công” trước, nhưng tôi lại quá bận rộn. Thôi được rồi, tôi đề nghị thế này: tôi sẽ đưa anh về làm Quận Trưởng Quận Phú Khương (Đền Thánh Tây Ninh nằm trong khu vực này). Có mặt tại chỗ, anh sẽ biết rõ Đạo cần gì để giúp. Coi như anh thay tôi giúp Đạo. Được không?

Tưởng cũng nên nói thêm về tình hình chính trị lúc bấy giờ. Các Tư Lệnh Vùng Chiến Thuật như Tướng Trị sẽ bổ nhiệm các chức vụ Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng trong khu vực trách nhiệm của mình. Các chức vụ Phó Tỉnh Trưởng, Phó Quận Trưởng dân sự sẽ do Chính Phủ dân sự bổ nhiệm.

Khi nghe Tướng Trị nói như vậy, Từ Huệ vô cùng sửng sốt. Bởi vì thông thường các vị Tướng Lãnh bổ nhiệm người thân, bạn bè hoặc những người sẽ đem lại lợi ích gì đó cho họ. Tình hình như thế này quả thật là không thể có được. Tuy nhiên, Từ Huệ cũng hiểu rằng cơ hội giúp Đạo mà Bát Nương đã hứa chính là đây. Từ Huệ cẩn thận trả lời:

- Nếu được vinh hạnh này, thì bản thân tôi vô cùng biết ơn Trung Tướng. Tôi xin hứa sẽ cố hết sức để không phụ lòng tin của Trung Tướng.

Sau đó, Từ Huệ nhận lệnh về trấn nhậm ở quận Phú Khương, tỉnh Tây Ninh. Và như thế, sau mười mấy năm xa cách, Từ Huệ đã trở lại vùng đất Thánh, nơi vẫn còn đầy ắp những tình cảm của người thân, bạn bè và cả những kỷ niệm thời thơ ấu.

Trong thời gian ở Phú Khương, người con thứ sáu ra đời, được đặt tên là Nguyễn Thị Thu Cúc và cũng được Bát Nương ban cho đạo hiệu là Diệu Mỹ. Khoảng một tháng sau khi nhậm chức, Bát Nương giáng cơ dạy:

…Hôm nay, để đánh dấu ngày Từ Huệ về thánh địa giúp đạo, Bát Nương có mời Đức Hộ Pháp giáng để Từ Huệ ra mắt người…

Và sau đó, Đức Hộ Pháp giáng, dạy rằng:

Thật ra, ngày xưa Từ Huệ vốn đã là đệ tử của Bần Đạo, đi theo Bần Đạo ghi tốc ký những bài thuyết đạo. Bây giờ Bần Đạo mừng cho đệ tử có cơ hội để giúp đạo. Con cứ mạnh dạn thi hành, Bần Đạo hứa sẽ vùa giúp con làm tròn sứ mạng.

NHỮNG BÀI THUYẾT ĐẠO

Lúc còn trẻ, Từ Huệ đã muốn đem sức mình làm một điều gì đó giúp đạo. Khi đi tham dự những buổi lễ trong đạo, Từ Huệ nhận thấy những bài diễn văn của các chức sắc cao cấp, nhất là những bài ứng khẩu thì không được ghi lại. Đặc biệt những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp là vô cùng quí báu bởi vì, chúng ta cũng đã biết, theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền trong Tam Kỳ Phổ Độ, các chức vụ bên Cửu Trùng Đài có thể được công cử lên. Nghĩa là các phẩm từ Lễ Sanh cho đến Giáo Tông có thể được thay thế. Trái lại, bên Hiệp Thiên Đài không có luật công cử, Hộ Pháp chỉ giáng linh một lần duy nhất, không có chuyện “bầu cử” Hộ Pháp khác. Do vậy lời thuyết đạo của Hộ Pháp dành cho chúng sanh trong suốt thất ức niên chỉ có lần này là lần duy nhất. Với ý nghĩ đó Từ Huệ lập chí lưu giữ lời nói của Ngài. Từ Huệ rủ một số bạn cùng chí hướng đi học tốc ký. Cũng nên biết, lúc bấy giờ chưa có những loại máy ghi âm hiện đại, cho nên tốc ký là cách duy nhất có thể ghi lại một bài nói chuyện. Sau đó Từ Huệ lập ra một ban tốc ký chuyên ghi lại lời thuyết đạo của Hộ Pháp cũng như các chức sắc cao cấp khác.

Ghi tốc ký cũng có khuyết điểm nhất định. Nếu diễn giả nói nhanh quá, hoặc diễn đạt một ý tưởng quá phức tạp khó hiểu, thì tốc ký viên có thể ghi không đầy đủ. Để khắc phục yếu điểm này, Từ Huệ cặm cụi nghiên cứu và sáng tạo một phương pháp ghi tốc ký nhanh hơn. Ngoài ra, mỗi khi ghi tốc ký đều phân công ít nhất là hai tốc ký viên để bổ sung cho nhau. Mỗi bài ghi xong đều được trình lên cho Đức Hộ Pháp xem lại trước khi đánh máy sao ra làm nhiều bản để lưu trữ. Từ Huệ và các bạn cùng nguyện lòng nếu sau này có cơ hội, sẽ cho in các bài thuyết đạo này ra cho các thế hệ đời sau học hỏi.

Bây giờ trở lại thánh địa Tây Ninh với quyền đời trong tay, Từ Huệ quyết tâm lập công với đạo. Việc đầu tiên là thực hiện ước mơ thời trẻ tuổi của mình: in các bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp. Trước hết, Từ Huệ tìm lại các bạn trong ban tốc ký ngày xưa. Dù có vài vị đã quá cố, nhưng những người còn lại vẫn nhiệt tình mong đóng góp sức mình để thực hiện nguyện ước ngày trước. Sau đó lập ra một tiểu ban tình nguyện để thực hiện kế hoạch bao gồm:

1. Vận động các nhà hảo tâm muốn lập công với đạo đóng góp vật chất. Cụ thể là giấy, mực và các loại văn phòng phẩm cần thiết.

2. Tập trung các bài tốc ký, sắp xếp theo thứ tự thời gian, biên tập nếu cần. Lúc ấy người chịu trách nhiệm biên tập là Hiền Tài Nguyễn Tấn Nghĩa – (vốn ngoài đời là một Cử Nhân Văn Chương). Tuy nhiên việc biên tập vẫn dựa trên nguyên tắc càng trung thực với văn nói của Đức Hộ Pháp càng tốt. Sau khi Hiền Tài Nghĩa biên tập xong, Từ Huệ xem lại lần cuối trước khi cho đánh máy.

3. Các công việc đánh máy, quay ronéo đều được thực hiện ngoài giờ hành chánh bằng máy móc của văn phòng quận. Bởi đa số các vị tình nguyện làm việc đều là viên chức trong chánh quyền, nên phải làm tròn nhiệm vụ của mình trước, và sử dụng máy móc của văn phòng quận sẽ giảm đi một phần chi phí đáng kể.

4. Những quyển sách sau khi đóng bìa, được trao tặng cho các nhà hảo tâm có đóng góp tài chánh hoặc vật chất. Phần còn lại, thay mặt ban tốc ký, Từ Huệ trao tặng toàn bộ cho Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Từ đó trở đi, Hội Thánh có toàn quyền đối với bản quyền của các quyển sách này.

LỘ BÁT QUÁI

Hoàn thành tâm nguyện của mình, Từ Huệ không dừng lại, mà tìm cách để giúp đạo thêm nữa. Từ Huệ liên hệ với Hội Thánh và được biết rằng hệ thống đường xá của chợ Long Hoa đã bị biến dạng không theo qui hoạch ban đầu. Chợ Long Hoa là tài sản của Hội Thánh, chợ rất có qui củ, cụ thể như những ngày thuộc thập trai đều không được bán đồ mặn … Theo bản vẽ nguyên thủy thì những con đường xung quanh khu vực chợ được qui hoạch theo Bát Quái Đồ. Chợ lúc đầu chưa phát triển thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng khi có thêm nhiều người đến sinh sống thì người ta tự do cất nhà, lấn chiếm dần dần để rồi sau cùng, các con lộ Bát Quái biến mất. Tương truyền lúc còn Đức Hộ Pháp, ban quản trị chợ có trình báo với Ngài về tình hình lấn chiếm trái phép. Đức Ngài bảo rằng: “Thôi con, để sau này con cái Đức Chí Tôn về mở đường lại.”

Muốn mở lại các lộ Bát Quái, Từ Huệ phải vượt qua hai khó khăn: Một là, dời tất cả những nhà lấn chiếm đi nơi khác. Hai là, phải có một lực lượng máy móc làm đường hùng hậu.

Để giải quyết điểm thứ nhất, Từ Huệ lập một ban công tác hỗn hợp giữa chính quyền và Hội Thánh. Về mặt chính quyền, Từ Huệ xin cấp trên mở chiến dịch lập lại trật tự khu vực chợ Long Hoa. Về mặt đạo, Từ Huệ dùng ban công tác hỗn hợp vận động những gia đình có nhà nằm trên đường Bát Quái tự nguyện dời đi. Ban công tác dùng các bản đồ cũ để truy ra những cột mốc lộ giới. Những cột mốc này có khi bị lấp sâu dưới đất cả mét. Nói chung, khi được nghe giải thích hợp tình hợp lý, phần lớn những gia đình có nhà vi phạm lộ giới đều vui vẻ dời đi. Cũng có một số ít gia đình gặp khó khăn. Đối với những gia đình này, Từ Huệ dùng hàng viện trợ của Mỹ, vốn rất thừa thãi vào thời đó, để hỗ trợ họ trong việc dời nhà.

Điểm thứ hai là một khó khăn thật sự. Cần phải huy động một lực lượng công chánh lớn để làm cho xong các con đường. Nếu không, thì hiện tượng lấn chiếm lại từ từ tái diễn và mọi chuyện sẽ trở lại như cũ. Tuy nhiên, trong quyền hạn ở cấp quận của Từ Huệ không có một lực lượng công chánh lớn. Xin cấp trên thì được trả lời là không có kinh phí cho một kế hoạch nhỏ ở quận. Nói chung về mặt chính quyền, còn nhiều kế hoạch lớn lao hơn cần được ưu tiên. Nếu bây giờ vận động quyên góp thì số tiền thuê mướn cơ giới chuyên dụng lại quá lớn.

Tuy nhiên, nhờ thiêng liêng trợ giúp nên Từ Huệ có một cơ hội khác: Lúc ấy, có lực lượng quân đội Philippines sang Việt Nam làm công tác xây dựng. Đây là một lực lượng công binh nên có đầy đủ các máy móc cần thiết phục vụ công tác xây cầu làm đường. Họ đóng quân ở Tây Ninh và gần như không có việc gì làm, bởi vì trên nguyên tắc họ chỉ giúp về mặt kỹ thuật chứ không hỗ trợ tài chính. Ví dụ như chính phủ Việt Nam muốn làm một con đường, họ sẽ điều động xe cộ, lực lượng lao động, nhưng vật liệu xây dựng thì chính phủ Việt Nam phải bỏ tiền ra mua. Ngân sách chính phủ lúc ấy lại hạn hẹp nên không có nhiều kế hoạch củng cố hạ tầng cơ sở. Đó cũng là một trong những lý do những người lính công binh này tương đối rảnh rỗi. Nhờ bạn bè giới thiệu, Từ Huệ làm quen với viên chỉ huy là Thiếu Tướng Tobias. Sau khi nghe Từ Huệ trình bày kế hoạch mở các lộ Bát Quái, viên Tướng Philippines rất thích. Đây là dịp để ông ta vừa quảng bá được lực lượng của mình, vừa ghi điểm công tác với cấp trên. Về mặt vật liệu, Từ Huệ chỉ yêu cầu san ủi đường và trải đá đỏ vốn có rất nhiều ở Tây Ninh, vì thế kinh phí không tốn nhiều lắm.

Vậy là Từ Huệ tổ chức một buổi lễ ra quân rầm rộ có sự tham dự của các lực lượng quần chúng, có các phóng viên báo chí chụp ảnh, quay phim, đưa tin trên các hệ thống truyền thanh. Cuối cùng, các lộ Bát Quái đã được phục hồi nguyên trạng theo đúng bản đồ của Hội Thánh ngày xưa.

TRÍ HUỆ CUNG

Theo dòng lịch sử, ở Việt Nam cứ mỗi lần có một chính quyền thế tục mới, là mỗi lần tài sản của Hội Thánh bị chiếm dụng, rồi về sau người ta lại trả lại cho Hội Thánh. Điều này không có gì mới, ngày trước chính quyền Pháp cũng đã từng chiếm dụng Đền Thánh - lúc đó xây dựng mới được nửa chừng - và dùng Đền Thánh làm garage chứa xe quân đội. Trước khi Từ Huệ về nhậm chức ở Phú Khương, chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã trưng dụng nhiều tài sản của Hội Thánh. Trong số đó có Trí Huệ Cung được dùng làm nơi đóng quân cho lực lượng Nghĩa Quân. Đồn Nghĩa Quân này vốn nằm trong quyền hạn của Từ Huệ, do đó Từ Huệ tìm cách trả Trí Huệ Cung lại cho Hội Thánh.

Đây là một điểm cực kỳ khó, bởi việc này dính dáng đến mặt chiến lược quân sự và chính trị. Nếu sau khi dời đi, có hậu quả gì xấu về mặt quân sự và chính trị trong vùng thì chắc chắn Từ Huệ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với cấp trên. Rõ ràng không thể nào đề nghị cấp trên dời đồn Nghĩa Quân đi với lý do là trả Trí Huệ Cung lại cho Hội Thánh. Lý do này không thể nào thuyết phục được cấp trên bởi lúc đó quân sự và chính trị được xem là quan trọng hơn bất cứ lý do nào khác. Nhưng cũng như những lần trước, thiêng liêng luôn hỗ trợ Từ Huệ trong việc giúp đạo.

Vào lúc đó, chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đang thực hiện một chiến dịch xây dựng các Ấp Đời Mới. Địa phương nào có kế hoạch lập các ấp đời mới theo qui hoạch của chính quyền sẽ được hỗ trợ về mọi mặt, nhất là mặt tài chính. Nhân dịp này, Từ Huệ lên kế hoạch lập Ấp Đời Mới Trường Lưu có vị trí cách xa Trí Huệ Cung khoảng vài cây số. Một Ấp Đời Mới theo đúng qui hoạch phải có đầy đủ chợ, trường học, cơ quan hành chính, do đó cần phải có lực lượng quân sự ở gần đó để bảo vệ. Theo kế hoạch này thì Từ Huệ đã có lý do để dời đồn Nghĩa Quân ra khỏi Trí Huệ Cung, đến gần chợ Trường Lưu để bảo vệ vị trí chiến lược mới này.

Không cần phải nói đến những nỗ lực vận động sâu rộng của Từ Huệ về mặt chính quyền để kế hoạch được trôi chảy, mà Từ Huệ còn phải đối mặt với sự chống đối của người dân tại chỗ, bởi vì họ phải từ bỏ những quyền lợi về đất đai tài sản. Cuối cùng Từ Huệ cũng thành công trong việc dời đồn Nghĩa Quân đi để giao quyền quản trị Trí Huệ Cung lại cho Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.

ĐẠI LỘ CHÁNH MÔN

Từ Huệ còn ba ước muốn nữa: một là trả Quận Đường Phú Khương (Dinh quận) lại cho Hội Thánh – vì đây là nơi Hội Thánh qui hoạch làm Trường Đại Học Cao Đài – hai là làm Đại Lộ Chánh Môn, và ba là xây dựng Vạn Pháp Cung. Tuy nhiên chỉ có Đại Lộ Chánh Môn được thực hiện dang dở, dấu tích vẫn còn đó cho đến nay (2007).

Trước Chánh Môn Đền Thánh Tây Ninh, ngày xưa Đức Hộ Pháp đã qui hoạch một đại lộ rộng đến 80 mét, và cũng như trường hợp các con lộ Bát Quái ở chợ Long Hoa, người dân đã chiếm dụng làm nhà ở từ lâu. Từ Huệ cũng lập một ban công tác hỗn hợp giữa chính quyền và các chức sắc trong đạo làm lại con đường theo qui hoạch nguyên thủy của Hội Thánh. Nhưng việc còn đang dở chừng thì phải tạm ngưng vì nhiều lý do. Lý do cụ thể trước mắt là Đại Lộ vấp phải hai trở ngại quan trọng. Một là phải vượt qua một Nhà Thờ Tin Lành, hai là vượt qua một khu dân cư mà trong đó có nhà của Thầy học thuở nhỏ của Đức Hộ Pháp. Khi Từ Huệ đến tham khảo ý kiến của Nhà Thờ Tin Lành, thì vị Mục Sư ở đó rất vui vẻ cho biết: anh vui lòng dời nhà thờ đi chỗ khác miễn là Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh cho anh một mảnh đất tương đương. Điều này thì Hội Thánh có thể thực hiện được dễ dàng. Nhưng khi đến nhà Thầy học cũ của Đức Hộ Pháp thì tình hình trái ngược hẳn! Thầy đã mất từ lâu, mộ phần ở ngay trước sân nhà, và con cháu của Thầy cương quyết không chịu dời đi đâu cả dưới bất cứ điều kiện nào. Đến đây thì kế hoạch đành phải đình lại vô thời hạn.

VÙI DẬP CUỘC ĐỜI

Trong lúc đang tiến hành mọi việc trôi chảy thì bỗng một hôm Bát Nương giáng cơ cho mấy câu thơ sau:

Danh lợi mà chi hỡi các con

Ba năm thì mất chớ đâu còn

Hãy về lập nghiệp trong lòng đạo

Danh thể ngàn năm tiếng vẫn còn

Đặc biệt, trong một lần giáng cơ, Bát Nương dạy rằng:

Hôm nay, được sự đồng ý của Hộ Pháp, Bát Nương truyền cho Từ Huệ cách thức chấp bút. Từ trước đến giờ Bát Nương và Hộ Pháp chưa từng truyền cho ai, nay truyền cho Từ Huệ để sau này muốn cầu Bát Nương thì không cần phải đủ ba người như hiện nay nữa.

(ba người đó là Từ Huệ và Diệu Minh phò cơ, Từ Chơn ghi chép)

Sau đó, Bát Nương chỉ dạy cho Từ Huệ cách chấp bút rất cặn kẽ, còn bảo Từ Huệ đem giấy bút ra thực hành cho quen. (Đến đây, tác giả không thể nói rõ cách thức chấp bút được, vì không có lệnh Bát Nương cho phổ biến. Thành thật xin lỗi đọc giả.)

Lần ngón tay tính lại, thấm thoát đã ba năm trôi qua từ khi Từ Huệ nhậm chức Quận Trưởng Phú Khương. Lại thêm được truyền dạy cách chấp bút nên Từ Huệ biết bài thơ vừa nêu trên là lời tiên tri của Bát Nương cho những điều bất hạnh sắp xảy ra cho gia đình, có điều vẫn chưa biết đó là điều gì.

Suy ngẫm lại kể từ khi về Tây Ninh với ý muốn giúp đạo, Từ Huệ chỉ biết vùi đầu vừa lo công tác vừa lo chuyện đạo. Những chuyện giúp đời xin miễn kể ra đây, bởi vì đối với Từ Huệ, đó chỉ là những yếu tố phụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu những điều Từ Huệ làm là vì đạo cho nên có người thương mà cũng có kẻ ghét. Cụ thể, xin kể ra một vài truyện nhỏ để cho câu chuyện thêm phần thú vị.

Khi làm lại các con lộ Bát Quái ở chợ Long Hoa, Từ Huệ phải cùng các chức sắc Hội Thánh đến vận động người dân dời nhà đi chỗ khác. Mặc dù những gia đình này chiếm dụng đất cất nhà, nhưng họ không khỏi cảm thấy đụng chạm quyền lợi. Thế nên tất yếu phải có một số người đem lòng oán giận. Về mặt lý, họ biết là họ đã làm sai, nhưng vì giận quá mất khôn, họ tạo ra những lý do rất buồn cười để chống đối. Một trong những người như vậy đã có hành động gây xôn xao dư luận Phú Khương một thời: ông ta vào Đền Thánh, leo lên cột phướn trước cửa đền, treo mình, nhịn ăn và dọa nhảy xuống đất tự tử để phản đối ông Quận Mới (Từ Huệ). Ông ta viết một tâm thư gửi cho Hội Thánh nói rằng: “Ngày xưa Đức Hộ Pháp có nói …để sau này con cái của Đức Chí Tôn về mở lại lộ Bát Quái… nay ông Quận Mới mở đường là không đúng. Yêu cầu Hội Thánh ngăn chận kịp thời.” Dĩ nhiên không có ai đồng tình với ông ta và đến cuối ngày, ông ta cũng phải leo xuống vì …mệt và đói.

Những chuyện linh tinh như thế cũng khá nhiều nhưng cũng chẳng hại Từ Huệ gì lắm. Cuối cùng chính “chốn quan trường hiểm ác” đã đánh gục Từ Huệ sau đúng ba năm cầm quyền. Lúc đó, dưới quyền Từ Huệ có một người tên là Nguyễn Đồng Di. Hắn ta mang cấp bậc Thượng Sĩ trong quân đội và là một tên cờ bạc bịp có hạng. Hắn chuyên sinh sống bằng cách mở sòng bạc tại nhà, rồi dụ dỗ những người lính có máu mê cờ bạc đến đánh bài. Dĩ nhiên những nạn nhân này cuối cùng đều thua sạch túi. Vì vợ những người lính này đến khóc lóc xin Từ Huệ giúp đỡ, nên Từ Huệ cho mời tên Di đến, dùng lời lẽ êm dịu khuyên giải hắn ta bỏ nghề cờ bạc bịp. Hắn rất sốt sắng hứa sẽ bỏ và còn thề thốt đủ thứ, cụ thể là “Nếu Đại Úy còn bắt được tôi đánh bài, thì cứ nhốt tôi vào chuồng cọp”. - Chuồng cọp là một loại cũi rào bằng kẽm gai ở ngoài trời dùng để giam những quân nhân phạm luật. Sở dĩ đặt ở ngoài trời là để bêu xấu người phạm luật, làm cho họ cảm thấy xấu hổ mà chừa lỗi ra.

Nhưng chúng ta cũng biết, trong số những người cờ bạc, số người từ bỏ được đam mê này hầu như rất ít. Tên Di lại tiếp tục vi phạm. Đến khi bị bắt quả tang lần thứ hai, Từ Huệ cho nhốt hắn vào chuồng cọp. Hành động này một mặt cho khớp với lời thề của tên Di, một mặt là làm đúng theo quân luật thời bấy giờ. Kết quả là: hắn đem lòng thù hận và tìm cách trả thù.

Một thời gian sau, hắn thu thập chứng cứ, tài liệu và tiến hành thủ tục thưa Từ Huệ ra tòa về tội tham nhũng. Tòa Án Quân Sự lúc bấy giờ cho điều tra nội vụ, và sau ba tháng làm việc, Tòa đã cho xếp hồ sơ vì những chứng cớ của Nguyễn Đồng Di đều không có giá trị pháp lý.

Nhưng, chuyện đời nếu đơn giản như vậy thì cuộc đời này đẹp đẽ biết chừng nào! Cũng vào năm đó chính quyền miền Nam cho tổ chức bầu cử Tổng Thống. Đương kim Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một trong số những ứng cử viên. Ở những nước kém phát triển như Việt Nam, thì Tổng Thống tái đắc cử là chuyện đương nhiên! Nhưng để cho chắc ăn, Tổng Thống Thiệu bí mật ra lệnh cho các Tỉnh Trưởng phải bảo đảm Tổng Thống Thiệu đạt số phiếu tối đa ở các đơn vị bầu cử. Những vị Tỉnh Trưởng này sau đó cứ lệnh miệng cho thuộc cấp tạo ra kết quả bầu cử sao cho có lợi cho Tổng Thống Thiệu.

Kết quả bầu cử năm đó trong toàn tỉnh Tây Ninh, Tổng Thống Thiệu đạt kết quả cao nhất. Riêng đơn vị bầu cử quận Phú Khương do Từ Huệ chịu trách nhiệm thì ứng cử viên đạt số phiếu bầu cao nhất lại là Luật Sư Trương Đình Dzu. Thực sự người dân cũng không biết ông luật sư Dzu này như thế nào, nhưng thấy ông ta lấy biểu tượng “Chim Bồ Câu Trắng” nên cứ ngây thơ dồn phiếu cho ông ta, hy vọng ông ta đem lại hòa bình cho đất nước! Khi nghe báo cáo sơ khởi như thế thì Tỉnh Trưởng Tây Ninh lúc bấy giờ có nhắc nhở Từ Huệ nên thay đổi kết quả bầu cử kẻo mích lòng “cấp trên”. Từ Huệ không đồng ý, vì cho rằng một Tổng Thống anh minh cũng nên biết sự thật về lòng dân để có những chính sách phù hợp hơn.

Dĩ nhiên, kết quả này làm Tổng Thống Thiệu để ý và sau đó ông ta ra lệnh tìm cách thay Từ Huệ càng sớm càng tốt. Cách hợp pháp nhất là tìm xem Từ Huệ có phạm một lỗi lầm gì đó không. Thế là những đơn thưa của Nguyễn Đồng Di được đem ra xét lại, và lần này người ta đã có một hướng cụ thể: đó là bới lông tìm vết để loại trừ Từ Huệ ra khỏi bộ máy chánh quyền. Và việc đầu tiên là người ta ngưng chức Quận Trưởng của Từ Huệ chờ điều tra. Tưởng cũng nên nói thêm, Tướng Nguyễn Bảo Trị, người đỡ đầu cho Từ Huệ ngày xưa, đã bị thuyên chuyển đi nơi khác. Ngoài ra trong lúc tại chức, Từ Huệ không chịu làm một điều quan trọng trong “đạo làm quan”. Đó là phải gia nhập băng nhóm, để lúc suy thời có người chạy chọt cho mình; không những thế mà còn phải tích góp một số tài sản phòng khi thất vận mà lo lót quan trên. Do không còn ai hậu thuẫn nên Từ Huệ chỉ còn biết cầu nguyện với ơn trên che chở mà thôi.

Đây là thời gian gia đình Từ Huệ rơi vào khủng hoảng. Khi không còn quyền lực trong tay, bạn bè, thậm chí những người thân đều rời xa. Gia đình bị thiếu hụt tài chính nghiêm trọng, lắm khi không có tiền đi chợ. May nhờ người anh thứ ba của Diệu Minh là Trương Trung Tín, một Chánh Trị Sự trong đạo, hết lòng giúp đỡ nên cũng thoát được cảnh khó khăn. Lúc này người con thứ bảy ra đời. Từ Huệ và Diệu Minh quyết định đặt tên là Nguyễn Thanh Liêm để kỷ niệm những năm tại chức ở Phú Khương, ngụ ý rằng trong thời gian tại chức, mình chỉ lo cho đạo chứ không biết thu quén gì cho bản thân. Bát Nương cũng ban cho đạo hiệu là Từ Liêm.

Bản thân Từ Huệ vô cùng nản chí vì tình đời đen bạc. Điều quan trọng là Từ Huệ không còn tin tưởng vào hệ thống chính quyền lúc đó nữa. Mọi lý tưởng mà người ta rao giảng trên các hệ thống truyền thanh giờ đâm ra là những lời nói dối trá. Rốt cuộc rồi thì người tốt cũng không được tưởng thưởng gì, chỉ có kẻ mưu mẹo gian trá hoặc có thế lực, tiền tài mới sống phây phây thoải mái. Có lúc quá chán nản, Từ Huệ muốn buông xuôi tất cả. Dù ý nghĩ này chỉ mới chớm nở trong đầu Từ Huệ, nhưng Bát Nương đã giáng cơ dạy:

Những quan chức hiện nay như người mê ngủ. Đời sắp tới một khúc quanh lớn mà họ đâu có biết. Con còn phải đi học một năm nữa, định trốn sao?

Sau này mới rõ, “đi học một năm” là tiên tri một năm Từ Huệ phải lâm vào vòng lao lý. Còn khúc quanh” đó là tiên tri cho ngày 30-4-1975, xảy ra khoảng sáu bảy năm sau đó.

Đúng theo lời tiên tri, sau đó không lâu có lệnh tạm giam Từ Huệ tại Quân Lao Gò Vấp để tiếp tục điều tra. Sau một năm tạm giam, Từ Huệ được đưa ra Tòa Án Quân Sự xét xử và tòa tuyên án một năm tù treo. Nhưng trước đó Luật Sư bào chữa cho Từ Huệ đã cho biết trước kết quả này. Anh ta nói rằng mặc dù không tìm ra được Từ Huệ vi phạm điều gì nhưng vẫn phải tuyên án tù treo một năm. Nếu không, họ sợ Từ Huệ kiện ngược lại về vụ tạm giam một năm vô nguyên cớ.

Thế rồi sau một năm tạm giam, Từ Huệ được trả về cho Bộ Tổng Tham Mưu. Người ta lại phân công Từ Huệ ra Vùng II Chiến Thuật. Vào lúc đó cuộc chiến ở Việt Nam đã lên đến cao điểm, nặng nề nhất là ở Vùng I và II. Ra vùng II vừa gặp phải mức sinh hoạt đắt đỏ, vừa gặp nguy hiểm ở chiến trường. Điều động ra vùng II cũng là một cách trừng phạt các sĩ quan bị thất sủng của chính quyền thời bấy giờ.

Điều này làm cho cả gia đình rất lo lắng. Từ Huệ có đến nhờ những người bạn cũ đang giữ những chức vụ cao trong quân đội; nhưng họ cho biết, đây là lệnh mật của Tổng Thống Thiệu nên không thể giúp gì được. Cuối cùng, không biết cậy nhờ ai, nên Từ Huệ và Diệu Minh đành cầu nguyện với Bát Nương xin giúp đỡ. Bát Nương giáng cơ dạy rằng:

Ở đâu cũng vậy, miễn mình có bạn tốt là được. Tuy nhiên thấy Diệu Minh lo lắng quá nên Bát Nương sẽ giúp các con lần này.

Lúc Bát Nương giáng cơ là ngày thứ bảy và Từ Huệ đã lãnh Sự Vụ Lệnh trước đó hai ngày rồi. Thông thường theo quân luật thì phải thi hành; không gì có thể thay đổi được. Từ Huệ cũng đã chuẩn bị hành trang định sáng thứ hai là lên đường. Tuy nhiên đúng theo lời hứa của Bát Nương, ngay vào sáng thứ hai, Từ Huệ lại nhận một Sự Vụ Lệnh nữa, điều động về vùng IV. Đến đây thì gia đình tạm yên tâm, bởi vì vùng IV là các tỉnh miền Tây, giá cả sinh hoạt tương đối không cao, chiến trường lại ít sôi động hơn các nơi khác.

Thế là cả gia đình cùng chuyển đi theo Từ Huệ. Trong thời gian này người con út ra đời và được đặt tên là Nguyễn Thanh Bình bởi vì Từ Huệ đã quá chán ngán cuộc chiến, lòng chỉ muốn đất nước hòa bình và được sống yên thân. Cả nhà sống trôi nỗi hết nơi này đến nơi khác cho đến một hôm chuyển đến Trung Tâm Mễ Cốc Long Định. Sau những thăng trầm trong cuộc sống, Từ Huệ không còn thấy chức quyền là quan trọng nữa nên lúc nào cũng chỉ muốn tìm cách giải ngũ để về làm đạo. Và chính ở Trung Tâm Mễ Cốc Long Định này, Từ Huệ trả hết nợ nhân quần xã hội, kết thúc đời quân ngũ của mình.

MẶC ÁO THƯỜNG DÂN

Khi chuyển về Trung Tâm Long Định, Từ Huệ có nhiệm vụ giữ an ninh cho nơi này vốn là một cơ sở nghiên cứu khoa học để phục vụ nanh nghiệp. Lực lượng quân sự nơi đây chỉ là một số Địa Phương Quân. Đây là những người dân bị bắt buộc phải đi chiến đấu, hoặc tham gia để được sống ở gần gia đình, vì thế tinh thần của họ rất thấp. Chẳng hạn như, khi giao cho họ ra ngoài hàng rào để gài mìn, thì họ len lén gài qua loa phía trong hàng rào cho qua chuyện. Rồi chuyện phải đến cũng đến, trong một lần đi kiểm tra, Từ Huệ đã vướng phải một trong những trái mìn gài đặt cẩu thả này. Bị thương tích khá nặng, Từ Huệ phải nằm ở nhà thương khá lâu mới bình phục. Với thương tật này, Từ Huệ đã có đủ điều kiện theo luật định để giải ngũ, trở về với cuộc sống dân sự.

Bây giờ trở về với cuộc sống thường dân, với đồng lương hưu ít ỏi, lại không có nghề nghiệp gì chuyên môn, Từ Huệ phải chịu một áp lực rất cao trong việc nuôi sống một gia đình có đến bảy người con đều còn ở độ tuổi đi học. Diệu Minh thì yếu đuối, bệnh tật thường xuyên, hoàn tất được chuyện trong nhà là đã khá lắm rồi. Vì thế chuyện phế đời hành đạo mà Từ Huệ vẫn mơ tưởng bấy lâu vẫn còn là chuyện xa tầm tay. Nhưng Từ Huệ vẫn được Bát Nương giáng cơ dạy dỗ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Hiểu đạo sâu sắc, Từ Huệ biết rằng đây là căn số của mình, nên không buồn phiền thất chí, chỉ cố hết sức mình lao động đủ thứ nghề để lo cho gia đình.

BÍ PHÁP LUYỆN ĐẠO

Rồi một biến cố lớn cho đất nước Việt Nam đã xảy ra: ngày 30-4-1975. Lúc đó gia đình đang ở chợ Giồng Nhỏ, Mỹ Tho. Khi thấy tình hình đất nước rối loạn đến mức nguy hiểm, Diệu Minh quá lo lắng cho gia đình nên nói với Từ Huệ cầu xin Bát Nương dạy cho cách đối phó. Bát Nương giáng:

…Không sao đâu! Nếu gặp khó khăn, các con cứ về quê của Diệu Minh tạm nương nhờ một thời gian là xong.…

Theo lời dạy cả gia đình bồng chống, dắt díu nhau về làng Hòa Hảo, tỉnh An Giang. Ở ngôi làng hiền hòa nghèo nàn này, gia đình Từ Huệ nhờ vào sự đùm bọc của các anh chị mà sống. Từ Huệ và Diệu Minh làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình. Cuộc sống rất chật vật, một phần vì gia đình lúc ấy gần như cạn kiệt về tài chính, một phần vì đất nước đang lâm vào cảnh khó khăn.

Đến lúc này, thành thật mà nói, ước ao được phế đời hành đạo của Từ Huệ lại càng xa vời thêm. Chỉ việc nuôi sống bản thân và gia đình thôi cũng đã không cho Từ Huệ phút giây nào ngơi nghỉ, nói chi đến chuyện khác. Có khi thất mùa rẫy bái, không kiếm được tiền, cả gia đình phải sống hẩm hiu. Nhưng ý chí sống còn vẫn nung nấu, rồi gia đình dưới sự dắt dìu của Từ Huệ vẫn chung sức vượt qua mọi khó khăn. Bên cạnh đó cũng không thể quên được sự giúp đỡ quí báu cả về tinh thần lẫn vật chất của thân tộc, từ cây tre, bó củi cho đến gạo lúa, tiền bạc.

Bát Nương dạy chỉ về ở tạm nơi quê vợ, nhưng dần dần không thấy con đường nào khác để thoát khỏi đói nghèo, nên cũng có khi Từ Huệ chán nản, rả rời, muốn buông xuôi mọi việc. Lúc đó Bát Nương giáng cơ an ủi, bảo Từ Huệ tìm đọc lại bài kinh thế đạo …

Đừng thối chí ngã lòng trở gót

Để cho đời chua xót tình thương

Trăm năm thọ khảo vĩnh trường

Thuận căn thuận mạng đôi đường siêu thăng

Cứ thế, thời gian trôi qua, cả gia đình rồi cũng quen với kiếp sống nghèo túng. Chỉ có một điều duy nhất tồn tại trong tâm trí của Từ Huệ và Diệu Minh không bao giờ xao lãng, đó là phải làm sao để lập công với Đức Chí Tôn để không phí một kiếp người.

Lúc này người con trai lớn là Từ Chơn đã có gia đình, và người con dâu đầu tiên của gia đình Từ Huệ cũng được Bát Nương ân điển ban cho đạo hiệu là Diệu Tâm. Diệu Tâm vốn có tâm đạo từ lâu, và đã từng ăn chay trường trước khi về với gia đình Từ Huệ. Một hôm Diệu Tâm có đem một quyển sách nhỏ về gia đình. Quyển sách này của một tu sĩ ở Long An xưng là Bần Sĩ Nguyễn văn Sự. Vị tu sĩ này có hướng dẫn luyện đạo theo một cách thức na ná như cách ngồi thiền, nhưng cách giảng giải rất mù mờ khó hiểu.

Theo thói quen từ trước, Từ Huệ và Diệu Minh vẫn nghĩ rằng “làm đạo” nghĩa là phải đến Thánh Thất làm công quả để lập công với Đức Chí Tôn. Do đó quyển sách của Bần Sĩ Nguyễn văn Sự đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Từ Huệ và Diệu Minh. Sách chỉ ra một hướng mới mà từ trước đến giờ Từ Huệ và Diệu Minh không nghĩ đến. Đó là người học đạo có thể tu tại gia hay theo thuật ngữ Cao Đài là tu chơn. Trong điều kiện lúc đó thì làm như thế là rất phù hợp cho gia đình Từ Huệ. Thế nhưng, để cho chắc ăn, Từ Huệ trình lên Bát Nương và được dạy như sau:

…Quyển sách đó cũng là một ý hay, nhưng không phải của đạo Cao Đài. Bát Nương sẽ ban cho các con Bí Pháp Luyện Đạo của Cao Đài. Kể từ nay, Từ Huệ phải ăn chay trường và mỗi đêm chấp bút để học Bí Pháp. Sau này, các con có nhiệm vụ đem tài liệu này về Vạn Pháp Cung và Trí Huệ Cung để cho con cái Đức Chí Tôn về tịnh luyện.

Quyển Bí Pháp Luyện Đạo của Bát Nương truyền dạy đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Lúc hoàn thành quyển sách này, Từ Huệ có trở về Tòa Thánh Tây Ninh với ý định giao lại cho Hội Thánh (lúc này có tên là Hội Đồng Chưởng Quản) gìn giữ cho đến khi nào có điều kiện mở Vạn Pháp Cung. Tuy nhiên, dù có sự ủng hộ của các chức sắc trong Hội Đồng Chưởng Quản như Cải Trạng Lê Minh Khuyên, Đầu Sư Thượng Tám Thanh hay Phối Sư Thái Thơ Thanh, nhưng việc phát hành tài liệu này vẫn không thể thực hiện . Có lẽ thiên cơ đã định như thế, có nôn nóng mấy cũng không được!

TRÍ HUỆ CUỐI ĐỜI NGƯỜI

Sau những biến cố chấn động, cuộc đời lại êm ả trôi đi, những người con của Từ Huệ dần dần trưởng thành, lập gia đình và có nghề nghiệp ổn định. Nhờ đó, gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo túng. Các con của Từ Huệ hợp sức xây lại ngôi nhà cho đàng hoàng và Diệu Minh lại có cơ hội thực hiện một mong ước nhỏ nhoi của mình: đó là thượng tượng (là một nghi lễ nhỏ của đạo Cao Đài đánh dấu lần đầu tiên trong gia đình có bàn thờ Đức Chí Tôn). Suốt cuộc đời, gia đình Từ Huệ di chuyển liên tục, nhà cửa toàn là tạm bợ, nên không dám thượng tượng thờ Thầy trong nhà. Đây là lần thượng tượng đầu tiên trong một ngôi nhà do chính sức các con cái của Từ Huệ tạo dựng. Về mặt xã hội, đời sống của người dân Việt Nam cũng đã tương đối khá hơn trước. Giai đoạn tưởng chừng như chìm trong tăm tối đã qua.

Những năm cuối đời là những năm ngập tràn hạnh phúc trong gia đình. Từ Huệ và Diệu Minh được nghỉ ngơi. Mỗi ngày, tiếng kinh cúng tứ thời lại bắt đầu vang lên trong không gian yên ả của một miền quê hiền hòa. Ngày sóc vọng, Từ Huệ lại đèo Diệu Minh đi cúng ở thánh thất Chợ Mới bằng xe gắn máy. Đến rằm tháng tám âm lịch hàng năm và ngày Tết, Từ Huệ và Diệu Minh lại về Tây Ninh dự lễ Hội Yến Diêu Trì, cúng vía Đức Chí Tôn, thăm lại bạn bè ngày cũ. Bây giờ đã có thì giờ, Từ Huệ nghiên cứu lại kinh điển các tôn giáo và tiếp tục viết sách khuyến tu. Niềm an ủi lớn nhất của Từ Huệ và Diệu Minh lúc này là vào ngày Tết, các con cháu đều tập họp đầy đủ, mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Đến cuối đời, gia đình Từ Huệ lại được các đấng thiêng liêng ban cho niềm vui hạnh phúc mà mọi gia đình trên thế gian đều ao ước.

Đến cuối năm 2006, những dấu hiệu suy yếu về sức khỏe đã từ từ hiển lộ. Từ Huệ bảo với người con lớn là Từ Chơn hãy chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chia tay. Rồi những dấu hiệu suy yếu kia từ từ diễn biến và cuối cùng chuyển sang một cơn bịnh nặng. Toàn cả gia đình tập trung tinh thần và vật chất lo lắng. Cuối cùng vào 6 giờ chiều ngày 6/5/2007 Từ Huệ nhẹ nhàng bước chân lên con đường thiêng liêng hằng sống. Một điểm đặc biệt là từ lúc bị bệnh cho đến khi qua đời Từ Huệ vẫn có một tâm thái an lạc. Một tâm thái mà chỉ có người đạt được trí huệ, vượt lên trên mọi tầm thường nhân thế mới thể hiện được trong phút lâm chung.

TỪ CHƠN