NGHIÊN CỨU

DẤU VẾT CỦA Ý THỨC TRONG CAO ĐÀI HỌC

TỪ CHƠN

LỜI NÓI ĐẦU

Cao Đài vừa là một tôn giáo vừa là một khoa học.

Là tôn giáo, Cao Đài có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, đủ sức kết hợp các tín đồ thành một khối chịu đựng mọi thử thách trong tiến trình phát triển kéo dài đến “thất ức niên”.

Là khoa học, Cao Đài giúp con người nghiên cứu cách thức ý thức vận hành, tìm ra nguyên lý riêng cho từng cá nhân, cuối cùng áp dụng vào đời sống thực tiển ngõ hầu đạt đến trạng thái bình yên của tâm hồn. Từ trạng thái bình yên này con người nhìn và thấu hiểu bản chất của vũ trụ.

Một khi thấu hiểu bản chất của vũ trụ, cũng chính là bản ngã, con người sẽ sống một cuộc sống phi thường, phi mẫu mực, phi cưỡng chế, phi ngôn ngữ. Một con người như thế, tự thân là niềm hoan lạc vô biên, không ai biết, chẳng ai hay và cũng chẳng muốn tỏ bày cho bất cứ ai.

Trong quyển sách này, Cao Đài sẽ được trình bày theo khía cạnh khoa học. Hy vọng chương cuối, khi khép lại, sẽ đem đến cho người đồng cảm một điều gì đó để được xem là hữu dụng trong chốn phong ba vốn mọi thứ đều có thể tự hoặc bị mạo nhận là hữu dụng. Tác giả cũng không có cao vọng là sẽ giúp ích gì cho người mới bắt đầu tìm hiểu tôn giáo nên trân trọng khuyên những vị này nên đọc Tam Giáo trước.

Từ Chơn.

Tranh của Salvado Dali

VÌ SAO PHẢI NGHIÊN CỨU Ý THỨC?

Mọi sự việc trong đời sống đều phải học mới biết, phải nghiên cứu mới có phát minh. Biết để tồn tại sống còn, đó là điều hiển nhiên. Bởi vì nếu tôi không biết cách băng qua con đường đầy nghẹt xe cộ thì quãng cách từ cơ thể tôi đến nghĩa trang sẽ rất ngắn. Nhu cầu này không phải chỉ bắt đầu quan trọng khi người ta cần thi cử lấy bằng cấp hay muốn phát minh máy móc, mà ngay khi một ai đó có câu hỏi đầu tiên về bất cứ một thứ gì trong cuộc đời, dù là một câu hỏi ngớ ngẩn điên khùng nhất hay một câu hỏi nặng ký lô “triết học sâu xa”, chính lúc đó nhu cầu muốn biết đạt tới điểm khởi sinh.

Cho dù có ai đó cãi nhau rằng-thì-là ý thức và vật chất là hai hay là một gì gì đó, thì tôi và bạn vẫn phải tự mình giải quyết các câu hỏi của chính mình, nghĩa là mình phải tự học để biết. Không có đạo sư nào rảnh rỗi điểm cho một “chiêu”, để rồi cái ngốc nghếch của chính mình sẽ tan biến tức thì, hay mình sẽ ngộ tức thì!. Và nói cho cùng, nếu mình không muốn học bài thì mình có thể mướn người đi thi dùm hay mua đại một cái bằng cấp gì đó cho xong. Lúc đó có thể mình được mọi người xem là hiểu biết nhưng rồi ra mình cũng sẽ vẫn là một cái tôi ngốc nghếch nghìn đời.

Vì thế, học để biết là một thực tế rất cần thiết không còn gì chối cãi. Bạn và tôi có lẽ muốn biết đủ mọi thứ. Ai cũng hiếu học, hay chính xác hơn là tò mò. Người ta có thể bảo nên biết thế này, nên biết thế nọ, nhưng người ta không có chỗ đứng ở đây. Vấn đề là: biết hay ý thức là gì? Biết vận hành ra sao? Và một điểm quan trọng nữa là chính “tôi” chứ không ai khác phải tìm hiểu để biết và chịu trách nhiệm cho cái biết của mình.

Trong đời sống hằng ngày, có biết bao thứ thúc ép con người lao theo nhịp sống bất tận. Công ăn việc làm, quan hệ gia đình, bạn bè, giải trí. Có biết bao nhiêu thứ làm đầu óc mê mụ, quay cuồng. Thế rồi, hẵn phải có một lúc nào đó, tôi cũng có một thắc mắc vì sao tôi lại phải như thế? Vì sao tôi không tạm dừng lại ngơi nghỉ một chút, tự mình xem xét lại mọi thứ của mình? Chẳng hạn như xem lại vốn liếng của mình đã có dư chưa? Trong nhà đã có những thứ máy móc hiện đại như của ông hàng xóm hay chưa? Nếu có những lúc như thế, có lẽ tôi sẽ nhìn thấy một điều vốn không lạ lùng gì, nhưng lại đem đến nhiều ngạc nhiên. Đó là ý thức vốn hết sức phức tạp, hết sức nhiệm màu và có một sức mạnh vô song. Lúc đó có lẽ tôi sẽ rất ân hận tại sao mình không xem xét bộ máy ý thức này trước khi bắt đầu lao vào cuộc sống. Bởi nếu được như thế, mình sẽ tránh được bao lỗi lầm, phiền muộn, thậm chí cả những nỗi khổ đau.

Vốn từ khi sinh ra đời, con người không có quyền chọn lựa gì cho cuộc sống của mình. Đùng một cái, mình đã có một cơ thể, sống trong một gia đình và phải mang một cái tên hoa mỹ nào đó. Có khi tôi cũng muốn chọn một điều gì đó, chẳng hạn như chọn một nghề mà đa số mọi người ưu ái và kính trọng. Nhưng thường là kết quả không được như ý. Thế rồi giống như khi mua một chiếc xe, sau một thời gian sử dụng tôi mới thấy xe có nhiều khuyết điểm. Nhưng dù sao thấy khuyết điểm là tốt rồi, vì tôi cũng có thể sửa đổi đôi chút gì đó chứ không thể bán “tôi” đi để mua một “tôi” khác giống như chiếc xe. Muốn sửa đổi gì đó thì trước hết tôi phải biết rõ về điều đó, phải không nào?

TÌM Ở ĐÂU?

Trước hết, tôi hãy tạm bỏ thể xác này qua một bên. Vì ít ra thì tôi cũng không làm gì được đối với cơ thể này. Dù tôi có thể dùng nhiều tiền giải phẫu thẩm mỹ cho mình đẹp hơn một chút, thay một quả thận hay đeo một trái tim điện tử, thì rồi ra cuối cuộc đời tôi cũng bình đẳng với mọi người ở nghĩa trang. Đúng không?

Chỉ có một điều tôi có thể “làm” được. Đó là suy nghĩ. Dù nói “làm” cũng có phần gượng ép, nhưng cũng có đôi khi tôi tự thấy mình có thể tự-suy-nghĩ. Tại sao lại là tự-suy-nghĩ? Bởi vì có quá nhiều hàng rào ngăn cản không cho tôi vượt qua khi suy nghĩ. Tôi không thể nghĩ đến một kế hoạch cướp nhà băng vì đó là bất hợp pháp. Tôi không thể nghĩ đến việc trốn thuế vì như thế tôi sẽ đi tù mất. Tôi không thể nghĩ đến việc mở máy cát xét cho thật to vì còn hàng xóm chung quanh. Tôi không thể nói dối vì bố mẹ tôi bảo thế là không tốt. Vô số những “không thể” đã gây nỗi lo sợ hãi hùng suốt cuộc đời tôi. Vậy, muốn tự suy nghĩ, tôi phải có một chuẩn bị thật chu đáo, bởi lúc đó có thể tôi phải đối mặt với những ý tưởng khủng khiếp nhất trong đời, kết quả có thể là một thay đổi lạ lùng cũng có khi lại là nguy hiểm. Cuối cùng, tôi cũng đi đến một khúc quanh trọng đại, đó là chọn cách suy nghĩ.

Từ ngàn xưa, người ta đã phát minh vô số cách suy nghĩ, rồi theo đà tiến bộ, những cách suy nghĩ này được sửa đổi, chế biến xào nấu lại, dán nhãn hiệu mới, rồi bày ra khắp nơi như các mặt hàng ở siêu thị. Dĩ nhiên là kèm theo một ít giới thiệu, quảng cáo. Các hình thức quảng cáo ngày nay đã đạt đến một trình độ tinh vi, có bài bản nghiên cứu hẵn hoi. Chỉ có người tiêu dùng sành điệu mới có thể biết được đâu là thật đâu là giả. Người sành điệu là người từng chịu đau thương sau khi mua lầm hàng giả nhiều lần vì những quảng cáo hấp dẫn kia, phải không? Chúng ta, khi chọn cách suy nghĩ, chắc là không muốn thử đủ mọi thứ cách suy nghĩ để được làm người sành điệu, vì như thế không những mất thì giờ mà còn đôi khi phải trả giá rất đắt.

Thực tình mà nói, tôi và các bạn không thể tự mình tìm ra một cách thế mới lạ nào để mà suy nghĩ. Một là, sức tôi và bạn có hạn, nào là chuyện kiếm miếng ăn manh áo, nào là quan hệ bạn bè. Đủ mọi thứ chuyện trên đời này choán đầy trí óc chúng ta mất rồi. Hai là, con người đã có cơ man nào là cách suy nghĩ, thêm một cách mới nữa, của tôi chẳng hạn, chỉ làm khuấy đảo thêm mọi sự việc vốn đã bị khuấy đảo đến đục ngầu. Vậy tại sao chúng ta không bắt đầu bằng những cái đã có sẵn. Và con đường ngắn nhất để xông vào thế giới hỗn tạp kia có lẽ là con đường tổng hợp. Nhưng tổng hợp bằng cách nào?

Có lẽ, các bạn và tôi, ít ra là một lần trong đời, phải nghe hoặc chứng kiến một vụ cãi nhau. Và có thể bạn sẽ đồng ý phần nào với tôi là: nếu mình nghe cả hai phía đồng thời cố gắng phân tích hiểu họ, thì mình sẽ đến gần với sự thật hơn. Gần đây, người ta cũng đã quen với cách này trong khi giải quyết các xung đột rồi đó. Nhưng mình không có thì giờ, hơn nữa không có đủ năng lực để nghe hết các quan điểm của cả thế giới này về cách suy nghĩ, phải không? Vậy tôi đề nghị với các bạn một hệ thống suy nghĩ tổng hợp vốn có sẵn. Đó là Cao Đài.

Tại sao là Cao Đài? Trước hết đó là hệ thống suy nghĩ của người Việt Nam, tôi và bạn sẽ không phải học thêm một ngoại ngữ nào nữa để học hiểu. Nghiên cứu một tôn giáo của dân tộc khác, qua một thứ tiếng khác rất khó. Những khác biệt về ngôn ngữ, nhất là về văn hóa sẽ làm cho người bình thường như tôi và bạn dễ đi chệch ra ngoài ý chính. Kế đó, trong Cao Đài bạn có thể tìm ra mọi thứ tùy vào trình độ hiểu biết về tôn giáo của bạn. Không nhất thiết bạn phải là một người biết nhiều hiểu rộng mới có thể lãnh hội được hệ thống suy nghĩ này. Và sau cùng nếu chúng ta thật sự là người muốn tìm cho ra cách suy nghĩ để hiểu được chính mình và vũ trụ, thì đây là nơi giúp trực tiếp và gần gủi nhất.

ĐỊNH ĐỀ MỘT

Khi muốn học toán chẳng hạn, tôi phải chấp nhận các định đề để làm cơ sở cho những bước tiếp theo. Dĩ nhiên, định đề không phải là chân lý tuyệt đối, nhưng nếu không có các định đề ấy thì không có những phát minh về sau này. Vậy trước hết, phải chấp nhận định đề một của Cao Đài.

Định đề một Cao Đài có thể phát biểu như sau: “một cá nhân bất kỳ gồm có ba phần. Thể xác, hệ thống tư tưởng và linh hồn”. Cao Đài gọi là Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Bát Quái Đài. Ba phần này kết hợp và tác động hỗ tương với nhau. Nếu thiếu tư tưởng hay linh hồn thì cá nhân đó sẽ bị khuyết tật, không thể làm tròn chức phận làm người, và nếu thiếu thể xác thì cá nhân đó không tồn tại.

Thể xác là một khởi điểm có ý nghĩa. Không cần phải chứng minh, nếu không có cơ thể này, thì mọi sự miễn bàn. Chính sự tồn tại của cơ thể là khởi điểm của niềm hạnh phúc và đau khổ, là nơi xuất phát các mối quan hệ xã hội, là chỗ con người phát triển nếp sống văn minh hay man rợ. Một đặc tính của thể xác là nó tiến theo một trình tự nhất định mà nguyên nhân của trình tự này hiện nay hầu như con người biết rất ít. Nhưng có lẽ tôi và bạn cũng không cần biết nguyên nhân đó, ít ra là cho tới khi chúng ta giải quyết xong vấn đề trọng yếu sẽ được trình bày trong vài chương kế tiếp. Cũng có một điểm nữa nên lưu ý là tôi và bạn không có quyền chọn lựa gì đối với sinh hoạt của cơ thể này. Có người tập yoga đến mức tự chôn sống mà không chết, nhưng hẳn nhiên là rồi người ấy cũng chết già. Có những người luyện tập để cơ thể có được thứ gì đó lạ lùng, nhưng hiện nay ít có cơ thể nào tồn tại quá một trăm năm. Những suy nghĩ ấy đối với tôi và bạn, những người thật sự muốn giải đáp câu hỏi của chính mình, không phải để động viên mình buông xuôi, “mặc cho con tạo xoay vần”; mà để báo động rằng thời gian tồn tại để suy nghĩ rất ngắn.

Linh hồn cũng là một điều lạ lùng nữa. Trước khi thảo luận tiếp, xin bạn đừng rối lên vì những bàn luận vốn có sẵn về linh hồn của mọi người. Tôi và bạn hãy tự mình nhìn xem linh hồn của chính mình là gì và ở đâu? Không thấy gì cả phải không? Đúng vậy, mời bạn nghe câu trả lời của Cao Đài. Bát Quái Đài (tức là linh hồn) là nơi Đức Chí Tôn ngự. Xin bạn đừng vội đi tìm hiểu Đức Chí Tôn là ai, bởi vì lúc đó sẽ có những bậc “trí giả” giải thích cho bạn bằng một lô danh từ khó hiểu khác nữa, chẳng hạn như Thượng Đế, Chúa, Phật … Điều quan trọng, rõ ràng là, Đức Chí Tôn là điều-chưa-biết. Thế nên, tôi và bạn không có quyền gì ở đây cả cho tới khi nào mình biết Đức Chí Tôn là ai. Phải thế không?

Cả thể xác và linh hồn đều là hai lãnh vực tôi và bạn đều không có quyền gì ở đó cả. Nhưng đừng vội tuyệt vọng, ý thức, hay phần còn lại trong ba phần kia của chúng ta chính là nơi mình có toàn quyền quyết định và sẽ giúp vén được màn bí mật, trả lời mọi thắc mắc vốn có, đang có và sẽ có.

ĐỊNH ĐỀ HAI

“Ý thức, hay biết, là một vận động nội tại nhằm điều chỉnh cơ thể hướng tới sự an toàn vật chất hay tâm lý”

Bạn và tôi có thể cùng quan sát chính bản thân mình để kiểm tra định đề này. Thế không phải là chúng ta điều khiển bàn tay rụt lại, tránh xa ngọn lửa vì sợ bỏng hay sao? Rồi chúng ta chịu đựng cái nóng nung người ở những vùng đất khô cằn để làm gì; nếu không phải là để lao động trồng trọt, khai thác một cái gì đó nhằm phục vụ đời sống của chính mình? Hoặc chúng ta vất vả tính lời tính lãi để công ty vàng bạc đá quí mình lập ra ngày càng giàu thêm? Cho dù trong lãnh vực tâm lý phức tạp hơn thì mục đích của sự vận động ý thức kia cũng chẳng khác gì. Tôi tìm cách trả ơn một người vì tôi không muốn thiếu nợ, không muốn bị cho là vô ơn hoặc không muốn vi phạm một nguyên tắc đạo đức nào đó. Tất cả là để cho yên lòng, không còn khổ sở nữa. Rất dễ dàng nhận ra dấu vết của sự suy nghĩ qua các sinh hoạt hàng ngày, nếu chúng ta bình tĩnh và chịu khó nhớ lại những việc làm hàng ngày trước khi đi ngủ, phải thế không? Nếu bạn có thử làm như thế, có lẽ tôi và bạn sẽ gặp nhau ở một điểm: đó là đôi khi mình nhận ra mình khá là ích kỷ. Dưới một cái vỏ lý thuyết đẹp đẽ cao thượng nào đó, rốt cuộc thì động cơ chính chỉ là để cho mình được an toàn, an tâm. Thế nhưng chớ vội kết luận rằng ích kỷ là xấu hay tốt. Bởi vì kết luận như thế là một sự khuấy động tâm lý dữ dội đồng thời kích hoạt một tiến trình ý thức mới, mà rồi ra tiến trình mới này có thể đưa bạn và tôi đến một bến bờ xa lạ.

ĐỊNH ĐỀ BA

“Ý thức là cầu nối thể xác và linh hồn để kết hợp ba thể làm một, đạt tới trạng thái sáng suốt tột đỉnh”

Đến định đề này, có lẽ bạn và tôi nên dừng lại để kiểm tra một điều quan trọng. Định đề đưa đến một cứu cánh: trạng thái sáng suốt tột đỉnh. Ơ phương Đông, người ta vẫn tôn thờ trạng thái này và vẫn gọi bằng rất nhiều tên: Giác Ngộ, Phật, Trí Huệ, Bát Nhã, Thượng Đế, Chân Lý, …Và thêm nữa, người ta vẫn liên tục ngộ nhận về trạng thái này hoặc vô tình hoặc cố ý. Thế nhưng điều đó không quan trọng vì trong phần tiếp theo, bạn và tôi, dựa vào những hướng dẫn của Cao Đài, sẽ cố tìm hiểu trạng thái ấy mà không bị mớ danh từ hỗn độn kia tung hỏa mù gây lạc lối.

Xin trở lại với ý “kiểm tra một điều quan trọng”. Có thể bạn nghĩ khác, nhưng riêng tôi, ý muốn đạt tới trạng thái tột đỉnh này là quan trọng nhất trong cuộc đời. Bởi vì tôi có quá nhiều thắc mắc không giải thích được. Những câu hỏi này gây phiền nhiễu không cho tôi cuộc sống yên lành. Tại sao tôi phải chịu cảnh nghèo dù đã làm việc cật lực trong khi những người khác, có khi làm việc nhẹ nhàng hơn, lại giàu sang? Tại sao tôi phải chứng kiến những bất công mà không thể làm gì? Tại sao thế giới đầy dẫy những thù hằn tranh chấp? Tôi sống đây để làm gì và sau khi chết tôi làm gì? Thượng Đế có công bằng hơn những bậc vua chúa ở thế gian này không? …Chính vì những câu hỏi này mà tôi quyết định tìm đến sự sáng suốt tột đỉnh. Và sau khi kiểm tra bản thân cẩn thận tôi nghĩ rằng sự sáng suốt tột đỉnh cần thiết cho bản thân tôi cũng như không khí cần cho cơ thể vậy.

Bạn thì sao? Bạn có cùng ý nghĩ như tôi không? Nếu có, mời bạn đi tiếp cùng tôi, nhưng xin nói thêm là không có một bảo đảm, một hứa hẹn gì cả. Có thể tôi hoặc bạn tìm thấy trạng thái sáng suốt tột đỉnh, cũng có thể không.

Vậy bạn hãy tự hỏi mình đi. Nếu bạn tin chắc là bạn có thể trả lời một trong số các câu hỏi nêu trên, hoặc bạn thấy mình đã sáng suốt lắm rồi, thì có lẽ chúng ta nên chia tay nhau ở đây vậy. Bạn có thể gấp quyển sách này lại, xem như mình vừa đọc một quảng cáo gì đó. Hãy quên nó đi và trở lại với cuộc sống thường ngày. Tôi không có ý định thuyết phục bạn gì cả, lại càng không muốn bạn có ý định giống như tôi. Cũng không hề cố tình tạo ra một tình trạng lờ mờ nửa trắng nửa đen để khiến bạn tò mò “ đọc thử xem sao”. Người ta đã làm như thế nhiều lần rồi, phải không?

Một điểm quan trọng nữa của định đề: ý thức là cầu nối để kết hợp ba thể làm một. Muốn biết làm thế nào ý thức thực hiện được điều đó thì trước hết phải tìm hiểu bản chất của ý thức. Vậy đề nghị chúng ta (dĩ nhiên nếu bạn cùng tiếp tục đi với tôi) hãy tạm quên đi mọi điều đã biết, về chuyên môn, về kỹ thuật, về tài chính để tự nhìn lại bản thân chốc lát. Giây phút ngắn ngủi này có thể giúp bạn khá nhiều đấy, nhưng cũng không loại trừ việc bạn sẽ mất thì giờ vô bổ.

BẢN CHẤT Ý THỨC

Bây giờ, bạn và tôi cùng nhìn lại ý thức, tức là cái biết, xem hành vi của nó ra sao? Nhưng hãy nhớ là đừng có một trang bị nào. Khác với một chuyến đi xa, càng có nhiều hành lý, bạn càng khó xoay trở trên con đường này. Nếu cảm thấy điều gì khó chịu hoặc phi lý thì đó chính là những trở ngại do hành trang bạn đã mang theo. Giũ bỏ những hành lý cồng kềnh này hay không là tùy ở bạn. Bởi vì muốn bỏ đi hay không muốn bỏ đi cũng chính là một loại hành lý phiền phức khác nữa đấy!

Thực sự ra, bạn và tôi không thể nào tận mặt gặp gỡ ý thức, vốn là người bạn đường yêu dấu ngàn đời của mỗi cá nhân. Chỉ có thể lần theo dấu vết của ý thức qua kết quả của một hành vi nào đó.

Ví dụ thế này nhé. Sau khi bạn dùng một món ăn, bạn có ý kiến gì? Đơn giản nhất là bạn sẽ thấy vừa ý hoặc không vừa ý; ngon hoặc không ngon, phải không? Dĩ nhiên sau đó bạn có thể so sánh với các món khác mà bạn đã từng nếm qua, rồi thêm thắt để nói rõ mức độ ngon ít, ngon nhiều, mặn chát, ngọt lịm … Nhưng rõ ràng khởi điểm của ý kiến bạn là ngon hoặc không ngon. Hay là bạn đi nghe diễn thuyết, bạn cũng có ý nghĩ tương tự: hay hoặc không hay. Đúng thế chứ? Còn hơn thế, một trăm phần trăm sinh hoạt hằng ngày của bạn đều giống như vậy.

Bạn có thể ngạc nhiên vì suy nghĩ của mình khởi đầu quá đơn giản như thế. Nhưng chưa hết đâu, ý thức là một “thể” rất kỳ lạ. Nó không bao giờ muốn ngừng nghỉ, bởi vì ngừng nghỉ là sự chết, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nên sau một nhịp, nó tự kích hoạt một nhịp mới, dựa trên nền vừa tạo ra. Sau đó, như một dây chuyền, các tiến trình suy nghĩ mới hình thành với con số ngày càng tăng theo một tốc độ khủng khiếp. Cuối cùng là một sự hỗn loạn tràn lan xâm chiếm lấy bạn và tôi. Trạng thái này, người phương Đông vẫn gọi là Vô Minh.

Nhưng hiển nhiên bạn và tôi không đời nào muốn mình vô minh, đúng thế chứ? Vậy, mình tìm cách nào để đừng bị vô minh chứ gì? Bạn thấy không, ý thức lại tự động kích hoạt nữa đấy?

Trong Cao Đài, mọi tín đồ đều biết Thánh Ngôn này:

Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì khí Hư Vô sinh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn thế giới…”☺

Đây chính là nguyên tắc vận động của ý thức. Chìa khóa mật mã để hiểu nguyên tắc này là “Thầy là các con, các con là thầy”. Nguyên tắc tạo lập vũ trụ của Đức Chí Tôn Thượng Đế cũng là con đường mà ý thức của bạn và tôi hành động mỗi ngày. Có điều từ chỗ ‘hai biến ra bốn, bốn biến ra tám, tám biến ra vô số,’ trở về sau thì chúng ta có thể cụ thể hóa dễ dàng. Mời bạn trở lại minh họa nêu trên. Khi bạn nếm xong một món ăn, không những bạn có thể phân biệt được vị ngon hoặc không ngon mà bạn còn có thể có thêm hai ý niệm khác. Đó là: cũng có ngon mà cũng có không ngon chẳng thấy ngon mà cũng chẳng thấy không ngon.

Thế đấy, hình như xung quanh chúng ta ý thức đã sáng tạo vô số thứ. Muốn học toán, trước hết bạn phải học bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Phải không nào? Khi cần truyền máu, có phải người ta thử xem máu của bạn thuộc nhóm nào trong bốn nhóm A,B,AB,O? Trong chiếc máy vi tính vốn được xem là sản phẩm hiện đại nhất từ trước tới giờ, cũng khởi đầu những tính toán bằng phép tính nhị phân: đóng và mở. Bạn cứ tìm thêm nữa đi, càng học hành, đọc sách vở càng nhiều, bạn sẽ thấy thêm nhiều điều tương tự ở mọi lãnh vực. Những hiện tượng như thế sẽ còn phát triển liên tục chừng nào mà con người còn tồn tại.

Có thể bạn là nhà khoa học, nên nguyên tắc vận hành của ý thức ít nhiều giúp bạn trong công tác nghiên cứu để phát minh máy móc phục vụ loài người. Riêng cá nhân tôi, khẳng định được nguyên tắc này là một bước quan trọng giúp đi xa hơn nữa trên con đường tiến tới trạng thái sáng suốt hay như người ta vẫn thường nói : xóa bỏ vô minh.

Tóm lại, khi bạn và tôi va chạm một sự việc, sự vật nào đấy, trong một tích tắc không ngờ, hai ý nghĩ liền nảy sinh. Mỗi một ý nghĩ, tự nó là một sinh vật mới nữa đấy. Và thêm một sự tiếp xúc bất kỳ nào nữa là nó liền tự phân đôi. Thế là có bốn rồi tám rồi vô số. Tiến trình này đã được tự động hóa hoàn hảo đến mức bạn và tôi không thể nào chận đứng hoặc đi ngược chiều. Chỉ có một cách duy nhất ngăn được, đó là kết thúc sự sống của cơ thể. Thể xác không tồn tại thì không còn ý nghĩ nữa. Nhưng làm như thế là ấu trĩ, thậm chí là bệnh hoạn, phải không?

Đến đây, nếu bạn thấy những điều tôi vừa bàn không khó nghe lắm, thì mời bạn tiến một bước nữa vào cái thế giới đa đoan của ý thức.

BỎ VÀ CHỌN

Theo định đề hai: “Ý thức, hay biết, là một vận động nội tại nhằm điều chỉnh cơ thể hướng tới sự an toàn vật chất hay tâm lý” mời bạn cùng tôi tiếp tục theo dõi đường đi của ý thức.

Khi tiếp xúc với một thách thức nào đó, ý thức liền tự động biến thành hai. Nhưng vì khuynh hướng tiến tới sự an toàn và tiếp diễn liên tục nên nó tự động xê dịch về phía nào đem lại sự bình yên cho cá nhân. Ý thức bỏ và chọn xuất hiện. Trong cuộc sống hàng ngày, điều này diễn ra rất nhanh, và ít có khi nào chúng ta đặt vấn đề tại sao lại như thế. Khi nhìn thấy thức ăn, bạn liền xét xem còn ăn được hay đã hư thối, rồi bạn quyết định ăn hoặc bỏ đi. Nghe một bài hát, dĩ nhiên ý thức cung cấp ngay cho bạn một sự so sánh để bạn quyết định thưởng thức tiếp hay tắt TV đi cho yên thân. Đúng không nào?

Dĩ nhiên vấn đề như thế đơn giản quá. Có những thách thức trong đời to lớn phức tạp hơn nhiều. Khi bạn quyết định lập gia đình, hay theo một lý tưởng nào đó, chẳng hạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ nên tìm những sự việc càng đơn giản càng tốt. Sự việc càng phức tạp, càng làm cho ý thức chuyển động theo một hướng khó theo dõi. Thêm nữa, xin bạn hãy cố né tránh câu hỏi “tại sao”, vì như thế là tạo một tiếp xúc mới khiến cho ý thức có cơ hội tốt để làm nhiệm vụ của nó: đó là phân đôi, rồi bốn, rồi tám … Thế là cái “thế giới” nhỏ bé của bạn và tôi sẽ hỗn loạn lên mất. Mà thực ra, “thế giớ i” đã hỗn loạn từ lâu lắm rồi, bạn có nghĩ thế không?

Sự vận động của ý thức vốn tự nhiên và trong trắng, vô tội, ít ra là cho đến lúc bạn khởi sự muốn bỏ hay chọn. Ý thức bỏ chọn cũng vô tư. Nó chỉ làm nhiệm vụ của nó. Quẳng thức ăn hư thối vào thùng rác hoặc tắt TV là việc dễ dàng và chẳng hại gì ai. Nhưng giả sử bạn không có thùng rác hay bà xã của bạn không muốn tắt TV? Dễ lắm, bạn sẽ có một thách thức mới nữa: đi tìm cách khác, và cứ thế cho đến khi nào bạn giải quyết xong điều bạn muốn. Trong khi tìm cách giải quyết vấn đề, có thể cách làm của bạn va chạm với một ai khác cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề của chính người ấy. Mọi người trên thế giới này đều đang làm như thế mà! Kết quả là có quá nhiều va chạm. Rồi cuối cùng có khi bạn sẽ phải bắn tên lửa đầu đạn hạt nhân vào nước khác vì nước này không cho bạn đổ rác đấy.

Suy nghĩ này không khôi hài lắm đâu bởi vì, bạn ơi, người ta đã từng xem những việc như vậy là nghiêm túc. Để bảo vệ dân tộc tôi, tôi phải đưa lực lượng vào nước láng giềng, trút đạn pháo vào những ngôi làng hiền hòa, trước khi họ làm như thế với tôi. Ra tay trước là an toàn nhất mà! Nhưng bạn đừng lo việc ấy. Đã có những người có trách nhiệm hoặc tự phong mình có trách nhiệm lo giùm bạn rồi. Vấn đề của tôi và bạn ở đây là hình như ý thức chọn bỏ có khi có ích có khi không có ích. Xin bạn lưu ý, ý thức chúng ta vừa mới biến thành hai đấy. Bạn sẽ bảo: thật là ngớ ngẩn! Lúc nào có ích thì dùng, lúc nào không thì thôi. Suy nghĩ làm gì cho mất công! Bạn này, ta có bốn rồi đấy nhé! Bạn thấy không? Ý thức chuyển đổi nhanh nhẹn biết chừng nào!

Nếu không lầm, hình như tôi có đọc được đâu đó thế này: không có gì mới trong sự sống cả, chỉ có điều mình chưa biết đó thôi. Đúng quá đi chứ! Những điều tôi và bạn vừa bàn qua nói cho cùng thì đã xưa cũ hàng triệu triệu năm rồi, nhàm tai rồi. Và ý thức chọn bỏ (cho phép tôi gọi như thế, vì ý thức chính là chọn bỏ) cũng đã từng chọn bỏ chính nó. Nghĩa là, chọn bỏ chính sự chọn bỏ.

Cũng đã từng có người như bạn và tôi cố gắng giải quyết vấn đề chọn bỏ. Họ chọn, nghĩa là để cho ý thức hoạt động rồi làm theo những hướng dẫn đó. Điều này là bình thường nhất. Họ bỏ, nghĩa là tìm cách chận đứng ý thức lại (dĩ nhiên không bằng cách tự sát) không cho nó hoạt động nữa. Họ ngồi yên, nhắm mắt, hoặc vắt chéo chân ngang qua cổ. Nhưng tôi lại đi ra ngoài chủ đề nữa rồi! Đó là việc của họ, còn tôi và bạn thì sao?

Bạn có ý định thế này không? Vì không thể ngăn ý thức lại được, cũng không thể đảo ngược chiều suy tưởng, thôi thì đến đâu hay đến đó. Nếu ý thức “bảo” mình làm điều xấu, mình đừng làm là xong. Nếu thế thì quá dễ! Tôi và bạn có thể gấp sách lại, thở phào thoát nạn. Mình trở lại cuộc sống bình thường, đi làm kiếm tiền, lo toan cuộc sống. Để rồi, một hôm nào đó những thắc mắc về cuộc đời lại nổi cộm lên, hung hãn hơn trước, giày vò trí não vốn đã chất chứa quá nhiều thứ lỉnh kỉnh. Ôi thôi, đây đâu phải là biện pháp tôi và bạn mong muốn.

Hay là ta bỏ vậy. Nghĩa là mình đừng suy nghĩ nữa. À , về việc này tôi đã nghĩ kỹ rồi bạn ạ. Cũng không gì hơn đâu! Một là, mình không thể tự sát. Hai là, nếu tôi ngồi im, tự bảo mình đừng suy nghĩ thì đó cũng là hoạt động của suy nghĩ chứ gì? Lúc đó ý thức tôi phải liên tục tự bảo đừng suy nghĩ … đừng suy nghĩ … đừng suy nghĩ … Rồi chợt có tiếng xe rú lên ngoài đường. Mình lại tự dặn lòng đừng nghe …đừng nghe … Nhưng kỳ thật mình đã nghe rồi, và mình đang tìm cách chọn bỏ nữa đấy. Và bạn tưởng tượng xem, tôi ngồi làm thế suốt đời thì có giải quyết được vấn nạn của chính tôi không? Có đạt được trạng thái sáng suốt tột đỉnh mà ở mấy trang trước tôi đã mạo muội ngỏ lời tâm sự cùng bạn hay không?

Bạn đừng vội chấp nhận lời tôi một cách dễ dãi. Phải chính bạn chọn một trong hai cách nêu trên, đem ra thử nghiệm. Phải chính mình gieo trồng, chăm sóc rồi gặt hái thì mới nhận ra được sự thật. Đó là: bạn có vùng vẫy thế mấy thì cũng không thể nào bắt sự suy nghĩ của chính mình dừng lại; cũng không thể nào có một cách suy nghĩ vượt khỏi nguyên tắc phân-hai-rồi-bốn-rồi-tám-rồi-vô-số …

Nhưng nếu thế thì mọi sự vẫn tiếp tục hỗn loạn vô minh hay sao?

CHUYỂN HÓA Ý THỨC

Một khi nhận ra mình không muốn hỗn loạn vô minh nữa, đó cũng là lúc tôi và bạn đã rơi vào một trận đồ mới của ý thức. Bởi vì ý thức đã phân hai: Vô minh u tối hoặc (và) sáng suốt tột đỉnh. Nếu bây giờ tôi chọn lấy một, tức thì ý thức lộ bày một tiến trình mới hệt như cũ. Thế rồi mọi sự lại tiếp diễn như hàng triệu năm qua, nghĩa là hỗn loạn nối tiếp hỗn loạn, vô minh hoàn vô minh. Cuối cùng, tôi cũng phải nghĩ đến việc đặt vấn đề: Làm sao để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy? Phải có một sự chuyển hóa ý thức toàn diện, phải không? Phải có một cách suy nghĩ nào đó mới lạ, đúng không? Xin bạn đừng vội trả lời là hay không, kẻo lại mắc bẫy của chính ý thức bạn.

Từ trước, chúng ta đã chấp nhận các định đề của Cao Đài để lần theo dấu vết của ý thức. Hẵn nhiên Cao Đài có câu trả lời cho tôi và bạn. Vậy mời bạn theo dõi một câu truyện nho nhỏ nhé. Trong Đền Thánh Tây Ninh có tượng Hộ Pháp. Nhưng gượm đã, bạn đừng đi tìm xem người nào đã đắp tượng, hoặc Hộ Pháp là ai? Đã có người làm cái công việc hết sức phức tạp vốn vẫn được gọi là viết-lịch-sử rồi. Tôi và bạn nên hỏi tượng để làm gì thì có lợi cho chúng ta hơn.

Trong lý thuyết của Cao Đài, Cửu Trùng Đài tượng trưng thể xác, Bát Quái Đài tượng trưng linh hồn và Hiệp Thiên Đài tượng trưng ý thức. Đứng đầu Hiệp Thiên Đài là Hộ Pháp. Vậy câu trả lời chính là ở tượng Hộ Pháp.

Chúng ta cùng quan sát. Trước hết, tượng Hộ Pháp mặc áo giáp, mang vũ khí. Mặc áo giáp có nghĩa là đang ở trong tình trạng sẵn sàng đấu tranh, xung đột để bảo vệ một điều gì đó. Đúng vậy rồi, chẳng phải là ý thức của tôi và bạn luôn luôn chống lại một cái gì đó để bảo vệ bản thân mình hay sao? Lúc nào tôi cũng phải dè chừng đồng nghiệp tôi. Họ có thể thêu dệt điều gì đó với xếp. Khi rút tiền ở ngân hàng, phải cẩn thận đếm lại và ngó trước nhìn sau coi chừng có kẻ cướp. Và nếu có nguy hiểm thật sự thì tôi nhanh chóng sử dụng các loại vũ khí cần thiết. Vũ khí của Hộ Pháp là Gián Ma Xử và Kim Tiên. Công dụng của Gián Ma Xử là ngăn chận cái ác; Kim Tiên để lập lại trật tự cho một tình huống hỗn loạn bất kỳ. Rõ ràng, chúng ta luôn tự biết là phải loại bỏ điều xấu trong quan hệ người với người; cũng như luôn có ý thức trật tự, ổn định chính là điều tiên quyết cho mọi phát triển hướng thượng.

Tiếp theo, hai bên tượng Hộ Pháp là Thượng Sanh và Thượng Phẩm, tượng trưng cho đời và đạo. Đây cũng là hiện tượng ý thức phân hai. Có bốn vị phụ tá Thượng Sanh và Thượng Phẩm cũng thế. Nghĩa là ý thức biến thành tám. Điều này một lần nữa khẳng định nguyên tắc vận hành của ý thức. Và như bạn và tôi có dịp bàn qua trong mấy trang trước, cách thức vận hành như thế chỉ dẫn đến hỗn loạn, Vô Minh. Cốt lõi của triết lý Cao Đài là giúp một người bình thường như bạn và tôi đây tìm ra cách suy nghĩ để ý thức vận hành tiến tới trạng thái sáng suốt tột đỉnh. Vậy chúng ta hãy tiếp tục quan sát tượng Hộ Pháp.

Hộ Pháp đứng trên ngai Thất Đầu Xà, nhìn thẳng vào Thiên Nhãn. Thất Đầu Xà (bảy đầu rắn) tượng trưng bảy tình cảm của con người. Bốn đầu mang chữ giận dữ, thù ghét, ham muốn, buồn bã, gục xuống; ba đầu thương yêu, mừng rỡ, vui vẻ, vươn lên cao. Trong bảy tình cảm của con người, thương yêu, mừng rỡ và vui vẻ giúp ý thức thăng hoa, làm con người hăng hái đi tìm cái hay cái đẹp tâm hồn. Trái lại, giận dữ, thù ghét, ham muốn và buồn bã tạo điều kiện cái xấu phát sinh.

Nhiều người vẫn cho rằng, phải diệt bỏ những tình cảm này, nhất là sự ham muốn. Vì nếu không có chúng, sẽ không còn cơ sở để ý thức hoạt động nữa. Kết quả sẽ đưa đến trạng thái sáng suốt. Thật không may cho chúng ta! Nếu bạn nhìn kỹ sự việc, thì cách loại bỏ ý thức, tức loại bỏ sự suy nghĩ của chính bạn là một vấn đề phức tạp, hay chính xác hơn là một hành động không tưởng. Cũng có người cho rằng nên nuôi dưỡng những tình cảm tốt và khống chế những tình cảm xấu. Rốt cuộc, đó cũng là động tác phân hai của ý thức thôi!

Biểu tượng Hộ Pháp ngự trên ngai Rắn Bảy Đầu nhìn thẳng vào Thiên Nhãn thực sự là ngụ ý thế này: hãy nhìn bảy tình cảm của mình bằng Thiên Nhãn. Và có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi, chỉ nhìn thôi, không nuôi dưỡng, không diệt bỏ gì cả. Chỉ cần bạn táy máy động tay động chân một chút thôi là mọi thứ lại tan hoang tức thì. Động tác nhìn mà không có sự chọn bỏ này chính là sự chuyển hóa ý thức.

CÁI NHÌN THIÊN NHÃN

Bây giờ tôi và bạn sẽ khởi đi vào một trạng thái tinh tế nhất. Trạng thái này đòi hỏi một điều chủ yếu: sự chân thành.

Tôi dám đánh cá một điều: trong cuộc sống bạn và tôi hiếm khi có sự chân thành. Khi có một ai đó hỏi ý kiến tôi về chiếc áo mới mà người đó đang mặc, tôi có nói ra toàn bộ ý nghĩ thật của tôi không? Hoặc khi tôi tổ chức tiệc đãi bạn bè, tôi sẽ có đầy đủ những lý do đẹp đẽ hòng che dấu chủ ý của tôi. Hay khi tôi giúp đỡ một người cô thân lỡ bước, thì đằng sau sự cao thượng kia, phải chăng ẩn hiện sự vui sướng hài lòng của bản thân? Chính sự sống cùng những cái-gọi-là văn minh kèm theo đã uốn nắn chúng ta từ lâu đến độ ít khi nào bạn và tôi tự tra vấn mình xem tại sao phải làm như thế. Thế rồi những giả trá liên hoàn kia tích tụ cho đến khi chúng vỡ tung thành những rối rắm. Chúng thức dậy vào những đêm không ngủ, đặt ra những câu hỏi nhức nhối không tài nào trả lời được.

Bây giờ tôi đề nghị bạn hãy chân thành với chính bạn đi. Nghĩa là nhìn lại chính bạn mà không hề có một lý do bào chữa nào. Nếu tôi phạm sai lầm, thì đó là sai lầm; không tại không bị gì cả! Cơ hội làm điều này không thiếu trong cuộc đời, và nếu bạn không làm thế thì không có một sự chuyển hóa nào hết.

Xin trở lại với trạng thái cái nhìn Thiên Nhãn. Bạn và tôi đã từng bàn qua mỗi khi chúng ta khởi sự suy nghĩ nhận xét một điều gì thì chúng ta đã rơi vào trạng thái phân đôi của ý thức. Nói khác đi, mình luôn luôn nhìn một vật thể nào đó bằng “hai mắt”. Vậy có thể có suy nghĩ nào không nằm trong trạng thái phân đôi này không? Có thể nào suy nghĩ vẫn tiếp diễn, nghĩa là tôi vẫn sống mà không rối loạn, không vẫn đục một chút khổ đau? Một cách hình tượng hơn, có thể nào nhìn một vật thể bằng “một mắt” không?

Có thể trong cuộc đời bạn đã từng trải qua những giây phút như thế, nhưng trạng thái ấy phù du mong manh rồi trôi qua. Khi bạn gặp lại người bạn cũ sau hàng chục năm xa cách thì bạn nghĩ sao? Có phải trong giây phút đầu tiên chỉ có một sự vui mừng khôn xiết không? Không có tôi, không có bạn; không bỉ không thử; không kỷ không tha, chỉ còn thuần một niềm vui trọn vẹn. Vào đúng lúc ấy, bạn có xét nét người bạn ấy không? Bạn có tính toán là nên gặp hay không nên gặp không? Không hề có suy nghĩ trong lúc ấy phải không? Rõ ràng trong lúc ấy ý thức nín lặng, không phân đôi nữa. Nhưng khi niềm vui qua đi, bạn lại bắt đầu suy nghĩ. Người bạn này ngày xưa mình không thân mấy, anh ta cũng chưa hề giúp đỡ gì nhiều, hiện nay nhà mình cũng chật, tài chính hạn chế vân vân… và rồi bạn sẽ đi đến quyết định có nên tiếp đãi người bạn này hay không.

Hay là bạn đi du lịch đâu đó. Khi đứng trước một khung cảnh hùng vĩ núi non biển cả, ý thức bạn biến mất, nhường chỗ cho một cảm giác tuyệt vời. Nhưng rồi cũng thế, ý thức sau đó lại xuất hiện và đủ thứ vấn đề lại hiện ra. Nào là tiền thuê phòng quá cao; nào là túi tiền kém cỏi buộc bạn phải rút ngắn thời gian đi nghỉ … Thế đấy, những giây phút mong manh “cực lạc” thoáng ẩn thoáng hiện trong dòng chảy cuộc đời bạn. Xen kẽ là những khoảng thời gian dằng dặc đầy dẫy hỗn loạn vô minh. Bạn nghĩ sao nếu những giây phút hoan lạc ấy cứ liên tục tiếp diễn, mỗi va chạm với thế giới bên ngoài đều không có ý thức phân đôi xen vào? Ắt hẳn là cuộc đời đáng yêu đáng sống lắm, đáng được gọi là “thiên đàng tại thế” lắm, phải không bạn? Vậy, làm sao để được như thế?

Xin bạn đừng trả lời là hãy kiếm cho nhiều tiền để đi du lịch liên tục, hoặc tìm thăm toàn bộ bạn cũ của mình. Bởi vì như thế bạn sẽ phải thay đổi lối sống của bạn để đạt tới mục tiêu khác, từ đó những vấn đề khác lại nảy sinh và cứ thế kéo dài suốt cuộc sống. Vấn đề là trạng thái ấy phải diễn ra ngay trong cuộc sống thường sự của mình, không cần thay đổi cách ăn ở hoặc để tóc dài, xịt keo, cạo trọc gì cả. Bạn đồng ý chứ?

Điều trước tiên là hiện bạn sống như thế nào thì hãy giữ hiện trạng như thế đó. Nếu bạn thay đổi bất cứ điều gì thì đó là hậu quả của ý thức chọn bỏ, nghĩa là ý thức phân hai. Kế đó phải là một trạng thái cảnh giác nhạy bén cao độ. Phải nắm bắt từng ý nghĩ ngay khi nó vừa xuất hiện. (Xin bạn lưu ý, khi biết mình suy nghĩ là ý nghĩ đã hiện hữu rồi). Rồi hãy dùng Thiên Nhãn để xem xét từng ý nghĩ một; nghĩa là nhìn sự việc bằng “một mắt” hay như người ta vẫn gọi là “cảm nhận qua Trí Huệ”. Trong những giây phút chớp nhoáng ấy, bạn sẽ cảm nhận được trạng thái tuyệt vời mà người ta vẫn thường gọi là Cực Lạc Thế Giới.

Vậy cái nhìn Thiên Nhãn là gì? Có ai đã có cái nhìn Thiên Nhãn chưa? Thưa bạn, đã có rồi đấy. Trong lịch sử nhân loại, nhiều bậc thức giả (không phải trí giả) đã làm được điều này. Ay là chưa tính đến những vị không được ghi trong lịch sử bởi vì lịch sử chỉ ghi lại những điều người ta muốn ghi. Ơ phương Đông mọi người đều biết Thích Ca, Lão Tử và Khổng Tử, nhưng ít người biết chính xác ba vị đã nói gì về cái nhìn Thiên Nhãn. Thường thì người ta chỉ nhắc tên các vị này khi gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc sống và cầu mong các vị giúp đỡ. Thực sự mà nói, những giáo huấn của các vị này chỉ là chứng tích của cái nhìn Thiên Nhãn. Ai muốn đạt cái nhìn Thiên Nhãn đều phải tự mình đi tìm. Cái nhìn Thiên Nhãn là cái nhìn hết sức riêng tư, của bạn là của bạn và của tôi là của tôi, không thể nhìn dùm hoặc dùng lẫn lộn của nhau. Người ta vẫn thường cố gắng giải nghĩa lời nói của các vị này. Luống công thôi! Làm sao hiểu được những lời nói khác ngôn ngữ, khác văn hóa và không cùng thời đại? Bạn có thử ăn mặc giống với các bậc tiền bối này chưa? Hoặc đi khất thực, đại khái là bắt chước sinh hoạt của họ, để có được cái “văn hóa” giống như họ ấy mà? Nếu có thì bạn ơi, đó cũng chỉ là bắt chước thôi! Bắt chước là lập lại một điều đã biết, lập lại vòng tròn chọn bỏ, thế thôi. Điều quan trọng là những lời dạy, nghĩa là chứng tích cái nhìn Thiên Nhãn của các vị này, giúp tôi và bạn cái gì?

Ai cũng biết Phật Thích Ca dạy rằng: tức là không, không tức là . Khổng Tử dạy trung dung. Lão Tử dạy trong họaphúc, trong phúchọa. Tất cả những điều ấy khẳng định lại động tác rời bỏ ý thức phân đôi để sống trong trạng thái “không-ý-thức”. Không-ý-thức không phải là trạng thái không cảm giác, bởi đó là hôn mê – một trạng thái cận kề cái chết. Không-ý-thức là trạng thái không có ý thức chọn-bỏ. Trong trạng thái này, tạm gọi như thế – là trạng thái mà tôi và bạn cảm nhận mọi tình cảm, suy nghĩ của mình qua Thiên Nhãn.

BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC

Có vẻ như cuộc sống của tôi và bạn liên hệ quá chặt chẽ với khái niệm này đến nỗi không ai dám nghĩ khác đi. Rõ ràng quá mà, tôi sinh ra, lớn lên rồi chết đi. Cây lúa tôi trồng nẩy mầm, trưởng thành, ra hoa, ngậm hạt rồi tàn lụi. Điều này ám ảnh tôi cho nên mỗi khi bắt đầu thực hiện một hành động nào đó, đương nhiên trong đầu tôi hình thành một dự kiến về kết quả. Thế rồi tôi khắc khoải mong chờ giây phút “thành công”, sống với những cảm giác vui buồn chờ đợi.

Khái niệm này hết sức thực tế và có ích khi bạn làm việc kiếm tiền. Nếu bạn trồng một cây ăn quả, tận tình chăm bón mà lại không nghĩ đến lúc hái trái thì đây là một điều không thể nào tưởng tượng nổi. Và cuộc đời một người, xét cho cùng, là vô số những lần khởi đầu và kết thúc như thế. Thậm chí khi đi tìm sự sáng suốt tột đỉnh như tôi đây cũng phải có kết thúc là lúc tôi reo lên “Ơ rê ka” kia mà! Muốn sống trong xã hội, tôi không làm khác đi được, nhưng nếu tôi muốn được sáng suốt tột đỉnh, hay có Trí Huệ, thì đây lại là một cản ngại lớn. Bản thân tiến trình bắt – đầu – kết – thúc không có gì chê trách cả; nhưng cái ý nghĩ dùng khái niệm ấy để đo lường các hoạt động khác chính là trở ngại của sự sáng suốt tột đỉnh.

Ý thức chọn bỏ vốn có giới hạn. Nó tự đặt ra khởi điểm và đích đến cho mỗi động tác trong cuộc sống. Sự sáng suốt tột đỉnh thì khác. Bạn đồng ý không; lẽ nào sáng suốt tột đỉnh mà lại có giới hạn? Vậy tôi và bạn hẵn nhiên không thể nào “lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng quân tử” rồi, phải không? Thế nên lúc nào tôi nhận ra vấn đề của tôi đã “kết thúc” tức là lúc ấy tôi sử dụng ý thức chọn bỏ; nghĩa là tôi không hề “kết thúc” gì ráo! Tôi thật sự chỉ muốn trốn chạy sự thật – ấy là “tôi – vẫn – nằm – trong – vòng – vô – minh – hỗn – loạn”. Hãy thử lấy hành động bố thí làm ví dụ. Tôi đang đi du lịch đâu đó, người đeo đầy trang sức đắt tiền, và đang tỏ ra mình xứng đáng được nhàn rỗi vì những đóng góp có lợi cho xã hội nhân quần. Thế rồi, một con người lở lói, bọc trong những lớp giẻ bẩn thỉu đến trước mặt tôi xin tiền. Tôi cảm thấy vô cùng cảm thương, vội trút hết số tiền lẻ trong túi cho người ấy. Lòng tôi dâng lên niềm vui: mình đã giúp xoa dịu nỗi đau trần thế! Tuyệt vời quá! Nhưng rõ ràng đến đây tôi đã “kết thúc” một tiến trình. Tôi khởi đầu bằng sự thương cảm và nhanh chóng bỏ tiền ra để biến thương cảm thành sự tự hào, rồi sau đó lẹ làng tìm một tiến trình khác. Tất cả, chẳng qua là muốn chấm dứt sự thương cảm kia càng chóng vánh càng tốt. Hành động bố thí kia không có gì đáng chê trách hoặc khen thưởng cả. Cũng có ích lợi gì đó chứ; chẳng hạn như người nghèo kia rồi ra cũng có được một bữa ăn thanh đạm rau dưa. Nhưng điểm quan trọng là tiến trình suy nghĩ của bạn bộc lộ rõ cái giới hạn của nó. Lúc nào nó cũng khăng khăng cho là phải có một kết thúc, một thành quả nào đấy. Điều này dễ dàng chứng minh lắm. Giả sử tôi đi loanh quanh một lúc trong khu du lịch, thế rồi tôi lại gặp con người khốn khổ kia, cũng cùng một cái bài hát xin tiền rầu rĩ nọ. Vậy lúc đó tôi có thể lập lại hành động bố thí với đầy đủ những tình cảm ban đầu không? Chắc là không! Vì ý thức đã thiết lập một hàng rào vô cảm, một kết thúc máy móc rằng tôi đã bố thí rồi, tôi đã tích được một công đức nhất định nào đó rồi. Có thể nào bạn giúp tiền cho người nghèo kia mà không có một tình cảm tự hào nào dấy lên không? Có thể nào hành động trên diễn ra bình thường tự nhiên như là bạn ăn, bạn thở không? Nếu có, thì hành động đó không khởi đầu cũng không kết thúc. Vốn là nó phải như thế, và nói cho cùng thì nó như thế. Và chính thế mới là cái đẹp tuyệt vời của hành động bố thí!

Mọi tín đồ Cao Đài đều tâm tiệm rằng mình phải “về với Đức Chí Tôn”. Dĩ nhiên, “về” đây có thể có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo người hiểu. Có thể hiểu là sau khi chết, cái tôi này đây “bay” lên đến một thế giới khác, nơi đó có Đức Chí Tôn, chẳng hạn. Cũng có thể có người hiểu theo cách nào đó khác nữa. Nhưng dù cho hiểu thế nào đi nữa thì rõ ràng tôi cũng mong muốn có một kết thúc: chấm dứt tình trạng hiện tại đau khổ nhiều hơn vui sướng của tôi, phải không nào? Nhưng nếu cái tôi nhỏ bé, bủn xỉn lúc nào cũng muốn cái lợi cho mình này về được với Đức Chí Tôn rồi thì tôi làm gì nữa nào? Tôi lưu lại ở đấy mãi mãi ư? Nếu thế thì đó cũng là một kết thúc, và nếu cái tôi chứa đựng toàn là khởi đầu với kết thúc có thể “sống được” ở cõi giới ấy thì nơi ấy có khác gì nơi này?

Trong “Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống” Hộ Pháp dạy rằng: khi về đến Cực Lạc Thế Giới rồi, các chơn linh có thể lưu lại bao lâu tùy thích, nhưng sau đó lại phải xuống trần gian để lập vị mình cao hơn. Đây chính là ngụ ý phải triệt tiêu giới hạn vốn ăn sâu trong ý thức của tôi và bạn. Không có cái khởi đầu kết thúc kia, ý thức mới nhẹ nhàng nhìn thông suốt mọi vấn đề và trong trạng thái này sự sáng suốt tột đỉnh mới hé mở những nét đẹp tuyệt vời của cuộc sống. Và cuộc sống như thế, phải chăng là sống trong Cực Lạc Thế Giới, hay còn gọi là hiệp một với Chí Tôn Thượng Đế?

NIỀM VUI và NỖI BUỒN

Thật khó mà tưởng tượng ra một người sống trong xã hội ngày nay (ngày xưa cũng thế!) mà lại thiếu hai tình cảm này. Cả hai là gia vị khiến cho cuộc đời thêm phong phú. Và cũng chính vì chúng là gia vị nên “sử dụng” như thế nào để cho đời đáng sống là cả một nghệ thuật. Có điều đôi khi trong cuộc sống chúng ta đánh mất hoặc bỏ quên cái quyền điều khiển này và hậu quả là chúng gây nhiều điên đảo. Thế nên tôi cho rằng cũng nên bỏ ra dăm ba khoảnh khắc nghiền ngẫm, may ra có thể nhìn thấy phần nào chân tướng của hai thực thể này. Hiểu rõ cơ chế hoạt động của chúng là một điều có ý nghĩa vì như thế sẽ giúp loại bỏ những chướng ngại, khai thông sự sáng suốt tột đỉnh và tiếp cận được chân lý.

Niềm vui và nỗi buồn là kết quả của những tác động ngoại cảnh hoặc nội tâm trên con đường ý thức đi tìm sự an toàn. Tôi vội vã chạy đến một siêu thị cho kịp mua món hàng có khuyến mãi hậu hĩ, nhưng đến nơi thì đã hết hàng. Không còn gì buồn hơn! Tôi vừa thi đỗ, và viễn cảnh một tương lai tốt đẹp bày ra trước mắt. Mừng quá đi chứ!

Tưởng không còn ai lạ gì với những tình cảm đại loại như thế. Và hết vui lại buồn, hay ngược lại, luân chuyển mãi. Bản chất hai tình cảm này là tự nhiên. Chúng sinh ra rồi tàn lụi như những bãi nấm trong rừng sau cơn mưa đầu mùa. Người ta nói rằng chúng có một số tác động nào đó đối với cơ thể khi lên đến đỉnh điểm. Bạn có thể thấy điều này ở chính bản thân bạn, chẳng hạn như nếu bạn cứ mãi âu sầu buồn bã thì hôm nào đó bạn sẽ mắc bệnh mất. Nhưng chính tác động của chúng đối với ý thức, theo tôi, mới là đáng quan ngại. Mỗi khi vui buồn xuất hiện chúng đều tạo cơ hội cho ý thức chọn bỏ có đất sống. Chắc tôi không thể nào không làm điều gì đó để nguôi ngoai khi tôi phải chịu một nỗi buồn giày vò. Đi tìm quên lãng ấy mà! Và có lẽ tôi luôn muốn kéo dài những gì êm ái thoải mái đối với tôi. Nhưng hành động tìm cách dứt bỏ nỗi buồn cũng như kéo dài niềm vui đến vô tận này bản chất là ý thức chọn bỏ, nên nó sẽ lôi kéo tôi và bạn vào một tiến trình chọn bỏ mới nữa, và cứ thế kéo lê la bất tận. Thế rồi sự thất vọng vì không được như ý nguyện kia âm thầm lắng xuống, tích tụ lâu ngày như những vết thương chưa lành, để rồi bùng vỡ một hôm nào đó.

Bạn biết không, có những người vài giây trước còn cười nói vui vẻ, lát sau đã tự sát vì một nỗi buồn xa xưa. Hoặc người ta trở nên chai đá lầm lì, không còn cảm thụ được những cái đẹp tâm hồn. Và những người như thế có khi sẽ là những kẻ nguy hiểm cho xã hội.

Thực sự ra, vui hay buồn không phải là “hai” tình cảm như chúng ta vẫn ngộ nhận đâu. Chúng là “một” đấy! Chính bởi vì sở trường của ý thức là chọn bỏ nên nó luôn phân đôi mọi hiện tượng ngay tận gốc rễ. Cũng vì thế mà các bậc tiền bối phương Đông vẫn luôn kêu gọi chúng ta phải tìm cho ra “bản lai diện mục”, nghĩa là thời điểm chưa có hiện tượng. Chưa có hiện tượng tức là chưa có phân đôi mà chưa phân đôi chính là sự sáng suốt tột đỉnh.

Thường thì tôi không thể có một nỗi buồn vô cớ. Tình cảm buồn vui luôn gắn liền với một điều gì đó, hoặc từ ngoại cảnh hoặc từ nội tâm. Nếu có một nỗi buồn nào đáng gọi là vô cớ, thì có lẽ đó là vì nguyên cớ ấy ẩn sâu trong tâm thức nên tạm thời tôi chưa nhận ra mà thôi. Bây giờ mời bạn theo dõi ý thức của chính bạn hành động ra sao khi có một nỗi buồn xảy đến. Bạn vừa dự một cuộc phỏng vấn xin việc làm, người phỏng vấn có một số câu hỏi khá là hóc búa và bạn xoay sở rất tệ. Sau cuộc phỏng vấn người ta lịch sự cám ơn bạn, nhưng trong thâm tâm bạn biết thế là thất bại. Bạn đang thất nghiệp, có một vợ hai con và đang thuê nhà ở. Mọi sự trước mắt bạn đổ sụp. Một nỗi buồn khủng khiếp dâng tràn che lấp, bạn phải làm sao đây? Xin bạn đừng đứng ngoài sự việc này mà phán xét. Người ta vẫn nói rằng “việc người thì sáng, việc mình thì quáng” mà! Bạn hãy tự mình đứng vào sự việc ấy mới thấy nỗi buồn giày vò bạn ra sao, ý thức vùng vẫy để trốn chạy nỗi buồn ra sao. Bạn sẽ thấy hàng loạt ý nghĩ lộn xộn kéo đến, chúng đề nghị đủ mọi thứ cách thức mà chủ yếu là làm sao để chấm dứt nỗi buồn càng nhanh càng tốt. Không loại trừ cách thức được xem là cuối cùng: tự sát. Thế rồi bạn sẽ chọn (lại chọn!) một cách nào đó, uống rượu chẳng hạn, rồi nỗi buồn cũng qua đi. Nhưng thật sự lòng bạn đã mang nặng một vết thương. Rồi vết thương ấy âm thầm vươn chiếc vòi bạch tuộc gớm ghiếc ra khỏi vùng tiềm thức tác động vào mọi ý nghĩ của bạn về sau này. Đã có rất nhiều người khi thành đạt trong cuộc đời lại biến ra thành kẻ cộc cằn thô lỗ trả thù đời hoặc biến thành người khoan dung tha thứ. Cho dù loại nào đi nữa thì bạn và tôi cũng ngày càng đi xa khỏi thế giới của sự sáng suốt tột đỉnh. Điều đó có nghĩa là xa rời niềm hạnh phúc vô biên mà cuộc đời – phải, chính cuộc đời – đã có ý muốn dâng hiến cho tôi và bạn, những người khách trọ đi tìm một hạnh phúc ảo tưởng.

Tại sao tôi không nhìn niềm vui nỗi buồn của chính tôi một cách vô tư, không chạy trốn, không lưu trú, không phê phán, không ngợi khen, không tìm cách quên đi, không ôm giữ, không chấp nhận đau thương, không vui mừng khôn xiết, không thương thân trách phận, không gì cả… Chính trong lúc nhìn như thế, niềm vui nỗi buồn mới phô bày bộc bạch tự tình, phải không? Nếu chúng đã tự bộc bạch thì bạn mới có cơ may cảm nhận vẻ đẹp cũng như cái xấu của chúng. Và đã phát ra hết năng lượng thì chúng mới tan biến không để lại vết tích. Khi niềm vui nỗi buồn nào đến với bạn cũng ra đi không lưu lại gì thì tinh thần bạn lúc nào cũng trinh tuyền mới mẽ như lúc mới chào đời. Trong trạng thái đó, sự sáng suốt tột đỉnh, nghĩa là giác ngộ, hay là trí huệ gì gì đó … sẽ hé mở giúp bạn nhìn mọi vấn đề bằng Thiên Nhãn. Thế đấy!

Khi tôi đề nghị với bạn một loạt “không” như đã nêu trên thì xin vui lòng lưu ý: đó không phải là biện pháp, nghĩa là không phải một cách làm. Bởi nếu là cách làm thì bạn phải có một hành động nào đó để thực hiện ngõ hầu đạt một kết quả. Mà hành động là đã chịu tác động của ý thức phân hai chọn bỏ. Hãy nhìn trong sâu thẳm của chính bạn. Bạn gặp một niềm vui, bạn nhận thức được đó là vui, nghĩa là bạn đã “qua cơn vui” rồi. Lúc đó bạn mới nhớ lại “mấy cái không” mà chúng ta đã bàn, rồi bạn mới tự bảo: không, mình đừng vui, vì có như thế mới đạt được sự sáng suốt tột đỉnh. Thế là bạn cố dằn niềm vui lại. Phải thế không? Tiến trình này là sản phẩm của chọn bỏ đấy bạn ạ! Ý thức qua mặt bạn nhanh nhẹn thế đấy!

Nếu bạn đã từng trải qua những giấy phút suy ngẫm như thế ắt là bạn sẽ thốt lên: KHÔNG! Tôi không thể làm thế được! Không thể đối mặt với một tình cảm buồn vui mà không làm điều gì đó. Hoặc là chấp nhận, hoặc là biến đổi nó đi chứ không thể khác được. Nếu bạn đã thực sự thấy được điều đó là bạn đã tiến một bước đáng kể rồi đó. Vậy đến điểm này bạn (mà nếu là tôi thì cũng vậy) có lẽ sẽ muốn biết xem có cách nào không. Thưa bạn, khởi đi từ đầu tiến trình ý thức thì tôi, bạn hay bất cứ một cá nhân nào khác đều như nhau, nhưng đến lúc này thì không ai giống ai cả. Các bậc tiền bối đều để lại những phát biểu hết sức nghịch lý về trạng thái này. Ví dụ như “ có mà không, không mà có” hay “vô vi nhi vô bất vi” hoặc như Đức Cao Đài dạy “Thầy là các con; các con là Thầy” tất cả đều có mục đích là nhắn gởi bạn hãy tránh xa ý thức chọn bỏ. Còn tránh xa thế nào là hoàn toàn tùy thuộc ở bạn. Từ điểm này trở đi, thì tôi và bạn “đường ai nấy bước”. Bởi nếu còn cùng đi chung đường thì còn điều giống nhau. Giống nhau là sao chép, bắt chước chứ không phải là sáng suốt tột đỉnh. Vượt qua (nếu có thể gọi như thế) ý thức chọn bỏ là một điều cực kỳ khó khăn. Người xưa đôi khi phải bỏ ra cả cuộc đời (hay vài vòng luân hồi) mới đạt được kết quả, hoặc chẳng được gì cả! Riêng bản thân tôi, tôi thấy là cần phải nói ra sự thực này. Không “tu tắt, tu mau”, không “trực chỉ”, không “ngộ tức thì”, không “thành Tiên, thành Phật trong kiếp này” gì cả. Nói thế chỉ là dẫn dụ nhau thôi, phải không? Nếu sự sáng suốt tột đỉnh dễ đạt đến như thế, có lẽ tôi, bạn và biết bao người khác nữa sẽ chẳng bàn luận vấn đề này làm gì. Đúng vậy chứ?

Tôi không khuyên bạn tiếp tục, cũng không xui bạn bỏ cuộc. Tôi chỉ muốn nêu ra thế đấy. Vậy bạn hãy cẩn thận, đừng chấp nhận điều tôi nói hoặc bác bỏ, bởi đó là “chọn bỏ” đấy! Riêng tôi, tôi sẽ đi tiếp, và tôi không ngại mất thời gian cũng như không quan tâm đến “trí huệ” hay “u mê”. Tôi thích như thế, và thế là sự việc đã tự tròn đầy, không phải bàn cãi thêm gì nữa.

SỐNG VÀ CHẾT

Sống và chết cũng đáng để bạn và tôi đặt ra vấn đề lắm chứ! Sống và chết có một sức mạnh không giới hạn: đó là sức mạnh của vũ trụ, chi phối, tác động từ những vật vô cùng nhỏ bé cho đến những vật vô cùng lớn. Khái niệm ấy to tát quá, phải không bạn? Nhưng bàn về điều đó có lẽ mênh mông lắm, tôi đề nghị bàn về tác động của khái niệm này ngay trong chính tôi và bạn.

Vậy theo bạn, SỐNG là gì? Phải chăng đó là tìm cách gì đó để cho thân thể này không bị hủy hoại, nghĩa là không CHẾT? Không phải thế sao? Và “tìm cách gì đó” là đủ thứ linh tinh trong cuộc đời. Tìm việc làm, cố gắng giữ lại chức vụ của mình, kiếm thêm nhiều tiền, mua căn nhà nhỏ… tất cả những việc ấy đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất là: muốn được tồn tại. Kèm thêm vào đó là một ý muốn cũng không kém phần quan trọng: muốn được tốt hơn. Ít có ai lại thực sự nhủ lòng rằng cuộc sống của tôi thế này là được rồi, không cần thêm mắm muối gì nữa. Cho dù một ai đó có nghĩ như thế thì cũng là vì họ thấy rằng bây giờ mình đã khá hơn trước, hoặc bởi vì họ chưa nghĩ được cách nào khác để đạt được một cái gì đó cao hơn. Ngay cả một tu sĩ, khi bằng lòng với chiếc áo nâu sòng, khung cảnh tĩnh lặng, tài sản hạn chế, cũng là vì nghĩ rằng làm như thế sẽ đạt được điều cao quí hơn sau khi chết. Suy cho cùng, theo tôi, vấn đề cần suy gẫm chính là chỗ: tôi không muốn chết và chừng nào tôi chưa chết thì tôi muốn được khá hơn tình trạng hiện tại của tôi. Rõ ràng, khi còn nhỏ, tôi không hề bận tâm đến sống hay chết. Trong giai đoạn hoàng kim này, đã có cha mẹ, người đỡ đầu hoặc người thân lo cho sự sống của tôi. Chỉ đến khi tôi phải tự mình kiếm sống thì mới có những thắc mắc về sự sống và cũng thế, khi tôi chứng kiến một cái chết, thì tôi mới biết rằng điều ấy rồi ra sẽ xảy đến cho chính tôi cách này hay cách khác mà không ai có thể cản ngăn được. Vậy thì vấn đề chỉ sản sinh từ lúc tôi biết suy nghĩ cho đến lúc chết mà thôi. Nói cách khác, chỉ khi ý thức va chạm với thực tế cuộc sống thì vấn đề sống chết mới nổi cộm lên, gây ra đau khổ buồn phiền. Chắc bạn còn nhớ câu chuyện Thái Tử Tất Đạt Ta ở An Độ, đó là một thí dụ thú vị về ý thức va chạm với cuộc sống. Nếu Thái Tử không nhìn thấy bốn sự kiện sinh ra, già đi, bệnh tật, rồi sự sống chấm hết, thì có lẽ đã không có ý niệm giải thoát, phải không nào?

Bây giờ, mời bạn cùng xem xét từng vấn đề một với tôi. Trước hết, muốn duy trì sự sống tức là sợ chết. Bạn có thể dùng một từ khác như “ngại chết”, “không muốn hi sinh”, nếu như bạn thấy chữ “sợ” là quá đáng. Nhưng theo tôi thì “sợ” là phải quá rồi. Điều quan trọng là tại sao lại sợ? Xin bạn đừng viện ra những điều người ta đã từ bao năm qua muốn bạn tin như thế. Về thế giới sau khi chết như là Thiên Đàng, Địa Ngục ấy mà! Việc này mình bàn sau đi vậy. Ý tôi là bạn hãy tự hỏi mình, rồi thành khẩn trả lời, đừng trích dẫn ai cả. Riêng tôi, tôi sợ chết vì không biết cái gì sẽ đến với tôi sau khi chết. Cũng giống như khi bạn lái xe, bạn sẽ không sợ vì bạn dự kiến được những tình huống sắp xảy ra và nắm trong tay những phương tiện giúp tránh tai nạn. Nhưng nếu bạn ngồi sau tài xế thì sự việc trái hẵn, vì bạn không chủ động được những biện pháp an toàn. Có nhiều người mắc phải chứng bệnh tâm lý sợ một điều gì đó vô cớ, sợ độ cao, sợ ở trong một buồng kín, sợ đi máy bay … Người ta cũng đã có cách giúp những người này bớt sợ. Những người sợ đi máy bay, chẳng hạn, họ sẽ được hướng dẫn về những biện pháp an toàn trong không lưu, cách điều khiển máy bay … rồi họ sẽ được tập cho quen dần dần với chuyến bay. Khi đã hiểu biết tương đối tận tường về điều gì sắp xảy ra, người ta bớt đi nỗi sợ hãi. Cũng hay đấy chứ?

Đối với sự chết thì không như vậy. Không ai còn sống mà biết rõ điều gì sẽ xảy ra sau khi chết. Cái chết hoàn toàn là một kinh nghiệm cá nhân. Ai chết đi thì người đó, và chỉ có người đó, mới biết rõ mình đã trãi qua những tình huống gì. Những người còn sống như tôi và bạn đây chỉ biết tưởng tượng ra thôi. Cũng có một số người chết đi rồi không biết vì cớ gì đó sống lại. Họ kể lại “cảnh vật” sau khi chết: nào là thiên đàng, địa ngục, quỉ sứ, thiên thần gì đó … Thế nhưng, những điều ấy cũng là của riêng họ, bạn không thể nào thử nghiệm cho biết giống như tập đi máy bay cho bớt sợ vậy. Phải không nào?

Rốt cuộc, tôi sợ một điều mà tôi không hề biết đó là gì! Hay như một người nào đó đã nói: tôi sợ mất đi những điều tôi hiện có. Rồi đây có người khác sẽ lái chiếc xe mà tôi đã phải dành dụm bao năm trời mới mua được, nhà tôi sẽ đổi chủ, có người khác lo thay cho tôi những khoản thuế phải đóng hay hưởng món tiền lời ngân hàng của tôi … Ôi ! thật là đau đớn! Theo tôi, có lẽ tôi sợ như thế thật. Bởi vì, trên thực tế những người không còn gì để mất đều không biết sợ chết, họ dễ dàng hi sinh mạng sống của mình vì một lý tưởng nào đó. Mức độ sợ chết tăng theo tỷ lệ thuận với của cải tài sản tích trữ được. Và có lẽ còn một điều đáng sợ hơn: sợ mình không còn cơ hội để thu quén thêm vật sở hữu, cho dù đó là cái nhà, chiếc xe hay là những kiến thức uyên bác về mọi lãnh vực.

Tóm lại, tôi sợ mất của và sợ không được có nhiều thêm chứ nào phải đâu sợ chết. Vậy là cuộc sống của tôi chính ra là tìm cách giữ tài sản của mình và làm sao để số tài sản ấy ngày càng phình to ra. Hình như nhiều người trên thế giới này cũng làm như thế, và hậu quả là hỗn loạn chiến tranh tràn lan, phải không?

Đến điểm này, có lẽ tôi xin tạm ngừng để đề nghị một câu hỏi nho nhỏ cho bạn. Bạn có đồng ý là cái ý muốn giữ của kia cuối cùng sẽ gây rối loạn trên thế giới này, giết chết tình thương yêu giữa người và người không? Nếu bạn cũng nghĩ như thế thì xin bạn đừng vội vã buông bỏ mọi tài sản của mình, xóa sạch mọi tham vọng cá nhân. Bạn lại chịu tác động của ý thức chọn bỏ nữa đấy! Tôi không làm thế và cũng không khuyên bạn làm như thế. Điều quan trọng mà tôi muốn là bạn và tôi phải thực sự nhìn thấy cái nguyên nhân mình sợ chết. Chính xác hơn nữa, phải thấy đúng cái nỗi niềm sợ hãi của chính mình. Bạn không sợ chết giống tôi đâu; mà có lẽ, bạn sợ một điều gì đó. Sợ đau đớn, sợ bị ung thư, sợ mình già mình xấu…

Vậy đó, bạn có thể sợ lung tung, nhưng điều quan trọng là bạn phải xác định được nỗi sợ hãi bên trong chính bạn. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn, và cũng chính lúc đó bạn tiến gần đến ranh giới giữa ngu muội và sáng suốt hơn lúc nào hết.

Trong Cao Đài, khi Đức Hộ Pháp kể lại câu chuyện Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, có một chi tiết khá thú vị: khi HỘ PHÁP về đến cổng Cực Lạc Thế Giới thì thấy nhiều người, tăng có tục có, đang chờ ở bên ngoài. Vật cản duy nhất đối với họ là một cái chong chóng to xoay tròn tại lối ra vào. Hộ Pháp thấy thế nên bắt ấn ném vào, chong chóng ngừng lại, hiện nguyên hình là một chữ Vạn. Nhân cơ hội này, một số người chạy ùa vào trước khi chữ Vạn tiếp tục xoay trở lại. Cổng vào Cực Lạc Thế Giới chính là cái ranh giới giữa u mê và sáng suốt tột đỉnh, là khoảng cách giữa sống và chết, là lúc bạn xác định được sự sợ hãi của chính mình. Hộ Pháp bắt chữ Vạn dừng lại là ý thức ngưng đọng tự nhìn thấy Tứ Tượng, thoát khỏi sự chọn bỏ. Trong khoảng thời gian nhỏ bé ấy, bạn sẽ vào được Cực Lạc Thế Giới.

TU HÀNH VÀ ĐẮC ĐẠO

Khi bạn đi học, có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ tốt nghiệp không? Có thể, nhưng điều đó thông thường sẽ dẫn đến chỗ nhà trường đuổi học bạn. Hệ quả nào đi nữa cũng có nghĩa là bạn phải kết thúc sự học. Rồi bạn đi làm kiếm tiền, hay mở một tiệm tạp hóa nhỏ đầu hẻm kiếm sống qua ngày. Đi làm thì phải có lương; buôn bán thì phải có lời. Đúng chứ? Cũng có người không muốn thế. Họ vào chùa, nhà thờ, thánh thất, am, miếu. Những hành động này cũng hàm ý họ tìm một kết quả nào đó. Hoặc là tìm sự giải thoát, tránh khỏi những tai biến trong cuộc đời; hoặc là để sau khi chết được về nước Chúa … Như người ta thường nói “đi tu là để đắc đạo”. Có điều là từ lâu lắm rồi, khái niệm đi-tu và đắc- đạo đã bị vo tròn bóp méo đủ kiểu đến mức ngày nay không còn ai biết rõ đó là gì. Ai mà không ham đắc đạo? Nhưng một người nhát gan như tôi thì lại muốn tìm hiểu đắc đạo là gì cho thật rõ ràng trước khi tiếp nhận. Lỡ như đắc đạo có “nguy hiểm” gì thì sao? Tôi không muốn vội tin một danh từ khó hiểu hoặc một phát biểu kỳ bí nào, bởi vì tôi - mà có lẽ bạn cũng thế thôi - đã từng tin vào một từ ngữ rất kêu để rồi cuối cùng ôm một nỗi đắng cay trong lòng.

Tìm hiểu điều này khá là gian nan bởi vì những gì các bậc tiền bối để lại cho chúng ta thật là rối rắm. Trong lãnh vực khoa học vật chất mọi thứ dễ hơn nhiều. Các nhà bác học để lại những phát hiện của họ, chúng ta cứ nghiên cứu, và nếu có đủ những điều kiện về thiết bị ( và đôi khi … trí thông minh) như họ thì mình cũng tạo ra được một kết quả giống như vậy. Chẳng hạn như bạn có thể trộn một vài thứ với nhau theo một công thức có sẵn mà ngài Tiến Sĩ Ít Xì nào đó đã ghi lại, rồi phun vào mấy cây đậu trong vườn, giết chết mấy chú sâu bé tí để thu hoạch được nhiều đậu hơn. Kết quả lúc nào cũng được hài lòng như thế. Đúng không? Trái lại, những bậc đắc đạo để lại những công thức không dễ chút nào. Bởi đắc đạo vốn là một kinh nghiệm cá nhân, mà cá nhân thì không thể giống nhau, hoặc photocopy rồi phóng to thu nhỏ tùy ý. Người ta chẳng đã từng nói “Ong tu, ông đắc; bà tu, bà đắc” đó sao! Trước một bức tranh tuyệt đẹp, bạn và tôi không thể nào có cảm tưởng giống nhau được. Chắc chắn là như thế. Còn hơn thế, bạn dư biết là “tam sao thất bổn” mà! Thế mà những kinh nghiệm đắc đạo vốn mang tính cá nhân này lại được truyền lại qua không biết bao nhiêu là cá nhân nữa!

Vậy nên, nếu bạn cho rằng bạn đọc “Mười phép tu tắt” hay “Thành Phật trong mười ngày” rồi làm theo là xong; thì bạn chỉ tham gia vào một tiến trình kinh tế thông thường, trong đó bạn được xem là người tiêu dùng móc túi riêng mua sản phẩm đấy!

Đi tu và đắc đạo là hai ý niệm không thể rời nhau. Hành động và kết quả là một thể duy nhất cho nên chúng ta chỉ cần làm rõ một trong hai thì mọi vấn đề sẽ hiển lộ. Vậy chúng ta thử xem xét khái niệm đắc đạo là gì mà lại có ảnh hưởng quá ư là mạnh mẽ như thế.

Trước hết, cần phải loại bỏ những ngôn từ, những truyện kể mang tính huyền thoại, ví dụ như bậc đắc đạo, mà ta vẫn gọi là Bụt, hay Phật, hay Thánh gì đó, có thể hiểu rõ quá khứ, tương lai; có thể “bay” như một chiếc F 18; có thể trị hết những bệnh mà các Bác Sĩ bó tay vân vân…mà hãy nhìn vào chính những gì mà bạn và tôi có thể suy nghĩ và tin được. Bởi vì ít ra, trong đời tôi hoặc bạn, chúng ta chưa chứng kiến tận mắt điều này, hoặc nếu có chứng kiến một cái gì tương tự như thế thì chúng ta vẫn chưa biết rõ là tại sao lại như thế.

Vậy thì đắc đạo là gì? Xin mời bạn nhìn lại một chút lịch sử. (Xin tạm mượn một ví dụ dễ hiểu, bởi vì ở Á Đông câu chuyện này rất phổ biến; chứ không phải vì chỉ có một câu chuyện đắc đạo duy nhất này). Thái tử Siddãrtha (Tất đạt Ta), con của một Tiểu Vương ở An Độ, khi nhìn thấy bốn hiện tượng: con người sinh ra, già đi, mang bệnh tật rồi chết đi, thì Ngài muốn tìm hiểu tại sao lại như thế và có cách nào để tránh những điều khổ sở đó không. Sau một quá trình tìm hiểu, Ngài đã trả lời được những thắc mắc của mình, và sau đó quay lại giải thích cho mọi người biết. Lúc đó các đệ tử theo Ngài thấu hiểu những lời dạy này và tôn Ngài là Budda (tiếng Phạn có nghĩa là người đã hiểu biết đến mức hoàn toàn). Sau này khi truyền sang Trung Hoa thì từ Budda được phiên âm là Bụt, hoặc Phật. Theo tôi, cốt lõi của vấn đề là Ngài Siddãrtha đã giải đáp được những thắc mắc của mình về cuộc sống; chứ không phải những điều mà người ta kể thêm, mà vốn “người ta” rất thích kể thêm để cho cái gì đẹp đẽ sẽ đẹp thêm nữa; còn điều gì xấu thì sẽ xấu đến thậm tệ. Bạn đồng ý thế chứ?

Tóm lại, đắc đạo là hiểu sâu xa các vấn đề về cuộc sống, để rồi sống thanh thản an bình giữa mọi biến chuyển khốc liệt của giòng đời, như ngài Siddãrtha đã làm sau đó. Ngài Siddãrtha đã khởi đi từ nhận xét của chính mình về cuộc sống để đạt được sự thấu hiểu, vậy chúng ta cũng nên bắt đầu từ chính nhận xét của mình về cuộc sống để đạt thấu hiểu; chứ không phải từ rừng kinh luật mà mấy ngàn năm qua đã dầy lại càng dầy thêm. Cao Đài dạy “Thầy là các con; các con là Thầy”. Đúng vậy, trong vấn đề này chỉ có ta, nghĩa là tôi hay bạn, và Thầy, nghĩa là sự sáng suốt tột đỉnh kia, đối diện nhau; ngoài ra không còn gì khác đáng nói cả. Sau khi đạt được sự hiểu biết kia rồi, thì chỉ có bạn là người biết mình hiểu biết điều gì và phải làm gì.

Thế thì, đi tu phải chăng là bỏ thật nhiều tiền làm việc thiện; hoặc đọc ê a những bài kinh bằng tiếng Hán Việt (vốn là những lời giảng của các bậc tiền bối); hay xây nhiều đền đài đẹp đẽ? Rõ ràng những điều như thế không làm chúng ta sáng suốt hơn bao nhiêu. Nhưng nếu tôi và bạn hiểu rõ và trả lời được những vấn nạn của cuộc sống trước khi thực hiện những điều đó, thì những hành động đọc kinh bố thí kia mới có ý nghĩa tuyệt vời.

Vậy nên, trước khi bạn bỏ tiền của để bố thí hay vận dụng sức lực mình để làm việc thiện, hãy tự hỏi mình sống để làm gì? Và xin bạn nhớ cho, phải chính bạn trả lời câu hỏi này, đừng để ai trả lời thay cho bạn hoặc viện dẫn một ý tưởng của một vĩ nhân nào đó mà bạn quá yêu thương kính trọng. Vĩ nhân là vĩ nhân còn bạn là bạn, hay nói rõ hơn bạn là bạn và Thầy, ngoài điều đó ra tôi nghĩ không còn gì trên cõi đời này đáng để tôi và bạn bàn luận thêm nữa.

BIẾT và KHÔNG BIẾT

Có một điều kỳ lạ, đúng hơn là kỳ diệu, mà chúng ta ít khi suy nghĩ để sống cùng nó cho đến nơi đến chốn. Đó là điều chưa biết và điều đã biết. Bởi nếu chúng ta sống cùng nó từng giây phút quí giá trong đời mình thì có lẽ cuộc đời đã đổi khác đi nhiều lắm rồi.

Điều đã biết giúp con người tồn tại. Hiển nhiên là vậy. Tôi muốn sử dụng chiếc máy giặt mới mua ư? Chỉ cần đọc hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ai đó. Những điều này được lưu lại trong trí nhớ của tôi, để rồi lần sau tôi cứ theo đó mà làm. Đó là những điều đã biết. Nhưng điều đã biết cũng lập ra một giới hạn chết người. Đó là nó không cho phép tôi làm bất cứ điều gì vượt ra ngoài những qui định sẵn có. Chẳng hạn như, tôi không bao giờ dám bấm một chiếc nút nào khác ngoài qui định của nhà chế tạo, nếu không muốn làm hư chiếc máy giặt mới cáu chỉ của mình. Và còn vô số những qui định như thế mà tôi phải tuân theo, nào là đóng thuế cho nhà nước, thực hiện những nghĩa vụ công dân, chạy xe bên trái hay bên phải tùy theo luật giao thông của đất nước tôi. Không biết bạn nghĩ thế nào, riêng tôi, tôi không bao giờ bắt chước mấy chú em Hippy hay những “tâm hồn nổi loạn”, chống lại hoặc tìm cách thay đổi những qui định này. Thứ nhất, tôi cần giữ sinh mạng của tôi để đạt được mục tiêu tiếp cận trạng thái sáng suốt tột đỉnh. Thứ hai, cũng là điều quan trọng nhất, chống lại chỉ là một hình thức khác của qui thuận mà thôi. Hành vi này không đưa đến sáng suốt mà chỉ làm cho tôi ngu muội thêm vì sự hằn học thù hận của nó. Chẳng phải cổ nhân đã nói “Hành động trong cơn giận là giương buồm lên trong giông bão”, đó sao?

Thế nhưng, những điều đã biết cùng những qui điều hạn chế của nó luôn gợi ý cho tôi một điều khác sâu xa hấp dẫn hơn nhiều: đó là điều chưa biết. Rồi tôi luôn luôn đi tìm điều chưa biết, học hỏi, biến nó thành điều đã biết, tích lũy lại trong bộ nhớ, rồi cứ thế tiếp tục cho đến khi tôi đụng phải một điều, không phải là điều chưa biết, mà là điều không biết. Giống như tiến bộ của loài người, người ta cứ đột phá, tìm kiếm và tìm kiếm, không chịu chấp nhận là điều không biết vốn là không-thể-biết. Và thế rồi, giữa cái biết và không biết, văn minh nhân loại phát triển, suy tàn theo một vòng tròn. Nhưng hãy quay lại với chính mình, bởi vì mình là “trung tâm vũ trụ”, “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” mà, bạn đồng ý thế? Vậy điều gì tôi (và bạn nữa…) không biết? Sở dĩ tôi cho “và bạn nữa …” vào trong dấu ngoặc là vì điều bạn không biết có lẽ không giống điều tôi không biết. Có lẽ trên con đường này tôi và bạn không thể song hành, vậy tôi sẽ nói về cái “tôi đáng ghét”.. nhé.

Tôi biết nhiều thứ lắm, và có thể nhờ vào đó mà người ta cho tôi một mớ thứ giấy tờ hỗn độn hoa hòe chứng nhận là tôi biết. Nhưng tận cùng tâm khảm tôi vẫn khắc ghi một điều không làm tôi an tâm chút nào; đó là vẫn còn một điều tôi chưa biết: sau khi chết tôi sẽ ra sao? Tôi cho rằng nếu tôi trả lời được câu hỏi này thì, cho dù tôi không thành “Phật” đi nữa, cuộc sống tôi sẽ không như bây giờ. Thế là tôi tận lực tìm cách trả lời.

Muốn trả lời câu hỏi này, tôi phải đi tìm, phải không? Nhưng phải tìm ở đâu, khi mà tất cả những câu truyện người ta kể về điều đó tôi đều không thể nghiệm được? Bởi nếu tôi đến được nơi đó, thì ắt là tôi không quay trở lại được.

Suy cho cùng thì chỉ còn một cách: quay lại nơi mà vấn đề phát khởi. Như Đức Cao Đài dạy “phải qui nguyên”, vấn đề chỉ được giải quyết ở chính gốc rễ của nó chứ không là nơi nào khác. Gốc rễ vấn đề là chính tôi, phải không? Chính tôi, không ai khác ngoài cái con người hèn mọn nhỏ bé này, đã tạo tác ra vấn đề. Nếu không có “tôi”, ắt đã không có vấn đề. Đúng là thế! Tôi muốn biết điều không biết và tôi không thể dừng cái ham muốn này được. Vậy thì cũng chính tôi – khởi nguồn của câu hỏi - phải giải đáp câu hỏi chứ không ai khác.

Người ta và cả tôi nữa đã biết bao năm mệt mỏi tìm kiếm sách vở, kinh điển rồi ngấu nghiến truy tìm. Nhưng đó đâu phải là nguồn khởi phát vấn đề. Đôi khi người ta cũng thấy được điều gì đó để tin. Nhưng thật ra, hoặc đó là điều tương đối phù hợp với suy nghĩ sẵn có của họ, hoặc vì họ không tìm thấy điều nào hợp ý hơn. Cũng chính vì câu trả lời này không giải quyết được vấn đề một lần dứt khoát, nên chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu vụ thay đổi niềm tin, cải đạo một khi người ta tìm ra một điều nào đó “hợp lý” hơn. Nhưng cải đạo-nghĩa là từ bỏ một tôn giáo để theo một tôn giáo khác, hay là phủ nhận một hệ thống suy nghĩ hiện có để chấp nhận một hệ thống mới- chỉ là một thứ giả dược. Cách thế đó chỉ cho bạn một cảm giác giả tạo: đó là mình tìm ra đường khác để đi, may ra con đường mới này dẫn đến đích. Thế rồi bạn không đọc Tân Ước nữa, thay vào đó, trên kệ sách của bạn là Pháp Hoa, Kim Cương vân vân … Nếu bạn có làm thử điều này, chắc là bạn sẽ thấy ngay kết quả: bạn vẫn mù mờ y hệt như cũ, bởi vì cảnh vật có thay đổi nhưng lòng người cố hữu vẫn y nguyên!

Vậy, khi quay trở lại với chính tôi, là nơi phát sinh ra cái ý muốn-biết-điều-không-biết kia thì tôi nhìn thấy điều gì? Rõ ràng, khi tôi biết được một điều gì đó, sử dụng máy vi tính, chẳng hạn, tôi sẽ rất tự hào. Bởi điều đó có nghĩa là tôi thu gom được thêm lợi ích cho mình. Đích thị đây là trung tâm của vấn đề. Điều-không-biết đã gây sốc cho tôi, vì nó không cho tôi được hưởng niềm vui khi thu gom được thêm lợi lộc. Tôi tức tối, đau buồn đến mấy đi nữa thì điều- không-biết vẫn là điều-không-biết. Có người đề nghị “Vậy thì ta đừng biết điều gì cả là xong!” Không cần biết gì cả nghĩa là triệt tiêu ý thức. Làm như thế là xóa bỏ một thành phần trong ba thành phần quan trọng của một con người. Con người đâu còn đúng nghĩa nữa! Nói rõ hơn người không có ý thức chính là người mắc bệnh tâm thần. Đúng không?

Nếu bạn đồng hành cùng tôi đến điểm này thì chúng ta đã đến một cột mốc quan trọng rồi đấy. Chính vì mình cứ dùng cái thước đo biết và không biết để gán vào bất cứ sự việc nào mình tiếp cận nên mới có cái hậu quả đau buồn hay sung sướng. Điều quan trọng là mình không thể xóa bỏ cái thước đo định mệnh kia bởi chính nó là bản thân của ý thức. Mình không thể tự xóa bỏ mình. Bây giờ mời bạn đọc lại câu của Đức Cao Đài dạy: Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì khí Hư Vô sinh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn thế giới…”

Tôi tạm phiên ngang như thế này nhé: khi tôi chưa tiếp xúc với sự việc sự vật là tình trạng không-có-gì. Tình trạng không-có-gì này phát sinh sự sáng suốt tột đỉnh. Sự sáng suốt tột đỉnh phát khởi ý thức nhận ra điều-đã-biết và điều-không-biết. Hai trạng thái ý thức này biến hóa đủ kiểu và giúp tôi nhận xét thế giới hiện tượng chung quanh.

Hiễn nhiên, khi tôi nhận xét thế giới hiện tượng là tôi đã xa rời trạng thái sáng suốt tột đỉnh rồi. Tôi không còn “hiệp một với Thầy” nữa. Tôi đã lăn vào thế giới khổ đau này rồi. Thế thì, theo sơ đồ trên, nếu tôi ở vị trí ngôi Thái Cực tôi sẽ “hiệp một với Thầy”, nghĩa là có được sự sáng suốt tột đỉnh. Giả sử như tôi nhận xét “càn khôn vũ trụ” qua sự sáng suốt này thì điều gì xảy ra? Có phải tôi tránh được Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, đồng thời tránh luôn được hậu quả của hai tình trạng này là sự ngu muội đảo điên không? Vậy vấn đề là phải nhận xét sự vật ở trạng thái “ngôi Thái Cực”. Các bậc tiền bối đã suy tưởng về điều này đã từ lâu. Họ đã tìm đủ mọi cách nào là tham thiền, nhập định vân vân … Chúng ta cũng không lạ gì những bút tích hướng dẫn thế hệ đi sau của họ. Có những đoạn rất khó hiểu, thậm chí vô lý nếu xét bằng lý lẽ thông thường. Thực ra những cách tiến hành cũng như kết quả của các bậc tiền bối hết sức là riêng tư, bởi tất cả đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố của từng cá nhân. Tôi và bạn, nếu có hiểu được những lời ấy, thì cũng chớ bắt chước làm theo. Điều tôi và bạn cần làm là theo dõi sát sao mỗi khi mình suy nghĩ để tự xem “ngôi Thái Cực” của chính mình là ở vị trí nào. Và cũng thế, chính tôi, chính bạn sẽ tìm ra cách thế riêng của mình để nhận xét sự việc với một đầu óc sáng suốt phi thường. Sự sáng suốt ấy Đức Chí Tôn đã ban cho mỗi người, nhưng vì nhiều lý do trở ngại, bạn và tôi bỏ quên không sử dụng trong cuộc sống của mình cho nên chúng ta phải lăn lộn khổ sở trong một thế giới mà lẽ ra là một Thiên Đàng.

TỪ CHƠN

Sài gòn xuân Giáp Thân 2004.