PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH

PHƯƠNG TIỆN và CỨU CÁNH của CAO ĐÀI

Nhập

Thông thường, mỗi một hành vi có ý thức của con người đều nhằm đạt một mục đích nhất định. Để đạt mục đích đó người ta nghĩ ra một cách làm cụ thể. Ví dụ như nếu cần tiền để sinh sống, tôi phải tìm cách làm một việc gì đó để nhận được tiền. Làm việc chính là phương tiện và nhận được tiền chính là cứu cánh.

Về mặt tôn giáo, cứu cánh của một tín đồ Thiên Chúa là sau khi chết đi, được vào nước Thiên Đàng, cứu cánh của một tín đồ Phật Giáo là thành Phật vv…Còn cứu cánh của tín đồ Cao Đài thì sao?

Vậy, là một tín đồ Cao Đài, tôi nên hiểu rõ phương tiện và cứu cánh của Cao Đài để định hướng mục tiêu đời mình, bởi vì, biết đâu, lần tái kiếp kế tiếp, tôi sẽ không có được một cơ hội như thế này. Dĩ nhiên, tôi cũng không muốn tái kiếp quá nhiều lần để tìm được một cơ hội thuận tiện!

Cứu cánh của Cao Đài

Trước hết, xin mạn phép định nghĩa chữ “phổ độ” của Cao Đài để tránh những hiểu lầm có thể có. “Phổ” nghĩa là khắp nơi. “Độ” nghĩa là giúp. Ghép chung hai từ lại sẽ có nghĩa là giúp đỡ tất cả chúng sinh (theo Cao Đài thì chúng sinh gồm cả người, động vật lẫn vật chất). Nhưng giúp về phương diện nào?

Chữ “độ” được dùng ở đây bắt nguồn từ một câu truyện trong Phật Giáo Nam Tông ở Trung Quốc. Truyện kể rằng Tổ Sư Phật Giáo ở Trung Quốc đời thứ năm là Hoằng Nhẫn chèo thuyền đưa Tổ Sư đời thứ sáu là Huệ Năng đi trốn những đệ tử quá khích đang muốn đoạt lại áo cà sa và bình bát – vốn là biểu tượng dùng để xác nhận một người là Tổ Sư đời kế tiếp. Lúc đó, để giữ bí mật, Tổ Hoằng Nhẫn dùng áo phủ lên người Tổ Huệ Năng rồi tự mình chèo thuyền. Tổ Huệ Năng lấy làm ái ngại nên mới nói với sư phụ của mình: ‘Bạch thầy, để con chèo thuyền “độ” thầy’. Tổ Hoằng Nhẫn trả lời: ‘Không, ta “độ” ngươi mới phải chứ!’

Cách chơi chữ rất thú vị của hai vị tổ sư đã giải thích rõ ràng chữ “độ” trong tiếng Trung Quốc. Tổ Huệ Năng dùng chữ “độ” nghĩa đen, là chèo thuyền đưa người đi. Tổ Hoằng

Nhẫn dùng chữ “độ” nghĩa bóng, ám chỉ dòng sông là bể khổ và “độ” nghĩa là giúp người cách vượt qua bờ bên kia, là nơi không còn nỗi khổ triền miên của kiếp người. Quả đúng như vậy, trước đó Tổ Hoằng Nhẫn đã trao phật pháp cho Tổ Huệ Năng – (nghĩa là giảng kinh Kim Cương cho Tổ Huệ Năng nghe). Nhờ đó, Tổ Huệ Năng đạt được Trí Huệ - nói theo kiểu bình dân là: thành Phật - và giải thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.

Chữ “độ” trong đạo Cao Đài cũng có nghĩa tương tự như thế. Xin lưu ý rằng “phổ độ” và “phổ tế” hoàn toàn khác nhau. Giúp loài người thoát khỏi những đau khổ về vật chất hay tinh thần ở thế gian là “phổ tế”. Giúp loài người đạt đến cứu cánh của tôn giáo Cao Đài là “phổ độ”.

Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn không cứu loài người theo nghĩa “phổ tế” (mặc dù Đức Chí Tôn có đủ quyền năng để làm như thế), mà là truyền bửu pháp (tức là dạy cho loài người cách thức tu tập) để con người tự mình trở về với Đức Chí Tôn nơi cảnh thiêng liêng hằng sống. Các tôn giáo khác gọi đó là thiên đàng, cực lạc quốc hay cõi vĩnh hằng vân vân ….

Một điểm quan trọng nữa là, theo những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống thì mọi chơn linh đều phải theo con đường luân hồi để tiến hóa. Tức là, sau một lần đầu kiếp, tinh thần người đó phải cao thượng hơn lên; và cứ thế càng nhiều lần đầu kiếp chơn linh đó càng tiến hóa cho đến khi nào về được Bạch Ngọc Kinh là nơi Đức Chí Tôn ngự. Dĩ nhiên cũng có trường hợp chỉ một lần đầu kiếp thôi, nhờ tu tập thành công mà chơn linh có thể tiến hóa nhiều đến mức vượt cấp lên thẳng Bạch Ngọc Kinh.

Nếu không có Đức Chí Tôn phổ độ, thì các chơn linh chỉ luân hồi chứ không tiến hóa. Có chơn linh trong quá trình luân hồi lại vấp phải lỗi lầm nên không những không tiến hóa mà còn thoái hóa nữa, tức là phải đầu kiếp xuống những địa hoàn thấp kém hơn.

Nói tóm lại, cứu cánh của một tín đồ Cao Đài là trở về với Đức Chí Tôn để tiến hóa đến chỗ tận thiện tận mỹ. Theo lời Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thì sự tiến hóa này vô cùng tận, thậm chí một chơn linh có thể tiến hóa đến mức tự mình tạo ra một vũ trụ mới để làm một “Đức Chí Tôn” khác trong chính vũ trụ đó. Đây cũng là một điều mới lạ, rất đặc trưng của triết lý Cao Đài so với triết lý các tôn giáo trong hai lần phổ độ trước.

Phương tiện của Cao Đài

Ngoài đời, người ta thường nói ‘Cứu cánh biện minh cho phương tiện’, ngụ ý cứ dùng mọi cách để đạt được mục đích, cho dù những cách đó có xấu xa độc ác. Một khi đạt được mục đích tốt đẹp rồi, thì những phương tiện xấu xa kia sẽ không bị chê trách nữa. Ví dụ như, khi cần dành chức Tổng Thống, người ta có thể dùng đủ mọi thủ đoạn như gian lận bầu cử, dùng tiền bạc mua chuộc cử tri, thậm chí thuê sát thủ giết chết kẻ đối lập. Đến khi làm Tổng Thống rồi, hào quang chiến thắng sẽ xóa mất dấu vết của những hành động đê hèn trước đó. Thậm chí có người khi nắm được quyền lực trong tay rồi, còn ra lệnh viết lại lịch sử để ngợi ca bản thân mình!

Đối với người tu học Cao Đài, quan điểm như thế là không phù hợp, bởi vì, trước tiên, quan điểm ấy đã vi phạm ít nhất là một trong ngũ-giới-cấm rồi! Phương tiện nào đi nữa cũng không được vi phạm các luật lệ của Cao Đài, đó là điều kiện tiên quyết!

Vậy thì, muốn đạt được cứu cánh là về với Đức Chí Tôn (tức là hiệp thiên), phải dùng phương tiện gì? Phật Giáo cho rằng có 84,000 pháp môn (cách tu tập) – con số này tượng trưng cho một đại lượng vô hạn, nghĩa là có vô số cách để thành Phật. Trong đạo Cao Đài do đặc tính dung hợp mọi triết lý tôn giáo nên số pháp môn cũng là vô hạn. Chọn cách nào là tùy vào từng cá nhân.

Tuy nhiên, tình trạng hỗn độn của thời mạt pháp đã sản sanh rất nhiều lý thuyết mang những cái tên đẹp đẽ. Lý thuyết nào cũng hướng tới những mục đích cao cả, lý thuyết nào cũng hứa hẹn sẽ đem con người đến với Thượng Đế, khiến cho người ta khó phân biệt đâu là “giả” đâu là “thật”. Vì thế cho nên, trong lần thứ ba này, chọn lựa cách để trở về với Đức Chí Tôn rất là khó khăn. Cũng chính vì thế, Đức Chí Tôn đã mở đạo Cao Đài và truyền thẳng pháp môn tu tập cho chúng sanh qua những Thể Pháp của tôn giáo Cao Đài. Mục đích là giúp những ai có niềm tin tuyệt đối nơi Đức Chí Tôn rút ngắn được thời gian tìm kiếm, không còn phải thử hết phương pháp này đến phương pháp khác nữa. Qua đó, con đường trở về với Ngài sẽ dễ dàng hơn.

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc dạy: “Không có điều chi ở Đền Thánh Tây Ninh là không có ý nghĩa.” Suy ra, có thể hiểu rằng các pháp môn tu tập của đạo Cao Đài đã được “bày ra” tại Đền Thánh Tây Ninh để cho con cái của Đức Chí Tôn tự mình chọn lựa. Tùy trình độ học vấn, môi trường văn hóa, phong tục tập quán mà bất cứ ai trên thế giới này khi quan sát Đền Thánh Tây Ninh, suy gẫm cặn kẽ, cũng sẽ tìm ra một phương pháp thích hợp với bản thân để trở về với Đức Chí Tôn.

Nói gọn lại, nhân loại nói chung và người tu học Cao Đài nói riêng, có thể dùng bất cứ phương tiện gì có biểu tượng tại Đền Thánh Tây Ninh ( trong đó có cả Tam Giáo Và Ngũ Chi) để đạt được cứu cánh là trở về với Đức Chí Tôn. Và muốn không bị lạc hướng thì hãy tham khảo những qui luật của đạo Cao Đài, bởi vì Đức Chí Tôn đã gói ghém những dặn dò cần thiết cho con cái của Ngài trong những qui luật đó.

Gợi ý một phương pháp

Nếu cảm thấy khó khăn trong chọn lựa thì xin tham khảo một trong những phương pháp tương đối dễ thực hiện của tín đồ Cao Đài để về với Đức Chí Tôn là: luyện Tam Bửu. Người ta vẫn thường nghĩ rằng luyện Tam Bửu là một pháp môn rất bí mật, rất “cao cấp” dành cho những nhân vật đặc biệt nào đó. Thực sự ra, nếu đọc kỹ giáo huấn của Đức Chí Tôn thì sẽ thấy ngay là điều đó không đúng. Đức Chí Tôn dạy rằng “Muốn phổ độ phải làm sao? Phải bày bửu pháp ra chớ không dấu nữa” Rõ ràng trong đạo Cao Đài không có gì là bí mật cả. Vấn đề là con cái của Đức Chí Tôn có nhìn thấy hay không mà thôi.

Mỗi ngày cúng tứ thời, tín đồ Cao Đài đều nguyện dâng Tam Bửu cho Đức Chí Tôn. Và đến hết thời cúng mọi người đều nghĩ thế là xong: Tôi đã dâng Tam Bửu cho Đức Chí Tôn rồi đó! Đây là một hướng suy nghĩ thụ động. Đức Chí Tôn cần chi Tam Bửu của những cá nhân nhỏ nhoi đầy tội lỗi! Thực ra, đó là lời nhắc nhở của Đức Chí Tôn đối với con cái của Ngài “Này các con, các con đã (rèn) luyện tam bửu chưa mà đòi dâng cho Thầy vậy?” Vậy thì tôi phải tự xét xem tam bửu của tôi có hoàn hảo chưa. Nếu chưa, thì phải (rèn) luyện trước khi nói đến việc dâng lên cho Đức Chí Tôn.

Có lẽ cần phải phân tích kỹ tam bửu thì mới thấy rõ tín đồ Cao Đài cần phải “tập” luyện những gì, ở đâu,khi nào cho có hiệu quả. Trước hết, tam bửu nghĩa là ba điều quí báu của một con người. Đó là Tinh (thể xác), Khí (ý thức) và Thần (linh hồn). Đức Chí Tôn đã dùng cơ cấu tổ chức của đạo Cao Đài để tượng trưng cho ba điều quí báu này. Cửu Trùng Đài tượng trưng cho Tinh, Hiệp Thiên Đài tượng trưng cho Khí và Bát Quái Đài tượng trưng cho Thần. Cách hoạt động của ba đài này cũng chính là chức năng của tinh, khí, thần nơi một con người.

Vậy luyện tam bửu là gì? “Luyện” là rèn luyện, tập luyện. “Luyện tam bửu” là rèn luyện để cho thể xác, ý thức và linh hồn (Tinh, Khí, Thần) hòa hợp đến mức độ cao nhất. Nói theo ngôn ngữ của các bậc tiền bối thì: ở mức độ đó, Đức Chí Tôn sẽ ân điển cho con người được mở Huệ Quang Khiếu. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì: ý thức con người sẽ bùng vỡ và chuyển hóa thành sự sáng suốt tột đỉnh. Đó cũng chính là trạng thái mà tín đồ Cao Đài gọi là hiệp một với Chí Tôn Thượng Đế.

Xét phần thứ nhất là Thần, hay là linh hồn, thì một cá nhân như tôi không có thể tác động gì vào linh hồn của chính mình, bởi vì Thần – tức là Bát Quái Đài là do Đức Chí Tôn chủ quản. Nói cho dễ hiểu thì Đức Chí Tôn chính là linh hồn của tôi. Đức Chí Tôn đã dạy rằng không thể nhìn thấy hay đụng chạm vào phần này được, mà chỉ có thể cảm nhận được linh hồn qua những lần bị lương tâm cắn rứt. Vậy, đối với linh hồn, tôi không thể rèn luyện gì khác hơn là giữ đầu óc cho thật bình tĩnh trong mọi tình huống (người xưa gọi là tịnh tâm) để lắng nghe tiếng nói của lương tâm. Ví dụ, khi tôi gặp một ông cụ già yếu bệnh tật, không cháu con nuôi dưỡng, tự nhiên tôi liên tưởng đến cha tôi, rồi tôi cảm thấy có một tình cảm nồng nàn đối với cụ già kia. Đó chính là tiếng nói của lương tâm, chính là một trong số vô vàn tác động của phần linh hồn hay là “Thần” của tôi.

Thứ hai, Tinh, tức là Thể xác, là phần tôi có thể có chút tác động vào. Thể xác tôi hoạt động theo bài bản đã được lập trình từ trước ở Diêu Trì Cung. Nhưng tôi cũng phải góp phần chăm sóc, thì thể xác mới hoạt động tốt. Thể xác có hoạt động tốt thì mới dâng lên cho Đức Chí Tôn được. Vậy phần này tôi chỉ cứ việc chăm sóc tốt là được.

Có câu hỏi là chăm sóc như thế nào? Có cần phải nhịn ăn, tập yoga đến mức điêu luyện hay nhịn thở năm sáu phút gì đó không? Xin thưa là muốn làm gì cũng được. Miễn là không trái với phép dưỡng sinh y học hiện nay và đừng phạm ngũ giới cấm là được. Có một điều thú vị ở đây là vào giữa thập niên 1920, lúc đạo Cao Đài còn trong thời kỳ phôi thai, khi nghe Đức Chí Tôn dạy phải giữ tối thiểu là mười ngày chay một tháng, nhiều người cho rằng như thế là phản khoa học, không đủ dinh dưỡng. Nhưng mới đây, khoa dưỡng sinh hiện đại đã công bố không nên ăn nhiều thịt cá, mà phải ăn nhiều rau trái để tránh những căn bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch vv…… Đây cũng là ví dụ để chứng minh rằng qui luật của đạo Cao Đài không những phù hợp khoa học mà còn đi trước khoa học một bước.

Thứ ba là Khí, tức là phần tư tưởng của con người. Chính phần này là phần cần phải “tập”luyện nhiều nhất vì Khí đóng vai trò hệ trọng trong việc kết hợp Tinh và Thần. Muốn kết hợp được tam bửu thì phần tinh thần phải cực kỳ mạnh mẽ chống lại những cám dỗ trần tục. Chính vì thế mà biểu tượng của phần này là Hộ Pháp mặc khôi giáp ngự trên ngai Thất Đầu Xà (rắn bảy đầu), ngụ ý phải rèn luyện tư tưởng để chế ngự bảy tình cảm đời thường của chúng ta. Biểu tượng này cũng khẳng định một khác biệt so với quan niệm của các tu sĩ trong lần phổ độ thứ nhất và thứ hai. Trước kia, người ta cho rằng phải “diệt dục”- nghĩa là từ bỏ mọi ham muốn - thì mới về được với Đức Chí Tôn. Nhưng bây giờ, nhìn biểu tượng Hộ Pháp ngồi trên ngai Rắn-Bảy-Đầu thì thấy: hai tay của Ngài đè lên hai đầu rắn Nộ, Ai; hai chân đạp lên đầu rắn Ố, Dục. Còn lại ba đầu Hỉ, Ái, Lạc thì vươn lên sau lưng, nhìn thẳng vào đỉnh đầu của Ngài. Như vậy, trong lần phổ độ thứ ba, Đức Chí Tôn dạy tôi phải kềm chế (chứ không phải từ bỏ) bốn tình cảm tiêu cực là Giận Giữ, Buồn Bã, Ganh Ghét và Ham Muốn. Trái lại, ba tình cảm Thương Yêu, Vui Mừng, Hạnh Phúc thì được nuôi dưỡng. Dĩ nhiên, cách kềm chế và nuôi dưỡng những tình cảm này phải nằm trong khuôn phép của luật lệ Cao Đài thì mới tránh được sai lầm do thái quá và bất cập.

Do luyện Tinh – tức là rèn luyện cơ thể - là một quá trình cần phải thực hiện liên tục suốt cuộc đời, luyện Khí cũng phải như thế, không một giây ngừng nghỉ, nên tôi hiểu rằng phải thực hiện việc luyện tam bửu bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống của tôi. Mặc dù có luật vào Tịnh Thất để luyện tam bửu, nhưng đó chẳng qua là một giai đoạn tập luyện tập trung hơn chứ không phải bắt buộc phải vào đó mới bắt đầu tập luyện giữ gìn sức khỏe hay theo dõi kềm chế những tình cảm của mình. Và cũng không hề có khẳng định nào là vào Tịnh Thất rồi thì sẽ có thể hiệp một với Đức Chí Tôn hoặc sẽ về với Ngài dễ hơn.

Kết

Nói tóm lại, tín đồ Cao Đài dùng phương tiện là luyện tam bửu để đạt được cứu cánh là hiệp thiên. Nghĩa là giữ sức khỏe theo khoa học dưỡng sinh hiện đại, theo dõi, kềm chế những tình cảm trong đời thường không cho phát triển quá lố, và giữ bình tĩnh lắng nghe tiếng nói của lương tâm. Nếu thường xuyên tập luyện thì mức độ hòa hiệp giữa thể xác, tinh thần và linh hồn sẽ ngày càng tăng tiến đến mức đạt đến trạng thái hiệp một với Đức Chí Tôn. Khi đã “hiệp thiên” rồi thì mọi chuyện kế tiếp như thoát khỏi luân hồi, hay là về cực lạc niết bàn hay là đạt lục thông gì gì đó đều sẽ được tự động giải quyết.

Từ Chơn

tuuchoon@gmail.com