Tài chính cá nhân tân sinh viên - hành trang không thể thiếu khi vào đại học

Tài chính cá nhân là một trong những vấn đề quan trọng, không chỉ của những nhà đầu tư mà còn là vấn đề của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất. Lần đầu đi học xa nhà, chi tiêu như thế nào là hợp lý, quản lý tài chính cá nhân như thế nào để không “sạch túi” hẳn chính là điều các bạn quan tâm.

Quản lý tài chính cá nhân cho tân sinh viên để vấn đề tài chính không còn là nỗi lo

Tại sao lại phải học cách quản lý tài chính cá nhân? Chi tiêu thông minh mang lại những lợi ích gì về mặt tài chính cho các bạn trẻ? Cần chú ý điều gì để tối ưu nhất mọi khoản tiền bản thân đang có? Bài viết này sẽ giúp các bạn tân sinh viên trả lời những thắc mắc trên.

Tại sao các bạn tân sinh viên nên học cách quản lý tài chính cá nhân ngay những năm đầu đại học?

Từ một học sinh chuyển tiếp lên thành một sinh viên đại học sống xa nhà, cá nhân mỗi người đều phải tự lập để lo cho cuộc sống của bản thân. Cuộc sống tự lập này muôn màu muôn vẻ với nhiều thứ hay ho khiến không ít bạn quên mất bài toán tài chính. Để rồi chưa đến cuối tháng nhưng tiền túi còn lại không bao nhiêu. Từ đó, ta có thể thấy được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân. Tại sao điều này lại cần thiết đến vậy?

  • Hiểu về tình hình của bản thân: Khi bạn quản lý chi tiêu hợp lý, bạn sẽ hiểu được sức khỏe tài chính hiện tại của mình đang như thế nào. Nhờ đó, bạn sẽ biết được mình có cần thêm nguồn thu nhập hoặc phải giảm chi tiêu hay không.


  • Hình thành thói quen chi tiêu thông minh: Khi không lập bản quản lý tài chính cá nhân, bạn sẽ tiêu tiền vô tội vạ để rồi cuối tháng nhận ra mọi biến động trong dòng tiền của bản thân hầu như chỉ có chi chứ không có thu. Ngược lại, tự quản lý tài chính của bản thân sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan những gì cần mua, những gì không. Từ đó, bạn sẽ trở thành một người dùng tiền thông thái.

Quy tắc 50/30/20 - phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả các bạn tân sinh viên nên biết

Đối với nhiều người, quy tắc 50/30/20 hẳn đã không còn xa lạ nữa. Với quy tắc này, nguồn tiền của bạn sẽ được phân bổ vào 3 mục chính: nhu cầu, mong muốn và tiết kiệm. Cùng tìm hiểu kỹ hơn số tiền của bạn sẽ được phân chia và quản lý như thế nào nhé.


  • 50% cho các nhu cầu: Nhu cầu là những gì thiết yếu nhất bạn cần cho cuộc sống thường ngày của bạn như tiền thuê nhà, chi phí xăng xe, tiền ăn, các hóa đơn,... Khi cân nhắc tài chính cá nhân, bạn cần dành một nửa số tiền bản thân cho mục này.


  • 30% cho các mong muốn: Những điều bản thân mong muốn là những thứ không thực sự thiết yếu nhưng bạn vẫn muốn để thỏa mãn sở thích chính mình. Các khoản mong muốn thường biến động giữa các tháng và tùy thuộc vào sở thích từng người nhưng bạn vẫn chỉ nên dùng 30% trong tổng số tiền bạn có cho mục này.


  • 20% cho tiết kiệm: Có một khoản tiết kiệm đề phòng những trường hợp xấu xảy ra bất ngờ là điều vô cùng cần thiết. Do đó, các bạn tân sinh viên đừng quên dành 20% thu nhập để dự phòng cho tương lai.


3 lời khuyên quản lý tài chính cá nhân giúp tân sinh viên ổn định “túi tiền” trong 4 năm đại học

Để giúp các bạn sinh viên mới hiểu được nên làm thế nào để bài toán về tài chính cá nhân được giải quyết hiệu quả nhất, mời bạn xem hết 3 lời khuyên dưới đây. Chắc chắn chúng sẽ giúp ích cho bạn kha khá kinh nghiệm quản lý chi tiêu đấy.

  • Ghi chép chi tiêu: Đây hẳn là cách dễ nhất cũng là cách phổ biến nhất được các bạn sinh viên sử dụng. Hãy ghi lại những khoản thu - chi, dù là nhỏ nhất, để bạn biết được tháng này mình đã dùng tiền vào những việc gì. Từ đó bạn có thể điều chỉnh túi tiền bản thân tốt hơn.


  • Lập kế hoạch tài chính cá nhân: Kế hoạch tài chính của mỗi người sẽ khác nhau tùy theo nhu cầu và cách sống. Do đó, hãy lập một kế hoạch của riêng mình thay vì nhìn vào cách tiêu tiền của người khác. Bạn có thể dựa vào quy tắc 50/30/20 đã nêu để lên kế hoạch hoặc tham khảo các quy tắc khác như quy tắc 6 chiếc lọ.


  • Chỉ mua những thứ thực sự cần: Vì là sinh viên nên kinh tế còn hạn hẹp nhưng cuộc sống này lại đầy cám dỗ nên việc bạn dễ hoa mắt trước những món đồ đắt tiền là điều khó tránh. Tuy nhiên, bạn cần lý trí, thực hiện theo kế hoạch tài chính đã nêu và chỉ mua những thứ thực sự cần để không “cháy túi” nhé.


Trên đây là quy tắc cũng như các cách chi tiêu thông minh giúp các bạn tân sinh viên quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Hy vọng bài viết này đã phần nào giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề tài chính trong những năm đại học.