Năm 2021

90. Đỗ Anh Duy, Đỗ Văn Khương, Nguyễn Văn Hiếu (2021). Đề xuất quy hoạch khu bảo tồn biển Thổ Chu, Kiên Giang. Khoa học và Công nghệ Nghề cá biển; Tập 1/2021: 13-20.

Cụm đảo Thổ Chu nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với 08 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 1,4 km2. Kết quả điều tra từ các chuyến khảo sát tháng 3/2011 và tháng 10/2015 của Viện nghiên cứu Hải sản cho thấy, tài nguyên sinh vật tại vùng biển này phong phú và đa dạng với 1.101 loài sinh vật biển được xác định. Dựa trên 06 nhóm tiêu chí: 1- Tiêu chí về môi trường tự nhiên; 2- Tiêu chí về đa dạng sinh học và nguồn lợi; 3- Tiêu chí về kinh tế xã hội; 4- Tiêu chí về tầm quan trọng đối với khoa học; 5- Tiêu chí về các đe dọa đến hệ sinh thái và môi trường và 6- Tiêu chí về tính khả thi thiết lập khu bảo tồn cho thấy, cụm đảo Thổ Chu đáp ứng được các tiêu chí cơ bản để công nhận là một khu bảo tồn biển.

91. Đinh Thanh Đạt, Đỗ Anh Duy, Trần Văn Hướng (2021). Đặc điểm sinh thái quần xã rong biển ven quần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 19(7): 875-884.

Nghiên cứu này nhằm cung cấp thông tin về các đặc trưng sinh thái của quần xã rong biển tự nhiên tại vùng biển ven quần đảo Phú Quý. Bằng phương pháp khảo sát dây mặt cắt (Line - intercept method) có sử dụng thiết bị lặn (SCUBA), chúng tôi tiến hành nghiên cứu 24 mặt cắt cố định trong 2 năm 2017-2018 tại vùng biển ven quần đảo Phú Quý, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 136 loài, 36 họ, 21 bộ thuộc 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong đỏ (Rhodophyta) có số loài được xác định nhiều nhất (chiếm 44,85%). Khu hệ rong biển mang tính chất nhiệt đới (P = 3,3). Nền đáy cứng là nơi tập trung hầu hết số loài từ vùng triều đến vùng dưới triều tới độ sâu 20m. Một số khu vực phân bố tập trung loài, nhóm loài rong có sinh khối lớn, mật độ cao như ở Hòn Tranh có nhóm rong guột (Caulerpa) đạt độ phủ 100%, sinh lượng từ 500-10.880g tươi/m2; phía Đông, Tây Bắc Phú Quý và khu Mộ Thầy có nhóm rong mơ (Sargassum) đạt độ phủ từ 35-60%, sinh lượng đạt từ 600-6.200g tươi/m2. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho các nhà khoa học, nhà quản lý định hướng công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi rong biển tại đảo Phú Quý.

92. Nguyễn Kim Thoa, Đỗ Anh Duy, Bùi Minh Tuấn, Trần Văn Hướng, Phùng Văn Giỏi (2021). Thực vật ngập mặn khu vực sông Thạch Hãn và Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 19(7): 913-922.

Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 12/2019 và tháng 8/2020 để đánh giá hiện trạng phân bố thực vật ngập mặn tại khu vực sông Thạch Hãn và sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 16 loài thuộc 13 họ, 3 lớp của 2 ngành thực vật (ngành dương xỉ và ngành hạt kín). Trong đó, bần chua (Sonneratia caseolaris) là loài phân bố chính tại các khu vực này, chiếm diện tích phân bố trên 60%. Tại khu vực sông Bến Hải, chủ đạo là rừng bần tự nhiên, mọc rải rác tạo thành những dải hẹp ven sông. Tại khu vực sông Thạch Hãn là những rừng bần trồng tại vùng triều lầy thụt và trong các đầm nuôi trồng thuỷ sản được Nhà nước thu lại để phát triển rừng. Diện tích phân bố rừng ngập mặn tại khu vực sông Thạch Hãn lớn, phân bố tập trung hơn so với khu vực sông Bến Hải. Độ tán che phủ của rừng trung bình đạt 84,0%; mật độ trung bình đạt 72,4 cây/100 m2. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bức tranh tổng quan nhất về hiện trạng thực vật ngập mặn phân bố tại hai khu vực này.

93. Nguyễn Kim Thoa, Đỗ Anh Duy, Bùi Minh Tuấn, Trần Văn Hướng, Phùng Văn Giỏi, Đồng Thị Dung, Nguyễn Văn Long, Thái Minh Quang (2021). Các loài thực vật ngập mặn thực thụ phân bố tại khu vực hạ lưu sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Khoa học và Công nghệ Nghề cá biển; Tập 2/2021: 14-21.

Từ kết quả điều tra, nghiên cứu vào tháng 12/2019 và tháng 8/2020 tại vùng rừng ngập khu vực hạ lưu sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận được 7 loài thực vật ngập mặn thực thụ thuộc 6 họ, 6 bộ, 2 lớp của 2 ngành thực vật. Trong đó, ngành Dương xỉ (Pteridophyta) có 1 loài, ngành Hạt kín (Angiospermae) có 6 loài. Rừng ngập mặn tại khu vực hạ lưu sông Thạch Hãn chủ yếu là rừng bần chua (Sonneratia caseolaris) trồng tại vùng triều lầy thụt và trong các đầm nuôi trồng thuỷ sản được nhà nước thu lại để phát triển rừng. Quần xã rừng bần trồng có mật độ và kích thước cây tương đối đồng đều, chiếm diện tích trên 80% tổng số diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này. Bảy loài thực vật ngập mặn thực thụ được mô tả chi tiết về đặc điểm sinh thái học là cơ sở để góp phần nhận dạng loài cũng như cách sử dụng chúng một cách hữu ích cho các mục đích của con người.

94. Lưu Ngọc Thiện, Đỗ Anh Duy, Nguyễn Công Thành (2021). Hiện trạng môi trường nước, trầm tích quần đảo Nam Du, Kiên Giang, Việt Nam. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ; Tập 57, Số 2A (2021): 21-27.

Mục đích chính của bài báo nhằm cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng nước biển, trầm tích thông qua hai đợt khảo sát năm 2017 - 2018 ở 24 điểm thu mẫu trong quần đảo Nam Du. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng tương đối thấp các các thông số dinh dưỡng (NO2-, NO3-, NH4+, PO43-) ghi nhận được tại các trạm quan trắc và chỉ số RQtt được tính bởi các thông số này đang ở ngưỡng an toàn về môi trường. Hàm lượng cyanide (CN-) trong nước biển dao động từ 0,96 đến 2,01µg/L trong khi hàm lượng kim loại nặng (Cd, As, Pb) dao động từ hàm lượng vết đến 0,09 µg/L; từ 2,5 đến 3,8 µg/L; từ 0,28 đến 1,78 µg/L; tương ứng. Nhìn chung, Các giá trị đo được ở mức dưới ngưỡng cho phép theo QCVN 10MT:2015/BTNMT. Hàm lượng nitơ tổng (Nts) trong trầm tích dao động từ 39,2 đến 367,6 mg/kg trong khi hàm lượng photpho tổng (Pts) dao động từ 5,7 đến 39,4 mg/kg. Thành phần carbon hữu cơ dao động từ 0,29 đến 1,05%. Kết quả của nghiên cứu phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi rong biển tại đảo Nam Du.

95. Trần Văn Hướng, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Anh Duy, Vũ Quyết Thành, Nguyễn Khắc Bát (2021). Bước đầu nghiên cứu thành phần loài và phân bố cá rạn san hô vùng biển ven quần đảo Hải Tặc, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ; Tập 57, Số 4A (2021): 93-101.

Kết quả nghiên cứu quần xã cá rạn san hô bằng phương pháp dây mặt cắt, sử dụng thiết bị lặn (scuba) tại quần đảo hải tặc thuộc thành phố hà tiên trong hai năm 2018 - 2019 đã xác định được 57 loài cá rạn san hô thuộc 36 giống, 24 họ, 6 bộ, 1 lớp. Hai loài được ghi nhận thuộc danh mục sách đỏ việt nam năm 2007. Thành phần loài cá ghi nhận được ở mùa gió đông bắc cao hơn mùa gió tây nam là 8 loài. Hệ sinh thái rạn san hô có số lượng loài chiếm ưu thế hơn hệ sinh thái cỏ biển. Chỉ số đa dạng thuộc mức tốt (h' = 2,25). Mật độ trung bình đạt 608,3±443,0 cá thể/ 500 m2, mật độ tại mùa gió tây nam thấp hơn mùa gió đông bắc. Nhóm cá có kích cỡ < 10 cm chiếm trên 80% số lượng cá thể bắt gặp. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung cho dữ liệu đa dạng nguồn lợi nhóm cá rạn san hô vùng biển ven đảo tây nam bộ.

96. Đỗ Anh Duy, Đỗ Văn Khương, Bùi Minh Tuấn, Phùng Văn Giỏi, Nguyễn Kim Thoa (2021). Phát triển kinh tế biển từ mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Địa lí nhân văn với việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội ngày 02/11/2021: 97-110.

Rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh, 1837) và rong sụn (Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty ex P.C. Silva, 1996) là những loài rong biển có giá trị cao, chứa nhiều chất khoáng, vi lượng và vitamin, rất có lợi cho sức khỏe con người và là nguyên liệu chính để chiết xuất keo carrageenan. Kết quả phát triển mô hình trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trong hai năm 2018 - 2019 cho thấy, sau mỗi đợt nuôi trồng (30 - 35 ngày), rong phát triển tốt, năng suất rong toàn tản đạt khoảng 4.604 ± 785 g rong tươi/vỉ lưới; tốc độ sinh trưởng đạt 1,78 ± 0,26 %/ngày; tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản đạt 63,0 ± 3,72 %, trong đó tỷ lệ khối lượng thân đứng trên 5 cm (phần sử dụng làm thực phẩm) so với toàn tản đạt 29,2 ± 1,92 %; khối lượng rong thu hoạch trung bình đạt khoảng 1.346 ± 154 g/vỉ. Kết quả phát triển mô hình trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) năm 2018 - 2019 cho thấy, sau mỗi đợt nuôi (60 ngày), rong cũng phát triển rất tốt, năng suất trung bình toàn bụi đạt khoảng 700 ± 68 g rong tươi/bụi, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày. Kết quả nghiên cứu đã mở ra triển vọng phát triển nuôi trồng các loài rong này tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam.

97. Bùi Minh Tuấn, Nguyễn Khắc Bát, Nguyễn Ngọc Tuấn, Đỗ Anh Duy, Hoàng Đình Chiều (2021). Thành phần loài động vật thân mềm chân bụng (Gastropoda) tại vùng biển Cồn Cỏ. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2021: 104-110.

Nghiên cứu về thành phần loài và phân bố của động vật thân mềm chân bụng (Gastropoda) tại vùng biển đảo Cồn Cỏ được thực hiện vào tháng 7/2020, khảo sát 10 mặt cắt từ CCS1 đến CCS10. Kết quả đã xác định được 82 loài thuộc 40 giống, 24 họ, 6 bộ tại khu vực này. Trong đó, có 2 loài ốc bị đe dọa là ốc đụn đực và ốc đụn cái (được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, (2007) và 3 loài ốc ăn san hô. Mật độ trung bình loài là 2,3 cá thể/m2. Kết quả nghiên cứu này góp phần bổ sung đa dạng thành phần loài động vật thân mềm chân bụng tại vùng biển Cồn Cỏ, Quảng Trị là cơ sở cho việc quy hoạch và bảo vệ nguồn lợi vùng biển đảo Việt Nam.

98. Đỗ Anh Duy, Trần Văn Hướng, Bùi Minh Tuấn, Phùng Văn Giỏi, Nguyễn Kim Thoa, Nguyễn Văn Long, Thái Minh Quang (2021). Nguồn giống định cư một số loài thuỷ sản tại vùng rừng ngập mặn khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt. Khoa học và Công nghệ Nghề cá biển; Tập 4/2021: 13-20.

Kết quả điều tra, nghiên cứu vào tháng 12/2019 và tháng 7/2020, đã ghi nhận 06 bãi giống thủy sản quan trọng tại vùng rừng ngập mặn khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt, với tổng diện tích các bãi giống vào khoảng 56,3 ha. Đối tượng con giống tại các bãi giống là những loài đại diện cho vùng cửa sông, rừng ngập mặn ven biển như cá đối lưng xanh, cá hói, cá móm, cá nác, tôm sú, tôm đất, cua xanh, cáy, ngao, vạng... Mùa vụ xuất hiện con giống tập trung từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Mật độ nguồn giống ghi nhận tại các bãi giống khu vực Cửa Việt trung bình đạt 234,0 ± 79,8 con giống/100 m2; tại Cửa Tùng đạt 154,9 ± 19,3 con giống/100 m2. Trong các nhóm nguồn giống, giống cá đối lưng xanh và cáy rừng ngập mặn là những loài đặc trưng và có mật độ con giống cao nhất. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo vệ các khu duy trì nguồn giống thủy sản, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt.

99. Cao Đức Tuấn, Hoàng Thị Hồng Liên, Đỗ Anh Duy, Lê Thị Hồng Minh, Đoàn Thị Mai Hương, Phạm Văn Cường, Yong-Ho Kim, Đặng Văn Chức, Nguyễn Văn Hùng (2021). Một số hợp chất có hoạt tính kháng sinh phân lập từ chủng vi nấm biển Cát Bà, Hải Phòng, Việt Nam. Tạp chí Y học Việt Nam. Tập 509, Số chuyên đề tháng 12/2021: 201-208.

Trong chương trình tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính kháng sinh từ vi nấm biển, cặn chiết ethyl acetate của chủng vi nấm biển Aspergillus sp. M445, phân lập từ trầm tích thu nhận ở vùng biển Cát Bà thành phố Hải Phòng, thể hiện hoạt tính ức chế sự phát triển 2 chủng vi khuẩn Gram dương (Enterococcus faecalis ATCC29212, Bacillus cereus ATCC14579) và 1 chủng nấm (Candida albicans ATCC10231). Bài báo này báo cáo kết quả phân lập, xác định cấu trúc và hoạt tính kháng vi sinh vật 6 hợp chất từ chủng vi nấm biển M445 là germicidine A (1), 2phenylacetic acid (2), indole-3-carboxylic acid (3), 3-indolecarbadehyde (4), N-[2-(1H-indol-3yl)-2-oxo-ethyl] acetamide (5) và 1H-indole-3ethanol (6). Hợp chất 2 và 6 ức chế chọn lọc Escherichia coli ATCC25922 với giá trị MIC tương ứng là 32 và 8 µg/mL và hợp chất 1 ức chế 5/7 chủng vi sinh vật thử nghiệm với giá trị MIC 32-128 µg/mL; các hợp chất còn lại không thể hiện hoạt tính. Kết quả cho thấy tiềm năng sản xuất chất kháng sinh germicidine A của chủng vi nấm M445.

100. Hoàng Đình Chiều, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Anh Duy, Nguyễn Khắc Bát, Nguyễn Văn Nguyên (2021). Kết quả nghiên cứu nổi bật về đa dạng sinh học và bảo tồn biển Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tháng 12/2021: 139-151.

Công tác điều tra, nghiên cứu, đánh giá đa dạng sinh học và bảo tồn biển Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ những kết quả đã đạt được, bài viết này đã đánh giá tổng hợp những thành tựu nổi bật về đa dạng sinh học và bảo tồn biển Việt Nam giai đoạn 2010-2020 trên các khía cạnh: (1) Thực trạng đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái biển điển hình; (2) Công nghệ ứng dụng bảo tồn biển; (3) Thiết lập, hoạt động và quản lý các khu bảo tồn biển. Những kết quả nghiên cứu này đã được các bộ, ngành, địa phương và các khu bảo tồn biển sử dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần thiết thực cho công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái biển tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ sở khoa học để đánh giá, định hướng những nghiên cứu phục hồi đa dạng sinh học và ứng dụng các công nghệ bảo tồn biển trong giai đoạn tới.

101. Đỗ Anh Duy, Trần Văn Hướng, Bùi Minh Tuấn, Phùng Văn Giỏi, Nguyễn Kim Thoa, Nguyễn Văn Long, Thái Minh Quang (2021). Nguồn giống một số loài thủy sản tại các bãi giống quan trọng khu vực biển ven đảo Cồn Cỏ và lân cận (Cửa Tùng và Cửa Việt). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tháng 12/2021: 139-151.

Kết quả điều tra, nghiên cứu vào tháng 12/2019 và tháng 7/2020, đã ghi nhận 6 bãi giống thủy sản quan trọng của một số loài thủy sản tại khu vực biển ven đảo Cồn Cỏ, Cửa Tùng và Cửa Việt, với tổng diện tích các bãi giống vào khoảng 81,7 ha. Đối tượng con giống tại các bãi giống là những loài đại diện cho vùng rạn san hô và vùng cửa sông ven biển như cá dìa (bông, trơn, cana), cá nâu/hói, cá mú/song (điểm gai, sáu sọc, chấm tổ ong, chấm lam, sáu sọc, mú than), mực nang, mực sim, hải sâm đen, ốc đụn, bào ngư xanh/bầu dục… Tùy từng loài có mùa vụ xuất hiện con giống khác nhau nhưng tập trung từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Mật độ nguồn giống ghi nhận tại các bãi giống khu vực biển ven đảo Cồn Cỏ trung bình đạt 50,0 ± 17,7 con giống/100 m2 (không tính mật độ con giống hải sâm đen và ốc đụn); tại Cửa Tùng đạt 36,8 ± 10,4 con giống/100 m2 và tại Cửa Việt đạt 40,7 ± 12,0 con giống/100 m2. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho việc khoanh vùng bảo vệ các khu duy trì nguồn giống thủy sản, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực Cồn Cỏ, Cửa Tùng và Cửa Việt.

102. Trần Văn Hướng, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Anh Duy, Hoàng Thị Thùy Dương, Vũ Quyết Thành, Bùi Minh Tuấn, Đồng Thị Dung, Nguyễn Khắc Bát (2021). Phân bố loài trai tay gấu (Hippopus hippopus (Linnaeus, 1758)) tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tháng 12/2021: 183-192.

Kết quả nghiên cứu các mẫu vật từ hai chuyến điều tra năm 2020 -2021 tại 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã xác định được loài Hippopus hippopus phân bố tại đảo Tốc Tan, đảo Thuyền Chài và đảo Đá Lớn. Khu vực phân bố là “Hồ giữa bãi” và “bề mặt bãi cạn” ở nền đáy cát có sự phân bố của cỏ biển và san hô. Mật độ phân bố tại đảo Thuyền Chài là 3,83 cá thể/500 m2 và Tốc Tan là 3,80 cá thể/500 m2, đảo Đá Lớn là 1,00 cá thể/500 m2. Tương quan chiều dài khối lượng theo phương trình Wt = 0,015L2,201 (R² = 0,813), tương quan chiều dài và khối lượng vỏ theo phương trình Wv= 0,001L2,542 (R² = 0,913). Tần suất bắt gặp nhóm chiều dài từ 150 mm - 200 mm chiếm tỷ lệ cao nhất 33,33%, tần suất bắt gặp nhóm khối lượng cơ thể dưới 2.000 g, chiếm 90,32% và tần suất nhóm có khối lượng vỏ dưới 1.000 g chiếm 60,10%. Độ sâu phân bố dao động từ 1,0 m - 5,5 m nước và tập trung nhiều ở dải độ sâu từ 1,0 m 2,5 m nước chiếm gần 50%. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá nguồn lợi tại một số đảo và cần mở rộng phạm vi nghiên cứu ra toàn vùng biển quần đảo Trường Sa để có căn cứ khoa học khoanh vùng bảo tồn và phát triển nguồn lợi.

103. Đỗ Anh Duy, Trần Văn Hướng, Hoàng Thị Hồng Liên, Vũ Thị Thu Huyền, Lê Thị Hồng Minh, Đoàn Thị Mai Hương, Phạm Văn Cường, Hye Gwang Jeong, Nguyễn Văn Hùng, Cao Đức Tuấn (2021). Nghiên cứu phân lập một số chủng vi nấm biển có hoạt tính kháng viêm từ vùng biển Bái Tử Long. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tháng 12/2021: 342-351.

Vùng biển Bái Tử Long, thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh có giá trị đa dạng sinh học cao, tài nguyên sinh vật phong phú, có tiềm năng lớn cho nuôi cấy, phân lập các chủng vi nấm biển có hoạt tính sinh học. Kết quả thu thập mẫu vật từ ngày 27/8/2019 - 02/9/2019 tại vùng biển Bái Tử Long bằng phương pháp lặn sâu có khí tài SCUBA đã thu thập được 128 mẫu vật gồm 15 mẫu nước, 15 mẫu trầm tích và 98 mẫu sinh vật biển phục vụ cho nghiên cứu phân lập vi nấm biển. Trong các mẫu vật sinh vật biển, Hải miên thu thập được 42 mẫu của 24 loài; tiếp đến là động vật Thân mềm (26 mẫu, 13 loài); động vật Da gai (14 mẫu, 8 loài); San hô mềm (5 mẫu, 3 loài); động vật Giáp xác (3 mẫu, 2 loài); Rong biển (1 mẫu, 1 loài) và các nhóm khác (Hải quỳ, Hải tiêu, Giun đốt: 7 mẫu, 5 loài). Từ các mẫu biển thu thập đã phân lập được 25 chủng vi nấm biển với hình thái và màu sắc khuẩn lạc khác nhau. Các chủng vi nấm biển đã phân lập có nguồn gốc đa dạng, trong đó Hải miên có số lượng vi nấm biển được phân lập nhiều nhất (9 chủng); tiếp đến là trầm tích (6 chủng); động vật Da gai (3 chủng); động vật Thân mềm (2 chủng); Hải quỳ (2 chủng) và Rong biển (2 chủng). Thử nghiệm hoạt tính kháng viêm cho thấy 18/25 chủng vi nấm biển thể hiện hoạt tính ức chế sản sinh NO kích hoạt bởi LPS trên tế bào RAW264.7 ở các nồng độ thử nghiệm. Trong đó, đã xác định được giá trị IC50 của 3 chủng vi nấm biển (M561, M425 và M586) và chủng M561 có giá trị IC50 tương tự với chứng dương Butein (9,63 ± 0,23 µg/ml so với 4,57 ± 0,22 µg/ml). Các kết quả thu nhận được cho thấy vi nấm biển tại vùng biển Bái Tử Long là nguồn nguyên liệu tiềm năng để phân lập các hợp chất có hoạt tính kháng viêm phục vụ cho các ngành công nghiệp, y học và dược liệu biển.

104. Nguyễn Văn Nguyên, Phạm Thị Mát, Lê Thanh Tùng, Đỗ Anh Duy (2021). Nghiên cứu ứng dụng rong biển ở Việt Nam, hiện trạng và triển vọng. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tháng 12/2021: 361-369.

Rong biển là thực phẩm giàu dinh dưỡng cung cấp các chất khoáng vi lượng và đa lượng cho cơ thể. Chúng chứa hàm lượng lớn các chất khoáng, các vitamin thiết yếu và hoạt chất chống ô xi hóa hỗ trợ sức khỏe và tăng sức đề kháng cho con người. Ngày nay, nhu cầu sử dụng rong biển ngày càng tăng bởi chúng được khai thác và sử dụng cho rất nhiều mục đích thương mại, đặc biệt trong các lĩnh thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp và y học. Rong biển Việt Nam có sự đa dạng rất lớn với hơn 810 loài, trong đó 7 loài rong kinh tế đang hiện đang được nuôi trồng phổ biến cho mục đích thương mại là: Rong sụn (Kappaphycus alvarezii, K. striatum, Eucheuma denticulatum), rong câu (Gracilaria tenuistipitata, G. firma, G. bailinae) và rong nho (Caulerpa lentillifera). Việt Nam có diện tích mặt nước lớn cho phép phát triển và nuôi trồng, tuy nhiên nguồn lợi rong biển tự nhiên và nuôi trồng hiện tại đang có xu thế suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó công tác nghiên cứu và quy hoạch rong biển theo định hướng ứng dụng còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, để phát triển, cần có các giải pháp tăng cường bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, phát triển sản xuất giống, xây dựng các mô hình trồng rong hiệu quả, thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng về rong biển, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có giá trị cao để có thể phát triển đúng tiềm năng của ngành rong biển Việt Nam.

105. Cao Đức Tuấn, Vũ Thị Quyên, Nguyễn Mai Anh, Đoàn Thị Mai Hương, Phạm Văn Cường, Đỗ Anh Duy, Young-Ho Kim, Hoàng Thị Hồng Liên, Lê Thị Hồng Minh, Nguyễn Văn Hùng (2021). Sàng lọc và định danh các chủng vi nấm có hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định từ các mẫu sinh vật và trầm tích biển thu thập tại vịnh Bái Tử Long, Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Sinh học 19(4): 755-764.

Hệ sinh thái biển bao phủ khoảng 70% bề mặt của trái đất, là nguồn tiềm năng cung cấp các chất chuyển hóa hữu ích chưa được khai thác nhiều. Trong số các vi sinh vật biển, vi nấm là một trong những nguồn nguyên liệu để sản xuất các chất chuyển hóa thứ cấp ứng dụng trong nhiểu lĩnh vực như y dược, thực phẩm... Nghiên cứu này tập trung vào việc thu thập, phân lập và sàng lọc các chủng nấm có hoạt tính kháng khuẩn từ môi trường biển. Hai mươi lăm chủng vi nấm biển đươc phân lập bằng phương pháp pha loãng nồng độ từ 16 loại mẫu sinh vật và trầm tích biển được thu thập ở vùng biển Bái Tử Long, Việt Nam. Các chủng phân lập được nuôi trong môi trường PDA, dịch nuôi được chiết với ethyl acetate và làm bay hơi dung môi bằng cô quay chân không để tạo ra cặn chiết thô. Hoạt tính kháng sinh của các cặn chiết được thực hiện trên 7 chủng vi sinh vật kiểm định (VSVKĐ), gồm ba chủng vi khuẩn Gram âm (Escherichia coli ATCC25922, Pseudomonas aeruginosa ATCC27853, Salmonella enterica ATCC13076), ba chủng Gram dương (Enterococcus faecalis ATCC29212, Stapphylococcus aureus ATCC25923, Bacillus cereus ATCC14579), và nấm men Candida albicans ATCC10231. Từ kết quả sàng lọc hoạt tính, đã chọn được 4 chủng vi nấm (M403, M583, M584 và M612) có phổ hoạt tính kháng vi sinh vật tốt nhất, ức chế 4/7 chủng VSVKĐ với các giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) từ 32 đến 256 µg/ml tùy thuộc vào từng chủng kiểm định. Cụ thể, M403, M583, M584 và M612 đều ức chế C. albicans ATCC10231 với giá trị MIC bằng 32-32-64-128 µg/ml tương ứng. Ngoài ra, cả bốn chủng này còn thể hiện hoạt tính ức chế cả ba chủng Gram dương kiểm định với MIC từ 64 µg/mL đến 256 µg/mL. Nghiên cứu đặc điểm hình thái và phân tích trình tự gen 18S rRNA, kết quả cho thấy bốn chủng đều có độ tương đồng hơn 99% so với các trình tự gen 18S rRNA trên ngân hàng gen quốc tế. Chủng M403 thuộc loài Aspergillus versicolor và M584 thuộc Aspergillus unguis; Trong khi đó M583 tương đồng với loài Talaromyces purpureogenus và M612 được xác định là thành viên của loài Penicillium chrysogenum. Trình tự gen 18S rRNA của bốn chủng đã được đăng ký lên dữ liệu của ngân hàng gen quốc tế với mã số: M403 (MW479130), M583 (MW479131), M584(MW015805) và M612 (MW015801). Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy môi trường biển là tiềm năng lớn để phân lập các chủng vi nấm cho mục đích tìm kiếm các chất kháng khuẩn cũng như các hoạt chất sinh học khác.