Năm 2013

15. Đỗ Anh Duy, Đỗ Văn Khương, 2013. Hiện trạng về đa dạng thành phần loài rong biển ở các đảo đã khảo sát thuộc vùng biển Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, Tập 13, Số 2, 2013: 105-115.

Trong năm 2010-2011, dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng thành phần loài rong biển tại 19 vùng đảo ở biển Việt Nam. Bằng phương pháp hình thái so sánh và phân tích cấu trúc tế bào, tác giả đã xác định được 376 loài rong biển, thuộc 62 họ, 31 bộ thuộc 4 ngành rong biển. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có 178 loài, ngành rong Lục (Chlorophyta) có 94 loài, ngành rong Nâu (Ochrophyta) có 80 loài và ngành rong Lam (Cyanobacteria) có 24 loài. Trong các vùng nghiên cứu, Lý Sơn có số loài nhiều nhất với 125 loài, tiếp đến là đảo Phú Quý - 114 loài, Phú Quốc - 106 loài... Thấp nhất là đảo Ba Mùn chỉ có 11 loài. Trong tổng số 376 loài rong biển được xác định, có 102 loài rong biển có giá trị kinh tế, 5 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Rong biển phân bố chủ yếu trên vùng triều đáy đá, vùng triều đáy mềm ít có rong biển phân bố. Sự tương đồng thành phần loài rong biển giữa các khu vực nghiên cứu không cao, đạt giá trị trung bình khoảng 0,24.

16. Đỗ Anh Duy, Nguyễn Quang Hùng, Lê Xuân Tuấn, Nguyễn Xuân Tùng, 2013. Khu hệ thực vật ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Bản tin Viện Nghiên cứu Hải sản, Số 29, tháng 7/2013: 8-12.

Trong hai năm (2008-2009), mỗi năm đề tài triển khai hai chuyến khảo sát vào tháng 4 và tháng 9, kết quả nghiên cứu đã xác định được 121 loài TVNM thuộc 43 họ có đời sống liên quan đến RNM. Trong đó, các loài cây ngập mặn chủ yếu có 28 loài (chiếm 23,14% tổng số loài), các loài cây tham gia ngập mặn có 36 loài (chiếm 29,75%), các loài cây di cư vào RNM có 57 loài (chiếm 47,11%).

TVNM trong VQG Mũi Cà Mau có 07 dạng sống khác nhau, trong đó các dạng cây thân gỗ có sinh khối rừng rất lớn. Các quần xã TVNM điển hình là quần xã mắm biển (Avicennia marina), quần xã mắm lưỡi đòng(Avicennia officinalis), quần xã mắm trắng (Avicennia alba), quần xã đước đôi (Rhizophora apiculata) - vẹt tách (Bruguiera parviflora), quần xã mắm trắng (Avicennia alba) - đước đôi (Rhizophora apiculata), quần xã cóc vàng (Lumnitzera racemosa) - dà vôi (Ceriops tagal), quần xã đước đôi (Rhizophora apiculata) - đưng (Rhizophora mucronata), quần xã giá (Excoecaria agallocha), quần xã dừa nước (Nypa fruticans).

Cần tiếp tục tăng cường công tác trồng rừng, xúc tiến tái sinh rừng trên vùng đất bãi bồi rộng lớn, nghiêm cấm các hình thức khai thác rừng không theo chỉ đạo và quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiên cứu chuyên sâu, để phát hiện, định vị những loài cây có nguy cơ biến mất tại VQG, tạo cơ sở và cung cấp thông tin cần thiết cho mục đích bảo tồn chúng.

17. Lại Duy Phương, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Anh Duy, 2013. Một số đặc điểm sinh học bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) tại vùng biển ven đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Bản tin Viện Nghiên cứu Hải sản, Số 29, tháng 7/2013: 13-20.

Kết quả nghiên cứu năm 2012-2013 tại vùng biển ven đảo Bạch Long Vĩ cho thấy, bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) phân bố chủ yếu ở khu vực phía Tây và Tây Nam đảo. Mật độ phân bố trung bình toàn đảo đạt khoảng 19,27 cá thể/500m2, khoảng 0,65kg/500m2, trên diện tích phân bố khoảng 578ha. Thức ăn của bào ngư phụ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 14 loài thực vật phù du thuộc 03 ngành tảo (Cyanobacteria; Dinophyta; Bacillariophyta) trong hệ thống tiêu hoá của bào ngư chín lỗ. Bào ngư sinh trưởng chậm và không đều. Tương quan chiều dài và khối lượng (nhóm chiều dài vỏ > 25mm) tuân theo quy luật của phương trình hàm mũ W = 0,0001L2,9907 (R2 = 0,9403). Bào ngư phân tính đực cái rõ ràng và thụ tinh ngoài. Sự phát triển tuyến sinh dục trải qua 4 giai đoạn. Mùa vụ sinh sản tập trung từ tháng 9-12 âm lịch hàng năm. Sức sinh sản của bào ngư (nhóm chiều dài vỏ từ 60-90mm) có sức sinh sản tuyệt đối dao động 1.500.000-3.500.000 trứng/cá thể, sức sinh sản tương đối 33.800-55.000 trứng/g cơ thể.

18. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, 2013. Đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sản tại một số vùng rừng ngập mặn ven biển Việt Nam. Kết quả nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm đầu thế kỷ 21. Tập III: Thuỷ sản - Kinh tế và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội, 2013: 304-320.

Trong 3 năm (2008 - 2010), đề tài đã tiến hành 4 đợt khảo sát tại bốn vùng rừng ngập mặn Đồng Rui (Quảng Ninh), Hưng Hòa (Nghệ An), Long Sơn (Vũng Tàu) và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Kết quả xác định, thực vật ngập mặn (221 loài), cỏ biển (4 loài), rong biển (50 loài), sinh vật phù du 293 loài (thực vật phù du 189 loài, động vật phù du 104 loài), cá (161 loài), giáp xác (112 loài), thân mềm (146 loài), da gai (5 loài). Riêng trứng cá, cá con xác định được 44 họ và ấu trùng tôm, tôm con (17 họ). Tại 4 vùng rừng ngập mặn, tổng trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản tức thời ước tính khoảng 36.173 tấn, khả năng khai thác bền vững 18.086 tấn. Trữ lượng nguồn lợi các loài thuỷ sản kinh tế chủ yếu ước đạt 25.039 tấn (chiếm khoảng 70%). Dựa trên các kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số giải pháp khoanh vùng bãi đẻ, ngưỡng khai thác bền vững nhằm khôi phục và phát triển đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Việt Nam.

19. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, 2013. Cơ sở khoa học đề xuất hạn ngạch khai thác, xuất khẩu trai tai tượng ở biển Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 12/2013: 1-8.

Năm 2010-2011, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tình hình khai thác và sử dụng nguồn lợi trai tai tượng (họ Tridacnidae) tại 08 vùng biển đảo ở biển Việt Nam bao gồm Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Hòn Cau, Vịnh Nha Trang, Nam Yết, Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Dựa trên các quy định hiện hành cũng như các kết quả nghiên cứu thực tiễn, đề tài đề xuất hạn ngạch khai thác, xuất khẩu cho từng loài trai tai tượng (họ Tridacnidae) ở biển Việt Nam trong giai đoạn tới. Đối với loài trai tai tượng xẻ rãnh (Tridacna squamosa): Đề xuất tổng hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa khoảng 1.760 cá thể/năm, tương ứng với khối lượng khoảng 11,4 tấn. Trong đó, 03 đảo là Phú Quốc (256 cá thể/năm; 1,74 tấn/năm), Côn Đảo (548 cá thể/năm; 3,73 tấn/năm) và Phú Quí (732 cá thể/năm; 4,98 tấn/năm) có hạn ngạch khai thác và xuất khẩu cao nhất. Đối với loài trai tai tượng lớn (Tridacna maxima): Đề xuất tổng hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa khoảng 2.350 cá thể/năm, tương ứng với khối lượng khoảng 11,3 tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu tại 03 đảo là Phú Quí (1.578 cá thể/năm; 7,58 tấn/năm), Nam Yết (391 cá thể/năm; 1,86 tấn/năm) và Lý Sơn (266 cá thể/năm; 1,23 tấn/năm). Đối với loài trai tai tượng vàng (Tridacna crocea): Đề xuất tổng hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa khoảng 360.000 cá thể/năm, tương ứng với khối lượng khoảng 252,0 tấn. Trong đó, hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa của từng đảo có biến động khá lớn, tập trung chủ yếu tại Côn Đảo (261.135 cá thể/năm; 249,3 tấn/năm), vịnh Nha Trang (1.500 cá thể/năm; 1,5 tấn/năm) và Lý Sơn (1.029 cá thể/năm; 0,7 tấn/năm).

20. Đỗ Anh Duy, Đỗ Văn Khương, 2013. Thành phần loài và phân bố của rong biển đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 12/2013: 100-108.

Kết quả nghiên cứu thành phần loài, phân bố của rong biển trong hai năm 2010 - 2011 tại vùng biển đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã xác định được 153 loài, 39 họ, 23 bộ thuộc 04 ngành rong. Phân bố rộng: Đông Phú Quý (92 loài), Bắc Phú Quý (76 loài), Đông Nam Hòn Tranh (65 loài), Tây Nam Phú Quý (60 loài), Đông Nam Phú Quý (51 loài), Tây Bắc Hòn Tranh (43 loài). Sự tương đồng thành phần loài giữa các khu vực khảo sát đạt giá trị trung bình (0,44 - 0,66). Phân bố sâu theo mực thuỷ triều: 139 loài phân bố trong vùng triều, 112 loài phân bố vùng dưới triều (90 loài phân bố trong cả vùng triều và dưới triều). Quần xã rong biển đảo Phú Quý có tính nhiệt đới (P = 4,143), chỉ số đa dạng sinh học cao (H' = 1,84).

21. Nguyễn Quang Hùng, Hoàng Đình Chiều, Đỗ Anh Duy, Phùng Bảy, 2013. Kết quả bước đầu nghiên cứu sản xuất giống trai tai tượng (họ Tridacnidea) ở Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 12/2013: 166-174.

Trai tai tượng bố mẹ (họ Tridacnidae) được thu gom ngoài tự nhiên, nuôi vỗ thành thục và tiến hành cho sinh sản nhân tạo tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III, Nha Trang, Khánh Hoà. Sử dụng các phương pháp kích thích sinh sản như: phơi khô và tạo dòng chảy mạnh, nâng cao pH, sốc nhiệt, dùng ôxy già. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trai tai tượng bố mẹ có thể thành thục tốt ở điều kiện lưu giữ, nuôi vỗ nhân tạo với tỷ lệ sống từ 53-93% và tỷ lệ thành thục từ 58-86%. Kích thích sinh sản trai tai tượng bằng phương pháp “phơi khô, tạo dòng chảy mạnh” có hiệu quả nhất với tỷ lệ đẻ đạt 42-67%. Trong 2 năm 2009-2010, tỷ lệ đẻ trung bình của 03 loài đạt 45,7- 66,3%, tỷ lệ trứng thụ tinh đạt 82,6-94,7% và tỷ lệ nở đạt 78,5-85,6%. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các yếu tố mật độ ương, chất đáy, thức ăn vi tảo có ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng. Kết quả ương nuôi ấu trùng mới nở đến giai đoạn chữ D đạt tỷ lệ sống 79,4-91,3%, thu được tổng số 185,8 triệu ấu trùng chữ D và kéo dài đến giai đoạn con non 18-20 ngày tuổi. Kết quả bước đầu thành công sinh sản nhân tạo trai tai tượng là cơ sở khoa học cho định hướng phục hồi và tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

22. Lại Duy Phương, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Anh Duy, 2013. Một số đặc điểm sinh học bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) tại vùng biển ven đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 12/2013: 183-191.

Kết quả nghiên cứu năm 2012-2013 tại vùng biển ven đảo Bạch Long Vĩ cho thấy, bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) phân bố chủ yếu ở khu vực phía Tây và Tây Nam đảo. Mật độ phân bố trung bình toàn đảo đạt khoảng 19,27 cá thể/500m2, khoảng 0,65kg/500m2, trên diện tích phân bố khoảng 578ha. Thức ăn của bào ngư phụ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 14 loài thực vật phù du thuộc 03 ngành tảo (Cyanobacteria; Dinophyta; Bacillariophyta) trong hệ thống tiêu hoá của bào ngư chín lỗ. Bào ngư sinh trưởng chậm và không đều. Tương quan chiều dài và khối lượng (nhóm chiều dài vỏ > 25mm) tuân theo quy luật của phương trình hàm mũ W = 0,0001L2,9907 (R2 = 0,9403). Bào ngư phân tính đực cái rõ ràng và thụ tinh ngoài. Sự phát triển tuyến sinh dục trải qua 4 giai đoạn. Mùa vụ sinh sản tập trung từ tháng 9-12 âm lịch hàng năm. Sức sinh sản của bào ngư (nhóm chiều dài vỏ từ 60-90mm) có sức sinh sản tuyệt đối dao động 1.500.000-3.500.000 trứng/cá thể, sức sinh sản tương đối 33.800-55.000 trứng/g cơ thể.