Năm 2014

23. Hoang Dinh Chieu, Lai Duy Phuong, and Do Anh Duy, 2014. Nursery rearing of many-colored abalone (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) for resources conservation in Bach Long Vi - Hai Phong city. Abstract book of IOC/WESTPAC 9th International Scientific Symposium, 22 - 25 April 2014, Nha Trang, Viet Nam. pp.240 (in English).

Many-colored abalone (Haliotis diversicolor) is high commercial species in Vietnam. Meanwhile, these resources have been over-exploited, thus, artificial breeding was implemented to restore natural abalone resources. After broodstocking, Many-colored abalones were stimulated reproduction from October – December 2013 at Abalone Seed Center in Bach Long Vi – Hai Phong City. The research results showed that Veliger larvae developed from 11h – 36h after breeding. Abalone juveniles reached to 4.5mm (shell length) at the age of 42 days. Survival rate of abalone juveniles 1-2mm (28 days old) was 0.92%; 3,8%; 24% with density of larvae rearing 7.5; 6.8; and 1.6 larvae/cm2 algae board, respectively. After 2 months (October – November), 30,000 juveniles of 4.5mm shell length; 33,800 juveniles of 3mm shell length; 45,500 juveniles of 2mm shell length; and many larvae were collected in Bach Long Vi Abalone Seed Center. This is initial achievement of juvenile rearing to release and protect many-colored abalone resources in near future.

24. Nguyễn Kim Thoa, Bùi Minh Tuấn, Lại Duy Phương, Hoàng Đình Chiều, Đỗ Thanh An, Đỗ Anh Duy, 2014. Kết quả sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) ở đảo Bạch Long Vĩ. Tuyển tập báo cáo tóm tắt Hội nghị Khoa học trẻ ngành Thuỷ sản toàn quốc lần thứ V, Bắc Ninh, 24-25/10/2014. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 2014: 21.

Bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) là loài có giá trị kinh tế cao, đặc trưng cho vùng biển Bạch Long Vĩ. Hiện nay, nguồn lợi này đang bị cạn kiệt, cần tiến hành sinh sản nhân tạo phục vụ nuôi và bảo tồn. Sau khi nuôi vỗ thành thục (tháng 7 đến tháng 10 năm 2013), bào ngư chín lỗ được kích thích sinh sản, ương nuôi ấu trùng và con non từ tháng 10/2013 đến tháng 4/2014 tại Trung tâm Giống Bào ngư Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Kết quả cho thấy, ấu trùng Trochophore được thu sau 10h kích thích sinh sản, ấu trùng Deliger phát triển trong khoảng thời gian từ 11h đến 36h và bào ngư đạt kích thước con non 4,5mm sau khoảng 42 ngày tuổi. Bào ngư non có tỷ lệ sống phụ thuộc nhiều vào mật độ ương nuôi ấu trùng, cụ thể: con non 1-2mm (28 ngày tuổi) có tỷ lệ sống trung bình 0,93%; 3,8%; 24% với mật độ lần lượt là 7,5; 6,8; 1,6 ấu trùng/cm2 tấm tảo. Đến thời điểm tháng 4/2014, kết quả đã thu được 137.960 con non 6,4 - 17,3 mm chiều dài, tỷ lệ sống đạt 6,9 - 11% từ giai đoạn Trochophore đến con non (kích thước trung bình 11,9 mm). Đây là kết quả ương nuôi thành công con non bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) phục vụ cho nuôi thương phẩm và thả giống bảo tồn trong thời gian tới.

25. Đỗ Thanh An, Đỗ Văn Khương, Đỗ Anh Duy, 2014. Thành phần loài và phân bố động vật da gai (Echinodermata) trong vùng rạn san hô tại 19 đảo khảo sát thuộc vùng biển Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 9/2014: 95-103.

Dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” trong hai năm 2010 - 2011 đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng thành phần loài động vật da giai (ĐVDG) phân bố trong vùng rạn san hô tại 19 đảo khảo sát. Bằng phương pháp hình thái so sánh, nhóm tác giả đã xác định được 64 loài thuộc 46 giống, 24 họ, 11 bộ của 5 lớp ĐVDG, trong đó lớp huệ biển (Crinoidea) xác định được 16 loài; lớp hải sâm (Holothuroidea) 10 loài; lớp sao biển (Asteroidea) 14 loài; lớp cầu gai (Echinoidea) 13 loài; lớp đuôi rắn (Ophiuroidea) 11 loài. Số loài tại các đảo nghiên cứu: Thổ Chu (49 loài), Phú Quý (45 loài), Phú Quốc (39 loài), Cát Bà (37 loài), Cù Lao Chàm (37 loài), Lý Sơn (36 loài), Ba Mùn (35 loài)… Thấp nhất là Đảo Trần (19 loài). Trong vùng rạn san hô, ĐVDG phân bố chủ yếu trên 4 kiểu dạng đáy chính: (1) Vùng đáy đá, san hô cứng; (2) Vùng đáy đá, san hô mềm; (3) Vùng đáy đá, san hô chết, cát san hô; (4) Vùng đáy đá, rạn san hô xen lẫn cát sỏi, bùn cát. Chỉ số tương đồng thành phần loài giữa các đảo khảo sát đạt giá trị trung bình, dao động 0,33 - 0,76. Chỉ số đa dạng loài (H’) dao động 0,53 - 1,23. Mật độ cá thể dao động 12 - 51 cá thể/m2, trung bình đạt 26 cá thể/m2. Sinh khối trung bình đạt 182,1 g/m2. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về hiện trạng thành phần loài ĐVDG phân bố trong vùng rạn san hô tại 19 đảo ở vùng biển Việt Nam.

26. Lại Duy Phương, Đỗ Anh Duy, Nguyễn Kim Thoa, 2014. Kết quả nuôi vỗ và sản xuất giống nhân tạo bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) tại Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 9/2014: 199-205.

Bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Năm 2012-2013 tại đảo Bạch Long Vĩ, đã đưa vào nuôi vỗ trong bể xi măng số 1.647 cá thể bào ngư đảm bảo các điều kiện về đặc điểm sinh học đưa vào nuôi vỗ thành đàn bào ngư bố mẹ, để kích thích sinh sản nhân tạo. Kết quả nuôi vỗ nhân tạo cho thấy bào ngư thành thục tập trung cao từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Sức sinh sản tuyệt đối của bào ngư chín lỗ khá cao (1,5 – 3,5 triệu trứng). Kết quả kích thích đàn bào ngư sau khi nuôi vỗ đạt tỷ lệ đẻ khá cao (trung bình 72,2%) ở phương pháp kích thích phơi khô, tạo dòng chảy mạnh. Kết quả cho đẻ trong 3 đợt năm 2013 đã thu được 352,75 nghìn trứng, ương nuôi đến giai đoạn ấu trùng Veliger đạt 151,47 nghìn ấu trùng. Sau 60 ngày chuyển giai đoạn bào ngư giống thu được 3.350 con bào ngư giống đạt kích thước từ 7,0 – 12,0mm. Kết quả này bước đầu cho thấy tính khả thi trong việc đầu tư sản xuất giống bào ngư tại đảo bạch long Vĩ.

27. Nguyễn Quang Đông, Đỗ Anh Duy, 2014. Thử nghiệm nuôi vỗ thành thục ngao Bến Tre (Meretrix lyrata Sowerby, 1851) bằng hỗn hợp tảo tươi (Isochrysis galbana, Chlorella sp., Nannochloropsis oculata) tại Tiền Hải, Thái Bình. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 9/2014: 206-213.

Nghiên cứu này nhằm góp phần tìm ra công thức thức ăn thích hợp nhất cho nuôi vỗ ngao Bến Tre tại Tiền Hải, Thái Bình. Kết quả cho thấy, qua 3 đợt nuôi vỗ (20 ngày nuôi vỗ/đợt), nghiệm thức 2 cho ăn bổ sung với tỷ lệ % lượng tảo (40% I. galbana; 20% Chlorella sp.; 40% N. oculata), ngao có tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, tỷ lệ thành thục sinh dục, sức sinh sản cao nhất so với nghiệm thức 1 (35% I. galbana; 25% Chlorella sp.; 40% N. oculata), nghiệm thức 3 (30% I. galbana; 40% Chlorella sp.; 30% N. oculata) và lô đối chứng khi chỉ sử dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên. Tỷ lệ sống ở các nghiệm thức 1, 2, 3 và lô đối chứng lần lượt là 98,9%; 95,6%; 93,6% và 85,5%. Tỷ lệ thành thục ở các nghiệm thức 1, 2, 3 và lô đối chứng lần lượt là 80,3%; 84,4%; 75,6% và 39,8%. Thời điểm nuôi vỗ đợt 1 (tháng 6/2012) ngao sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với thời điểm nuôi vỗ đợt 2 (tháng 10/2012) và đợt 3 (11/2012).

28. Nguyễn Quang Hùng, Đặng Minh Dũng, Phạm Thành Công, Nguyễn Xuân Sinh, Hoàng Đình Chiều, Đỗ Anh Duy, 2014. Kết quả nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ một số nguồn gen hải sản kinh tế, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Việt Nam. Tuyển tập Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh học học biển và Phát triển bền vững lần thứ Hai. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội ngày 25-26/11/2014: 87-96.

Đến nay, Việt Nam đã thống kê có khoảng gần 12.000 loài sinh vật biển phân bố trong 20 kiểu hệ sinh thái điển hình và được đánh giá là 1 trong 25 nước có mức đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn, lưu giữ nguồn gen sinh vật, bắt đầu từ năm 2012 đến nay, Viện Nghiên cứu Hải sản đã và đang tham gia bảo tồn và lưu giữ nguồn gen giống hải sản kinh tế, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng: cá Song chấm đỏ Epinephelus akaara, Trai bàn mai Atrina vexillum, Ngao ô vuông Periglypta lacerata, cá Nác Boleophthalmus pectinirostris và Ngán Austriella corrugata. Kết quả nhiệm vụ đã đánh giá chi tiết một số đặc điểm sinh học sinh sản: Cá Song chấm đỏ: mùa vụ sinh sản từ tháng 4 - 6; tuổi thành thục sinh dục lần đầu 3+ - 4+ năm; sức sinh sản tương đối 221 ± 27 trứng/g, tuyệt đối 440.000 ± 226 trứng/cá thể. Cá Nác: mùa vụ sinh sản từ tháng 4 - 8; tuổi thành thục sinh dục lần đầu 1+ năm; sức sinh sản tương đối 342 ± 23 trứng/g, tuyệt đối 4.542 ± 316 trứng/cá thể. Trai bàn mai: mùa vụ sinh sản từ tháng 2 - 4, tháng 8 - 10; sức sinh sản tương đối 16.336 ± 1.003 trứng/g, tuyệt đối 2.052.821 ± 150.189 trứng/cá thể. Ngao ô vuông: mùa vụ sinh sản từ tháng 2 - 4, tháng 8 - 11; sức sinh sản tương đối 17.203 ± 1.423 trứng/g, tuyệt đối 2.056.509 ± 153.877 trứng/cá thể. Ngán: mùa vụ sinh sản từ tháng 4 - 10; sức sinh sản tương đối 21.626 ± 3.048 trứng/g, tuyệt đối 1.090.530 ± 278.004 trứng/cá thể. Kết quả nghiên cứu góp phần bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các loài hải sản kinh tế, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Việt Nam.

29. Đỗ Văn Khương, Đỗ Anh Duy, Lê Doãn Dũng, Đỗ Thanh An, Nguyễn Văn Hiếu, Đinh Thanh Đạt, Trần Văn Hướng, Nguyễn Quang Đông, Trương Văn Tuân, Đỗ Công Thung, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Đức Thế, 2014. Thành phần loài sinh vật biển vùng rạn san hô tại 19 đảo khảo sát thuộc vùng biển Việt Nam. Tuyển tập Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh học học biển và Phát triển bền vững lần thứ Hai. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội ngày 25-26/11/2014: 117-129.

Bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu thành phần loài sinh vật biển phân bố trong vùng rạn san hô tại 19 đảo khảo sát thuộc vùng biển Việt Nam trong hai năm 2010 - 2011 của dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” đã xác định được 2.122 loài sinh vật biển. Trong đó, thực vật phù du xác định được 284 loài; động vật phù du (160 loài); rong biển (298 loài); cỏ biển (11 loài); san hô cứng (378 loài); cá rạn san hô (616 loài); trứng cá, cá con (66 họ); động vật thân mềm (227 loài); động vật giáp xác (46 loài); động vật da gai (64 loài); giun nhiều tơ (38 loài). Tại các đảo nghiên cứu, Vịnh Nha Trang xác định được 1.092 loài; Phú Quý (871 loài); Thổ Chu (851 loài); Côn Đảo (824 loài); Phú Quốc (790 loài); Nam Yết (726 loài); Hải Vân - Sơn Chà (694 loài); Hòn Cau (677 loài); Cù Lao Chàm (662 loài); Lý Sơn (631 loài); Cồn Cỏ (618 loài); Cô Tô (612 loài); Cát Bà (601 loài); Bạch Long Vĩ (553 loài); Ba Mùn (507 loài); Đảo Trần (499 loài); Hòn Mắt (473 loài); Hòn Mê (423 loài); Hòn La (419 loài). Trong các loài được xác định có 22 loài sẽ nguy cấp (VU), 9 loài nguy cấp (EN) và 3 loài rất nguy cấp (CR). Kết quả nghiên cứu đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về hiện trạng thành phần loài sinh vật biển phân bố trong vùng rạn san hô tại 19 đảo ở vùng biển Việt Nam. Đây là cơ sở khoa học rất hữu ích cho công tác bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi tự nhiên, phục vụ phát triển bền vững.

30. Đỗ Thanh An, Đỗ Văn Khương, Đỗ Anh Duy, 2014. Thành phần loài, phân bố, sinh khối động vật thân mềm (Lớp: Gastropoda, Bivalvia, Cephalopoda) vùng rạn san hô tại 19 đảo khảo sát thuộc vùng biển Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, Tập 14, Số 4, 2014: 358-367.

Trong hai năm 2010 - 2011, dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng thành phần loài, phân bố, sinh khối động vật thân mềm trong vùng rạn san hô tại 19 đảo khảo sát. Bằng phương pháp hình thái so sánh, nhóm tác giả đã xác định được 227 loài thuộc 44 họ, 13 bộ của 3 lớp động vật thân mềm, trong đó lớp chân bụng (Gastropoda) 163 loài, lớp hai mảnh vỏ (Bivalvia) 57 loài, lớp chân đầu (Cephalopoda) 7 loài. Phân bố theo vùng địa lý: Phú Quý (146 loài), Cát Bà và Thổ Chu (cùng 144 loài), Cù Lao Chàm và Hải Vân - Sơn Chà (cùng 137 loài), Nam Yết (135 loài) … Thấp nhất là Đảo Trần (81 loài). Phân bố theo độ sâu: Đới cạn xác định được 137 loài, đới sâu xác định được 115 loài, nhiều loài bắt gặp phân bố trong cả hai đới. Chỉ số tương đồng thành phần loài giữa các đảo khảo sát đạt giá trị trung bình, dao động 0,35 - 0,68. Chỉ số đa dạng loài (H’) dao động 0,53 - 1,52. Mật độ cá thể dao động 37 - 105 cá thể/m2, trung bình đạt 54 cá thể/m2. Sinh khối trung bình đạt 5.029,2 g/m2. Xác định được 41 loài động vật thân mềm thường xuyên được khai thác làm thực phẩm, đồ mỹ nghệ, dược liệu, trong đó có 4 loài sẽ nguy cấp (VU), 3 loài nguy cấp (EN) và 2 loài rất nguy cấp (CR).

31. Nguyễn Quang Hùng, Đặng Minh Dũng, Phạm Thành Công, Nguyễn Xuân Sinh, Đỗ Anh Duy, Hoàng Đình Chiều, 2014. Kết quả lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá song chấm đỏ Epinephelus akaara (Temminck & Schlegel, 1842) tại Cát Bà, Hải Phòng. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 12/2014: 41-49.

Lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen hải sản có giá trị kinh tế, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành thuỷ sản. Nhận thức được tầm quan trọng này, từ năm 2012 đến nay, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tham gia lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen hải sản tại Cát Bà, Cát Hải và Bàng La, Đồ Sơn (Hải Phòng), trong đó nguồn gen cá Song chấm đỏ Epinephelus akaara (Temminck & Schlegel, 1842) là một trong tám nguồn gen được đánh giá chi tiết đặc điểm sinh học. Kết quả đã đánh giá chi tiết 31 chỉ tiêu hình thái; điều kiện môi trường lưu giữ; tốc độ tăng trưởng về chiều dài (1,16 ± 0,2 mm/tháng), khối lượng (36,66 ± 0,41 g/tháng); các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục; mùa vụ sinh sản (từ tháng 4 - 6); tuổi thành thục sinh dục lần đầu (3+ - 4+ năm); sức sinh sản tương đối (221 ± 27 trứng/g), tuyệt đối (440.000 ± 226 trứng/cá thể). Kết quả đánh giá chi tiết nguồn gen cá Song chấm đỏ góp phần phát triển nguồn gen, tiến tới sản xuất giống, phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và tái tạo nguồn lợi tự nhiên.