Năm 2011

2. Đỗ Anh Duy, Nguyễn Quang Hùng, Lê Xuân Tuấn, 2011. Thực vật ngập mặn bậc cao tại vùng rừng ngập mặn xã Hưng Hoà, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bản tin Viện Nghiên cứu Hải sản, Số 20, tháng 4/2011: 17-22.

Kết quả nghiên cứu trong 2 năm (2008 và 2009), mỗi năm triển khai 02 chuyến khảo sát vào tháng 4 và tháng 10 đã xác định được 143 loài TVNM bậc cao thuộc 54 họ có đời sống liên quan đến RNM. Trong đó, các loài cây ngập mặn chủ yếu có 12 loài thuộc 9 họ; các loài cây tham gia ngập mặn có 32 loài thuộc 17 họ và các loài cây di cư vào RNM có 99 loài thuộc 38 họ. RNM xã Hưng Hòa có 02 kiểu quần xã thực vật ngập mặn đặc trưng: Quần xã bần chua - ô rô (Sonneratia caseolaris - Acanthus sp.) chiếm trên 80% diện tích RNM và quần xã ngọc nữ biển - giá - tra làm chiếu (Clerodendron inerme - Excoecaria agallocha - Hisbicus tiliaceus) ven các bờ đầm, bờ đê. TVNM bậc cao trong RNM xã Hưng Hòa được chia làm 07 dạng sống khác nhau. Trong đó, bần chua có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đê cũng như là thành phần chính trong RNM. Hầu hết hầu hết các loài TVNM đều có giá trị sử dụng. Trong tổng số 143 loài TVNM được xác định, có đến 123 loài có giá trị sử dụng và được chia làm 07 nhóm công dụng chính. Việc phá rừng lấy gỗ, khoanh đắp đê, trồng lúa, cói và các đầm nuôi trồng thủy sản, chăn thả gia súc… đã làm suy giảm đáng kể RNM. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, tăng cường công tác quản lý và trồng mới RNM trên các dải đất trống ven bờ đề 42 là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.

3. Đỗ Anh Duy, Nguyễn Quang Hùng, Đàm Đức Tiến, 2011. Đa dạng thành phần loài và nguồn lợi rong biển tại một số vùng rừng ngập mặn ven biển Việt Nam. Tuyển tập Nghiên cứu Nghề cá biển, Viện Nghiên cứu Hải sản. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội, Tập VI: 326-337.

Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu về nguồn lợi rong biển tại 4 vùng rừng ngập mặn (RNM) ven biển Việt Nam là RNM xã Đồng Rui (Quảng Ninh), RNM xã Hưng Hoà (Nghệ An), RNM xã Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu) và Vườn Quốc gia (VQG) Cà Mau từ tháng 01/2008 đến 12/2009. Bằng phương pháp hình thái so sánh và phân tích cấu trúc tế bào, kết quả nghiên cứu đã xác định được 50 loài rong biển thuộc 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài nhiều nhất 20 loài, tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta - 18 loài), ngành rong Lam (Cyanophyta - 10 loài), thấp nhất là ngành rong Heterokontophyta với 2 loài. Trong 4 vùng RNM nghiên cứu, vùng RNM xã Long Sơn có số loài nhiều nhất (30 loài), VQG Cà Mau (27 loài), RNM xã Đồng Rui (21 loài), thấp nhất là RNM xã Hưng Hòa với 14 loài. Rong biển trong RNM phân bố chủ yếu ở vùng triều, một số ít loài phân bố ở vùng dưới triều. Chúng phân bố rải rác, bám trên các rễ cây ngập mặn, trên đất, trên đá, trên các loài rong khác hay sống riêng lẻ hoặc quấn với nhau thành từng tập đoàn, sống trôi nổi thành từng đám trên mặt nước... Hệ số tương đồng loài rong giữa các vùng RNM nghiên cứu đạt giá trị trung bình, dao động từ 0,29 đến 0,60. Tổng trữ lượng tươi trung bình của 3 nhóm loài rong biển tại 4 vùng RNM nghiên cứu ước đạt 250,8 tấn. Trong đó, nhóm rong bún (Enteromorpha spp.) ước đạt 75,8 tấn, nhóm rong tóc (Chaetomorpha spp.) ước đạt 113,3 tấn, nhóm rong lông cứng (Cladophora spp.) ước đạt 61,7 tấn.

4. Đỗ Thanh An, Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, Lưu Xuân Hoà, 2011. Đa dạng thành phần loài và nguồn lợi động vật thân mềm chân bụng (Gastropoda) trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tuyển tập Nghiên cứu Nghề cá biển, Viện Nghiên cứu Hải sản. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội, Tập VI: 260-275.

Từ năm 2008 đến năm 2009 qua 4 chuyến khảo sát tại 4 vùng rừng ngập mặn Đồng Rui (Quảng Ninh); Hưng Hoà (Nghệ An); Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu); Vườn Quốc Gia mũi Cà Mau (Cà Mau) bằng phương pháp đặt khung định lượng trên các mặt cắt tại mỗi địa điểm nghiên cứu để thu mẫu định lượng và thu mẫu định tính, kết quả nghiên cứu đã xác định được 63 loài thuộc 16 họ của 8 bộ thân mềm một mảnh vỏ. Trong đó, vùng rừng ngập mặn Đồng Rui có thành phần loài cao nhất (38 loài), vùng rừng ngập mặn Hưng Hoà có thành phần loài thấp nhất (13 loài). Liên quan đến sự phân bố của động vật thân mềm một mảnh vỏ theo các dạng thể nền đáy trong rừng ngập mặn, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Phân bố của động vật thân mềm một mảnh vỏ nhiều nhất ở nền đáy cát bùn (33 loài) và thấp nhất ở nền đáy bùn kết hợp mùn hữu cơ (12 loài). Số lượng loài phân bố tương ứng với các thể nền đáy bùn cát, đáy bùn, đáy cát lần lượt là 29, 23 và 15 loài. Mức độ tương đồng của quần xã ĐVTM một mảnh vỏ giữa các khu vực nghiên cứu có mức tương đồng thấp. Chỉ số tương đồng Sorensen về thành phần loài giữa các khu vực nghiên cứu dao động trong khoảng từ 0,29 – 0,55. Tổng trữ lượng tức thời của ĐVTM một mảnh vỏ ở cả 4 vùng rừng ngập mặn ước đạt khoảng 66.114 tấn, trong đó trữ lượng ở vùng Cà Mau là 50.331 tấn (chiếm 76,13%), tiếp đến là vùng Đồng Rui 11.092 tấn (chiếm 18%). Trữ lượng ước tính đạt thấp nhất ở khu vực rừng ngập mặn Hưng Hòa 0.285 tấn (chiếm 1%). Với thành phần loài đã xác định, đã ghi nhận được 8 loài thân mềm một mảnh vỏ có giá trị kinh tế. Trong đó, vùng rừng ngập mặn Long Sơn có số lượng loài lớn nhất với 8 loài, Hưng Hoà có số loài ít nhất với 3 loài. Hai vùng rừng ngập mặn Đồng Rui có 7 loài và Cà Mau có 6 loài.

5. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, 2011. Đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sản trong hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Việt Nam. Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển toàn quốc lần thứ V. Quyển 4: Sinh học và nguồn lợi sinh vật biển. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2011: 22-28.

Trong thời gian nghiên cứu 3 năm (2008-2010), đã tiến hành 4 đợt khảo sát tại 4 vùng RNM Đồng Rui (Quảng Ninh), Hưng Hòa (Nghệ An), Long Sơn (Vũng Tàu) và VQG mũi Cà Mau. Kết quả đã phát hiện được tổng số 1.093 loài thuộc 327 họ. Thực vật ngập mặn bậc cao có 225 loài thuộc 67 họ (cây rừng ngập mặn có 221 loài thuộc 65 họ, cỏ biển có 4 loài thuộc 2 họ), rong biển có 50 loài thuộc 16 họ, sinh vật phù du có 293 loài thuộc 60 họ, cá có 161 loài thuộc 58 họ, giáp xác có 112 loài thuộc 20 họ, ĐVTM có 146 loài thuộc 42 họ, da gai có 5 loài thuộc 3 họ, TC-CC có 97 loài thuộc 44 họ và ATT-TC đã phát hiện có 17 họ; Tổng trữ lượng tức thời nguồn lợi thuỷ sản ước tính tại 4 vùng RNM (48.284 ha) đạt 36.173 tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng 18.086 tấn; Tổng trữ lượng tức thời nguồn lợi các loài thuỷ sản kinh tế chủ yếu ước tính tại 4 vùng RNM (48.284 ha) đạt 25.039 tấn, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản phân bố trong hệ sinh thái RNM. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất được một số giải pháp khoanh vùng bãi đẻ, ngưỡng khai thác bền vững nhằm khôi phục và phát triển đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong hệ sinh thái RNM ven biển Việt Nam.

6. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, Nguyễn Văn Hiếu, 2011. Hiện trạng nguồn lợi trai tai tượng (họ Tridacnidae) ở biển Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 11/2011: 100-105.

Năm 2010, Viện Nghiên cứu Hải sản đã triển khai nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nguồn lợi các loài trai tai tượng (họ Tridacnidae) tại 08 đảo ở biển Việt Nam, bao gồm đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quí, Hòn Cau, Nam Yết, vịnh Nha Trang, Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 05 loài trai tai tượng thuộc họ Tridacnidae, trong đó có 03 loài phân bố phổ biến trong các vùng rạn san hô ở các đảo nghiên cứu là Tridacna squamosa, T. maxima T. crocea. Mật độ phân bố của các loài trai tai tượng có sự dao động lớn và khác nhau theo các đảo, các dải độ sâu, cấu trúc rạn san hô và các đới rạn. Mật độ phân bố trung bình cao nhất là loài Tridacna crocea (đạt 38,3 cá thể/500m2), tiếp đến là loài T. maxima (1,3 cá thể/500m2) và loài Tridacna squamosa (0,6 cá thể/500m2). Tổng trữ lượng ước tính của cả 03 loài trai tai tượng tại 08 đảo nghiên cứu đạt khoảng 1.866 tấn trên tổng diện tích phân bố trong vùng rạn san hô 5.503ha. Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc ước tính khả năng khai thác và đề xuất hạn gạch xuất khẩu hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững nguồn lợi trai tai tượng ở biển Việt Nam.

7. Nguyễn Quang Hùng, Hoàng Đình Chiều, Đỗ Anh Duy, Trần Văn Hướng, 2011. Một số đặc điểm sinh học của loài trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa Lamarck, 1879) ở biển Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 11/2011: 92-99.

Năm 2010, đề tài đã tiến hành thu mẫu trai tai tượng tại 08 vùng biển đảo ở biển Việt Nam gồm Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Nam Yết, Hòn Cau, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tương quan chiều dài và khối lượng trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa) tuân theo quy luật của phương trình W = 0,003.L2,4989 (R2 = 0,9747). Tần suất bắt gặp nhóm chiều dài từ 100-200mm chiếm tỷ lệ cao nhất (54,34%). T. squamosa có tập tính dinh dưỡng là tự dưỡng và cộng sinh. Hiện đã xác định 61 loài thực vật phù du thuộc 03 ngành tảo trong hệ thống tiêu hoá của trai tai tượng. T. squamosa là loài lưỡng tính. Thời kỳ con non và chưa thành thục sinh dục mang tính đực, thời kỳ thành thục sinh dục mang cả tính đực và cái. Sự phát triển của tuyến sinh dục cái và đực trải qua 05 giai đoạn. Sức sinh sản tuyệt đối của T. squamosa là 21.977.147 trứng/cá thể, sức sinh sản tương đối là 4.625 trứng/g. Kết quả nuôi phục hồi T. squamosa trong các ô lồng đặt ở vùng rạn san hô tại Vịnh Nha Trang trong 9 tháng nuôi năm 2010 (từ tháng 4 đến tháng 12) cho thấy, trai tai tượng vẩy có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,725 mm/tháng (kích thước cá thể trung bình nuôi ban đầu là 12,35 cm/cá thể với mật độ 3 cá thể/m2, độ sâu 6-8m nước).