Năm 2012

8. Đỗ Anh Duy, 2012. Bước đầu nghiên cứu đa dạng thành phần loài rong biển vùng biển ven đảo Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang. Bản tin Viện Nghiên cứu Hải sản, Số 24, tháng 4/2012: 15-19.

9. Đỗ Anh Duy, Nguyễn Quang Hùng, Trần Văn Hướng, Vũ Minh Hào, 2012. Kết quả nghiên cứu thành phần thức ăn trong hệ thống tiêu hoá của trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa Lamarck, 1819) ở biển Việt Nam. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thuỷ sản Đại học Nha Trang, Số 3/2012: 88-93.

Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu về thành phần thức ăn trong hệ thống tiêu hoá của trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa Lamarck, 1819) tại 8 vùng biển đảo ở biển Việt Nam trong 2 năm 2010-2011. Bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu đã xác định được 61 loài thực vật phù du thuộc 3 ngành tảo trong hệ thống tiêu hoá của trai tai tượng vẩy. Trong đó, ngành tảo Silic (Bacillariophyta) có số loài được xác định cao nhất với 50 loài, tiếp đến là ngành tảo Giáp (Pyrrophyta) với 10 loài và thấp nhất là ngành tảo Lam (Cyanobacteria) chỉ với 1 loài. 6 loài tảo thuộc chi Cosinodiscus, 3 loài tảo thuộc chi Cyclotella (ngành tảo Silic); 6 loài tảo thuộc chi Prorocentrium, 3 loài tảo thuộc chi Ceratium (ngành tảo Giáp) thường được bắt gặp với tần suất nhiều ở hầu hết các mẫu. Đặc biệt trong hệ thống tiêu hoá của trai tai tượng vẩy còn bắt gặp tới 6 loài tảo độc và có khả năng gây hại thuộc ngành tảo Giáp.

10. Đỗ Anh Duy, 2012. Đa dạng thành phần loài rong biển ven đảo Phú Quý, Bình Thuận. Tuyển tập báo cáo tóm tắt Hội nghị Khoa học Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiểu ban Sinh học, Hà Nội ngày 03/10/2012: 10-11.

Kết quả phân tích, tổng hợp nguồn số liệu từ các chuyến điều tra tháng 5/1993, 15-30/4/2006 do Viện Hải Dương học thực hiện; các chuyến điều tra, khảo sát tháng 3 và tháng 8/2010, tháng 4/2011 do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện tại vùng biển ven đảo Phú Quý, Bình Thuận đã thống kê và xác định được 228 loài rong biển thuộc 50 họ của 28 bộ trong 04 ngành rong. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài nhiều nhất với 107 loài, tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) với 71 loài, ngành rong Nâu (Ochrophyta) với 34 loài. Thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanobacteria) với 16 loài. Trong 228 loài rong biển được thống kê và xác định, có 03 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Các loài, nhóm loài rong biển có trữ lượng lớn thường là những loài có giá trị kinh tế và được sử dụng nhiều ở địa phương như chi rong mơ (Sargassum), rong guột (Caulerpa), rong đông (Hypnea), rong đá cong (Gelidiella)...

11. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, 2012. Đề xuất hạn ngạch khai thác, xuất khẩu trai tai tượng tại 08 vùng biển đảo Việt Nam. Tuyển tập báo cáo tóm tắt Hội nghị Khoa học Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiểu ban Sinh học, Hà Nội ngày 03/10/2012: 22-23.

Từ năm 2010 đến năm 2011, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tình hình khai thác và sử dụng nguồn lợi trai tai tượng (họ Tridacnidae) tại 08 vùng biển đảo ở biển Việt Nam bao gồm Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Hòn Cau, Vịnh Nha Trang, Nam Yết, Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Dựa trên các quy định hiện hành cũng như các kết quả nghiên cứu thực tiễn, đề tài đề xuất một số hạn ngạch khai thác, xuất khẩu cho từng loài trai tai tượng (họ Tridacnidae) tại 08 vùng biển đảo ở biển Việt Nam trong giai đoạn tới. Đối với loài trai tai tượng xẻ rãnh (Tridacna squamosa): Đề xuất tổng hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa khoảng 1.670 cá thể/năm, tương ứng với khối lượng khoảng 11,4 tấn. Trong đó, 03 đảo là Phú Quốc (256 cá thể/năm; 1,74 tấn/năm), Côn Đảo (548 cá thể/năm; 3,73 tấn/năm) và Phú Quí (732 cá thể/năm; 4,98 tấn/năm) có hạn ngạch khai thác và xuất khẩu cao nhất. Đối với loài trai tai tượng lớn (Tridacna maxima): Đề xuất tổng hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa khoảng 2.350 cá thể/năm, tương ứng với khối lượng khoảng 11,3 tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu tại 03 đảo là Phú Quí (1.578 cá thể/năm; 7,58 tấn/năm), Nam Yết (391 cá thể/năm; 1,86 tấn/năm) và Lý Sơn (266 cá thể/năm; 1,23 tấn/năm). Đối với loài trai tai tượng vàng (Tridacna crocea): Đề xuất tổng hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa khoảng 360.000 cá thể/năm, tương ứng với khối lượng khoảng 252,0 tấn. Trong đó, hạn ngạch khai thác, xuất khẩu hàng năm tối đa của từng đảo có biến động khá lớn, tập trung chủ yếu tại Côn Đảo (356.100 cá thể/năm; 249,3 tấn/năm), vịnh Nha Trang (1.500 cá thể/năm; 1,5 tấn/năm) và Lý Sơn (1.029 cá thể/năm; 0,7 tấn/năm).

12. Trương Văn Tuân, Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Anh Duy, 2012. Hiện trạng và môi trường sống của trai tai tượng (họ Tridacnidae) tại 08 vùng biển đảo Việt Nam. Tuyển tập báo cáo tóm tắt Hội nghị Khoa học Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiểu ban Môi trường, Hà Nội ngày 03/10/2012.

Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu về hiện trạng và môi trường sống của trai tai tượng (họ Tridacnida) tại 8 vùng biển đảo ở biển Việt Nam trong 2 năm 2010-2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện trạng chất lượng môi trường nước biển tại 8 đảo nghiên cứu còn tương đối tốt. Cụ thể: Nhiệt độ nước biển trung bình dao động trong khoảng từ 26-300C, độ muối (32,0-33,5‰), hàm lượng oxy hòa tan (6,52-6,97mg/l), độ pH (8,09-8,35), độ đục (1,3-4,4NTU), hàm lượng muối dinh dưỡng N-NO2- (3,0-6,8mg/l), N-NO3- (29,3-53,0mg/l), N-NH4+ (13,9-40,4mg/l), P-PO43- (5,5-19,0mg/l), phosphate P-PO43- (6-19mg/l), amonia N-NH4+ (13,0-40,4mg/l), nitrite N-NO2- (3,0-6,9mg/l), nitrate N-NO3- (29,3-53,0mg/l), xyanua CN- (1,14-1,85mg/l). Hàm lượng kim loại nặng (Fe, Cu, Pb, Zn) tại các đảo nhìn chung đều thấp hơn so với giới hạn cho phép của Việt Nam và tiêu chuẩn ASEAN. Trong khi đó tại Nha Trang, Lý Sơn và Phú Quốc đã bị ô nhiễm dầu so với tiêu chuẩn của ASEAN (0,14mg/l). Chỉ số tai biến môi trường (RQtt) tại các đảo theo quy chuẩn Việt Nam không có sự chênh lệch quá lớn và dao động ở mức 0,25 - mức rất an toàn về mặt môi trường. Khi tính chỉ số RQtt theo tiêu chuẩn ASEAN thì thấy chất lượng môi trường của các đảo cao hơn một mức - ở mức an toàn về môi trường.

Bước đầu nghiên cứu môi trường sống của trai tai tượng trong tự nhiên ở vùng biển Việt Nam. Chúng thường tập trung phân bố nhiều hơn ở dải nhiệt độ từ 28,0±2,00C và độ muối từ 33,0±0,5‰. Độ sâu phân bố thường không lớn hơn 15m (tập trung từ 3-9m). Kiểu nền đáy phân bố phổ biến là kết hợp giữa đá rạn san hô, đá vôi và cát sỏi.

13. Đỗ Anh Duy, Lê Xuân Tuấn, 2012. Thành phần loài thực vật ngập mặn bậc cao tại vùng rừng ngập mặn xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, Số 8(57).2012, Quyển 1: 67-72.

Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu về thành phần loài thực vật ngập mặn bậc cao tại rừng ngập mặn xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong ba năm 2008-2010. Bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu đã xác định được 119 loài thuộc 62 họ có đời sống liên quan đến rừng ngập mặn. Trong đó, nhóm cây ngập mặn chủ yếu có 28 loài thuộc 13 họ, nhóm cây tham gia ngập mặn có 41 loài thuộc 24 họ và nhóm cây di cư vào rừng ngập mặn có 50 loài thuộc 25 họ. Các kiểu quần xã thực vật ngập mặn điển hình chủ yếu là quần xã đước đôi (Rhizophora apiculata), quần xã đước đôi-mắm trắng (Rhizophora apiculata-Avicennia alba), quần xã mắm trắng-bần trắng (Avicennia alba-Sonneratia alba)... Thực vật ngập mặn bậc cao tại rừng ngập mặn xã Long Sơn được chia làm 07 dạng sống khác nhau. Trong đó, dạng cây thân gỗ là thành phần chính trong rừng ngập mặn, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đê biển.

14. Đỗ Anh Duy, Nguyễn Quang Hùng, Trần Văn Hướng, Đồng Thị Dung, Nguyễn Thị Thu Hà, 2012. Kết quả nghiên cứu các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa Lamarck, 1819) bằng phương pháp mô học. Tạp chí Khoa học và Phát triển Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Tập 10.2012, Số 4: 604-609.

Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu về các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa Lamarck, 1819) tại 8 vùng biển đảo của Việt Nam trong hai năm 2010-2011. Mẫu trai tai tượng được thu trong vùng rạn san hô (từ tháng 3-7) và từ các thợ lặn tại Vịnh Nha Trang và vùng phụ cận (các tháng trong năm). Sử dụng phương pháp mô học để phân tích các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trai tai tượng vẩy là loài lưỡng tính. Các cá thể có chiều dài vỏ < 18-20cm thường mang tính đực. Các cá thể có kích thước > 18-20cm, tuyến sinh dục phát triển thành hai phần gồm tinh sào và buồng trứng. Sự phát triển của tuyến sinh dục trai tai tượng vẩy qua 6 giai đoạn (từ giai đoạn 0 đến giai đoạn V). Trong đó, giai đoạn III là giai đoạn mà trứng và tinh có kích thước lớn nhất. Các tế bào trứng có dạng hình tròn hoặc elip và xếp xít lại với nhau trong buồng trứng, đường kính của trứng đạt từ 90-110μm. Tinh sào phần lớn chứa nhiều tinh trùng trưởng thành, kích thước đầu tinh trùng đạt khoảng 3μm. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong nhận dạng các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục, từ đó giúp nhận biết được mùa vụ sinh sản thông qua độ chín muồi của tuyến sinh dục.