Năm 2016

34. Đỗ Anh Duy, Nguyễn Quang Hùng, Lại Duy Phương, Hoàng Đình Chiều, 2016. Kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn biển của Viện Nghiên cứu Hải sản giai đoạn 2003 - 2005. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 11/2006: 7-18.

Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2015, Viện Nghiên cứu Hải sản đã có những đóng góp tích cực vào công tác điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn biển ở Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu đã được các bộ, ngành, địa phương và các Ban quản lý khu bảo tồn biển sử dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần thiết thực cho công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái biển hiện nay tại Việt Nam. Bài viết này tổng quan một số kết quả nghiên cứu nổi bật trên các lĩnh vực: (1) Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học biển; (2) Quy hoạch, bảo tồn biển; (3) Sản xuất giống, phục hồi tái tạo nguồn lợi và đánh giá tiềm năng sử dụng nguồn lợi, đa dạng sinh học; (4) Đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, xuất bản; (5) Hợp tác quốc tế và một số lĩnh vực khác.

35. Đỗ Văn Khương, Đỗ Anh Duy, Lê Doãn Dũng, 2016. Đa dạng thành phần loài sinh vật biển trong hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo biển Việt Nam. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 11/2006: 96-106.

Kết quả phân tích số liệu từ các chuyến điều tra, khảo sát tháng 9-12/2010; tháng 3-7/2011; tháng 7-10/2015 của Viện Nghiên cứu Hải sản đã xác định được 2.665 loài sinh vật biển phân bố trong các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo tại 19 vùng biển đảo Việt Nam. Trong đó, nhóm cá rạn san hô xác định được nhiều nhất (615 loài); tiếp đến là san hô (444 loài); động vật thân mềm (410 loài); rong biển (376 loài); thực vật phù du (310 loài); động vật phù du (187 loài); động vật da gai (116 loài); động vật giáp xác (92 loài); thực vật ngập mặn (61 loài); giun nhiều tơ (43 loài), cỏ biển (11 loài) và 66 họ trứng cá, cá con. Tại 19 đảo, vịnh Nha Trang có thành phần loài đa dạng nhất (1.196 loài); tiếp đến Thổ Chu (1.101 loài); Phú Quý (997 loài); Hòn Cau (958 loài); Côn Đảo (958 loài); Phú Quốc (933 loài); Cồn Cỏ (910 loài); Nam Yết (832 loài); Hải Vân - Sơn Chà (786 loài); Cù Lao Chàm (757 loài); Cát Bà (755 loài); Lý Sơn (748 loài); Hòn La (741 loài); Cô Tô (730 loài); Bạch Long Vỹ (683 loài); Hòn Mát (681 loài); Ba Mùn (640 loài); Đảo Trần (616 loài). Thấp nhất là Hòn Mê (527 loài). Trong các loài được xác định có 23 loài sẽ nguy cấp (VU), 10 loài nguy cấp (EN) và 3 loài rất nguy cấp (CR). Kết quả bổ sung 16 loài cá san hô mới cho danh mục cá rạn san hô biển Việt Nam.

36. Đỗ Anh Duy, Trần Văn Hướng, 2016. Đặc điểm phân bố của bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846) tại vùng biển Cô Tô, Quảng Ninh. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tháng 11/2006: 224-228.

Kết quả điều tra, nghiên cứu tại 36 trạm khảo sát tại vùng biển Cô Tô, Quảng Ninh từ ngày 03/6/2015 đến ngày 14/6/2015 cho thấy, Bào ngư chín lỗ phân bố không đều, mật độ thấp, trung bình chỉ đạt 1,31 cá thể/ 500 m2. Tần suất nhóm chiều dài bắt gặp từ 1,5 - 5,0 cm, trong đó nhóm chiều dài từ 3,5 - 4,5 cm chiếm ưu thế. Địa hình nền đáy đá vỉa rất thích hợp cho phân bố của bào ngư. Tỷ lệ bắt gặp bào ngư phân bố trong kiểu nền đáy này chiếm tới 90%, trong khi đó khu vực nền đáy đá tảng chỉ chiếm 10%. Khu vực sườn dốc rạn bắt gặp bào ngư phân bố nhiều nhất, chiếm đến 80% cá thể bắt gặp; khu vực chân rạn chiếm 20%. Khoảng độ sâu phân bố phổ biến là từ 3 - 8 m so với mực triều thấp nhất với mật độ trung bình bắt gặp từ 4,3 - 4,5 cá thể/ 500 m2. Khu vực phân bố chủ yếu của Bào ngư chín lỗ tại vùng biển Cô Tô là từ bãi đá Cầu Mỵ đến bãi đá Móng Rồng; bãi đá Dựng; phía nam hòn Đông Nam (hòn Khe Trâu); phía đông bắc đảo Cô Tô lớn; phía đông đảo Cô Tô con; phía nam xã Thanh Lân; phía đông xã Thanh Lân; đông bắc xã Thanh Lân và khu vực phía đông hòn Ba Đỉnh (hòn Miếu).

37. Đỗ Anh Duy, 2016. Báo cáo kết quả nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học biển từ năm 2000 đến nay. Tuyển tập Hội thảo quản lý nhà nước về đa dạng sinh học nông, lâm nghiệp và thủy sản, 28-29/10/2016, Ninh Bình, tr: 76-86.

38. Đỗ Anh Duy, Đỗ Văn Khương (2016). Đa dạng loài rong biển ven đảo Thổ Châu, Kiên Giang. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kết quả điều tra, phân tích số liệu từ các chuyến khảo sát tháng 3/2011, tháng 10/2015 tại vùng biển ven đảo Thổ Châu, Kiên Giang đã xác định được 57 loài rong biển thuộc 26 họ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài được xác định nhiều nhất với 31 loài, tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) 13 loài, ngành rong Nâu (Ochrophyta) 11 loài. Thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanobacteria) với 2 loài. Trong 57 loài rong biển được xác định, có 28 loài rong có giá trị kinh tế. Khu hệ rong biển vùng ven đảo Thổ Châu mang tính nhiệt đới (P = 4,0).