LÂU ĐÀI VINCENNES ... Trần Hữu Chí

LÂU ĐÀI VINCENNES

LÂU ĐÀI VINCENNES KHI XƯA

Nguyên thủy, Lâu Đài Vincennes được bao quanh bởi một bức tường thành mỗi cạnh dài hơn 1km. Ba mặt thành, ngoài mặt chính, có 9 vọng gác cao 40m, với 3 cổng vào. Đúng ra đây là một lâu đài pháo lũy (château fort) chớ không phải là một lâu đài chỉ để ở mà thôi.

Đặc biệt, Lâu Đài không nằm trên đỉnh của một ngọn đồi hay bên triền của một vực sâu hoặc bên cạnh một con sông lớn, như ta thường thấy nơi các pháo lũy khác, mà ở trên mặt bằng của cao nguyên đá vôi Gravelle (Plateau de Gravelle).

Lâu Đài được xây gần một con suối : suối Montreuil. Nước của con suối dùng để làm ngập các hào sâu dưói chân bức tường thành và nước thặng dư sẽ chảy qua hồ Saint Mandé.

Phía cổng chính là khu vua ở, hình chữ nhật 330m x 175m, được phòng thủ bằng một hệ thống hào chung quanh và một tháp cao 50m, vừa là nơi Hoàng gia trú ngụ vừa là vọng gác. Dưới hầm của cái tháp nầy là nơi chứa nước và thực phẩm, từng 1 và 2 là nơi Hoàng gia ở và các tầng trên cao nhất dành cho những người phục dịch và lính bảo vệ.

Các cơ sở hành chánh và quân sự cùng một nhà thờ tập trung trong khu nầy. Muốn vào khu nầy, phải đi qua cây cầu quay (pont levis, lever drawbridge).

Toàn bộ diện tích bên trong vòng thành có thể chứa được một vạn người làm ăn, sinh sống.

Với vọng gác chính cao 50m, Lâu Đài được xem là lâu đài pháo lũy xây trên đồng bằng lớn nhất và cao nhất Châu Âu còn tồn tại đến ngày nay.

Khởi đầu, năm 1150, vua Louis VII cho xây một nhà nghỉ khi đi săn trong rừng Vincennes.

Năm 1180, vua Philippe Auguste và Tổng Giám Mục Saint Simon cho xây một nhà thờ nhỏ (chapelle/ chapel). Xây xong, Saint Simon tham dự cuộc viễn chinh Thập Tự (Croisade/Crusade) và biệt tích luôn.

Tượng của Philippe Auguste và Saint Simon được dựng trên đỉnh của hai cột cao ở Công Trường Nation.

Năm 1552, nhà thờ được xây lại như ta thấy ngày nay. Bên trong nhà thờ có lưu giữ một mảnh của vòng gai mà Chúa đã đội trên đầu khi bị đóng đinh.

Kể từ năm 1574, Lâu Đài Vincennes trở thành nơi cư trú thường xuyên của vua chúa Pháp cùng với các Lâu Đài Louvres và Fontainebleau.

Năm 1660, vua Louis XIV không thích ở Vincennes nên cho xây ở Vesailles một lâu đài rộng lớn hơn để ở, có vườn hoa, hồ nước chung quanh, nơi mà trước kia chỉ là một nhà nghỉ khi đi săn ở rừng Versailles.

Từ 1664, vua Louis XIV rất ít khi trở lại trú ngụ trong cái tháp chính của Lâu Đài Vincennes.

THÁP 50m BIẾN THÀNH NHÀ TÙ

Năm 1664, vua Louis XIV được Bộ Trưởng Tài Chánh là Fouquet thỉnh đến khánh thành cái lâu đài mà ông ta vừa cho xây xong ở Vaux Le Vicomte (phía nam Paris khoảng 100km). Đến nơi, vua bị chóa mắt bởi sự nguy nga tráng lệ của lâu đài nầy so với cái cung điện mà vua mới cho xây ở trong rừng Versailles. Theo sự báo cáo của Colbert, một cận thần của nhà vua, thì Fouquet đã ăn cắp tiền của vua để xây cung điện cho y ta. Vua Louis XIV tức giận ra lệnh bắt Fouquet đem đi giam ở trong chính cái tháp 50m, lúc đó đang bị bỏ trống. D’Artagnan (xem chuyện Ba Người Lính Ngự Lâm – hay Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ «Les Trois Mousquetaires») có nhiệm vụ canh giữ Fouquet. Phiên tòa xử kéo dài 3 năm và sau đó Fouquet bị chuyển xuống một nhà tù khác ở phía nam nước Pháp.

Tất nhiên Colbert được vua trao cho giữ Bộ Tài Chánh thế Fouquet. Để tạ ơn vua, Colbert cho xây một cái ngai vàng đồ sộ ở cổng vào Paris để đón vua và hoàng hậu đi hưởng tuần trăng mật ở phía nam nước Pháp trở về và đặt tên nơi đó là « Công Trường Ngai Vua » (nay là Công Trường Nation).

Năm 1670, khi vua Louis XIV quyết định về ở luôn tại Điện Versailles vừa xây lại nguy nga gấp chục lần hơn Lâu Đài Vaux le Vicomte, như ta thấy ngày nay, thì Lâu Đài Vincennes được dùng làm trại lính và cái tháp 50m trở thành nhà tù ; tù nhân thuộc giới quý tộc, quan quyền hay văn học dám chống lại nhà vua.

Voltaire, Mirabeau, Diderot, Marquis de Sade đều nếm mùi nhà tù tháp Vincennes trong khoảng từ năm 1778 đến năm 1784.

Năm 1804, Quận Công Enghien bị Napoléon ra lịnh bắt cóc từ Bade đem về nhốt ở đây và bị đem ra xử bắn bên hào sâu, vì Napoléon nghi ông ta theo Phổ (Prusse) chống lại Hoàng Đế !

Trong một thời gian ngắn, Lâu Đài được dùng làm xưởng sản xuất đồ sứ dành cho vua chúa.

Napoléon I đã cho cắt phần trên của vài vọng gác cao 40m vì thấy chúng không cần thiết cho việc phòng thủ lâu đài.

Năm 1815, khi Napoléon I đã thoái vị, liên quân Nga-Phổ (Prusse) đã chiếm được Paris, nhưng cũng không đánh chiếm được Pháo Lũy Vincennes được chống giữ bởi 200 lính Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Daumesnil (hồ lớn trong rừng Vincennes mang tên vị tướng nầy).

Sau khi lên ngôi thay Napoléon I bị đày ra đảo Elbe ở Địa Trung Hải, vua Louis XVIII ra lệnh cho tướng Daumesnil phải ra hàng.

Trong Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhất, ngày 15 tháng 10 năm 1917, Mata Hari bị tình nghi là gián điệp cho Đức bị đem xử bắn bên bờ hào thành.

LÂU ĐÀI VINCENNES NGÀY NAY

Trong Thế Chiến Thứ Hai, Lâu Đài là căn cứ của Bộ Tham Mưu miền Đông của tướng Pháp Gamelin và là kho chứa đạn dược.

Ngày 2 tháng 8 năm 1944, 3 sư đoàn quân Waffen SS của Đức bị Đồng Minh đổ bộ đánh đuổi, rút chạy khỏi vùng Normandie. Trên đường tháo lui các sư đoàn này đã tới chiếm Lâu Đài Vincennes, xử bắn 30 con tin và cho phá nổ kho đạn trong đêm 24 và 25 tháng 8 năm 1944, gây ra một đám cháy kéo dài tám ngày đêm.

Năm 1964, Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle cảm thấy Điện Elysée quá nhỏ và quá tù túng, không xứng đáng là nơi tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia, nên dự tính cho sửa sang lại Lâu Đài Vincennes để dời dinh Tổng Thống Pháp về đó nhưng việc không thành.

Trong những năm 60, theo kế hoạch « Escale », Lâu Đài Vincennes được chọn để di tản dinh Elysée nếu sông Seine gây lũ lụt lớn, nước ngập đến nơi làm việc của Tổng thống Pháp.

Bây giờ, nhờ các đập xây trên sông Seine và các hồ lớn được đào để chứa nước lũ của sông nầy, sự đe dọa của nạn lũ lụt đã lùi vào dĩ vãng.

Ngày nay, Bộ Quốc Phòng và Bộ Văn Hóa cùng quản lý Lâu Đài Vincennes vì nơi đây là Văn khố của quân đội Pháp và đã đưọc xem như là di sản quốc gia.

Du khách có thể viếng hai bên cánh của Lâu Đài Vincennes, khi xưa một bên là nơi ở của vua và một bên là nơi ở của hoàng hậu, và cái tháp vừa được tân trang xong năm 2007.

Trần Hữu Chí