Chateau de Chambord ... Trần Hữu Chí

Chateau de Chambord

Lịch sử

Vào thế kỷ thứ 16, năm 1516, sau cuộc viếng thăm nước Ý khi trở về vua FRANÇOIS đệ nhất đã mời Leonardo da Vinci sang Pháp và cử ông làm kiến trúc sư của triều đình. Vua François 1er đã nhờ thiên tài nầy vẽ mẫu để xây một lâu đài theo kiểu thời Phục Hưng của nước Ý lúc bấy giờ.

Khu rừng ở Chambord, nơi đây đã có một lâu đài kiên cố (cách phía nam Paris khoảng 165 cây số), được chọn để xây với mục đích làm nơi nghỉ ngơi khi nhà Vua đi săn. Nhưng Leonardo da Vinci mất vài tháng trước khi khởi công năm 1519, lúc đó vua François 1er mới 25 tuổi.

1800 nhân công làm việc thường xuyên trên công trường trong các điều kiện hết sức khắc nghiệt về thời tiết và địa hình vì nguyên thủy nơi đây là một vùng đầm lầy, nên có chỗ các công nhân phải đóng những cây cừ bằng gỗ chêne (oak) dài 12m để chịu sức nặng của hàng tấn đá vôi dùng xây cất lâu đài (toàn bộ có 200 000 tấn đá được sử dụng).

Năm 1547, 27 năm sau, khi vua François đệ nhất mất thì chỉ mới xong phần của lâu đài nơi Vua cư ngụ (phần chính giữa trong hình). Trong suốt thời gian đó, nhà vua chỉ ở vỏn vẹn 72 đêm và thường thì đi săn và hạ trại ở trong rừng sâu với một đoàn tùy tùng thân cận gồm cả một số các bà.

Sang thế kỷ thứ 17, các vua Pháp kế tiếp hầu như không đến ở hoặc chỉ ghé một hai lần trên đường đi xuống phía Nam nước Pháp hoặc Ý hay Tây Ban Nha và cũng chẳng xây cất gì thêm. Vua Louis 14 đến Chambord lần đầu tiên năm 1659 và trở lại năm 1660. Từ đó cho đến năm 1684 ông cho xây thêm cánh phía Bắc và nhà thờ (mà trong hình ta thấy tháp chuông ở ngay ngõ vào chính). Kiến trúc bên trong của phần nầy giống bên trong điện Versailles. Trong thời gian ở Chambord, vua Louis 14 đã được gánh hát của Molière đến trình diễn giải trí.

Đầu thế kỷ thứ 18, từ 1725 đến 1750, vua Louis 15 dành lầu đài cho cha vợ của mình, vua Ba Lan bị truất ngôi, tạm trú và sau đó dùng làm trại lính. Cuối thế kỷ thứ 18, năm 1789, Cách Mạng Pháp bùng nổ, dân chúng địa phương nổi dậy, và để trả thù cho việc ông cha bị ép đi làm xâu xây lâu đài, tràn vào đập phá cướp bóc, đốn cây và bắt đi thú vật trong lâm viên. Sự thiệt hại gây ra quá sức nặng nề nên những năm 1790 – 1791 chính quyền cách mạng gởi lính tới lập lại trật tự và bảo vệ những gì còn lại. Năm 1792 khi chính quyền cách mạng quyết định bán đấu giá các bàn ghế tủ giường trong lâu đài thì hầu như các cửa nẻo bị cướp đi gần hết.

Đầu thế kỷ thứ 19, tháng 7 năm 1802, khi Napoléon Bonaparte được cử đứng đầu Ủy Ban Chấp C (1er Consul) thì lâu đài đã bị bỏ phế và ở trong tình trạng thê thảm, nên ông ra lịnh tu bổ lại, dự tính làm trung tâm giáo dục các con gái của những người có công với nước Pháp có huân chương Légion d’honneur, nhưng chuyện không thành sau khi Napoléon 1er bị truất phế. Từ năm 1870, lâu đài thuộc sở hữu của gia đình quận công De Parme.

Sang thế kỷ thứ 20, ngày 19/04/1930 nhà nước Pháp mua lại cái lâu đài nầy với giá 11 triệu quan vàng (franc-or) và tuyên bố đó là di sản quốc gia (patrimoine national). Trong Đệ Nhị Thế Chiến, lâu đài được dùng làm nơi lưu trữ báu vật của các viện bảo tàng ở Paris và miền Bắc nước Pháp để khỏi bị hủy diệt bởi các trận ném bom của Đức.

Lâu đài Chambord đã may mắn thoát khỏi sự sụp đổ, trong đường tơ kẻ tóc

  • một trân ném bom của Đức trong khu vực

  • một phi cơ B24 của Mỹ rơi gần đó

  • một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi nóc của cánh phía nam

Khi chiến tranh chấm dứt, từ năm 1947 đến nay việc trùng tu toàn bộ lâu đài được tiếp tục và năm 1981 lâu đài CHAMBORD được UNESCO xếp vào di sản thế giới (Patri - moine mondial).

Vài chi tiết kỹ thuật

Lầu đài có dạng hình chữ nhật, mặt tiền chính dài 156m, có 426 phòng và 77 cầu thang, trong đó có 2 cầu thang chính hình xoắn ốc, 282 lò sưởi và 800 đầu cột chạm trổ. Trục chính của 4 cái tháp ở bốn góc hướng đúng theo 4 hướng địa bàn. Diện tích của khu lâm viên hiện nay là 5440 mẫu, 1000 mẫu mở cho công chúng sử dụng, và đây là khu lâm viên có rào bao bọc, 32 km, lớn nhất Châu Âu.

Vị trí địa dư của các lâu đài dọc theo sông LOIRE

TRẦN HỮU CHÍ

21/11/2011