Công Trường BASTILLE ... Trần Hữu Chí

Công Trường BASTILLE

Lịch sử

Pháo lũy Bastille được xây từ năm 1370 đến năm 1383, có chiều dài là 66m, chiều ngang 34m và cao 24m. Chung quanh được bảo vệ bằng hệ thống hào ngập nước rộng 25m và sâu 8m; nước được dẫn thẳng từ sông Seine vào tận chân pháo lũy bằng kinh đào Ourcq.

Mặt phía đông của pháo đài

Cửa ngõ chính vào pháo lũy là đường Saint Antoine hiện nay.

Nguyên thủy, pháo lũy Bastille là pháo đài nằm trong hệ thống phòng thủ mặt phía đông Paris, nhưng nhiều lần bị bao vây và phải đầu hàng nên pháo lũy nầy bị xem như không giúp ích gì cho việc phòng thủ Paris cả.

Sang thế kỷ thứ 17, dưới thời Hồng Y Richelieu, pháo lũy trở thành nhà ngục giam giữ, không cần xét xử, những ai trong giai cấp quý tộc hay giới "bourgeois" (tư sản) giàu có dám chống lại nhà Vua. Đây là nhà ngục loại "5 sao", tù nhân được cho ăn ngủ sung sướng và tiếp khách khứa ngay trong chỗ giam cầm. Số tù nhân quý phái nầy không quá 45 người.

Trong cuộc Cách Mạng ngày 14 tháng 7 năm 1789, dân chúng tràn vào nhà giam nầy với mục đích cướp thuốc súng chứa trong pháo đài để dùng cho đại bác của phe nổi dậy, chớ không thể phá nổi pháo đài với giáo mác.

Chỉ sau đó, vì thấy nhà ngục nầy quá tốn kém nên chính phủ cách mạng ra lịnh phá hủy nó. Việc phá pháo đài kéo dài trong mấy năm. Đá của pháo đài được dùng để xây cầu Concorde hiện nay và phân phát cho các tỉnh.

Một mẫu của ngục Bastille được tạc trong một viên đá xây ngục được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Carnavalet Paris. Hiện nay, một trong các chìa khóa mở cửa ngục Bastille đã được Hầu Tước La Fayette gởi tặng Tổng Thống Mỹ G. Washington vẫn còn được lưu giữ tại nơi ở của ông, nay là Bảo Tàng Viện ở Mount Vernon.

Cột Bastille

Sau khi ngục Bastille bị phá hủy, có nhiều dự án xây nơi đó các tượng đài kỷ niệm, thí dụ như tượng con voi mang trên lưng pháo đài Bastille.

Trong lúc nền Đệ Nhất Cộng Hòa chưa được ổn định, Napoléon thừa dịp đảo chính, lên ngôi Hoàng Đế. Sau khi Napoléon bị thất trận và bị lưu đày ra đảo St. Hélène thì chế độ quân chủ chuyên chính được tái lập.

Năm 1830, dưới triều đại của Vua Charles X, dân chúng lại nổi dậy trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 7 để lật đổ Charles X, hằng trăm người bị tàn sát. Louis Philippe 1er, còn gọi là Quận Công Orléans, lên nối ngôi, tái lập chế độ Quân Chủ Đại Nghị.

Một năm sau, ngày 27 tháng 7 năm 1831, Vua Louis Philippe cho xây Cột Bastille để kỷ niệm cuộc nổi dậy. Cột được khánh thành ngày 27 tháng 7 năm 1840, chín năm sau ngày khởi công. Ba ngày 27, 28, 29 tháng 7 được gọi là BA NGÀY VẺ VANG (Trois Glorieuses).

Duới chân Cột Bastille có ghi câu:

“Vinh danh các công dân Pháp đã tự vũ trang và đã chiến đấu bảo vệ các tự do của quần chúng trong những ngày không thể quên 27, 28, 29 tháng 7 năm 1830.”

(A la gloire des citoyens français qui s’armèrent et combattirent pour la défense des libertés publiques dans les mémorables journées des 27, 28, 29 Juillet 1830.)

Chung quanh thân cột có khắc tên của 196 người ngã xuống trong những ngày cách mạng đó. Trên đỉnh cột là tượng Thần Tự Do lát vàng, GÉNIE DE LA LIBERTÉ.

Năm 1848, đến phiên vua Louis Philippe bị lật đổ và nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thiết lập.

Hài cốt của 196 người chết trong cách mạng 1830 được cải táng, ngay trong hầm bên dưới chân cột và chiếc ngôi của vua Louis Philippe bị đem ra đốt trước chân cột .

Thần Tự Do

Năm 1871, dân Paris lại nổi lên trong cuộc cách mạng mang tên Ba Lê Công Xã, (Commune de Paris), quyết định triệt hạ cây cột nầy vì xem đây chỉ là tàn tích của chế độ phong kiến, như đã kéo và phá sập cột Vendôme.

Nhóm cách mạng đã dùng một thuyền chở đầy dầu hỏa kéo vào tận duới hầm của chân cột và phóng hỏa nhưng không làm lay chuyển được cây cột. Sau đó họ dùng đại bác bắn 30 chục viên đạn vào cột, nhưng cột vẩn đứng yên. Các chính phủ sau cho sửa chữa và cột tồn tại cho đến nay.

Dấu vết của ngục Bastille

Trên Công Trường Bastille hiện nay, vị trí của các tháp của pháo đài Bastille được đánh dấu bằng các vòng cung trên mặt lộ chung quanh Cột Bastille.

Ngày Quốc Khánh 14 tháng 7 của nước Pháp

Đa số người ta đều tưởng ngày Quốc Khánh Pháp là kỷ niệm ngày phá ngục Bastille 14 tháng 07 năm 178, nhất là ở các xứ như Anh và Mỹ, vì họ gọi đó là Bastille Day.

Thật ra đó là kỷ niệm ngày 1 tháng 07 năm 1790. Vào ngày ấy, tất cả các Ủy Ban Cách Mạng ở các tỉnh và các khu phố ở Paris tập hợp tại cánh đồng Champ de Mars (dưới chân tháp Eiffel bây giờ) để kỷ niệm ngày phá ngục Bastille và để tuyên thệ trung thành với chính quyền cách mạng và gọi đó ngày Lễ Liên Hiệp (FÊTE DE LA FÉDÉRATION). Ngày 14 tháng 7 được tuyên bố chính thức là ngày Quốc Khánh nước Pháp kể từ năm 1880.

Trần Hữu Chí