Lâu Đài Chenonceau ... Trần Hữu Chí

Lâu Đài Chenonceau

Lâu đài Chenonceau là một sở hữu của tư nhân từ lúc nguyên thủy cho đến hiện nay, mặc dù có một giai đoạn ở vào thời kỳ Phục Hưng lâu đài nầy thuộc về tài sản của triều đình Pháp ; do đó đúng ra phải gọi là Manoir (Manor) de Chenonceau. Lâu đài nầy còn được biết dưới tên là "Château des Dames", Lâu Đài của các Bà, vì kiến trúc của lâu đài chịu ảnh hưởng của sự can thiệp của 6 bà mệnh phụ mà ta sẽ biết khi đọc phần lịch sử.

Xin để ý chính tả: khi ta nói làng Chenonceaux bên cạnh lâu đài thì ta phải viết có chữ x còn tên của lâu đài thì không có chữ x. Lâu đài như ta thấy hiện nay, được khởi công xây cất vào năm 1513.

Về địa dư thì lâu đài nằm trên sông Cher, một nhánh của sông Loire, về phía tây của lâu đài Chambord và cách lâu đài Amboise 12 km về phía nam.

LỊCH SỬ

1/ Lâu đài của dòng họ MARQUES

Năm 1230:

Tại khu vực nầy, dòng họ MARQUES, giàu có và quyền thế, đã xây trên hữu ngạn sông Cher một lâu đài để kiểm soát và thu thuế lưu thông mua bán của tàu bè qua lại. Trong cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp, lúc hòa lúc chiến, kéo dài gần trăm năm, để tranh giành việc thừa hưởng ngôi báu ở Pháp, gia đình Marques đứng về phía Anh. Năm 1411 quân Pháp thắng quân Anh và vua Pháp ra lịnh san bằng lâu đài nầy.

Năm 1432:

Gia đình họ Marques được vua cho xây lại một lâu đài khác cũng trên hữu ngạn sông Cher không xa cái trước, vuông vức mỗi bề là 50m x 55m. Lâu đài nầy hiện nay chỉ còn lại cái tháp như ta thấy bên trái của hình trên, gọi là "tháp Marques".

Tháp Marques

2/ Dòng họ BOHIER

Con cháu họ Marques quản lý quá kém nên bị mắc nợ nặng. Tháng 12 năm 1512, Thomas BOHIER, một quan lại trong triều chuyên lo về tài chánh của các vua Pháp, từ Charles VIII, Louis XII, đến François I, đã mua lại toàn bộ lãnh thổ và lâu đài của dòng họ Marques rộng 1680 mẫu.

Năm 1513:

Thomas Bohier lại cho san bằng lâu đài của dòng họ Marques, chỉ giữ lại cái tháp và một giếng nước kế bên rồi khởi công xây một lâu đài mới. Công trình kéo dài từ 1513 đến 1521 dưới sự điều khiển trực tiếp của bà vợ Kathéerine Briçonnet, vì ông chồng thường xuyên vắng nhà do bận việc triều đình.

Năm 1526:

Thomas Bohier mất năm 1524 và bà vợ mất năm 1526. Vua Pháp François I ra lệnh kiểm tra sổ sách kế toán do ông Thomas Bohier đảm trách trước khi bàn giao cho người thay thế thì lòi ra những biển thủ gian lận to lớn. Thomas Bohier thục két, lấy công quỹ xây lâu đài cho chính ông ta. Tức giận, vua François I ra lệnh phạt nặng những người thừa kế 190.000 quan vàng (franc-or).

Năm 1535:

Vua François I lại ra sắc lệnh trưng thu toàn bộ tài sản, đất đai, lâu đài của dòng họ Bohier và biến chúng thành cương thổ của triều đình, vì dòng họ nầy không đóng đủ tiền phạt.

3/ Cương thổ của triều đình

Năm 1547:

Sau khi vua François I mất, vua Henri II lên nối ngôi. Lúc còn là Hoàng Thái Tử và đã có vợ là bà Catherine de Médicis rồi, Henri II mê say đắm một bà góa chồng đến mức xây cho bà nầy một lâu đài ở tây bắc Paris: lâu đài Anet. Đó là bà Diane de Poitiers, chồng là một vị Thống Chế già trong triều lớn tuổi hơn bà rất nhiều. Khi lên ngôi, Henri II đã tặng ngay lâu đài Chenonceau cho bà Diane de Poitiers. Lúc vào ở lâu đài Chenonceau, bà Diane de Poitiers đã cho xây: vườn hoa do Kiến Trúc Sư người Ý, Dom Pacello da Mercogliano thiết kế. Đến nay vườn hoa vẫn mang tên vị Kiến Trúc Sư nầy. Một cái cầu bắc ngang qua sông Cher nối lâu đài với tả ngạn sông, do Kiến Trúc Sư De l’Orme vẽ kiểu để làm thêm vườn hoa và nới rộng lãnh thổ săn bắn.

Lâu đài Anet

Năm 1559:

Vua Henri II chết trong một cuộc tranh tài (tournoi – tournament) đấu kích (hallebardes – halberts), Hoàng Hậu Catherine de Médicis, sau bao năm bị thất sủng nay có dịp trả thù. Catherine de Médicis bấy giờ là mẫu hậu, mẹ của ba vua nước Pháp: François II, Charles IX và Henri III. Bà ra lệnh đuổi Diane de Poitiers trở về lâu đài Anet. Catherine de Médicis cho xây ngay trên cầu của bà Diane hai hành lang chồng lên nhau tạo nên một khoảng tiếp tân rộng lớn, một kỹ thuật kiến trúc chưa từng có thời bấy giờ.

Phòng ngủ của Diane de Poitiers

Năm 1573:

Charles IX nối ngôi Henri II nhưng mất sớm, nên người em đang làm vua ở Ba Lan được mẹ là Hoàng Thái Hậu Catherine de Médicis gọi về để lên ngôi: đó là Henri III. Hoàng Hậu Louise de Lorraine, vợ của vua Henri III đã chỉnh trang lại bên trong lâu đài Chenonceau để lâu đài nầy xứng đáng là nơi tiếp đón vua chúa từ các nơi đến viếng hoặc trú ngụ.

Năm 1589:

Vua Henri III bị ám sát chết, Hoàng Hậu Louise de Lorraine ở lại luôn trong lâu đài Chenonceau với các nữ tu. Khi Hoàng Thái Hậu Cathérine de Médicis mất, lâu đài biến thành một chủng viện dành cho các nữ tu sĩ. Khi đi viếng lâu đài, ta sẽ thấy một phòng có tên là "Phòng Năm Bà Hoàng Hậu" (Salle des Cinq Reines), đó là năm bà con gái và dâu của Hoàng Thái Hậu Cathérine de Médicis: Marie Stuart, Marguerite de France (còn gọi là Hoàng Hậu Margot), Louise de Lorraine, Elizabeth d’Autriche và Elizabeth de France.

Năm 1650:

Vua Louis XIV đã đến viếng và ở lại lâu đài Chenonceau tại phòng có tên "Louis XIV". Ông đã tặng cho lâu đài bức chân dung của ông với trang phục lộng lẫy.

Phòng Louis XIV

4/ Thời cận đại

Sau giai đoạn huy hoàng dưới các triều đại thời Phục Hưng, lâu đài Chenonceau lại thuộc về tay tư nhân trải qua các cuộc mua bán đổi chác.

Năm 1733:

Gia đình Claude DUPIN mua lại lâu đài từ tay Quận Công De Bourbon. Vợ của ông, bà Louise Dupin, là một trí thức cấp tiến, thường tổ chức tại lâu đài các buổi hội thảo về xã hội với các văn sĩ, triết gia như Voltaire, Montesqieu, Jean Jacques Rousseau, Fontenelle,… và bà giữ mối giao hảo tốt với dân làng chung quanh .

Năm 1789 :

Khi Cách Mạng Tư Sản Pháp bùng nổ, ở những nơi khác dân chúng xem các lâu đài là biểu tượng cho chế độ quân chủ nên xông vào đập phá , còn lâu đài Chenonceau được bình yên nhờ tư cách xử sự của bà Louise Dupin. Nhưng vì bà Dupin muốn chứng tỏ sự đồng tình với chế độ Cộng Hoà, bà đã biến ngôi nhà thờ nhỏ trong lâu đài thành cái vựa chứa gỗ và các dụng cụ làm vườn.

Năm 1864:

Lâu đài được bán lại cho bà Marguerite PELOUZE, một đại phú gia nhờ được thừa hưởng một gia tài lớn. Từ năm 1867 đến năm 1878, trong 11 năm ròng rã, bà Pelouze đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để tái tạo lại mặt tiền của lâu đài, cũng như cầu thang chính, các lò sưởi và cửa vô ngôi nhà thờ. Bà đã tái tạo lại mặt tiền lâu đài y hệt như lúc đầu, thời Phục Hưng, vì mặt tiền đã bị sửa đổi theo lệnh của Hoàng Thái Hậu Catherine de Médicis. Bà Pelouze đã tiêu hết cả tiền trong việc nầy và còn phải đi vay thêm để sau cùng trả không nổi nên lâu đài bị phát mãi.

Năm 1891:

Một tỉ phú Mỹ, ông TERRY, đã mua được lâu đài Chenonceau trong kỳ bán phát mãi nầy.

Năm 1913:

Lâu đài lại được đem ra bán đấu giá. Ông MENIER, một kỹ nghệ gia đã mua được và dòng họ MENIER vẫn làm chủ lâu đài nầy cho đến ngày nay.

Lịch sử của lâu đài Chenonceau gắn liền với tên tuổi của 6 bà: Katherine Briçonnet, Diane de Poitiers, Catherine de Médicis, Louise de Lorraine, Louise Dupin và Marguerite Pelouze. Vì lý do đó, lâu đài Chenonceau còn được gọi là « Lâu Đài của các Bà » hay « le Château des Dames ».

Lâu đài Chenonceau là một lâu đài của tư nhân được du khách đến xem nhiều nhất. Số khách viếng lâu đài chỉ đứng sau số khách viếng Điện Versailles.

TRẦN HỮU CHÍ

23/11/2011