Công Trường Vendôme ... Trần Hữu Chí

CÔNG TRƯỜNG VENDÔME

Công Trường Vendôme thuộc quận Nhất Paris, có dạng hình chữ nhật tiêu biểu cho nền Kiến Trúc Đô Thị Cổ Điển của Pháp. Công Trường có hai ngả ra :

- Rue de la Paix, phía bắc, đi qua Opera Garnier

- Rue de Castiglione, phía nam, đi về Công Viên Tuileries trước Viện Bảo Tàng Louvre.

Năm 1699, Kiến Trúc Sư Pháp Hardouin-Mansart có kếhoạch xây cất lại khu Vendôme đã có từ thời Louis 14 nầy, theo một kiến trúc hoàn chỉnh hơn. Hiện nay mặt tiền của các tòa nhà khu Vendôme được xếpvào « Di Tích Kiến Trúc Lịch Sử » của Pháp.

Tên của Công Trường được thay đổi nhiều lần qua các biến cố chính trị, từ « Công Trường Louis le Grand » (Louis vĩ đại!), thời Louis 14, rồi « Công Trường Các Mũi Giáo », thời Cách Mạng 1789, đến « Công Trường Quốc Tế », trong Cách Mạng Công Xã Paris 1871, và sau cùng « Công Trường Vendôme ».

Khu Vendôme nổi tiếng nhất Paris về sự giàu sang với các khách sạn như Ritz, Coetlogon, hay Evreux, các hiệu kim hoàn và đồng hồ như Cartier, Piaget, Rolex, Vuitton, danh tiếng trên thế giới. Nơi nầy cũng là nhân chứng của vài biến cố lịch sử.

Các tòa nhà bao quanh công trường được đánh số

. Phía số lẻ từ 1 đến 25:

- số 3 và số 5, khách sạn Coetlogon được Sultan Brunei mua lại, bỏ ra hằng triệu euro sửa sang nhưng ít khi tới ở.

- số 13, trụ sở Bộ Tư Pháp. Năm 1795, một cây thước mẫu (1 mètre étalon) đã được khắc trên đá cẩm thạch trước mặt tiền của tòa nhà để dân chúng Paris quen với hệ thống đo lường mới.

- số 15, khách sạn Ritz, được tỉ phú Ai Cập Mohamed Al-Fayed mua lại và trong phòng ăn nguy nga tráng lệ của khách sạn nầy con trai ông ta, Dodi đã ăn bữa ăn cuối cùng của cuộc đời với Lady Diana trước khi hai người tử thương vài giờ sau đó vì tai nạn lưu thông trong đường hầm Alma năm 1997.

- số 19 khách sạn Evreux được Emir Qatar mua lại.

. Phía số chẳn từ 2 đến 28:

- số 12, nơi Frederic Chopin sinh sống, ở từng trên trong một căn phòng không gì sang trọng cả. Ông mất ở đây vì bệnh lao năm 1849.

CỘT VENDÔME

A/ VÀI CHI TIẾT KỸ THUẬT

Cột trụ như ta thấy hiện nay được dựng ngay giữa Công Trường. Chiều cao cột trụ từ mặt đất lên tới đỉnh là 44.3m, đường kính trung bình 3.6m, trên đỉnh có tượng của Napoléon 1er , tay phải cầm quả địa cầu, tay trái cầm thanh gươm. Tượng được tạc theo dạng một Hoàng Đế La Mã.

Cột xây bằng đá, bọc chung quanh bên ngoài bởi các tấm đồng hình bình hành, tổng cộng có 425 tấm. Đồng được lấy từ 130 khẩu súng đại bác mà quân của Napoléon 1er tịch thu được sau chiến thắng quân Đức ở Austerlitz. Trên các tấm đồng, hình ảnh các trận giao tranh được đúc nổi. Các tấm đồng được gắn chung quanh vách cột theo hình xoắn ốc, dài 282m. Bên trong cột có một cầu thang đưa ta lên tận bao lơn ngay dưới chân tượng Napoléon 1er (cầu thang nầy không cho công chúng sử dụng).

Dưới chân cột, có một tấm biển ghi bằng chữ Latin, tạm dịch:

« Hoàng Đế Napoléon vĩ đại (Auguste) vinh danh Đại Quân (Grande Armée)

Đài kỷ niệm nầy được xây với đồng lấy từ vũ khí tịch thu được trong cuộc giao tranh với Đức năm 1805, kéo dài 3 tháng dưới sự chỉ huy của Hoàng Đế »

Cột được xây năm 1800 và xong năm 1810.

B/ CỘT VENDÔME QUA CÁC BIẾN CỐ LỊCH SỬ

Công Trường Vendôme đã có từ thời vua Louis 14 nên giữa Công Trường có tượng của vua Louis 14 cỡi ngựa. Sau Cách Mạng 1789, năm 1792 bức tượng Louis 14 bị phá đổ.

Năm 1814, Napoléon bại trận, Paris bị liên quân Châu Âu (Anh, Đức, Phổ) chiếm và tượng Napoléon bị hạ bệ.

Năm 1815 từ nơi bị đày trên đảo Elbe, trong Địa Trung Hải, Napoléon vượt ngục trở về nắm quyền và lại gây chiến tranh với các nước Châu Âu. Sau khi bị đánh bại ở Waterloo (Bỉ) năm 1815, Napoléon 1er đầu hàng quân Anh và bị đày ra đảo Sainte Hélène giữa Đại Tây Dương, thì bức tượng, chưa kịp đặt lại chỗ cũ, bị đem đi nấu chảy để đúc tượng vua Henri IV, đặt trên cầu Pont Neuf, trước nhà thờ Notre Dame.

(Ghi chú : Henri IV nối ngôi vua cha Henri III, người lập ra dòng Bourbon gồm các vua Henri IV, Louis 13,14, 15, 16, 18 và Louis Philippe).

Khi chế độ quân chủ được tái lập năm 1830, vua Louis Philippe cho làm một bức tượng Napoléon 1er khác, nhưng không cho mặc y phục Hoàng Đế La Mã mà chỉ mặc sắc phục của một hạ sĩ quan quân đội Napoléon xưa.

Năm 1852, Napoléon III, cháu của Napoléon I lật đổ chế độ Cộng Hòa lên ngôi Hoàng Đế cho đúc lại bức tượng Napoléon 1er nguyên thủy và đặt nó lại chỗ cũ.

Năm 1871 dân chúng Paris nổi dậy vì nước Pháp lại thua trận, đầu hàng Đức và chính phủ Pháp bỏ chạy xuống Bordeaux trốn, sau quay lại lấy Điện Versailles làm trụ sở. Các nhóm nổi loạn lập ra chính quyền cách mạng mang tên « Communne de Paris» (Ba Lê Công Xã)*.

Theo lời đề nghị của họa sĩ Gustave Courbet (các tác phẩm của ông được trưng bày trong Viện Bảo tàng Orsay ở Paris), Hội Đồng Công Xã Ba Lê xem cây cột như « biểu tượng của sự dã man, một vinh quang giả tạo, một sự chấp nhận chủ nghĩa quân phiệt, một sự phủ nhận luật quốc tế, một sự sỉ nhục muôn đời mà kẻ chiến thắng đã gây ra đối với kẻ chiến bại, một sự xâm phạm thô bạo đối với nguyên tắc BÁC ÁI (Fraternité), một trong ba nguyên tắc cơ-bản** của nền Cộng Hòa Pháp », nên Hội Đồng Công Xã Ba Lê quyết định cho hằng trăm lính Vệ Binh Quốc Gia kéo sập cây cột nầy.

Cuộc nổi loạn bị quân chính phủ kéo từ Versailles về đàn áp, gây ra hơn 20 000 người chết. Dân chúng đốt phá các lầu đài, dinh thự, hằng trăm người bị đem ra xử bắn ở nghĩa trang Père Lachaise. Sau đó nền Đệ Nhị Cộng Hòa ra đời.

Thống Chế Mac Mahon lên làm Tổng Thống và năm 1873 quyết định cho xây lại cây cột y như lúc đầu, đồng thời xử phạt họa sĩ Gustave Courbet phải chịu tất cả các phí tổn tính ra là 320 000 quan thời bấy giờ, có nghĩa là mỗi năm Gustave Courbet phải trả 10 000 quan, trong 32 năm. Nhưng Gustave Courbet chết trước khi trả đợt đầu tiên.

. xin đọc hoặc xem phim « Les Misérables » của Victor Hugo

. Liberté, Egalité, Fraternité

Trần Hữu Chí - 12/2011