Cầu Trên Sông Seine... Trần Hữu Chí

Sông Seine nước chảy một chiều …

Trong Paris, sông Seine chảy theo hướng từ đông sang tây, từ nhà thờ Notre Dame qua tháp Eiffel, theo hình vòng cung, dài khoảng 13 km và rộng từ 110m đến 130m, chia Paris thành hai vùng :

- vùng phía Nam, tả ngạn, gồm 6 quận : 5, 6, 7, 13, 14, 15

- vùng phía Bắc, hữu ngạn, gồm 14 quận còn lại.

Hai mươi quận của Paris được đánh số thứ tự theo hình xoắn ốc và theo chiều quay của kim đồng hồ.

Các quận 1, 4, 5, 6 nằm hai bên bờ của sông Seine chảy bọc quanh hai đảo :

- đảo la Cité với nhà thờ Notre Dame

- và đảo Saint Louis

Hai vùng tả và hữu ngạn sông Seine được nối nhau bằng 37 cầu, có cầu chỉ dành cho người đi bộ hoặc cho xe điện Metro.

Hai đảo được nối với tả và hữu ngạn bằng 13 cầu, trong đó có cây cầu xưa nhất, phía trước nhà thờ Notre Dame xây từ thời trung cổ, lại mang tên là PONT NEUF (cầu mới - new bridge), tên được lưu lại từ thuở xưa. Khi xưa trên cầu là khu chợ với phố xá xây kín hai bên. Sau đây tôi xin giới thiệu vài cây cầu đẹp và được liệt vào di sản quốc gia của nước Pháp.

CẦU ALEXANDRE III

Cây cầu nầy được xây trong dịp Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế năm 1900 tại Paris, nối liền hai quận 7 và 8 (tháp Eiffel thuộc quận 7)

Nga Hoàng Nicolas II đã đặt viên đá đầu tiên năm 1896, biểu lộ sự hợp tác giữa Nga và Pháp sau khi hiệp ước liên minh Nga - Pháp được ký kết năm 1891 giữa Nga Hoàng Alexandre III (mất năm 1894 và là cha của Nicolas II) và Tổng Thống Pháp Sadi Carnot.

Việc lấy tên Nga Hoàng Alexandre III đặt tên cho cây cầu chấm dứt mấy chục năm thù địch, bắt đầu với cuộc viễn chinh và thảm bại của Napoléon đệ Nhất trên đất Nga.

Các kiến trúc bằng sắt thép như Tháp Eiffel, tòa nhà triển lãm Grand Palais cũng được xây lên trong dịp Hội Chợ đó.

Điểm có ý nghĩa là đứng giữa cầu nhìn về hướng nam ta sẽ thấy một cái vòm thếp vàng rực rỡ : đó là điện Invalides, mộ của Hoàng Đế Napoléon đệ Nhất.

Nhìn về hướng bắc ta sẽ thấy nóc của tòa nhà Grand Palais, nơi triển lãm sản phẩm của Hội Chợ (kế bên là tòa nhà triển lãm nhỏ hơn, được gọi là Petit Palais). Ở mỗi đầu cầu có dựng lên 2 cột vuông vức cao khoảng 17m, trên đỉnh mỗi cột có tượng con ngựa có cánh, Pégasus, thếp vang tượng trưng các thành tựu về

- thương mãi và kỹ nghệ, phía tả ngạn

- nghệ thuật và khoa học, phía hữu ngạn

Ngoài ra dưới chân mỗi cột có các bức tượng, tượng trưng cho nước Pháp qua các thời đại :

- thời Phục Sinh (Renaissance) và thời Vua Louis thứ 14, phía tả ngạn

- thời Charlemagne và thời Hiện Đại, phía hữu ngạn.

Cầu chỉ có một nhịp duy nhất bằng thép dài 73m, hai đầu cầu được chôn sâu trong hai bệ bằng bê-tông khổng lồ, kỹ thuật xây cầu được xem như tiên tiến nhất thời bấy giờ.

Các trang trí hai bên hông cầu và các cột đèn điện được xem là những tác phẩm nghệ thuật Art moderne đầu thế kỷ thứ hai mươi.

CẦU MIRABEAU

Tôi muốn giới thiệu một cây cầu thứ hai, cầu Mirabeau, nối liền hai quận 15 và 16, được xây từ năm 1893 và xong năm 1896, Tháp Eiffel xây xong năm 1889 và cầu Alexandre III xong năm 1900, thời cực thịnh của kỹ nghệ sắt thép.

Cầu nối liền hai quận 15 và 16, ít được du khách biết đến vì nằm ở mút đầu Tây Nam của sông Seine, cầu áp chót, trước cầu Garigliano.

Cầu hoàn toàn bằng thép với nhịp giữa dài 98m, dài nhất thời bấy giờ, nếu thêm hai đoạn đầu cầu, 37.5m mỗi đoạn, thì toàn bộ cầu dài 173m .

Hai chân cầu được xây trên hai bệ bê-tông có dạng hai chiếc tàu . Ở mũi và lái của chiếc tàu, nghĩa là mỗi bên hông cầu, có một tượng Nữ Hải Thần tượng trưng cho :

- thành phố Paris

- hàng hà, lưu thông trên sông, hình bên mặt

- sự thịnh vượng

- thương mãi

Đây là cầu duy nhất mang tên một nhân vật lịch sử của cuộc Cách Mạng 1789: đó là Quận Công MIRABEAU.

Tuy thuộc giai cấp quí tộc (noblesse), Quận Công Mirabeau được đề cử đại diện cho giai cấp thứ ba (Tiers État) của vùng Aix en Provence, miền Nam nước Pháp trong Viện Dân Biểu (Etats Généraux) do Vua Louis thứ 16 chỉ định .

Ngày 23 tháng 6 năm 1789, 3 tuần trước lúc Cách Mạng bùng nổ, ông và các đại biểu khác của giai cấp thứ ba đã từ chối rời Hội Trường ở điện Versailles khi nhà Vua ra lịnh giải tán Viện Dân Biểu và ông đã nói một câu được ghi vào lịch sử Pháp : « Chúng tôi họp ở đây theo ý nguyện của dân và chúng tôi chỉ rời khỏi nơi đây dưới sức mạnh của lưởi lê » (Nous sommes ici par la volonté du peuple et nous n’en sortirons que par la force des baïonnettes) .

Nhưng cầu Mirabeau không chỉ nhắc ta một giai đọan lịch sử của nước Pháp mà nó còn được biết qua bài thơ « Sous le pont Mirabeau » của nhà văn thơ Guillaume Apollinaire (1880-1918) mà tôi xin trích sau đây 4 câu đầu (và xin phỏng dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt).

Sous le pont Mirabeau

Sous le pont Mirabeau coule la Seine,

Et nos amours

Faut-il qu’il m’en souvienne

La joie venait toujours après la peine

Beneath the Mirabeau bridge

Beneath the Mirabeau bridge flows the Seine,

Along with our love

Need I be reminded

Joy always came after pains

Dưới dạ cầu Mirabeau

Dưới dạ cầu Mirabeau

Sông Seine sóng vỗ xuôi dòng chảy

Như tình ta cứ mãi bạt trôi

Ta có nhớ chăng, nỗi vui sướng

Chỉ đến với mình sau mối thương đau.

MỘT GÓC NHỎ CỦA NƯỚC MỸ TRÊN SÔNG SEINE

Sông Seine khi chảy giữa hai quận 15 và 16 thì tẽ làm hai nhánh tạo ra một đảo rất hẹp khoảng 30m, nhưng rất dài : đảo Thiên Nga (Île du Cygne - Swan Island). Một trong ba cây cầu nằm vắt qua đảo nầy, về phía hạ lưu, là cầu Grenelle và ở mõm của đảo ta sẽ thấy bức tượng Nữ Thần Tự Do, được điêu khắc gia BARTHOLDI dùng làm mẫu để xây tượng Liberty ở Nữu Ước.

Cầu Grenelle nhìn từ cầu Mirabeau với tượng Nữ Thần Tự Do trên mõm đảo Thiên Nga, phía hạ lưu sông Seine

Bức tượng mẫu, bằng thạch cao (plâtre - plaster), cao 9m, kích thước chỉ bằng 1/4 bức tượng thật ở Nữu Ước, được cộng đồng kiều dân Mỹ ở Paris tặng cho thành phố năm 1885. Sau khi được tu bổ và phết một lớp sơn màu thau, bức tượng được đem ra trưng bày nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp 1889 và Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế 1900.

Ở đảo Thiên Nga, bức tượng được đặt trên một bục cao 10m, lúc đầu tượng quay mặt về hướng Tháp Eiffel nhưng khi xây lại cầu Grenelle mới thì tượng quay nhìn về hướng Tây, đối diện với tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước.

Khi tạc tượng, điêu khắc gia Bartholdi đạt tên cho bức tượng là

LIBERTÉ ÉCLAIRANT LE MONDE

TỰ DO SOI SÁNG THẾ GIỚI

TRẦN HỮU CHÍ

06 / 06 / 2011

KỶ NIỆM 67 NĂM

NGÀY ĐỒNG MINH ĐỔ BỘ Ở NORMANDIE

GIẢI PHÓNG CHÂU ÂU KHỎI ÁCH CỦA QUỐC XÃ, PHÁT XÍT