1.  Dn nhp

 

Con người ngày hôm nay đang phải chịu tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng sinh thái. Đây là một vấn nạn lớn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người cũng như tất cả các sinh vật sống trên hành tinh này. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng này được đặc trưng bởi tính chất toàn cầu thay vì chỉ có ở một số quốc gia hoặc trong một vài khu vực địa lý cụ thể nào.

Trong Tông huấn Laudate Deum (LD) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài khẳng định rằng tình trạng biến đổi khí hậu, một trong những hiện tượng nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng sinh thái là điều không thể phủ nhận được. Theo Đức Thánh Cha, “những dấu hiệu của biến đổi khí hậu vẫn có đó, ngày càng rõ ràng hơn” (LD, số 5).[i] Điều này có thể thấy qua “những hiện tượng khắc nghiệt, thường xuyên có những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán và những đau thương khác của Trái Đất”. Đức Phanxicô cũng tái khẳng định kết luận của các nhà khoa học rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu ngày nay là do con người gây nên. “Không thể che giấu sự trùng hợp giữa các hiện tượng khí hậu toàn cầu này với tốc độ phát thải khí nhà kính tăng nhanh, đặc biệt kể từ giữa thế kỷ XX. Phần lớn các nhà khoa học chuyên về khí hậu ủng hộ mối tương quan này và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số họ cố gắng phủ nhận bằng chứng này” (LD, số 13).

Song song với hiện tượng biến đổi khí hậu là sự ô nhiễm môi trường. Thông điệp Laudato Si’ (LS) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả về sự ô nhiễm mà con người đang gây ra cho môi trường như sau:[ii]

 

Chúng ta phải nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bả nguy hiểm có mặt trong nhiều vùng khác nhau. Mỗi năm có hàng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học: rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà Trái Đất của chúng ta càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên Trái Đất, những người già thường nhớ đến những cánh đồng như thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Cũng như rác thải công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho một nơi thấp. (LS, số 21)

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, nguồn gốc của ô nhiễm môi trường được tìm thấy trong hoạt động của con người, cùng với tác động của con người đối với môi trường đang gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự tồn tại của nhiều loài sinh vật và toàn bộ hệ sinh thái. Ngoài ra, điều này có những hậu quả vượt ra ngoài tác động sinh học và môi trường, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội loài người, đến chất lượng sống, đến sự ổn định xã hội và sự cân bằng lãnh thổ.

Dưới lăng kính của Công lý, hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (Justice, Peace, and Integrity of Creation), chúng ta thấy mình có trách nhiệm với những hệ lụy mà con người, đặc biệt là những người nghèo, phụ nữ và trẻ em đang phải gánh chịu do tác động của việc khủng hoảng môi trường gây ra và tìm biện pháp để bảo vệ môi trường sống trên Trái Đất – ‘ngôi nhà chung’ của tất cả mọi người và vạn vật.

Trong giới hạn của bài viết này, chúng ta thử đi tìm hiểu hiện trạng của việc khủng hoảng môi trường sinh thái; tác hại của nó đối với con người, nhất là tầng lớp người nghèo, người yếu thế như phụ nữ, trẻ em; lập trường quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trong việc bảo vệ và chăm sóc môi trường tự nhiên nhằm giúp ổn định cuộc sống và hòa bình trong xã hội.

 

2.  Hin trng ô nhim môi trường và vn đ sc khe ca con người

 

Qua nghiên cứu của các chuyên gia, các phương tiện thông tin đại chúng và qua thực tiễn cuộc sống, chúng ta đang phải chứng kiến sự ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Ta có thể kể đến ba loại ô nhiễm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người nghèo và sự ổn định xã hội, đó là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và đánh mất sự đa dạng sinh học nơi mặt đất.

Trên trang mạng của Liên hiệp quốc ngày 16/02/2022 đã đăng bài viết với tựa đề: “Sự ô nhiễm môi trường đang giết chết chín triệu người mỗi năm, gấp đôi so với Covid-19” (La contaminación mata nueve millones de personas al año, el doble que el Covid-19). Bài viết dẫn lời của tác giả David R. Boyd, Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc thụ hưởng một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững của Liên hiệp quốc rằng:

 

Trong khi tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu và Covid-19 thu hút sự chú ý, thì sự tàn phá mà ô nhiễm và các chất độc hại gây ra đối với sức khỏe, quyền con người và tính toàn vẹn của hệ sinh thái tiếp tục ít được chú ý. Tuy nhiên, sự ô nhiễm và các chất độc hại gây ra ít nhất 9 triệu ca tử vong sớm, gấp đôi số ca tử vong do đại dịch gây ra trong 18 tháng đầu tiên.[iii]

 

         Tờ báo này cũng cho biết: “Trên thực tế, cứ sáu ca tử vong trên thế giới thì có một ca liên quan đến các bệnh do ô nhiễm gây ra, con số này gấp ba lần tổng số ca tử vong do AIDS, sốt rét và bệnh lao và nhân với 15 ca tử vong do chiến tranh, ám sát và các hình thức bạo lực khác”.[iv]

Đây là một con số đáng báo động và là hồi chuông thức tỉnh toàn thể nhân loại vì những tác hại mà chính con người đang gây ra cho họ và toàn thể các loài sinh vật trên mặt đất. Về phần Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si’ đã trình bày một cách cụ thể những tác hại mà con người đang phải gánh chịu do ô nhiễm môi trường gây ra:

 

Tiếp xúc với những chất ô nhiễm trong khí quyển tạo ra một loạt các nguy hại về sức khỏe, đặc biệt là với người nghèo, và tạo nên hàng triệu cái chết sớm. Chẳng hạn, người ta bị bệnh do phải hít thở một lượng khói lớn từ các nhiên liệu dùng trong nấu nướng hay sưởi ấm. Cũng có loại ô nhiễm làm ảnh hưởng đến mọi người, do các phương tiện giao thông và khí thải công nghiệp, những chất thải góp phần axít hóa đất đai và nguồn nước, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, thuốc diệt thực vật và thuốc diệt cỏ nói chung. (LS, số 20)

 

Không chỉ vấn đề ô nhiễm không khí mà còn ô nhiễm đất đai và môi trường nước cũng đang làm cho nhiều người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe. Báo cáo viên D. Boyd cũng cho biết: “Sự nhiễm độc của hành tinh Trái Đất đang gia tăng”. Hàng trăm triệu tấn chất độc hại được thải ra hoặc đổ vào không khí, nước và đất mỗi năm. Các chất ô nhiễm độc hại có mặt khắp nơi, được tìm thấy từ những đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya đến độ sâu của rãnh Mariana. Con người tiếp xúc với các chất độc hại qua hơi thở, thức ăn và đồ uống, tiếp xúc với da và qua dây rốn khi còn trong bụng mẹ.

Qua một vài dữ liệu nêu trên chúng ta nhận thấy ra tình trạng ô nhiễm môi trường là một vấn đề rất lớn và nghiêm trọng, đang âm thầm giết chết đi sự sống không chỉ của con người mà còn toàn bộ các loài sinh vật và môi trường sinh thái.

 

 

3. Ô nhim môi trường và s bt bình đng trong xã hi

 

Như nhiều chuyên gia đã cảnh báo, ô nhiễm môi trường đang là nguyên nhân gây nên sự biến đổi khí hậu và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và vạn vật đồng thời gây ra những bất bình đẳng trong xã hội. Theo tiến sĩ kinh tế Bridget Hoffmann, chuyên gia kinh tế tại phòng nghiên cứu (RES) của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB): “Theo một ước tính, trong 10 năm tới, biến đổi khí hậu có thể khiến 100 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh nghèo đói”.[v] Các nước chậm phát triển và người nghèo là thành phần chịu ảnh hưởng nhiều nhất những biến đổi khí hậu và gây ra tình trạng bất bình đẳng vì ba lý do:

 

Đầu tiên, các quốc gia, khu vực và người dân nghèo hơn có xu hướng phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai nhiều hơn so với các quốc gia giàu có hơn. Thứ hai, chính họ là những người mất đi phần lớn của cải khi những cú sốc khí hậu ập đến. Và thứ ba, những quần thể này có ít nguồn lực hơn để đối mặt với các tác động tiêu cực của các cú sốc khí hậu.[vi]

 

Còn theo báo cáo của Liên hiệp quốc,[vii] ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người nghèo và người dễ bị tổn thương và tạo nên sự bất bình đẳng. Báo cáo cho rằng mặc dù tất cả con người đều tiếp xúc với ô nhiễm và hóa chất độc hại, nhưng có bằng chứng thuyết phục rằng gánh nặng ô nhiễm đổ lên đầu các cá nhân, nhóm và cộng đồng một cách không cân xứng, vốn đã gánh chịu gánh nặng của nghèo đói, phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề hệ thống. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các bệnh liên quan đến ô nhiễm, chiếm gần 92% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm.

Ngoài ra, hơn 750.000 công nhân tử vong mỗi năm do tiếp xúc với các chất độc hại tại nơi làm việc. Phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, người di cư, người bản địa, người già và người khuyết tật có khả năng dễ bị tổn thương vì nhiều lý do kinh tế, xã hội, văn hóa và sinh học. Người lao động, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình, có nguy cơ do tiếp xúc nhiều trong công việc, điều kiện làm việc tồi tệ, nhận thức thấp về rủi ro hóa chất và không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe. Và hàng triệu trẻ em làm việc trong các lĩnh vực nguy hiểm tiềm ẩn như nông nghiệp, khai thác mỏ và thuộc da, trong khi có nhà ở xã hội với sự hiện diện của amiăng, chì, formaldehyde và các chất độc hại khác.

Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến sự tác động của ô nhiễm môi trường đến những người dễ bị tổn thương và trình bày một cách cụ thể rằng:

 

Thực ra, suy thoái môi trường và xã hội tác động đến những người bị tổn thương nhất trên hành tinh này:… Chẳng hạn, cạn kiệt nguồn dự trữ cá gây tổn hại đặc biệt đến các cộng đồng đánh bắt nhỏ không có phương tiện để thay thế những nguồn này; tình trạng ô nhiễm nước đặc biệt tác động đến người nghèo là những người không thể mua nước đóng chai; và mực nước biển dâng cao tác động chủ yếu trên những người dân sống ở ven biển đã bị khánh kiệt đến nỗi không còn nơi nào khác để đi. Tác động của sự mất cân bằng hiện nay cũng thể hiện trong việc nhiều người nghèo chết sớm, trong các mâu thuẫn nổ ra do thiếu các nguồn tài nguyên và trong bất kỳ vấn đề nào khác chưa được bàn luận hiệu quả trong các chương trình nghị sự toàn cầu. (LS, số 48)

 

Tại Việt Nam, theo nhiều chuyên gia quốc tế, nước ta hiện nay đang phải đương đầu với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, xói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển đe dọa tới các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và sự cạn kiệt nguồn gien. Thực trạng môi trường này đi cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra những vấn đề nóng bỏng thách thức đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới (Việt Nam được đánh giá là một trong năm nước chịu tác động mạnh nhất của vấn đề biến đổi khí hậu).[viii] Theo một báo cáo mới đây của Ban tuyên giáo chính phủ, Việt Nam là một trong 4 nước ở khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây. Thiên tai ở nước ta có xu thế gia tăng tính cực đoan, diễn biến bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng; gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ; dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh, đặc biệt là ở miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn được xác định là một trong những thách thức ngày càng lớn đối với công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước trong những năm tới.[ix] Những biến động về thiên nhiên, khí hậu và môi trường sinh thái đang làm cho nhiều gia đình mất nhà cửa, mất ruộng vườn, gia tăng thất nghiệp và nghèo đói, bệnh tật và chết chóc tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Qua những dẫn chứng nêu trên chúng ta thấy rằng, khủng hoảng sinh thái đang tạo ra những bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội. Nó đang tạo ra những hố ngăn cách lớn giữa người giàu và người nghèo; giữa quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất trong vấn đề ô nhiễm môi trường là những người đang sống trong vùng bị ô nhiễm, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp, người già, phụ nữ và trẻ em.

Một điều cần nhấn mạnh là khủng hoảng sinh thái không phải là lỗi của người nghèo. Trong Tông huấn Laudate Deum, Đức Phanxicô đã chỉ rõ điều này. Có người cho rằng việc người nghèo có quá nhiều con cái là một trong những nguyên do gây nên khủng hoảng sinh thái. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “vài phần trăm số người giàu nhất hành tinh lại gây ô nhiễm nhiều hơn 50% những người nghèo nhất trong toàn bộ dân số thế giới. Làm sao chúng ta có thể quên rằng Phi Châu, nơi sinh sống của hơn một nửa số người nghèo nhất hành tinh này, nhưng lại chỉ phải chịu trách nhiệm về một phần rất nhỏ lượng khí thải lịch sử đó sao?” (LD, số 9).[x]

4. Quan đim ca Giáo Hi Công Giáo v vn đ khng hong ô nhim môi trường

 

4.1. Quyền lợi và trách nhiệm của nhân loại đối với môi trường tự nhiên[xi]

 

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, thiên nhiên là món quà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, con người được khai thác thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chính đáng của mình, nhưng không được chiếm hữu tuyệt đối mà phải chia sẻ cho mọi người với tình huynh đệ (x. Lc 11,11-13). Giáo Hội Công Giáo công nhận lợi ích của của cải:

 

Con người không thể làm gì nếu không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành.[xii]

 

Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, quyền sử dụng của cải trên Trái Đất là của chung mọi người.

 

[Đó là] quyền tự nhiên, được khắc ghi trong bản tính con người chứ không chỉ là một quyền thiết định có liên quan đến hoàn cảnh xã hội hay thay đổi… Đó là quyền bẩm sinh nơi mỗi cá nhân trong mỗi con người và có trước khi con người can thiệp bằng bất cứ cách nào liên quan đến tài sản, có trước bất cứ hệ thống pháp luật nào liên quan đến vấn đề này, có trước bất cứ hệ thống hoặc bất cứ phương pháp nào trong lĩnh vực kinh tế hay xã hội.[xiii]

 

Tuy nhiên, song hành với quyền lợi là trách nhiệm bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ này cho mọi thế hệ được hưởng dùng; vì, tài nguyên thiên nhiên là của toàn thể nhân loại kể cả trước kia, hiện nay và tương lai. Trong khi đó, nhân loại sống trên Trái Đất trong mối tương quan như một gia đình, cho nên Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận:

 

Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta. Chúng ta là một gia đình nhân loại. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai.[xiv]

 

Học thuyết xã hội Công Giáo chấp nhận việc con người can thiệp vào thiên nhiên nhưng với tinh thần trách nhiệm và cộng tác với Thiên Chúa:

 

Thiên nhiên không phải là thực tại thiêng liêng hay thần linh mà con người không được can thiệp vào. Nhưng đúng hơn, thiên nhiên là một món quà được Tạo Hóa ban cho cộng đồng nhân loại, được giao phó cho một trí khôn và trách nhiệm luân lý của con người, cả nam lẫn nữ. Vì thế, con người không hề hành động sai trái khi phải can thiệp để sửa đổi một vài đặc điểm hay tính chất của chúng do lòng tôn trọng trật tự, vẻ đẹp và sự hữu ích của các sinh vật, cũng như vai trò của chúng trong hệ sinh thái. Những sự can thiệp nào của con người mà làm hại các sinh vật hay môi trường thiên nhiên thì đều đáng bị lên án, còn những sự can thiệp nào giúp cải thiện chúng đều đáng ca ngợi.[xv]

        

Đứng trước những vấn đề về khủng hoảng môi trường đang xẩy ra ngày một nghiêm trọng, Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng và bày tỏ lập trường của mình một cách cụ thể. Trong lá thư mục vụ ngày 29/05/2009, Hồng Y Phạm Minh Mẫn – TGM Giáo Phận Sài Gòn, đã trình bày khá đầy đủ hiện trạng môi trường sau biến cố công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải. Lá thư cũng nêu 4 nguyên tắc của Giáo Hội đối với vấn đề môi trường: thiên nhiên là quà tặng của Tạo Hóa; quà tặng này giành cho mọi người nên khi khai thác phải tuân theo quy luật và tôn trọng lợi ích của mọi người nhất là người dân bản xứ. Lá thư cũng nêu 3 gợi ý hành động cho người dân, cho nhà đầu tư và cho chính quyền. Hồng Y Phạm Minh Mẫn kết luận:

 

Trong những vụ việc như Vedan và khai thác bôxít ở Tây Nguyên, đã có khá nhiều tiếng nói được gióng lên trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Đây là dấu chỉ lành mạnh của một xã hội dân chủ, trong đó người dân ý thức trách nhiệm tham gia vào tiến trình quyết định về những vấn đề liên quan đến đời sống của họ và của đất nước… Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là một đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng.[xvi]

 

Đặc biệt, sau sự kiện hàng loạt thủy-hải sản chết do ô nhiễm nguồn nước biển trải dọc các tỉnh Miền Trung từ Nghệ An đến Huế, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám Mục Giáo Phận Vinh, trong lá Thư chung ngày 13/05/2016, đã thẳng thắn nhấn mạnh rằng:

 

Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội.

 

Qua những dẫn chứng trên, chúng ta thấy rằng Mẹ Giáo Hội rất quan tâm đến vấn đề chung mà toàn thể nhân loại đang quan tâm và đưa ra những quan điểm và hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và đối xử với nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Tạo Hóa đã ban tặng cho cộng đồng nhân loại.

 

4.2. Giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường

 

Giải quyết sự khủng hoảng môi trường đã và đang là trách nhiệm cấp bách chung của nhân loại. Theo quan điểm của học thuyết xã hội của Hội Thánh, tiến trình giải quyết khủng hoảng đó phải được dựa trên những yếu tố nền tảng cụ thể như sau:[xvii]

 

·         Chăm sóc môi trường là nghĩa vụ chung và phổ quát, nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người, mọi thế hệ (hiện tại lẫn tương lai), bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên – hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” (số 466).

·         Nghĩa vụ này phải được diễn tả cụ thể và thích đáng trên bình diện pháp lý, bao gồm những biện pháp ngăn ngừa và chế tài những cá nhân và tập thể gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Đồng thời, cùng với những biện pháp ấy, cần phải tăng cường ý thức trách nhiệm cũng như phải thay đổi cách suy nghĩ và lối sống một cách hữu hiệu (số 468).

·         Các chính quyền, khi được yêu cầu đưa ra những quyết định có liên quan tới sức khỏe và những rủi ro của môi trường, phải đưa ra những sự đánh giá dựa trên “nguyên tắc dự phòng”, tức là không áp dụng các luật lệ mà chỉ đưa ra những đường hướng nhằm giải quyết tình huống không chắc chắn ấy (số 469).

·         Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới “nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên”, vì các tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được.

·         Mọi hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên đều phải quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và phải dự kiến những phí tổn kèm theo và được không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình.

·         Cần phải dành sự chú ý đặc biệt cho các vấn đề phức tạp liên quan đến các nguồn năng lượng (số 470).

·         Khi quyết định khai thác tài nguyên thiên nhiên ở bất kỳ nơi nào, phải luôn cân nhắc mối quan hệ của những dân bản địa với đất đai của họ (số 471).

5.  Kết Lun

 

Trong tập sách Tiếng khóc của Trái Đất, tiếng khóc của người nghèo (Cry of the Earth, Cry of the Poor), Leonardo Boff, thần học gia thần học giải phóng người Brazil đã nhận định rằng:

 

Thần học giải phóng và cuộc bàn luận về vấn đề sinh thái có điểm chung: chúng xuất phát từ hai vết thương chảy máu. Vết thương của nghèo khổ đóng một vai trò phá vỡ cấu trúc xã hội của hàng triệu và hàng triệu người nghèo trên khắp thế giới. Vết thương khác, cuộc tấn công có hệ thống vào Trái Đất, phá vỡ sự cân bằng của hành tinh, đang đối mặt với nguy cơ từ sự cướp bóc do sự phát triển như được thực hành bởi các xã hội hiện đại trên toàn cầu. Cả hai dòng suy nghĩ và thực hành đều có điểm xuất phát là một tiếng kêu than khóc: tiếng kêu than của những người nghèo đòi hỏi cuộc sống, tự do và vẻ đẹp... và tiếng kêu than của Trái Đất rên rỉ dưới sự áp bức.[xviii]

 

 Nhìn từ khía cạnh con người, chúng ta nhận thấy khủng hoảng môi trường đang ngày một nghiêm trọng và đang lan rộng trên hành tinh này. Nó đang ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt đang gây tổn thương nghiêm trọng đến những người nghèo khổ và những người dễ bị tổn thương, đồng thời gây nên sự bất bình đẳng to lớn trong xã hội. Chính vì vậy, các tổ chức và ủy ban đảm trách lĩnh vực công lý và hòa bình, với tư cách là tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo có trách nhiệm phải đứng về phía những người dễ bị tổn thương trong xã hội và lên tiếng nhằm bảo vệ một môi trường sinh thái tốt lành, ổn định và bình đẳng cho mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng người yếu thế phải được ưu tiên. “Sẽ không còn hữu ích nếu hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền của kẻ mạnh nhất mà không giải quyết quyền của tất cả mọi người” (LD, số 43). Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng:

 

Ngày nay, chúng ta cần nhận biết rằng tiếp cận sinh thái thực sự luôn luôn là một cách tiếp cận mang tính xã hội; hội nhập các vấn đề về công lý vào trong những cuộc đấu tranh về môi trường, để có thể nghe được cả tiếng than khóc của Trái Đất và tiếng than khóc của người nghèo. (LS, số 49)

 

Trong cuộc gặp gỡ thế giới với các Ủy ban công lý và hòa bình hai ngày 17 và 18/11/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu cao vai trò của Ủy ban trong việc thúc đẩy học thuyết xã hội Công Giáo. Theo Vatican News, Đức Thánh Cha đã nêu lên quan điểm rằng:

 

Các Uỷ ban Công lý và Hòa bình là một thực thể không thể thiếu trong bối cảnh mục vụ xã hội của các Giáo Hội địa phương. Thực tế, các ủy ban có nhiệm vụ truyền bá và làm cho học thuyết xã hội của Giáo Hội được mọi người biết đến, tích cực hoạt động để bảo vệ phẩm giá và quyền con người, với một lựa chọn ưu tiên cho người nghèo. Bằng cách này, các ủy ban đóng góp vào sự phát triển của công bằng xã hội, kinh tế và sinh thái, và xây dựng hòa bình”. Đồng thời Ngài cũng nhấn mạnh rằng trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, khi thi hành sứ vụ này, các thành viên của Uỷ ban có thể áp dụng thông điệp Laudato Si’Fratelli Tutti, theo các tình huống địa phương khác nhau. Thật vậy, ở mọi nơi trên thế giới, sự phát triển toàn diện, trong đó có công lý và hòa bình, chỉ có thể được xây dựng qua hai cách: chăm sóc ngôi nhà chung, tình huynh đệ và tình bạn xã hội.[xix]

 

Về trách nhiệm chung của toàn thể nhân loại, học thuyết xã hội của Hội Thánh nhấn mạnh rằng: Con người cần hướng về thiên nhiên bằng nhãn quan của các tôn giáo lớn. Văn hóa Kitô Giáo là một đơn cử, khi luôn nhìn nhận các thụ tạo xung quanh con người chính là những ân huệ Chúa ban để con người nuôi dưỡng và bảo vệ như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa. Càng lúc, Huấn quyền càng nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người dựa trên nền tảng của thái độ tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cũng như tôn trọng quyền lợi của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.[xx]

Thiết nghĩ, mỗi người, trong cách sinh hoạt hằng ngày cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái bằng những hành động cụ thể như: không xả rác bừa bãi, đặc biệt các rác thải khó phân hủy như ni-lông, chai nhựa,… không hoặc hạn chết sử dụng các thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong nông nghiệp, làm quen với việc sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp, trồng thêm nhiều cây xanh, tập lối sống tự cung tự cấp như trồng thêm rau xanh, thực phẩm tại gia, giảm mua hàng hóa đóng bao. Ý thức bảo vệ môi trường phải là ý thức chung của mọi người trong từng hoàn cảnh sống cụ thể. Môi trường sống chỉ có trong sạch và lành mạnh khi mỗi người cùng góp sức vào việc làm sạch ngôi nhà chung này.



             [i] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Laudate Deum, 2023, https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/20231004-laudate-deum.html.

[ii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Laudato Si’, 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thông Điệp Laudato Si’. 2015.

[iii] David Boyd và Marcos Orellana, “La Contaminación Mata Nueve Millones de Personas al Año, el Doble que el Covid-19,” Naciones Unidas, ngày 16/2/2022, https://news.un.org/es/story/2022/02/1504162.

[iv] Ibid.

[v] Bridget Hoffmann, “Cómo el Cambio Climático Empeora la Pobreza y la Desigualdad,” https://blogs.iadb.org.

[vi] Ibid.

[vii] Ibid.

[viii] Trần Nguyễn Tuyên, “Một Số Vấn Đề Về Môi Trường Ở Việt Nam Hiện Nay,” Tuyên Giáo, ngày 20/6/2021, https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/mot-so-van-de-ve-moi-truong-o-viet-nam-hien-nay-137172.

[ix] Xc. “Những Vấn Đề Môi Trường Cấp Bách Của Việt Nam: Thực Trạng, Xu Thế, Thách Thức Và Giải Pháp,” Tuyên Giáo, ngày 27/11/2021, https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/nhung-van-de-moi-truong-cap-bach-cua-viet-nam-thuc-trang-xu-the-thach-thuc-va-giai-phap-137173.

[x] Khí thải lịch sử (historic emissions) có nghĩa là khả năng phát thải của một đơn vị phát thải hiện có trước khi sửa đổi. Đối với đơn vị phát thải mới, lượng khí thải lịch sử bằng zero “0”.

[xi] Xc. Phạm Huy Thông, “Giáo Hội Công Giáo với vấn đề môi trường,” Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê, ngày 23/9/2018, https://catechesis.net/giao-hoi-cong-giao-voi-van-de-moi-truong/?fbclid=IwAR2g5TqWfLsqfH4XFqQvvV17mjmzRZzjYZ4d-Idv7H3f6zsMtPUGY6mpVow.

[xii] Đức Giáo Hoàng Piô XII, Sứ Điệp Truyền Thánh Nhân Dịp Kỷ Niệm 50 Năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), số 73: AAS (Acta Apostolicae Sedis – Văn kiện Tòa Thánh từ 1909 đến 1990), tập 33, Roma 1991.

[xiii] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vấn đề xã hội), 1987, số 38 và 42: AAS, tập 83.

[xiv] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), 1991, số 31 và 37: AAS, tập 87.

[xv] Hội đồng giáo hoàng về công lý và hòa bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Công Giáo. Bản Việt ngữ của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam (NXB. Tôn Giáo, 2007), tr. 328-329 và tr. 326.

[xvi] Xc. Phạm Huy Thông, “Giáo Hội Công Giáo với vấn đề môi trường.”

[xvii] Xc. Đaminh Lê Đức Thiện, OP, “Những điểm quan trọng về ‘bảo vệ môi trường’ trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo,” Hội đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 4/10/2021, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-diem-quan-trong-ve-bao-ve-moi-truong-trong-giao-huan-cua-giao-hoi-cong-giao-42817.

[xviii] Leonardo Boff, Cry of the Earth, Cry of the Poor (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1997).

[xix] Ngọc Yến, “ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp đến cuộc gặp gỡ các Uỷ ban công lý và hòa bình,” Vatican News, ngày 17/11/2021, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-11/dtc-phanxico-su-diep-gap-go-uy-ban-cong-ly-hoa-binh.html

[xx] Xc. Đaminh Lê Đức Thiện, OP, “Những điểm quan trọng về ‘bảo vệ môi trường’ trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.”


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)