Miền Bắc, Việt Nam, Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD

 

Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài.

Is 26,3 

1.  Dn nhp

 

Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là vị giáo hoàng đầu tiên đề cập đến vấn đề môi sinh và biến đổi khí hậu toàn cầu như chính ngài đã khiêm tốn dẫn lời của các vị tiền nhiệm khi kêu gọi mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường. Nhiều vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Rôma đã từng cảnh báo về thảm họa môi trường và kêu gọi hành động để bảo vệ thụ tạo. Đức Phaolô VI trong thư mục vụ năm 1971 diễn tả vấn đề sinh học là hậu quả của những hoạt động thiếu kiểm soát của con người và nó có thể hướng chúng ta đến một cái chết sinh học trong tương lai gần.[i]

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong sứ điệp nhân Ngày hòa bình thế giới năm 1990 đã coi sự “khủng hoảng môi sinh là một vấn đề luân lý”.[ii] Và gần nhất là Đức Bênêđíctô XVI, người được mệnh danh là ‘Giáo Hoàng Xanh’, đã trực tiếp đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu trong rất nhiều phát biểu cũng như tài liệu của ngài. Tuy vậy, có thể nói một cách có căn cớ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một “Vị Giáo Hoàng vì môi trường”. Những tài liệu và phát biểu của ngài về môi trường thì nhiều hơn về số lượng, sâu hơn về chuyên môn và tác động mạnh mẽ hơn nhờ chất lượng cũng như do thái độ cương quyết của ngài.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày vài điểm nỗi bật trong tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chăm sóc thụ tạo. Trước hết, ngài được mệnh danh là một “Vị Giáo Hoàng vì môi trường” khi ngài đã ra thông điệp có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đó là Laudato Si’.[iii] Đồng thời, ngài đã hoạt động không mệt mỏi trên cương vị của ngài để cả thế giới ý thức về trách nhiệm của mình để có thể bắt tay vào hành động ngay để cứu vãn tình thế nguy cấp.

Thứ đến, với một lối sống giản dị có sẵn cộng với một tấm lòng sâu nặng vì người nghèo, ngài cảm nhận cách sâu sắc rằng khi môi trường bị tàn phá thì người chịu thiệt hại trước nhất và nhiều nhất là người nghèo. Do đó, theo tư tưởng của ngài, “cuộc đấu tranh vì môi trường cũng là cuộc đấu tranh vì người nghèo”.

Tiếp đó, chúng tôi muốn chỉ ra một điểm son khác trong sự nghiệp cổ võ việc chăm sóc thụ tạo của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là ngài trọng dụng các khám phá khoa học hiện hành. Các kiến thức khoa học mới nhất và đáng tin tưởng nhất của tất cả các ngành liên quan đã được áp dụng để lý giải, lý luận và vạch ra những đường hướng cụ thể và hiệu quả nhất có thể để giúp cải thiện vấn đề nan giải này.

Cuối cùng là lời mời gọi khẩn thiết để tất cả mọi người trên hành tinh Trái Đất này hãy biến đổi con tim, thay đổi cách nghĩ và điều chỉnh lối sống hầu tránh một vụ ‘tự tử tập thể’ và để hướng tới một tương lai đáng sống hơn. ‘Hoán cải môi sinh’ không những liên quan trực tiếp đến những người có trách nhiệm ở các quốc gia, trong các tôn giáo hay các tổ chức quốc tế nhưng còn là lựa chọn không khoan nhượng của từng cá nhân, gia đình và nhóm hội ở khắp mọi ngõ ngách của thế giới.

 

 

2.  V Giáo Hoàng vì môi trường

 

Laudato Si’ (LS) đã tạo một tiếng vang rất lớn trong lòng nhiều người Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế. Sau khi ra Thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được nhiều người gọi là ‘Vị Giáo Hoàng vì môi trường’. Và từ đó cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng là ‘Vị Giáo Hoàng vì môi trường’ khi ngài đã hoạt động không mệt mỏi vì ‘ngôi nhà chung của nhân loại’. Ngài cũng tận dụng mọi cơ hội để truyền thông cho thế giới thông điệp về sự cấp thiết phải hành động vì công trình tạo dựng của Thiên Chúa và vì tương lai của loài người.

Trước hết, khi nói đến những đóng góp tích cực của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc chiến vì môi trường thì không thể không kể tới Thông điệp Laudato Si’. Ngay trong phần mở đầu của thông điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi tất thảy mọi người không được dửng dưng trong những biến đổi tiêu cực của Trái Đất đồng thời thúc giục chúng ta chung tay bắt đầu, tiếp tục và kiên tâm hoạt động để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. “Tôi khẩn khoản kêu gọi một cuộc đối thoại mới về cách thức chúng ta xây dựng một tương lai mới cho hành tinh của chúng ta” (LS, số 14). Ngài cho thấy sự nghiêm túc của vấn đề khi muốn đưa thông điệp vì ngôi nhà chung vào giáo huấn chính thức của Giáo Hội. “Tôi hy vọng thông điệp này được nối kết vào giáo huấn xã hội của Giáo Hội, giúp chúng ta nhận ra sự lớn lao, khẩn thiết và tốt đẹp của việc đòi buộc đang đối mặt chúng ta” (LS, số 15). Ngoài thông điệp quan trọng này, ngài đã tận dụng các dịp gặp gỡ lãnh đạo thế giới và quốc gia cũng như những dịp khác để trình bày quan điểm của mình về sự cấp thiết của vấn đề môi trường.

Trong tinh thần của thông điệp Laudato Si’ vừa ban hành (24/05/2015), ngày 10 tháng 8 cùng năm, Đức Thánh Cha đã công bố quyết định thành lập Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo. Việc cử hành ngày này vào 1/9, trùng với truyền thống của Giáo Hội Chính Thống, nằm trong chủ ý của Đức Giáo Hoàng và cho thấy tinh thần đại kết của hai bên.

Sáu tháng sau khi ra Thông điệp Laudato Si’, trong chuyến viếng thăm Kenya, Đức Phanxicô đã gặp gỡ cơ quan Liên hiệp quốc tại thủ đô Nairobi để đề nghị việc cam kết hành động vì môi trường một cách nghiêm túc. Tin tức Liên hiệp quốc đưa tin: “Hôm nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới ghi dấu một thỏa thuận mạnh mẽ trong Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) sắp tới, nhận định rằng thay đổi những mô hình phát triển hiện thời là một ‘nghĩa vụ kinh tế và chính trị’”.[iv]

Năm 2018, trong cuộc gặp gỡ những người tham gia cuộc họp của các lãnh đạo các công ty dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và những hoạt động liên quan đến năng lượng khác, ngài phát biểu một cách mạnh mẽ rằng: “Nền văn minh đòi hỏi năng lượng, nhưng việc sử dụng năng lượng không được tàn phá nền văn minh!”[v]

Vào Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Chúng ta là các thụ tạo đáng mến của Thiên Chúa, Đấng nhân lành đã mời gọi chúng ta yêu cuộc sống và sống trong tình liên đới với hết thảy công trình tạo dựng” khi ngài muốn nhắc đến thông điệp Season of Creation sẽ được chính thức ra mắt năm 2023.[vi] Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh: “Nhân danh Thiên Chúa, hãy thôi tàn phá rừng, đất ẩm và núi đồi, dừng làm ô nhiễm sông ngòi và biển cả, không đầu độc con người và thực phẩm”.[vii]

Trong cơn đại dịch Covid-19, mọi hoạt động bị ngưng trệ, khi người ta dường như đã chấp nhận khoanh tay ngồi nhìn và chờ đợi, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên kênh truyền thông TED để nói về vấn đề biến đổi khí hậu. Ngài nói: “Chúng ta phải hành động ngay. Mỗi người chúng ta đều có vai trò quan trọng. Cùng nhau, chúng ta hãy bắt đầu hôm nay, hôm nay thay vì đợi đến ngày mai”.[viii]

Trong Ngày Trái Đất 2021, cũng đang giữa cơn đại dịch, ngài nhắn nhủ thế giới: “Đại dịch và sự biến đổi khí hậu cho chúng ta thấy rõ chúng ta không còn thời gian chờ đợi. (…). Chúng ta có phương tiện. Bây giờ là lúc phải hành động, chúng ta đang đứng ở bờ vực. (…). Chúa bao dung, con người biết tha thứ, nhưng thiên nhiên thì không”.[ix]

Cùng với các lãnh đạo tôn giáo khác, Đức Giáo Hoàng đã ký một bản thỉnh cầu gửi ban chuyên trách về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc trước COP26 năm 2021. Bản thỉnh cầu có đoạn viết: “Chúng ta được thừa hưởng một khu vườn, chúng ta không thể để lại cho con cháu mình một sa mạc”, đồng thời nhấn mạnh rằng “chăm sóc môi trường là một mệnh lệnh luân lý nhằm bảo tồn công trình tạo dựng của Chúa cho thế hệ tương lai”.[x]

Năm 2022, trong bộ phim chuyên đề ‘Khủng hoảng khí hậu’, ngài xuất hiện trên màn ảnh lớn và đối thoại với những người bị ảnh hưởng trực tiếp của sự biến đổi khí hậu về vấn đề nhức nhối này.

Ngoài ra, dưới sự tác động của Đức Thánh Cha, Vatican đã đi tiên phong trong nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và đặt những mục tiêu cũng như cam kết cụ thể. Để biến mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, đất nước nhỏ bé dưới quyền Đức Thánh Cha đã nỗ lực không mệt mỏi bằng những hành động mang tính chiến lược cao. Vaticannews cho hay nước này “đang thực hiện các dự án và sáng kiến nhằm giảm tác động môi trường, chất thải và tiêu thụ năng lượng; và sử dụng nhiều tài nguyên tái tạo hơn”.[xi] Cụ thể, họ phải đầu tư vào năng lượng tái tạo, chú ý đến việc sử dụng năng lượng cách hiệu quả, cổ võ công nghệ sạch, thúc đẩy nền kinh tế xanh và không quên trồng thêm cây xanh để giúp trung hòa khí thải carbon.

Thực thế Vatican đã đạt được nhiều mục tiêu đáng ngưỡng mộ như các nhà máy điện, hệ thống điều hòa không khí, … được tái cấu trúc nhằm giảm thiểu việc sự dụng năng lượng và hạn chế khí thải gây ô nhiễm. Từ năm 2020, đất nước nhỏ bé này đã loại bỏ được việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ, cam kết thay thế bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên. 99% rác thải được phân loại và 90% được tái chế, và mục tiêu trong năm 2023 là 75% rác thải đô thị phải được thu gom. Bên cạnh đó, hệ thống tưới nước mới trong các khu vườn tại Vatican cho phép tiết kiệm khoảng 60% nguồn nước.[xii]

Như thế, Đức Thánh Cha đã hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ môi trường bằng các thông điệp, sứ điệp, phát biểu, … để gây ý thức cho các cấp lãnh đạo quốc tế đến địa phương và hết thảy mọi người và bằng cách lãnh đạo một đất nước Vatican nhỏ bé nhưng đi đầu trong những cố gắng cải thiện môi sinh. Ngài mãi xứng đáng được gọi là ‘Vị Giáo Hoàng vì môi trường’. Tuy vậy, cần nhìn nhận chắc chắn một điều rằng mọi nỗ lực bảo vệ môi trường của Đức Thánh Cha không dừng lại ở một hành tinh lý tưởng, nhưng sâu xa hơn là vì loài người và ưu tiên trước hết là vì người nghèo.

 

 

3. Vì môi trường hay vì người nghèo

 

Chắc hẳn việc Đức Giáo Hoàng thứ 266 của chúng ta nhận thánh Phanxicô Assisi khó nghèo làm thánh hiệu không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên hay một sự ngẫu hứng bất chợt. Ngài đã sống nghèo khó và vì người nghèo theo gương thánh nhân từ lâu. Khi còn là giám mục ở Buenos Aires, ngài đã sống trong một căn nhà nhỏ, tự nấu ăn, đi lại bằng xe bus và thường xuyên thăm viếng người nghèo, người mắc bệnh AIDS và cả dân bụi đời. Khi ngài được chọn làm hồng y cũng như lúc được bầu làm giáo hoàng, hàng hàng lớp lớp người dân Argentina háo hức chuẩn bị tuôn về Rôma để chúc mừng và ăn mừng, nhưng ngài đã không cho phép và khuyên dùng tiền đó để giúp người nghèo khó trong vùng. Ở cương vị là giáo hoàng, ngài vẫn giữ nếp sống giản dị, khó nghèo và ‘không lãng quên người nghèo’.

Luôn sống nghèo và vì người nghèo giúp ngài trở thành nhân chứng sống động bổ trợ cách mãnh liệt cho những thông điệp và giáo huấn về người nghèo và môi trường trong sứ vụ Tông Đồ cả của ngài. Để chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, ngài cổ võ lối sống đơn giản, bớt tiêu xài, giảm phế thải và ngài đã hoàn toàn sống như thế. Ngài kêu gọi mọi người sống vì người nghèo, đấu tranh vì những kẻ bé mọn và chính ngài đã nêu gương. Vậy, ngài vừa là chứng nhân vừa là thầy dạy đặc biệt trong lãnh vực vì ngôi nhà chung và vì người nghèo.

Ở đây, ngài kêu gọi chúng ta ý thức một cách rõ ràng sự liên quan trực tiếp giữa vấn đề môi trường và người nghèo. Theo ngài, khi “Trái Đất bị tổn thương, người nghèo bị tổn thương nhiều hơn cả” và chúng ta cần “lắng nghe cả tiếng kêu than của Trái Đất cũng như tiếng than van của người nghèo” (LS, số 49). Vì chưng, khi môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi theo chiều hướng xấu, những người bị ảnh hưởng trước hết là những người nghèo ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Ngài viết:

 

Trong những thập niên tới đây, những nước đang phát triển sẽ kinh nghiệm những hậu quả tồi tệ nhất. Nhiều người nghèo sống trong những địa hạt bị ảnh hưởng cách đặc biệt bởi những hiện tượng liên quan đến việc tăng nhiệt độ toàn cầu, điều kiện sinh sống của họ phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và những biến chuyển sinh thái như nông nghiệp, ngư nghiệp và nguồn lợi từ rừng. Họ không có những hoạt động tài chính và những nguồn lực khác có thể giúp họ vượt qua ảnh hưởng của khí hậu hay thiên tai, họ cũng khó tiếp cận những chương trình bảo trợ xã hội. (LS, số 25)

 

Hậu quả lớn lao của đại dịch Ebola ở Phi Châu năm 2015 và Covid-19 vừa qua là một lời cảnh tĩnh cho nhân loại về tinh thần liên đới và là một minh chứng rõ ràng về sự thiệt thòi kinh khủng cho những người sống thiếu điều kiện hay ở những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Những chất gây nguy hại được tung vào không khí, minh chứng một loạt tác hại trên sức khỏe – đặc biệt cho những người nghèo nhất – đưa đến hàng triệu trường hợp chết chóc rất sớm” (LS, số 20). Những người nghèo không có được nguồn nước sạch để sinh hoạt luôn bị rình rập bởi những căn bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống. Đức Thánh Cha trích dẫn thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Bolivia năm 2012 ghi: “Như kinh nghiệm chung của đời sống hằng ngày cũng như việc nghiên cứu theo khoa học cho thấy những người nghèo nhất phải chịu hậu quả nặng nề nhất của mọi thứ tấn công vào môi trường” (LS, số 20).

Như thế cuộc đấu tranh vì môi trường cũng chính là cuộc tranh đấu cho người nghèo và vì người nghèo theo tinh thần của Tin Mừng. Trang Liên hiệp quốc và Vấn đề biến đổi khí hậu dẫn lời của Giám đốc điều hành chương trình Achim Steiner về môi trường của tổ chức này như sau:

 

Chúng tôi chia sẻ quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng phản ứng của chúng ta về sự xuống cấp môi trường và tình trạng biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở vấn đề khoa học kỹ thuật hay kinh tế, mà đây còn là một mệnh lệnh luân lý. Chúng ta không được phớt lờ việc người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất của xã hội là những người khổ sở nhất vì những biến đổi mà chúng ta đang chứng kiến.[xiii]

 

Thật vậy, ngài thẳng thắn chỉ trích đường lối phát triển kinh tế duy lợi nhuận và ích kỷ bất chấp những hậu quả nghiêm trọng gây ra cho môi trường và những thiệt hại rõ rệt cho những người nghèo ở các nước đang phát triển. Thực chất họ là những người ít gây ra nạn ô nhiễm môi trường nhất nhưng lại chịu thiệt thòi hơn cả khi hiện trạng này xảy ra. Ví như việc khai thác mỏ quặng và gỗ lạt đem lại lợi nhuận cho các chủ đầu tư giàu có ở nước ngoài sẽ gây ra nạn lũ lụt, suy thoái môi trường và hạn hán cho dân địa phương nghèo khổ. Người nghèo chỉ được chia sẻ một phần lợi nhuận rất bé của các dự án phát triển kinh tế này, nhưng họ lại là người chịu những hậu quả lớn lao nhất từ những thiệt hại về môi trường do các dự án này gây ra.

Trong sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo năm 2016, Đức Giáo Hoàng viết: “Chúng ta đã phạm tội. Thiên Chúa giao phó Trái Đất để chúng ta ‘canh tác và gìn giữ’ (St 2,15) trong một cách thế cân bằng và kính trọng. Canh tác quá nhiều và thiếu gìn giữ là phạm tội”.[xiv] Đi trệch khỏi mệnh lệnh của Tạo Hóa là tội chống lại Thiên Chúa, làm tổn hại đến chính chúng ta, và nhất là người nghèo. Do đó, hoán cải, thay đổi lối sống và cách ‘kiếm tiền’ cho phù hợp với tinh thần của Đấng Tạo Hóa là việc làm cấp thiết. Thế giới cũng phải tìm cách ‘trả nợ’ cho những người nghèo ở các nước nghèo đã và đang bị khai thác tài nguyên một cách vô tội vạ. “Việc trả nợ này đòi hỏi chúng ta quan tâm đến môi trường ở các quốc gia nghèo hơn đồng thời hỗ trợ tài chính và công nghệ cần thiết để họ đối phó với sự biến đổi khí hậu cũng như đẩy mạnh sự phát triển bền vững”.[xv]

Trong sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo năm 2023, Đức Thánh Cha đã nhắc lại “món nợ sinh thái” (LS, số 51) mà các nước giàu có hơn đã tích lũy và cho rằng họ buộc phải trả để công lý ngự trị vì các chính sách kinh tế ủng hộ sự giàu có tai tiếng của một số ít có đặc quyền lại làm suy giảm điều kiện sống của nhiều người. Ngài cũng mời gọi mọi người hãy lên tiếng để ngăn chặn sự bất công này đối với người nghèo là những người sẽ phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Để cải thiện môi trường và cũng để giúp người nghèo, chúng ta cần cổ võ một lối sống mới và một nền kinh tế xanh, nền kinh tế bền vững để con người không còn lạc lối vào con đường tự hủy diệt chính mình và trước hết là những người dễ bị tổn thương hơn cả.

Có thể nói một người luôn quan tâm cách sâu sắc đến những người nghèo và mảnh đời bất hạnh thì thường là một người sống thiên về tình cảm, phần nào bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta lại là một người coi trọng và áp dụng những kiến thức khoa học. Những tài liệu và cả những phát biểu của ngài thường được bổ trợ bởi những kiến thức khoa học tiên tiến, đặc biệt là trong vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

 

 

4.  Trng dng kiến thc khoa hc

 

Đạo Công Giáo bị hiểu lầm bởi thế giới và nhất là bởi nhiều người Việt Nam rằng người theo đạo không chú tâm phát triển xã hội, phò sự dốt nát và đối nghịch với khoa học. Có những lý do khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này.

Tin Mừng được loan truyền đến Việt Nam đồng thời với tiến trình xâm lược của thực dân Tây Phương và nhiều nhà truyền giáo đã theo các thuyền của họ để đến nước ta hầu truyền bá đức tin. Do đó, nhiều người hiểu lầm rằng Giáo Hội cấu kết với thực dân để đàn áp dân chúng và trục lợi cho đất nước của họ. Bên cạnh đó, trong một thời gian khá dài, các nhà truyền giáo Phương Tây đã lúng túng trong việc hiểu sự khác biệt giữa ‘thờ kính ông bà tổ tiên’ của người Việt và việc tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất của người Công Giáo. “Một số nhà truyền giáo trước đây không hiểu rõ việc thờ cúng này, coi đây như là một hình thức của lòng tin tôn giáo, nên đã tạo ra sự cấm đoán”.[xvi] Do đó, nhiều thế hệ người Việt vẫn nghĩ rằng người Công Giáo bác bỏ việc thờ kính ông bà tổ tiên vốn là một phần trong đạo hiếu lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Những hiểu lầm đó kéo theo những hệ lụy và gây ra những hiểu lầm đáng tiếc khác. Trước hết là những cuộc bách hại lớn nhỏ qua nhiều thế kỷ và kèm theo đó là sự kỳ thị phân biệt đối xử của quan quyền và chính quyền đối với người Công Giáo. Do đó, người Công Giáo hiếm khi được trọng dụng trong xã hội, nhất là khó trở thành công nhân viên chức nhà nước. Đa số những người Công Giáo lớn lên đều chấp nhận thực tế đó và không phấn đấu trên con đường học thức. Các trường học ở vùng Công Giáo chứng kiến việc học sinh thiếu ý thức học tập, không chịu phấn đấu và hay bỏ học giữa chừng. Dần dà, người Công Giáo bị tiếng là phò sự dốt nát, đi ngược lại với khoa học và Giáo Hội bị coi là mê hoặc dân chúng ít học. Sự hiểu lầm này tồn tại cho đến ngày nay, nhất là ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, những dữ kiện về Giáo Hội trong quá khứ góp phần cũng cố cho quan điểm này. Thời Trung Cổ trở về trước, Giáo Hội đã không học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh một cách thấu đáo và có phương pháp, do đó, còn hiểu theo mặt chữ ngay cả những chỗ liên quan đến lãnh vực khoa học mà thực chất Kinh Thánh không nhắm đến. Hơn thế nữa, Giáo Hội còn dùng những dữ kiện được đề cập trong Kinh Thánh làm bằng chứng loại trừ các nghiên cứu khoa học có cơ sở. Việc Giáo Hội kết án nhà khoa học Galileo là một ví dụ điển hình. Khoa học càng phát triển càng xuất hiện nhiều xung khắc và đối nghịch với một số giáo thuyết của Giáo Hội. Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài bị một số thành phần lợi dụng để thổi phồng vấn đề hầu chống phá Giáo Hội.

Thực tế thì phức tạp hơn những hiện tượng bên ngoài và việc làm rõ vấn đề để xóa tan hiểu lầm đồng thời thông truyền cho đại chúng biết là điều cần làm. Trước hết, chính niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng, chân thật, đáng tin cậy và Ngài đã tạo ra một vũ trụ tốt đẹp, hợp lý và ổn định đã gợi hứng và dẫn lối cho các Kitô hữu làm khoa học. Thực tế cho thấy rằng trong khi cả thế giới đang loay hoay với thuật chiêm tinh thì thiên văn học xuất hiện ở Châu Âu và cũng trên châu lục Kitô Giáo này người ta phát triển ngành hóa học thay thế cho thuật giả kim phổ biến trên thế giới thời bấy giờ. Do vậy, lúc đó đa số các nhà khoa học là Kitô hữu và họ không thấy có vấn đề xung khắc giữa khoa học và đức tin.

Albert Einstein, nhà vật lý học được coi là vĩ đại nhất thời đại của ông, đã khẳng định: “Khoa học không có tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt”.[xvii] Nhà bác học Louis Pasteur đã nói: “Một sự hiểu biết khoa học nhỏ nhoi sẽ tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Nhưng một sự hiểu biết khoa học tường tận sẽ mang chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn”.[xviii] Galileo, cha đẻ của khoa học hiện đại, người bị Giáo Hội quản thúc tại gia vì bảo vệ thuyết Nhật Tâm, đã phát biểu: “Kinh Thánh chỉ ra con đường lên trời, chứ không phải chỉ ra cách bầu trời vận hành”.[xix] Lời phát biểu này cũng phù hợp với lối tiếp cận Kinh Thánh mà Giáo Hội hướng dẫn chúng ta sau này. Kinh Thánh chủ ý dạy đạo lý chứ không nhằm phổ biến kiến thức khoa học. Hơn thế nữa, Giáo Hội còn sử dụng các kiến thức và phương pháp của các ngành khoa học như khảo cổ học, hóa học, nhân chủng học, cả tâm lý học, … để nghiên cứu Kinh Thánh cũng như những tài liệu cổ khác. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người đã chính thức xin lỗi thế giới về việc Giáo Hội kết án oan nhà khoa học Galileo. Ngài cũng đã mở đầu Thông điệp Đức Tin và Lý Trí (Fides et Ratio) bằng một khẳng định nhằm đề cao lý trí khoa học như sau: “Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”.[xx]

Trên tinh thần đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đi thêm một bước xa hơn, cụ thể hơn bằng cách sử dụng rất nhiều dữ liệu khoa học đương đại vào trong các thông điệp, sứ điệp và phát biểu của mình. Cụ thể là khi nói về vấn đề môi trường, một trong những mối bận tâm bậc nhất của ngài trong cương vị là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, kiến thức khoa học đa ngành được áp dụng để phân tích một cách bài bản các vấn đề xã hội, kinh tế, và nhất là môi trường. Tỉ dụ như trong chương 1 của tài liệu quan trọng nhất của Giáo Hội về môi trường là Laudato Si’, dựa trên các nguyên tắc chắc chắn của vật lý và hóa học, ngài phân tích hiện trạng tồi tệ mà ngôi nhà chung của chúng ta đang hứng chịu phần lớn là do tác động của con người. Ngài viết:

 

…[N]hiều tham luận khoa học cho thấy, phần lớn việc đun nóng toàn cầu trong thập niên cuối, đều dẫn đến sự tập trung các khí thải (thán khí, mê-tan, ôxít nitrogen và nhiều loại khí khác) do hoạt động của con người thải ra. Nếu chúng cứ tập trung vào bầu khí quyển, sẽ ngăn chận sức nóng của các tia mặt trời phản chiếu trên mặt đất, không đi vào không gian được. (LS, số 2)

 

Tài liệu này tiếp tục phân tích hậu quả của sự tăng nhiệt toàn cầu sẽ tạo nên một vòng tròn ma quái làm cho tình trạng thêm trầm trọng. Khi Trái Đất ấm lên thì khí thải mê-tan và thán khí đi-ô-xít cũng tăng cao và ngược lại. Kenneth Miller, nhà sinh học tế bào ở trường đại học Brown nói rằng không một giáo hoàng nào ngồi đó để viết thông điệp mà không có sự trợ giúp và góp ý của các chuyên gia ở Vatican, “nhưng đây (Laudato Si’) rõ ràng là một tài liệu được viết bởi một người hiểu biết về khoa học vật lý … biết phổ hấp thụ tia hồng ngoại là gì và hiểu được sự khác biệt giữa khí mê-tan và thán khí đi-ô-xít”.[xxi]

Quả vậy, ngài đã là một nhà vật lý học hay nói khác đi là một nhà khoa học trước khi trở thành Giám Mục Rôma. Vatican Radio trích lời của chuyên gia khí hậu Hans Joachim Schellnhuber đánh giá cao việc Đức Thánh Cha sử dụng các dữ kiện khoa học đáng tin cậy như sau: “… Thông điệp trưng dẫn các khám phá khoa học đúc kết thành một khối chứng cứ vững chắc”.[xxii] Khi nói về Laudato Si’, ông Ban Ki-Moon, nguyên Tổng thư ký Liên hiệp quốc nhận định “có những đồng thuận rất chắc chắn về mặt khoa học” trong thông điệp này khi ngài nói rằng những biến đổi khí hậu toàn cầu “chủ yếu là do tác động của con người”.[xxiii]

Vào ngày 10 tháng 9, năm 2022, trong bài nói chuyện với Viện hàn lâm giáo hoàng về khoa học, Đức Thánh Cha muốn họ tự trả lời câu hỏi tại sao các giáo hoàng đã mong muốn có Viện khoa học từ năm 1603 (năm mà tiền thân của viện này được thành lập) trong khi đó hiện chưa có một tôn giáo nào có một viện khoa học như thế. Ngài gián tiếp trả lời: “Giáo Hội ôm ấp và khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học và luôn yêu mến tri thức và chân lý về thế giới này”.[xxiv] Mang sẵn trong mình một thao thức khôn nguôi về vấn đề môi trường, ngài đã nhiều lần nhắn nhủ những người làm việc trong lãnh vực khoa học phải coi trách vụ yêu mến và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta như là một trách vụ hàng đầu trong thời điểm hiện tại. “Là một thành phần của vũ trụ, khi đối diện với thực tế hiện nay, chính chúng ta phải chịu đồng trách nhiệm bởi vì chúng ta có khả năng để tự hỏi và đặt câu hỏi ‘tại sao?’”.[xxv]

Như vậy, ngoài việc cố gắng diễn tả đường hướng của Giáo Hội trong nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại, Đức Thánh Cha đã nại đến những kiến thức khoa học mới nhất và nghiêm túc nhất để góp phần đưa ra những lý luận và gợi ý hầu giúp cải thiện vấn đề môi trường.

Những lý chứng chắc chắn về khoa học trong cuộc khủng hoảng môi sinh vạch rõ tác nhân chính của nó không ai khác hơn là chúng ta. Điều này cũng phải dẫn đến việc chúng ta ý thức trách nhiệm luân lý của mình và đấm ngực ăn năn đồng thời biến đổi lối sống, cách làm kinh tế, … hầu ‘đền tội’ đối với thụ tạo.

 

5.  Hoán ci môi sinh

 

Là Kitô hữu, chúng ta được nghe nhiều về hạn từ ‘hoán cải’ và được mời gọi để hoán cải luôn luôn. Tuy nhiên, có lẽ cụm từ ‘hoán cải môi sinh’ chưa thực sự quen thuộc với chúng ta. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đầu tiên đưa hạn từ ‘hoán cải môi sinh’ vào Giáo Hội Công Giáo. Ngài nhắn nhủ chúng ta hãy trở lại với mối tương quan đúng đắn giữa con người, Thiên Chúa và các thụ tạo khác hầu thôi phá hoại môi trường, đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si’ đã định nghĩa hoán cải môi sinh như là một sự biến đổi con tim và khối óc, hướng đến một tình yêu mãnh liệt hơn cho Chúa, cho nhau và cho các loài thụ tạo. Trong thực tế chúng ta đã và đang đi ‘trệch đường ray’ và hướng đến một cuộc ‘tự sát tập thể’ khi cả thế giới đang chạy đua theo tiện nghi, lợi nhuận và phát triển mà quên chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Kết quả là chúng ta đang đối mặt với một môi trường ô nhiễm trầm trọng và một Trái Đất đang nóng dần lên. Chính chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt nếu chúng ta không sống chậm lại, thay đổi lối nghĩ, cách nhìn và phương pháp phát triển. Trong buổi tiếp kiến phái đoàn Phật Giáo Căm-pu-chia vào 19 tháng 1 năm 2023, Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng chỉ có sự hoán cải thực sự mới có thể dần chấm dứt các ý thức hệ và thực hành gây hại cho Trái Đất, bao gồm cả việc tìm kiếm lợi nhuận quá mức và thiếu tình liên đới.[xxvi]

Một sự hoán cải môi sinh thực sự theo tin thần Kitô Giáo mà Đức Thánh Cha luôn nhấn mạnh bắt đầu bằng việc soi xét lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với nhau và với thụ tạo. Trước hết, chúng ta cần chân nhận rằng thụ tạo là một ân huệ Thiên Chúa ban để ta hưởng nhờ và săn sóc (x. St 2) nhưng chúng ta đã lạm dụng món quà này quá mức và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngài đã nhiều lần trích dẫn lời của Thượng Phụ Barthôlômêô gọi nói rằng “tội ác chống lại thế giới tự nhiên là tội ác chống lại chính chúng ta cũng như chống lại Thiên Chúa” (LS, số 8). Với những dẫn chứng khoa học và sự phân tích cách logic, ngài kết luận rằng chính con người là tác nhân chính gây ra tình trạng suy thoái môi trường hiện nay. Hoán cải môi sinh chỉ có thể thành hiện thực khi con người biết nhận ra nguồn gốc nhân bản của một thế giới bị tổn thương trầm trọng như chúng ta đang chứng kiến. Khi “các sa mạc bên ngoài gia tăng bởi vì sa mạc nội tâm đã trở nên quá lớn” thì cơn khủng hoảng môi trường là một lời kêu gọi sự sám hối nội tâm sâu thẳm (x. LS, số 217). Từ sâu thẳm tâm hồn, chúng ta được mời gọi nhận ra sự vô ơn bội nghĩa của chúng ta khi chúng ta không những thiếu trân trọng mà còn phá hoại món quà tình yêu của Thiên Chúa.

Ngoài ra, con người cũng cần ý thức mình là một phần của tự nhiên, bị nhốt trong đó và cùng sống với nó qua việc thông hiệp hỗ tương với nhau, do đó chịu chung số phận với nó (x. LS, số 139) vì không có gì có thể tồn tại độc lập. Như vậy, chúng ta “không nhìn ngắm thế giới từ bên ngoài, nhưng từ trong nội tâm và nhận ra dây liên kết mà qua đó Cha trên trời nối kết chúng ta với tất cả hữu thể” (LS, số 220). Nhờ đó, con người “hiểu việc vượt trổi của họ không phải là cớ để tạo vinh quang cá nhân hoặc là cớ để thống trị một cách vô trách nhiệm, nhưng là một khả năng khác, đặt ra cho mình trách nhiệm nặng nề, xuất phát từ niềm tin của mình” (LS, số 220).

Kế đến, chúng ta được mời gọi để chân nhận “mọi sự Thiên Chúa tạo nên đều tốt đẹp” (x. St 1), đều hài hòa, trật tự và ngài trân trọng từng con chim sẻ nhỏ bé (Lc 12,6) và yêu thương cả những bông huệ ngoài đồng (Mt 6,25-30), thì hà cớ gì chúng ta lại đối xử tệ với chúng và làm phương hại đến chúng? Việc nhận ra mọi vật đều vận hành theo những quy luật tự nhiên Thiên Chúa đã đặt để cảnh báo cho chúng ta về những tai hại sẽ xảy đến cho chính chúng ta và các thế hệ kế tiếp khi chúng ta đi ngược lại hay phá hoại quy luật đó. Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc đến câu thành ngữ của tiền nhân:

 

Thiên Chúa luôn tha thứ, con người thường tha thứ, nhưng thiên nhiên thì không”, nếu chúng ta chỉ khai thác mà không bảo vệ, chúng sẽ hủy diệt chính chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta noi gương thánh Phanxicô Assisi “để đề nghị một mối tương quan lành mạnh với sáng tạo như chiều kích một cuộc sám hối trọn vẹn của con người. Điều này cũng đưa tới việc nhận thức những sai lầm, tội lỗi, tật xấu hoặc chễnh mãng và sám hối với trọn tâm hồn, thay đổi nội tâm. (LS, số 218)

 

Trong sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo năm 2023, Đức Giáo Hoàng gọi việc biến đổi con tim là yếu tố cốt yếu cho bất cứ cuộc biến đổi nào khác. Ngài gợi lại ý của thánh Gioan Phaolô II khi nói: “Đó chính là cuộc ‘hoán cải môi sinh’ mà thánh Gioan Phaolô II khuyến khích chúng ta trân trọng: một sự đổi mới mối tương quan của chúng ta với thụ tạo để chúng ta không còn coi chúng như một đối tượng để khai thác nhưng như một món quà thánh thiêng từ Tạo Hóa mà chúng ta cần trân quý”.[xxvii]

Sự biến đổi con tim và khối óc cuối cùng cũng phải dẫn đến sự thay đổi lối sống, các chính sách công về kinh tế, xã hội và chính trị hầu hướng đến một nền văn hóa lành mạnh phù hợp với ý định của Tạo Hóa và mang lại một tương lai bền vững cho chính chúng ta và thế hệ tương lai. Ngày 21/8/2023, trước phái đoàn luật sư Châu Âu, Đức Thánh Cha đã cho biết ngài đang viết phần hai của thông điệp Laudato Si’ và nhắn nhủ họ:

 

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng các thế hệ trẻ có quyền nhận được một thế giới tươi đẹp và đáng sống từ chúng ta, và điều này ngụ ý rằng chúng ta có trách nhiệm nặng nề đối với công trình sáng tạo mà chúng ta đã nhận được từ bàn tay quảng đại của Thiên Chúa.[xxviii]

 

Trong các thông điệp, sứ điệp và bài nói chuyện liên quan đến vấn đề môi trường, Đức Thánh Cha luôn mời gọi mọi người hãy hành động ngay và hành động trong khả năng và quyền hạn của mình để góp phần bảo vệ môi sinh. Không có một ai hay một nỗ lực nào bị coi là quá nhỏ bé và không cần thiết cho cuộc chiến cần một tinh thần ‘tổng động viên’ này. “Một môi sinh học toàn diện được thực hiện kể cả bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật trong đó chúng ta phá vỡ lý lẽ bạo lực, khai thác bóc lột, ích kỷ” (LS, số 230).

Trong sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo năm 2023, Đức Thánh Cha cũng nhắc lại cần thay đổi lối sống, cải tổ các chính sách công và xây dựng một đường hướng phát triển lành mạnh hầu công lý và hòa bình được ngự trị. Do đó, cần phải có những đề nghị “đối thoại và hành động đòi có sự can dự của mỗi người chúng ta, cũng như của nền chính trị quốc tế nữa” (LS, số 15). “Giáo Hội không chủ trương giải quyết các vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng tôi mời gọi thảo luận chân thành và minh bạch, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức hệ không làm thương tổn công ích” (LS, số 188) nhưng “giúp chúng ta ra khỏi cái vòng luẩn quẩn tự hủy diệt mà chúng ta đang phải đương đầu” (LS, số 163). Ngài cũng gửi lời kêu gọi khẩn thiết đến những người nắm giữ các trách nhiệm chính trị để họ “tái nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ như một người và họ sẽ để lại một chứng tá về trách nhiệm quảng đại, sau khi họ đi vào lịch sử” (LS, số 181).

Tóm lại, quá trình hoán cải môi sinh đòi hỏi một cuộc xét mình toàn diện dưới ánh sáng các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với vũ trụ hầu nhận ra những lệch lạc gây đổ vỡ tương quan đặc biệt qua cách chúng ta đối xử với toàn thể các loài thụ tạo. Điều đó phải dẫn đến một cuộc sám hối nội tâm thực sự và một cuộc biến đổi tự tâm hồn để có thể biến thành những kế hoạch hành động và chính sách công hướng đến một tương lai tốt đẹp cho chính chúng ta cùng các thế hệ tương lai.

 

 

6. Kết lun

 

Những lời mời gọi, thúc dục, có khi là cầu khẩn thật thiết tha của Đức Thánh Cha Phanxicô nhất thiết phải đến từ một con tim thổn thức băn khoăn khôn nguôi cho một vấn đề sống chết của xã hội loài người đương thời. Quả vậy, trái tim ngài không ngủ yên khi cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 4 tháng 10 năm 2023, ngài lại tiếp tục ra một tông huấn về vấn đề môi sinh để gióng lên một hồi chuông nữa hầu cảnh tỉnh nhân loại trước thảm họa biến đổi khí hậu và kêu gọi hành động khẩn cấp hơn từ cấp độ vi mô cho đến cấp độ vĩ mô. Ngài bênh vực và kêu gọi hành động vì người nghèo và người bị tổn thương do biến đổi khí hậu bằng cách lên án sự thờ ơ trong các chính sách bảo vệ môi trường của các nước giàu và chiêu trò mị dân của các chủ dự án tác động mạnh đến môi trường. Ngài viết:

 

… [K]hi khởi động một dự án có tác động môi trường mạnh mẽ và gây ô nhiễm đáng kể, người dân trong khu vực bị lừa dối, họ bị thuyết phục bởi những tiến bộ có thể có được ở địa phương hoặc về các cơ hội kinh tế trong lãnh vực việc làm và phát triển con người trên con cái họ. (Laudate Deum - LD, số 29)[xxix]

 

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Giáo Phận Munich và là chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh đánh giá Tông huấn Laudate Deum như sau:

 

Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm gia tăng hố chia cách giữa giàu và nghèo. Tất cả các nước đều được kêu gọi bảo đảm hòa bình. Điều này có liên hệ tới tương lai của mọi người. Trong một thời điểm phân cực, với những phe khác nhau, Đức Giáo Hoàng kêu gọi sự cộng tác trên hoàn cầu. Đây là một sứ điệp chính trị mạnh mẽ của ngài.[xxx]

 

Trong tông huấn mới ra này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và hợp tác quốc tế trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng sinh thái ngày nay. Đứng trước thềm cuộc họp thường niên về khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 28 (COP28) tại Dubai, ngài kêu gọi một tiến trình quyết liệt dựa trên cam kết với ba yêu cầu: hiệu quả, nghĩa vụ và giám sát.

Trong phần cuối của tông huấn, ngài cũng không quên chủ đề quan trọng liên quan đến lãnh vực tinh thần trong cuộc chạy đua với sự suy thoái môi trường, đó là hoán cải môi sinh. Ngài nhấn mạnh những động lực tinh thần đằng sau việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu:

 

Về vấn đề này, tôi không thể không nhắc nhở các tín hữu Công Giáo về những động lực phát sinh từ đức tin. Tôi khuyến khích quý vị thuộc các tôn giáo khác cũng làm như vậy, vì chúng ta biết rằng đức tin đích thực không chỉ mang lại sức mạnh cho trái tim con người, mà còn biến đổi cuộc sống, biến đổi các mục tiêu của chúng ta và làm sáng tỏ mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thụ tạo như một tổng thể. (LD, số 61)

 

Ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng vũ trụ thể hiện sự phong phú vô tận của Thiên Chúa, và con người, như một phần của vũ trụ, được kết nối bằng những mối liên kết vô hình và cùng nhau tạo thành một loại gia đình phổ quát, một sự hiệp thông cao cả. Đức Thánh Cha khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thực hiện những thay đổi cá nhân và đóng góp vào những thay đổi văn hóa trong xã hội, cũng như kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị quốc tế cũng như quốc gia hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nhìn chung, thông điệp của Đức Thánh Cha về vấn đề môi sinh là một thông điệp cấp bách, trách nhiệm và hy vọng, kêu gọi tất cả chúng ta cùng nhau làm việc để giải quyết thách thức toàn cầu này và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.



[i] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư 1971, https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/apost_letters/documents/hf_p-vi_apl_19710514_octogesima-adveniens.html.

[ii] Đức Giáo Hoàng Giaon Phaolô II, Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới, 1990, https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_19891208_xxiii-world-day-for-peace.html

[iii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, 2015, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html.

[iv] UN News, “Pope Francis Calls for Strong Climate Agreement During Visit to UN Office in Nairobi,” 26/11/2015, https://news.un.org/en/story/2015/11/516592.

[v] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 9/6/2018, https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2018/june/documents/papa-francesco_20180609_imprenditori-energia.html.

[vi] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo, 1/9/2019, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2019/documents/papa-francesco_20190901_messaggio-giornata-cura-creato.html

[vii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2022/documents/20220716-messaggio-giornata-curacreato.html#_ftnref5.

[viii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Our Moral Imperative to Act on Climate Change,” TED, 10/2020, https://www.ted.com/talks/his_holiness_pope_francis_our_moral_imperative_to_act_on_climate_change_and_3_steps_we_can_take?language=en

[ix] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp video nhân ngày Trái Đất, 30/4/2021, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2021/documents/papa-francesco_20210422_videomessaggio-giornata-terra.html.

[x]  United Nations Climate Change, “World Religious Leaders and Scientists Make Pre-COP26 Appeal,” 5/10/2021, https://unfccc.int/news/world-religious-leaders-and-scientists-make-pre-cop26-appeal.

[xi] Ngọc Yến, Vatican tiếp tục hướng tới mục tiêu “Quốc gia xanh” vào năm 2050, Vatican News, https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-06/vaticna-tiep-tuc-muc-tieu-quoc-gia-xanh-2050.html.

[xii] Ibid.

[xiii] UNEP, “UNEP Chief Achim Steiner Welcomes Papal Encyclical on Environment,” 18/6/2015, https://www.unep.org/news-and-stories/press-release/unep-chief-achim-steiner-welcomes-papal-encyclical-environment.

[xiv] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo, 1/9/2016, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2016/documents/papa-francesco_20160901_messaggio-giornata-cura-creato.html

[xv] Ibid.

[xvi] Lm. Trần Hữu Hạnh, CSF, “Hội nhập văn hóa trong việc thờ kính tổ tiên,” Hội đồng Giám Mục Việt Nam, 17/11/2022, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-nhap-van-hoa-trong-viec-ton-kinh-to-tien-48801

[xvii] Lôrensô Vũ Văn Trình MF, Giới trẻ, khoa học và đức tin, https://tgpsaigon.net/bai-viet/gioi-trekhoa-hoc-va-duc-tin-37578.

[xviii] Hoa Tâm, Chuyên đề 155: Đức tin và Khoa học, https://tgpsaigon.net/bai-viet/chuyen-de-155-duc-tin-va-khoa-hoc-35645.

[xix] Brainy Quote, https://www.brainyquote.com/quotes/galileo_galilei_381320.

[xx] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio, 1998, https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_14091998_fides-et-ratio.html

[xxi] Nsikan Akpan, “As a Scientist, Is the Pope Dodging the Biggest Contributor to Climate Change?” PBS Newshour, 23/9/2015, https://www.pbs.org/newshour/science/three-ways-pope-francis-backs-science-one-major-way-doesnt.

[xxii] Vatican Radio, “The Papal Encyclical, Science and the Protection of Planet Earth,” 18/6/2015, http://www.archivioradiovaticana.va/storico/2015/06/18/climate_scientist_encyclical_laudato_si_mirrors_scientific_findings/en-1152390.

[xxiii] “UN Leaders React to Pope Francis' Release of Encyclical on Climate and Environment”

https://www.unep.org/news-and-stories/press-release/un-leaders-react-pope-francis-release-encyclical-climate-and

[xxiv] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Bài phát biểu với Viện hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học”, 10/9/2022, https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2022/september/documents/20220910-plenaria-pas.html.

[xxv] Ibid.

[xxvi] X. Pope Francis, “Address Of His Holiness Pope Francis To The Buddhist Delegation From Cambodia”, https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2023/january/documents/20230119-monaci-buddisti-cambogia.html.

[xxvii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo, 1/9/2023, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2023/documents/20230513-messaggio-giornata-curacreato.html

[xxviii] Cindy Wooden, “Pope tells lawyers he’s writing a new document on the environment”, 22/8/2023, https://www.chicagocatholic.com/vatican/-/article/2023/08/22/pope-tells-lawyers-he-s-writing-a-new-document-on-the-environment

[xxix] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Laudate Deum, 2023, https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/20231004-laudate-deum.html

[xxx] Trần Đức Anh, OP, “Vài dư âm về Tông huấn mới của Đức Thánh Cha “Laudate Deum””, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-10/dtc-phanxico-tong-huan-laudate-deum-bien-doi-khi-hau.html.


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)