1. Dn nhp

 

Một trong những bài thánh ca quen thuộc mà giáo dân Việt Nam thường chọn lọc và  hát trong các Thánh Lễ là bài “Con chỉ là tạo vật”[i] của nhạc sĩ Nguyễn Đình Diễn (bút danh Phanxicô). Bài hát mang điệu thức của dân Nam bộ và được sáng tác vào năm 1980 giữa thời bao cấp. Trong câu đầu của bài hát mà dường như người Công Giáo Việt Nam nào cũng thuộc lòng, tác giả nêu bật tính chất hèn mọn của con người, thừa nhận rằng con người chỉ là một loài thọ tạo trước một Thiên Chúa vô cùng cao trọng và “sang giàu”. Ngài là Đấng dựng nên toàn thể vũ trụ, mà trong đó con người chỉ là một phần rất “nhỏ bé, có chi đâu”. Nhạc sĩ Phanxicô lập lại cụm từ “có chi đâu” trong phần điệp khúc như muốn nhấn mạnh về sự khác biệt vô biên giữa Thiên Chúa và con người.

Việc con người ý thức về thân phận thấp hèn của mình như là một loài thọ tạo của Thượng Đế là một cách gián tiếp con người nhìn nhận rằng, trong vũ trụ còn có những loài thọ tạo khác cũng do bàn tay Thiên Chúa tạo nên. Nhiều thực thể trong muôn loài, nếu xét theo khía cạnh kích cỡ hoặc tuổi đời, còn vượt xa con người rất nhiều. Vì thế, vị trí của con người, dù có đặc biệt như thế nào đi chăng nữa, thì trên thực tế cũng chỉ là một loài thọ tạo nhỏ bé trong toàn cõi hiện sinh. Kiếp người thật mong manh và ngắn ngủi – “ôi con người ngàn năm mấy thuở có chi đâu …”.

Bài thánh ca thường xuyên được dùng trong phần dâng lễ vật của nghi thức Thánh Thể nói trên nhắc nhở con người về vị trí đích thực của mình trước mặt Thiên Chúa và trong mối tương quan với mọi loài trong vũ trụ. Vì thế, câu hỏi được đặt ra là chúng ta nên nhận thức như thế nào về mối tương quan giữa con người với các loài thọ tạo khác mà Thiên Chúa đã dựng nên? Điều gì làm cho con người nổi bật giữa các loài thọ tạo? Con người có vai trò và trách nhiệm gì đối với vạn vật?

Để trả lời những câu hỏi này, tác giả sẽ trình bày về cơ sở cho sự tương quan giữa con người với các loài thọ tạo khác trong vũ trụ dưới lăng kính của thần học Kitô Giáo. Bài viết cũng sẽ trình bày một số khái niệm để con người sống và thể hiện căn tính Kitô Giáo một cách toàn diện. Điều này có nghĩa các Kitô hữu cần ý thức về mối tương quan với các loài thọ tạo như một chiều kích căn bản trong đời sống. Từ sự nhận thức này, chúng ta có thể sống đời sống Kitô hữu một cách tròn đầy hơn qua việc đưa mối tương quan với vạn vật vào trong những suy nghĩ và lựa chọn của chúng ta trong đời sống cá nhân cũng như tập thể. Bài viết sẽ triển khai những ý tưởng chính qua ba phần:

 

1) Trở nên anh em với các loài thọ tạo;

2) Trở nên người quản lý các loài thọ tạo trong hình ảnh của Thiên Chúa; và

3) Trở nên người loan báo Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo.

2. Tr nên anh em vi các loài th to

 

         Các triết gia cho biết không có gì tồn tại ngoại trừ trong mối tương quan với một thứ khác. Điều tồn tại không phải là một hữu thể gì đó nhưng là một mối quan hệ. Ví dụ, một chiếc xe ô-tô tồn tại trong mối tương quan với chủ nhân của nó. Nếu không có chủ nhân thì chiếc ô-tô tồn tại trong mối tương quan với Trái Đất. Nếu không có Trái Đất thì nó tồn tại trong mối tương quan với vũ trụ. Nếu trong toàn vũ trụ chỉ có một mình chiếc ô-tô lơ lững trong không trung, thì toàn bộ hiện thực sẽ bị giới hạn bởi chiếc ô-tô đó. Toàn bộ vũ trụ sẽ là một chiếc ô-tô.

Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó vì chiếc ô-tô cũng không thể được tạo thành từ bất kỳ phần nào. Bởi vì bất kỳ phần nào của chiếc ô-tô đều là yếu tố thứ hai so với chiếc ô-tô. Cũng không thể có ý tưởng hoặc cảm xúc về chiếc ô-tô, vì những điều đó cũng sẽ là hình ảnh thứ hai so với chiếc ô-tô gốc. Chiếc ô-tô không thể có một lịch sử hoặc tương lai, vì lịch sử hoặc trạng thái tương lai của nó sẽ là thứ hai so với trạng thái hiện tại của nó.

Nói cách khác, mối tương quan là một thực tế không thể tránh được trong đời sống của con người hay bất cứ thực thể nào trong cõi hiện sinh. Chính vì thế mà trong một Thiên Chúa luôn có ba ngôi vị, bao gồm Ngôi Cha, Ngôi Con (Đức Giêsu Kitô), và Thánh Thần hiện hữu trong mối tương quan với nhau từ muôn đời. Tuy nhiên, trong đời sống con người, khi chúng ta dùng từ ‘tương quan’ thì thường trong bối cảnh liên quan đến mối tương quan và sự tương tác giữa con người với con người trên phương diện cá nhân hoặc cộng đồng. Về mặt siêu nhiên thì chúng ta nghĩ tới mối tương quan với Thiên Chúa hoặc với các Thánh trên trời.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện về khía cạnh tự nhiên lẫn siêu nhiên trong đời sống của con người, thì chúng ta không thể bỏ qua sự tương quan với các loài thọ tạo. Đây là một trong ba chiều kích quan trọng trong đời sống mà chúng ta thường ít quan tâm tới, hoặc ít nhận ra tầm quan trọng của nó, mặc dầu chính con người cũng là một trong muôn loài thọ tạo trong vũ trụ.

Thọ tạo là gì? Cụm từ ‘thọ tạo’ (thụ tạo) ám chỉ một hành động hay quá trình tạo dựng đã diễn ra. Có một số hệ thống triết học và tín ngưỡng tôn giáo, điển hình Phật Giáo và đạo Jai-na tại Ấn Độ cho rằng, vũ trụ đã có từ muôn đời. Vì thế, không có bất cứ đấng sáng tạo nào hiện hữu.

Tuy nhiên, đối với triết học và thần học Kitô Giáo thì vũ trụ và mọi thứ trong vũ trụ phải có nguyên nhân tác thành, chứ không thể tự mình mà có. Theo Thánh Tôma Aquinô thì:

 

Trong trật tự các nguyên nhân tác thành, nguyên nhân đệ nhất sinh ra một hay nhiều nguyên nhân trung gian, nguyên nhân trung gian sinh ra nguyên nhân sau cùng. Nếu không có nguyên nhân đệ nhất, làm sao có nguyên nhân trung gian và nguyên nhân sau cùng. Nên không thể lý luận mãi như thế được, vì lý luận như thế sẽ không có nguyên nhân tác thành đệ nhất thì cũng chẳng có nguyên nhân trung gian và hiệu quả sau cùng. Đó là điều sai lầm. Bởi đấy, cần có nguyên nhân tác thành đệ nhất được mọi người gọi là Thượng Đế. (Tổng luận thần học phần I chương 2 mục 3)

 

Nói cách khác, vũ trụ cần có một Đấng Sáng Tạo không ‘được tạo dựng’ (uncreated Creator), có nghĩa là tự mình mà có từ muôn thuở. Đấng Sáng Tạo nói đến chính là Thiên Chúa mà người Công Giáo tuyên xưng là Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, thần học Kitô Giáo khẳng định rằng việc Thiên Chúa đóng vai trò là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự hiện hữu của vũ trụ, không phải là một chuyện tình cờ nhưng là một ý định đầy khôn ngoan của Người. Vì việc vũ trụ và con người có được là kết quả của một công trình sáng tạo có chủ đích, nên khi nói về các thực thể trong vũ trụ, kể cả con người, thì chúng ta gọi một cách chung là ‘vạn vật’ hoặc các ‘loài thọ tạo’.

Trong những cuộc bình luận về đề tài sinh thái học, chúng ta nhiều khi thấy có sự phân biệt giữa ‘con người’ và các ‘loài thọ tạo’ như thể đó là hai thực thể tách biệt và khác biệt nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng con người cũng là một loài thọ tạo, là một tác phẩm của Thiên Chúa. Vì thế, có thể phân chia vạn vật thành hai loại – loài thọ tạo con người (human creation) và loài thọ tạo không phải là con người (nonhuman creation).

Trên Trái Đất, loài thọ tạo thứ hai bao gồm cây cối, thú vật, rừng núi, biển cả, v.v. thường được gọi là thiên nhiên hoặc tự nhiên theo thuật ngữ khoa học. Ở đây không bàn tới các thiên thần cũng là một loài thọ tạo khác của Thiên Chúa. Trong khuôn khổ của bài viết này, để giảm sự phức tạp cho độc giả, người viết dùng cụm từ ‘con người’ để nói về loài thọ tạo con người và các ‘loài thọ tạo’ để nói về muôn loài khác trong vũ trụ, bao gồm cả tự nhiên trên Trái Đất.

Dưới lăng kính thần học Kitô Giáo, khái niệm ‘sáng tạo’ hoặc ‘tạo hóa’ nói lên một ý nghĩa, mục đích và trật tự sâu xa trong vũ trụ. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo Hội dùng cụm từ ‘loài thọ tạo’ thay vì ‘tự nhiên’ để nói về các loài nhằm nhấn mạnh “dự định tình yêu của Thiên Chúa, trong đó mỗi loài thọ tạo đều có giá trị và ý nghĩa riêng của mình” (Laudato Si’ - LS, số 76).[ii] Thay vì bị xem là những thứ để cho khoa học nghiên cứu và kiểm soát, sự sáng tạo “phải được hiểu như một quà tặng đến từ bàn tay rộng mở của Người Cha mọi người, như thực tại được tình yêu chiếu sáng, mời gọi chúng ta bước vào một sự hiệp thông bao trùm tất cả” (LS, số 76).

Từ nhãn quan của Công Giáo thì nếu như thuyết vô thần và chủ nghĩa duy khoa học coi rẻ căn tính và vận mệnh cao cả của con người, thì cụm từ ‘thiên nhiên’ hay ‘tự nhiên’ được dùng để nói về các loài thọ tạo của Chúa cũng có tác động tương tự.  Đức Thánh Cha cảnh báo rằng cách nhìn các loài như là ‘tự nhiên’ có thể vô tình củng cố một mô hình kỹ trị là một não trạng và lối hành động xem các loài thọ tạo như những vật thể mà con người có quyền thao túng và kiểm soát. Mô hình kỹ trị dựa trên chủ nghĩa duy khoa học khởi nguồn từ thời Khai Sáng thúc đẩy và duy trì mối tương quan giữa con người với các loài thọ tạo mang tính đối kháng và thống trị thay vì nhận thức rằng, con người là một phần cơ bản của một hệ thống vũ trụ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã sắp đặt.

Mô hình kỹ trị lấy con người là một loài thọ tạo làm trung tâm, và lấy khoa học làm phương thức chính để thấu hiểu thế giới và hành động trong cuộc sống. Não trạng này cho phép con người quyền hạn để tìm mọi cách khuất phục và khai thác thiên nhiên, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu hiểu biết, mưu sinh và phát triển của con người tùy ý muốn. Ngược lại, khái niệm ‘sáng tạo’ và ‘loài thọ tạo’ khẳng định rằng, trung tâm đích thực không nằm ở nơi con người hay ở bất cứ loài thọ tạo nào cả, mà là ở nơi Thiên Chúa. Thế giới quan lấy Thượng Đế làm trung tâm xóa đi sự phân cách giữa con người và các loài thọ tạo khác, đồng thời vô hiệu hóa tính đối kháng giữa con người với thiên nhiên, bởi vì tất cả đều là kết quả của sự sáng tạo nơi Thiên Chúa. Tất cả hiện hữu và tiếp tục tồn tại trong bàn tay yêu thương và sự quan phòng của Người. Theo viễn tượng này, tất cả những gì được Thiên Chúa tạo nên, tồn tại trong mối liên kết thân mật với nhau nhờ vào sự gắn bó mật thiết với chính Người.

Cách nhìn này còn gợi ý về một mối tương quan mang tính ‘anh em’ giữa toàn thể các loài thọ tạo, vì tất cả có chung một ‘Đấng Sinh Thành’. Nếu như trong gia đình, cha mẹ đóng vai trò dưỡng dục con cái, thì trong vũ trụ, Thiên Chúa chính là Đấng nuôi dưỡng mọi loài vì Người ban Manna xuống để nuôi sống Dân Người (Xh 16,1-36) và mặc áo đẹp cho hoa huệ ngoài đồng (x. Mt 6,30). Chính bàn tay Người “tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Người gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65, 10-11). Chính vì con người và các loài thọ tạo có mối quan hệ anh em cùng chung một ‘huyết tộc’ và cùng được Người chăm sóc trong sự yêu thương quan phòng, nên tất cả các loài thọ tạo của Chúa không ngừng ca ngợi và tôn vinh Người.

Các Thánh Vịnh ghi nhận không chỉ các Thần Thánh trên trời hay con người dưới đất hân hoan nhảy múa cất lên lời ngợi khen Thiên Chúa, mà các loài thọ tạo khác cũng không ngớt lời ca ngợi Danh Thánh Người. Thánh Vịnh 148 kêu gọi các loài thọ tạo trên trời như “vầng ô bóng nguyệt”, “cửu trùng cao vút” và “cả khối nước phía trên bầu trời” hãy ca tụng Đức Chúa vì “Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành” (Tv 148,3-5). Ngoài ra, tác giả Thánh Vịnh cũng kêu gọi các loài dưới đất hãy hoà nhịp trong tiếng ca tụng Đức Chúa:

 

Ca tụng Chúa đi, từ mười phương đất, này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,

lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù, ngọn cuồng phong, cấp thừa hành lời Chúa.

Núi với đồi trùng trùng điệp điệp, cây ăn trái và đủ loại bá hương,

thú vật rừng hoang cùng là gia súc, loài bò sát và mọi giống chim trời. (Tv 148,7-10)

 

Mọi loài trong vũ trụ phải ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả đều hiểu biết “việc tay Người làm” (Tv 19,2). Sự sáng tạo tuyệt vời của Người khiến mọi loài trên trời và dưới đất phải hân hoan “reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96,11-13).

Mặc dù tác giả Thánh Vịnh không đề cập đến mối tương quan anh em giữa con người và vạn vật, nhưng chắc hẳn sự nhận thức về hiện hữu và hoạt động của các loài thọ tạo trong vũ trụ, được diễn tả trong các câu Thánh Vịnh đã giúp Thánh Phanxicô thành Assisi có một cách nhìn rất thân thiện đối với chúng. Trong bài thơ “Bài ca các loài thọ tạo”, Thánh Phanxicô đã nêu bật sự vinh quang vô biên của Chúa qua chính các loài Người đã tạo nên. Đối với thánh nhân, những loài thọ tạo đó không chỉ là những thực thể vô tri vô giác, mà vạn vật trên trần gian –  mặt trời, mặt trăng, nước, không khí và những thứ khác – đều là anh em, chị em của mình.

 

Lạy Thiên Chúa tối cao,

toàn năng và tốt lành,

mọi vinh quang và danh dự,

lời chúc tụng và ngợi khen,

đều thuộc về Người,

và xứng hợp cho riêng mình Người,

ôi Đấng tối cao,

không một ai xứng đáng gọi Danh Người.

 

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

với muôn loài thọ tạo,

đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời…

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì Chị Trăng và muôn Sao…

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì Anh Gió, Không khí và Mây trời…

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Nước…

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Anh Lửa…

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất…

 

Trong bài ca này, thánh Phanxicô không chỉ nhấn mạnh từng khía cạnh riêng lẻ của sự sáng tạo, mà còn gợi lên hình ảnh về sự liên kết chặt chẽ giữa tất cả các thực thể trong vũ trụ. Thánh Bonaventura đã viết về thánh Phanxicô rằng: “Khi thánh nhân xem xét nguồn gốc nguyên thủy của mọi vật, ngài tràn đầy lòng kính mến, gọi các loài thọ tạo, dù chúng có nhỏ đến đâu, bằng cái tên anh em hoặc chị em, bởi vì ngài biết chúng có nguồn gốc chung với chính ngài”.[iii]

Thánh Phanxicô đã truyền cảm hứng cho một truyền thống linh đạo luôn công nhận ý nghĩa đạo đức, thần học và tinh thần của sự sáng tạo. Sự sáng tạo không chỉ giúp con người hiểu sâu sắc hơn về bản tính của Thiên Chúa, mà còn có khả năng tự mình biểu thị sự tôn vinh dành cho Đấng Sáng Tạo. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi thánh Phanxicô từng tuyên bố: “Nếu người nào sẵn sàng loại bỏ bất kỳ sinh vật nào khỏi mái ấm của lòng thương xót và lòng trắc ẩn, họ cũng sẽ đối xử tương tự với những người đồng loại”. Quả thật, thái độ và hành động thương xót đối với các loài thọ tạo chỉ có thể được thể hiện, khi con người nhìn nhận các loài thọ tạo như những anh em, chị em đáng được cho chúng ta quan tâm và yêu thương. Điều này sẽ không khó nếu chúng ta nhận ra rằng, mọi loài mà Thiên Chúa đã tạo dựng đều có giá trị bên trong và sự tốt lành do chính Người định đoạt. Sách Giáo Lý Công Giáo (số 339) ghi rõ:

 

Mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và hoàn hảo riêng của nó. Về mỗi công trình của “sáu ngày”, Sách Thánh đều viết: “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. “Chính nhờ việc tạo dựng, mà mọi sự vật được thiết lập với sự bền vững, chân thật và tốt lành riêng, và theo những định luật và trật tự riêng”. Các thụ tạo khác nhau, trong bản chất riêng của mình, mỗi thụ tạo một cách, đều phản chiếu một tia sáng của sự khôn ngoan vô biên và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Chính vì vậy, con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ tạo, tránh không sử dụng các sự vật một cách vô trật tự, vì làm như vậy là coi thường Đấng Tạo Hóa và kéo theo những hậu quả nguy hại cho con người và cho môi trường của con người.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phân tích rằng: “Trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế, trong ngôn ngữ biểu trưng và trình thuật, chứa đựng những lời giảng dạy sâu xa về hiện sinh con người và thực tại lịch sử của họ. Trình thuật này muốn nói, hiện sinh con người dựa trên ba sự liên hệ căn bản, liên kết với nhau thật mật thiết: liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với Trái Đất” (LS, số 66). Theo Đức Phanxicô, bởi vì “tất cả đều liên kết với nhau”, khi mối tương quan với các loài thọ tạo bị phá vỡ do sự hiểu lầm về ý nghĩa của mệnh lệnh của Thiên Chúa, mối tương quan giữa chúng ta với người anh em đồng loại cũng bị sứt mẻ. Một cách tương tự, mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng bị rạn nứt theo (LS, số 70).

 

 

3.  Tr nên người qun lý các loài th to trong hình nh Thiên Chúa

 

Trong sách Sáng Thế, tác giả đã thuật lại rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cụ thể, câu 1,27 tuyên bố rằng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Đây không phải là hình ảnh mang tính thể lý bởi Thiên Chúa vốn vô hình, nhưng là những phẩm chất tinh thần phản ánh Đấng Siêu Việt, trong đó bao gồm tự do ý chí, khôn ngoan, lý trí, lương tâm đạo đức, tinh thần công bằng và tình yêu cho người khác. Vì hình ảnh ở đây không dựa trên thể chất, nên mọi người bất kể giới tính hay sắc tộc đều là hình ảnh của Thiên Chúa như nhau.

Việc con người được trao tặng những phẩm chất đặc biệt này, không phải là để cho chúng ta cảm thấy tự cao tự đại và trở nên kiêu ngạo. Bằng cách chia sẻ bản tính của Người với con người, Thiên Chúa tiết lộ rằng chúng ta không chỉ là một ‘thứ’ gì đó, mà là một kiệt tác với “ơn được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa”.[iv] Như Thiên Chúa, chúng ta sở hữu khả năng hiểu biết về bản thân mình, sở hữu chính bản thân mình và tự do trao tặng chính mình trong tình cảm hiệp thông với người khác.[v]

Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người cũng như việc Người tạo dựng vũ trụ không hề là chuyện ngẫu nhiên, nhưng hoàn toàn nằm trong kế hoạch yêu thương của Người. Một trong những trách nhiệm của con người khi mang hình ảnh của Thiên Chúa, là đại diện cho Người để chăm sóc vạn vật mà Người đã dựng nên. Nói cách khác, con người trở nên ‘người quản lý’ được Thiên Chúa trao ban trọng trách cộng tác với Người trong việc chăm sóc các loài thọ tạo.

Nguồn gốc của khái niệm ‘người quản lý’ có thể tìm thấy trong câu chuyện về việc tạo dựng con người trong sách Sáng Thế. Trong câu chuyện thứ nhất (1, 26-27), sự việc được thuật lại như sau:

 

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

 

Tuy nhiên, trong câu chuyện tạo dựng thứ hai (St 2,7), tác giả thuật lại rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”. Sau khi đã hoàn tất việc tạo dựng con người, “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15). Đất đai mà con người phải canh tác và chăm sóc đó chính là nguyên liệu mà Thiên Chúa đã dùng để tạo dựng con người. Vì thế giữa con người và đất đai có một mối liên hệ mật thiết ngay từ thuở ban đầu. 

Hai câu chuyện về trình thuật sáng tạo con người gợi lên hai hình ảnh quan trọng về tính chất và trọng trách của con người. Trong khi câu chuyện thứ nhất khẳng định rằng, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì câu chuyện thứ hai nhấn mạnh rằng con người từ đất mà ra và có trách nhiệm phải canh giữ đất đai. Từ hai câu chuyện này, chuyên gia Kinh Thánh Philip Hufner đã phát triển khái niệm ‘người cộng sự sáng tạo được tạo dựng’ (the created co-creator).[vi] Cụm từ ‘được tạo dựng’ chỉ đến vị trí của con người như một loài thọ tạo của Chúa, Người cũng đã tạo ra mọi loài trong vũ trụ. Bằng việc ‘được tạo dựng’ từ bụi đất, con người được kết nối mật thiết với thiên nhiên. Đó là vì sao trong Kinh Thánh, con người được nhắc nhở rằng họ là bụi đất và sẽ trở về bụi đất. “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).

Tuy nhiên, con người cũng là ‘người cộng sự sáng tạo’. Thiên Chúa đã ban cho con người vinh dự được cộng tác với Người trong công trình sáng tạo đang tiếp diễn khi tạo dựng con người trong hình ảnh của Người. Tuy nhiên, khái niệm ‘cộng sự’ không ngụ ý quyền ‘thống trị’ hoặc làm ‘bá chủ’ trên các loài một cách tuyệt đối.  Nói cách khác, Thiên Chúa không hề có ý định trao cho con người quyền thống trị thiên nhiên và khai thác vạn vật một cách tùy ý. Ngược lại, con người được giao trách nhiệm thay mặt cho Thiên Chúa chăm sóc các loài thọ tạo mà Người đã dựng nên. Đức Phanxicô chỉ ra rằng:

Điều quan trọng, phải đọc Thánh Kinh trong mạch văn của nó, với sự chú giải thích hợp, và phải nhớ rằng, các bản văn này mời chúng ta ‘canh tác’ và ‘gìn giữ’ ngôi vườn của Thiên Chúa (x. St 2,15). Thuật ngữ ‘canh tác’ có nghĩa là trồng trọt, khai hoang hay làm việc, và thuật ngữ ‘gìn giữ’ có nghĩa là bảo vệ, cứu giúp, giữ gìn, chăm sóc, canh chừng. Điều này đưa đến sự liên kết hỗ tương giữa con người và thiên nhiên. (LS, số 67).

 

Theo Russel A. Butkus, trong câu chuyện về sự sáng tạo, thuật ngữ ‘hình ảnh’ (Heb. selem) và ‘sự tương tự’ (Heb. demut) được sử dụng theo một cách đặc biệt, để nói về tính chất của con người trong mối tương quan với Chúa và thế giới. Butkus chỉ ra rằng xét theo  ngữ cảnh, hai từ ‘selem’ và ‘demut’ thường được dùng trong các sách sử, để nói về các tượng điêu khắc mà các vị vua thời cổ đại ra lệnh tạo ra, và đặt ở các nơi để nhắc nhở cho người dân biết ai là người có quyền lực trên vùng đất họ đang sống. Khi người dân nhìn vào những ‘selem’ và ‘demut’ của vị vua thì họ buộc phải nghĩ đến trách nhiệm phải tuân thủ các mệnh lệnh, và điều luật đã được ban hành nếu không muốn lãnh nhận các hậu quả tồi tệ từ việc bất tuân.

Vì thế, khi con người được cho là mang hình ảnh của Chúa, điều đó không có nghĩa quyền lực nằm nơi con người, mà chính nơi Đấng hiện diện thực sự phía sau hình ảnh đó. Như những tượng điêu khắc của vị vua, con người chỉ là phương tiện để giúp cho mọi loài nhận thức về sự hiện diện và quyền lực của Chúa trong thế giới. Quyền lực tuyệt đối không nằm nơi hình ảnh, mà nằm nơi hữu thể đích thực được tượng trưng qua hình ảnh đó. Vì thế, các mệnh lệnh về ‘chinh phục’ (kabash) và ‘thống trị’ (radah) trên Trái Đất trong sách Sáng Thế, câu 1,28 phải được hiểu trong ngữ cảnh tương đối để tránh việc con người nhầm lẫn và ảo tưởng về thân phận và quyền lực của chính mình.[vii] Nói cách khác, các Kitô hữu cần thấu hiểu mệnh lệnh ‘thống trị’ thiên nhiên trong sách Sáng Thế dưới cách nhìn về mối tương quan thay vì quyền lực.

Ngoài việc hiểu đúng về mức độ quyền lực mà con người được trao ban, Butkus còn phân tích rằng khái niệm về ‘chinh phục’ (kabash) và ‘thống trị’ (radah) trong sách Sáng Thế không mang ý nghĩa như mọi người thông thường nghĩ. Trong ngữ cảnh Kinh Thánh Cựu Ước, các vị vua được Thiên Chúa trao quyền lực để cai quản người dân, nhưng đồng thời họ cũng bị ràng buộc bởi giao ước phải bảo vệ và chăm sóc cho những người dưới quyền của họ, đặc biệt là những người yếu thế nhất, chứ không phải là khai thác họ.[viii] Vì thế, các vị vua không có quyền lực tuyệt đối, nhưng có thể được ví như những người quản lý của Thiên Chúa có bổn phận chăm sóc cho Dân Chúa. Khái niệm này có thể gọi là chức vụ ‘quản lý vương đế’ (royal stewardship).

Nếu như các vị vua Israel được trao ban chức vụ quản lý vương đế để thay mặt Thiên Chúa chăm sóc cho Dân Người, thì con người cũng được ban chức vụ tương tự để chăm sóc cho các loài thọ tạo. Tác giả Thánh Vịnh viết: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương” (Tv 8, 6-9). Thừa nhận rằng con người có vị trí rất đặc biệt so với các loài thọ tạo khác, nhưng vai trò đích thực của con người không vượt quá chức vị người quản lý của Thiên Chúa.

Douglas Hall định nghĩa người quản lý như người “được giao trách nhiệm quản lý và phục vụ một cái gì đó thuộc về người khác, và vị trí của họ giả định một niềm tin đặc biệt từ phía chủ sở hữu hoặc chủ nhân”.[ix] Vì thế, những hành động của con người phải được điều khiển bởi luật lệ và thánh ý của Thiên Chúa. Chức vụ quản lý không phải là cơ hội cho việc khai thác và phá hoại môi trường thiên nhiên một cách vô tội vạ. Một người quản lý lộng hành, tham ô và bất công sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt chủ nhân về những hành vi của mình. Do đó, khi con người được giao phó thống trị các loài thọ tạo, điều này chỉ đến vai trò mang tính ‘quản lý vương đế’ trên các loài thọ tạo. Nói cách khác, đó không phải là một giấy phép để thực hiện sự thống trị trên vạn vật một cách tùy ý mà không có bất kỳ sự kiềm chế nào. Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định: “Rõ ràng, Kinh Thánh không có chỗ cho một loại chủ nghĩa nhân-chủ bạo ngược không quan tâm đến các sinh vật khác” (LS, số 68). Đức Giáo Hoàng bình luận thêm:

 

Trong thời tân tiến, có một thứ chủ thuyết nhân bản tập trung vào con người một cách vô độ, dưới nhiều hình thức khác, vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay hủy hoại các liên hệ chung và tìm cách củng cố các liên hệ xã hội. Vì thế đã đến lúc phải chú tâm đến thực tế với các ranh giới mà chúng thiết đặt và các khả năng đưa đến một sự phát triển lành mạnh, có hiệu quả trong lãnh vực con người và xã hội. Một cách trình bày không đầy đủ về nhân học Kitô Giáo có thể đưa đến một quan niệm sai lầm về liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Thường là một giấc mơ ảo tưởng Prométhé về chủ quyền trên thế giới, gợi lên ý tưởng như là sự lo lắng cho thiên nhiên là chuyện của những người yếu kém. Cách nghĩ đúng đắn quan niệm con người như “chủ” của vũ trụ, nằm ở chỗ, con người phải là quản lý có trách nhiệm. (LS, số 116)

 

Tóm lại, con người được Thiên Chúa đặt ở một vị trí ‘hoàng đế’ trên các loài thọ tạo tương tự như các vị vua Israel được chọn để cai trị dân tộc Israel. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, cho dù là các vị vua Israel hay là con người nói chung đều chỉ là những người quản lý hèn mọn của Người, có trách nhiệm dựa trên giao ước phải thi hành nhiệm vụ một cách nghiêm túc, bác ái và công bằng. Sự lạm quyền hoặc vô trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng bởi vì “hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48).

 

 

4. Tr nên người loan báo Tin Mng cho mi loài th to

 

Một Kitô hữu đạt tới mức trưởng thành trong đời sống tâm linh có thể được xem như là một môn đệ của Đức Kitô, có vai trò cộng tác với Ngài trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Trở thành môn đệ có nghĩa gắn bó chặt chẻ với con người, lối sống và viễn tượng của Chúa Giêsu về Nước Trời –  nơi được cai trị bởi sự công bằng, hòa bình và hợp nhất. Đó là một vương quốc nơi những kẻ thù khốc liệt nhất có thể nằm sát cạnh nhau mà không sợ trở thành nạn nhân của nhau. Đó là nơi cả trẻ sơ sinh cũng có thể dẫn dắt những con sư tử nguy hiểm và chơi đùa với những con rắn độc (x. Is 11,6-8) mà không hề bị chúng làm hại.

Trong vương quốc thiên đàng này, luật yêu thương của Thiên Chúa thống trị hoàn toàn và không có chỗ cho nỗi sợ hãi về bạo lực, áp bức và tổn thương. Thay vào đó là sự hòa hợp tuyệt đối giữa tất cả các loài thọ tạo và hòa bình giữa con người và thế giới tự nhiên. Do đó, trở thành môn đệ của Đức Kitô có nghĩa là mang lấy cùng một viễn tượng với Chúa Giêsu về vương quốc này, và sẵn sàng loan báo về nó trong sứ mệnh môn đệ của mình.

Việc loan báo Tin Mừng của môn đệ Đức Kitô không chỉ đến với thế giới loài người, mà còn cho mọi loài thọ tạo. Trong Phúc Âm Máccô 16,15, trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã ra lệnh cho các môn đệ “hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.  Việc Chúa Giêsu nhắc đến mọi loài thọ tạo trong mệnh lệnh của Ngài nhấn mạnh về tính vũ trụ của thông điệp Tin Mừng. Ngôn sứ Isaia cũng đã hình dung về một thế giới mà “không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,9).

Tin Mừng không chỉ dành riêng cho con người mà còn được dành cho tất cả loài thọ tạo của Thiên Chúa hân hoan đón nhận như lời của vị ngôn sứ Isaia rằng: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49,13). Trong một thế giới chất chứa Tin Mừng của Chúa, ngay cả những ngọn núi cũng cất tiếng ca tụng sự tốt lành và nhân hậu của Người. Để trở thành những môn đệ đích thực, chúng ta phải nuôi dưỡng một mối quan hệ sâu sắc và bền vững với tất cả các loài thọ tạo trên Trái Đất và trong vũ trụ. Chỉ thông qua sự mở lòng và khiêm tốn, chúng ta mới có thể bắt đầu thấu hiểu sự vĩ đại nơi công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và niềm vui to lớn được mang đến từ việc công bố Tin Mừng cho tất cả mọi loài thọ tạo.

Khi nghĩ đến cụm từ ‘loan báo’ nhiều người liên tưởng đến việc rao giảng bằng lời nói hoặc bằng những bài viết được truyền đi qua các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau. Nhưng nếu hiểu khái niệm loan báo chỉ qua hình thức ngôn từ, thì chắc hẳn sẽ khó áp dụng cho các loài thọ tạo, mặc dầu trong các truyền thuyết kể lại về các thánh, có một số vị thánh có khả năng thông truyền với súc vật. Điển hình có câu chuyện được lan truyền rộng rải về thánh Antôn thành Padua như sau:

 

Tại thành Điminô, nước Ý, có nhiều kẻ lạc đạo, nhưng không muốn đi nghe thầy Antôn giảng, kẻo phải trở lại chăng. Một hôm, do ơn Chúa thúc giục, thầy ra bờ biển gọi cá đến nghe giảng, cá kéo đến rất nhiều; nhưng lớp lang thứ tự, nhỏ trước lớn sau. Ngóc đầu lên khỏi mặt nước, chúng đều hướng về thầy Antôn, Người liền bảo cá rằng:


– Hỡi loài cá mú! Hãy tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa, vì Ngài đã tạo dựng nên bay; đã ban biển cả mênh mông cho bay bơi lội; đã khoét hang hóc an toàn cho bay ẩn mình lúc phong ba bão táp. Đại hồng thủy đã tiêu diệt loài người, loài vật, nhưng Chúa vẫn bảo tồn bay, cho bay được sống, được sinh sản thêm nhiều và ban lương thực hàng ngày cho bay. Vì thế hỡi loài cá mú! Bay hãy tạ ơn Thiên Chúa cho cùng.


Khi được tin cá đến nghe thầy Antôn giảng, thì dân thành nô nức kéo ra. Họ thấy khi thầy Antôn giảng, cá cất đầu, hà hơi, vẫy đuôi tỏ ý vui sướng, tán thành. Sau khi làm phép lành và cho cá giải tán, thầy Antôn quay lại bảo kẻ rối đạo rằng:


– Anh xem đó! Cá là loài vô tri mà còn biết nghe lời Thiên Chúa; mà anh em là loài hữu tri, đã được cứu chuộc bằng giá Máu Chúa Giêsu mà chẳng muốn nghe lời Thiên Chúa, chẳng muốn phụng sự kính mến Ngài sao?


Từ đó về sau, kẻ rối đạo siêng năng đến nghe lời thầy Antôn giảng, và có nhiều người quy hồi chính đạo.

 

         Tuy nhiên, những trường hợp kỳ lạ như thánh Antôn rất đặc biệt, nên không thể sử dụng để diễn giải về mệnh lệnh loan báo Tin Mừng cho hết loài thọ tạo của Chúa Giêsu. Ngoài ra, các loài thọ tạo không chỉ bao gồm súc vật mà tất cả các loài mà Thiên Chúa đã tạo nên. Vì thế, loan báo Tin Mừng ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, không thể bị hạn chế trong lời nói mà còn qua cử chỉ và hành động. Nếu như loan báo Tin Mừng về Nước Trời là nêu bật và thúc đẩy những giá trị cao đẹp của một thế giới hoàn toàn dưới sự cai trị của Thiên Chúa như được trình bày ở trên thì việc có những hành động nhằm phát triển và xây dựng sự phồn thịnh cho mọi loài là một biểu hiện thiết thực và rõ ràng về tính chất đích thực của Nước Trời.

         Một thế giới và vũ trụ phản ánh Nước Trời một cách rõ nét phải là nơi đảm bảo tính hài hoà giữa con người với vạn vật, và giữa con người với nhau. Trong môi trường sinh thái có sự cân bằng và sung túc để chứng minh rằng, trong Thiên Chúa luôn có sự sống dồi dào. Hình ảnh về khu vườn Êđen nơi Thiên Chúa đã đặt con người vào với sự đa dạng về các loài cây cối và súc vật, phải là lý tưởng mà con người hướng tới trong trách nhiệm và ơn gọi làm quản lý đã được trao phó.

Trong xã hội con người, các tài nguyên phải được sử dụng đúng mức và đúng đắn để nuôi dưỡng đời sống của từng thành viên trong xã hội, không ai bị lãng quên phải chịu cảnh đói nghèo, bệnh tật, thiếu thốn mà không nhận được sự tương trợ. Không ai quá giàu có đến nổi họ tiêu xài phung phí, dự trữ cho bản thân, vô tư hưởng thụ trên sự đau khổ của người yếu thế. Thần học gia Walter Bruggemann nhấn mạnh rằng, đỉnh cao của lối sống tiêu thụ là ‘tiêu thụ’ chính người đồng loại và cướp thức ăn ngay từ bàn ăn của người anh chị em đang đói khát.[x] Thánh Phaolô dạy các tín hữu trong Hội Thánh thời sơ khai rằng, mọi người có trách nhiệm phải mưu sinh kiếm sống, không được ngồi không chờ người khác cung cấp mọi thứ (2 Tx 3,6-18). Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thể tự mình trang trải đầy đủ cho toàn bộ các nhu cầu trong cuộc sống của cá nhân và gia đình. Vì thế, người có của cải dư thừa có trách nhiệm phải chia sẻ cho người túng thiếu để tạo sự cân bằng trong xã hội (2 Cr 8,13-15).

         Việc loan báo Tin Mừng qua lời nói và hành động cho mọi loài thọ tạo là một phần của nhiệm vụ trở thành cộng đồng yêu thương và phục vụ mà Chúa Giêsu yêu cầu nơi các môn đệ của Ngài. Khi Chúa truyền lệnh cho các môn đệ hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương họ, Ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu trong mối quan hệ giữa Ngài và những người theo Ngài, cũng như giữa các môn đệ với nhau. Chính việc thông qua tình yêu này mà người khác có thể nhận ra ai là môn đệ của Chúa Kitô, và cũng nhờ lối sống phục vụ mà môn đệ có thể giúp đỡ những người yếu thế và bị xã hội loại trừ. Vì Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng khi yêu thương những cá nhân này, chúng ta đang yêu Người (Mt 25). Tuy nhiên, tình yêu này không chỉ giới hạn trong nhân loại mà bao trọn muôn loài đã được tạo hóa. Thánh Phaolô chỉ ra rằng Chúa Giêsu “là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15); và nhờ Người “tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng ... tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,16-17). Tình yêu của Người dành cho chúng ta và tất cả các loài thọ tạo được thể hiện qua sự hòa giải tất cả mọi loài với Người thông qua biến cố Nhập thể, cái chết trên thập giá và sự phục sinh trong vinh quang của Người (x. Cl 1,20).

         Tính bao quát của khái niệm loan báo Tin Mừng cho các loài thọ tạo được thể hiện một cách rõ nét trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô phân tích rằng:

 

Các loài thọ tạo tìm được ý nghĩa cao cả nhất của mình trong bí tích Thánh Thể. Hồng ân hướng đến sự biểu lộ theo cách khả giác, đạt được cách biểu lộ khác thường khi Thiên Chúa làm người, trở thành lương thực cho thụ tạo. Nơi đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa đã muốn tiến vào sâu thẳm của chúng ta qua một chút vật chất. Không phải từ trên cao xuống, nhưng từ trong thâm sâu tiến ra, để chúng ta có thể gặp gỡ Người trong thế giới của chúng ta. Trong bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã được hiện thực; đó là trung tâm đời sống của vũ trụ, điểm xuất phát tràn đầy của tình yêu và cuộc sống vô hạn. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, bí tích Thánh Thể tự tại là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ: “Vâng, mang tính vũ trụ! Vì ngay cả khi được cử hành trên bàn thờ nhỏ trong một nhà thờ vùng quê, người ta vẫn luôn cử hành với một ý nghĩa xác tín trên bàn thờ của thế giới”. Bí tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào tất cả sáng tạo. Thế giới xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa, quay về với Người trong một sự thờ phượng thánh thiện và viên mãn. Trong Bánh Thánh Thể “các loài thọ tạo hướng đến việc thần hóa, đến các tiệc thánh, đến sự kết hợp với Đấng Sáng Tạo”. Vì thế, bí tích Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực để việc chăm sóc môi trường và mời gọi chúng ta trở thành những người gìn giữ toàn thể các loài thọ tạo. (LS, số 236)

 

          

5. Kết: Tr nên hoàn thin hơn

 

Để trở nên hình ảnh của Thiên Chúa rõ nét hơn, trở nên người quản lý trung thành hơn và là người môn đệ của Đức Kitô cách đích thực hơn, chúng ta phải phấn đấu không ngừng để hoàn thiện bản thân. Đây không phải là một việc đơn giản bởi thi hào Alexander Pope đã từng viết, “Dễ lỗi là bản tính của con người”. Ý tưởng này đã được người Việt diễn tả bằng câu ‘Nhân vô thập toàn’ để nhấn mạnh đến sự yếu đuối của con người, từ thể xác đến cảm xúc, lý trí và tinh thần. Mặc dù chúng ta thường xuyên vấp ngã và mang vô số khiếm khuyết về mặt đạo đức, nhưng là những Kitô hữu, chúng ta luôn được kêu gọi không đầu hàng trước những điểm yếu của mình. Là người được dựng nên trong hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không được phép chấp nhận những thiếu sót và giới hạn của mình như một thực tế không thể thay đổi. Thay vào đó, chúng ta cần cố gắng vượt qua chúng bằng nỗ lực cá nhân, đồng thời nương tựa vào những ân sủng của Chúa. Trong bài giảng trên núi, chính Chúa Giêsu thôi thúc mọi người hãy vươn lên trên những khiếm khuyết của mình và trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48).

Trong cách hiểu ngày nay về từ ‘hoàn thiện’, lời kêu gọi của Chúa Giêsu xem quá cao cả. Khi nói về sự hoàn thiện, nhiều người liên tưởng đến một từ tương tự là ‘hoàn hảo’. Vì thế, chúng ta nghĩ rằng mình phải hoàn hảo về mặt luân lý, trong sạch tuyệt đối, và không vướng mắc tội lỗi.[xi] Cách hiểu này dẫn đến nhiều sự hiểu lầm về ý nghĩa của lời dạy của Chúa Giêsu. Đã là con người thì ai có thể tránh tội một cách tuyệt đối? Tuy nhiên, theo chuyên gia Kinh Thánh Jonathan Pennington, trong bản gốc bằng tiếng Hy-lạp, từ ‘τέλειος’ nên được dịch và hiểu một cách khác. Pennington cho rằng, trong ngữ cảnh của bài giảng, từ này nên được hiểu là ‘trọn vẹn’ hoặc ‘đạo hạnh’.[xii]

Vì thế, lời kêu gọi hãy trở nên hoàn thiện nên được hiểu như một lời mời gọi hãy lớn lên trong sự trưởng thành về mặt tâm linh. Sự thăng tiến trong đời sống tâm linh sẽ giúp chữa lành mối liên hệ đã bị sứt mẻ giữa chúng ta với Thiên Chúa do tội lỗi và sự bất tuân. Điều này có nghĩa chúng ta sẽ được trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa hơn và phản ánh rõ nét hơn những phẩm chất mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Trong sự trưởng thành này, chúng ta nhận ra rằng, sự hiện diện của mỗi người chúng ta trên thế giới không phải là một chuyện tình cờ nhưng bắt nguồn từ Thánh ý của Chúa. Mỗi người chúng ta được Người yêu thương, và sự hiện diện của chúng ta đều cần thiết đối với Người.[xiii]

Xét theo toàn bộ các mối quan hệ trong đời sống con người thì chúng ta cần lưu ý rằng sự hoàn thiện phải được thực hiện không chỉ trong mối tương quan với người khác mà với cả các loài thọ tạo. Những đức tính như hiền lành, trắc ẩn, từ bi, nhân hậu…. không chỉ hướng tới tha nhân mà còn phải hướng tới vạn vật. Nếu chúng ta sẵn sàng hoàn thiện bản thân trong tất cả các mối quan hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với các loài thọ tạo, căn tính Kitô hữu của chúng ta sẽ ngày càng vững chắc hơn; hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta sẽ ngày càng rõ nét hơn; trách nhiệm quản lý các loài thọ tạo sẽ được hoàn tất một cách nghiêm túc hơn; và tính chất môn đệ của Đức Kitô trong mỗi người chúng ta sẽ trở nên trọn vẹn hơn.



[i] Có nhiều tranh cãi xung quanh cụm từ ‘tạo vật’ có đồng nghĩa với ‘loài thụ tạo’ hay ‘loài thọ tạo’ hay không. Một số tác giả cho rằng ý nghĩa gốc của từ ‘tạo vật’ trong Hán Việt có nghĩa là ‘Đấng Tạo Hóa’, có nghĩa là Thiên Chúa, nên không thể dùng từ này để nói về con người và các loài thọ tạo khác. Tuy nhiên, có tác giả cho rằng hàng trăm năm qua, từ ‘tạo vật’ đã được người Việt hiểu và sử dụng như là từ đồng nghĩa với ‘loài thụ tạo’. Mặc dù không đúng với nghĩa gốc, nhưng đây là một quá trình tự nhiên trong sự biến đổi của ngôn ngữ theo thời gian và bối cảnh xã hội. Vì thế, thay vì buộc phải trở lại với ý nghĩa gốc thì chúng ta nên chấp nhận ý nghĩa mới của cụm từ đã được phổ biến rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả không muốn đi vào vấn đề tranh luận này. Bài viết chỉ muốn nêu bật ý của tác giả bài thánh ca khi dùng từ ‘tạo vật’ để nói về con người là muốn nói rằng con người là một loài nhỏ bé mà Thiên Chúa đã dựng nên.

[ii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, 2015, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html.

[iii] Bonaventure, The Life of St. Francis (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1978), 250.

[iv] Vatican II, Lumen Gentium, 1964, số 2, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19641121_lumen-gentium_en.html.

[v] Giáo Lý Công Giáo, số 375, https://augustino.net/giao-ly-cong-giao/.

[vi] M.C. Hyun, “Interreligious Dialogue: Toward Overcoming the Eco-Crisis, International Journal of Buddhist Thought & Culture 12 (2009): 183.

[vii] Russell A. Butkus, The Stewardship of Creation (The Centre for Christian Ethics at Baylor University, 2002), 17–23.

[viii] Ibid.

[ix] Douglas John Hall, The Steward (Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans, 1994), 32.

[x] Walter Bruggemann, The Prophetic Imagination (Minneapolis, MN: Fortress Press, 2001), 45.

[xi] Jonathan T. Pennington, The Sermon on the Mount and Human Flourishing: A Theological Commentary (Grand Rapids, MI: Penguin Books, 2017), 138.

[xii] Ibid.

[xiii] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Bài giảng lễ, 24/4/2005, https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi_hom_20050424_inizio-pontificato.html

MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)