1.  Dn nhp

 

Lịch sử Việt Nam thời huyền sử khởi đầu với những trang sách về một người phụ nữ, tổ mẫu Âu Cơ, người phụ nữ đầu tiên của dòng lịch sử Việt mang 50 con đi lên núi. Dẫn tới đầu thế kỷ Công Nguyên, hai nhân vật khởi đầu chương sử độc lập của Việt Nam là hai người phụ nữ, chị em Trưng Trắc Trưng Nhị. Trong văn thơ, Bà Huyện Thanh Quan nổi tiếng với những bài thơ Song Thất Lục Bát. Cạnh đó, văn chương Việt Nam cũng có Chinh Phụ Ngâm, tác phẩm đã được văn sĩ Đoàn thị Điểm dịch sang chữ Nôm. Ngoài những đóng góp vào lịch sử và văn chương, phụ nữ Việt Nam cũng có một vai trò nổi bật trong đời sống gia đình. Vai trò này được gói gọn trong một danh hiệu: nội tướng. Thật vậy, những sinh hoạt trong khuôn viên một gia đình truyền thống đều được dự tính, lên danh sách, để rồi được mang ra thực hành đều dưới sự điều khiển và kiểm soát bởi phụ nữ Việt. Vai trò nội tướng trong gia đình cũng dẫn đến một vai trò khác của phụ nữ Việt Nam, đó là, ‘Người Bảo Trợ Sinh Thái’ của xã hội. Thật vậy, trong gia đình truyền thống Việt Nam, bởi vai trò nội tướng điều khiển chi thu trong gia thất, người vợ chính là người thực hành đời sống sinh thái. Thức ăn trước và sau một bữa ăn hằng ngày đều được sử dụng bởi người phụ nữ Việt hoặc dưới sự chỉ đạo của họ. Trong tâm thức của phụ nữ Việt, không ai được quyền phung phí, dù chỉ là một hạt gạo, bởi hạt gạo chính là hạt ngọc do Trời ban tặng.

Trong bài tham khảo về vai trò Người Bảo Trợ Sinh Thái của phụ nữ Việt Nam, tác giả trước tiên sẽ định nghĩa về cụm từ Sinh Thái Học; thứ hai, nguồn gốc của đời sống sinh thái tại Việt Nam; thứ ba, phương cách phụ nữ Việt Nam của gia đình truyền thống tiếp cận sinh thái trong đời sống hằng ngày. Sau cùng, tác giả sẽ phân tích về sự thay đổi của môi trường sống trong thời kỳ hậu hiện đại. Bởi bối cảnh thay đổi, vai trò của người bảo trợ Sinh Thái Học cũng đã và đang thay đổi theo dòng trào lưu của xã hội Việt.

 

 

2.  Sinh Thái Hc

 

Bắt đầu từ giữa thế kỷ hai mươi, giữa những thách đố gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, Sinh Thái Học, một môn học mới đã xuất hiện nhằm nâng cao ý thức của nhân loại về nét linh thiêng của tất cả mọi loài thụ tạo. Cốt lõi của Sinh Thái Học là môi trường sống trên quả địa cầu và tất cả những sinh vật, thực vật, và những vật thể còn lại. Sinh Thái Học do đó cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ và những tương tác song phương giữa con người với Mẹ Đất.[i] “Sinh Thái Học…chú trọng…đến những mối tương quan” giữa tất cả những vật thể trên Trái Đất.[ii] Sinh Thái Học thúc đẩy con người phải xem xét lại cách thức mỗi cá nhân nhìn nhận và đối xử với những loài thụ tạo khác, đồng hiện hữu và cùng sinh sống trên mặt Trái Đất.[iii] Dưới lăng kiếng của Sinh Thái Học, từ con ong, cái kiến cho tới bụi cỏ, rừng cây và đồi xanh, núi cao trong thiên nhiên, những vật thể này đều có đời sống và/hoặc những vai trò đóng góp để quân bằng đời sống tự nhiên trên mặt Trái Đất.

“Sinh Thái Học là một môn khoa học mới”.[iv] Tuy vậy, điểm cốt lõi của Sinh Thái Học thật ra đã được thực hành bởi con người từ thuở ban sơ. Những điểm cốt lõi này vẫn còn được con người “ở những cộng đồng văn hóa truyền thống” tiếp tục sống với và thực hành cho đến thời điểm hiện tại.[v] Việt Nam là một trong những xã hội truyền thống. Ở nơi đó, cốt lõi của Sinh Thái Học đã được thực hành từ những ngày đầu tiên của xã hội Việt Nam.

Trong xã hội Việt Nam, phụ nữ Việt chính là một tác nhân đã và đang hướng dẫn cũng như dạy dỗ con cái về Sinh Thái Học. Cũng chính người mẹ Việt trong gia đình là người thường xuyên nhắc nhở con cái phải thực hành hằng ngày một trong những cốt lõi của Sinh Thái Học. Đó là bảo quản và tái chế thức ăn dư thừa sau mỗi bữa cơm.

 

 

3.  Ngun gc ca Sinh Thái Hc Vit Nam

 

Khía cạnh bảo quản và tái chế thức ăn của Sinh Thái Học ở xã hội Việt Nam là hoa quả của ba lãnh vực: Việt giáo, công khó của phụ nữ Việt, và triết lý cần kiệm.

 

3.1. Việt giáo: Hạt gạo, hạt ngọc của Trời

 

Một trong những đặc tính của Ông Trời là dưỡng nuôi. Cổ tích “Ông Trời và hạt gạo ngọc” xác nhận niềm tin rằng, hạt gạo được đích thân Ông Trời ban tặng cho con người như một món quà quý giá.[vi] Dựa theo cổ tích này, hạt gạo trong nền văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là một món quà Ông Trời ban tặng, nhưng còn là hạt ngọc quý. Bởi thế, người Việt thường hay nói: “Hạt gạo, hạt ngọc của Trời”, “Không được phí phạm dù chỉ là một hạt gạo”, và “Đó là tội nếu đạp lên một hạt gạo”. Những câu nói này lưu truyền từ lâu trong dân gian được các bà mẹ Việt thường xuyên dạy dỗ và nhắc nhở con cái của mình trong những bữa ăn hằng ngày. Hơn thế nữa, hạt gạo cũng được xem như “hoa trái từ đất, sự chúc lành từ trời, và công khó của con người”.[vii]

Bởi hạt gạo là hạt ngọc của Ông Trời, hoa trái của đất và công khó của người, không ai được quyền xúc phạm hay lãng phí hạt gạo. Bởi thế, trong nhân gian có câu ca dao, “Hạt gạo, hạt ngọc của Trời. Ai mà phí phạm, thì Trời đánh cho”.

 

3.2. Công khó của phụ nữ Việt

 

Người phụ nữ Việt là người xắn cao tay áo và lấm lem bùn đất nơi đồng lúa để kiếm tìm lương thực nuôi dưỡng gia đình. Bởi thế, họ biết rằng thật không dễ để kiếm những chén cơm, đĩa rau và nồi cá kho cho ba bữa cơm của tổ ấm gia đình. Điều này được phản ảnh qua câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.[viii] Do hoàn cảnh thực tế, người phụ nữ Việt đã sống, trải nghiệm, và được đúc khuôn trong tâm thức cần kiệm, truyền lại từ bà mẹ của họ. Bởi thế, “sau bữa ăn, người mẹ thu lại thức ăn còn dư, trong khi nhắc nhở con cái phải thực hành bài học sống tiết kiệm”.[ix]

 

3.3. Triết lý cần kiệm

 

Công nghệ hiện đại đã khiến thực phẩm trong thế giới hiện tại trở nên rất đa dạng, phong phú và tương đối dễ dàng tìm mua tại các siêu thị. Người vô gia cư ở xã hội Tây phương hay các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nếu muốn, đều có thể nhận được những bữa ăn miễn phí tại các trung tâm từ thiện trong phố. Tuy nhiên, hai điều vừa nhắc đến không phải là một thực thể trong quá khứ. Thực phẩm trước thời hậu hiện đại tại Việt Nam và nhiều nơi thuộc thế giới thứ ba còn rất khan hiếm và đắt đỏ. Thực tế này khiến phụ nữ Việt Nam phải thận trọng trong việc chi tiêu cho từng bữa ăn gia đình. Bởi thế, đối với họ, thực phẩm không được phép lãng phí dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong xã hội Việt Nam, “[người] lãng phí thực phẩm không nhận được cái ánh nhìn thiện cảm” của người chung quanh.[x] Ngoài ra, càng nhiều thực phẩm được tiêu thụ hợp lý trong ý thức cần kiệm, ngân quỹ của gia đình ngày càng trở nên phong phú.

 

 

4. Tiếp cn Sinh Thái Hc trong xã hi Vit Nam

 

Không chỉ là ‘nội tướng’ của gia đình, phụ nữ Việt còn kiêm luôn vai trò bảo trợ môi trường sinh thái. Vai trò bảo trợ của người phụ nữ Việt dễ dàng nhận ra qua ba hiện thực trong một gia đình truyền thống Việt: vườn rau gia đình, quá trình chế biến thức ăn dư thừa, và nuôi thú vật trong nhà.

 

4.1. Vườn rau gia đình

 

Rau củ quả là một trong ba món ăn chính yếu của bữa ăn Việt. Bởi thế, thông thường, sân sau nhà người Việt không trồng cỏ. Nhưng họ trồng nhiều loại rau củ quả khác nhau. Hiện thực này đã trở nên phổ biến đến nỗi vườn rau Việt đã bước hẳn vào trong thế giới âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy mở đầu ca khúc “Bà Mẹ Quê” của ông bằng những ca từ: “Vườn rau xanh ngát một màu. Có đàn gà con nương náu”.[xi]

Những loại rau củ quả thường gặp thấy trong vườn rau Việt là rau muống, khoai lang, xà-lách, rau mồng tơi và mướp đắng, những loại rau nhiệt đới dễ trồng và thông dụng trong một bữa ăn hằng ngày của gia đình Việt. Một ô đất trong vườn rau gia đình thông thường được dành riêng chỉ trồng những loại rau thơm. Thí dụ, rau tía tô, rau ngò, rau húng quế, rau răm, bụi hành, bụi tỏi, bụi sả, cây ớt, v.v... Vườn rau Việt đã di dân theo những bước chân Việt Nam và xuất hiện ở những quốc gia có người Việt sinh sống trên toàn thế giới. Trên ban công của những căn nhà Việt ở Hoa Kỳ, Hòa Lan, Úc Châu, Philippines, Hong Kong, người ta có thể bắt gặp nhiều thùng xốp trồng rau các loại và nhiều loại rau thơm khác nhau. Thí dụ, rau mùng tơi, rau muống, rau xà-lách, sả, húng quế, rau răm, ngò gai, bạc hà, kinh giới, hành lá, lá dứa thơm.

 

4.2. Chế biến thức ăn dư thừa

 

Bữa ăn gia đình trong xã hội Việt Nam là một lớp học. Nơi đó người mẹ Việt dạy dỗ con cái đức tính cần kiệm và triết lý thức ăn là món quà do Ông Trời tặng ban. Hơn thế nữa, hạt gạo là hạt ngọc từ Ông Trời. Bởi thế, bữa ăn gia đình cũng là khoảng thời gian bà mẹ dạy dỗ đồng thời nhắc nhở con cái thực hành lối sống cần kiệm, không được quyền lãng phí thức ăn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.[xii]

Vì thức ăn là quà tặng của Ông Trời, tất cả thức ăn còn dư sau bữa ăn như cơm, rau, và cá sẽ được che phủ, rồi đặt tất cả trong chạn bếp hoặc tủ lạnh. Tùy theo tài năng và sức sáng tạo của ‘nội tướng’, thức ăn còn dư sẽ được chế biến để trở thành món ăn mới cho bữa ăn tiếp theo. Ba món thông thường được phụ nữ Việt chế biến từ thức ăn dư là món cơm, đĩa cơm chiên và tô cháo. Ba món này thông thường được chuẩn bị cho bữa điểm tâm sáng.

 

4.2.1. Cơm và các món còn dư

Cơm dư từ bữa tối hôm trước thường được giữ lại cho bữa sáng hôm sau. Những ai làm việc ngoài cánh đồng rất thích cơm loại này cho bữa điểm tâm, vì người Việt tin rằng cơm “làm no đầy bao tử”.[xiii]

Với những người làm việc tại công sở, người vợ chỉ cần hấp nóng cơm trắng còn dư từ hôm trước. Sau đó, bà sẽ gói món cơm tái chế cùng với các thức ăn còn dư, cũng đã được tái chế cho bữa trưa của người chồng. Thức ăn như cá chiên hoặc thịt kho còn dư thông thường được hâm nóng lại. Với những lá rau thơm tươi thu hoạch từ vườn rau gia đình, người nội trợ Việt sẽ phủ chúng trên bề mặt của những món tái chế. Cá chiên hoặc thịt kho tái chế nhờ thế xuất hiện và có hương vị y như một món mới nấu trong bếp.

 

4.2.2. Cháo

Cháo là món ăn thông dụng và dễ dàng chế biến. Tất cả cơm trắng còn lại từ bữa ăn trước sẽ được nấu thành món cháo trắng. Chúng cũng có thể được nấu chung với những món thức ăn còn dư thành món cháo để dùng cho bữa ăn sáng. Nếu thức ăn còn dư là cá hay thịt heo, gia đình sẽ được thưởng thức món cháo cá hay cháo thịt heo. Nếu có sẵn cả hai món trên, thành viên gia đình sẽ được thưởng thức món cháo tổng hợp cá-thịt.

Hành lá, rau ngò và tiêu đen rắc trên bề mặt tô cháo là những thứ gia vị cần thiết để tăng thêm hương vị cho tô cháo tái chế này. Những thứ gia vị này có thể thu hoạch ở ô đất trồng rau thơm của vườn rau gia đình.

 

4.2.3. Cơm chiên

Nếu thức ăn còn dư chỉ là cơm trắng, cách thuận tiện nhất để chế biến cơm nguội là chiên cơm với mỡ hoặc dầu ăn để tạo thành một món mới. Món này gọi là cơm chiên. Món cơm chế biến này thường được dùng cho bữa cơm sáng. Phụ nữ Việt có thể chiên cơm nguội với “củ hành ta, củ tỏi hay vài trái trứng”.[xiv]

Trong khi củ hành và củ tỏi có thể lấy từ vườn rau gia đình, trứng có thể được thu hoạch từ chuồng gà trong sân vườn. Trước khi món cơm chiên được dọn ra, tiêu sọ sẽ được rắc lên trên bề mặt. Thế là một đĩa cơm chiên Việt cho một bữa ăn sáng đã sẵn sàng cho tất cả mọi thành viên của gia đình.

Trong nhiều trường hợp, nếu điều kiện không cho phép để dọn một bữa cơm chiên cho bữa ăn sáng, người phụ nữ Việt sẽ hâm nóng lại cơm trắng và tất cả những thức ăn còn dư lại từ bữa cơm tối hôm trước. Cả gia đình sẽ lại quây quần với nhau cho một bữa ăn sáng được tái chế từ bữa ăn tối. 

Sau hết, tất cả những gì còn dư từ món cơm chiên tái chế, hoặc bữa ăn sáng đều sẽ biến thành thức ăn cho thú vật nuôi trong nhà.

 

4.3. Thú nuôi trong nhà

 

Một đại gia đình ở xã hội Việt Nam không chỉ bao gồm ba hay bốn thế hệ sống chung với nhau mà còn có thêm thú nuôi trong nhà nữa. Thú nuôi này thường là gà, heo, chó và mèo. Gà thường cung cấp thịt ăn và trứng cho gia chủ. Trong một gia đình Việt truyền thống, gà cũng là nguồn thực phẩm dự trữ dành cho những vị khách bất ngờ ghé thăm. Heo là nguồn lợi kinh tế giúp gia đình cải thiện điều kiện tài chính. Chó là những chú bảo vệ trung thành của gia đình, đặc biệt vào buổi tối. Mèo giỏi bắt chuột trong gian nhà bếp. Vì thế, bốn loại thú nuôi này được xem như những thành viên trong gia đình Việt.

Trong dòng văn chương bình dân, ba trong bốn loại thú nuôi này đều xuất hiện trong một bài ca dao nổi tiếng: “Con gà cục tác lá chanh”.[xv] Thật vậy, khi đến thăm một gia đình Việt đặc biệt ở vùng nông thôn, khách sẽ thường bắt gặp một vài chú chó nằm phía trước sân nhà. Vài con mèo nằm canh chừng chuột trong nhà bếp. Vài con heo nằm ngủ ở góc sân vườn. Và vài chú gà đang đào bới kiếm thức ăn trong khu vườn rau và sân sau của gia đình.

Một trong những nguồn thực phẩm chính để nuôi sống bốn loại thú nuôi này là thức ăn dư thừa từ những bữa cơm gia đình. Thông thường trong khi chuẩn bị bữa ăn, người vợ sẽ không bỏ đi bất cứ phần nào của cá, thịt, và rau củ quả. Nước vo gạo, vây cá, miếng mỡ thừa và phần rau bị héo được giữ lại trong nồi nấu cám heo. Tương tự như vậy, tất cả thức ăn thừa còn sót lại trong bồn rửa chén bát sẽ được chắt lọc lại, sau cùng bỏ vào nồi nấu cám. Thức ăn rơi vãi trên mặt đất từ bàn ăn được gom lại làm thức ăn cho heo, chó, mèo và gà.

Nhìn chung, với sự khéo léo tính toán của người ‘nội tướng’, phụ nữ Việt không tạo cơ hội hay cho phép các thành viên trong gia đình lãng phí thức ăn trong bất cứ trường hợp nào. Đây chính là lý do đã biến người phụ nữ Việt thành “người bảo trợ môi trường sinh thái” trong xã hội Việt Nam truyền thống.

 

 

5. Sinh Thái Hc thi hu hin đi

 

5.1. Thời hậu hiện đại

 

Bối cảnh môi trường là yếu tố định hình một nền văn hóa. Nói một cách khác, những chất liệu tạo nên một môi trường cũng chính là những chất liệu góp phần tạo nên một nền văn hóa. Bối cảnh văn hóa nông nghiệp lúa nước định hình nền văn hóa ăn cơm của xã hội Việt. Tương tự như thế, bối cảnh văn hóa lúa mì định hình một nền văn hóa lấy bánh mì làm lương thực chủ đạo của xã hội Do Thái. Bối cảnh vùng cao nguyên Papua New Guinea (PNG) đã tạo nên những vườn rau của văn hóa ăn khoai lang, lương thực chính trong một bữa ăn vùng cao nguyên PNG.

Bởi những mối liên hệ mật thiết giữa bối cảnh và văn hóa như vừa sơ lược trình bày, một khi bối cảnh môi trường thay đổi, những chi tiết của một nền văn hóa cũng thay đổi theo.

Chịu ảnh hưởng bởi vòng quay từ hiện đại sang thời kỳ hậu hiện đại, bối cảnh xã hội Việt Nam cũng đã và đang thay đổi, đặc biệt bắt đầu từ những ngày của cuối thập niên 90, khi Việt Nam chuyển sang mô hình kinh tế thị trường. Nhiều thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và vùng phụ cận ngày hôm nay đều đã trở thành những trung tâm kỹ nghệ lớn của Việt Nam. Nơi đây, những tòa nhà chung cư, cao ốc nhiều tầng giờ nay xuất hiện như nấm tại vùng ven đô. Hơn thế nữa, rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam cũng tuần tự được đô thị hóa. Nhà tranh vách lá của thời tiền kinh tế thị trường dần dần được thay thế bằng những tòa nhà hiện đại kín cổng cao tường.

Sinh hoạt kinh tế của Việt Nam hiện nay chính là một nền kinh tế thị trường. Đời sống kinh tế thị trường thay đổi ngân sách chi thu của một gia đình. Bởi thế, nguồn chi thu của một gia đình không chỉ còn phụ thuộc vào một mình người chồng. Nhưng ngay cả người vợ cũng bắt đầu rời bỏ khuôn viên gia đình cho những công việc hãng xưởng. Bởi thế, phụ nữ Việt thời hậu hiện đại, mặc dù vẫn giữ chức vụ nội tướng, nhưng không còn toàn thời gian như xưa.

Việt Nam từ những ngày phát triển xã hội theo mô hình kinh tế thị trường, lương thực hằng ngày trở nên dồi dào và đa dạng tại những sạp hàng ngoài chợ hoặc trong thương xá. Hồi xưa, người Việt có thói quen đi chợ hằng ngày để tìm mua thực phẩm tươi sống. Thời hậu hiện đại của nền kinh tế thị trường cũng thay đổi thói quen đi chợ hằng ngày của phụ nữ Việt. Phụ nữ nhiều nơi không còn xách giỏ đi chợ mỗi buổi sáng nữa. Nhưng họ lái xe máy tới cửa hàng lương thực để mua sắm thức ăn cho cả gia đình vào ngày nghỉ hoặc mỗi cuối tuần cho nguyên một tuần lễ.

Đời sống kinh tế phát triển dẫn đến nhiều thay đổi về gia dụng. Một trong những nổi bật về gia dụng có liên quan trực tiếp đến thức ăn, đó chính là tủ lạnh. Gia đình nào giờ nay cũng gần như đều sở hữu một hoặc hai ba tủ lạnh để bảo quản thịt, cá, rau mua ở chợ, và thức ăn dư thừa từ bữa ăn trong cùng ngày, hoặc qua đêm.

Bốn chi tiết vừa liệt kê và phân tích ngắn gọn ở trên, cùng với nhiều chi tiết khác nữa trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đã thay đổi bộ mặt của những sinh hoạt sinh thái truyền thống của người Việt Nam.

 

5.2. Những thay đổi

 

Trong những ngôi nhà hiện đại kín cổng cao tường, tứ gia súc quen thuộc và truyền thống không còn xuất hiện trong khuôn viên của gia đình nữa. Chó và mèo có thể vẫn còn hiện diện, nhưng gà và heo thì hoàn toàn biến mất. Ngay cả những gia đình có điều kiện nuôi chó và mèo, thông thường khả năng tài chánh của chủ nhân cũng khá giả. Bởi thế, họ nuôi chó và mèo cũng bởi đây là những chú chó hoặc mèo kiểng. Chủ nhân cũng thông thường mua những loại thức ăn chỉ dành riêng cho những chú thú cưng. Khi gà và heo không còn xuất hiện trong gia đình, chó và mèo trở thành thú kiểng, thức ăn nếu còn dư dễ dàng biến thành vật liệu phế thải, nằm yên trong thùng rác.

Đời sống kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng và đời sống hậu hiện đại dẫn đến hiện tượng lương thực phong phú và khả năng tài chánh cao ổn định của một gia đình. Bởi thế, mặc dù vẫn là nội tướng gia đình, người vợ không còn nhiều băn khoăn cho những dự tính sử dụng và tái chế thức ăn dư thừa trong cùng một ngày như xưa nữa. Những buổi tối của một gia đình Việt của thời hậu hiện đại thông thường là ‘xả stress’, bằng những chương trình TV hấp dẫn chiếu trên nhiều kênh đài. Thức ăn dư thừa trong tủ lạnh sau cùng cũng thường được quẳng bỏ thay vì tái chế.

 

5.3. Triết lý sinh thái

 

Tuy đời sống sinh thái đã thay đổi, nhưng vai trò nội tướng của phụ nữ Việt phần lớn không thay đổi. Người vợ trong xã hội Việt Nam thời hậu hiện đại vẫn là tay hòm chìa khóa, là nội tướng của gia đình. Nói một cách khác, người phụ nữ Việt vẫn là người dạy dỗ con cái về ý thức không hoang phí lương thực Trời ban, triết lý cần kiệm, tích cốc phòng cơ, và tất cả những thứ liên quan đến môi trường sinh thái. Do đó phụ nữ Việt Nam vẫn là người bảo trợ Sinh Thái Học, mặc dù môi trường sinh hoạt đã thay đổi.

Một khi đời sống sinh thái truyền thống trong gia đình thay đổi, một trong những đề nghị thiết thực mà phụ nữ Việt có thể thực hiện cho những lợi ích của môi trường sinh thái là triết lý: “nấu vừa đủ, ăn vừa no”.

“Nấu vừa đủ” xảy ra trong khuôn viên gia đình. Nội tướng gia đình nấu canh, xào rau, món mặn vừa đủ cho những thành viên, để mọi người vẫn ăn no, nhưng không có món dư. Và thức ăn còn dư, nếu được, vẫn có thể cố gắng tái chế cho bữa ăn tiếp theo của gia đình trong điều kiện bảo quản tốt.

Ăn vừa no xảy ra khi gia đình đi ra ngoài thưởng thức những món ăn tại nhà hàng. Vào những dịp đó, phụ nữ Việt Nam vẫn nhắc nhở con cái thực hiện nếp sống sinh thái qua triết lý “ăn vừa no”, và không phung phí thức ăn tại những nhà hàng, đặc biệt những tiệm buffet.



[i] Xem Denis Edwards, “‘Sublime Communion’: The Theology of the Natural World in Laudato Si’,” Theological Studies 77 (2016): 377-391.

[ii] Christian Tauchner, “Mission and Ecology,” trong Mission beyond Ad Gentes, chủ biên Jacob Kavunkal và Christian Tauchner (Siegburg: Franz Schmitt Verlag, 2016), 180.

[iii] Xem United States Conference of Catholic Bishops, “A Statement of the US Catholic Bishops: Global Climate Change: A Plea for Dialogue Prudence and the Common Good” (Washington, D.C., 2001), 5-6, 19-23.

[iv] José R. G. Paredes, “Eco-Theology: Only Wholeness is Sacred: Towards a New Theological Vision,” Religious Life Asia 10, no. 1 (January-March 2008): 60.

[v] Edgar G. Javier, “God’s Dream for Humanity and Creation: One Earth – One People,” Religious Life Asia 10, no. 1 (January-March 2008): 15.

[vi] Nguyễn Trung Tây, Chúa, Cơm Hằng Sống (Epworth, Iowa: Divine Word College, 2005), 126-127.

[vii] Michael Q. Nguyen, Missiological Resonances in the Vietnamese Culture of the Multiplication of the Loaves in John 6 (Manila: Logos Publications, 2021), 253.

[viii] Ibid., 252.

[ix] Ibid., 255.

[x] Vu Hong Lien, Rice and Baguette: A History of Food in Vietnam (London: Reaktion Books, 2016), 164.

[xi] Phạm Duy, Kỷ Vật Chúng Ta (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1971), 36.

[xii] Nguyen, Missiological Resonances in the Vietnamese Culture of the Multiplication of the Loaves in John 6, 255.

[xiii] Vu Hong Lien, Rice and Baguette, 169.

[xiv] Ibid.

[xv] Ibid., 198.


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)