Chương 1

Giới thiệu: 

Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   

(Anthony Lê Đức, SVD )

Em bé Thổ dân Úc Châu, Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

  

“Chúng tôi không thừa hưởng Trái Đất từ thế hệ cha ông.

Chúng tôi mượn Trái Đất từ thế hệ tương lai.”

 

- Người Thổ Dân Châu Mỹ

1. Bối cảnh  sinh thái ngày nay


Từ năm 2007 cho đến nay, tôi phục vụ truyền giáo tại Thái Lan, với phần lớn thời gian ở thủ đô Bangkok. Thành phố sầm uất này có dân số gần mười một triệu người ở nội thành, và hàng triệu người khác sinh sống ở các vùng phụ cận. Điều này là một minh chứng thuyết phục cho sự sôi động của thành phố với khả năng thu hút mọi người từ mọi tầng lớp, vùng miền và quốc gia. Dĩ nhiên, nó cũng hấp dẫn bởi sự phồn thịnh, phong phú, đầy năng động và hiện đại, hứa hẹn nhiều điều mới mẻ và hứng khởi cho những ai muốn đến sinh sống, làm việc và tham quan.

Nhìn hàng loạt các trung tâm mua sắm cao cấp, các tòa nhà văn phòng cao chọc trời và các chung cư mọc lên tứ phía, người ta dễ dàng nhầm lẫn cho rằng dân số ở đây lên tới gấp đôi so với thực tế. Do sự phát triển quá mức, các công viên công cộng của thành phố, như Công viên Lumpini nằm giữa các công trình xây dựng ấn tượng, những cây xanh hai bên đường phố và cây cảnh được trưng bày trước các tòa nhà chung cư, chỉ là những biểu tượng về thiên nhiên hết sức khiêm tốn trong một thành phố ngày càng được ví như một khu rừng bê tông. Điều này tạo nên một sự tương phản rõ rệt so với bản sắc của đất nước, vốn thấm đậm truyền thống Phật Giáo Nam Tông, trong đó có rất nhiều vị sư sống theo lối sống tu trì trong các khu rừng vắng vẻ.

Mặc dù Thái Lan đã chạy theo xu hướng hiện đại hóa đất nước, nhưng truyền thống tu tập trong rừng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của nhiều người Thái. Số liệu chỉ ra rằng 92,5% trong số 70 triệu dân của nước này theo Phật Giáo. Hồi Giáo và Kitô Giáo chiếm phần lớn số còn lại.[1]

Là trung tâm hành chánh và mạch sống của Thái Lan, Bangkok thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến tham quan các chùa chiền rực rở màu sắc và thưởng thức những món ăn đường phố độc đáo. Tuy nhiên, dưới bề nổi của sự nhộn nhịp và năng lượng vô hạn này là một sự thật khiến cho nhiều người cảm thấy bất an: thành phố Bangkok đang lún xuống. Sự thật này dường như khó tin khi chứng kiến hàng loạt tòa nhà cao tầng và các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác tiếp tục mọc lên như nấm sau cơn mưa. Nhưng theo các chuyên gia thì thành phố Bangkok đang sụt lún với mức độ 2-3 cm/năm.[2]

Hiện nay, Bangkok chỉ cao hơn mặt biển 1,5 m. Đây là một điều đáng báo động, đặc biệt trong mùa mưa kéo dài 6 tháng mỗi năm, thì hệ thống thoát nước của thành phố thường gặp tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, để có đủ nước cho các sinh hoạt của người dân cũng như các doanh nghiệp, hệ thống nước ngầm đang bị khai thác một cách bất hợp pháp khiến cho tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất là một vấn đề nằm ngoài sự kiểm soát của thành phố: mực nước biển dâng cao. Tình trạng biến đổi khí hậu với những hậu quả to lớn của nó khiến cho Bangkok đứng đầu danh sách các thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới. Trong danh sách này còn có Thành Phố Hồ Chí Minh (đứng thứ 3) và Manila (đứng thứ 6).[3] Theo ước tính thì đến năm 2050, có đến 1/3 thành phố Bangkok sẽ nằm dưới mặt nước khiến cho hàng triệu người phải di cư.

Dĩ nhiên Bangkok không phải là thành phố duy nhất phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề toàn cầu, vấn đề của toàn nhân loại nói chung. Mực nước biển dâng cao, thời tiết bất thường, ô nhiễm môi trường và hàng loạt biểu hiện khác của cuộc khủng hoảng sinh thái đe dọa đến tương lai của xã hội cũng như sự sinh tồn của muôn loài sinh vật. Trước khủng hoảng sinh thái toàn cầu, việc duy trì sự tồn tại của thiên nhiên và nhân loại đang là vấn đề cấp bách và cần có giải pháp hợp lý.

Thảm họa về môi trường do những chuyển động vật lí trong thiên nhiên là một phần tự nhiên của sự vận hành Trái Đất hàng tỉ năm qua. Tuy nhiên, sự hiện diện của con người chỉ trong một thời gian rất ngắn so với tuổi của hành tinh đã khiến cho các quy trình tự nhiên bị ảnh hưởng một cách rõ rệt. Các chuyên gia khoa học trên thế giới đồng quan điểm rằng cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra ngày nay là hậu quả của hành động từ con người. Nếu không sớm khắc phục, chúng ta có nguy cơ để lại cho các thế hệ mai sau một Trái Đất bị kiệt quệ, thiếu sức sống do bị khai thác quá mức. Đây là một vấn đề nan giải mà không thể giải quyết bằng các phương pháp khoa học, chính trị, hoặc kinh tế mà thôi, nhưng cần sự chung tay của mọi thành phần trong xã hội, trong đó có tôn giáo. Chỉ bằng cách mọi người trong mọi lĩnh vực hợp tác với nhau mới có thể hy vọng tìm ra giải pháp cho vấn nạn khó khăn này.

 

2. Vai trò ca tôn giáo

 

         Niềm tin tôn giáo vẫn là một trong những hiện tượng phổ biến nhất trong xã hội con người ngày nay. Năm 2023, World Population Review phổ biến thống kê cho hay 85% dân số toàn cầu vẫn duy trì tín ngưỡng tôn giáo.[4] Thừa nhận rằng, ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Tây Âu Châu, Bắc Mỹ và một số quốc gia đang trải qua quá trình hiện đại hóa, hiện tượng trần tục hóa đang ngày càng gia tăng.[5] Tuy nhiên, tôn giáo lại mạnh hơn ở một số vùng khác trên thế giới.[6] Vì thế, mặc dù không thể phủ nhận sự thật về tiến trình trần tục hóa đang diễn ra trong các xã hội khác nhau, nhưng sự hiện diện và ảnh hưởng của tôn giáo toàn cầu hiện nay vẫn ở mức rất cao, khiến cho tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục các vấn nạn mà nhân loại đang đối mặt.

         Trong những thập kỷ vừa qua, sự tham gia của các tôn giáo vào những mối quan tâm về môi trường đã gia tăng đáng kể. Mọi người càng nhận ra có sự liên kết mật thiết giữa sự an sinh của con người và môi trường thiên nhiên. Vai trò của tôn giáo trong việc khắc phục khủng hoảng sinh thái rất quan trọng bởi vì những giáo huấn của tôn giáo mang tính tuyệt đối; điều này bổ ích cho việc khuyến khích tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội. Theo thần học gia Hans Küng, tiếng nói mang thẩm quyền của tôn giáo có thể khiến cho các tín đồ sẵn sàng thực thi những quy tắc được đưa ra, ngay cả khi những điều đó đi ngược với lợi ích riêng.[7]

Ngoài ra, tôn giáo còn là một nguồn gây cảm hứng tuyệt vời, là một sức mạnh giáo huấn, là kim chỉ nam quan trọng về đạo đức và luân lý và là một nguồn trợ lực tâm linh sâu sắc giúp các cá nhân và cộng đồng nhận ra và thực hiện vai trò của mình trong xã hội. Xuyên suốt lịch sử thế giới, tôn giáo cũng là một tiếng nói mạnh mẻ cổ vỏ cho sự công lý và hòa bình, đẩy lùi sự bất bình đẳng và áp bức ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như thúc đẩy sự hòa giải và chữa lành giữa các nhóm người. Vì thế, nỗ lực tìm ra giải đáp cho khủng hoảng sinh thái buộc phải có sự đóng góp tích cực từ phía tôn giáo, trong đó Giáo Hội Công Giáo là một trong những tiếng nói quan trọng và có ảnh hưởng nhất.

         Giáo Hội Công Giáo đã tích cực tham gia vào việc giải quyết khủng hoảng sinh thái từ lâu qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, sự ra đời của Thông điệp Laudato Si’ (2015) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh dấu một bước quan trọng trong việc nêu bật những vấn đề luân lý và đạo đức gắn liền với cuộc khủng hoảng sinh thái cũng như nói lên tiếng nói cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình soạn thông điệp, Đức Thánh Cha đã tham khảo các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học khí hậu và phát triển kinh tế để hỗ trợ cho những giáo huấn được trình bày trong văn kiện. Nỗ lực của Đức Thánh Cha đã truyền cảm hứng cho sự hợp tác toàn cầu, dẫn đến các hiệp định quan trọng trên thế giới, như việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015.[8]

Thông điệp Laudato Si’ kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề môi trường, nhấn mạnh sự liên kết giữa mọi loài thụ tạo và cần phải chăm sóc Trái Đất cùng những cư dân trên hành tinh. Kể từ khi Laudato Si’ được phát hành, sự chú ý đến vấn đề môi trường đã tăng lên trong Giáo Hội Công Giáo và giữa các cộng đồng tôn giáo khác. Tài liệu này đã gợi hứng cho các cuộc đối thoại và bàn luận về vai trò của tôn giáo trong việc giữ gìn môi trường sinh thái và đã truyền cảm hứng cho nhiều cá nhân và tổ chức hành động chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Laudato Si’ cũng đã có ảnh hưởng ngoài cộng đồng tôn giáo, ảnh hưởng đến công luận và tranh luận chính sách về vấn đề môi trường. Hơn nữa, Laudato Si’ đã giúp thay đổi cách cảm và  cách nghĩ về biến đổi khí hậu cũng như suy thoái môi trường từ một vấn đề hoàn toàn khoa học và kinh tế sang một vấn đề có chiều sâu đạo đức và tâm linh. Văn kiện này khẳng định tầm quan trọng của việc chăm sóc hành tinh – ngôi nhà chung của chúng ta – như một nghĩa vụ đạo đức và kêu gọi các cá nhân, chính phủ và tổ chức phải chịu trách nhiệm về tác động của họ đối với hệ sinh thái.

Ảnh hưởng rộng rải của Thông điệp Laudato Si’ là một ví dụ cho thấy tôn giáo, cách riêng Giáo Hội Công Giáo, không chỉ là một yếu tố tùy chọn trong việc giải quyết khủng hoảng môi trường, mà là một yếu tố thiết yếu. Bên cạnh những biện pháp mang tính chính sách và khoa học còn cần có một sự biến đổi sâu sắc trong tâm hồn của con người. Nếu không thì mọi biện pháp cho dù có tốt tới đâu đi chăng nữa cũng chỉ là tạm bợ. Trong Tông huấn Laudate Deum (2023), Đức Phanxicô khẳng định như sau:

 

Tôi cho rằng điều cần thiết là phải nhấn mạnh rằng “chỉ tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật cho từng vấn đề môi trường nảy sinh là tách biệt những gì trên thực tế có mối liên hệ với nhau và che giấu những vấn đề thực sự và sâu sắc nhất của hệ thống toàn cầu”.  Đúng là cần phải có những nỗ lực thích ứng khi đối mặt với những tệ nạn không thể đảo ngược trong thời gian ngắn. Ngoài ra, một số biện pháp can thiệp và tiến bộ công nghệ giúp hấp thụ hoặc thu giữ khí thải cũng tỏ ra đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, chúng ta có nguy cơ vẫn bị mắc kẹt trong suy nghĩ dán và dán giấy lên các vết nứt, trong khi bên dưới bề mặt vẫn đang có sự suy thoái liên tục mà chúng ta tiếp tục góp phần vào. Giả sử rằng bất kỳ vấn đề nào trong tương lai đều có thể được giải quyết bằng các biện pháp can thiệp kỹ thuật mới, đó chính là một dạng chủ nghĩa thực dụng giết người, giống như đẩy một quả cầu tuyết xuống chân đồi.[9]

3.  Lăng kính Công Giáo

 

        Mục đích của tập sách này là tiếp cận vấn nạn khủng hoảng môi trường từ lăng kính thần học và tâm linh Công Giáo. Một số câu hỏi mà các bài viết tìm cách giải đáp bao gồm:

 

• Làm thế nào để tín hữu Kitô Giáo có thể phát triển một linh đạo tôn trọng ngôi nhà chung của nhân loại cũng như toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa?

• Một nền tâm linh tôn trọng môi trường được xây dựng trên nền tảng thần học, Kinh Thánh, và giáo huấn nào của Giáo Hội Công Giáo?

• Làm thế nào để các tín hữu có thể hình thành và duy trì thái độ tôn trọng và hành động vì môi trường?

• Sự ý thức về vai trò chăm sóc ngôi nhà chung được thể hiện qua những hành động cụ thể nào? 

• Các lãnh đạo và các tín hữu Công Giáo có thể đóng góp vào cuộc trò chuyện toàn cầu về bảo vệ môi trường bằng cách nào?

• Sự ý thức về chăm sóc ngôi nhà chung gắn liền với linh đạo Công Giáo và căn tính Kitô Giáo như thế nào?

• Giáo Hội Công Giáo cần hợp tác với các tôn giáo bạn cũng như các tổ chức xã hội dân sự như thế nào nhằm thúc đẩy ý thức và trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của nhân loại?

 

        Bằng cách suy tư, phân định và trả lời những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trên phương diện tập thể và cá nhân trong việc thúc đẩy sự toàn vẹn của vạn vật, bảo vệ môi trường thiên nhiên, đồng thời làm thế nào để chúng ta có thể hợp tác với những cá nhân và tổ chức trong xã hội để tìm ra phương án cho những vấn đề nan giải của thời đại. Như Đức Phanxicô đã chỉ ra, “Niềm tin chân thực không chỉ mang lại sức mạnh cho trái tim con người, mà còn biến đổi cuộc sống, làm đổi mới những mục tiêu của chúng ta và rải sáng ánh đèn lên mối quan hệ với người khác và với toàn thể sự sáng tạo”.[10] Ngài cũng nhấn mạnh, “Di sản giàu có của tâm linh Kitô Giáo, quả ngọt của hai ngàn năm kinh nghiệm cá nhân và cộng đồng là một đóng góp quý báu vào sự đổi mới của nhân loại”.[11]

 

 

4.  Các tác gi trong tp sách

        

Tập sách này là kết quả của một nỗ lực nhỏ bé của các tu sĩ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời đang phục vụ ở nhiều nơi trên thế giới – Việt Nam, Úc Châu, Papua New Guinea, Hoa Kỳ, Ý Đại Lợi, Chile, Thái Lan – nhằm suy tư và phân định về dấu chỉ thời đại thông qua cuộc khủng hoảng môi trường dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Tác giả của các bài viết đang phục vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong Hội Dòng. Có người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy ở các đại học, đại chủng viện. Có người làm truyền thông. Có người làm mục vụ với người di cư, dân tộc thiểu số, người bản địa. Có người làm mục vụ giáo xứ. Sự đa dạng về địa điểm và môi trường thi hành sứ vụ của các tác giả trong tập sách phần nào phản ánh sự thật rằng vấn đề chăm sóc ngôi nhà chung là mối quan tâm của mọi người bất kể địa vị trong xã hội, kiến thức, sắc tộc, hoặc tôn giáo.

         Mong rằng những suy tư và trình bày trong tập sách này sẽ đóng góp phần nào về cuộc thảo luận đa chiều liên quan đến vấn nạn khủng hoảng sinh thái đang diễn ra toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho vô số người, trong đó, tương lai và sự an sinh của đất nước và người dân Việt Nam đang phải đối đầu với sự đe dọa to lớn nếu con người không có sự biến đổi sâu sắc và toàn diện nhằm cải thiện thực trạng trước mắt chúng ta. 

 

[1] US Department of State, "2022 Report on International Religious Freedom: Thailand," https://www.state.gov/reports/2022-report-on-international-religious-freedom/thailand/#:~:text=Section%20I.-,Religious%20Demography,Muslim%2C%20and%201.2%20percent%20Christian.

[2] Karin Wenger, “Bangkok is Sinking but so are Other Southeast Asian Megacities,” Global Geneva, April 1, 2020, https://global-geneva.com/bangkok-is-sinking-but-so-are-other-southeast-asian-megacities/#:~:text=Bangkok%3A%20A%20city%20sinking%20at,by%20the%20Chao%20Phraya%20River.

[3] Earth.org, “Sea Level Rise Projections: 10 Cities at Risk of Flooding,” June 4, 2022, https://earth.org/sea-level-rise-projections/

[4] World Population Review, “Religion by Country 2023,” https://worldpopulationreview.com/country-rankings/religion-by-country.

[5] Cf. Isabella Kasselstrand, Phil Zuckerman, and Ryan T. Cragun, Beyond Doubt: The Secularization of Society (New York: SUNY Press, 2023).

[6] Christine Schliesser, On the Significance of Religion for the SDGs: An Introduction (New York: Routledge, 2023), 10.

[7] Hans Küng, Global Responsibility: In Search of a New World Ethic (Eugene, OR: Wipf &Stock Publishers, 2004), 52.

[8] Irene Burke, The Impact of Laudato Si’ on the Paris Climate Agreement. LISD White Paper, No. 3 August 2018. https://dataspace.princeton.edu/bitstream/88435/dsp013b591c298/1/WhitePaper_No.3%28Burke%29.pdf

[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Laudate Deum, 2023, số 57, https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/20231004-laudate-deum.html.

[10] Laudate Deum, số 61.

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Laudato Si’, 2015, số 216, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.pdf.


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)