Grand Canyon, Arizona, Hoa Kỳ, Nicholas Lê Hồng Đức, SVD

 

Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần, nắm trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.

Tv 95,3-4

1.  Dn nhp

 

Trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng sinh thái càng trở nên nghiêm trọng, góp phần làm gia tăng tình trạng nghèo đói nơi những người yếu thế, nhất là tại các quốc gia đang phát triển.[i] Đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá và giải pháp được đưa ra từ những góc độ khác nhau như khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Kinh Thánh và Truyền Thống Công Giáo cũng đóng góp những nguồn dữ liệu quan trọng cho việc suy tư về trách nhiệm của con người trong các vấn đề môi trường và xã hội.

Dựa trên Tin Mừng theo Thánh Máccô, các tài liệu Huấn Quyền và các nguồn tài liệu khác, bài viết này cho thấy vai trò của người môn đệ Chúa Giêsu trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái, tình trạng xã hội bất công và nghèo đói hiện nay. Trước hết, bài viết phác hoạ chân dung của người môn đệ với căn tính là sứ vụ loan báo Tin Mừng. Kế đó, bài viết cho thấy hoạt động loan báo Tin Mừng của người môn đệ là cơ hội thuận tiện để kêu gọi sự ý thức và tinh thần trách nhiệm của con người trước vấn nạn khủng hoảng sinh thái đang diễn ra. Hy vọng bài viết này thôi thúc người môn đệ Chúa Giêsu ý thức về trách nhiệm quan trọng của mình với nhiều thách đố trong việc chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới nhiều khủng hoảng, bất công và nghèo đói ngày nay.

 

 

2.  Người môn đ và s v loan báo Tin Mng

 

2.1. Phác hoạ chân dung người môn đệ của Chúa Giêsu

 

Sau khi được ông Gioan làm phép rửa (x. Mc 1,9), Chúa Giêsu đi đến miền Galilê để bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (x. Mc 1,14-15). Gần như ngay lập tức, Chúa Giêsu đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên ở biển hồ Galilê, bao gồm các ông Anrê, Phêrô, Gioan và Giacôbê (x. Mc 1,16-20). Sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục “… gọi đến với Người những kẻ Người muốn và lập thành nhóm Mười Hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng” (Mc 3,13). Như vậy, ngay từ đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng, các môn đệ luôn ở với Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu, và được Chúa Giêsu trao ban sứ vụ rao giảng với quyền trừ quỷ (x. Mc 3,14-16).

Theo truyền thống Do Thái, người muốn làm môn đệ phải đến gặp và xin vị tôn sư (rabbi) thu nhận.[ii] Tuy nhiên, Tin Mừng Máccô cho thấy Chúa Giêsu đã làm ngược với truyền thống ấy. Người đã chủ động đi bước trước, gặp gỡ trực tiếp và mời gọi các môn đệ đi theo Người thay vì chờ cho họ tìm đến Người. Thánh Máccô ghi rõ: “Người gọi các ông” (Mc 1,20). Với Lêvi, người thu thuế, Chúa Giêsu nói: “Anh hãy theo tôi” (Mc 2,14). Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Ngay từ những ngày đầu tiên loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thu hút dân chúng từ khắp nơi (x. Mc 1,45). Người luôn kêu gọi và đón nhận tất cả mọi người. Do đó, các môn đệ, những người đi theo Chúa Giêsu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, hoặc nghề nghiệp. Nhóm Mười Hai cũng là tập hợp những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm người bình dân như các ngư phủ Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan, những người có khuynh hướng hoạt động chính trị như Simon Nhiệt Thành, cũng như những người có thế giá trong xã hội như Mátthêu.

Ngoài các môn đệ là nam giới, Chúa Giêsu còn có các môn đệ là phụ nữ, như cô Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giuse, bà Salômê (x. Mc 15,40). Đây là điều hiếm thấy trong bối cảnh văn hóa Do Thái vào thế kỷ thứ nhất. Những nữ môn đệ này đã bước theo Chúa Giêsu và đồng hành với Người trong thời gian Người ở Galilê và tiếp tục đi theo Người trên con đường lên Núi Sọ (x. Mc 15,41).

Qua đó, Tin Mừng Máccô làm nổi bật lòng trung thành của các môn đệ nữ đối với Chúa Giêsu cho đến cùng. Ngoài ra, chính các nữ môn đệ này là những người đi viếng mộ của Chúa Giêsu (x. Mc 18,1), và họ là người đầu tiên loan báo tin mừng Phục Sinh cho các tông đồ trong lúc niềm hy vọng và đức tin của các ông bị suy sụp bởi cái chết của Chúa Giêsu (x. Mc 16,7).

Thêm vào đó, theo Tin Mừng Máccô, các môn đệ là những người luôn dứt khoát trước lời mời gọi của Chúa Giêsu. Họ rất mau chóng trong quyết định bước theo Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên, họ lập tức bỏ chài lưới và đi theo Người (x. Mc 1, 16-20). Mátthêu đã dứt khoát đứng lên, rời bàn thu thuế và đi theo Chúa Giêsu sau khi nhận được lời mời: “Anh hãy theo tôi” (Mc 2,14). Sự dứt khoát này cho thấy quyết tâm bước theo Chúa Giêsu, dám từ bỏ tất cả mọi sự, kể cả chiếc thuyền, mảnh lưới là kế sinh nhai, bỏ lại bàn thu thuế là địa vị, quyền lực và nguồn lợi.

Trong xã hội ngày nay, môn đệ của Chúa Giêsu không bị giới hạn trong một nhóm người đặc biệt nào, nhưng tất cả những ai tin tưởng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và sẵn sàng đi theo Ngài đều trở thành môn đệ. Điều quan trọng trong việc làm môn đệ của Chúa Giêsu chính là thái độ sẵn sàng và dứt khoát bỏ lại mọi sự để đáp bước theo Chúa Giêsu. Vì thế, tất cả mọi người đều được mời gọi bước theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Chúa, để can đảm và kiên cường loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (x. 2 Tm 4,2).

 

2.2. Loan báo Tin Mừng: Căn tính và thách đố của người môn đệ

 

Trong bài giảng giáo lý về loan báo Tin Mừng, Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Làm môn đệ của Chúa có nghĩa là bước theo Người, đi trên con đường của Người. Kitô hữu tự bản chất là người rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu”.[iii] Mọi cộng đoàn Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh đều nhận được căn tính này từ Chúa Thánh Thần từ ngày lễ Ngũ Tuần. Chính vì vậy, ngay số đầu tiên của Ad Gentes (AG),[iv] Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, Công đồng Vatican II tuyên bố: “Giáo Hội phải dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người” (AG, số 1).

Loan báo Tin Mừng phát xuất từ mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Mệnh lệnh này làm nên căn tính của người môn đệ, đó là loan báo Tin Mừng. Thật vậy, chính Chúa Giêsu căn dặn: “Trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc” (Mc 13,10). Bước theo Chúa Giêsu, các môn đệ của Chúa Giêsu cần phải luôn nỗ lực thực hiện sứ vụ này. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium (EG), Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định: “Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Hội Thánh trước hết và trên hết là một dân tộc đang trên đường lữ hành tiến về Thiên Chúa” (EG, số 111).[v]

Người môn đệ bước theo Đức Giêsu trên con đường loan báo Tin Mừng, điều đó có nghĩa là dứt khoát từ bỏ những ràng buộc của thế gian, can đảm đón nhận những khó khăn, thử thách và bách hại để sống đúng căn tính của mình; đó là loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng một đời sống nghèo khó, vâng phục, tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết (x. AG, số 5).

Như vậy, việc loan báo Tin Mừng là một thách đố rất lớn đối với các môn đệ của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã tiên báo: “Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mc 13,13). Kết quả là, “Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn” (Mc 13,10a). Nhưng trong mọi hoàn cảnh, người môn đệ không được quên căn tính của mình – đó là loan báo Tin Mừng, nghĩa là “làm chứng cho họ được biết” (Mc 13,10). Tin tưởng vào sự toàn thắng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, người loan báo Tin Mừng can đảm đón nhận mọi thử thách và bách hại. Chúa Giêsu hiểu rõ những khốn khó của các môn đệ, nên Người khích lệ và bảo đảm: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

 

2.3. Tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng

 

Công đồng Vatican II cho biết lý do của việc loan báo Tin Mừng gắn liền với ý định của Thiên Chúa, đó là mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (x. AG, số 7). Chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải và con người cần nhận biết đó chính là ý thức trọn vẹn ý nghĩa của công trình tạo dựng và mở lòng đón nhận công trình cứu chuộc, cả hai công trình đều được thực hiện trong Đức Kitô. Khi ý định và kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn thành, Thiên Chúa được muôn đời tôn vinh. Như vậy, việc loan báo Tin Mừng đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại khi được tái sinh trong Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, để được hiệp thông vào sự sống thần linh của Thiên Chúa (x. AG, số 7).

Loan báo Tin Mừng là công bố về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trên thế gian (x. EG, số 176). Nói cách khác, nhiệm vụ của việc loan báo Tin Mừng là làm cho các giá trị Tin Mừng hiện diện trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn xã hội. Ngôn sứ Isaia miêu tả tác động của Lời Chúa qua hình ảnh cơn mưa:

 

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55,10-11)

 

Mưa là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy sự màu mỡ của đất đai, giúp hạt giống nảy mầm, giúp cây cối phát triển, sinh hoa kết trái. Tương tự như vậy, Lời Chúa cũng bồi dưỡng tâm hồn người tín hữu, giúp họ trưởng thành trong đời sống đức tin. Nhưng để Lời Chúa đến với người nghe cần có người rao giảng (x. Rm 10,14). Vì thế, sứ vụ rao giảng Lời Chúa rất quan trọng trong đời sống Hội Thánh và đó vẫn là một công cuộc còn rất bao la. Ngay câu đầu tiên của Thông điệp Remdemptoris Missio, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định: “Việc truyền giáo mà Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc đã ủy thác cho Giáo Hội cần phải hoàn tất thì còn rất xa vời”.[vi] Sứ vụ này đòi hỏi cần có thêm nhiều môn đệ sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng với tất cả sự tận tâm và niềm xác tín như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Cách riêng, trước các vấn đề môi trường hiện nay, người môn đệ cần phải nhận ra lời mời gọi của Chúa Giêsu, và đáp trả lại với những hành động dứt khoát, và can đảm lên tiếng làm chứng cho chân lý của Tin Mừng trong các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái và môi trường. Bằng việc loan báo Tin Mừng, người môn đệ kêu gọi sự ý thức và tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục những vấn nạn môi trường. Như vậy, người môn đệ góp phần bảo vệ món quà thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.

 

 

3. Vic loan báo Tin Mng ca người môn đ trong cơn khng hong sinh thái

 

3.1. Loan báo Tin Mừng trong môi trường giáo dục

 

Một trong những công việc loan báo Tin Mừng quan trọng mà Giáo Hội dành nhiều quan tâm đó là việc giáo dục người trẻ. Thật vậy, trong Lời mở đầu của Tuyên ngôn về giáo dục Kitô Giáo Gravissium Educationis (GE), Công đồng Vatican II cho thấy rằng việc giáo dục là một phương tiện để chu toàn sứ vụ loan báo mầu nhiệm ơn cứu độ cho con người.[vii] Các hoạt động giáo dục Kitô Giáo nhằm trang bị cho giới trẻ những giá trị cốt lõi của Tin Mừng. Nhờ đó, các em “biết hoạt động hữu hiệu cho lợi ích của xã hội trần thế, và chuẩn bị cho các em biết phục vụ để mở mang Nước Chúa, nhờ đó, bằng đời sống gương mẫu và tông đồ, các em trở nên như men cứu rỗi cho cộng đồng nhân loại” (GE, số 8).

Vì vậy, các nhà giáo dục và lãnh đạo Giáo Hội nên đưa vào chương trình giáo lý những bài học cụ thể về việc bảo vệ môi trường, dựa trên nền tảng của giáo huấn xã hội Công Giáo. Tại các giáo xứ, các đoàn thể thanh thiếu nhi cũng cần tổ chức những hoạt động thực tiễn giúp các em hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường trong đời sống con người, từ đó các em sẽ có ý thức hơn trong việc yêu mến và trân trọng thế giới tự nhiên như là công trình của Thiên Chúa.Việc giáo dục về các vấn đề sinh thái trong môi trường giáo dục Kitô Giáo giúp người trẻ có khả năng nhận thức sâu sắc về những vấn đề mà nhân loại đang đối phó và sẵn sàng góp phần trong việc giải quyết vấn đề.

Chính những người trẻ cũng góp phần quan trọng trong việc kêu gọi các nhà cầm quyền cần có những quyết định đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, ngày 15 tháng 3, năm 2019, tại thành phố Melbourne, Úc Châu đã có khoảng hai mươi ngàn học sinh bãi khoá tham gia biểu tình kêu gọi các lãnh đạo phải có những biện pháp thiết thực nhằm đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Họ yêu cầu chính phủ Úc ngừng ngay các dự án khai thác than và khí đốt, tạm ngừng phát triển mỏ than Adani ở trung tâm Queensland và đề nghị chuyển sang sử dụng toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.[viii]

Điều này cho thấy tầm quan trọng của giáo dục trong việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường nơi những người trẻ. Với sự sáng tạo và năng động của giới trẻ, việc giáo dục về các vấn đề môi trường cho người trẻ đem lại hy vọng về một thế hệ tương lai có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn, làm cho địa cầu xanh sạch và tươi đẹp hơn. Những nỗ lực giáo dục người trẻ trong những vấn đề liên quan đến môi trường góp phần vào việc huấn luyện các thế hệ tương lai biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (x. GE, số 2).

 

3.2. Loan báo Tin Mừng trong bài giảng Thánh Lễ

 

Việc rao giảng Tin Mừng của các linh mục đóng vai trò quan trọng đối với đời sống các Kitô hữu. Công đồng Vatican II khẳng định: “Dân Chúa được quy tụ nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục” (Presbyterorum Ordinis - PO, số 4).[ix] Việc rao giảng của các linh mục chính là thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu (x. Mc 16,15). Công đồng Vatican II nhấn mạnh nhiệm vụ này khi tuyên bố rằng “Các linh mục mắc nợ mọi người về việc phải thông truyền cho họ chân lý Tin Mừng mà các ngài đã nhận được nơi Chúa” (PO, số 4).

Công đồng cũng nhắc nhở các linh mục khi giảng lễ cần nhớ: “Trong mọi trường hợp, các linh mục không giảng dạy sự hiểu biết của mình, nhưng là giảng dạy Lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người hoán cải và nên thánh” (PO, số 4). Qua các bài giảng lễ, linh mục làm cụ thể hoá, và hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, giúp tín hữu khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ, đưa ra những gợi ý áp dụng vào những vấn đề thực tiễn của đời sống hằng ngày. Trong đó, các vấn đề môi trường, khủng hoảng sinh thái cần được nhìn dưới ánh sáng Lời Chúa trong các bản văn Kinh Thánh.

Như vậy, trong các bài giảng lễ với các bản văn Kinh Thánh liên quan đến vấn đề môi trường, linh mục cần gợi lên những suy tư và áp dụng vào đời sống thực tế, giúp cộng đoàn ý thức hơn về những vấn nạn nghiêm trọng mà nhân loại đang phải đối mặt do suy thoái môi trường. Đó là những cơ hội thuận lợi để linh mục kêu gọi các tín hữu cần phải có ý thức bảo vệ và chăm sóc môi trường. Khi ấy, các linh mục chu toàn nhiệm vụ rao giảng của mình, giúp tín hữu “áp dụng chân lý ngàn đời của Tin Mừng vào các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống” (PO, số 4).

Để làm được điều này, linh mục cần nghiên cứu thêm các đoạn Kinh Thánh liên quan đến chủ đề sinh thái cũng như các giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến môi trường. Các linh mục cũng cần tìm hiểu thêm về thực trạng môi trường hiện nay và những hệ quả nghiêm trọng của việc tàn phá môi sinh, để thấy rõ hơn sự liên hệ hỗ tương giữa con người với môi trường thiên nhiên. Chính linh mục cũng cần hoà mình vào thiên nhiên để lắng nghe và suy gẫm các sứ điệp của Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng của Người, để nhận ra được những giá trị và ý nghĩa của thiên nhiên trong đời sống con người (x. Laudato Si’ – LS, số 11-12).[x]

Trong các bài giảng, linh mục không chỉ giảng dạy nhưng là truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cho các tín hữu. Điều này đòi hỏi sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng (EG, số 135). Do đó, các linh mục cần hiểu rõ hoàn cảnh thực tế về cuộc khủng hoảng môi trường từ chính nơi người tín hữu đang sinh sống, nơi quốc gia và toàn cầu. Đây cũng là một cách lắng nghe tích cực và suy gẫm từ những thông tin về các vấn đề môi trường. Những thông tin thực tế ấy sẽ giúp linh mục diễn giải sứ điệp Lời Chúa trong một bối cảnh cụ thể, làm thành những quy tắc cho cuộc sống Kitô hữu.[xi]

Ngoài ra, các linh mục cần phải phát triển mối tương quan cá vị với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Chính khi lắng nghe tiếng Chúa trong những giờ phút chiêm niệm, các linh mục có được sự nhạy bén và khôn ngoan trước những vấn đề của con người và thế giới, cách riêng là các vấn đề môi trường. Từ đó, linh mục có được những xác tín mạnh mẽ về sứ điệp Lời Chúa để chia sẻ và truyền cảm hứng cho người nghe (x. EG, số 142-144).

 

3.3. Loan báo Tin Mừng bằng chứng từ Kitô hữu

 

Theo Công đồng Vatican II, Hội Thánh hiện diện qua những Kitô hữu đang chung sống hoặc được sai đến với những cộng đồng nhân loại đó. Sự hiện diện của các Kitô hữu phải là chứng tá và gương mẫu về đời sống mới trong Chúa Kitô mà họ lãnh nhận từ Bí tích Rửa Tội. Đồng thời, các Kitô hữu ấy phải biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận từ Bí tích Thêm Sức. Nhờ đó, những người xung quanh nhìn thấy những chứng từ ấy mà ngợi khen Thiên Chúa và nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại (AG, số 11).

Để đời sống chứng tá của Kitô hữu trở thành lời rao giảng Tin Mừng sống động và thuyết phục, Công đồng Vatican II khuyên các Kitô hữu biết tìm đến với mọi người chung quanh với sự tôn trọng và tình yêu thương, khiêm tốn và hoà nhập với đời sống cộng đồng, tôn trọng các truyền thống tôn giáo và văn hoá địa phương, và quan tâm sâu sắc đến những biến động đang diễn ra (AG, số 11). Thật vậy, các Kitô hữu không thể sống tách biệt khỏi môi trường chung của cộng đồng, nhưng cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những thách đố chung với những người đang sống chung quanh.

Như vậy, các vấn đề môi trường và sinh thái phải là đề tài quan tâm của người loan báo Tin Mừng. Bởi vì, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức chính mà xã hội và cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt. Đây là một thảm kịch gây phương hại cho tất cả chúng ta (x. Laudate Deum – LD, số 3).[xii] 

Do đó, cùng với cộng đồng, người môn đệ Chúa Giêsu cùng liên đới, đối thoại và tìm ra những giải pháp cụ thể cho các vấn nạn môi trường và khí hậu bằng sự chân thành và kiên nhẫn cộng tác. Đồng thời, người môn đệ phải can đảm trình bày những xác tín của mình dựa trên Kinh Thánh và Truyền Thống để đưa ra lời giải đáp qua việc liên đới và đối thoại huynh đệ. Qua việc liên kết chặt chẽ với nhân loại trong cuộc sống và trong hoạt động bảo vệ môi trường, các môn đệ Chúa Kitô hy vọng sẽ trở nên những chứng nhân đích thực của Người (AG, số 12).

 

4. Vic loan báo Tin Mng ca người môn đ trong mt thế gii bt công và nghèo kh

 

4.1. Thực trạng của thế giới ngày nay: Bất công và nghèo khổ

 

4.1.1. Vấn đề bất công

Chúng ta đang chứng kiến những bất công xảy ra hằng ngày ở khắp nơi trên thế giới, khi người ta sử dụng quyền lực lợi dụng người khác nhằm trục lợi cho cá nhân hay tập thể. Nạn nhân của sự bóc lột thường là những người yếu thế, nghèo khổ, cô độc, không có tiếng nói. Những nạn nhân này thường không được ai quan tâm giúp đỡ, họ bị bỏ rơi và bị loại ra bên lề xã hội.

Tại các nước phát triển, ví dụ như ở Úc, những người lao động nhập cư bất hợp pháp thường bị các ông bà chủ lợi dụng và bóc lột thông qua nhiều thủ đoạn, ví dụ như trả lương dưới mức lương tối thiểu, không trả lương khi tăng ca, phạt tiền nếu làm sai, hoặc ép làm việc trong môi trường không an toàn. Ngoài ra, nhiều lao động nữ còn gặp phải tình trạng bị quấy rối tình dục bởi những ông chủ biến thái.[xiii]

Tình trạng bất công còn diễn ra trong tương quan giữa con người với các loài thụ tạo, khi con người khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, tàn phá thiên nhiên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất sự cân bằng sinh thái. Giáo Hoàng Phanxicô đã cho thấy sự bất công giữa người giàu và người nghèo trong việc khai thác thiên nhiên và gây ra ô nhiễm môi trường. Ngài cho thấy rằng, chỉ có vài phần trăm số người giàu nhất hành tinh lại gây ô nhiễm nhiều hơn 50% những người nghèo nhất trong toàn bộ dân số thế giới (LD, số 11).

Nạn nhân chủ yếu từ những hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khi hậu chính là những người nghèo, những quốc gia chậm phát triển, bởi vì cuộc sống của họ phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. Điều này thêm một lần nữa dẫn tới sự bất công mà những người giàu gây ra cho người nghèo, những quốc gia phát triển gây ra cho những quốc gia chậm phát triển.

 

4.1.2. Vấn đề nghèo khổ

Những bất công trong xã hội, nghĩa là việc phân phối các nguồn lợi từ thiên nhiên không đồng đều, làm cho hố phân cách giàu nghèo trở nên sâu và rộng hơn. Bên cạnh đó, các vấn nạn môi trường càng làm cho tình trạng nghèo khổ của người dân trở nên tồi tệ hơn. Thật vậy, cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay đang đặt ra những thách đố nghiêm trọng, tác động đến đời sống hằng ngày của con người trên khắp thế giới. Con người ngày nay đối mặt với nhiều thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nước biển xâm lấn, mực nước biển dâng cao, nhiệt độ trái đất tăng cao, ô nhiễm môi trường, cháy rừng. Những yếu tố này góp phần gây ra sự thiếu hụt nguồn lương thực trầm trọng. Trong đó, người nghèo là những nạn nhân đầu tiên, trực tiếp và bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai.

Trong số những người nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số thường phải gánh hậu quả nhiều hơn cả. Giáo Hoàng Phanxicô nhận định trong Thông điệp Fratelli Tutti (FT): “Xu hướng toàn cầu hoá hiện nay có khuynh hướng làm suy giảm căn tính của những khu vực yếu kém và nghèo khó hơn, khiến những khu vực này dễ bị tổn thương và phụ thuộc hơn nữa” (số 12).[xiv] Theo Đức Phanxicô, những thuật ngữ quan trọng và đẹp đẽ như dân chủ, tự do, công bằng, thống nhất đã mất đi ý nghĩa hay bị đánh tráo khái niệm. “Chúng đã bị bóp méo và xuyên tạc để sử dụng như công cụ thống trị, như những câu chữ sáo rỗng có thể dùng để biện minh cho bất kỳ hành động nào” (FT, số 14).

Thần học gia Linus Jujur, người Ấn Độ thuộc Dòng Tên, miêu tả tình trạng bi đát của những cộng đồng người bản xứ: “Ngày nay họ là nạn nhân của các kế hoạch phát triển; họ bị di dời khỏi đất đai của họ; nền kinh tế truyền thống của họ bị phá hủy và họ quá nghèo để cạnh tranh với nền văn hóa thống trị và hiện đại”.[xv] Ví dụ, tại đảo Mindoro, Phillipines, cuộc sống của cộng đồng người Mangyan đang bị ảnh hưởng bởi một số dự án của chính phủ. Các hoạt động khai thác tài nguyên không những lấy đi các mảnh đất tổ tiên của họ mà còn buộc họ phải di dời lên những ngọn núi cao hơn. Tình trạng này như một bức tường ngăn cách người Mangyan khỏi thế giới bên ngoài, làm cho cuộc sống của họ trở nên ngày càng khó khăn. Tình trạng này cũng đưa người Mangyan vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, bất bình đẳng, không có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến cuộc sống của chính mình.

 

4.2. Loan báo Tin Mừng trong một thế giới bất công và nghèo khổ

 

Trước vấn nạn bất công và nghèo khổ trong xã hội hiện nay, người môn đệ phải can đảm và mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ những người yếu thế, đồng thời, kêu gọi chính quyền cần có những biện pháp ngăn chặn tình trạng bất công bằng luật pháp và những chính sách hợp lý. Người môn đệ cần góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh và an toàn cho những người thấp cổ bé họng bằng cách tổ chức các hiệp hội bảo vệ và giải cứu các nạn nhân của bất công. Những hiệp hội này cần liên kết với nhau và liên kết với các tổ chức phi chính phủ để có thể có được tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, sự công bằng cũng cần được xây dựng trong mối tương quan giữa con người và thế giới thụ tạo. Mối tương quan hỗ tương sẽ giúp con người sống hài hoà với thiên nhiên. Điều này đòi hỏi con người từ bỏ tư duy làm bá chủ đối với các loài thụ tạo trên Trái Đất. Tư duy này rất tai hại vì khiến con người nghĩ rằng mình có toàn quyền trên thiên nhiên (x. LS, số 2-6). Thay vào đó, con người cần hiểu vai trò của mình là những người quản lý, chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ công trình tạo dựng của Thiên Chúa (x. St 2,15). Jonathan Wilson, tác giả của nhiều cuốn sách về môi trường, đề nghị rằng, trước tiên, chúng ta cần phải học cách nhận ra rằng chúng ta không sở hữu thiên nhiên; mà chúng ta là một phần của thiên nhiên, một công trình tạo dựng của Thiên Chúa.[xvi]

Sự bất công và các vấn đề môi trường trong xã hội hiện nay phản ánh một lương tâm chai lì trước vấn đề luân lý. Điều này cho thấy con người đang sống trong cuộc khủng khoảng luân lý và suy thoái đạo đức trầm trọng (x. LD, số 29). Những người giàu và quyền lực đang trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra sự nghèo khổ nơi những người yếu thế.[xvii] Do đó, người môn đệ cần kêu gọi sự hoán cải lương tâm nhân loại. Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những đề nghị của Thượng Phụ Barthôlômêô trong việc hoán cải:

 

…từ việc tiêu thụ sang hy sinh, từ sự tham lam sang quảng đại, từ phung phí sang khả năng chia sẻ, bước vào sự khổ hạnh. Điều này có nghĩa là cần phải biết trao ban chứ không phải chỉ biết từ chối. Đó là một cách yêu thương, từng bước vượt qua điều chúng ta ham muốn đến việc trao ban điều mà công trình tạo dựng của Thiên Chúa đang cần. Đó là việc giải thoát khỏi lo âu, tham lam và ràng buộc.[xviii] 

 

Ngoài ra, người môn đệ cũng cần giúp đỡ các nạn nhân bằng cách tạo ra các trung tâm hỗ trợ về công ăn việc làm hoặc về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi cho người Mangyan ở đảo Mindoro, Philippines, hai linh mục dòng Ngôi Lời Antoon Postma và Ewald Dinter đã thành lập Trung tâm Bảo Tồn Mangyan (Mangyan Heritage Centre); trung tâm hoạt động như là một tổ chức phi chính phủ. Mục đích chính của trung tâm là nâng cao nhận thức trong cộng đồng người Mangyan về các vấn đề liên quan đến đất đai. Trung tâm cũng là nơi mà người Mangyan có thể nhận được sự trợ giúp pháp lý khi phải đối mặt với những bất công khác nhau. Hoạt động của trung tâm phản ánh sự cam kết của Giáo Hội trong việc đứng về phía người nghèo và yếu thế trong cuộc đấu tranh vì công lý.

 

 

6. Kết lun

 

Trong một xã hội đang nổi lên các vấn đề khủng hoảng môi trường, bất công và nghèo đói, người môn đệ của Chúa Giêsu cần phải tích cực loan báo Tin Mừng cho con người thời đại bằng những xác tín dựa trên Kinh Thánh và Thánh Truyền, nhằm bảo vệ môi trường, chống lại bất công và nghèo đói. Thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong việc giáo dục giới trẻ, trong các bài giảng Thánh Lễ và chứng tá đời sống Kitô hữu, người môn đệ không ngừng kêu gọi sự hoán cải tâm hồn của con người thời đại, nâng cao ý thức về vấn nạn môi trường, đồng thời thúc đẩy và xây dựng xã hội dựa trên những giá trị công bằng, huynh đệ, bác ái và tôn trọng lẫn nhau với những hành động cụ thể thiết thực. Khi đó, người môn đệ Chúa Giêsu thực sự cùng chia sẻ với con người thời đại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo khổ.[xix]

Theo mẫu gương của Maria Mácđala, người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ (x. Mc 6,11), các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng cần tích cực góp phần mang đến niềm hy vọng cho nhân loại. Chắc chắn, người môn đệ hoạt động không dựa vào sức mình, nhưng cậy dựa vào quyền năng và ánh sáng của Thiên Chúa. “Ôi lạy Thiên Chúa, xin bao phủ chúng con bằng quyền năng và ánh sáng của Ngài, xin giúp chúng con biết bảo vệ mọi sự sống, biết chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho nước Chúa trị đến, vương quốc của công lý, hoà bình, tình yêu và thiện hảo. Chúng con chúc tụng Chúa! Amen” (LS, số 246).



[i] X. Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, số 2.

[ii] M. J. Wilkins, “Disciples,” trong The Dictionary of Jesus and the Gospel, chủ biên Joel B. Green et al. (Leicester: InterVarsity Press, 2012), 205.

[iii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giáo lý về loan báo Tin Mừng (24-5-2023), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-loan-bao-tin-mung-24-05-2023-bai-14-guong-chung-nhan-cua-thanh-anre-kim-tae-gon-50923; x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt đồng Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, số 2. 

[iv] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt đồng Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 1965, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651207_ad-gentes_en.html.

[v] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html.

[vi] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Remdemptoris Missio, 1990, Mở đầu, https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_07121990_redemptoris-missio.html.

[vii] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô Giáo Gravissium Educationis, 1965, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decl_19651028_gravissimum-educationis_en.html.

[viii] Henrietta Cook, “Thousands of Students Skip School for Climate Change Protests,” The Age (Melbourne), 15/3/1994, https://www.theage.com.au/national/victoria/thousands-of-students-skip-school-for-climate-change-protests-20190315-p514m8.html.

[ix] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các Linh mục Presbyterorum Ordinis, 1965, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651207_presbyterorum-ordinis_en.html.

[x] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, 2015, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html

[xi] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 1963, số 35, số 52, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19631204_sacrosanctum-concilium_en.html

[xii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Laudate Deum – LD, 2023, https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/20231004-laudate-deum.html.

[xiii] Stephen Clibborn, “Why Undocumented Immigrant Workers Should have workplace rights,” The Economic and Labour Relations Review 26, no. 3 (2015): 467-468.

[xiv] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 2020, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20201003_enciclica-fratelli-tutti.html.

[xv] Linus Kujur, “The Indigenous Peoples of Asia,” trong Church in the Service of Asia’s Peoples, eds. Jacob Kavunkal, Errol D’Lima and Mathew Jayanth (Pune: Jnana Deepa Vidyapeeth Publications, 2003), 379.

[xvi] Jonathan R. Wilson, God’s Good World: Reclaiming the Doctrine of Creation (Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2013), 9.

[xvii] Joshtrom Kureethadam, “Cry of the Earth, of the Poor, and of the Spirit: Physical, Ethical, and Spiritual Dimensions of the Ecological Crisis,” Studia Ecologiae et Bioethicae 12, no. 4 (2014): 16.

[xviii] Thượng phụ Batôlômêô, Bài giảng tại Tu viện Utstein, Nauy (23-7-2003), trích lại theo Giáo Hoàng Phanxicô, Laudato Si’, số 8.

[xix] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới ngày nay Gaudium et Spes, 1965, số 1, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html.


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)