1.  Dn nhp

 

Trong một thế giới đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu dẫn tới hiểm họa diệt vong, những đề nghị để giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách. Một đề nghị thực tế và khả thi chính là cá nhân phải thay đổi và sống với mô hình con người sinh thái.

Nét đặc thù của con người sinh thái có thể nhận ra qua hai nét căn bản: tôn trọng nét thánh thiêng của mọi đời sống và sống hài hòa với môi trường thiên nhiên. Những nét đặc thù này Đức Giêsu thành Nazareth đều sở hữu. Bài luận đề “Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu,” do đó, gửi tới độc giả những nét căn bản về đời sống sinh thái và lời dạy của Đức Giêsu về thiên nhiên. Những chi tiết này cung cấp nhiều dữ liệu cho những ai đang đi tìm một mẫu hình chuẩn mốc cho đời sống sinh thái của riêng mình.

 

 

2.  Đức Giêsu, Người Do Thái

 

Đức Giêsu sống vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên. Thời đó, người Do Thái thường xuyên đi bộ. Lính trận La Mã có thể cưỡi ngựa, trong khi nhà giàu và những vị quan có thể ngồi trên xe ngựa. Vào thời của Ngài, người Do Thái ăn bánh mì chấm với dầu oliu, uống rượu đỏ. Khi cần thinh lặng, người Do Thái cũng có thể đi vào hoang địa, tìm kiếm một nơi thanh vắng để cầu nguyện với Thiên Chúa.

Như tất cả mọi người đàn ông Do Thái cùng thời, ba đặc điểm về phương tiện giao thông, thức ăn, và đời sống tâm linh, Đức Giêsu cũng thường xuyên thực hiện. Thí dụ, Ngài đi bộ với các môn đệ băng ngang qua ruộng lúa vào ngày Sabát (Mc 2,23). Ngài ăn bánh mì và cá với đám đông trong một khu vực đồi núi gần Biển Hồ (Ga 6,1-15). Ngài đi vào hoang địa cầu nguyện bốn mươi đêm ngày trước khi chính thức hành trình rao giảng Tin Mừng (Mt 4,1-11), hoặc nguyên một đêm trước khi chọn lựa mười hai tông đồ (Lc 6,12-16).

Nhưng trong cuộc sống thường nhật, tương tự như mọi người đàn ông Do Thái khác, Đức Giêsu vẫn nổi bật với đời sống sinh thái cá nhân. Những đặc điểm này có thể nhận ra trong những lời dạy và cách thức Ngài sinh hoạt trong đời sống hằng ngày.

 

 

3. Tôn trng nét thánh thiêng ca mi sinh mng

 

Đặc điểm nổi bật của con người sinh thái Giêsu là Ngài tôn trọng nét thánh thiêng của mọi sinh mạng.

Đối với Ngài, đời sống của tất cả các mọi loài thụ tạo đều có giá trị tuyệt đối. Nói một cách khác, đời sống dù ở trong bất cứ dạng nào, hoặc con người, hoặc thú vật, hoặc cây cỏ, cũng đều được Đức Giêsu trân trọng. Bởi thế, giữa bộ luật và con người, Ngài khẳng định rõ ràng, luật được tạo ra cho con người, chớ không phải ngược lại (Mc 2,27). Nói một cách khác, nếu mang lên bàn cân để so sánh giữa sinh mạng và luật lệ, đối với con người sinh thái Đức Giêsu, sinh mạng đứng trên luật lệ.

Bởi thế, khi hai người môn đệ Giacôbê và Gioan dự tính gọi lửa trời xuống thiêu đốt cả một ngôi làng người Samaria bởi họ từ chối tiếp đón Đức Giêsu, Ngài đã cự nự hai anh em con ông Giêbêđê. Để rồi Ngài chọn một con đường khác dẫn về thành phố Giêrusalem (Lc 9,51-56). Khi người phụ nữ bị ma quỷ làm cho lưng bị còng mười tám năm tiến vào Hội đường vào ngày Sabát (Lc 13,10-17), và người bệnh phù thủng xuất hiện trước mặt Ngài trong một bữa tiệc tại nhà một vị lãnh đạo Pharisêu vào ngày Sabát (Lc 14,1-6), Đức Giêsu đều chữa lành cả hai. Nói một cách ngắn gọn, con người, đặc biệt những người bị hạn chế về thể lý, họ đều là ưu tiên của Đức Giêsu.

Và cũng bởi triết lý luật vị nhân sinh, Ngài triển khai triết lý bác ái tới luật vị thú sinh. Trong ngày Hưu Lễ, người Do Thái phải tôn trọng điều luật của ngày thánh hiến. Đức Giêsu biết thế, nhưng Ngài vẫn tranh luận với những nhà lãnh đạo Do Thái về nhân sinh quan: nên hay không nên can thiệp để đời sống trở nên tốt hơn trong ngày Sabát. Và Ngài sử dụng hình ảnh của một con bò hoặc chú lừa, hai cuộc đời này cũng phải được chủ thả dây cột, để cả hai đi kiếm nước uống trong ngày Sabát (Lc 13,15). Hoặc khi người con hoặc chú bò té giếng vào ngày thánh hiến, người cha cũng là người chủ chắc chắn sẽ không nề hà, nhưng tìm kiếm cách cứu người con và chú bò ra khỏi giếng sâu (Lc 14,5).

Mà không chỉ có con người hoặc loài vật, ngay cả cây cỏ cũng có một chỗ đứng trong trái tim của Đức Giêsu. Trong khi rao giảng về triết lý sống an vui với hiện tại, Ngài nhắc tới hoa huệ và cỏ dại ngoài nương đồng. Qua hình ảnh hoa cỏ nơi thiên nhiên, Đức Giêsu triển khai thần học cỏ cây. Theo như Đức Giêsu, chính Thiên Chúa mặc cho hoa huệ cỏ cây ngoài nương đồng những bộ y phục đẹp và rực rỡ đến nỗi hoàng bào của vua Salômôn cũng không thể so sánh (Lc 12,27-28).

 

 

4. Sng hài hòa vi thiên nhiên

 

4.1. Sống đơn giản và sống phụ thuộc

 

Sống sinh thái cũng có nghĩa là sống đơn giản và sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Bởi thế khi một nhà thông luật muốn đi theo Đức Giêsu, Ngài khẳng định chim trời có tổ, con chồn có hang, nhưng Ngài không có chỗ gối đầu (Mt 8,19-20). Nét đơn giản này cũng xuất hiện trong những bài giảng của Ngài. Thí dụ, Đức Giêsu dặn dò các môn đệ lên đường truyền giáo với hành trang gọn nhẹ (Lc 9,1-5). Chính Ngài đã biết trước cái chết đang đợi ở Giêrusalem. Nhưng Đức Giêsu hầu như không chuẩn bị. Cuối cùng Ngài được chôn trong ngôi mộ của một người môn đệ, ông Giuse Arimathea (Mt 27,60).

Đức Giêsu như được trình bày trong bốn bản Tin Mừng, hoàn toàn để bản thân phụ thuộc vào các nguồn do tự nhiên cung cấp. Trong tiệc cưới Cana, sử dụng nước rửa chân theo phong tục thanh tẩy Do Thái của sáu chum nước, Ngài biến nước thành rượu ngon (Ga 2).

Khi hoàng hôn chuẩn bị buông rơi, nhận ra đám đông hơn năm ngàn người đàn ông vẫn đang ở với Ngài trong một vùng đồi núi gần Biển Hồ, Đức Giêsu đã sử dụng 5 ổ bánh mì và 2 con cá của một chú bé hiện diện trong đám đông (Ga 6). Và Ngài phân phát bánh mì và cá tới mọi người. Để rồi, qua lương thực bánh mì, Ngài đưa ra những bài học sâu sắc về đời sống tâm linh tới người Do Thái đương thời và Kitô hữu của muôn thế hệ.

Hơn thế nữa, sau bữa ăn bánh mì và cá nuôi đám đông trong một khu vực hoang vắng, Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ không bỏ lại những mẩu thức ăn còn dư lại trên mặt cỏ, nhưng thu gom chúng lại vào những cái thúng. Những mảnh vụn từ năm chiếc bánh mì lúa mạch thu lại được mười hai thúng đầy (Ga 15,12-23). Người đọc Thánh Kinh không biết rõ ai sẽ hưởng lợi từ việc thu gom thức ăn dư thừa nhưng rõ ràng việc tiết kiệm và để dành đã diễn ra.

Cuộc sống của Đức Giêsu phản ánh sự hiểu biết về nét phong phú trong thế giới tự nhiên. Qua Ngài, con người học được bài học biết trân trọng những gì đang có trong tầm tay, làm việc với và tận hưởng những gì cá nhân đang sở hữu, thay vì liên tục tìm kiếm những sự thừa thải hoặc xa xỉ. Đức Giêsu và đời sống đơn giản và phụ thuộc thiên nhiên truyền cảm hứng rất nhiều tới độc giả Kinh Thánh, để chúng ta áp dụng, thực hành và sống một cuộc sống ít lãng phí hơn.

 

4.2. Mối liên hệ với thiên nhiên

 

Kinh Thánh kể lại Đức Giêsu thường xuyên sử dụng chất liệu trong thiên nhiên để rao giảng Tin Mừng. Thí dụ, hình ảnh núi đồi di dời xuống biển trong Máccô 11,22-23, một minh họa về người có niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Dụ ngôn người gieo giống đi ra nương đồng reo hạt Lời Thiên Chúa. Có hạt rơi vào vệ đường, hạt rơi vào đất sỏi, hạt rơi vào bụi gai, hạt rơi vào đất tốt để rồi nẩy sinh ra nhiều hạt lúa mới (Mc 4,1-8). Cả bốn hình ảnh xuất hiện trong bài dụ ngôn người gieo giống đều là những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên. Dụ ngôn cây nho, Ngài là cây nho, và các người môn đệ là cành nho (Ga 15). Hình ảnh ẩn dụ của cây vả ba năm không trái trong Tin Mừng Luca 13,6-9 cũng là một hình ảnh của thiên nhiên. Đặc biệt nhất, Ngài làm tan biến cơn bão Biển Hồ (Mc 4,35-41), và đi trên mặt nước (Mt 14,22-32). Cả hai hình ảnh này đều là những biểu tượng sâu sắc về một nối kết thân mật giữa con người Giêsu và thiên nhiên.

Con người sinh thái Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở cỏ cây, mà thú vật cũng được Ngài mang vào trong những bài giảng. Ngài sử dụng hình ảnh đàn chiên một trăm con, một con đi lạc (Lc 15,4-7). Ngài là chủ chiên nhân lành (Ga 10). Ngài như gà mẹ ấp ủ đàn gà con (Mt 23,27).

Tất cả những thí dụ vừa đưa ra ở trên xác nhận mối liên hệ mật thiết của Đức Giêsu với thiên nhiên. Qua đó, nét đặc thù con người sinh thái của Ngài cũng được minh họa nổi bật. Hơn thế nữa, mối liên hệ này cũng trở thành một lời mời gọi con người của muôn thế hệ: hãy trân trọng và tôn trọng mạng lưới nối kết tất cả mọi sự sống trên Trái Đất.

 

4.3. Trách nhiệm với thiên nhiên

 

Không chỉ trân trọng, nhưng con người sinh thái Giêsu còn truyền tải ý tưởng rằng nhân loại có một trách nhiệm sâu sắc với tất cả mọi loại thụ tạo. Nguyên tắc này có thể được tìm thấy trong lời dạy của Ngài trong Kinh Thánh. Thí dụ, trước khi về trời, Ngài truyền cho các môn đệ phải đi rao truyền Tin Mừng không chỉ tới con người, nhưng tới muôn loài thụ tạo (Mc 16,15). Trong Tin Mừng Mátthêu 10,29, Đức Giêsu bàn đến sự hiểu biết sâu sắc của Chúa về chim sẻ, những sinh vật không có nhiều giá trị trong thước đo tài chánh của con người. Nhưng mặc dù một đôi chim sẻ giá trị chỉ khoảng một đồng xu, Thiên Chúa vẫn quan tâm đến chúng (Mt 10,29). Lời dạy này làm nổi bật tầm quan trọng của mọi hình thức của cuộc sống trong mắt Chúa. Người tín hữu do đó cũng phải quan tâm, chăm sóc để bảo vệ sự tồn vong của tất cả mọi sinh vật trong thiên nhiên. Quan điểm sinh thái xuất hiện trong lời dạy này của Đức Giêsu thách thức con người nhận thức, đồng thời thực hành nghĩa vụ đạo đức, để bảo vệ môi trường và đảm bảo sự sống cho thế hệ tương lai.

4.4. Kết nối với tự nhiên

 

Mối kết nối sâu sắc của Đức Giêsu với thiên nhiên là một thí dụ ấn tượng cho cuộc sống sinh thái. Ngài thường xuyên đi vào khu vực hoang vắng. Điều này làm nổi bật sự đánh giá cao của Ngài đối với thế giới tự nhiên, một khoảng không gian trầm lắng để suy tư, cầu nguyện và giao tiếp với Thượng Đế. Bằng cách tìm kiếm sự yên bình và kết nạp lại năng lượng qua thiên nhiên, Đức Giêsu trình bày vẻ đẹp sâu sắc và nét bồi dưỡng tinh thần được tìm thấy và cảm nghiệm trong môi trường tự nhiên. Những câu chuyện này làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Thiên Chúa và đời sống thiên nhiên do chính Ngài tạo dựng cho con người. Qua đó con người được truyền lại cảm hứng để đón nhận thiên nhiên như một nguồn cảm hứng tinh thần và tôn kính nét thánh thiêng của mọi dạng đời sống.

 

 

5.  Kết lun

 

Cuộc đời và lời dạy của Đức Giêsu đưa ra một con đường dẫn đến mô hình sống đời sinh thái dựa trên trách nhiệm, sự kết nối với tự nhiên, sự đơn giản và khiêm tốn, sự tôn trọng đối với tất cả sinh vật. Bằng cách nắm bắt những nguyên tắc này, chúng ta có thể tôn vinh ý muốn của Thiên Chúa về đời sống hòa hợp giữa con người và môi trường. Trong khi chúng ta tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng môi trường và kiến tạo ra một tương lai bền vững hơn, đời sống sinh thái của Đức Giêsu cung cấp một hướng dẫn sâu sắc để dẫn con người đến một thế giới sinh thái, nơi đó tất cả mọi sự sáng tạo của Thiên Chúa đều có khả năng phát triển trong sự cân bằng và phong phú.


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)