1.  Dn nhp

 

Một trong những vấn đề quan trọng nhất đang được Giáo Hội Công Giáo quan tâm là tình trạng khủng hoảng sinh thái đang đe dọa sư an sinh của nhân loại và môi trường thiên nhiên. Ngày nay, việc thúc đẩy nhận thức về môi trường, khuyến khích sự phát triển bền vững của hệ sinh thái và thực hiện sự bảo tồn các loài trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội, không chỉ là của một số tổ chức hay cá nhân đặc biệt. Bởi vì Giáo Hội Công Giáo là một phần quan trọng trên thế giới, các trách nhiệm nói trên cũng liên quan đến tất cả các thành viên trong Giáo Hội. Trải qua nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo và thần học trong Giáo Hội đã nỗ lực để đưa ra một quan điểm rõ ràng về vấn đề sinh thái, dựa trên sự hiểu biết về Kinh Thánh và các giáo huấn của Hội Thánh.

Hơn 50 năm trước đây, nhà sử học Lynn White Jr. đã viết một bài tiểu luận về truyền thống Do Thái - Kitô Giáo trên tạp chí Science (Khoa Học). Ông đã nêu lên luận điểm rằng, trong lịch sử loài người, đây là một tôn giáo với lối tư duy lấy con người làm trọng tâm (anthropocentric) nhất. Theo White, bởi vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa cho phép con người cai trị và làm bá chủ thiên nhiên (x. St 1,28), khiến cho con người trở nên độc tài, trần tục hóa thiên nhiên và lạm dụng tài nguyên môi trường một cách vô tội vạ. Vì thế, White cho rằng truyền thống Do Thái – Kitô Giáo chính là nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái ngày nay.[i]

Cho dù lời cáo buộc này có hợp lý hay không, nó cũng đã giáng một đòn mạnh vào Kitô Giáo. Bởi lẽ, lập trường của White đã được nhiều người chấp nhận, trong đó có cả giới học thuật, các chuyên gia nghiên cứu về đạo đức môi trường, cũng như các nhà hoạt động về xã hội và môi trường. Mặc dù đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ khi bài viết được phát hành, tuy nhiên, lời cáo buộc của White vẫn thường xuyên được đề cập như một quan điểm yêu cầu người Kitô Giáo phải cung cấp lời giải thích và thanh minh.

Hiện nay, vẫn còn nhiều nhận thức sai lầm hoặc thiếu hiểu biết về các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến vấn đề sinh thái. Một phần là do những hành động của một số tín đồ Công Giáo đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, thực tế là giáo huấn của Giáo Hội về môi trường rất phong phú và có thể tìm hiểu qua nhiều lăng kính khác nhau, kể cả thần học, Kinh Thánh, linh đạo, luân lý, v.v..

Trong bài viết này, tác giả muốn trình bày về tư tưởng của Giáo Hội về vấn đề sinh thái thông qua góc nhìn của chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo (CNNV.KTG - Christian humanism). Đây là một cách nhìn về môi trường có nền tảng trong nhiều tài liệu khác nhau của Giáo Hội, và đã được các vị giáo hoàng liên tục đề cập từ thời Công đồng Vatican II cho đến nay.

Trong bài viết này, tác giả sẽ đề xuất khái niệm ‘chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường’ (Catholic environmental humanism) dưới lăng kính nhân văn Kitô Giáo. Chủ nghĩa này bắt nguồn từ một chủ nghĩa nhân văn đã có từ lâu. Học thuyết này nhấn mạnh đến lời mời gọi cao quí dành cho mỗi cá nhân, đó là cố gắng hướng tới một đời sống nhân đức và trở thành những tác nhân không chỉ sống trong xã hội mà còn hành động để hướng tới cuộc sống hài hòa với Thiên Chúa, nhân loại, và toàn thể vũ trụ. Chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường đề cao giá trị của sự tôn trọng và bảo vệ hệ sinh thái – một phần trong công trình sáng tạo vĩ đại của Thiên Chúa – như một yếu tố cốt lõi của sự trân trọng và bảo vệ sự sống con người. Ngoài ra, chủ  nghĩa này còn đề cao sự công bằng và sự tôn trọng đối với tất cả các dạng sống trong môi trường thiên nhiên xung quanh chúng ta.

 

 

2. Tìm hiu ch nghĩa nhân văn Kitô Giáo

 

2.1. Sự nảy sinh chủ nghĩa nhân văn thế tục

 

Thánh Irênê là một giám mục và nhà thần học sống vào thế kỷ thứ II tại thành phố Lyon đã nói rằng: “Vinh quang của Thiên Chúa là một con người sống trọn vẹn cuộc sống của chính họ”. Quan điểm này của thánh nhân xuất phát từ nền tảng Phúc Âm, bởi Chúa Giêsu đã công bố rằng mục đích Ngài đến thế gian là để cho nhân loại “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Những lời này tôn vinh mục đích của CNNV.KTG, đó là giúp con người nhìn thấy vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa, đồng thời trải nghiệm chúng một cách trọn vẹn và thực tế trong cuộc sống của mỗi người.

Một số câu hỏi cần phải được đặt ra là: Sống trọn vẹn và thực sự có nghĩa là gì? Liệu thái độ và hành vi của con người đối với Thiên Chúa, đồng loại và vạn vật có thể phản ánh điều đó như thế nào? Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm chủ nghĩa nhân văn (humanism) được hiểu bởi các nhà tư tưởng Công Giáo trong nhiều thế kỷ và khái niệm phát triển từ thời kỳ Khai Sáng vào cuối thế kỷ 17.

Khi nói về chủ nghĩa nhân văn, đây là một khái niệm đã tồn tại lâu trước khi tư tưởng tự do lên ngôi và giải thích hoàn cảnh nhân loại thông qua quan điểm thuyết lý, thế tục và tự nhiên. Thực ra, khái niệm này không phải là phát minh của phong trào nhân văn thế tục (secular humanism). Chính nhà nhân văn học thế tục Nicolas Walter đã nhìn nhận một cách chính xác rằng, mặc dù ngày nay từ ‘humanism’ đang được nhiều người gắn kết với chủ nghĩa tư duy mang tính trần tục, nhưng trên thực tế, nó đã, đang và sẽ được nhiều người sử dụng theo những cách khác nhau. Bên cạnh đó, hầu hết các cách dùng từ này đều bao hàm cả ý nghĩa tôn giáo.[ii] Ngày nay, thuyết nhân văn còn được áp dụng cho các truyền thống tôn giáo khác như Phật Giáo, Nho Giáo và Hồi Giáo.

Thuật ngữ ‘chủ nghĩa nhân văn’ bắt nguồn từ một từ trong tiếng Latinh, humanitas. Từ này chỉ về một con người văn minh, có học thức, ngược lại với sự dã man, mọi rợ.[iii] Một nhà nhân văn (humanist), như từ được sử dụng trong thời Trung Cổ tại Châu Âu khi thuật ngữ này được tạo ra, là người đã hưởng lợi từ một quá trình giáo dục bao gồm ngôn ngữ và văn học. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, họ thường tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực này như một học giả hoặc nhà giáo dục.[iv] Một người như vậy sẽ được xem như là mang tính liêm chính đạo đức và xã hội; họ đã thể hiện trọn vẹn tính chất của một con người đích thực.[v]

Khi thuật ngữ ‘nhà nhân văn học’ (humanist) xuất hiện trong tiếng Anh vào thế kỷ thứ 16, nó thường được sử dụng để chỉ đến một nhà ngữ pháp học hoặc nhà văn học, hoặc một người cống hiến bản thân cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến con người. Mặc dù chủ nghĩa nhân văn nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục, nhưng nó luôn được phát triển trong bối cảnh của Kitô Giáo và niềm tin vào Thiên Chúa. Mãi đến cuối thế kỷ 19, học thuyết chủ nghĩa nhân văn mới bắt đầu chứa đựng ý niệm phản đối tôn giáo. Lối tư duy mới này miêu tả con người như những sinh vật có lý trí không liên quan đến những nguyên tắc hoặc khái niệm về con người chứa đựng trong lĩnh vực thần học.[vi]

Sau đó, vào những năm tiếp theo, các triết gia như Ludwig Feuerbach và Arnold Ruge tiếp tục tìm cách loại bỏ các chiều kích Kitô Giáo ra khỏi chủ nghĩa nhân văn, do đó chủ nghĩa này ngày càng trở nên độc lập hơn với tôn giáo. Sự lên ngôi của chủ nghĩa nhân văn cũng được ủng hộ bởi chủ nghĩa chứng thực chống tín ngưỡng của Auguste Comte. Triết gia này đã thúc đẩy phong trào thay thế niềm tin vào Thiên Chúa bằng việc tập trung vào con người. Tuy nhiên, trước những biến đổi sâu sắc trong lối tư duy của nhân loại thời hiện đại, tôn giáo vẫn phần nào duy trì được vị trí của mình trong đời sống và tư duy của những người đi theo chủ nghĩa nhân văn.

Mãi cho đến nửa sau của thế kỷ 20, chủ nghĩa nhân văn mới hoàn toàn tách ra khỏi tôn giáo. Nhà giáo dục học Harold Blackham đã phản ánh điều này trong lời phát biểu của ông rằng chủ nghĩa nhân văn đóng vai trò như một “sự thay thế cho tôn giáo”. Blackham đã khẳng định rằng chủ nghĩa nhân văn bắt nguồn từ “giả định rằng con người tồn tại trong chính họ và cuộc sống này là tất cả đối với họ. Theo giả định này, con người có trách nhiệm đối với cuộc sống của chính họ và của toàn thể nhân loại”.[vii] Có thể nói đây là não trạng phản ánh chính xác tính chất của chủ nghĩa nhân văn thế tục trên thế giới ngày nay.

 

2.2. Sự duy trì và phát triển của chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo

 

Bất chấp sự nảy sinh của một chủ nghĩa nhân văn hoàn toàn đi ngược với tôn giáo, nhưng suốt lịch sử và đến thời hiện đại, các nhà tư tưởng Công Giáo vẫn khẳng định rằng chủ nghĩa nhân văn có nguồn gốc đích thực từ tôn giáo và niềm tin vào Thiên Chúa. Khái niệm về con người trong chủ nghĩa này lấy nguồn cảm hứng từ con người Chúa Giêsu Kitô như là một gương mẫu hoàn hảo. Hiện nay, CNNV.KTG vẫn giữ vị trí quan trọng của nó thông qua những giáo huấn sống động của Giáo Hội.

 Nếu chúng ta xét về thời điểm xuất hiện, chủ nghĩa nhân văn hiện đại có thể coi là bắt nguồn từ thời đại Phục Hưng. Tuy nhiên, CNNV.KTG lại có một di sản lâu đời và phong phú, bắt nguồn từ những ngày đầu của Kitô Giáo.[viii] Các giáo phụ như Clêmentê ở Alexanđria, Ambrôsiô, Augúttinô ở Híppô, và Giêrôm đã đại diện cho những nhà học giả uyên bác nhất trong thời đại của họ. Các tác phẩm của các vị này đã trở thành những nguồn tài liệu quan trọng trong việc phát triển giáo dục nhân văn. Quyển sách De Doctrina Catholica (Giáo Huấn Công Giáo) của thánh Augúttinô cùng với kỹ năng hùng biện của ngài đã truyền cảm hứng cho nền giáo dục thời Trung Cổ. Nó cũng là một phần trong chủ trương thời bấy giờ nhằm phục hồi truyền thống Kitô Giáo cổ đại bằng cả tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh.[ix]

CNNV.KTG tiếp tục được thúc đẩy trong thời hiện đại, điển hình là triết lý của triết gia người Pháp Jacques Maritain (1882-1973). Maritain khẳng định rằng CNNV.KTG giúp cho con người phát triển toàn diện bằng cách không chối bỏ chiều kích tâm linh của cuộc sống và “không đặt giới hạn a priori cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người”. Quan điểm nhân loại học này, trong đó con người đưa mình đến với thần linh và siêu lý, là điểm khác biệt giữa nhân văn Kitô Giáo và những gì Maritain gọi là “nhân văn trung tâm loài người” (anthropocentric humanism), trong đó con người trở thành “trung tâm của chính họ, và do đó là trung tâm của mọi thứ”.[x] Khi con người đặt bản thân làm trung tâm, thì không còn chỗ cho Thượng Đế hay những điều siêu nhiên. Ngược lại, CNNV.KTG dẫn đến “khám phá một ý nghĩa sâu sắc và toàn diện hơn về phẩm giá của con người, để con người tìm lại chính mình trong Thiên Chúa, và dẫn dắt công việc xã hội đến một lý tưởng anh hùng về tình yêu huynh đệ.”[xi]

Chủ nghĩa nhân văn toàn diện (integral humanism) của Maritain tìm thấy sự liên tục và cộng hưởng trong cá nhân chủ nghĩa đạo đức (personalism) của Louis Janssens. Theo Janssens, con người là một tổng thể phức tạp, trong đó giá trị của một con người được nhận biết thông qua chính hành động của họ trong cuộc sống.[xii] Thay vì chỉ là một cá nhân độc lập tồn tại trong không gian và thời gian, con người được tạo thành từ cả những thành phần vật chất và tinh thần, và có thể dẫn đến việc hướng tới Thiên Chúa và những người khác thông qua các mối quan hệ tự do, yêu thương, hợp tác và tương trợ. Vì vậy, sự thực hiện bản thân hoặc trở thành người đích thực được đạt được trong quá trình gặp gỡ với những người khác trong một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, tự do và tình cảm, thay vì sự chiếm đoạt hay khai thác người khác để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Có thể nói rằng tư tưởng của Maritain và Janssens đã ít nhiều tác động đến giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Cái nhìn của họ về CNNV.KTG có thể thấy được trong Hiến chế về mục vụ Gaudium et Spes (GS), là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng Vatican II.[xiii] Theo diễn giải của Giáo Hội, nhân văn Kitô Giáo liên kết chặt chẽ với con người của Đức Kitô, Đấng đã khôi phục lại cho nhân loại tất cả những gì đã đánh mất do tội lỗi của Adam.

 

Chúa Kitô, Adam mới, đã mặc khải cho con người về chính bản thân họ và tỏ cho con người lời mời gọi cao cả của Ngài. Ngài là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), chính Ngài là con người hoàn hảo. Ngài đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm hư mất. Bản tính nhân loại mà Ngài mặc lấy không hề bị tiêu diệt nhưng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Con Thiên Chúa khi nhập thể đã kết hợp tất cả loài người nên một. Đức Kitô đã được sinh bởi Đức trinh nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. (GS, số 22)

 

Do đó, sự phát triển về mặt đạo đức, xã hội và tâm linh của con người phải được đo lường dựa trên chính con người Chúa Kitô, Đấng là khuôn mẫu hoàn hảo của tất cả các khía cạnh này. Bởi vì chính Chúa Kitô đã nhập thể trong thân phận con người, loài người không còn là nô lệ của tội lỗi hay than khóc về sự bất trung của mình nữa, nhưng có thể hướng tới một thân phận cao quý hơn thông qua sự kiện lịch sử phi thường này. Sự nhập thể của Chúa Kitô cũng giúp con người có thể kết hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người và mong muốn tất cả mọi người trở nên một gia đình (x. GS, số 24).

Nếu con người nhận thức được món quà đặc biệt mà Chúa Giêsu đã ban tặng cho họ, họ sẽ hiểu được rằng thân phận con người rõ ràng chỉ có thể nhận biết một cách đầy đủ qua việc mỗi người là “một món quà chân thành của chính mình” (GS, số 24). Do đó, CNNV.KTG được định nghĩa bằng “việc nhân loại trưởng thành trên bình diện tinh thần và luân lý” và được đặc tả “bằng trách nhiệm của chính mỗi người với anh em mình và với lịch sử” (GS, số 55). Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng chính Chúa Kitô “có thể ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình” (GS, số 10).

 Công đồng Vatican II đã đặt Chúa Kitô đứng ở vị trí trung tâm trong CNNV.KTG, và điều này đã được các giáo hoàng kế tiếp khẳng định mạnh mẽ hơn cho đến ngày nay. Trong Thông điệp Populorum Progressio (PP - Phát triển các dân tộc),[xiv] Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố rằng chỉ khi sự phát triển toàn diện của con người hướng về Chúa Kitô thì nó mới có thể “thăng tiến tất cả mỗi người và toàn thể nhân loại” (PP, số 14). Ngài đã viết: “Nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô là suối nguồn của sự sống, con người mới đạt đến sự hoàn thiện mới về bản thân mình, đến một chủ nghĩa nhân bản siêu việt mang lại cho con người sự hoàn thiện tột độ: Đây là mục tiêu tối hậu của sự phát triển con người” (PP, số 16).

Tương tự, trong bức thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (RH - Đấng Cứu Chuộc con người),[xv] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng chủ nghĩa nhân văn thực sự chỉ có thể trở nên hiện thực khi được kết nối với Chúa Kitô và công cuộc cứu độ thông qua thập giá, cái chết và sự phục sinh của Ngài (x. RH, số 10). Khi mối liên kết mà Chúa Kitô đã thiết lập thông qua mầu nhiệm Phục Sinh bị phá vỡ, không chỉ loài người mà cả thế giới bị tổn thương. Theo Đức Gioan Phaolô II, việc từ chối Chúa Kitô chỉ dẫn đến kết quả vô nghĩa, được thể hiện qua việc tàn phá môi trường, xung đột vũ trang và coi thường sự sống (x. RH, số 8). Tuy nhiên, sự kết hợp với Chúa Kitô – Đấng Cứu Thế – giúp con người vượt qua hệ lụy của tội lỗi, đong đầy trái tim bằng công lý và thể hiện những phẩm chất cao quý của bản chất con người (x. RH, số 9).

Giống như Hiến chế Gaudium et Spes, Đức Gioan Phaolô II đã công nhận và khẳng định rằng sức đẩy đạo đức chứa đựng trong chủ nghĩa nhân văn mà trung tâm điểm là Chúa Kitô được bộc lộ qua sự phục vụ khiêm nhường. Ơn gọi của Kitô hữu được mô tả như là một ơn gọi ‘vương đế’, bởi vì họ chia sẻ sứ mệnh vương đế của chính Chúa Kitô. Tuy nhiên, ơn gọi này không ủng hộ cho việc thực thi sự ngạo mạn và tính thống trị, mà là theo tấm gương công chính của Chúa Kitô, Đấng “đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ” (Mt 20,28).

Đối với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chức vụ vương đế đích thực xuất phát từ việc làm chủ bản thân thông qua việc trưởng thành cá nhân trong đời sống nhân đức cũng như thiêng liêng. Sự trưởng thành này hình thành từ việc thể hiện chuyên cần vai trò của một người tôi tớ đích thực. Sự kết hợp giữa vương quyền và tôi tớ đã làm nảy sinh ra nguyên tắc ‘phục vụ có tính chất vương đế’ vốn “áp dụng cho mỗi người chúng ta theo gương mẫu của Đức Kitô. Nghĩa vụ này đòi hỏi chúng ta đáp trả lại ơn gọi của mình một cách chính xác những điều chúng ta được kêu gọi để làm hay là những điều chúng ta có trách nhiệm phải làm nhờ bởi những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban tặng cho ta” (RH, số 21).

Là người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã lên án bất kỳ chủ nghĩa nhân văn nào dám tước bỏ chiều kích về Thiên Chúa, và cho đó là “vô nhân văn”. Ngài đã viết trong phần kết của thông điệp Caritas in Veritate (CV - Bác ái trong chân lý)[xvi] như sau:

 

Một nền nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một nền nhân bản vô nhân tính. Chỉ có nền nhân bản nào khai mở cho Đấng Tuyệt Đối mới có thể hướng dẫn chúng ta trong việc thăng tiến và hiện thực những hình thức sống mang tính xã hội và dân sự trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hóa và đạo đức. Đồng thời, điều này giúp chúng ta tránh những nguy hiểm trở thành nô lệ cho những trào lưu hiện hành. (CV, số 78)

 

 

3.  Nguyên do ca cuc khng hong sinh thái dưới nhãn quan ca ch nghĩa nhân văn Kitô Giáo

 

Giáo huấn của Công đồng Vatican II và các triều đại giáo hoàng cũng như các nhà tư tưởng Công Giáo có ảnh hưởng đã làm sáng tỏ rằng CNNV.KTG nhằm giúp cho con người đạt tới sự phát triển toàn diện và có một đời sống đức hạnh hướng đến việc phục vụ người khác. Sự tập trung vào con người trong CNNV.KTG không có nghĩa là con người đặt mình lên trên hết, tập trung vào bản thân và sự hoàn thiện của mình mà hoàn toàn mù quáng không quan tâm đến sự phát triển và lợi ích của người xung quanh.

Đối với những quan tâm về môi trường sinh thái, CNNV.KTG hướng tới sự chuyển đổi tâm linh và tinh thần cần thiết để chống lại xu hướng khai thác và lạm dụng quyền lực dẫn đến suy thoái sinh thái. Từ quan điểm CNNV.KTG, khủng hoảng sinh thái không chỉ là một vấn đề về môi sinh mà còn là một vấn đề liên quan đến sự phát triển con người. Đức Bênêđíctô XVI đã lập luận rằng cuộc khủng hoảng sinh thái phản ánh một khiếm khuyết trong “sinh thái con người” (human ecology). Khi hệ sinh thái nhân văn bị xáo trộn với sự xuống dốc của các nhân đức, thiếu tôn trọng sự sống và đánh mất lương tâm, thì hệ sinh thái môi trường cũng hứng lấy những thiệt hại xảy ra từ trình trạng này (x. CV, số 51).

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho tình trạng suy yếu này của hệ sinh thái nhân văn là “nền văn hóa của sự chết”.[xvii] Nó hủy hoại cuộc sống con người trên bình diện xã hội và cũng được thể hiện trong “sự hủy hoại môi trường một cách thiếu suy nghĩ”.[xviii] Đối với Đức Gioan Phaolô II, nền văn hóa của sự chết được hỗ trợ bởi một “cấu trúc tội lỗi thật sự”. Cơ cấu này không chỉ được nhìn thấy qua sự thiếu tôn trọng đối với cuộc sống con người ở mọi giai đoạn mà còn thiếu sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Tình trạng này được phản ánh trong “lối suy nghĩ mang tính khoa học và kỹ thuật đang được phổ biến trong nền văn hóa ngày nay. Nó loại bỏ ý tưởng rằng chân lý của sự sáng tạo phải được thừa nhận, hay kế hoạch của Thiên Chúa cho sự sống cần được tôn trọng”.[xix]

Tình trạng thiếu hòa bình, ngoài việc phát sinh từ các xung đột khu vực, phá thai, nghèo đói và những vấn đề tương tự, còn xuất phát từ việc cướp bóc tài nguyên thiên nhiên.[xx] Tương tự như các vấn đề xã hội khác, khủng hoảng sinh thái là một vấn đề đạo đức phản ánh mối quan hệ bất hòa giữa con người và Thiên Chúa. Trong Thông điệp Centesimus Annus (CA- Bách chu niên),[xxi] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chẩn đoán nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng sinh thái là một “lỗi nhân chủng học” (anthropological error) lan rộng gây hại cho xã hội loài người.

 

Con người khám phá ra khả năng của mình để thay đổi, và theo một nghĩa nào đó, họ tiếp tục sáng tạo ra thế giới thông qua công việc của mình. Họ quên rằng điều này luôn luôn phải cậy dựa vào Thiên Chúa trước tiên, vì Ngài là nguồn gốc của mọi vật như vốn có của nó. Con người nghĩ rằng mình có thể sử dụng Trái Đất một cách tùy ý, làm chủ muôn loài mà không bị bất cứ điều gì ngăn cản việc họ thực hiện ý muốn của mình. Tuy nhiên, Trái Đất được Thiên Chúa ban cho những điều kiện cần thiết và ưu tiên để thực hiện một mục đích nào đó, nên thực sự, con người có thể phát triển nhưng không được phụ bạc nó. Thay vì thực hiện vai trò là người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo, con người tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Họ thống trị thiên nhiên thay vì quản lý nó, và do đó, kết cục là họ gây ra một cuộc nổi loạn từ phía thiên nhiên. (CA, số 37)

 

Do đó, nỗ lực giải quyết khủng hoảng sinh thái phải tiến hành từ nỗ lực “bảo vệ các điều kiện đạo đức cho một ‘hệ sinh thái con người’ đích thực”, cho phép con người “tôn trọng cấu trúc tự nhiên và cấu trúc đạo đức mà họ đã được Thiên Chúa ban tặng” (CA, số 38). Nguyên tắc cơ bản của một hệ sinh thái nhân văn tốt nhằm thúc đẩy phẩm giá con người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định và thảo luận rộng rãi trong thông điệp về môi trường Laudato Si’ (LS),[xxii] chứng tỏ điều này không thể tách rời khỏi bất kỳ cuộc thảo luận nào về sinh thái tự nhiên.

Trong thông điệp, Đức Phanxicô đã chỉ rõ:

 

Sự tàn phá sinh thái con người là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ vì Thiên Chúa đã giao phó thế giới cho chúng ta, nhưng vì sự sống của con người tự nó là một món quà cần được bảo vệ khỏi nhiều hình thức xâm hại khác nhau. Mọi nỗ lực để bảo vệ và cải thiện thế giới của chúng ta đều kéo theo những thay đổi sâu sắc về ‘phong cách sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ, và các cấu trúc quyền lực đã được thiết lập để điều hành xã hội ngày nay.’ Sự phát triển đích thực của con người…. đòi hỏi sự tôn trọng đầy đủ đối với con người, nhưng con người cũng phải quan tâm đến thế giới xung quanh và ‘tính đến bản chất của mỗi sinh vật và sự kết nối lẫn nhau của chúng trong một hệ thống có trật tự.’ (LS, số 5)

 

Những điều mà CNNV.KTG nhấn mạnh như đã được nhiều vị giáo hoàng mô tả, và được người viết trích dẫn cho đến nay là một nhu cầu trong việc tiếp cận quá trình phát triển nói chung, và giải quyết khủng hoảng sinh thái nói riêng với một “tầm nhìn toàn diện và tích hợp hơn”, tính đến cả hai mặt xã hội lẫn tự nhiên của thực tại (x. LS, số 141).

Việc thiếu “chủ nghĩa nhân văn chân chính và sâu sắc” cuối cùng sẽ khiến các cơ chế xã hội, chính trị, kinh tế và khoa học trở nên vô hiệu, cho dù chúng có được tư duy tốt đến đâu (x. LS, số 181). Việc phối hợp và tập hợp nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau là chưa đủ, nếu nỗ lực đó không được thúc đẩy bởi một chủ nghĩa nhân văn có thể nắm bắt một tầm nhìn toàn diện hơn về thực tại.

4.  Hướng ti mt ch nghĩa nhân văn Công Giáo v môi trường

 

Theo ý kiến của tác giả, những trình bày về chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trên là cơ sở vững chắc để chúng ta có thể hình thành một ‘đạo đức môi trường Công Giáo’ (Catholic environmental ethic). Bởi vì đạo đức này được đặt trên nền tảng của CNNV.KTG, chúng ta có thể đặt tên cho nó là ‘chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường’ (Catholic environmental humanism).

Từ góc nhìn của khái niệm này, giáo huấn của Giáo Hội không chấp nhận bất kỳ đặc điểm nào xem con người là trung tâm của vũ trụ. Trước hết, mặc dù giáo huấn Công Giáo khẳng định vị thế cao quý của con người trong trật tự tạo dựng, nhưng nhân loại luôn phải nhận thức rõ thân phận thụ tạo nhỏ bé của mình so với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Kinh Thánh khẳng định rằng cuộc sống của mỗi người rất mong manh và dễ vỡ như đóa hoa sáng nở chiều tàn. Cho dù có đẹp tới đâu thì nó cũng có thể bị thổi bay chỉ bởi một cơn gió thoảng qua (x. Tv 103,15-16; 1 Pr 1,24). Con người cũng được nhắc nhở về thân phận của mình vốn từ tro bụi mà ra và sẽ trở về tro bụi (x. St 3,19; Gv 3,20; Tv 103,14).

Với những lời khuyên thẳng thắn về thân phận con người như vậy, bất cứ ai hiển hiện sự kiêu ngạo trước mặt Thiên Chúa và thế giới đều đang tự lừa dối bản thân. Sớm hay muộn, họ sẽ tự hủy hoại chính mình bởi lòng tự cao và kiêu căng. Biện pháp phòng ngừa chống lại sự tự cao tự đại cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn con người xem vạn vật như là những công cụ nhằm thỏa mãn nhu cầu ích kỷ của con người. Theo quan điểm này, các loài thụ tạo chỉ có giá trị khi chúng phục vụ cho con người trong các mục đích như cung cấp dinh dưỡng, giải trí, hoặc tạo bối cảnh cho những bức ảnh đẹp để chia sẻ trên mạng xã hội.

Chủ nghĩa Công Giáo về môi trường đưa ra một thách thức đối với suy nghĩ thông thường bằng cách khẳng định rằng con người không có nhiệm vụ hay quyền định đoạt giá trị cho các loài thụ tạo. Thậm chí, con người cũng không có quyền định đoạt giá trị của chính mình, bởi nhiệm vụ cao cả đó thuộc về chính Thiên Chúa. Thực tế là, giá trị tuyệt đối của tất cả các loài thụ tạo đã được Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa xác định từ thời khắc sơ khai của sự sáng tạo. Các vị Giáo Phụ trong Giáo Hội cũng đã đề cập đến sự thật này khi nói về giá trị của các loài thụ tạo.[xxiii]

Trong cuốn Nature of the Good (Bản chất của điều tốt đẹp), thánh Augúttinô thành Híppô đã chỉ ra rằng có “những điều tốt đẹp chung chung (generic good) có thể tìm thấy được ở muôn loài mà Thiên Chúa đã dựng nên, cho dù trong linh hồn hay thân xác”. Khi suy ngẫm về đoạn sách Sáng Thế chương 1, John Chrysostom đã xác nhận rằng một khi Thiên Chúa đã quả quyết rằng mọi loài thụ tạo đều tốt đẹp, thì đừng ai dám tuyên bố ngược lại một cách khờ khạo. Thánh Chrysostom còn nhận xét rằng, dĩ nhiên, trong các loài mà Thiên Chúa tạo dựng, không phải loài nào cũng đẹp hay bổ ích theo sự lượng giá của con người. Nhưng giá trị của chúng hoàn toàn không lệ thuộc vào sự lượng giá của con người, mà do bởi Thiên Chúa ban tặng. Vì thế, thánh Tôma Aquinô đã khẳng định rằng muôn loài có giá trị bởi vì tất cả đều có Thiên Chúa là nguồn gốc tối cao cho sự tồn tại của chúng. Mỗi loài tốt đẹp bởi vì nó hoạt động theo cách mà Thượng Đế đã định đoạt cho nó.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thể hiện sự đồng thuận với ý niệm này khi ngài bày tỏ: “Rõ ràng, Kinh Thánh không có chỗ cho chủ nghĩa con người là trung tâm mang tính tàn bạo, không quan tâm gì đến các loài thụ tạo khác” (LS, số 68). Chủ nghĩa lấy con người là trung tâm thể hiện sự hiểu biết sai lầm về giá trị và phẩm giá của muôn loài cũng như mối quan hệ đúng đắn giữa con người và các loài thụ tạo. Thế nên, điều này đã dẫn đến việc con người sử dụng không đúng hoặc lạm dụng món quà tạo hóa mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta (x. LS, 115). Thói quen này đã gây ra sự thoái hóa trong các mối quan hệ giữa con người và con người cũng như phá vỡ sự hài hòa trong xã hội. Vì thế, chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường chỉnh sửa một lỗi lầm mang tính nhân chủng học – đó là não trạng vốn phân rẽ mối liên hệ giữa con người với con người cũng như giữa con người với thiên nhiên.

Ngoài ra, não trạng này cho rằng giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên có mối tương quan mang tính đối kháng và thống trị. Nếu như trong xã hội, chúng ta thấy các cá nhân và nhóm người chứng tỏ sức mạnh của mình bằng cách chinh phục và thống trị các thành viên yếu hơn trong gia đình nhân loại, thì hiện tượng này cũng nhìn thấy trong mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Đối với thiên nhiên, con người luôn nỗ lực khẳng định quyền lực của mình thông qua việc khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên thay vì thể hiện vai trò chăm sóc và quản lý các loài thụ tạo với tinh thần trách nhiệm. Mất cân bằng xã hội và suy thoái hệ sinh thái là hệ quả của những hành vi xuất phát từ não trạng và hành động đối kháng thay vì thiện chí và sự quan tâm đến lợi ích chung.  

         Chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường công nhận vị trí chính đáng của con người trong trật tự sáng tạo cũng như đưa con người vào việc đảm nhận vai trò quan trọng trong việc chăm sóc công trình sáng tạo. Tuy nhiên, tri thức của con người có được không phải hoàn toàn do công họ gầy dựng nên, nhưng họ cũng được lĩnh hội nhờ ơn Thiên Chúa mặc khải cho. Thiên Chúa là nguồn đích thực của tri thức và là nguồn cội của những gì tốt đẹp. Vì thế, con người không đơn giản làm cho mọi thứ xuất hiện dựa vào khả năng trí tuệ của riêng mình, nhưng họ còn phải cậy dựa vào sự linh hứng của Thiên Chúa, Đấng mặc khải cho họ phải làm như thế nào để có thể nhìn thấy và hiểu thấu thế giới xung quanh.

Trong lĩnh vực đạo đức môi trường có một số chủ thuyết môi trường, đặc biệt là khái niệm sinh thái học bề sâu (deep ecology) hoặc chủ nghĩa trung tâm sinh học (biocentrism), đã làm suy giảm hoặc loại bỏ giá trị và vị trí của con người trong hệ sinh thái. Trong các mô hình này, con người chỉ đại diện cho một nhánh cây nhỏ bé trên cây cổ thụ to lớn của quá trình tiến hóa. Mặc dù khái niệm này giúp cho con người có cái nhìn tổng quát về vị trí của mình trong toàn thể vũ trụ rộng lớn cũng như sự liên kết với các dạng sống khác, nhưng với cách nhìn này, sự ưu tiên và trách nhiệm của con người trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái dường như không được coi trọng. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường tái khẳng định vai trò và trách nhiệm chính đáng của con người trong cuộc khủng hoảng sinh thái. Như Đức Phanxicô đã lập luận rằng: “Không thể trông mong con người đảm nhận trách nhiệm với thế giới nếu không công nhận và đánh giá đúng khả năng hiểu biết, ý chí, tự do và trách nhiệm độc đáo của họ” (LS, số 118).


Cho dù chủ nghĩa môi trường lấy con người là trung tâm hoặc lấy thiên nhiên làm trung tâm đều không thực tế vì cả hai hệ thống tư duy đều sử dụng những nguyên tắc siêu hình học (metaphysical) và bản thể học (ontological) lệch lạc. Cả hai mô hình đều đặt con người và thiên nhiên vào mối quan hệ đối kháng, có khi là kẻ thù của nhau.

Trong mô hình này, hoặc con người kiểm soát thiên nhiên và thực hiện quyền kiểm soát tự do với thiên nhiên theo ý muốn của mình, hoặc con người trở thành một phần của thiên nhiên như một điểm nút bé nhỏ trong toàn bộ cõi hiện sinh. Cả hai chủ thuyết trên dường như không tha thiết gì đến việc xem xét làm thế nào để con người có thể hiểu và ý thức rằng bản thân họ là chủ thể có giá trị, đồng thời có nghĩa vụ thích đáng đối với thiên nhiên.

Ngược lại với hai mô hình trên, chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường sử dụng mô hình siêu hình học lấy Thượng Đế làm trung tâm (theocentrism) bao gồm ba vế: Thượng Đế, con người


và thiên nhiên.

Theo khái niệm này, con người lẫn thiên nhiên được đặt dưới sự tạo hóa và quan phòng của Thiên Chúa. Người chỉ đạo và tạo điều kiện cho mối quan hệ tương trợ và nâng đỡ lẫn nhau giữa các loài thụ tạo. Ngoài ra, Thiên Chúa cũng yêu thương và chăm sóc các loài thụ tạo mà chính Người đã dựng nên. Vì chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường đặt Thiên Chúa trên cả con người và vạn vật nên chủ nghĩa này thúc đẩy một sự nhận thức về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên mang tính ‘anh em’ cùng một vị Cha (Mẹ) chung. Sự nhận thức này ủng hộ việc xây dựng một nền luân lý đạo đức trong việc quản lý hệ sinh thái vốn loại bỏ các khuynh hướng bóc lột và hủy hoại thiên nhiên cách bừa bãi.

Nhiều học giả Kinh Thánh đã khẳng định rằng chúng ta không thể sử dụng mệnh lệnh của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế 1,28 để biện minh cho sự thống trị tuyệt đối của con người đối với thiên nhiên. Cách hiểu biết như vậy là giải thích sai hoàn toàn chủ ý của tác giả Kinh Thánh và ý định của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lẫn Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I đều có đồng quan điểm rằng, bất cứ tín hữu nào đối xử với các loài thụ tạo theo cách thức trên, cần phải xưng thú tội thống trị và bóc lột môi trường thiên nhiên bởi vì hành động của họ vi phạm đến luật của Thiên Chúa. Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tội lỗi không chỉ được biểu hiện rõ ràng trong các động thái chiến tranh, bạo lực, cưỡng bức, và ức hiếp kẻ yếu đuối mà còn trong “hành động tàn phá thiên nhiên” (LS, số 66).

Cuối cùng thì những điều mà chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường hướng tới, đó là giúp đỡ loài người phát triển tâm linh dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa họ với Đức Kitô. Đức Kitô chính là Đấng Cứu Độ của nhân loại, Đấng mặc khải khả năng tiềm ẩn của con người, Đấng là thước đo sự tiến bộ và hoàn thiện của con người. Sự phát triển tâm linh của con người cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, ngay cả giữa con người với tất cả các loài thụ tạo.

Đạo đức môi trường được truyền cảm hứng bởi đạo đức cá nhân của những nhà tư tưởng Công Giáo nổi tiếng như Maritain và Janssens, khẳng định rằng sự không quan tâm đến hệ sinh thái phản bội tính cách con người chân thật và gây hại đến mục tiêu của họ trong việc đạt tới sự phát triển và hoàn thiện cá nhân. Nói cách khác, chăm sóc các loài thụ tạo là một phần không thể thiếu của triết lý nhân văn đích thực. Chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường mà người viết đề xuất trong bài viết này là một biểu hiện hợp lý hướng đến việc xây dựng các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhằm đạt được sự hòa hợp xã hội, sự thịnh vượng cá nhân cùng với môi trường sinh thái.

 

 

5. Kết lun

 

Bài viết này cho thấy chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo là một học thuyết vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống đạo đức về môi trường. Trong bài viết, tác giả đã đề xuất khái niệm ‘chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường’ dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội về môi trường. Điều này cho thấy rằng sự quan tâm của Giáo Hội về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta không phải là một việc tách rời khỏi cách nhìn toàn diện và sâu sắc của Giáo Hội về toàn thể vũ trụ và sự hiện sinh trong mối tương quan với Thiên Chúa. Vì thế, các tín hữu cần phải ý thức rằng các giáo huấn về môi trường không thể bị phớt lờ hoặc cho là những vấn đề không liên quan đến đời sống hoặc thuộc mối quan tâm đúng đắn của người Công Giáo. Ngược lại, việc chăm sóc các loài thụ tạo chính là một phần thiết yếu trong căn tính cũng như việc giữ đạo và sống đạo của một tín hữu, giúp chính họ, người khác và các loài thụ tạo đạt tới một sự sống viên mãn và ý nghĩa.

Ngày nay việc đối thoại liên tôn là một hoạt động thiết yếu trong việc giải quyết các vấn nạn trong xã hội. Giáo Hội Công Giáo luôn tích cực đối thoại và hợp tác với nhiều tôn giáo, cũng như các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội dân sự khác nhau nhằm thúc đẩy việc xây dựng một thế giới công lý và hòa bình. Đối với lĩnh vực chăm sóc môi trường sinh thái là một thách đố có nhiều tác động đến sự an sinh và phồn thịnh của nhân loại cũng như thiên nhiên, thiết nghĩ Giáo Hội cần tích cực đóng góp tiếng nói của mình qua việc trình bày những ý kiến như đã được khẳng định trong chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo lẫn chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường. Điều này sẽ giúp làm phong phú thêm cuộc đối thoại, gợi lên những nguồn cảm hứng mới để đối phó với những khó khăn của thời đại và góp phần khắc phục vấn đề nan giải cho toàn thế giới.



[i] Lynn White Jr., “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis,” Science 155, no. 3767 (1967): 1205.

[ii] Nicolas Walter, Humanism: Finding Meaning in the Word (Amherst, NY: Prometheus Books, 1998), Kindle edition.

[iii] Angus Ritchie và Nick Spencer, The Case for Christian Humanism: Why Christians Should Believe in Humanism, and Humanists in Christianity (London: Theos, 2014), 15.

[iv] Walter, Humanism, Kindle edition.

[v] John W. O’Malley, “How Humanistic is the Jesuit Tradition? From the 1599 Ratio Studiorum to Now,” trong sách Jesuit Education 21: Conference Proceedings on the Future of Jesuit Higher Education, ed. Martin R. Tripole (Philadelphia: St. Joseph’s University Press, 2000), 1.

[vi] Ritchie và Spencer, Case, 17.

[vii] X. Ritchie and Spencer, Case, 20.

[viii] William Schweiker, “Humanity Before God: Theological Humanism from a Catholic Perspective,” Martin Marty Center Web Forum, 28/08/2017, https://divinity.uchicago.edu/sites/default/files/imce/pdfs/webforum/102003/Schweiker%20essay.pdf, 1.

[ix] Alistair Hamilton, “Humanism and the Bible,” trong sách The Cambridge Companion to Renaissance Humanism, ed. Jill Kraye (Cambridge: Cambridge University Press, 1996), 101.

[x] Jaques Maritain, True Humanism (New York: Charles Scribner’s Sons, 1938), 19.

[xi] Maritain, “Integral,” 7-8.

[xii] Louis Janssens, Personne et Société. Théories actuelles et essai doctrinal (Gembloux: Ducolot, 1939), 3.

[xiii] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes (GS), 1965, http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html

[xiv] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 1967,  http://w2.vatican.va/content/paul-vi/en/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_26031967_populorum.html.

[xv] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, no.10,  http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_04031979_redemptor-hominis.html.

[xvi] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, 2009, http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20090629_caritas-in-veritate.html.

[xvii] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangeliuum Vitae, 1995,  số 12, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_25031995_evangelium-vitae.pdf.

[xviii] Evangeliuum Vitae, số 38.

[xix] Evangeliuum Vitae, số 22.

[xx] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điêp ngày thế giới hòa bình, 1990,” https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_19891208_xxiii-world-day-for-peace.pdf.

[xxi] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 1991, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_01051991_centesimus-annus.html.

[xxii] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Laudato Si’, 2015, https://w2.vatican.va/content/dam/francesco/pdf/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si_en.pdf.

[xxiii] J. Schaeffer, “Valuing Earth Intrinsically and Instrumentally: A Theological Framework for Environmental Ethics,” Theological Studies, 66, no.4 (2005): 783-814.


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)