Ayers Rock, Úc Châu, Nguyễn Trung Tây

 

Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, 

Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. 

Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.

Is 58,11

1. Vn đ thut ng

 

Từ điển Công Giáo của Hội đồng Giám Mục Việt Nam định nghĩa: “Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa – Đấng Thánh Thiện – qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Con đường thiêng liêng này trước hết chính là Chúa Giêsu (x. Ga 14,6), thứ đến là Hội Thánh, cộng đoàn những người đang đi theo con đường Giêsu” (x. Cv 9,2)”. Nhiều linh đạo từ các thánh có giá trị vượt không gian và thời gian và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như linh đạo của các thánh Âu Tinh, Biển Đức, Đa Minh, Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loyola,… Với cách hiểu rộng hơn, ngày nay, linh đạo còn là trải nghiệm về Thiên Chúa và dấn thân trong thế giới. Vì vậy, “thần học tu đức đã nói đến linh đạo Ba Ngôi, linh đạo phụng vụ, linh đạo môi sinh, linh đạo giáo lý viên, linh đạo giáo dân, linh đạo giáo sĩ,… ‘Các linh đạo này, tuy rất đa dạng, đều tỏa chiếu ánh sáng tinh tuyền và duy nhất của Chúa Thánh Thần’” (GLHTCG, số 2684).[i]

Như vậy, ‘linh đạo môi sinh’ thuộc cách hiểu rộng. Nó phản ánh trải nghiệm ở thái độ và lối sống của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên và muôn loài do Đấng Tạo Hóa dựng nên. Từ đó, với tâm tình biết ơn Đấng Tạo Hóa và quy hướng về Ngài, linh đạo môi sinh đứng trên góc nhìn tôn giáo và tâm linh để cổ võ một phong cách sống lành mạnh và hài hòa với môi trường, gây ý thức bảo vệ và phát triển bền vững khi sử dụng và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giúp nâng cao lối sống đạo đức và tinh thần cộng đồng về tương quan sự sống trong thế giới có Chúa quan phòng.

Thuật ngữ ‘linh đạo môi sinh’ còn có tên gọi khác như ‘linh đạo môi trường’ (environmental spirituality), ‘linh đạo sinh thái’ (ecospirituality).[ii]  Tuy khác nhau về phạm vi và đối tượng áp dụng, nhưng tất cả có chung một mục đích, trước là bảo vệ sự sống trong ‘ngôi nhà chung’ là Trái Đất thân yêu của chúng ta, sau là quan tâm đến các thực thể vĩ mô và vi mô, có thể là ở cấp độ vũ trụ thiên hà, cho đến hành tinh xanh, các loài sinh vật lớn nhỏ, thiên nhiên và loài người,  tùy theo mối quan tâm của mỗi người.

Thuật ngữ ‘linh đạo môi sinh’ không phải là của riêng tôn giáo hay dân tộc nào, bởi lẽ linh đạo (spirituality) không nhất thiết phải liên hệ đến tôn giáo (religion) và tín ngưỡng (belief). Như vậy, đơn giản linh đạo là con đường một người liên hệ đến sự thánh thiêng hoặc sự thánh thiêng hình thành nên cách hiện hữu của một người trên thế gian; từ đó linh đạo môi sinh nói về ‘mối liên hệ thánh thiêng’ trong bối cảnh của thiên nhiên, toàn cầu, và các hệ thống sinh thái vũ trụ trong ngôi nhà chung mà chúng ta là một phần.[iii] Việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên là vấn đề phải quan tâm của các tôn giáo và các quốc gia dân tộc nếu con người muốn sinh tồn và phát triển bền vững. Con người và thiên nhiên vốn có mối quan hệ hài hòa và chặt chẽ; tuy nhiên, việc đặt lại vấn đề ‘môi sinh’ vào ‘linh đạo’ chứng tỏ đang có sự đứt gãy nghiêm trọng trong tương quan của các tạo vật với Thiên Chúa, trong đó có ảnh hưởng và tác động lớn của con người đối với sinh quyển của Trái Đất.

Linh đạo môi sinh Kitô Giáo dựa trên những nền tảng nào?

 

Linh đạo môi sinh dựa trên hai nền tảng chính.[iv] Thứ nhất là nền tảng Thánh Kinh với các trình thuật trong sách Sáng Thế và sách Thánh Vịnh. Ngoài ra, trong Tân Ước, với việc Con Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu cũng làm cho Trái Đất trở thành chốn thiêng thánh. Ở đó, Chúa Giêsu quan tâm đến những người bất hạnh về cả vật chất lẫn tinh thần của họ. Chúa Giêsu cũng rao giảng và dùng nhiều hình ảnh về thiên nhiên cây cối để minh họa. Khi cầu nguyện, Ngài lui vào nơi thanh vắng. Bằng Bí tích Thánh Thể, Ngài thánh hóa bánh và rượu thành lương thực thần linh. Và từ cõi chết sống lại, mầu nhiệm Phục Sinh là nguồn mạch cho “trời mới đất mới”. Và trước khi về trời, Ngài đã thao thức truyền lệnh “hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Thánh Phaolô cũng cho biết, Chúa Giêsu cũng là “Trưởng Tử” mọi tạo vật, và là cứu cánh của muôn loài, mọi sự quy hướng về Đức Kitô,[v] bám lấy Đức Kitô để có nhựa sống (x. Ga 15,1-8). Thứ hai là nền tảng thần học. Trong đó, Thiên Chúa sáng tạo, yêu thương và quan phòng. Bằng tình yêu và mang hình ảnh của Thiên Chúa, con người được mời gọi sống tình yêu, chia sẻ và chăm sóc muôn loài trong tự nhiên, vì “bí tích tự nhiên”[vi] cũng là dấu chỉ cho “sự hiện diện thiêng thánh của Thiên Chúa giữa lòng thế giới”. Thiên Chúa đã ban tài nguyên và lương thực cho chúng ta thì chúng ta phải biết chăm sóc, trân trọng, và chia sẻ quà tặng vật chất ấy cho tha nhân.

 

 

2. T nhiên và ân sng trong tôi

 

Khi đọc sách Sáng Thế trong Kinh Thánh, câu trình thuật được lặp đi lặp lại bảy lần trong những ngày Thiên Chúa sáng tạo là “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (x. St 1,1 – 2,2). “Tốt đẹp” có thể ví như điệp từ hoàn chỉnh để nhận định về một kiệt tác sáng tạo mà qua bàn tay của Thiên Chúa, các tạo vật trở nên sống động, và con người có hồn ‘sinh khí’ trong khối ‘đất sét hình người’ vô tri. Vì vậy trong niềm tin Kitô Giáo, con người ‘có hồn’ và ‘có xác’ kết hợp lại để hình thành nên một nhân vị. Nhân vị là một thế giới nhỏ có sinh khí của Chúa và có đất mẹ cùng hòa trong nhịp đập của trái tim. Chúa ở trong tôi và thiên nhiên trong tôi. Tốt đẹp.

 

2.1. Nuôi dưỡng mầm xanh

 

Hằng ngày, sinh khí của trời đất đi vào trong tôi thông qua không khí, thức ăn và nước uống để nuôi dưỡng các tế bào của tôi, cung cấp năng lượng để nâng đỡ sự yếu đuối về thể lý của thân xác tôi. Cuộc chiến đấu gay go giữa tinh thần và thể xác luôn căng thẳng như thánh Phaolô và Chúa Giêsu đã từng cảnh báo (x. Rm 8,5-8; Mc 14,38). Tôi hiểu rằng thân xác tôi lụy vào vật chất để tồn tại, nhưng khi tôi yếu đuối thì ân sủng của Chúa chính là nguồn sức mạnh giúp tôi vượt qua (x. 2 Cr 12,10). Ân sủng Chúa trong tôi và Ngài luôn muốn ban cho tôi những gì là tốt nhất (Tv 104), thiên nhiên trong tôi và luôn muốn cùng tôi nuôi dưỡng và nâng niu nhân vị này, nhưng tôi có ý thức đủ để biết ơn và chọn lựa những gì là tốt nhất để đưa vào cơ thể của tôi không? Tôi có biết giúp đỡ anh chị em và những người láng giềng của tôi biết cách lựa chọn những gì tốt nhất, và tránh xa những gì gây hại cho thân xác của họ không? Có phải cơ thể của tôi đang phải quằn quại mỗi ngày để đào thải biết bao độc tố mà do vô thức hay cố ý mà tôi nạp vào những thức ăn vô bổ và những chất kích thích chết người? Nếu tôi quan niệm con người tôi là một vũ trụ nhỏ cần liên tục canh tân và phát triển thì tôi không thể ngược đãi chính mình – ngược đãi hình ảnh của Thiên Chúa – bằng những lựa chọn độc hại gây bất lợi cho nó. Mầm sống trong tôi phải khỏe thì tôi mới đưa màu xanh hy vọng vào đời được.

Theo triết lý phương Đông, ‘vạn vật đồng nhất thể’, con người là một ‘tiểu vũ trụ’ và có sự tổng hòa giữa cái hữu hình và cái vô hình.[vii] Quan niệm này có phần liên hệ đến hai yếu tố tự nhiên và ân sủng mà Kitô hữu cần để sống và phát triển. Để được như vậy, cách hiểu mới về sự gắn bó giữa tự nhiên và ân sủng đóng vai trò quan trọng trong cái nhìn hình thành và phát triển con người trong mỗi nhân vị. Cụ thể, tôi ý thức rằng bản thân tôi tồn tại tốt nhất ở trong thế cân bằng giữa hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên trong tôi. Về mặt tự nhiên, tôi cần vật chất để sống, còn về mặt siêu nhiên, tôi cần yếu tố ân sủng để sống viên mãn hơn, tức là vươn tới sự sống vĩnh cửu.

 

2.2. Sức sống thiêng liêng

 

Nhìn ở phương diện thiêng liêng, Kitô hữu (Công Giáo) rất ý thức về lời hứa bí tích trong Bí tích Thánh Thể, lương thực trường sinh đem lại sự sống đời đời (x. Ga 6,53-58). Ý thức về Đức Kitô phục sinh và sự sống đời sau nhắc nhở Kitô hữu rằng “khi Rước Lễ, chúng ta ăn bánh là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, thì giờ đây chúng ta gắn bó mật thiết với mình, máu, linh hồn, và thần tính của Con Thiên Chúa. Đây là chân lý nền tảng nhất được mạc khải, hình thành nên linh đạo môi sinh ngày nay. Toàn thể trái đất sẽ được đổi mới và được nên ứng nghiệm qua Đức Kitô”.[viii] Nói cách khác, Thánh Thể ban cho tôi nguồn sinh lực mới, có sức thôi thúc và biến đổi tôi để tôi vừa là một phần của tạo dựng – tạo dựng ở trong tôi – và tôi là người quản lý tốt của thế giới thụ tạo, và trước hết là quản lý và kiểm soát chính bản thân tôi. Tôi cần phải thay đổi, cần phải tốt trước thì mới có thể lan tỏa cái tốt từ tôi ra môi trường xung quanh được.

Ý thức về ân sủng của Thiên Chúa và yếu tố thiên nhiên trong tôi đóng vai trò then chốt trong việc xác định mục đích và lý tưởng sống. Nếu ‘tiểu vũ trụ’ trong tôi có nhiều bất ổn về sức khỏe: bệnh tật nhiều, tinh thần bất ổn, tâm sinh lý không quân bình,… thì chứng tỏ tôi đang có dấu hiệu nguy hiểm cho tính mạng. Có thể, tôi đang chọn một con đường sống thiếu lành mạnh, hoặc cũng có thể tôi là nạn nhân bất khả kháng của một môi trường đầy ô nhiễm và tệ nạn đang bủa vây mà tôi không thể nào thoát ra được. Sức lực hao mòn và lo lắng triền miên đã cướp đi nguồn bình an sự sống đích thực trong tôi, nguồn bình an mà vốn dĩ tôi phải có được khi biết cậy dựa đúng mức vào ân sủng và tự nhiên để sống cho cùng đích cuộc đời mà không phải tìm kiếm đâu xa.

Tìm về với chính mình và trở về với nguồn gốc của mình là quá trình khám phá sự tuyệt hảo của sáng tạo còn đang tiếp diễn. Kitô hữu tìm về với Thiên Chúa là cùng đích, tất cả quy hướng về Chúa, và theo thánh Phaolô thì sống hay chết đều cho Chúa và thuộc về Chúa (x. Rm 14,8). Quan niệm này cũng xuất hiện trong các tôn giáo và khoa học, chỉ có điều nó được quy hướng theo một đối tượng khác với một tên gọi khác. Theo đó, tập đầu tiên của sách Muôn kiếp nhân sinh có đoạn nhận định: “[T]ất cả mọi vật đều phát xuất từ một nguồn gốc thiêng liêng và phải trở về với nguồn gốc đó – ‘vạn vật đồng nhất thể’. Ấn Giáo và một số tôn giáo gọi nguồn gốc này bằng danh từ ‘Thượng Đế’. Phật Giáo gọi là ‘Phật tánh’, và khoa học gọi là ‘năng lượng uyên nguyên’ (primal energy). […] năng lượng này có trong tất cả mọi vật. Từ giọt nước đại dương đến các loại kim thạch, từ thảo mộc đến loài cầm thú hay con người. Nó nằm ở bên trong, ẩn dưới một bức màn hư ảo, hình thức của yếu tố vô minh bên ngoài nên sự tìm kiếm đúng đắn là ‘quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài. Sự sai lầm của con người là họ thường tìm kiếm ở bên ngoài’, do đó, ‘ắt sẽ đến lúc họ cảm thấy đau khổ, lạc lõng và mất phương hướng’”.[ix] Lời khuyên này cho thấy một lỗ hổng đang tồn tại trong đời tôi, và để tôi sống đúng, khỏe khoắn và lành mạnh thì tôi cần đối xử đúng mực với cả những gì bên ngoài tôi nữa, vẫn là tự nhiên và ân sủng, nhưng tôi phải có thái độ nào và làm gì giữa những khó khăn đa phương bên ngoài tôi?

2.3. Góc vườn tịnh tâm

 

Câu hỏi này dẫn tôi đến một hoạt động vô cùng quan trọng trong đời sống Kitô hữu mà có thể tôi không biết, hoặc biết mà quên hay dửng dưng, đó là cầu nguyện, suy gẫm, chiêm niệm, linh thao. Tôi khó có thể nói muốn tìm về với chính mình, trở về với Chúa và nối lại tình người nếu tôi ít hoặc không dành thời gian để hồi tâm. Mọi thứ bên ngoài bủa vây làm cho tâm tôi loạn, trí tôi quẩn, hành vi thiếu chuẩn mực,… trong khi ‘ngọn đèn đức tin’ cần ‘dầu cầu nguyện’ để thắp sáng thì lại cạn kiệt. Thiên Chúa, thiên nhiên, tha nhân, và tôi đang thuộc mối quan hệ nào? Lợi dụng, đeo bám, khai thác bừa bãi? Cộng tác, hỗ trợ, phát triển bền vững? Những ai không có tôn giáo tín ngưỡng, họ có thể sống theo một triết lý nhân sinh ngắn gọn là ‘yêu thiên nhiên, sống lành mạnh, và bảo tồn vạn vật’, còn những ai theo Chúa thì chúng ta cũng thực hành như vậy, nhưng quy hướng về Chúa trong thái độ sống và lý tưởng thực hành gọi là sống theo ‘đạo đức môi trường’ để biết ơn và cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài trong rất nhiều lãnh vực liên quan đến môi sinh. Thật vậy, tịnh tâm cầu nguyện và sống thực hành điều mình xin thì mới mong có gì đó thay đổi tốt hơn cho môi trường.

Để tiếp thêm động lực cho tôi trong hành trình hoán cải sống theo linh đạo môi sinh, tôi cần bắt chước gương sống yêu thiên nhiên của thánh Phanxicô Assisi, suy gẫm những điểm nóng thao thức từ Thông điệp Laudato Si’ – Chăm sóc ngôi nhà chung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và rất nhiều tài liệu và hướng dẫn suy tư về môi trường sinh thái của Giáo Hội thông qua các thời kỳ giáo hoàng.[x] Không riêng gì Giáo Hội Công Giáo, nhiều tôn giáo khác và các tổ chức quốc tế cũng thiết lập hằng năm các Ngày Trái Đất (22/4), Ngày môi trường (5/6), Ngày đại dương (8/6), Ngày nước sạch (22/3),… để cổ vũ và gây ý thức cho mọi người về môi trường. Chúng ta có thể liệt kê nhiều và nhiều hơn nữa những hoạt động, tài liệu, hội thảo, tổ chức,… Tuy nhiên, ngần ấy kêu gọi dường như chẳng thấm vào đâu, trong khi con người tàn phá thiên nhiên quá mức, bức tử môi trường, và đẩy Trái Đất vào chỗ kiệt quệ hấp hối, bằng chứng là thiên tai ngày càng nhiều hơn (đúng hơn phải nói là ‘nhân tai’ vì do con người tác động tiêu cực vào tự nhiên). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ đề cập trong Thông điệp Laudato Si’[xi] (LS) số 2 và số 8 rằng:

 

[Trái Đất] đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy Trái Đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8,22). Chúng ta quên rằng, chính chúng ta cũng là tro bụi (St 2,7). Thân xác của chúng ta cũng được tạo nên từ những yếu tố của vũ trụ; không khí của nó giúp chúng ta thở và nước của nó giúp chúng ta sống và được bồi dưỡng. (số 2)

 

[Đức Thượng Phụ Barthôlômêô nhấn mạnh:] “Con người đã tàn phá sáng tạo của Thiên Chúa với nhiều phương cách sinh học; con người đã phá hoại sự toàn vẹn của Trái Đất, gây nên sự biến đổi khí hậu, bóc lột Trái Đất từ những cánh rừng tự nhiên hay tàn phá những vùng ẩm ướt; con người đem đến những tai họa cho kẻ khác, gây bệnh hoạn vì làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những chất độc hại – đó là tội lỗi”. Vì “một tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại Thiên Chúa”. (số 8)

 

Với những đề cập trên, ‘tội lỗi’ là vấn đề nghiêm trọng và đòi hỏi con người phải nghiêm túc nhìn lại để kiểm điểm và hoán cải giữa thế giới hưởng thụ, dửng dưng, và ý thức tội lỗi mờ nhạt. Ở đó, giá trị của luân lý, đạo đức, lương tâm và nguyên tắc sống bị buông lỏng và coi thường. Lối sống buông thả, vô trách nhiệm, chộp giật kiểu ‘mì ăn liền’ thì khó để bàn về một cái gì đó liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững được. Vì vậy, hãy bắt đầu ngay từ chính mình trước, hoán cải và thay đổi tích cực từ suy nghĩ, lời nói, hành vi, tương quan, thói quen; khi đó, từng người sẽ thấy ân sủng của Chúa từ bên ngoài, tự nhiên tươi đẹp xung quanh mình, và chính mình phải lột bỏ chiếc áo ích kỷ cũ nát để mặc vào sự tươi mới của lớp áo môi trường lành mạnh và thánh thiêng. Tịnh tâm lại, chúng ta sẽ thấy thói quen xấu cày nát đạo đức làm người và nhấn chìm vạn vật trong ô nhiễm và chết chóc.[xii]

 

 

3. T nhiên và ân sng ngoài tôi

 

Bàn về ‘tự nhiên và ân sủng bên ngoài’ không có nghĩa là chẳng liên quan gì đến tôi. Thực tế, tôi chỉ là một bộ phận vô cùng nhỏ bé của vũ trụ này và phải dựa vào vũ trụ để tồn tại. Vì vậy, xung quanh tôi là biết bao điều kiện, quan hệ, liên đới,… mà tôi có thể nói theo người có đức tin là phúc lành của Chúa bao trùm lên tôi với “lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (x. Tv 23,6). Khi tất cả mọi sự đều tốt đẹp, hình ảnh của một Thiên Chúa quan phòng đầy nhân ái rất dễ khiến tôi cảm mến và biết ơn. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy cơn giận dữ của thiên nhiên càng lúc như càng điên cuồng hơn, có khi lấy mạng từ vài chục đến hàng ngàn người trong bão tố, động đất, sóng thần, lũ lụt,… mà tôi phiền muộn hay vô tư gọi đó là thiên tai hoặc biến đổi khí hậu. Để cứu lấy tôi và vạn vật, tôi phải chiến đấu với chính mình trước, và cùng với mọi người bước vào một cuộc chiến sinh tồn khốc liệt để giành lại một ngôi nhà sống an toàn trên hành tinh xanh.

 

3.1. Cuộc chiến sinh tồn của tôi và của anh chị em tôi

 

Nền tảng ấy nhắc nhở con người về sự kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau khi cùng nhau sống trong ‘ngôi nhà chung’. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh cho sự phụ thuộc và liên đới ấy. Linh mục Fernando Díaz, SVD tại Chile nói với Tạp chí EarthBeat rằng Trái Đất “thực sự là ngôi nhà chung và nó đang bị đe dọa. Tất cả chúng ta có nối kết với nhau,… và đòi hỏi chúng ta hãy nhìn xa hơn chủ nghĩa duy lý công cụ (instrumental rationalism) dẫn chúng ta vào đường hủy diệt suốt thế kỷ qua”.[xiii] Tiếp tục, nhà báo tự do Barbara Fraser chuyên viết về các vấn đề môi trường và sức khỏe của dân bản địa vùng Nam Mỹ nhận định rằng trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến sự liên kết của mọi tạo vật đang trong cơn đau bệnh, và nói đến sinh thái toàn vẹn thì phải kể đến cả những ưu tiên tác động trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Bài viết này chỉ gợi ra phạm vi rộng lớn của vấn đề tác động môi trường đa chiều mà không dám bàn quá rộng. Riêng ở mặt linh đạo, ý thức cả thế giới là ‘một và cùng nhau’ trong cuộc chiến bảo vệ môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đành rằng chúng ta có nền tảng thần học của thánh Bonaventure về môi sinh, nhưng theo linh mục Diáz thì nó “không đủ để miêu tả mối quan hệ của loài người với phần còn lại của tạo vật”. Theo đó, “trong thế giới của người bản địa, mối quan hệ với cây cối, ao hồ, cánh rừng, bầu trời, tinh tú trăng sao và mặt trời không phải là việc nghiên cứu học hỏi một cách hệ thống, lý trí và logic. Nó là một kinh nghiệm của tri thức bẩm sinh”. Ở điểm này, chúng ta cần phải học ở người bản địa, chính khi chúng ta cảm nghiệm được sự kết nối với thiên nhiên quan trọng thế nào thì ý thức yêu thiên nhiên là một tình cảm thiêng liêng và gìn giữ, chứ không phải qua các lý luận, tổ chức và chiến dịch để kêu gọi ‘hãy yêu’, ‘hãy bảo vệ’, ‘hãy ý thức’. Bao lâu chúng ta chưa tìm được sự kết nối tự nhiên thật sự với thiên nhiên thì ‘cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên’ vẫn còn là ‘gượng ép trách nhiệm’ – kêu gọi theo thời, hưởng ứng theo mùa – chứ không phải vì ‘yêu mà gìn giữ’. Đồng thời, việc thấy, tôn thờ và ngợi khen ‘Thiên Chúa nơi vạn vật’ (panentheism), cùng với muôn tạo vật ngợi khen và chúc tụng Chúa (Tv 19,1-6), cũng còn khó khăn vì còn liên quan đến đức tin và tâm linh nữa.

Như vậy, chúng ta phải làm gì? Có lẽ ít người muốn câu trả lời lại là lý thuyết; nhưng theo giáo sư Joseph Tetlow, linh đạo nào cũng mời gọi chúng ta trước hết hãy chân thành thực hành đạo đức, phải là người tốt trước đã. “Người môn đệ có tinh thần sống động thì tích cực tìm kiếm thánh ý Chúa và trở nên người cộng tác với Chúa. Ngày nay, điều này phải bao gồm việc đánh giá lại xem sách Sáng Thế muốn nói gì khi truyền cho con người chinh phục Trái Đất và thống trị muôn loài” [x. St 1,26-28]. Đồng thời, theo giáo sư này thì chúng ta cần phải nghiêm túc hoán cải sâu sắc “từ chỗ xé nát những thứ ta muốn trên mặt đất, trở thành người quản lý biết chăm nom”.[xiv] Nói theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu tại hội nghị về phát triển bền vững ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 thì đó là “ơn gọi sinh thái” mà mỗi người cần phải có, trong đó quan tâm đến phẩm giá con người trong “tính nhân đạo sinh thái”, bao gồm: “tôn trọng sự sống”, “lao động”, và “trách nhiệm” quy hướng về Thiên Chúa. Nhờ đó, từ cuộc chiến sinh tồn này, chúng ta cũng cần nhận ra rằng việc “thiếu sự tôn trọng đúng đắn với thiên nhiên” và “việc cướp bóc các tài nguyên thiên nhiên” cũng đưa đến hậu quả là “đe dọa nền hòa bình thế giới”.[xv] Từ đó, nó gây bất an cho con người và các loài thụ tạo. Vì đây là vấn đề toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi người nên mọi người cần phải chung tay nhau để không những bảo vệ mà còn làm cho thiên nhiên không ngừng được cải thiện và phát triển. Khi con người gạt bỏ tất cả nhân tâm và trời đất thần phật sang một bên, và chỉ còn biết nghĩ đến lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị, thì cuộc chiến vì một nền sinh thái toàn vẹn còn khốc liệt trong những ẩn số ‘gian dối’ từ những báo cáo tác động môi trường của những tập đoàn khoa học công nghệ đang khai thác cày xới và xâu xé Trái Đất, hủy hoại môi trường thiên nhiên. Tham vọng của con người chưa bao giờ nguội. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu đấm ngực mình, cầu nguyện và bắt đầu làm điều gì đó, nhỏ bé thôi cũng được, để hàn gắn những vết thương còn chưa lành.

 

3.2. Lòng tham: ‘thanh kiếm ma’ trong cuộc chiến lương tâm

 

Từ những thảm họa môi trường mà chúng ta đã biết, chúng ta còn phải đối diện với một thảm họa khác, tạm gọi là ‘thảm họa nhân tâm’, khi phớt lờ ‘đạo đức môi trường’; trong đó, nhiều người muốn bình an, thăng tiến, sống khỏe,… nhưng có mấy người chú ý bảo vệ môi trường, cụ thể là chăm sóc cho Trái Đất là nơi cung cấp những dưỡng chất cho sự sống? Khi nói đến đau đớn mà đối tượng này gây ra cho đối tượng kia, người ta thường đặt các vấn đề về công lý, lương tâm, đạo đức và ý thức. Tuy nhiên, trước khi bàn đến những từ ngữ to tát ấy, chúng ta cần phải đề cập đến một từ ngữ quan trọng hơn là ‘tham lam’ (greed, tiếng Anh). Tham lam là thói quen xấu, muốn có danh lợi và vật chất mà không muốn bỏ công sức ra, để đạt được mục đích mà bất chấp tất cả, ham muốn không dừng và tích lũy quá đáng. Tham lam là điều mà Điều Răn thứ mười đã ‘cấm’ (x. GLHTCG, số 2536; Đnl 5,21). Với cách hiểu như vậy thì họ hàng của tham lam không gì khác hơn là ‘khôn lỏi’. Khi lòng tham trỗi dậy thì nó là ‘thanh kiếm ma’ của cái ác, bất chấp những gì người ta đã biết về công lý, lương tâm, đạo đức và ý thức. Thanh kiếm ma của sát thủ, cố tình mù quáng, chém loạn xạ không ngừng, để lại những vết thương chí mạng cho nhiều người và muôn tạo vật khác. Nguy hiểm hơn nếu ‘thanh kiếm ma’ này nằm trong tay của những người được cho là ‘có đào tạo, có ý thức’!

Bàn về vấn đề lòng tham hay ‘khôn lỏi’, chúng ta không thể bỏ qua vấn nạn nóng hổi rộ lên gần đây: nạn ‘kích giun’ (tận diệt giun đất bằng dòng điện), làm sạch, phơi khô, rồi bán cho thương lái Trung Quốc hàng trăm tấn giun khô mỗi năm.[xvi] Sự tham lam đã đẩy con người đi đến chỗ chỉ biết nghĩ đến bản thân và không quan tâm gì đến vấn đề lớn hơn của xã hội, miễn là trước mắt có tiền, còn sau lưng thì sống chết mặc bay (kệ cho cây trồng chết, mặc cho đất cằn cỗi).[xvii] Đây chỉ là một trong rất nhiều hàng hóa ‘lạ kỳ’ được thương lái nước ngoài thu mua với ‘âm mưu kinh tế’ bằng mồi nhử của những món tiền hời khi điên cuồng vét mua: giun, đỉa, ốc bưu vàng, hải ly, rùa tai đỏ, móng trâu, những cây dược liệu, gỗ quý,… và cái kết luôn là lừa đảo và đem đến thảm họa lâu dài.[xviii] Phải chăng cái nghèo quấn vào lòng tham mà hàng chục năm nay nhiều người vẫn chưa rút ra được bài học về sinh thái và môi trường bị cài cắm trong âm mưu đen tối của gian thương? Đây chỉ là một trong rất nhiều vấn nạn chịu sự chi phối của những âm mưu bất chính và đồng tiền mồi nhử.

Nói đến đây, có thể ai đó sẽ biện minh bằng câu ‘có thực mới vực được đạo’. Nếu đúng theo câu nói ví von này thì chủ nghĩa thực dụng và tiêu thụ đã đeo bám vào xã hội, người ta không những ăn thực phẩm mà còn ‘ăn’ cả những thứ khác nữa như: ăn công trình, ăn hối lộ… mà đi sâu vào vấn đề đạo đức, người ta gọi là ‘gặm nhấm lương tâm’. Lòng tham là sự vô ơn và phản bội của con người đối với Đấng Tạo Hóa. Nó cho thấy con người chống lại, đi ngược lại với sự sáng tạo tiếp diễn của Thiên Chúa; con người khước từ ân sủng mà Thiên Chúa trao ban trong tự nhiên, đồng thời họ gây tai họa cho đồng loại và các loài thụ tạo khác. Bằng cách cắt đứt mối dây liên kết loài người, phá hủy sự cân bằng sinh thái, và ẩn họa trong lai tạo giống không quan tâm đến phát triển bền vững. Và cũng từ đây, tiếng nói tôn giáo về môi trường sinh thái bắt đầu có sự đối nghịch nhất định, vì chạm đến ‘lợi nhuận’ của các lĩnh vực khác. Cuộc chiến tâm linh bắt đầu cảnh báo để đưa mọi người về đúng với quỹ đạo của thiên nhiên, nhìn nhận thiên nhiên là hồng ân của Đấng Tạo Hóa, muốn sống thì hãy thuận thiên.

 Vậy tôi phải làm gì để chấn chỉnh lòng tham? Việc nhận ra lòng tham trong mình đã là một thắng lợi lớn vì nó đòi hỏi một sự khiêm nhường thẳm sâu. Nếu tôi dám đối diện với nó thì tôi thực sự đang là anh hùng quảng đại và thức thời. Hãy đi lãnh Bí tích Hòa giải hoặc tham dự một khóa tĩnh tâm (nếu là người Công Giáo), còn nếu tin vào đời sống tâm linh khác thì hãy thực hiện một cử chỉ sám hối, làm một việc thiện có ích cho cộng đồng. Tiếp đến, tôi có thể thực hiện các bước tái kết nối với thiên nhiên như giáo sư về môi trường, Nicole Harris, đề nghị:[xix]

 

1) Cam kết dành nhiều thời gian hơn nữa với môi trường thiên nhiên;

2) Thực hành ý thức và biết ơn thiên nhiên;

3) Tự giáo dục mình về các vấn đề môi trường và tham gia vào bảo vệ môi trường;

4) Thực hiện các thói quen, lối sống bền vững;

5) Kết nối với những cá nhân và các cộng đồng có cùng mối quan tâm về môi sinh.

 

Lòng tham của con người phải được “phong trào hướng đến tình liên đới” chế ngự. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì thế hệ này cần phải biết chia sẻ và nghĩ về thế hệ tương lai, chấm dứt nhãn quan thực dụng (chỉ phục vụ cho lợi lộc cá nhân) (x. LS 159).

 

3.3. Đức tin làm nên sự khác biệt trong linh đạo

 

Như đã nói từ trước, linh đạo môi sinh không nhất thiết gắn liền với một tư tưởng hay tôn giáo nào; vì vậy nhiều người xác định họ có linh đạo, có đời sống tâm linh, nhưng không có tôn giáo. Khi đó, “linh đạo môi sinh là triết lý sống về thiên nhiên, một trải nghiệm hài hòa nội tâm mở rộng cho mọi thứ xung quanh, tôn trọng môi trường và các dạng sống. Triết lý này được thiên nhiên gợi hứng với ý nghĩa rộng nhất, biểu hiện không những trong các chu trình tự nhiên mà còn với ý nghĩa huyền bí, giữ gìn huyền nhiệm vũ trụ to lớn”.[xx]

Vậy đức tin Kitô Giáo tạo nên điều gì khác biệt? Thứ nhất, các Kitô hữu được mời gọi ý thức hơn về tình liên đới trong mối liên hệ với vũ trụ vạn vật, và tất cả quy hướng về Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa quan phòng (thương yêu và chăm sóc) cho muôn tạo vật. Thứ hai, đức tin nhắc nhở các Kitô hữu về hồng ân thụ hưởng phải đi kèm với trách nhiệm bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Họ không những có ý thức tâm linh mà còn phải biết hành động theo tiếng gọi của hồng ân đức tin, nhất là khi họ cố gắng nhìn thiên nhiên để tạ ơn Chúa và cộng tác với Thiên Chúa trong cương vị người quản lý (steward). Thứ ba, linh đạo môi sinh là chủ đề chung có thể dễ dàng kêu gọi sự đồng lòng giữa những tôn giáo trong đối thoại liên tôn, trong lời mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất. Cụ thể, gần đây chúng ta có thể kể đến một số tài liệu về sinh thái và môi trường mang tầm cỡ ‘truyền giáo’ của những người con Chúa như: Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Giáo Hội Công Giáo; Tài liệu The Mission of the Orthodox Church in Today’s World (Sứ mạng của Giáo Hội Chính Thống Giáo trong thế giới ngày nay); và tài liệu của Công đồng Đại kết thế giới (WCC) Together towards Life: Mission and  Evangelism in Changing Landscapes (viết tắt TTL, Cùng nhau hướng về sự sống: Sứ mạng và loan báo Tin Mừng trong những bối cảnh thay đổi).[xxi] Tất cả như đang thấu nỗi đau chung mà cả nhân loại đang gánh chịu do hậu quả của tội lỗi con người: “Muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,20-22).

Đức tin là hạt nhân qui tụ mọi người trong cuộc cách mạng môi sinh. Ở đó, mục đích sứ mạng của mỗi Kitô hữu là giải phóng và hòa giải muôn loài thụ tạo, nhất là giúp những người đau khổ tiến tới sự sống tròn đầy, viên mãn. Đó là nhiệm vụ mà Chúa Ba Ngôi muốn các tôi tớ của Ngài cộng tác trong công cuộc loan báo Tin Mừng (x. TTL 101).

Ở giữa nhiều khía cạnh quan trọng, thì việc quan tâm chăm sóc thiên nhiên và môi trường cũng được liệt kê vào lĩnh vực nhân bản Kitô Giáo, nhất là trong học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo (xem bản tóm tắt của Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi). Đến nỗi, Sallie McFague còn tuyên bố: “Giáo Hội là sinh thái”.[xxii] Điều này khẳng định tính nghiêm túc của Giáo Hội trong giáo dục đức tin là hướng dẫn các tín hữu biết phải làm gì giữa những quan điểm trái chiều về môi trường, và dưới những góc khuất của lợi ích kinh tế và chính trị chi phối, nhất là đối diện với cản trở của chủ nghĩa duy lý công cụ (instrumental rationalism). Song, các Kitô hữu vẫn khuyến khích nhau bằng câu nói của thánh Giacôbê Tông Đồ: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,17.18b).

Theo Rachel Wheeler, linh đạo môi sinh mở ra ‘mối liên hệ’ giữa con người với thiên nhiên và tập trung vào ‘trải nghiệm’ (experience) thiên nhiên giúp tham gia hình thành cuộc sống của một người, trong đó có ý thức, sự chấp nhận, và biết ơn những cái khác trong ngôi nhà chung – Trái Đất, sự chia sẻ cộng đồng và sự thánh thiêng. Trải nghiệm đó cũng bao gồm cả sự nắm giữ áp lực căn tính con người thuộc về thế giới tự nhiên, và con người được sống động cùng với bao sinh linh khác. Nói đến linh đạo môi sinh là nói đến sự thiêng liêng tinh thần (spirit) của vật chất thông qua sự vô hình, các chiều kích và chức năng của tác nhân sống động, hoặc năng lượng hoặc chiều kích sâu thẳm trong thế giới sáng tạo, trong đó có cả chúng ta. Ở đó, chúng ta trải nghiệm sự hòa hợp, hiệp thông và quan hệ gần gũi giữa các dạng thức sống riêng biệt.[xxiii] Còn đối với Kitô hữu, đức tin dạy cho ta biết Thần Khí (Holy Spirit) là Đấng ban sự sống đã xuất hiện ngay từ thuở khai thiên lập địa khi Thiên Chúa Cha tạo dựng muôn loài (St 1,2). Đó là ‘hơi thở’ của Thiên Chúa ‘thổi vào’ thế giới tạo thành, và Thiên Chúa còn tiếp tục đổi mới mặt đất này (Tv 104,30). Đây là chi tiết rất quan trọng giúp định hướng niềm hy vọng cánh chung của Kitô hữu, và niềm tin này giúp ta dễ dàng tìm mối liên hệ với hoạt động Thần Khí trong thế gian, nhất là khi chúng ta muốn trở thành những cộng tác viên của Thần Khí trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

        

3.4. Ơn gọi sinh thái của tôi và trên quê hương tôi

 

Trong một thời gian dài, chúng ta tập trung vào xây dựng bình an và sự thịnh vượng của con người và làm tất cả để phục vụ con người mà ít quan tâm đến hành tinh xanh. Trong chương cuối của quyển sách Ước Mơ Của Trái Đất, linh mục sử gia Bắc Mỹ thường viết về tôn giáo thế giới và văn hóa, Thomas Berry, đề xuất khái niệm Pax Gaia (bình an của Trái Đất), trong đó tác giả tập trung vào: (1) tính đơn nhất của Trái Đất; (2) bản chất năng động của Địa An; (3) sự phụ thuộc tiến trình vào quyết định con người; và (4) niềm hy vọng cần thiết. Berry mong muốn thông qua bốn đặc trưng này để trình bày vấn đề Trái Đất liên quan đến công lý và hòa bình.[xxiv] Cụ thể, Berry viết, “Chẳng có cái gì gọi là cộng đồng nhân loại mà lại không có Trái Đất, đất đai, không khí, nước và tất cả các dạng thức sự sống. Thiếu những thứ này, con người không tồn tại được. Theo quan điểm của tôi, cộng đồng loài người và thế giới tự nhiên sẽ đi đến tương lai với nhau như một cộng đồng thánh thiêng, hoặc là cả hai sẽ cùng diệt vong trong sa mạc”.[xxv] Nhận định của Berry vừa thách đố, vừa cảnh báo, vừa là lời mời gọi trở về với ‘ơn gọi sinh thái’ như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề xuất từ năm 2002. Ơn gọi này vốn dĩ có trong mỗi người theo lẽ tự nhiên, nhưng có lẽ chúng ta lãng quên việc “phủ xanh trái tim của đức tin” (greening the heart of faith)[xxvi] từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Tôi đã làm gì và đang làm gì cho màu xanh đức tin và màu xanh sự sống?

Theo Robert Shore-Goss thì cần sự hoán cải để phủ xanh mảnh đất cằn cỗi của tâm hồn, tưới gội để đức tin biến thành hành động, sao cho cuộc gặp gỡ thiêng liêng giữa tôi và thiên nhiên triển nở thành tiếng sét ái tình giữa tôi với Trái Đất và mạng lưới sự sống, thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa rõ ràng trong mọi sự và nơi mọi loài. Thần học gia Elizabeth Johnson viết, “Hoán cải sinh thái nghĩa là ‘phải lòng’ với Trái Đất như là cộng đồng quý giá và sống động vốn có. Nơi đó, chúng ta tham gia và hướng mọi nỗ lực sao cho trung thành một cách sáng tạo với sự thịnh vượng của nó, hòa điệu với Thiên Chúa hằng sống, Đấng làm cho Trái Đất hiện hữu và ấp ủ nó bằng tình thương vô điều kiện”.[xxvii] Ngoài việc hoán cải, Shore-Goss còn tổng hợp từ các tác giả khác để đưa ra những liên hệ có thể liên tưởng và áp dụng linh đạo sinh thái vào các hình thức phủ xanh đời sống đức tin bằng cầu nguyện, nghi thức, bài giảng, phụng vụ, bí tích, trang trí, nội thất nhà thờ,...[xxviii] Tất cả sẽ gợi ra ý thức làm cho đức tin thêm xanh vì một môi trường sống xanh. Ơn gọi sinh thái cũng có thể bắt đầu ngay trong từng gia đình vì mỗi gia đình là một ‘hội thánh tại gia’. Hãy bắt đầu làm cho không gian sống chung quanh mình thêm xanh, thêm sạch, thêm an toàn; đó là sứ mệnh của mỗi người.

Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường cũng là một chủ đề nhức nhối. Vào tháng 4/2016, thảm họa môi trường khủng khiếp do Công ty thép Formosa gây ra cho các tỉnh Miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của hơn 65.000 người và hàng trăm tấn cá chết dọc bờ biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Công ty Formosa đã ngay lập tức chi 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại. Tuy vào thời điểm đó, tiếng nói công lý vẫn có phần nào bị cho là ‘nhạy cảm’ liên quan đến việc bồi thường không thỏa đáng, bị ghép cho tội ‘gây rối an ninh’, nhưng phong trào thắp nến cầu nguyện ôn hòa của các tín hữu cũng đã thể hiện được sự liên đới sẻ chia, giúp đỡ những nạn nhân của thảm họa, gây ý thức về bảo vệ môi trường, tinh thần đoàn kết và hiệp thông theo hướng dẫn của đức giám mục địa phương. Thảm họa này là bài học giữa ‘chọn sắt hay chọn cá’. Và còn nhiều cái được và cái mất nữa mà con người phải trả giá cho những quyết định sáng suốt hoặc sai lầm của mình về các dự án kinh tế, trong khi “tiếng kêu của Trái Đất và tiếng khóc của người nghèo” vẫn liên tục vang lên (x. LS, số 49).

Thẳng thừng mà nói, vấn đề môi trường vẫn cần được Giáo Hội Việt Nam quan tâm hơn, sự khiêm tốn của những chiến dịch thi đua và cầu nguyện phong trào chưa gây được ảnh hưởng sâu rộng và ý thức yêu thiên nhiên thực sự trong cộng đồng. Lý do cũng dễ hiểu, Giáo Hội Việt Nam còn e dè tránh né các vấn đề xã hội và chính trị, sự nhạy cảm của tiếng nói ngôn sứ cho công lý vì thế mà có phần giảm sút. Tuy vậy, chúng ta tin rằng lương tâm Công Giáo và ý thức tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội là rất cao trong hàng ngũ Kitô hữu Việt Nam; chỉ có điều bối cảnh chính trị và xã hội chưa cho phép mọi người dám bộc lộ hết vai trò của họ đối với môi trường sinh thái. Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại lời động viên mạnh mẽ của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong thư mục vụ ngày 31/05/2009 trong biến cố Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải, có đoạn khẳng định: “…Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là một đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.[xxix] Hy vọng, phong cách sống ‘ăn xổi ở thì’ sẽ không còn đeo bám ai để mọi người có tầm nhìn sáng suốt cho một tương lai bền vững và một môi trường xanh hơn.

 

 

4. T nhiên và ân sng trong vũ tr

 

Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học vũ trụ, tế bào, lý thuyết lượng tử, nhiều thần học gia bắt đầu quan tâm nhiều đến môi trường vũ trụ và phạm vi của ơn cứu độ trong công trình sáng tạo từ vi mô đến vĩ mô của Thiên Chúa. Khi đó, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thì ơn cứu độ phổ quát cũng dành cho cả vũ trụ bởi vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vô biên và quan phòng cho mọi sự và mọi loài. Nhìn nhận này là một sự cởi mở trong mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo ngang lãnh vực tâm linh; theo đó, “các thần học gia như Teilhard de Chardin, John Haught, Elizabeth Johnson và Ilia Delio nhìn thấy trong chính sự tiến hóa những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong sáng tạo. Johnson nói rằng ‘học thuyết về sáng tạo liên tục quan niệm thế giới tự nhiên trong chính sự toàn vẹn của nó như là nơi Thiên Chúa ngự trị. Đấng Ban Sự Sống tạo ra những gì là vật chất – các thiên thể, cây trồng, đất đai, nước, không khí, thú vật, những cộng thể sinh thái – và di chuyển trong từng chút này cách mạnh mẽ như trong các linh hồn, tâm trí, và tư tưởng’”.[xxx] Với một môi trường vũ trụ kéo dài ra vô tận, và các cường quốc thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,…  đang trên đà chinh phục không gian,[xxxi] thì linh đạo môi sinh tiếp tục phải mở rộng liên hệ như thế nào trong cuộc đua chinh phục nhiều hứa hẹn và nhiều thách đố trong những thập niên tới?

Trái tim con người vốn nhỏ bé và muốn được an yên; tuy nhiên, tham vọng chinh phục ào ạt và vô độ vẫn như một chiếc xe đang lao dốc không phanh cả trên mặt đất và ngoài vũ trụ. Sự điều độ, kiêng bớt để phát triển bền vững vẫn là lời mời gọi trở về với chính mình, trở về với Đấng Tạo Hóa bằng tâm tình ‘biết ơn và hoán cải’ chưa bao giờ là lỗi thời để tìm lại mạch sống của nhân loại. Đó là điều mong ước đẹp như khi nhận định về cha thánh Arnold Janssen – Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời:

 

[Cha Arnold,] con người này của Thiên Chúa có một cái nhìn ân cần và chu đáo đối với sự sống của toàn thể tạo vật, nhân sinh, động thực vật, […]. Cha Arnold là một người bạn của những giọt nước trong lành mùa xuân cũng như những dòng suối róc rách rì rào, những con sông chảy xiết, những đợt sóng cuộn trào ngoài biển khơi. Ngài là bạn của những ngọn núi cao chót vót. Ngài thân thiện với các tinh tú vì sao di chuyển trong vũ trụ.[xxxii]

 

 

5. Sng mãi mi tình xanh

 

Trải nghiệm đó của cha Arnold Janssen mời gọi chúng ta tiếp tục suy nghĩ và hành động với chủ đề linh đạo môi sinh. Đó là làm bạn với thiên nhiên, người bạn chung tình nhất, một người bạn rất kiên trì chỉ ra cho con người cái giá của sự ích kỷ phản bội và phần thưởng của ý thức bảo vệ giữ gìn. Đấng Tạo Hóa sáng tạo ra thiên nhiên biết phản ứng bằng giận giữ, biết đối đãi trong thuận hòa. Bao lâu con người chưa nhận thức mình là một phần của thiên nhiên thì bấy lâu con người còn phải ‘trả giá’ cho những gì con người ngoan cố gây ra. Sống hài hòa với thiên nhiên không nhất thiết phải có một tôn giáo hay hệ tư tưởng nào tác động. Đơn giản, nó nằm ngay trong tâm hồn của mỗi người, tâm hồn không tư lợi, mà chỉ có các dân tộc bản địa, những người không chịu ảnh hưởng của tôn giáo, hệ tư tưởng, triết lý nào, bằng tình yêu thiên nhiên chân thành, mới có thể yêu, hiểu, sống và diễn tả trải nghiệm của linh đạo môi sinh một cách tự nhiên và thuần khiết nhất. Điều này chúng ta phải thừa nhận để học hỏi thế nào là trải nghiệm cảm thụ thiên nhiên, hòa vào nhịp sống của môi trường trong lành, nơi đó không có gì khác hơn là tâm tình biết ơn và tôn trọng món quà an hòa của thiên nhiên. Hãy đón nhận và nâng niu những gì Mẹ Trái Đất và vũ trụ ban tặng.

Dẫu vậy, ở mọi nơi và mọi thời, con người vẫn thường nổi loạn trong sự ích kỷ, lúc đó những nguyên tắc sống của cộng đồng là rất cần thiết để mọi người biết giới hạn của họ trong khuôn phép. Để kết, tôi xin mượn 10 Điều Răn của Người Mỹ Bản Địa[xxxiii] (trước đây còn được gọi là người Da Đỏ) để mời gọi tất cả những ai, dù sống trong cương vị nào, thuộc tôn giáo nào, ở lứa tuổi nào bất cứ, hãy có trách nhiệm với môi trường mình đang sống:

 

1) Hãy tôn trọng khi đối xử với Trái Đất và muôn loài;

2) Luôn gần gũi với Thần Khí Sáng Tạo;

3) Thể hiện sự tôn trọng cao đối với người đồng loại;

4) Cùng nhau làm việc vì lợi ích của nhân loại;

5) Sẵn sàng giúp đỡ và sống tử tế;

6) Sống theo lẽ phải lương tâm mình;

7) Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể xác;

8) Cống hiến chia sẻ những nỗ lực cho những điều tốt hơn;

9) Luôn chân thành và tôn trọng sự thật;

10) Có trách nhiệm hoàn toàn với hành động của chính mình.

 

Và nếu cho phép bổ sung điều thứ 11 thì đó là: ‘Muốn hạnh phúc, hãy biết ơn!’[xxxiv] dưới mái nhà xanh của Mẹ Trái Đất. Mái nhà này cần sự kết nối đồng lòng của một cộng đồng nhân loại biết cùng nhau vun trồng mầm sống xanh, biết hy vọng vào phần thưởng trái ngọt của “cây sự sống” (x. Cn 3,18; 11,30), và nương nhờ dưới bóng mát của Cây Sự Sống là Thập Giá cứu độ của Đức Kitô.[xxxv]



[i] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, “Linh đạo” trong Từ Điển Công Giáo (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2019), 533.

[ii] Trong đó “eco-”, tiếng Hy Lạp là οἶκος, có nghĩa là home – ngôi nhà.

[iii] Rachel Wheeler, Ecospirituality: An Introduction (Minneapolis, MN: Fortress Press, 2022), 1.

[iv] Hai nền tảng này được tóm tắt theo bài viết của Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS, “Sống linh đạo môi trường, công cuộc Tân Phúc Âm hóa,” Tổng Giáo Phận Sài Gòn, 26/5/2015, https://tgpsaigon.net/bai-viet/song-linh-dao-moi-truongcong-cuoc-tan-phuc-am-hoa-29271

[v] Chính vì cuộc sống gắn bó với thiên nhiên mà giáo sư Mark I. Wallace gọi Đức Giêsu là  “khuôn mặt xanh của Thiên Chúa” (Jesus as the ‘green face of God’).

[vi] Theo thần học gia John Hart, “bí tích tự nhiên (natural sacrament) là một nơi, một sự kiện, hoặc một thụ tạo trong tự nhiên mà như một dấu chỉ về sự hiện diện và tính nội tại của Thần Khí, lôi cuốn con người hướng về Thần Khí và đồng thời mời gọi họ liên hệ không những với Thần Khí mà còn với tất cả thụ tạo có sự sống và không có sự sống”. Trích trong Rachel Wheeler, God Is Green: An Ecospirituality of Incarnate Compassion (Minneapolis, MN: Fortress Press, 2022), 181.

[vii] Xem thêm bài của Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, “Con người là một tiểu Vũ trụ,” Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo 56, số 2 (2008), https://www.totha.vn/religion_detail.php?id=61.

[viii] Joseph A. Tetlow, An Ecological Spirituality,” USCCB, https://www.usccb.org/resources/ecological-spirituality.

[ix] Nguyên Phong, Muôn kiếp nhân sinh, tập 1 (TP.HCM: Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2020), 147. 

[x] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ – Chăm sóc ngôi nhà chung, 2015, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html. Kể từ thông điệp Rerum Novarum năm 1891 của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, và tính riêng từ Công đồng Vatican II đến nay, các thông điệp: Pacem in Terris (Đức Gioan XXIII, 1963) Populorum Progressio (Đức Phaolô VI, 1967), Centesimus Annus (Đức Gioan Phaolô II, 1991), Caritas in Veritate (Đức Bênêđíctô XVI, 2009), Laudato Sí (Đức Phanxicô, 2015), Tông huấn Evangelii Gaudium (Đức Phanxicô, 2013)… cùng vô số tuyên bố và hướng dẫn mục vụ khác. Đáng chú ý Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi xướng chương trình hành động Laudato Sí với nhiều hoạt động thực tiễn trải dài 7 năm (2022-2029) với ước mong có được “tinh thần sinh thái toàn vẹn – hy vọng cho trái đất và người nghèo” nhằm có được một “môi sinh nhân bản toàn diện”.

[xi] Theo bản dịch của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh, đăng trên: https://www.simonhoadalat.com/

[xii] Linh mục Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS tóm tắt 14 thói quen thiếu lành mạnh cần thay đổi trên: https://tgpsaigon.net/bai-viet/song-linh-dao-moi-truongcong-cuoc-tan-phuc-am-hoa-29271#2

[xiii] Barbara Fraser, “Ecospirituality is more than ecology and theology. It calls us to reconnect,” National Catholic Reporter, 10/2/2022, https://www.ncronline.org/news/earthbeat/ecospirituality-more-ecology-and-theology-it-calls-us-reconnect. Tất cả ý tưởng trong đoạn này cũng được viết lại tóm tắt từ bài báo này.

[xiv] Joseph A. Tetlow, An Ecological Spirituality,”

[xv] x. DoCat - Phải làm gì?, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2017), 239.

[xvi] Xem thêm trên YouTube KÊNH VTC14 tại https://youtu.be/k6Gq9Pdsk0g.

[xvii] Xem thêm trên kênh YouTube Kiến Thức Thú Vị tại https://youtu.be/4I-C6-85sdI.

[xviii] Xem thêm trên kênh YouTube VTC NOW tại https://youtu.be/Ro-arTZpCGo.

[xix] Nicole Harris, Reconnecting with Nature: How Eco-Spirituality Can Save the Planet and Your Soul [Tái kết nối với thiên nhiên: Làm sao linh đạo môi sinh có thể cứu hành tinh và linh hồn bạn] (Self-publication, 2023), Kindle edition.

[xx] Ecospirituality Foundation, Ecospirituality for a New World (Edizioni Triskel di Rosalba Nattero s.a.s., 2022), Kindle edition.

[xxi] Xem thêm Petros Vassiliadis, “The  Witness of the Church in Today’s World: Three Missiological Statements on Integral Ecology,” bài thuyết trình tại hội nghị “Integral Ecology as the New Road to Reconciliation,” Thessaloniki 1‐5/9/2016, https://www.academia.edu/28268455/The_Witness_of_the_Church_in_Todays_World_Three_Missiological_Statements_on_Integral_Ecology

[xxii] Sallie McFague, “The Church Is Ecological,” 124.

[xxiii] x. Wheeler, Ecospirituality: An Introduction, 4-7.

[xxiv] Tóm tắt của Christopher Hrynkow và Dennis O’Hara trong bài “Earth Matters: Thomas Berry, the Pacificism of Religious Cosmology and the Need for Ecojustice,” Peace and Justice Studies 22, no. 2 (2012): 3-28, https://www.academia.edu/15393274/Earth_Matters_Thomas_Berry_the_Pacificism_of_Religious_Cosmology_and_the_Need_for_Ecojustice.

[xxv] Thomas Berry, The Dream of the Earth (NV: Sierra Club Books, 1988), 43.

[xxvi] Robert E. Shore-Goss, God Is Green: An Eco-Spirituality of Incarnate Compassion  (Eugene, OR: Cascade Books, 2016), 167.

[xxvii] Elizabeth A. Johnson, Ask the Beasts: Darwin and the God of Love (London, UK: Bloomsbury Continuum, 2015), 272

[xxviii] Xem thêm Shore-Goss, God Is Green, chương 7, 167-192.

[xxix] Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, “Thư mục tử về Bảo vệ môi trường,” TGP Sài Gòn, 1/6/2009, https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-muc-tu-ve-bao-ve-moi-truong-58340

[xxx] Johnson, Ask the Beasts, 150, được trích trong Thomas Rausch, Thần Học Hệ Thống: Tiếp Cận Theo Công Giáo Rôma, Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ dịch (Nxb. Đồng Nai, 2020), 391.

[xxxi] Gần đây nhất là thành công của Ấn Độ trong việc đáp thành công tàu đổ bộ Chandrayaan-3 xuống gần cực nam của mặt trăng khoảng 19h30 ngày 23/08/2023 (giờ Hà Nội).

[xxxii] Nhận định của cha H. Hilger, thư ký của cha Arnold, trích từ “The 100th Birthday of Arnold Janssen (1937),” trong Peter McHugh, biên tập, Arnold Janssen, Yesterday and Today, Analecta SVD – 63/III, Rome, 1998, trang 73-74. Bản dịch của Lm. Giuse Lâm Sơn Tòng, SVD.

[xxxiii] Bản tiếng Anh trên https://courses.cs.vt.edu/cs3604/support/IntroClass/AmIndian.html

[xxxiv] Bài thuyết trình của đan sĩ Dòng Biển Đức về lòng biết ơn, tu sĩ David Steindl-Rast, trên TED Talk: https://www.ted.com/talks/david_steindl_rast_want_to_be_happy_be_grateful/transcript

[xxxv] Ý nghĩa thần học biểu tượng dựa trên bức tranh mosaic cổ trên cung thánh của vương cung thánh đường Clemente ở Rôma vào khoảng thế kỷ 12. Chi tiết xem: https://dongten.net/mosaic-thap-gia-cay-su-song-o-vuong-cung-thanh-duong-thanh-clemente-roma/


MƯỜI ĐIỀU RĂN VỀ MÔI TRƯỜNG

 

Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi, thư ký Hội đồng giáo hoàng về công lý và hòa bình đã đưa ra 10 nguyên tắc rút ra từ bản “Tóm Lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo”. Dưới đây là bản toát yếu các nguyên tắc đó:

1.  Con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được đặt trên tất cả các thụ tạo khác trên thế giới. Tuy nhiên, các thụ tạo đó phải được sử dụng và chăm sóc một cách có trách nhiệm.

 2. Thiên nhiên không được giảm thiểu đi trở thành một đối tượng bị khai thác quá mức, cũng không được tuyệt đối hóa hoặc đặt trên phẩm giá con người.

 3. Trách nhiệm sinh thái có liên quan đến toàn bộ hành tinh trong một nhiệm vụ chung phải tôn trọng một tập thể hài hòa, cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

 4. Trong việc xử lý các vấn đề môi trường, đạo đức và phẩm giá con người phải được đặt trước công nghệ.

 5. Thiên nhiên không phải là một thực tại linh thiêng hoặc thần linh, được đặt ra khỏi sự can thiệp của con người. Vì vậy, sự can thiệp của con người làm thay đổi một số đặc điểm của các sinh vật không phải là sai lầm, với điều kiện là con người biết tôn trọng vị trí của chúng trong hệ sinh thái.

 6. Chính sách phát triển phải được phối hợp hài hòa với chính sách sinh thái, và mọi chi phí bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.

 7. Vấn đề xóa đói giảm nghèo toàn cầu có liên quan đến vấn đề môi trường, xin nhớ rằng của cải trên trái đất phải được chia sẻ bình đẳng.

 8. Quyền được có một môi trường an toàn và sạch cần phải được bảo vệ thông qua hợp tác và các điều ước quốc tế.

 9. Việc bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự thay đổi trong phong cách sống, phản ánh sự tự chế và tự chủ, trên phạm vi cá nhân và xã hội. Điều đó có nghĩa là bỏ đi cái lôgích của chủ nghĩa tiêu thụ.

 10. Các vấn đề môi trường cũng đòi hỏi phải có một sự đáp trả tâm linh và một nhận thức lớn hơn rằng thế giới được tạo dựng là một món quà của Thiên Chúa.

Bản dịch của Đan Quang Tâm

LTCG (16.09.2011)


MỤC LỤC

Chương 1: Giới thiệu: Vai trò của tôn giáo trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái ngày nay   (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 2: Linh đạo môi sinh: Về dưới mái nhà xanh (Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Chương 3: Chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng môi trường (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 4: Chăm sóc thụ tạo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Chương 5: Mẫu hình con người sinh thái: Đức Giêsu (Hà Hùng Vương)

Chương 6: Hướng tới sự đổi mới sinh thái qua những câu trả lời quý giá đối với vấn đề môi trường từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh (Paul B. Steffen, SVD )

Chương 7: Đào tạo một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô Giáo (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 8: Người môn đệ loan báo Tin Mừng trong cuộc khủng hoảng sinh thái, bất công và nghèo đói ngày nay (Phêrô Đặng Quốc Cường, SVD)

Chương 9: Chăm sóc ngôi nhà chung từ lăng kính của công lý - hòa bình và sự toàn vẹn của vạn vật (GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD)

Chương 10: Đối thoại liên tôn với việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại (Anthony Lê Đức, SVD)

Chương 11: Phụ nữ Việt Nam: Người bảo trợ sinh thái học (Nguyễn Trung Tây)

Chương 12: Sinh thái học, thiên tai và di cư qua lăng kính Kinh Thánh (vănThanh Nguyễn, SVD)

Chương 13: Căn tính Kitô Giáo trong mối tương quan với các loài thọ tạo (Anthony Lê Đức, SVD )

Chương 14: Ngôi nhà chung, Giáo Hội xanh (Nguyễn Trung Tây)