UEH ĐÃ THAY ĐỔI TÔI NHƯ THẾ!

Nếu có ai đó hỏi bạn là giảng viên trường nào, bạn có tự hào không khi nói mình đến từ UEH? Tôi thì rất tự hào đấy, vì tôi hoàn toàn tự tin là người hỏi không ai không biết đến ngôi nhà UEH (trừ trường hợp là người nước ngoài). Xong, nếu có ai đó lại chất vấn tiếp, anh là giảng viên UEH thế đã từng tham gia hội thảo quốc tế nào chưa? Hay có bài báo nào chưa? Và cảm giác thế nào nếu câu trả lời của bạn là chưa? Thành thật mà nói, tôi đã từng rất thẹn khi bị hỏi như vậy, cảm giác như mình chỉ là kẻ ăn theo thương hiệu của trường (1).

Rõ vậy, trong cái mối quan hệ như-cộng-sinh ấy, thương hiệu của giảng viên và UEH là gắn bó với nhau, mỗi giảng viên đều góp phần nhỏ bé đóng góp thương hiệu của trường, và đến lượt nó, bản thân thương hiệu UEH là tăng giá trị profile của giảng viên. UEH cũng đã khẳng định mỗi giảng viên “là đại diện của thương hiệu UEH trong nghiên cứu khoa học (NCKH), mỗi viên chức có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu UEH trong cộng đồng NCKH trong nước và quốc tế”.

UEH với định hướng là trường đại học nghiên cứu, đã có những bước đi quyết liệt trong việc tăng cường các công bố quốc tế, được thể hiện qua số lượng các bài báo được công bố hàng năm có sự gia tăng rõ rệt từ 2011 đến nay. Quỹ Nghiên cứu Hàn lâm - UEH Foundation for Academic Research được thành lập năm 2014, với mục tiêu nhằm “khuyến khích giảng viên thực hiện đề tài NCKH theo hướng hàn lâm, viết bằng tiếng Anh và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín”. UEH đang thay đổi từng ngày từng giờ, không ngừng vươn lên định hình đại học nghiên cứu đa ngành với tầm vóc quốc tế, và trong guồng quay đó, giảng viên của UEH cũng phải có những thay đổi, thay đổi để thích nghi với ngôi nhà chung đang chuyển mình.

Tôi phải thay đổi và tôi đã thay đổi

Về trường từ năm 2007, trong khoảng thời gian 6 năm cho đến trước khi đi du học, tôi gần như kẻ đứng bên lề của những hoạt động NCKH: không một bài viết tạp chí, một đầu sách, cũng không có bất kỳ công trình nghiên cứu gì đáng kể. Vài lần hội thảo khoa, tôi cũng cố gắng viết 2,3 bài viết, nhưng kỳ thực là để đối phó cho có hơn là những nghiên cứu thật sự tử tế. Tôi đi dạy, dạy mãi miết, không chỉ ở UEH mà còn chạy sô bên các trường khác và cả các trường cao đẳng nữa. Suy nghĩ rất đơn giản là, còn trẻ, lo kiếm tiền cái đã.

Chẳng có thời gian đâu NCKH, mỗi khi buộc phải viết thì cũng chả biết viết cái gì và bắt đầu từ đâu. Những bài giảng cứ lặp đi lặp lại, cũng tình huống ấy cũng câu hỏi ấy, và đôi khi tôi lặp lại cả một bài giảng như một cái máy, từ lớp này qua lớp khác, từ lứa sinh viên này đến lứa sinh viên khác. Vì không có NCKH, kiến thức đâu để làm mới bài giảng, để làm phong phú thực tiễn nghiên cứu? Đôi khi, tôi cảm thấy tội cho chính những sinh viên mà mình đứng lớp, một cảm giác gần như là tội lỗi.

Cũng là một dịp may, Đề án 911 - đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án bắt đầu triển khai từ giữa năm 2013 và sẽ ngưng tuyển sinh trong năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời đúng lúc tôi cần một cơ hội. Tôi đã đăng ký dự tuyển cho suất học bổng đi Nhật, trong một chiến lược có tính toán là, nếu chọn những nước nói tiếng Anh, tỉ lệ cạnh tranh sẽ rất cao và với cái “background” khiêm tốn của mình, tôi khó lòng trúng tuyển. Cũng xin được cảm ơn Ban Giám hiệu UEH, lãnh đạo khoa Luật và Phòng Tổ chức hành chính đã hỗ trợ và linh hoạt hết mức để tôi có thể lên đường du học vào mùa thu năm 2013, là một trong những người đi học theo Đề án 911 sớm nhất và cũng tốt nghiệp về nước sớm nhất (2016). Đó đã là một quyết định không dễ dàng, trong hoàn cảnh nhà neo người, phải xa gia đình, thoát ly công việc, rời bỏ những thứ vốn quen thuộc với mình cho 3 năm, hoặc nhiều khi hơn thế… Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định đi du học, tôi tin nếu không như thế tôi sẽ không thể nào thoát khỏi cái tình thế hiện tại.

Tôi vẫn luôn nhớ lời dặn dò của vị Giáo sư đáng kính - Giáo sư Ichiro Araki, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Yokohama đã hướng dẫn tôi, khi lần đầu tiên gặp ông, đích thân ông đến đón tôi ở sân bay Narita một ngày mùa thu đầy lá vàng: “Thầy không mong đợi em sẽ sớm trở thành ngôi sao lấp lánh trên vòm trời học thuật, mà chỉ mong có thể giúp em trở thành một người nghiên cứu thật sự” (I never hope to transform you to be a twinkle star in the academic sky, just hope to guide you to be a “real” researcher).

Tôi có mong mình là ngôi sao đâu, nhưng có lẽ điều nghiên kỹ cái CV cùng research proposal của tôi nên giáo sư mới dặn dò như thế. Và tôi cũng chỉ mong như thế, làm sao để có những nghiên cứu ra hồn, để làm phong phú bài giảng, để làm tăng thương hiệu cá nhân, chứ chẳng mong mình là ngôi sao vì biết mình khó có thể đến mức ấy. Và rồi từng bước, tôi đã thoát ra khỏi cái áo cũ kỹ của tôi trong quá khứ, để thay đổi.

Quá trình đó nó diễn ra từng chút một, rất chậm, đối với người khác là điều hết sức bình thường, nhưng đối với bản thân tôi thì lại là kỳ tích. Bắt đầu từ việc săn tìm những hội thảo quốc tế có liên quan và gửi những bài viết đầu tiên của mình. Nếm trải qua những thất bại từ những lần bị từ chối phũ phàng như một hội thảo ở Đại học Bắc Kinh, đến những lời từ chối ngọt ngào kiểu như “chúng tôi xin lỗi vì có quá nhiều bài viết được gửi đến, chúng tôi đành đưa bạn vào danh sách dự bị” từ Đại học Bologna ở Ý. Cũng dễ hiểu, văn hóa Nhật không chấp nhận việc nghiên cứu sinh đứng tên chung với Giáo sư để gửi bài, mong đợi tên tuổi của Giáo sư sẽ bảo chứng cho việc bài viết sẽ được chấp nhận, và với một nghiên cứu sinh thành tích nghiên cứu là con số không như tôi, người ta từ chối là điều dễ hiểu. Giáo sư lại yêu cầu tôi thử đổi đề tài khác, và lần này tôi đã thành công, với một bài viết mà cùng lúc có hai hội thảo quốc tế ở Bồ Đào Nha và ở Áo chấp nhận. Việc trình bày tại hội thảo giúp tôi thu thập được nhiều ý tưởng và bắt đầu thử gửi các tạp chí quốc tế. Tôi đã về nước đúng hạn (3 năm) sau những quyết tâm của mình như thế.

Để thay đổi: Không khó!

UEH đã và đang thay đổi, và tạo ra áp lực khiến tôi phải thay đổi. Có thể nói, nếu không có những bước đi quyết liệt trong chính sách của UEH hướng đến “Ultimate Educational Harmony”, thì chắc hẳn, đến bây giờ tôi vẫn cứ là một giảng viên công nghiệp, ngày ngày lên lớp với những bài giảng cũ kỹ, và tiếp tục từ năm này đến năm khác lấy giờ giảng vượt chuẩn bù vào giờ nghiên cứu khoa học. Nếu UEH không thay đổi, chuyển mình hội nhập quốc tế, nâng tầm trường đại học đầu ngành, thì hẳn tôi vẫn cứ cảm thấy an toàn trong cái lớp vỏ giảng viên của mình, tiếp tục như thế cho đến ngày hưu trí. Trong bối cảnh thay đổi, tôi nhận thức mình cần thay đổi để thích nghi, việc lấy được bằng tiến sĩ cuối cùng cũng chỉ là sự khởi đầu, khởi đầu cho việc nghiên cứu về sau.

Từ sự tạo động lực, chính UEH đã hỗ trợ cho tôi có được học bổng, và khăn gói đi du học khi tuổi đã cận kề 40, mà từ đó tôi đã thay đổi, dù có phần hơi muộn màng. Thay đổi thật sự không khó nếu như mình quyết tâm, viết lách thật sự không tiêu tốn thời gian nếu như mình có chiến lược. Muốn vậy, cách tốt nhất, theo tôi, là nên mạnh dạn thoát ly công việc ra nước ngoài học, dù ở cấp độ nào. Việc đó sẽ giúp cho mình vượt qua sự tự ti về ngoại ngữ và tiếp cận được những phương pháp nghiên cứu. Hãy bắt đầu từ việc tham gia các hội thảo quốc tế, dù việc này có hơi tốn kém, nhưng là những khoản đầu tư đáng giá. Tần suất tham gia các hội thảo sẽ làm phong phú cái lịch sử nghiên cứu của bạn, đến lượt nó sẽ làm tăng giá trị các bài viết bạn gửi cho các tạp chí quốc tế. Sau tất cả, bài viết của tôi chỉ là sự kể lại trải nghiệm của bản thân về cái cách mà UEH tác động đến tôi, buộc tôi phải thay đổi như thế nào. Bằng tiến sĩ chỉ là sự khởi đầu, và tôi thật sự chưa có thành tích gì để có thể gọi là tự hào mà khoe khoang, tôi cũng không dám tự nhận mình chuyên nghiệp để mà chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều khi tự hỏi, nếu UEH không thay đổi, liệu bản thân mình có quyết tâm thay đổi như thế không? Chắc là không, tôi nghĩ thế! @

TS. TRẦN VÂN LONG

(1) Ở góc độ chia sẻ những suy nghĩ của cá nhân đã trải qua, bài viết không nhằm đả kích hay phê phán bất cứ ai.

(2) Điều 15 Khoản 2 Quy định về quy tắc ứng xử của viên chức trường Đại học Kinh tế TP.HCM Ban hành kèm theo Quyết định số: 695/QĐ-ĐHKT-CTCT ngày 4.4.2017 của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

(3) Chi tiết xem trên website của Phòng QLKH-HTQT tại http://www.ueh. edu.vn/news.aspx?cat=51

(4) http://rmic.ueh.edu.vn/tin-tuc/-ueh-voi-chien-luoc-tro-thanh-truong-dai-hoc-dinh-huong-nghien-cuu-10