10 VIỆC CẦN LÀM KHI BẠN MUỐN KHỞI NGHIỆP KINH DOANH

Kinh doanh ngành nghề gì, trong bất kỳ lĩnh vực nào - sản xuất, thương mại, dịch vụ - cũng là một công việc đa dạng và phức tạp, nhiều khó khăn và thử thách, nhưng vẫn rất hấp dẫn và có nhiều hứa hẹn… thành công. Công việc này đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hết sức, nỗ lực tối đa, toàn tâm toàn ý học hỏi cả lý thuyết và thực hành, nhất là khi chúng ta mới bắt đầu công việc khởi nghiệp kinh doanh. Những sai sót, lỗi lầm tuy có thể cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu nhưng bắt buộc chúng ta phải trả một giá rất đắt. Cái giá phải trả cho thất bại trong kinh doanh có thể là bị bỏ qua những cơ hội, mất mát tiền bạc vốn liếng, gãy đổ các mối quan hệ gia đình và xã hội…

  1. Hãy bắt đầu bằng việc sống thanh đạm: chi tiêu cho cuộc sống cá nhân hợp lý; học cách tiêu tiền cẩn thận, có kế hoạch định trước, chỉ nên tiêu xài cho những nhu cầu cần thiết. Mục đích chính là tiết kiệm tiền bạc để tạo vốn liếng cho việc khởi nghiệp. Việc học cách tiêu tiền cũng là bài học rất quan trọng mà bạn sẽ áp dụng trong công việc kinh doanh sau này.
  2. Hãy tìm hiểu những dự định của bạn về công việc kinh doanh bằng cách làm việc cho doanh nghiệp của người khác trong cùng một lĩnh vực mà bạn muốn kinh doanh (sản xuất, thương mại, dịch vụ…). Cách này sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian, công sức nhưng cũng rất đáng công thực hiện vì bạn sẽ được đền bù bằng những bài học quý giá, bằng vô số kinh nghiệm học hỏi được từ người khác. Chưa kể việc bạn có thể tích lũy thêm tiền bạc để làm vốn khởi nghiệp và tạo được nhiều mối quan hệ với khách hàng, đối tác…
  3. Hãy xem xét những lợi ích của việc khởi nghiệp một công việc kinh doanh bán thời gian. Bạn đang đi học hoặc đi làm, bạn muốn bắt đầu thử sức trong lĩnh vực kinh doanh từ điều kiện hạn hẹp của bản thân… Không ai có thể ngăn cản được điều bạn ước mơ và muốn thực hiện.
  4. Hãy xem xét những lợi thế của việc điều hành một doanh nghiệp gia đình. Không phải ai cũng có điều kiện này, nhưng nếu bạn có một gia đình đang hoạt động KD, tại sao bạn lại có thể bỏ qua cơ hội được học hỏi tất cả những vấn đề làm ăn trên thương trường mà không phải tốn học phí thế này?
  5. Bạn cần tự đánh giá một cách khách quan những kỹ năng cạnh tranh chính đáng của bạn. Và cũng cần rèn luyện những tiềm năng, thủ thuật chống cạnh tranh của bạn. Điều cần thiết nhất là bạn cần một lý trí luôn giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt; một đầu óc phân tích và tổng hợp vấn đề cách nhạy bén.
  6. Bạn cần xem xét vai trò nhà thầu phụ và ngành công nghiệp phụ trợ nếu bạn muốn kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. Vấn đề này có hai hướng xem xét: (a) Nếu muốn sản xuất một sản phẩm gồm nhiều chi tiết cấu tạo, lắp ráp… bạn cần tìm hiểu và chọn lựa những nhà cung cấp phụ trợ đáp ứng được hai tiêu chí cơ bản quan trọng nhất trong nhiều yêu cầu: chất lượng và giá cả. (b) Nếu muốn làm nhà thầu phụ chỉ sản xuất một vài thành phần chi tiết của một sản phẩm phức tạp, bạn cần tìm kiếm nhà sản xuất chính có tên tuổi, uy tín trên thị trường.
  7. Nên tìm hiểu và thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn muốn cung cấp cho thị trường trước khi bạn bắt đầu kinh doanh chính thức hoặc mở rộng quy mô kinh doanh. Công việc này có tính chất “thử và sai”, khó thực hiện nên bạn cần kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tinh thần cầu tiến.
  8. Hãy lập danh sách mô tả công việc kinh doanh một cách cụ thể mà bạn đang dự định dưới hình thức mỗi một chi tiết đều được lượng định hai mặt Lợi và Bất lợi. Cột “Lợi”: nêu ra đầy đủ những phân tích, ước lượng và đánh giá những yếu tố thuận lợi, dễ dàng, có ưu thế… Cột “Bất lợi”: những khó khăn, trở ngại, phức tạp, những vấn đề có thể không giải quyết được…
  9. Hãy trò chuyện, trao đổi, tham khảo ý kiến nhiều người về dự định kinh doanh của bạn để được tư vấn. Tuy nhiên bạn cần tỉnh táo lắng nghe và chon lọc những góp ý đúng, tích cực, có tính chất xây dựng… Và dù thế nào thì quyền quyết định cuối cùng vẫn là của bạn.
  10. Cuối cùng bạn cần thực hiện một sự phân tích bằng cách so sánh tất cả các điều kiện, cơ hội cũng như những khó khăn, trở ngại mà bạn đang xem xét.@

ĐỨC ĐẠT