NHÂN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8.3

10 PHỤ NỮ VIỆT NAM NỔI TIẾNG

Nữ vương đầu tiên: Danh hiệu Nữ vương đầu tiên trong lịch sử Việt Nam dành cho 2 chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi viên Thái thú Tô Định, lật nhào ách đô hộ của nhà Đông Hán và xưng vương, đóng đô tại Mê Linh, hai bà nắm quyền được 3 năm.

Người làm cô giáo của nhiều vua nhất: Bà Nguyễn Nhược Thị Bích (1830-1909), quê quán Thừa Thiên - Huế. Bà Nhược Bích rất thông minh và giỏi văn thơ, được tiến cử vào cung và trở thành cô giáo (Quốc sư) của 3 vị vua triều nhà Nguyễn gồm Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh.

Nữ Tổng biên tập đầu tiên: Danh hiệu này thuộc về bà Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), bút danh là Sương Nguyệt Anh, con gái thứ 4 của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, quê ở tỉnh Bến Tre. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918, bà lên Sài Gòn làm Tổng biên tập báo Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.

Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên: Đó là bà Nguyễn Thị Minh Khai, là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt Nam. Bà sinh năm 1910 tại Vinh, (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng, năm 1935 học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) cùng với Lê Hồng Phong, là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham gia Đại hội VII Quốc tế Cộng sản năm 1937, Bà về nước hoạt động, sau đó bị giặc Pháp bắt năm 1940 và kết án tử hình tháng 5.1941.

Nữ anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất: Chị Võ Thị Sáu (1933-1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5.1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ trung thành. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và tử hình, năm 1993, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã trân trọng truy tặng chị huân chương Chiến công Hạng nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang.

Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội: Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, trong kháng chiến chống Pháp bà đã xây dựng và chỉ huy đội Nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Hoạt động hiệu quả, táo bạo, dũng cảm nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”, bà được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công và năm 1952, được phong là nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người phụ nữ có nhiều con cháu là liệt sĩ nhất: Đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1909, quê xã Điện Thắng (Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam) có tới 9 người con và 2 người cháu nội là liệt sĩ.

Người phụ nữ đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất: Bà Nguyễn Thị Định (1920- 1992), quê Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đồng Khởi 1959-1960. bà đã giữ nhiều cương vị chủ chốt trong quân đội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng, và năm 1987 bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Nữ giáo sư - tiến sĩ toán học đầu tiên: Bà Hoàng Xuân Sính, giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là nữ giáo sư, tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1975, tại trường Đại học Paris VII (Pháp), bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học, sau đó về nước công tác và được phong học hàm Giáo sư.

Nữ tiến sĩ toán học trẻ nhất: Danh hiệu này thuộc về nhà toán học Lê Hồng Vân. Đầu 12.1989, khi mới 28 tuổi, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý của mình tại Hội đồng Bác học trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Nga (chiếm trọn 17 phiếu thuận của Hội đồng).@

SONG THÁP