Du lịch Núi Tà Cú để thử sức

Từ lâu, Tà Cú là điểm du lịch kỳ thú của dân dã ngoại, là tuyến du lịch tâm linh hấp dẫn của người hành hương.

Tà Cú là ngọn núi cao 694 m (đa phần đều ghi 649 m), ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Núi cách Phan Thiết 29 km về phía nam và cách Sài Gòn 167 km về hướng bắc. “Tà” theo ngôn ngữ gốc tiếng Phạn, có nghĩa là “ông”, được dùng đặt tên cho các địa danh như Tà Dôn, Tà Bao... (Việt Nam); Ta Keo, Ta Prohm... (Khmer). “Cú” có thể là “núi”? Còn “Hàm” theo tiếng Chăm cổ, có nghĩ là “ruộng, rẫy”. Ở độ cao 475 m, có chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật khổng lồ giữa rừng nguyên sinh.

Giữa thế kỷ 19, tổ sư Trần Hữu Đức (1812 - 1887), pháp danh Thông Ân từ Phú Yên vào Bình Thuận tu hành. Tên tuổi ông gắn liền với nhiều chùa cổ ở Bình Thuận như Cổ Thạch, Linh Sơn (Tuy Phong); Phước Hưng (Phan Thiết) và các chùa ngoài đảo Phú Quý. Ông nổi tiếng khắp vùng vì đức độ, kiến thức và tài bốc thuốc chữa bệnh. Năm 1872, nhà sư lên Tà Cú tu hành trong một hang nhỏ, ngày nay gọi là hang Tổ.

Năm 1880, Hoàng thái hậu Từ Dũ (1810 - 1902), là vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức lâm bệnh nặng; chạy chữa khắp nơi không khỏi. Các đại thần tâu vua xin rước nhà sư Thông Ân về kinh trị bệnh cho Hoàng thái hậu. Từ ngày lên núi cho đến lúc ấy, ông chưa hề hạ sơn nên từ chối nhưng gửi đệ tử mang thuốc về triều chữa bệnh. Hoàng thái hậu khỏe lại, vua Tự Đức phong tặng nhà sư Thông Ân là “Đại Lão Hòa Thượng” và chùa nơi ông tu hành là “Linh Sơn Trường Thọ”.

Sau khi Hòa thượng Thông Ân viên tịch, các nhà sư kế tục cho xây thêm chùa Long Đoàn ở phía dưới - nên còn gọi là chùa Dưới; để phân biệt với chùa Trên - Linh Sơn Trường Thọ tự. Chùa đã được trùng tu và trùng kiến nhiều lần. Phía trên chùa, cách hang Tổ chừng 50 m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn. Tượng dài

49 m, cao 7 m, đúc bằng đá kết hợp xi măng cốt thép vào năm 1963. Vào thời điểm đó, đây là tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam. Còn tính cả Đông Nam Á thì có nhiều tượng lớn hơn ở Thái Lan và Myanmar. Dưới tượng Phật lớn chừng 50 m, là nhóm tượng Di Đà Tam Tôn (không phải là tượng Tam Thế Phật), xếp hàng ngang trên các đài sen. Chính giữa là tượng A Di Đà cao 7 m, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đều cao 6,5 m. Tháp Tổ, nằm trước điện thờ, bên cạnh là mộ Bạch Hổ, tương truyền cọp trắng được thuần hóa và chết theo khi sư tổ viên tịch. Phía sau là tháp mộ các nhà sư trụ trì.

Nét đẹp của Tà Cú là núi đứng một mình, giữa bao la vườn thanh long và ruộng lúa, cạnh bạt ngàn biển xanh. Tôi đã 7 lần leo lên Tà Cú, còn sau này đi cáp treo thì không nhớ hết. Đi cáp treo, khỏe thì khỏe thật nhưng chẳng còn gì thú vị. Phải leo bộ mới hay.

Tôi leo Tà Cú lần đầu năm 1997, đi buổi tối. Cả đoàn hẹn nhau khởi hành từ Sài Gòn lúc 17 giờ, đến Hàm Thuận Nam lúc 20 giờ 30. Từng người tranh thủ nạp thêm năng lượng, kiếm “gậy Trường Sơn”, lấy nước và đèn pin rồi hành quân bộ vào chân núi. Thời đó chưa có đường như bây giờ. Những vườn thanh long, dưới ánh trăng mờ ảo, trông như các vũ nữ đang nhún nhảy múa đèn. Những chùm hoa rồng xanh trái vụ màu trắng, phơn phớt vàng trăng, tỏa hương thơm liêu trai quyến rũ. Tiếng chó sủa vu vơ, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng cây lá thầm thì, trộn nồng nàn hương đất. Mất 20 phút cho đoạn đường gần 2 km, từ quốc lộ vào chân núi. Cả đoàn giải lao, chuẩn bị cho thử thách thật sự “Chinh phục Tà Cú ở độ cao 475 m”. 21 giờ, sau lệnh xuất phát, mọi người hào hứng, hăm hở “vượt qua chính mình” .

Leo Tà Cú chọn đi tối về sáng, trước là để tiết kiệm thời gian, sau là để có cảm nhận khác biệt. Khi lên, chưa rõ đường xa gần nên đi đêm trăng là tốt nhất. Đi ban ngày, nắng, khó quản lý quân số. Cứ vài trăm mét lại có quán nước. Gặp mấy cô bán hàng dễ thương, niềm nở, khách rất dễ mềm lòng. Uống hết lon nước ngọt, nằm ngả lưng trên võng, nhìn cô hàng nước cười đong đưa là... hết leo nổi. Đi đêm mát mẻ, lại không có hàng quán.

Chẳng ai dám la cà ở lại vì sợ “sói tha, ma bắt”. Kinh nghiệm dân leo núi, khi lên dốc cứ việc “ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau”. Leo núi chẳng bao giờ cần “người đỡ đầu”, chỉ cần “người đỡ mông” hỗ trợ. Trang phục leo núi có mấy điều lưu ý. Giày bộ đội là tốt nhất. Nữ không mặc váy ngắn hoặc bó. Váy bó, khó leo. Váy ngắn, tắc đường bởi khách cứ... buộc dây giày suốt! Quần hoặc váy phải có dây rút hoặc thắt lưng. Lắm đoạn dốc ngược đứng, leo không nổi, phải bò và thở bằng tai. Theo phản xạ, khách sẽ níu bất cứ thứ gì bên cạnh để lấy sức vượt lên...

Dưới ánh trăng huyền ảo, vạn vật như đang thức với đất trời. Sương đêm bạc trắng, thảng thốt tiếng chim và thú gọi đàn. Hương khuya nồng nàn và mê hoặc. Ai cũng đẫm mồ hôi dù gió thì thào se lạnh. Cố hát hò, kể chuyện, chọc ghẹo nhau; tiếng cười nói rộn vang rừng núi. Nghe rõ tiếng tim đập thình thịch và nhịp thở dồn dập vì mệt. Càng lên cao, tiếng hát càng thưa dần. Cứ từng nhóm dìu nhau vượt dốc.

Tôi đi nhóm cuối để kéo mấy người yếu sức. Gặp bạn N.H, là phóng viên của một tờ báo, tôi buột miệng hỏi: “Bạn em đâu rồi?”. H. òa khóc tức tưởi, mếu máo: “Anh ấy bỏ em lên trước rồi. Vậy mà trước đây, lúc nào cũng luôn miệng anh sẽ suốt đời bên em, sẽ cùng em chia sẻ mọi khó khăn cực nhọc...”. Tôi chỉ biết xởi lởi động viên nhóm cuối cố lên, cố lên, sắp tới rồi! Chắc bạn trai của H. quá mệt, cắm đầu cắm cổ leo nên lạc mất bạn gái lúc nào không biết. Sáng hôm sau, khi cả đoàn xuống núi, đi Hòn Rơm thì H. bỏ về Sài Gòn một mạch, mặc bạn trai xin lỗi và năn nỉ thanh minh. Tôi nghiệm ra, leo núi là dịp kiểm chứng tình yêu rất tốt.

“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” (Phan Bội Châu).

23 giờ 30, nhóm cuối cùng cũng lết tới nơi. Cả đoàn ríu rít. Nhóm trước giúp nhóm sau đi rửa mặt và tìm chỗ ngủ. Chỉ mệt rã rời chứ không đói. Nước mát lạnh đến rùng mình, lau tới đâu đỡ mệt tới đó. Mỗi người lấy ba lô làm gối, áo gió làm mền, có sẵn chiếu và giường nhà chùa, đốt thêm mấy cây nhang muỗi là “thăng” ngay vào cõi vô thường... Trời chưa hửng sáng, tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ tụng kinh đã đánh thức mọi người. Sương giăng bạc trắng che khuất cả núi rừng. Cứ ngỡ đang ở chốn bồng lai hoặc bồng bềnh trên biển.

Đoàn điểm tâm bằng mì chay rồi vào viếng chùa cổ, khám phá Linh Sơn Trường Thọ tự và tượng Phật lớn. Giữa rừng nguyên sinh, Phật nằm vĩnh hằng, thanh thoát và vô ưu. Sáng sớm mà mấy nàng sóc, mấy chú khỉ đã ra nhảy nhót và chuyền cành quanh tượng. Cách tượng gần trăm mét có hang nhỏ, được sắp xếp bởi vô số tảng đá kích cỡ khác nhau. Càng vào sâu, hang càng hẹp. Chỉ mấy em bé hoặc người có dáng sậy mới thóp bụng vào được bên trong để lấy nước tiên về làm quà...

Nắng lên hồng đồi núi, đẩy sương tan vào cây và hòa với đất. Từ xa, biển Thuận Nam nối tận chân trời và bóng hải đăng Kê Gà kiêu hãnh. Có lẽ được ngủ cạnh Phật, nên ai cũng nhanh chóng phục hồi sức khỏe, lại hăm hở xuống núi về với biển xanh. Lúc lên, ép tim khó thở. Lúc xuống thì cứng cơ chân và rất dễ trượt. Chiếc gậy Trường Sơn, lúc lên chủ yếu là phòng rắn và thú dữ, lúc xuống là điểm tựa an toàn. Khi lên trời tối, mệt, ai cũng “nhắm mắt mà leo”. Giờ xuống, nhìn kỹ, mới giật mình vì đường hiểm trở, có đoạn dốc tới 70 độ! Thấy mình giỏi hơn mình tưởng rất nhiều. Cảnh vật cũng sống động, trữ tình hơn và đường như ngắn lại dù khúc khuỷu, gập ghềnh với nhiều tên gọi ấn tượng.

Nào dốc Yên Ngựa với giếng Tiên. Rồi dốc Bằng Lăng, Đá Bàn hạ, Đá Bàn thượng (còn gọi là đá Ông Địa)... Cảnh đẹp hơn tranh vẽ. Tà Cú là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều loài động thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ. Đoạn đường từ chùa Linh Sơn Trường Thọ đến chân núi dài chừng 2.500 m, khi lên mất gần 3 giờ, lúc xuống chỉ hơn tiếng rưỡi. Nếu có kinh nghiệm thì đi nhanh hơn. Leo núi, phải có bè có bạn mới vui.

Từ ngày có cáp treo, tôi quên mất đường bộ. Khách lười nên mình cũng ít có dịp rèn luyện sự dẻo dai, kiểm tra sức khỏe. Tháng 10 năm nay, kỷ niệm 17 năm sự kiện Nhật thực đánh thức du lịch Bình Thuận, Lửa Việt phối hợp với khu du lịch Tà Cú tổ chức tour mạo hiểm “Thử thách Tà Cú 2012”. Tất cả hẹn nhau, không phải tại tượng Phật lớn ở độ cao 475 m mà tại đỉnh Nọc Trù cao 694 m.

Tại đó, tôi sẽ mời các bạn món sâm Tà Cú tăng lực cấp kỳ.