CHỢ THÁI LAN

CHỢ Ở BANGKOK

1. SILOM-SURAWONG-PATPONG

Đường Silom, huyết mạch chính của trái tim thương mại Bangkok, nằm song song và nối với Đường Surawong bằng đường Patpong. Ngoài hàng chục cửa hàng chuyên biệt và tiệm nhiều loại mặt hàng, khu vực này đặc biệt có các chi nhánh của các nhà bán lẻ nổi tiếng và một số trung tâm mua bán. Các quầy hàng bên đường cũng có rất nhiều ở đây, nhất là ở chợ đêm nổi tiếng Patpong.

2. BANG LAMPHU

Toạ lạc gần Đại Điện và Chùa Phật ngọc lục bảo, Bang Lamphu có khu chợ nhộn nhịp bán mặt hàng phổ biến là quần áo.

3. PRATUNAM-PHETCHABURI

Nét nổi bật nhất của quận này là chợ Pratunam, một trong những trung tâm lớn nhất ở Bangkok bán quần áo may sẵn.

4. BAIYOKE TOWER

Nằm bên cạnh toà nhà khách sạn cao nhất Bangkok là Tháp Baiyoke, một trong những trung tâm kinh doanh quần áo nổi tiếng của thành phố.

5. CHINATOWN

Trung tâm ở trên đường Yaowarat và Sampheng Lane, khu phố người Hoa của Bangkok có rất nhiều cửa hàng vàng cùng với hai địa điểm mua bán truyền thống là Đường Nữ trang Ban Mo Jewellery và Chợ vải Phahurat.

6. NAI LERT MARKET

Có vị trí gần chợ Pratunam, Chợ Nai Lert là một trong nhiều khu vực mua sắm ở Bangkok nơi bạn có thể mua mọi thứ từ quần áo đến hàng thủ công.

7. CHATUCHAK WEEKEND MARKET

Liền kề Công viên Chatuchak, chợ cuối tuần Chatuchak nhóm vào thứ bảy và chủ nhật là một điểm thương mại chính nơi bạn có thể mua từ quần áo cho đến các loại kiểng vào chậu và mọi thứ hàng hoá khác — một thiên đường cho những ai thích ngắm hàng và người săn hàng hạ giá. Chợ cuối tuần Chatuchak cũng có bán các loại hàng đồ gỗ và trang trí nội thất. Đây là điểm hẹn của những người không chuyên yêu thích nghệ thuật và các nghệ sĩ. Đi chợ và về nhà dể dàng và nhanh chóng vì khu này có tàu điện trên không !

CỬA HÀNG TỔNG HỢP Ở BANGKOK

1. Gaysorn: Là trung tâm mua sắm tiêu chuẩn quốc tế nổi bật với các nhãn hiệu nổi tiếng của Thái và quốc tế cùng các nhà hàng thanh lịch, một điểm phải đến đối với những ai thích các nhãn hiệu thời trang.

2. MBK (MahBoonKrong): Dành cho khách thích hàng giá rẻ (thí dụ như giày giá 7 dollar Úc), đây là nơi tốt nhất cho khách thích mua sắm trong không khí phố chợ nhưng có được tiện nghi máy điều hoà. Cửa hàng có vô số quầy bán mọi mặt hàng từ áo quần, hàng da, các trang sức thời trang, thời trang đến đồ điện, đồ gỗ, mỹ phẩm và các loại làm quà.

3. Central World : Trung tâm mua sắm lớn nhất ở khu thương mại Bangkok là một mê cung các cửa hàng, nhà hàng và điểm giải trí gồm có rạp chiếu phim, sân

trượt patin và Cửa hàng Thái miễn thuế.

4. Central Department Stores:Một loạt các cửa hàng tổng hợp trung tâm là đầu mối bán lẻ lớn nhất ở Thái Lan với các cửa hiệu bách hoá, cửa hàng đặc sản, siêu thị, siêu thị mini, và cửa hàng lớn đa dạng dịch vụ.

5. Emporium:Cung ứng các nhãn hiệu nổi tiếng với giá đặc biệt. Đây là trung tâm mua sắm thời trang và đắc tiền có các cửa hàng bán nhiều loại sản phẩm đặc biệt giúp bạn có thể mua đủ mọi thứ tại một nơi mà thôi. Eporium có các cửa hiệu hàng thời trang, quán cà phê, siêu thị, các cửa hàng sách và một số nhà hàng bán thức ăn ngon.

6. Siam Paragon:Đây là khu phức hợp mua sắm đầu tiên của Thái Lan đem lại cho bạn một kinh nghiệm mua sắm thật tuyệt hảo và tao nhã qua các nhãn hiệu hàng đầu quốc tế và các cửa hiệu hàng đầu của các nhà sản xuất hàng cao cấp uy tín nhất.

CHỢ CUỐI TUẦN JATUJAT

Nằm cách trung tâm thủ đô Bangkok (Thái Lan) khoảng 10 phút xe hơi, chợ cuối tuần Jatujak tọa lạc trên một khu vực rộng 7 ha thuộc đường Kamphaengphet, khu Ladyao Chatuchak. Ngày nay, Jatujak là ngôi chợ nổi tiếng, được nhiều du khách trên khắp thế giới biết tiếng.

Jatujak có vẻ ngoài của một chợ phiên cuối tuần dân dã, với sự liên kết của nhiều khối nhà một tầng. Chợ có 6.520 cửa hàng, sạp chợ với 8.827 người đăng ký kinh doanh 15.000 mặt hàng, doanh số xấp xỉ 30 triệu baht/ngày (khoảng 750.000 USD). Mỗi ngày có khoảng 200.000 người đến mua bán, tham quan tại chợ.

Jatujak có ban quản lý, hệ thống tổ chức hoạt động, bảo vệ rất quy mô. Nơi đây có hệ thống ngân hàng, trạm cảnh sát du lịch, cảnh sát giao thông, văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch Thái Lan, trạm y tế, trung tâm điện thoại. Phương tiện giao thông công cộng từ các nơi về chợ rất thuận tiện với xe buýt và xe điện (skytrain). Với những ai say mê shopping, cần phải dành ít nhất một ngày mới có thể dạo hết chợ. Du khách có thể xem những bảng hướng dẫn chi tiết đặt tại nhiều địa điểm trong và ngoài chợ, hoặc xin bản đồ, tìm hiểu thông tin tại phòng thông tin ban quản lý chợ.

Ngay lối vào chợ từ đường Pahonyothin, du khách có thể thưởng thức vẻ đẹp của nhiều loại hoa, từ các loại xương rồng, cây kiểng. bonsai đến những loài hoa lạ đến từ nhiều miền đất trên thế giới. Khu hàng trái cây thường thu hút nhiều du khách đến thưởng thức đặc sản tại chỗ: những trái sầu riêng nặng đến 5-10 kg với những múi lớn vàng ươm; bòn bon, măng cụt, ổi xoài trái nào cũng tươi ngon. Tính ra tiền Việt Nam, sầu riêng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, dâu ngọt giá 15.000 đồng/kg, măng cụt khoảng 12.000 đồng/kg...

Khu vực hàng trang trí nội thất mê hoặc những ai thích chăm chút cho tổ ấm của mình với nhiều mặt hàng đặc sắc, từ bàn ghế, tủ, giường đến tranh tượng, phù điêu chạm trổ. Khu vực hàng thủ công mỹ nghệ bày bán nhiều mặt hàng giả cổ, nhiều nhất vẫn là tượng Phật, đồ gốm, bình phong, liễn được chạm trổ tinh xảo. Chịu khó lùng sục, bạn có thể kiếm được những chiếc quạt bàn, điện thoại kiểu dáng xưa cũ của thế kỷ 19 với giá chỉ từ 300.000-800.000 đồng; những chiếc đèn ngủ xinh xắn, đèn trần đẹp lộng lẫy giá khoảng vài trăm đến vài triệu đồng. Gian hàng sách cũ đặc biệt thu hút những “con mọt sách". Bạn có thể tìm được nơi đây từ cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo "Những người khốn khổ" in cách đây 50 năm, đến những cuốn bách khoa toàn thư, sách dạy nấu ăn, hướng dẫn du lịch, sách khảo cứu khoa học với giá cả tùy theo tuổi và độ hiếm của sách.

Rẻ nhất vẫn là hàng vải, quần áo. Một tấm trải bàn bằng thổ cẩm, được thêu tay tinh xảo giá từ 300.000-500. 000 đồng tùy theo khổ vải. Một chiếc áo thổ cẩm duyên dáng giá khoảng 70.000 đồng. Quần jeans nữ giá 50.000-150.000 đồng/cái. Nhiều gian hàng bán quần áo với giá siêu khuyến mãi: 20.000 đồng/áo sơ mi vải cotton, 15.000 đồng/áo thun... Khu vực ẩm thực cũng thu hút đông đảo du khách nghỉ chân để thưởng thức những món đặc sản Thái như các món lẩu, gỏi chua cay, hải sản nướng uống với bia Singha - loại bia ngon nổi tiếng của Thái Lan.

Với du khách, chợ cuối tuần Jatujak không chỉ là điểm tham quan, mua sắm thú vị, mà nó còn là một nét văn hóa chợ đặc sắc của Thái Lan - đất nước được mệnh danh là miền đất của những nụ cười.

Thiên đường mua sắm của Thái Lan

Với chi phí đầu tư xây dựng hơn 350 triệu USD, Siam Paragon - niềm tự hào Bangkok - là khu mua sắm có diện tích lớn nhất (80.000 m2), gian hàng shopping to nhất (2.000 m2) và là "tổ hợp cinema" vĩ đại nhất (16 màn hình).Siam Paragon nằm trên phố Sukhumvit tại quảng trường Siam BTS Skytrain, gần trung tâm Siam và các gian hàng mua sắm Siam Discuvery. Khu mua sắm này hội tụ vô số các thương hiệu cao cấp nhất như Giorgio Armani, Emporio Armani, Chanel, Dolce & Gabbana, Chloé, Bottega Veneta, Jimmy Choo, Bulgari, Hermès, Escada, Gucci, Salvatore Ferragamo và Versace...Điều đặc biệt, Siam Paragon không phải là nơi chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu, bởi cạnh những mặt hàng thượng hạng có những danh mục hàng hóa phù hợp với túi tiền và thị hiếu khác nhau.Các gia đình lại thích đưa con em đến tham quan khu Siam Ocean World, khu công viên cá cảnh khổng lồ rộng 10.000 m2. Trong một cuộc phỏng vấn, CEO của Siam Paragon Development Co, ông Kriengsak Tantiphipop nói: "Chúng tôi không chỉ bán hàng hóa, mà chúng tôi còn sẻ chia sở thích và hy vọng".Siam Paragon có một tầng hầm "ngân hàng thực phẩm" và khoảng 5 tầng shopping. Tầng trệt là khu Gourmet Market. Có thể nói Gourmet Market ở Siam Paragon là siêu thị lớn nhất ở Thái Lan.

Cái ấn tượng nhất của Siam Paragon đối với du khách chính là thế giới sách ở tầng 3. Hầu hết mọi người đều cảm nhận nơi đây hội tụ nhiều tiêu đề và nhiều sách hơn tất cả các hiệu sách Asia Books của Thái Lan cộng lại.

Không chỉ vậy, ngôn ngữ sách ở đây cũng rất phong phú, bên cạnh những cuốn sách chủ yếu bằng tiếng Thái, Nhật và Anh, còn có những gian hàng dành cho các cuốn sách bằng tiếng Trung Quốc, Pháp và Đức... Siêu thị sách cũng có cả một quầy cà phê để mọi người yêu sách vừa đọc vừa nhấm nháp cà phê.

Khách hàng quốc tế chiếm 40% tổng số khách đến mua sắm tại Siam Paragon, chủ yếu là khách Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong. Thông thường, mỗi du khách đến đây sẽ tiêu hết khoảng 77 USD, tất nhiên con số này sẽ lên xuống tùy theo số lượng hàng hóa mỗi người đã mua.