TỔNG KẾT NĂM 2014: GẦN 100 TỶ ĐỒNG THIỆT HẠI DO TAI NẠN LAO ĐỘNG

Vừa qua, Bộ LĐ-TBXH đã công bố báo cáo về tổng hợp tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) năm 2014. Theo đó, trong năm qua cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ, trong đó có 592 vụ TNLĐ chết người; tổng số người bị nạn là 6.941 người, trong đó có 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất do TNLĐ là 98,54 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 80.944 ngày.

Tăng 14 vụ so với 2013

Tuy chỉ tăng 0,2% về số vụ so với 2013, nhưng số người bị nạn do TNLĐ năm 2014 tăng đến 56 người (tăng 0,8%), số vụ có người chết tăng 30 vụ (tăng 5,3%), số người chết tăng 3 người (tăng 0,47%).

Đặc biệt, số người bị thương nặng và số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên tăng lần lượt là 2,0% và 46%. TP. Hồ Chí Minh có số vụ TNLĐ tăng so với năm 2013 lên tới 42%. TNLĐ đang xảy ra nhiều và nghiêm trọng trong các lĩnh vực: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí... 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Long An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Lai Châu.

Đánh giá về chăm sóc sức khỏe người lao động, bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết, đã phát hiện được 6.793 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp, tập trung vào các bệnh bụi phổi silic, bệnh viêm phế quản nghề nghiệp, bệnh điếc nghề nghiệp...

Thiếu chế tài mạnh xử lý doanh nghiệp vi phạm ATLĐ

Rõ ràng, tình hình điều tra TNLÐ và việc thực hiện báo cáo TNLÐ của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TBXH) thừa nhận, mặc dù cả nước đã có gần 600 vụ TNLĐ nhưng đến đầu tháng 2/2015, Bộ LĐ-TBXH mới nhận được 202 biên bản điều tra (liên quan đến 224 nạn nhân bị chết). Như vậy, số biên bản TNLÐ chết người "nằm trong sổ sách" mà Bộ LÐ-TBXH nhận chỉ chiếm 34% tổng số vụ TNLĐ chết người. Năm 2014, cả nước chỉ có 6,9% doanh nghiệp (19.780/269.554 doanh nghiệp) có báo cáo về tình hình TNLĐ. Điển hình, TP. Cần Thơ có tổng số 5.769 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, nhưng chỉ có một doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLÐ.

"Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên toàn quốc. Chúng tôi đã đề nghị thanh tra sở LĐ-TBXH các địa phương kiên quyết xử phạt các DN không báo cáo định kỳ về TNLĐ theo quy định của Chính phủ”, ông Hà Tất Thắng nói.

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, bức tranh TNLÐ mới chỉ phản ánh được dưới 10% so với thực tế. Thế nhưng, chỉ 10% ấy thôi cũng đã cho thấy các nguyên nhân xảy ra tai nạn không được khắc phục. Tính chất của các vụ tai nạn là lặp đi lặp lại.

Khi xảy ra TNLÐ, đã thanh tra, kiểm tra, rút ra các nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục, đồng thời phổ biến rộng rãi, ngăn ngừa ở các nơi, xong những tai nạn kiểu như thế vẫn cứ tiếp tục xảy ra.

Cục trưởng Cục ATLĐ Hà Tất Thắng nhấn mạnh: “Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, phải đưa ra những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLÐ, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến TNLÐ chết người, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ. Đồng thời, tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh và dứt điểm các vụ TNLĐ”.