Lịch sử blockchain

Năm 1982, David Chaum - nhà khoa học được vinh danh là nhà phát minh ra tiền ảo và chữ ký mù đã đưa ra một nghiên cứu có nhan đề “Blind Signatures for Untraceable Payments” (tạm dịch: Chữ ký mù cho những giao dịch không thể tìm ra). Chữ ký mù ẩn nội dung thông điệp trước khi ký. Mặc dù, chữ ký số có thể được xác thực với chữ ký gốc, nhưng nội dung vẫn được ẩn - đây là phiên bản sơ khai của chữ ký mã hóa dùng cho blokchain.

Năm 1990, chính tác giả này đã thành lập DigiCash để tạo ra một loại tiền ảo dựa trên ý tưởng trong các bài viết của ông. Đến năm 1994, khoản chi điện tử đầu tiên của DigiCash đã được thực hiện.

Ý tưởng đằng sau công nghệ blockchain được mô tả ngay từ năm 1991 khi các nhà nghiên cứu Stuart Haber và W. Scott Stornetta giới thiệu một giải pháp thực tế về mặt tính toán để đánh dấu thời gian các văn bản số để chúng không bị đề lùi ngày về trước hoặc can thiệp vào.

Hệ thống đã sử dụng một chuỗi gồm các khối được bảo mật bằng mật mã để lưu trữ các văn bản được đánh dấu thời gian, và năm 1992, các cây Merkle đã được tích hợp vào thiết kế, khiến nó trở nên hiệu quả hơn bằng cách cho phép một khối có thể tập hợp một vài văn bản.

Năm 1997, Adam Back đề xuất một hệ thống hạn chế thư quảng cáo cùng với phương thức tấn công từ chối dịch vụ bằng cách sử dụng một thuật toán “Bằng chứng xử lý”, được biết đến với tên là Hashcash.

Tuy nhiên, công nghệ này đã không được sử dụng và bằng sáng chế đã hết hạn vào năm 2004, bốn năm trước khi Bitcoin ra đời.

Tháng 10/2008, Satoshi - người mà danh tính thật sự vẫn còn là một ẩn số đã phát hành “sách trắng” Bitcoin, mô tả một phiên bản “tiền mật mã ngang hàng” (purely peer-to-peer version of electronic cash) với tên gọi Bitcoin công nghệ blockchain lần đầu được ra mắt công chúng. Sự ra đời của blockchain được đánh giá như một cuộc cách mạng lớn nhất từ sau khi có Internet trên thế giới.

Thời gian gần đây, blockchain được nhắc đến nhiều hơn dưới góc nhìn kỹ thuật (như bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...) thay vì chỉ liên quan đến tiền tệ như trong thời gian trước. Tuy nhiên, ứng dụng thực tiễn để mang lại giá trị cho người dùng thì vẫn đang phát triển, đặt ra nhiều thách thức cho các chuyên gia công nghệ.