Hóa chất và hệ thống an toàn vệ sinh lao động

Nhằm đảm bảo tính hiệu lực, các chiến lược an toàn hóa chất phải gắn liền với các nguyên tắc chung về ATVSLĐ, cụ thể là nhận diện và mô tả nguy cơ, mô tả rủi ro, đánh giá mức phơi nhiễm và trên hết là việc triển khai hướng tiếp cận hệ thống nhằm quản lý một cách có hiệu quả các loại hóa chất.

Hóa chất là một phần không thể thiếu của môi trường sống và môi trường tự nhiên của chúng ta, lợi ích mà nó đem lại cho xã hội là vô giá; nhưng chúng ta cũng phải học cách quản lý hiệu quả những tác động không mong muốn và có hại của hóa chất.

Hoạt động quản lý này yêu cầu hướng tiếp cận tương tác hơn là những biện pháp đơn lẻ, đặc biệt khi một vài trong số những vấn đề này có thể gây ra tác động trên phạm vi toàn cầu. Việc quản lý một cách hoàn chỉnh phải bao quát toàn bộ chu trình hoạt động của hóa chất. Tất cả những chiến lược và quy định gần đây đều nhằm vào việc đẩy mạnh quản lý một cách hoàn chỉnh các loại hóa chất trên phạm vi quốc tế, quốc gia và doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc của hệ thống quản lý về ATVSLĐ.

Việc phòng ngừa phơi nhiễm hóa chất độc hại là điểm mấu chốt trong công tác đánh giá rủi ro. Các tổ chức quốc tế và liên chính phủ như ILO, WHO, UNEP, FAO và OECD, đã phối hợp biên soạn những hướng dẫn mang tính quốc tế về đánh giá nguy cơ và rủi ro, các hướng dẫn này được sử dụng như cơ sở để tiến hành đánh giá các rủi ro nghề nghiệp. Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), Thẻ an toàn hóa chất quốc tế hay Tài liệu ngắn đánh giá hóa chất quốc tế (CICAD) của Chương trình an toàn hóa chất quốc tế (IPCS) là những ví dụ về hoạt động kiểm tra giám sát và hợp tác trên phạm vi quốc tế về vực này.

Trong một loạt các tiêu chuẩn về ATVSLĐ của ILO, thì Công ước về hóa chất Số 170 năm 1990 đưa ra khuôn khổ quốc gia trên phạm vi rộng và toàn diện về quản lý mọi mặt liên quan đến hóa chất, bao gồm công thức, triển khai và kiểm tra rà soát định kỳ độ chính xác của chính sách, có sự tham vấn của NSDLĐ và NLĐ làm việc tại cơ sở. Một điểm quan trọng của Công ước này chính là các điều khoản liên quan đến việc thông tin về nguy cơ hóa chất và cung cấp thông tin an toàn từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cho người sử dụng. Khuyến nghị kèm theo và Bộ quy tắc thực hành về an toàn khi sử dụng hóa chất tại nơi làm việc năm 1993 cũng cung cấp thêm thông tin hướng dẫn thực hiện. Một công cụ mang tính quốc tế không kém phần quan trọng khác đó là Hướng tiếp cận chiến lược 2006 của UNEP về quản lý hóa chất phạm vi quốc tế (SAICM).

Quy định năm 2007 của Liên minh Châu Âu về đăng ký, đánh giá, cấp phép và cấm đối với các chất hóa học (REACH) yêu cầu việc đăng ký và phổ biến dữ liệu đối với tất cả các chất hóa học sản xuất và nhập khẩu vào Châu Âu trên 1 tấn/1 năm. Đạo luật bảo vệ môi trường của Canada năm 1999 (CEPA 1999) là một ví dụ khác về việc luật pháp áp dụng hướng tiếp cận căn cứ trên rủi ro để đánh giá và quản lý các chất hóa học mới xuất hiện hoặc đang được sử dụng. Ngành công nghiệp hóa chất đã phát triển những sáng kiến tự nguyện trong quản lý toàn diện về hóa chất trên phạm vi toàn cầu với hai ví dụ điển hình là hai sáng kiến Responsible Care và Product Stewardship.

Hạn chế về năng lực của các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong việc quản lý phơi nhiễm hóa chất gần đây đã dẫn đến việc mở rộng hướng tiêp cận mới trong hoạt động quản lý hóa chất. Với tên gọi: Dải kiểm soát (Control Banding) hướng tiếp cận tập trung vào hoạt động kiểm soát phơi nhiễm khi một loại hóa chất được liệt vào dạng “dải nguy cơ”, hướng tiếp cận này yêu cầu xác định các biện pháp kiểm soát dựa trên phân loại nguy cơ theo tiêu chí phân loại quốc tế, số lượng hóa chất đang sử dụng, tính bay hơi/khả năng phát tán bụi.

Kiểm soát các nguy cơ nghiêm trọng

Ngành hóa chất và ngành năng lượng (như: nhà máy điện hạt nhân, mỏ khai thác than hoặc dầu mỏ) là khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và là nơi hệ thống quản lý về ATVSLĐ cần được lưu ý áp dụng đầu tiên. Những vụ tai nạn công nghiệp nghiêm trọng như vụ nổ hơi cyclohexane năm 1974 tại Fixborough, Anh; vụ rò rỉ methyl isocynate giết chết hàng nghìn người tại Ấn Độ; vụ nổ và rò rỉ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986 hay gần đây nhất năm 2001 là vụ nổ ammonium nitrate tại nhà máy AZF, Pháp, minh chứng cho sự tàn khốc của những ngành công nghiệp kể trên và hậu quả của việc không tuân thủ cũng như coi trọng công tác ATVSLĐ. Nhiều vụ việc đã cho thấy sự cần thiết phải xây dựng các công cụ quy tắc và kỹ thuật nhằm thiết lập cơ chế đánh giá nguy cơ và rủi ro một cách nghiêm ngặt.

Một yếu tố quan trọng trong cơ chế quản lý rủi ro tại các nhà máy có tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng chính là công tác phân tích nguy cơ khi tiến hành thiết kế, xây dựng và vận hành. Một số phương pháp và kỹ thuật lưu trữ nhằm thiết lập hoạt động đánh giá nguy cơ có thể kể đến như: Phân tích nguy cơ sơ bộ (PHA), Nghiên cứu nguy cơ và khả năng xảy ra nguy cơ (HAZOP), Phân tích cây sai phạm (FTA) hay Phân tích tác động của mẫu sai phạm và đưa ra kết luận (FMECA). Nhiều trong số những phương pháp này đã được phát triển đầu tiên trong ngành sản xuất năng lượng nguyên tử và áp dụng ở nhiều công đoạn sản xuất khác. Những công cụ này giúp xác định các hình mẫu sai phạm tiềm ẩn cấu thành trong quá trình sản xuất, dự báo hậu quả và mở rộng các biện pháp phòng ngừa và có những biện pháp chuẩn bị dự phòng cũng như kế hoạch đối phó với tình huống khẩn cấp một cách có hiệu quả.

Hầu hết các nước công nghiệp hóa đều đã phát triển các tiêu chuẩn điều chỉnh nhằm xác định rõ nhà máy nào tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng và cần có các biện pháp cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm an toàn và sức khỏe. Hướng dẫn “Seveso” 96/82/EC năm1996 của Liên minh Châu Âu về kiểm soát các nguy cơ tai nạn nghiêm trọng bao gồm cả các chất nguy hiểm được xem là một ví dụ điển hình của những quy định dạng này.

Công ước của ILO Số 174 năm 1993 về Phòng ngừa tai nạn nghiêm trọng cung cấp khuôn khổ mô hình có hệ thống và toàn diện phục vụ công tác bảo vệ NLĐ, cộng đồng và môi trường trước những tai nạn công nghiệp nghiêm trọng, trong đó có kể đến các chất nguy hại cũng như giảm thiểu tác hại khi xảy ra tai nạn. Các tiêu chuẩn xây dựng khả năng nhận diện có hệ thống của các nhà máy tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng; khả năng kiểm soát và trách nhiệm của NSDLĐ, cơ quan có thẩm quyền cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ. Công ước cũng xác định rõ trách nhiệm của các nước xuất khẩu. Khuyến nghị Số 181 kèm theo bao gồm các điều khoản bổ sung, ví dụ như sự truyển giao quốc tế và bồi thường kịp thời cho các nạn nhân bị ảnh hưởng do tai nạn. Công ước cũng công bố các quốc gia đang tiến hành phê chuẩn cần tham khảo thêm Bộ quy tắc thực hành về phòng ngừa tai nạn nghiêm trọng năm 1991 để từ đó xây dựng riêng cho mình chính sách quốc gia, đồng thời các nước cần có các biện pháp phù hợp khi tiến hành xây dựng các chính sách mang tầm quốc gia. ILO đã phát triển Hướng dẫn về kiểm soát nguy cơ nghiêm trọng năm 1993, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ các quốc gia trong việc mở rộng hệ thống và chương trình kiểm soát tại các nhà máy tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng.