Năm 2017 xử phạt “xe không chính chủ”: Không có gì phải sợ!

Thời gian qua, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc xử phạt “xe không chính chủ” từ ngày 01/01/2017, như là: nhà tôi có 03 người cùng đi chung 01 chiếc xe máy có bị phạt hay không? Tôi mượn xe của bạn đi có sao hay không? Xe tôi đang đi là được ba tôi cho mượn thì có bị sao hay không?...

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Như vậy, chỉ có các trường hợp không làm thủ tục sang tên xe khi khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản thì mới bị xử phạt theo quy định nêu trên. Còn trường hợp cả nhà đi chung 01 chiếc xe, mượn xe của bạn bè, người thân… thì hoàn toàn không bị xử phạt.

Tại Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 11/2013/TT-BCA hướng dẫn rằng: “Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (sau đây gọi là mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.”

Dù Thông tư 11 đã hết hiệu lực thi hành nhưng về lý luận lẫn thực tiễn thì nội dung trên vẫn còn nguyên giá trị áp dụng; bởi vậy cảnh sát giao thông cũng không thể tùy tiện kiểm tra, xử phạt hành vi đi xe “không chính chủ” của người tham gia giao thông mà chỉ được phép xử phạt trong các trường hợp nêu trên.

Như vậy, mọi người nên bình tĩnh, đừng lo sợ đối với quy định này; nếu mọi người thuộc trường hợp bắt buộc phải sang tên xe thì hãy sang tên xe từ bây giờ (thời gian đủ để kịp làm thủ tục).

Thanh Hữu