Ngân Giang

Ngân Giang (20/3/1916 - 18/7/2002) , nữ sĩ sở trường về đường thi, thơ cổ phong, là bạn thơ, thường hay xướng họa với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nhiều người biết Bà qua áng thơ "Trưng Nữ Vương".

Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, ngoài ra còn có các bút danh Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên..., xuất thân trong một gia đình Nho học tại Hà Nội. Bà kể: “Năm lên 6 tuổi, theo người bác ra sân ga, nhìn những con tàu ra vào ga, buồn quá tôi bỗng thốt lên: Tàu về, rồi tàu lại đi, Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga.” Năm 8 tuổi, bà đăng bài thơ đầu tiên, Vịnh Kiều, với bút danh Nguyệt Quyên. Năm 16 tuổi, bà in tập thơ đầu tiên, Giọt lệ xuân (NXB Tân Dân).

Thế rồi vào một đêm mật thám Pháp đã tới nhà khám xét, tra hỏi vì cô “Hạnh Liên (bút hiệu khác của Ngân Giang) đã làm thơ kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước dán ở Đền Ngọc Sơn”. Mẹ chồng, vì lo cho sự an toàn của gia đình, đã không ngớt lời chì chiết cô con dâu là “mầm mống gieo hoạ cho cả dòng họ”. Vào một đêm, khi đang có thai, Ngân Giang lại gieo mình xuống Hồ Tây; “Dường như trời chưa cho tôi thoát kiếp trầm luân”, sau này nữ sĩ nhớ lại. Bà cũng nói “Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp” (theo Lê Thọ Bình).

Nữ sĩ Ngân Giang nổi tiếng là một nhà thơ nữ thời Tiền chiến và đã để lại nhiều áng thơ hay. Khi thấy bà không có tên trong Thi nhân tiền chiến của Hoài Thanh, Hoài Chân và cũng không có tên trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, hai biên soạn là Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung, NXB Sống Mới, 1968) đã ghi lời than phiền của thi sĩ Thẩm Thệ Hà: “Điều làm cho ngạc nhiên là tại sao các nhà phê bình văn học lại bỏ quên một nữ sĩ tài hoa đến thế?”