Quy trình thu hoạch Hạt Điều và tuổi thơ của Bác Tâm

1. Quy trình Thu Hoạch Hạt Điều

1.1. Trồng Cây Điều bao lâu thì thu hoạch?

Cây điều là loại cây trồng lâu năm, đến khi cây trưởng thành phải mất thêm tầm 4-7 năm mới cho ra năng suất thu hoạch ổn định. Tuy thời gian cho ra năng suất cần có sự kiên nhẫn nhưng ngược lại hạt điều thường lớn rất nhanh, thời gian thụ phấn cho đến khi hạt chín đều chỉ mất từ 2 - 3 tháng thôi. Thời gian chênh lệch tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và đặc điểm riêng của từng cây khác nhau.

Mùa thu hoạch hạt điều thường kéo dài chứ không diễn ra chớp nhoáng vài ngày như nhiều loại nông sản khác. Thời gian cao điểm điều chín thường diễn ra vào những đợt nắng ráo, quy trình điều chín thường bắt đầu khoảng 3 - 4 tháng khi lá rụng dần, tiếp đến là 3 - 4 đợt ra hoa. Điều chín thơm khắp vườn, báo hiệu một mùa màng tươi tốt.

1.2. Quy trình Thu Hoạch Hạt Điều

Không chỉ thú vị ở cái tên "đào lộn hột", có nghĩa là hạt của quả điều không nằm trong quả mà treo lủng lẳng ngoài vỏ trái điều. Quy trình thu hoạch hạt điều cũng rất thú vị.

Thu lượm hạt điều chín

Sau một khoảng thời gian ươm trồng và cẩn mẩn chăm sóc, thời khắc giao thừa của người nông dân là khi những quả điều chín rồi rơi rụng xuống đất. Báo hiệu những vất vả mỗi trưa nắng của người nông dân trồng điều đã được đền đáp bằng một mùa thu hoạch hạt điều nở rộ.

Dấu hiệu hạt điều chín: Khi hạt chín thì vỏ có màu xám sáng bóng còn trái thì có màu đỏ cam hoặc hồng tùy theo giống cây và đặc điểm khu vực gieo trồng. Nhìn vào quả có cảm giác mọng nước, lớp vỏ sáng bóng rực rỡ đẹp mắt và mùi thơm ngát đặc trưng lan tỏa khắp mảnh vườn. Với đôi mắt thâm niên của người trồng điều, đôi khi không cần kiểm tra kĩ lưỡng những đặc điểm trên, ước tính một chút thời gian và nhìn thoáng qua cũng biết được độ chín của điều. Vậy mới hay các anh chị ạ!

Nhiều loại hoa quả khác chín đều ở trên cây, người nông dân phải tự tay hái xuống nhưng ở cây điều, những hạt đã chín mùi tự giác rụng rơi xuống đất như một lời cám ơn giúp cho người thu hoạch được dễ dàng hơn. Người nông dân sẽ đi nhặt từng quả và tách phần hạt ra khỏi trái điều.

Nghe có vẻ khá thụ động trong việc thu hoạch nhỉ? Nhưng thật ra, việc đợi quả rụng mới tiến hành thu lượm nhằm mục đích đảm bảo độ chín vừa tới của hạt, hạt điều cũng sẽ đầy đặn hơn. Cái gì càng tự nhiên thì càng tốt phải không các anh chị? Đôi khi sự hấp tấp, thúc giục mong thu hoạch được nhanh, được nhiều lại không đảm bảo chất lượng tốt nhất của hạt điều.

Vì nếu chủ động rung cây để quả và hạt mau rơi thì nhân hạt điều có thể chưa chín tới, hoặc là bị teo hoặc là bị nhăn nheo, vừa không đẹp mắt vừa không ngon miệng. Ông bà xưa có câu dục tốc bất đạt mà phải không? Để thu hoạch được những hạt điều ngon nhất, thơm béo nhất thì người nông dân cần phải đánh đổi bằng sự kiên nhẫn.

Nuôi trồng cũng không phải dễ dàng đến khi thu hoạch cũng khá bị động, tất cả đều là vì một mẻ điều thơm ngon. Phải nói là nể người nông dân trồng điều thật các anh chị ạ.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ. Nếu như diện tích mảnh vườn quá nhỏ hoặc quá lớn, số cây ít, một số giống tốt mọc xen với nhiều loại khác hoặc là có nhiều rủi ro thất thoát hạt do đặc điểm địa hình, do các yếu tố tác động như bị động vật tha mất... thì cách tốt nhất vẫn là thu hái trên cây khi hạt đã chín hoàn toàn. Thường người nông dân sẽ dùng tay hay các loại vợt chuyên dùng để thu hoạch. Có hơi mất công một chút nhưng bù lại đảm bảo hạt không bị dập hay mất mác.

Xử lý quả điều sau khi tách hạt

Một quả điều to rụng chỉ có phần nhân là có giá trị nên được giữ lại, vậy thì phần quả sẽ xử lý như thế nào? Theo tôi được biết thì ở Việt Nam chưa quá phổ biến những ứng dụng của vỏ trái điều, người nông dân thường xử lý cơ bản và truyền thống là đem đi nghiền thành phân bón trồng cây hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Nhưng một số thông tin từ bạn bè quốc tế của tôi lại cho rằng quả điều có thể được ngâm làm rượu, làm nước trái cây và kể cả chất tẩy rửa. Nói chung là có rất rất nhiều công dụng nhưng có lẽ nông dân Việt Nam vẫn chưa có điều kiện khai thác tiềm năng này.

Bảo quản hạt điều

Sau khi cúi lượm thu hoạch khá vất vả, người nông dân được một mẻ điều to. Hạt điều lúc này được gọi là hạt điều thô, là loại hạt điều nguyên bản nhất vì chưa qua sơ chế hay chế biến gì cả.Thường thì hạt điều mới thu hoạch chưa đem bán liền cho chủ buôn, chính vì vậy cần có bước bảo quản kĩ càng để đảm bảo chất lượng hạt.

Sau khi thu lượm, cần phải làm sạch phần thịt dính ở cuống hạt rồi rửa qua nhiều lần với nước để làm sạch đất cát hay nhựa điều. Sau đó, cần đem mẻ hạt điều phơi ngoài nắng khoảng 2-3 ngày đến khi khô sẽ dễ dàng loại bỏ những dị vật hay đất cát còn sót lại.

Xong bước đầu làm sạch thì đến bước phân cỡ hạt, ý nghĩa của việc làm này đảm bảo cho chất lượng hạt được đồng đều cũng như khi báo giá cho bên thu mua sẽ chính xác hơn. Hạt được chia làm 3 loại kích cỡ: lớn, vừa và nhỏ. Trong quá trình phân cỡ, người nông dân cũng chủ động loại bỏ các hạt xấu, hạt sâu, hạt bị lép rồi mới cho mẻ điều đạt chất lượng vào bao hoặc rổ bảo quản sạch sẽ.

Nơi bảo quản phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát nếu có điều kiện cơ sở hạ tầng thì bảo quản trong kho lạnh là tốt nhất. Đảm bảo kho bảo quản không có chuột hay các loại côn trùng, luôn thông thoáng gió tránh để hạt bị ẩm mốc.

Dụng cụ đựng hạt điều để bảo quản: có thể là bao bố, hòm gỗ, khay sọt được vệ sinh tiệt trùng sạch sẽ. Các hạt tốt dùng để làm giống thì phải được bảo quản chuyên biệt và kĩ càng hơn so với các hạt còn lại.

Chuyển giao cho đại lý thu mua

Bảo quản hạt điều trong trường hợp chưa giao trực tiếp cho bên thu mua còn nếu bên mua hạt điều thô đảm nhận luôn khâu sơ chế thì sau khi thu hoạch người nông dân sẽ trực tiếp giao cho các buôn lái.

Các buôn lái, các đại lý thu mua sẽ đến kiểm tra chất lượng hạt sơ bộ. Hạt nào bị dập nát hay còn sống, chưa đạt tiêu chuẩn sẽ gửi lại. Những hạt chất lượng và đảm bảo sẽ được vận chuyển đến các nhà máy sơ chế và sản xuất hạt điều.

Chính vào lúc này, một trang mới của hạt điều tươi sẽ được mở ra. Để có được những sản phẩm hạt điều ngon trên thị trường như hạt điều rang muối hay phong phú đa dạng hơn với hạt điều wasabi, hạt điều mật ong, hạt điều rang tỏi ớt...thì ngẫm thôi cũng đã thấy hạt điều phải "phiêu lưu" qua bao nhiêu công đoạn sơ chế và chế biến rồi.

Nhưng dù có trải qua nhiều công đoạn như thế nào thì giá trị sức lao động, sự cần mẩn và tâm huyết của người nông dân gửi gắm vào từng hạt điều mà chúng ta thường ăn vẫn còn tồn đọng ở đó. Tôi thường nói đùa với bạn bè của mình rằng, vị thơm ngon của hạt điều không chỉ là độ béo bùi tự nhiên mà còn thoang thoảng cả vị mặn ngọt của những vất vả mà người nông dân trồng điều gắn bó.

1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến Mùa Hạt Điều

Sau khi hiểu được quy trình trồng cũng như thu hoạch hạt điều rồi, không biết anh chị có để ý và hệ thống được những yếu tố nào quyết định một mẻ điều ngon hay không?

Nơi trồng điều

Yếu tố ảnh hưởng cơ bản và nền tảng nhất chính là đặc điểm địa lý của khu vực trồng điều. Cũng giống như tôi đã mạnh dạn chia sẻ vì sao hạt điều Việt Nam được đánh giá là ngon và chất lượng nhất. Bởi lẽ đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam phù hợp với cây điều hơn bất kì quốc gia nào.

Song, ở mỗi vùng địa lý ở Việt Nam lại có những kết quả về sản lượng, chất lượng hạt điều đầu ra chênh lệch nhau tương đối cũng bởi vì phân bố về đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tiếp tục có sự khác biệt nhau. Nhưng nhìn chung, mùa hạt điều ở Việt Nam có kết quả tốt tương đối đồng đều.

1.4. Tay nghề trồng điều

Trồng điều là một nghệ thuật thì người trồng điều là một nghệ sĩ các anh chị ạ! Đồng Nai và Bình Phước luôn là hai tỉnh dẫn đầu về chất lượng và sản lượng hạt điều mỗi mùa thu hoạch. Bí quyết không chỉ nằm ở những điều kiện thuận lợi của tự nhiên mà còn nhờ vào tay nghề nhiều thâm niên, kỹ thuật canh tác nhuần nhuyễn của người nông dân nơi đây. Họ không chỉ thông thạo việc ghép cành mà còn hiểu rõ về từng đặc điểm thích nghi, sâu bệnh ở cây điều.

1.5. Cách thu hoạch hạt điều thô

Như tôi đã chia sẻ ở phần quy trình thu hoạch hạt điều, có hai cách thu hoạch lại hạt này: chủ động hái khi quả còn ở trên cây và bị động thu lượm khi quả rụng dưới đất. Cách thức thu hái này cũng tùy vào mục đích của thành phẩm.

Nếu muốn tận dụng luôn quả điều ngâm rượu, ngâm nước trái cây thì cần phải lựa quả chín còn ở trên cây để đảm bảo độ tươi của lớp vỏ. Còn đối với các sản phẩm hạt điều thông thường thì chỉ cần đợi quả chín rụng là có thể thu lấy.

Do đó người nông dân cần có sự linh hoạt trong phương thức thu hoạch để đảm bảo chất lượng đầu ra của hạt điều được ngon và tốt nhất.

Thời điểm thu hoạch

Hạt điều có chất lượng tốt nhất là hạt điều được thu hoạch vào đầu mùa. Tuy nhiên nếu hạt điều thô vẫn được bảo quản kĩ càng thì chất lượng cũng được đánh giá cao không kém cạnh hạt thu hoạch vào đầu mùa.

Điều kiện thời tiết như thiên tai: lũ lụt, giông bão cũng gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng của quả điều. Giông gió làm trái điều rơi rụng khỏi cây trong khi hạt bên trong vẫn chưa chín đều làm rối loạn thời gian thu hoạch đúng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chung của mẻ điều. Vì vậy, người nông dân càng có kinh nghiệm và mắt nghề cao càng dễ thành thạo phân biệt hạt điều chín tới và chưa chín.

2. Tuổi thơ Bác Tâm vào Mùa Thu Hoạch Hạt Điều

Tản mản về mùa thu hoạch hạt điều chung rồi tôi lại muốn dành vài lời để chia sẻ về mùa hạt điều trong kí ức của tôi - một người đã dành cả thanh xuân và tâm huyết gắn liền với cây điều.

2.1. Vườn Điều trong kí ức Bác Tâm

Vườn điều thường rất mát mẻ, thậm chí giữa trưa nắng 38 độ C các anh chị vẫn có thể cảm nhận được sự mát mẻ mà bóng cây điều mang lại. Lúc nhỏ tôi thường đi theo bố mẹ ra vườn để thu hoạch điều. Nói đến đây bao nhiêu kí ức gợi nhớ ùa về, nào là chú chó mà tôi hay dắt ra vườn, nào là bị mủ điều dây bẩn vào quần áo, những lúc hết nước giữa vườn mà lười về nhà lấy tôi thường ăn trái điều tại chỗ để lấy nước uống luôn, cái cảm giác lúc đó thật là khó quên.

Ở quê tôi có những vườn điều rất rất lớn, khoảng vài đến 5 6 mẫu điều. Tất cả những vườn đó đến bây giờ đều đã trên 20 năm cả rồi. Tuổi thơ của tôi từng như thế, gắn bó với cây điều suốt từ những ngày chập chững bước đi cho đến hôm nay. Nhiều lúc tự hỏi tại sao nhà mình lại trồng cây điều nhiều đến như vậy. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, cây điều mang lại giá trị kinh tế lớn, là một loại thực phẩm mà đều được cả thế giới công nhận là rất ngon.

Trái điều có hai phần là phần trái mọng và phần hạt thô. Phần hạt điều sau khi được lặt sẽ được đóng bao và đem đi bán hạt thô. Còn phần trái mọng tôi thường chọn những cây ngọt nước để ăn, còn những cây quá chát thì bỏ đi. Tuỳ cây và tuỳ giống mà trái điều có ngọt hay không. Khi ăn loại trái này các anh chị phải cực kì cẩn thận, vì mủ điều mà dính vào quần áo thì xác định bộ đồ đó chỉ có thể mặc ra vườn điều được thôi. Và không một chất tẩy rửa nào có thể rửa trôi được loại mủ này đâu.

Trong thực tế, thì trái điều nó có nhiều công dụng hơn chúng ta nghĩ. Có thể dùng để làm rượu, làm phân bón hữu cơ... Nhưng chúng lại rất hiếm khi được thu hoạch, đa phần là vứt đi hoặc đổ vào gốc cây điều để tận dụng làm phân hữu cơ luôn.

2.2. Tuổi thơ lên cùng Cây Điều

Ngày còn nhỏ, vào những tháng đến mùa vụ điều, tôi hay phải ra vườn phụ bố đi nhặt. Là cậu nhóc 12 tuổi lon ton đẩy một chiếc xe rùa, trong xe đựng hai cái xô để nhặt điều, 1 bình nước mát và bố con mỗi người một cái cây móc để hái điều - đó là hành trang của bố con tôi mỗi khi ra vườn. Tôi thường hay thích hái những cây có trái màu đỏ hơn là màu vàng.

Vì trái màu đỏ thường cứng hơn, khi rơi xuống đất không dễ bị nát và lem bẩn như trái màu vàng. Nên mỗi lần đi hái về trái màu vàng sẽ được nhiều hơn là như vậy. Thường thì bố tôi sẽ hái còn tôi là người nhặt điều. Nhặt chóng mặt quá thì lại ngồi xuống dưới gốc cây uống nước rồi làm tiếp.

Tôi nhớ có một cây ngay giữa vườn là cây đặc biệt nhất. Tôi không biết đó là cây điều giống gì, tôi chỉ nhớ là trái màu vàng và hạt rất rất nhỏ, chắc kích thước chỉ bằng 1/2 thậm chí là 1/3 so với bình thường. Nhưng ngược lại, trái chín ở cây này thì lại rất rất nhiều, chắc phải gấp 3 4 lần cây bình thường.

Mỗi lần đi đến đây tôi và bố thường leo lên cây rồi đứng rung để trái rụng xuống cho nhanh, vì nhiều quá nên không thể nào hái nổi hết. Nghe tiếng lộp bộp dưới đất như cơn mưa rào luôn, thật là vui tai!!! Mỗi lần đầy xe rùa thì bố tôi sẽ đẩy vào sân trong nhà đổ chúng ra rồi quay lại vườn, cứ như thế đến khi hái hết vườn. Chiều tối đến cả nhà tôi xúm nhau quây quần ngồi nhặt điều rồi đem hạt thô đi bán. Ngày qua ngày như vậy cho đến cuối mùa.

Nhắc đến tuổi thơ với hạt điều, không thể không nhắc đến món hạt điều rang củi mỗi độ thu hoạch hạt. Cô chú nông dân cùng gia đình tôi thu lượm hạt xong, phần thì đem đi bảo quản chờ ngày giao cho đại lý, phần thì nhóm củi lửa chuẩn bị làm ngay một mẻ điều nướng, điều rang củi trứ danh vùng quê nghèo dân dã.

Giờ đây nhắc lại những khoảng thời gian năm tháng ấy, bản thân tôi vẫn còn rân rân bồi hồi xao xuyến. Đối với tôi, hạt điều không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà nó còn là kí ức và kỉ niệm vô giá thời thơ ấu của mình. Khi lớn lên, tôi muốn làm một công việc gì đó để mở rông những sản phẩm chính hiệu của Việt Nam.

May thay, tôi được lớn lên cùng với món quà quý giá mà ông trời đã ban tặng. Chính vì lý do đó mà tôi quyết định theo đuổi con đường này, dựa trên tình cảm tinh thần đối với hạt điều mà giúp tôi có thêm động lực cố gắng phát triển và hoàn thiện những sản phẩm của mình. Đó chính là tôi - Bác Tâm, là cậu bé 12 tuổi năm đó, bây giờ đang mong muốn mang sản phẩm của quê hương mình giới thiệu đến tất cả mọi người cùng thưởng thức với nhau

Những lời chân thành về cây điều này không chỉ đơn giản là câu chuyện về tôi và điều mà còn là những tâm tư mà tôi muốn gửi gắm đến quý anh chị cũng yêu mến loại nông sản Việt này. Tôi luôn rất tự hào về hạt điều nói riêng và nông sản Việt nói chung, vì vậy càng có thêm nhiều người quan tâm và cảm nhận được những thăng trầm của thị trường hạt điều Việt Nam, những vất vả của người nông dân trồng điều thì tôi càng lấy làm hạnh phúc.

Hi vọng rằng sau bài viết này, mỗi khi ăn hạt điều anh chị sẽ có một chút bồi hồi cảm nhận được những giá trị tâm huyết của những người mang hạt điều từ vườn nhà đến thị trường lớn. Từ cảm nhận chuyển hóa thành niềm tự hào cho giấc mơ nông sản Việt, sự tri ân những người nông dân cần mẩn đã góp phần đưa hạt điều trở thành loại nông sản bật nhất không chỉ của quê hương mà còn khắp nhiều châu lục.

Cám ơn các anh chị đã tham khảo bài viết của tôi, chúc các anh chị sẽ luôn có những trải nghiệm tốt đẹp với hạt điều!