Kiểm soát năng lượng trong kì thi (phần 3)

Chương III. Áp lực

Khi luyện tập, mọi người không quan tâm đến áp lực. Vì vậy, khi thi, nhiều người để áp lực tự điều chỉnh theo bản năng. Cơ chế tự động này không phải là tốt.

Khi bạn làm bài với áp lực rất cao, bạn sẽ nhận thấy cơ thể lạnh, chân tay run. Nhiều người không biết tại sao. Sự thật là lúc đó, não bạn đang tiêu thụ rất nhiều năng lượng, khiến cho cơ thể mất nhiệt và run tay. Ở áp lực cao như vậy, bạn sẽ chỉ làm việc được khoảng 30-60 phút cho đến khi kiệt sức.

Ở chương này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm để làm chủ áp lực, ý tôi là điều chỉnh áp lực một cách chủ động. Việc làm chủ áp lực này khiến cho việc làm bài thi trở nên hiệu quả, nhất là giúp các bạn tránh bị vấn đề "tâm lí", "phong độ thất thường".

Áp lực là gì

Áp lực được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân chính mà tôi nắm bắt rõ và muốn trình bày ở đây là sự lo lắng và sự tập trung.

Bạn càng lo lắng thì áp lực càng cao. Thông thường thì việc lo lắng này chả giúp bạn việc gì. Đặc biệt là trong kì thi, tôi chắc chắn nó chả có gì hay ho cả. Thế nên, trong kì thi, nếu bạn lo lắng mình sẽ bị điểm thấp, sẽ làm bài kém, hãy nhớ rằng những suy nghĩ đó chả có gì hay ho cả và nó đang cản trở bạn.

Bạn càng tập trung thì áp lực càng cao. Việc tập trung khác với việc lo lắng ở chỗ, càng tập trung thì bạn càng làm được nhiều việc. Quan trọng hơn, tập trung hay không là việc mà con người có thể chủ động được. Thế nên điều chỉnh sự tập trung là cách đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh áp lực.

Vậy áp lực là gì. Trong một khoảng thời gian, não hoạt động càng nhiều thì khi đó áp lực càng cao. Thế nên, có thể coi, áp lực là lượng năng lượng não tiêu thụ trong một khoảng thời gian. Nói cách khác, áp lực quyết định năng lượng được tiêu thụ nhanh hay chậm.

Không phải công việc nào cũng cần tập trung

Tập trung nghĩa là áp lực cao. Áp lực cao thì nhanh tiêu tốn năng lượng. Nói cách khác, khi bạn tập trung, bạn sẽ nhanh mất sức.

Bạn sẽ nhận ra rằng, có nhiều công việc, tập trung hay không thì kết quả vẫn thế. Nhất là những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, straight-forward.

Ví dụ như khi code, có những thứ bạn đã code cả trăm lần, những thứ đó không cần sự tập trung: #include <iostream>, #define ..., for (int i=1; i<=n; i++), ...

Nhiều người nghĩ rằng việc đọc đề cần sự tập trung. Tôi nghĩ ngược lại. Ở đây, không tập trung không có nghĩa là làm ẩu. Không tập trung nghĩa là làm việc một cách bình thường thoải mái. Để không cần tập trung mà không sợ sai đề, giải pháp là đọc chậm lại. Bằng tốc độ chậm, bạn có thể làm việc không tập trung mà vẫn đảm bảo độ chắc chắn.

Sự thật rõ ràng là càng tập trung thì làm việc càng nhanh. Tuy nhiên, quan hệ “tốc độ - sự tập trung” không phải là tỉ lệ thuận. Ví dụ như việc đọc đề, để đọc đề nhanh gấp đôi, lượng năng lượng bạn tiêu thụ chắc chắn không phải là gấp đôi, mà là gấp nhiều lần so với bình thường.

Về mặt hiệu quả, mỗi công việc cần một mức độ tập trung khác nhau. Bằng việc biết được những công việc không cần tập trung, bạn sẽ tiết kiệm được một lượng đáng kể năng lượng, để dùng vào những công việc cần thiết hơn.

Tập trung khi gặp bế tắc

Tưởng tượng, trước mặt bạn là một cái hòm nặng, bạn phải đẩy nó đi. Nếu bạn dùng lực nhẹ, cho dù bạn có đẩy bao lâu, cái hòm cũng không di chuyển. Khi đó, công sức của bạn là vô ích. Thời điểm này chính là lúc mà bạn phải dùng sức mạnh.

Nếu bạn code, chắc hẳn bạn đã từng gặp trường hợp này giống tôi. Trước đây, tôi đã từng nhiều lần ngồi nghĩ bài 1-2 tiếng mà chả nghĩ ra ý tưởng gì, cả trong lúc luyện tập và trong kì thi. Sự thật là trong 1-2 tiếng vô dụng đó, theo bản năng, mọi người sẽ duy trì áp lực ở mức độ bình thường. Khi bạn gặp bế tắc, nếu bạn không đẩy áp lực lên, bạn có khả năng sẽ duy trì cái bế tắc đó trong một thời gian dài, khoảng 1-2 tiếng. Trong thời gian dài đó, bạn không chỉ tốn thời gian, mà còn tốn năng lượng. Vậy nên việc để áp lực ở mức bình thường khi gặp bế tắc rõ ràng rất nguy hiểm.

Có thay đổi thì mới thoát khỏi bế tắc. Bế tắc càng lớn thì cần sự thay đổi càng lớn. Việc đẩy áp lực lên cao là cần thiết để tạo ra sự thay đổi. Mặc dù, để giải quyết bế tắc, chỉ nói đến việc tập trung là chưa đủ, song, việc tập trung là việc quan trọng và không có lí do gì để bỏ qua.

Tổng kết chương III

Áp lực quyết định việc năng lượng được tiêu thụ nhanh hay chậm. Sự tập trung là thứ con người chủ động được. Điều chỉnh sự tập trung là cách đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh áp lực.

Mỗi công việc cần áp lực khác nhau. Những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại cần áp lực thấp, còn bế tắc cần áp lực cao.

Sự tập trung giúp tốc độ công việc tăng lên nhưng lại làm năng lượng bị tiêu thụ nhanh. Quan hệ này (“tốc độ - sự tập trung”) không phải là lí tưởng, tức là có thể tốc độ chỉ tăng lên một ít trong khi phải tập trung rất nhiều. Thế nên, để tối ưu, mỗi công việc cần mức độ tập trung khác nhau.

Không tập trung không có nghĩa là làm ẩu. Bằng cách chủ động làm việc chậm lại, ta vẫn đảm bảo được sự chắc chắn.

Bế tắc càng lớn thì cần sự thay đổi càng lớn. Tập trung khi gặp bế tắc là việc cần làm và không có lí do gì để bỏ qua.

P/S (quan trọng)

Ở chương II, tôi đã nói rằng, để tối ưu thời điểm hết năng lượng nên trùng với thời điểm hết giờ. Việc điều chỉnh áp lực giúp ta làm được điều đó.

Bằng việc ước chừng lượng năng lượng còn lại (ở chương II), bạn sẽ biết mình nên điều chỉnh áp lực như thế nào. Ví dụ như gần hết giờ mà vẫn còn nhiều năng lượng, việc bạn cần làm là tăng áp lực lên.

Sự lo lắng là một nguyên nhân làm con người không thoải mái. Việc thoải mái ảnh hưởng đến kì thi như thế nào sẽ được bàn luận ở chương IV.

Bế tắc cần sự tập trung, song đó chỉ là một yếu tố. Sự thoải mái là một yếu tố khác giúp giải quyết bế tắc. Vấn đề này sẽ được bàn luận ở chương IV.

(còn nữa)