Kiểm soát năng lượng trong kì thi (phần 1+2)

Chương I. Giới thiệu

Làm việc gì cũng tiêu tốn năng lượng. Thông thường, mọi người sẽ tiêu thụ năng lượng theo bản năng. Tuy nhiên, việc tự động tiêu thụ này không phải là tốt.

Chắc chắn, bạn đã có lần phải thốt lên rằng, “cả ngày hôm nay mình chả làm được cái quái gì”, “từ sáng đến giờ chả làm được gì”. Đó là những lúc bạn dùng năng lượng không hiệu quả.

Tôi đã từng như vậy, nhất là trong các kì thi. Thỉnh thoảng, tôi thấy mình suy nghĩ kiểu, “một tiếng vừa rồi chả làm được cái gì”. Tệ nhất là APIO 2014, 4 tiếng cuối trong kì thi, tôi làm bài hoàn toàn trong bế tắc.

Cần phải tiêu thụ năng lượng một cách chủ động. Nhờ vào việc biết tiêu thụ năng lượng đúng cách, tôi đã rất thành công. Vòng II QG 2015, mỗi ngày thi tôi đều đạt 16-17 trên 20 điểm, và rank 1 sau cả hai ngày. APIO 2015, tôi được 300/300 điểm. Mặc dù điểm cao như vậy, tôi không mệt mỏi mà ngược lại cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng sau mỗi kì thi.

Tôi viết bài này để nói ra những kinh nghiệm của tôi để dùng năng lượng hiệu quả trong các kì thi. Những kinh nghiệm này tôi đã đúc kết trong một thời gian dài, nội dung trong bài viết này đều đã được xem xét cẩn thận. Tuy nhiên vì đây là những suy nghĩ cá nhân, nếu bạn không cảm thấy thuyết phục thì đây cũng là chuyện bình thường.

Chương II. Năng lượng là có hạn

Năng lượng của mỗi người không phải vô hạn. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên và nhảm nhí. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn. Trong một ngày, mọi người có một lượng năng lượng nhất định, nhưng chả mấy ai dùng hết nó cả. Còn trong một kì thi, mọi người cũng có một lượng năng lượng nhất định, nhưng chưa hết kì thi thì người ta dùng năng lượng hết sạch nó rồi.

Năng lượng là thứ đáng giá, không được lãng phí

Tại sao hằng ngày ta không dùng hết năng lượng mà chỉ trong một kì thi 3-5 tiếng ta đã dùng hết rồi?

Hằng ngày, mọi người ở trong áp lực thấp và không cần suy nghĩ liên tục. Khi làm việc, có nhiều công việc quen thuộc và không cần phải tốn sức lực (ví dụ như đánh răng, rửa mặt). Một số công việc cần nhiều sức lực nhưng lại không cần suy nghĩ (ví dụ như quét nhà, giặt quần áo, chơi thể thao). Khi học, mọi người thường chỉ học ở cường độ bình thường (cường độ mà mọi người đã quen và thích nghi với nó), không máu lửa, máu chiến như lúc thi. Thế nên, não hoạt động ở cường độ bình thường, thỉnh thoảng được nghỉ ngơi nhờ các hoạt động không cần suy nghĩ.

Trong kì thi, mọi người ở trong áp lực cao và suy nghĩ liên tục. Có thể nói, chả có bộ phận nào phải hoạt động ngoài não cả. Đã vào phòng thi là ai cũng đều máu lửa, máu chiến, sẵn sàng chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Không phải quét nhà rửa bát nên cũng không có thời gian cho não nghỉ ngơi. Áp lực trong lúc thi là điều không thể tránh khỏi. Những thứ trên cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa ngày thường và ngày thi. Việc não phải hoạt động ở cường độ cao và liên tục như vậy khiến việc hết năng lượng nhanh chóng là điều dễ hiểu.

Có thể kết luận rằng, năng lượng trong lúc thi là đáng giá. Thế nên ta không được lãng phí nó.

Năng lượng có thể ước chừng được

Coi mức năng lượng khi bạn tràn đầy năng lượng là 100%. Còn mức năng lượng khi bạn kiệt sức là 0%. Bằng kinh nghiệm bản thân, bạn có thể tự đánh giá được mức năng lượng đang có của mình.

Năng lượng ở não và năng lượng ở cơ thể là khác nhau. Việc cơ thể chưa hết năng lượng nhưng não đã kiệt sức là chuyện bình thường. Trong thời gian thi, chỉ có mỗi não là phải hoạt động, các bộ phận khác làm việc chả đáng là bao. Thế nên ta chỉ quan tâm đến năng lượng ở não.

Trong một ngày thông thường, mức năng lượng có thể tăng hoặc giảm. Mọi người đều biết cách để hồi phục năng lượng là ăn, ngủ, nghỉ ngơi. Nhưng mà vì đây là trong kì thi, ta không làm vậy. Thế nên, trong kì thi, mức năng lượng chỉ giảm chứ chả bao giờ tăng.

Nhờ việc biết được mức năng lượng hiện tại của mình, bạn có thể lấy đó làm căn cứ để đưa ra những quyết định trong kì thi. Sau đây tôi xin đưa ra một số ý nghĩa, tác dụng của việc tự đánh giá năng lượng. Ý tôi là, việc tự đánh giá năng lượng cho phép ta làm những điều như sau.

Nếu trước khi kết thúc kì thi mà bạn hết năng lượng, bạn sẽ lãng phí thời gian còn lại của kì thi. Nếu đã kết thúc kì thi mà bạn còn năng lượng, bạn sẽ lãng phí lượng năng lượng mà bạn còn lại. Thế nên, để tối ưu, thời điểm kết thúc kì thi cũng là lúc bạn hết năng lượng. Việc tự đánh giá mức năng lượng cho phép ta điều chỉnh thời điểm hết năng lượng rơi vào đúng thời điểm kết thúc kì thi.

Giả sử một nửa thời gian thi trôi qua, bạn còn hơn 50% năng lượng. Suy ra trong thời gian còn lại, bạn phải tăng áp lực lên để tận dụng hết năng lượng.

Giả sử một nửa thời gian thi trôi qua, bạn còn ít hơn 50% năng lượng. Suy ra việc bạn cần làm là tìm cách thư giãn. Trong thời gian còn lại, bạn cần làm bài bình tĩnh và giảm áp lực xuống.

(còn nữa)