TRUYỀN HÌNH NƠI CỔNG TRỜI

Post date: Jun 20, 2012 11:28:36 PM

Cheo leo, chót vót. Độ cao trên 2000m so với mặt biển đã làm cho Mường lống trở thành xã cao nhất nơI miền Tây xứ Nghệ - nơi thường gọi: cổng trời. Và, ngay cửa ngõ của thủ phủ người Mông này, sừng sững một trạm phát lại truyền hình đã gánh trên vai biết bao mưa nắng, biết bao sự biến chuyển thời cuộc…

Hàng ngày, cứ chiều tối, anh Lầu Nhìa Lì lại rảo bước chân lên trạm để thực hiện một buổi phát sóng cho bà con xã Mường Lống và các xã lân cận. Trạm phát lại truyền hình nằm trên ngọn đồi cao nhất của xã Mường Lống. Nơi đây ngày thì nóng, đêm lại lạnh đến cắt da cắt thịt. Chúng tôi vẫn đùa nhau rằng: cuộc sống của người kĩ thuật viên nơi đây giống như một ẩn sĩ. Du khách thăm Mường Lống, dừng lại chụp vài ba kiểu ảnh ở cổng trời chứ chẳng quan tâm nhiều đến những con người lầm lũi ở trạm nhỏ kế bên. Thế nhưng, không vì thế mà họ buồn. Niềm vui của họ chính là những ánh mắt trẻ thơ được xem chương trình thiếu nhi, là nụ cười của cụ già mỗi khi thấy bản làng mình hiện lên màn ảnh, là niềm hạnh phúc, sự biết ơn của những người nông dân chất phác khi được tiếp thu những kiến thức khoa học kĩ thuật… Tất cả… với các anh, hơn bao giờ hết là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là niềm vui, lẽ sống ở đời…

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm lại năm, những người trực trạm vẫn cần mẫn làm công việc tưởng chừng như đơn điệu của mình. Lên đồi lấy nước, khởi động chiếc mày nổ đã già nua, cũ kĩ, kiểm tra nguồn điện và dò sóng để bắt được một hình ảnh đẹp, một tín hiệu âm thanh trong trẻo. Lo lắng nhất vẫn là nguồn điện không ổn định, hay tín hiệu bị mất vì thời tiết xấu, nếu không xử lí kịp thời, bà con sẽ không được xem những chương trình ti vi của nhà nước; sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của địa phương. Mùa lạnh, những cơn gió buốt thổi qua mái nhà đã lỗ chỗ mụn mọt. Co ro bên bếp lửa, chưa kịp ấm chỗ, người kĩ thuật viên đã phải chạy đến chiếc máy nổ đang long sòng sọc để tiếp nước giải nhiệt. Nhiều lúc thầm nghĩ: “Cái máy! Thế mà khoẻ, bao nhiêu năm rồi vẫn quyết liệt vât lộn với bệnh tật để tạo ra nguồn điện xoay dòng”. Có đêm, khi thực hiện xong ca trực, đánh một giấc nồng; khi tỉnh giấc, mở cửa thì cành cây, ngọn cỏ đã lấm tấm tuyết phủ. Mường Lống lạnh nhưng các anh ấm lòng bởi sự thương yêu, cảm phục của bà con. Cháu bé đi bẻ măng về tạt qua tặng các anh vài củ, chàng trai đi săn về mời các anh cút rượu sắn, mẹ già lên rẫy, lúc trở về không quên mang theo dăm cọng rau cho các anh ở trạm. người dân trong xã yêu mến gọi các anh bằng cái tên thô mộc và giản dị: “anh Lì truyền hình. Anh Nội truyền hình”. Tình thương và lòng trân trọng của mọi người đã giữ các anh lại với núi rừng xa xôi.

Mỗi năm, trạm phát lại truyền hình Mường Lống đã phát sóng được trên 1400 giờ; góp phần to lớn trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước vào công đồng dân cư. Từ khi có trạm, đời sống nhân dân ở đây được cải thiện rõ rệt. Họ được chứng kiến mọi sự kiện của đất nước, được giao lưu với nền văn hóa mọi mìên dẫu chỉ qua màn ảnh nhỏ. Những kiến thức khoa học kĩ thuật đã giúp cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lí. Mường Lống có 14 bản, 633 hộ với hơn 4000 nhân khẩu. Năm 2003, cả xã không còn hộ đói kém. Mường Lống đang trở mình mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường. Người dân ở đây phấn khởi lắm; họ càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước năm 1995, Mường Lống có gần 600 ha thuốc phiện. Nàng tiên nâu nhiều nhưng không giúp đời sống dân cư khá lên. Họ vẫn quẩn quanh bế tắc trong nạn nghiện hút, trong tập tục du canh du cư, đốt rừng làm rẫy. Vậy mà, chỉ chưa đến 10 năm sau, từ khi có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Mường Lống như đã lột xác, vẽ lên một diện mạo mới. Năm 2002, cả xã mới có 15.141 gốc mận Tam hoa thì đến nay số lượng là trên 25.000 gốc. Đàn gia súc gia cầm như bò, dê, lợn , gà cũng phát triển mạnh. Ước tính cả xã có hơn 1000 con bò, gần 1000 con dê. Nhiều hộ gia đình đã khoanh nuôi gia súc một cách hiện đại trên khu đồi hàng chục ha. Nhiều gia đình đã mua được xe máy, ti vi và sắm sửa các đồ dùng đắt tiền khác.

Bây giờ, Mường Lống bạt ngàn trong mận tam hoa, trong cải bắp xứ lạnh. Đến mùa thu hoạch, hàng suối mận chảy lên ô tô, tiến ra thị trấn Mường Xén và theo chân du khách về mọi nẻo đường. Những lúc đó, Đảng uỷ, chính quyền và bà con nhân dân trong xã không ai quên các anh - những người trực trạm truyền hình. Chén rượu mận đầu mùa minh chứng cho điều đó.

Những ai đến Mường Lống, hãy ghé thăm trạm phát lại truyền hình ở ngay cửa ngõ bản mường! Nơi đó có những con người vẫn đêm ngày cặm cụi cùng chiếc máy nổ già nua, cũ kĩ để tiếp phát những nguồn tin từ khắp mọi miền Tổ quốc. Họ như người người gác cổng trời…