Có MộT LÊ CÔNG VINH “CHÂN ĐấT”

Post date: Jun 19, 2009 7:15:08 PM

Tiếp chúng tôi là ông Lê Công Duệ, bố Lê Công Vinh - ‘cậu bé vàng’ của bóng đá xứ Nghệ và là người hùng của bóng đá Việt Nam. Trong cái lạnh của mùa đông xứ Bắc, mái tóc hoa râm của ông như xanh thêm nhiều sợi; sự vui mừng, niềm hạnh phúc lấp đầy những nếp nhăn… Công Vinh không ở nhà, nhưng anh hiện hữu trong căn hộ ấm áp qua những khung ảnh, những kỉ vật, bằng khen, tấm áo… và tất nhiên, cả chiếc huy chương AFF 2008 mới toanh lấp lánh ánh vàng. Bằng chất giọng rắn rỏi của người đã trải biết bao chuyện đời, ông Duệ kể về cậu con trai với vẻ hãnh diện, tự hào…

Từ nhỏ, Vinh đã ‘say bóng’. Chiều nào cũng vậy, đường làng, bãi cỏ đều ồn ào, rộn ràng bởi đội bóng chân đất của Vinh. Bóng là một trái bưởi rụng, cũng có thể là một bó rơm cuộn tròn, sang hơn là quả bóng vá chằng vá đụp - thế là ‘xịn’ lắm rồi đối với đám trẻ quê Vinh (Quỳnh Lâm - Quỳnh Lưu). Và giữa đám bụi hồng, đám trẻ say sưa hò hét, phô diễn hết tất cả những kĩ thuật mà chẳng có sách dạy bóng đá nào đề cập đến. Hình ảnh “Vinh còm” “tả xung hữu đột” để ghi bàn vẫn đọng mãi trong lòng bạn bè và người dân xứ Quỳnh Lâm. Những hôm bóng hỏng, cả lũ buồn rầu, Vinh nảy ra “sáng kiến” vận động bạn bè mò cua, bắt ốc đem ra chợ kiếm tiền tậu bóng mới… Cứ thế, Vinh lớn lên qua những lần bàn chân đen xỉn vì lội bùn, móng chân tróc toác vì mặt sân nhấp nhô. Tết về, chị em, bạn bè ai cũng muốn một bộ quần áo mới, nhưng Vinh cứ ao ước có một quả bóng. Mãi khi có bóng trong tay, “Vinh còm” mới tin đó là sự thật, ánh mắt cứ rơm rớm. Đêm hôm đó, cậu bé Vinh ôm bóng vào lòng và đi vào giấc mơ với niềm vui “Sút… Vào…”

Bây giờ, khi đã nổi danh, trong thâm tâm Vinh vẫn nhớ như in đội bóng thời thơ ấu. Nhớ nhất là anh “Điếc”. Đó là người bạn bị dị tật bẩm sinh nhưng khi chơi bóng lại không hề kém ai. Nghị lực và niềm đam mê của bạn đã thổi thêm sinh lực trong Vinh, khiến anh quyết tâm theo nghiệp túc cầu. Mỗi lần về quê là một lần anh về thăm “Điếc”. Họ tìm đến sân bóng ngày xưa, ngắm những bờ ruộng từng lần mò cua ốc để vui mừng và tự hào. Cùng với trái bóng, Lê Công Vinh vẫn giữ lại những tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng - điều mà nhiều cầu thủ trẻ nổi danh ở xứ Nghệ không có…

Ông Lê Công Duệ cho chúng tôi xem những tấm hình của Vinh lúc nhỏ. Dáng vẻ mảnh khảnh, rụt rè của Vinh khiến ít người liên tưởng đến một ngôi sao lớn. ấn tượng nhất với chúng tôi là bức ảnh Vinh chụp với ông nội năm 1999. Lúc đó, Vinh mới 14 tuổi, cao lêu đêu và gầy, nhưng khuôn mặt hiền, ánh mắt chân thành khiến cho ai gặp cũng yêu mến. Thời điểm ấy, Vinh đã luyện tập ở đội trẻ Sông Lam Nghệ An được một năm dưới sự dìu dắt của huấn luận viên Hà Thìn. Năm 1998, trong một lần tìm kiếm tài năng trẻ ở cơ sở, Vinh đã lọt vào mắt xanh của Ban huấn luyện đội trẻ Sông Lam Nghệ An. Như mở cờ trong bụng, Vinh khăn gói xa nhà để theo nghiệp bóng đá. Ngày ấy, Sông Lam Nghệ An là một thế lực lớn của bóng đá Việt Nam, được vào tuyển trẻ là một điều vinh hạnh lớn lao. Cả làng hãnh hiện chứ không riêng gì Vinh. Không ai ngờ “Vinh còm chân đất” lại được xỏ vào đôi giày của Sông Lam Nghệ An. Oai lắm chứ…

Khi chúng tôi hỏi vì sao Vinh vẫn gầy thế, ông Duệ cười: gầy là phải, Vinh luyện tập gấp đôi người khác, chậm mà chắc. Vâng, thành công hôm nay của anh không phải từ đâu rơi xuống mà chính từ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của cầu thủ chân đất ngày nào. những ngày đầu lên tuyển, Công Vinh vẫn lặng lẽ luyện tập “dưới trướng” của những cái bóng lớn như Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn... Lúc 16 tuổi, một số cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An đã nổi danh như cồn, còn Công Vinh vẫn lặn lội tập ngày tập đêm ở đội trẻ. 18 tuổi, anh vẫn bị chê là cứng khô như củi, không có nhiều pha bóng dẻo và lắt léo như Văn Quyến, ánh Cường. Thế nên, người hâm mộ xứ Nghệ không dành nhiều ưu ái cho Công Vinh. Để bù đắp những thiếu hụt về năng khiếu, “Vinh còm” đã khổ luyện bằng hai, ba lần người khác. Vừa luyện tập, Vinh vừa noi gương chị Bích, em Chi (chị em gái Lê Công Vinh) để quyết tâm học tập và tốt nghiệp THPT loại khá. Tuy chưa va chạm với xã hội nhiều nhưng từ nhỏ Vinh đã ý thức được hoàn cảnh gia đình và ý thức được bản thân mình đang đứng ở đâu để tiếp tục phấn đấu và rèn luyện.

Cơ hội đến với Vinh đầu tiên là những trận đấu ở những trận đấu ở JVC Cup 2003. Lúc đó, người hâm mộ đã thấp thoáng thấy một tiền đạo lớn sau vóc người gầy gò, gò má nhô cao vì luyện tập sương gió. Và việc được khoác áo tuyển Olympic dự SEA Games 22, rồi chơi bên cạnh Lê Huỳnh Đức trong Tiger Cup 2004 khiến Công Vinh càng thêm tự hào và nỗ lực hơn. Và 19 tuổi, “Vinh chân đất”ngày nào đã đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2004. Ngày nhận giải, cả quê hương Quỳnh Lâm nở nụ cười…

Về SLNA với ánh hào quang của quả bóng vàng, Công Vinh phải liên tục "mài đũng quần" trên băng ghế dự bị. Rồi trước SEA Games 23, HLV A.Riedl vẫn không cho Công Vinh nhiều cơ hội mặc dù anh luyện tập chăm chỉ và có phong độ ổn định. Lê Công Vinh đã sốc, thậm chí anh đã cảm thấy tuyệt vọng và có lúc nghĩ đến chuyện xin ra khỏi đội tuyển U-23 Việt Nam. Thế nhưng, hình ảnh người cha đã “hi sinh đời bố củng cố đời con”, người mẹ tần tảo trên chiếc xe Win kềnh càng nuôi chị em gái Bích – Chi ăn học càng khiến Vinh quyết tâm tiếp tục cuộc đua mới. "Nếu ngã, hãy đứng dậy và chạy tiếp", đó là chân lí mà Vinh đặt ra cho mình ngay khi đặt chân vào sân cỏ thánh địa thành Vinh.

Những năm sau, với sự sa sút, thậm chí sa đọa của nhiều cầu thủ trẻ, Vinh vẫn trụ vững giữa bao nhiêu cám chỗ vật chất và danh lợi. Anh luyện tập chăm chỉ, tiến những bước đều và chắc. ở tuổi 24, tiền đạo xứ Nghệ đã có những danh hiệu mà với nhiều người khác, dù phấn đấu cả đời vẫn không chạm tới: Quả bóng vàng Việt Nam năm 2004, 2006, 2007; Quả bóng Bạc năm 2005; Vua phá lưới Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh 2004; Vua phá lưới Cúp bóng đá Việt Nam 2004; Cầu thủ xuất sắc nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam 2004; Vô địch Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh 2005; hạng nhì 2004; hạng ba 2006; Hạng nhì King Cup 2007; Hạng ba giải vô địch bóng đá Đông Nam á 2007; Vô địch AFF Suzuki Cup 2008.

Chia tay ông Lê Công Duệ vừa lúc truyền hình công bố chiếc áo của Công Vinh đã được bán tại phiên đấu giá ủng hộ người nghèo với giá 90 triệu đồng. Chiếc áo này được Vinh mặc trong trận bán kết thắng Singapore 1-0. Sau khi vô địch, Vinh ngỏ ý được tặng nó trong cuộc đấu giá gây quỹ ủng hộ người nghèo do Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Được biết, đầu năm 2009, Đội tuyển Việt Nam tới Bệnh viên ung bướu TP Hồ Chí Minh để thăm các em nhỏ đang điều trị tại đây. Chính những bệnh nhân nhí này đã gửi những bức thư cảm động tới tuyển Việt Nam trước giờ sang Phuket đá vòng loại bảng B, AFF Cup 2008… Tại đây, họ được sống trong không khí ấm áp từ 150 bệnh nhi và hàng trăm phụ huynh, cán bộ công nhân viên của Bệnh viện. Trước khi ra về, đoàn đã ủng hộ Bệnh viện 5.000 USD và 100 triệu đồng.

Teewilson có câu danh ngôn rằng: “Trong 10 lần thành công thì 9 lần nhờ sự hăng hái và niềm tin trong công việc”. Lê Công Vinh có được ngày hôm nay chính là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, khởi nguồn từ cầu thủ chân đất mò cua bắt ốc ngày nào…

Bình Minh - Nguyễn Hiền