Đinh Hùng

Đinh Hùng (3/7/1920 - 24/8/1967) người làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông cũ, nay là xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết.

Tháng 8-1954, ông cùng vợ con vào Nam, lập ra tờ nhật báo Tự do, có sự cộng tác của Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong... Năm 1955, nhật báo trên đình bản, ông cộng tác với Đài phát thanh Sài Gòn, giữ mục Tao đàn chuyên về thơ ca, cho đến hết đời. Trong những năm tháng ở Sài Gòn, Đinh Hùng viết tiểu thuyết dã sử Cô gái gò Ôn khâu, Người đao phủ thành Đại La và làm thơ trào phúng trên báo Tự do, báo Ngôn luận.

Năm 1944, ông cùng vợ mới cưới là Nguyễn Thị Thanh về Thái Bình dạy học. Khi ấy, Vũ Hoàng Chương và vợ cũng đang tản cư về nơi đó. Năm 1949, Đinh Hùng cùng vợ con về lại Hà Nội. Tại đây ông cho ấn hành giai phẩm Kinh đô văn nghệ (1952) và Mê hồn ca (1954).

Năm 1961, ông cho in tập Đường vào tình sử (tác phẩm này được trao giải thưởng Văn chương về thi ca năm 1962). Năm 1962, ông cho ra tuần báo Tao đàn thi nhân, nhưng mới phát hành được 2 số thì ông mất lúc 5 giờ sáng ngày 24-8-1967 tại bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn, vì bệnh ung thư ruột. Sau khi ông mất, nhà xuất bản Giao điểm cho phát hành tác phẩm Ngày đó có em vào ngày 16-10-1967.

Ngoài những tác phẩm vừa kể trên, Đinh Hùng còn có 8 tác phẩm chưa xuất bản: Tiếng ca bộ lạc (thơ), Tiếng ca đầu súng (hồi ký), Dạ lan hương (văn xuôi), Sứ giả (tuỳ bút), Vần điệu giao tình (cảo luận) và 3 kịch thơ Lạc lối trần gian, Phan Thanh Giản, Cánh tay hào kiệt.